Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm - NHỚ VỀ THẦY PHẠM HỮU ÂN.

02 Tháng Mười Hai 20171:59 SA(Xem: 14217)
Nguyễn thị Thêm - NHỚ VỀ THẦY PHẠM HỮU ÂN.

NHỚ VỀ THẦY PHẠM HỮU ÂN.

Thay PH Ân

 

 

Tôi đang ở Nhật, nghe tin thầy Ân mất, tôi thật bàng hoàng.

Người học trò cũ của Thầy ở nơi xa chỉ biết viết những lời phân ưu gửi vào trang Web.

Thú thật không có người học trò cũ nào của trường Trung Học Long Thành không biết và không nhớ đến thầy Phạm Hữu Ân.

 

Chúng tôi may mắn là những lớp đầu tiên, sau khi tốt nghiệp Sư Phạm thầy về trường Trung Học Long Thành giảng dạy. Hình ảnh thầy trong mắt chúng tôi là đẹp trai và có dáng dấp lịch sự như một công tử.

 

Thầy cao, trắng trẻo với đôi kiếng cận. Giọng nói sang sảng và rất …điệu. Cái điệu ít có ở những người thầy giáo khác. Thầy khác biệt hoàn toàn với thầy Phúc dạy tập thể dục lùn lùn và da ngâm đen. Thầy cũng không giống thầy Ri hơi to con, thô kệch. Không giống thầy Hùng tuy có nhiều nét thanh tú nhưng da đen như Ấn Độ. Thầy Ẩn cũng cao như thầy nhưng khắc khổ và có vẽ đàn ông hơn.Thầy mà đứng gần thầy hiệu trưởng Huỳnh Trung Trực thì lại là hai phương trời cách biệt.

 

Chúng tôi học thầy môn Việt Văn và say mê trong những giờ kim văn và cổ văn thầy đã dạy. Giọng thầy sang sảng, thơ thuộc làu làu. Thầy đã cho chúng tôi nhớ hoài những bài thơ, bài văn thật hay của Thanh Tịnh, Khái Hưng, Nhất Linh, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… Đến bây giờ thỉnh thoảng gặp nhau trên Email. Chúng tôi những học trò già U70 thỉnh thoảng vẫn đố nhau về những bài thơ cũ. Những bài thơ thầy dạy thời 13, 14 tuổi thơ ngây đi học trường Trung Học Long Thành.

 

Thầy Ân có cái tài lẻ là thầy có thể làm hai vành tai mình nhúc nhích. Chúng tôi hồi đó thích lắm, thỉnh thoảng lại xúi thầy làm thử cho xem. Thầy cũng có cái tật là búng ngón tay rất điệu. Thầy đi cũng điệu, nói cũng điệu, ăn mặc chải chuốt và trắng trẻo như con gái. Thú thật hồi đó, thời mới lớn vốn bản tính nhiều chuyện hay kháo với nhau “ hay là thầy thuộc dạng …” xin vong hồn thầy tha thứ cho tụi em.

 

Rồi đùng một cái thầy lấy vợ. Tụi học trò quỷ sứ ngạc nhiên hết sức. Ôi thôi là bàn ra tán vào. Thiệt là không có chuyện gì về thầy, cô giáo mà nhóm học trò không tọc mạch‎. Từ nay thầy chính thức làm rễ Long Thành. Thầy biến thành người nhà và tuy cũng còn sợ thầy nhưng ít nhất cũng thân hơn. Vì nhà thầy cách trường chỉ mấy bước và gia đình bên vợ thầy thì có bà con cùng khắp quận nhà.

 

Chúng tôi học xong lớp đệ tứ trường Trung Học Long Thành phải thi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Địa điểm thi là trường Ngô Quyền, một trường tỉnh lớn nhất lúc đó. Chúng tôi bắt đầu đối diện với chính bản thân mình. Phải cố gắng thi đậu để không phụ lòng cha mẹ. Mặc dù thi rớt bằng Trung Học vẫn được học tiếp để thi tú tài. N

hưng chúng tôi cũng gạo bài ghê lắm. Cả lớp thức mờ con mắt để học thi. Ngoài ra chúng tôi còn phải chuẩn bị cho mình bước kế tiếp khi lên đệ nhị cấp. Tất cả học sinh công lập trường Long Thành được chính thức gia nhập hàng ngũ học sinh công lập Ngô Quyền. Chúng tôi phải chọn môn học cho mình để dọn đường vào Đại Học và nghề nghiệp sau này. Có 3 môn để chọn. Ban A, B và C.

 

Những ngày cuối niên khóa chúng tôi phân vân không biết mình phải chọn môn gì? Các thầy hướng dẫn là những người cho chúng tôi những lời khuyên đúng đắn nhất. Tôi hỏi thầy Kiệt. Thầy Kiệt khuyên tôi chọn ban A vì tôi cũng thuộc loại gạo bài. Tôi hỏi cô Hảo. Cô khuyên tôi nên chọn ban B vì môn toán tôi cũng khá. Tôi hỏi thầy Ân, thầy nói tôi nên chọn ban C vì mỗi lần thuyết trình hay viết bình luận tôi cũng khá. Tôi suy nghĩ ghê lắm vì mấy nhỏ bạn thân tôi đều chọn A và B. Nhưng trời xui đất khiến, tôi đã nghe lời thầy Ân tôi chọn ban C. Cả trường Long Thành chỉ mình tôi và Hỏa Thị Kim Hòang chọn ban này.

 

Hai năm học điên cái đầu vì văn chương chữ nghĩa. Hán văn nhiều nét ngang dọc học muốn khùng mà viết không xong. Tiếng  Pháp, tiếng Anh học nhiều mà chạy đi đâu mất tiêu. Học triết thì như người mù quơ gậy đi trong ban ngày. Bạn bè kháo nhau chỉ mấy đứa học tệ nhất và làm biếng nhất mới chọn ban C vì học lơ tơ mơ chẳng có gì làm chuẩn. Nghe xong tôi thấy con đường tương lai mình mù mịt thiệt, Tôi thuộc học sinh giỏi, được thầy cô thương, bạn bè mến. Trong suốt quá trình đi học, đây là lần đầu tôi thấy mình thiếu tự tin. Tôi học ngày học đêm  mà tôi cũng không biết lần thi này mình có đậu hay không?. Vì văn chương hay hay dở tùy người chấm thi nhận định chứ chẳng có thước đo nào chính xác. Kết quả tôi đậu tú tài I mà hú hồn, không biết lớp Nhị C Ngô Quyền của chúng tôi đậu được mấy đứa. Bởi vì sau mùa hè năm đó, bước ra khỏi cổng trường Ngô Quyền là chúng tôi như những cánh chim bay đi muôn phương không hẹn ngày trở lại.

 

Thầy Ân đã cho tôi một niềm tin vào văn chương chữ nghĩa. Thầy đã rót vào tâm hồn tôi những hy vọng và những ước mơ. Thầy khiến cho chúng tôi bay bổng theo những bài giảng rất hay của thầy. Trong tôi thầy vẫn là vị giáo sư tôi rất mực kính yêu và cảm phục.

 

Tôi không biết sau này với chức vụ Tổng Giám Thị, với sâu chìa khóa leng keng thầy khó đến mức độ nào. Nhưng theo tôi, một người mô phạm như thầy khó cũng có nguyên do của nó. Thầy đã gắn bó đời mình với ngôi trường Trung Học Long Thành, từ lúc mới ra trường đến ngày nghỉ hưu, thì thầy đã coi đây là mái nhà thân yêu của mình. Thầy khó với học sinh cũng là vì trách nhiệm và yêu thương họ mà thôi.

 

Mấy chục năm rời trường, năm 2005 tôi trở về lại Long Thành. Tôi đã gặp lại thầy Kiệt và thầy Ân trong một lần tổ chức họp mặt. Tôi mừng và xúc động muốn khóc khi gặp lại thầy xưa và các bạn già cùng lớp. Các thầy của tôi vẫn còn khỏe mạnh và yêu đời. Chúng tôi đã cùng nhau đọc lại bài “Hoa Thanh Bình” để cám ơn thầy đã dạy. Thầy cũng đọc bài thơ do thầy viết để tặng lại chúng tôi. Những mái đầu đã bạc gói ghém biết bao kỷ niệm giờ có dịp tuôn trào. Tôi đã sống những giây phút đẹp nhất đời mình trong những ngày về lại quê hương.

 

Thầy Ân, Thầy Kiệt, Thầy Ri là những ông thầy cũ của chúng tôi còn cư ngụ tại Long Thành. Các thầy là ba trong số các thầy xưa của khóa 2 THLT  lớp B1 B2 chúng tôi. Nhất là thầy Phạm Hữu Ân gắn bó với học sinh cũ nhiều nhất. Nơi nào có hội họp, họp mặt, học trò mời là thầy sốt sắng tham dự. Thầy là tâm điểm của những học trò xa, học trò gần quy tụ về với nhau. Mỗi năm học trò đều có chút ít quà gửi đến thầy cô cũ. Món quà chỉ là tượng trưng nhưng đã làm các vị thầy xưa cảm động và hãnh diện về nghề nghiệp của mình. Cái nghề thật nghèo, đạm bạc nhưng đầy tình nghĩa.

 

Thỉnh thoảng thầy Ân lại kêu gọi học trò họp mặt ở nhà thầy để vui hội ngộ.

Thầy vui cười đứng chụp hình với học trò. Trong mắt thầy niềm vui thật rạng rỡ. Các học trò cũ tóc cũng bạc như thầy. Họ đã già, con cháu đầy đàn nhưng lúc nào cũng cung kính và yêu mến ông thầy hồi còn trẻ.

 

Mấy năm sau này  sức khỏe thầy ÂN mỗi ngày mỗi xuống. Nhất là cái chân hành hạ thầy thường xuyên. Lớp chúng tôi đã có bạn Đào Văn Hân luôn đại diện bạn bè theo dõi và giúp đở mỗi khi thầy đau yếu. Các bạn lớp tôi và các khóa khác thường đến thăm thầy, giúp thầy khi cần . Các anh chị cũng hay chọc phá thầy cho cuộc sống thầy thêm chút niềm vui.

 

Bây giờ thì hết rồi, theo luật tử sinh đến lúc thầy cũng phải ra đi. Những gì thầy để lại cho đời là một tấm gương đẹp của nghề cầm phấn. Những bài giảng thật sống động và hấp dẫn mà nhóm học trò già chúng tôi nhớ hoài, nhớ mãi.

 

Thầy ơi, ở nơi thật xa nghe tin thầy mất. Em xúc động bàng hoàng. Em cũng còn mang tang mới. Nỗi buồn chia xa người chồng gắn bó suốt 47 năm chưa nguôi. Em hiểu và như thấy được những đau đớn thầy phải chịu đựng trong những ngày cuối đời. Em cũng thông cảm nỗi đau mất mát của gia đình thầy.

Lớp B1B2 chúng em sẽ hẹn nhau đến viếng lễ tang thầy tập thể. Em không thể có mặt cùng các bạn để đốt một nén hương, lạy thầy 4 lạy tạ ơn dạy dỗ. Em chỉ biết ngồi đây, trong cái lạnh cuối thu nơi xứ sở đất nước Phù Tang Em viết những dòng này để kính nhớ tới thầy. Vị giáo sư Việt Văn đã ươm mầm cho em biết cái đẹp của chữ nghĩa. Cái tinh hoa của dân tộc và trân trọng hồn thiêng sông núi.

 

Tận đáy lòng, em cám ơn Thầy và xin thành thật chia buồn cùng tang quyến.

 

Nguyện Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn hương linh Thầy PHẠM HỮU ÂN về nơi an lạc nhất.

 

Vĩnh biệt thầy Phạm Hữu Ân

 

Nguyễn Thị Thêm.

 

21 Tháng Chín 2013(Xem: 59479)
Tựa Đề: HÌNH NHƯ NẮNG VỪA PHAI Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Tuấn Ngọc Ca Sĩ: Hương Giang
21 Tháng Chín 2013(Xem: 62976)
ChsNQ khóa 1 đến thăm thầy Nguyễn Xuân Hoàng và Thầy Phan Thông Hảo
20 Tháng Chín 2013(Xem: 53698)
Phùng Quán vịn vào câu thơ mà đứng vững. Mình dựa vào tình thương của mọi người, nghiến răng, đứng lên mĩm cười với số phận. Cám ơn tình bạn, cám ơn thương yêu và thông cảm.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 57556)
Phải chăng nhà văn không có tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian sống. Thời gian của một nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ họ viết ra.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 54932)
(Viết hôm các bạn của nhật Báo Người-Viêt và Diễn Đàn Thế Kỷ đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng) Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào.
13 Tháng Chín 2013(Xem: 46987)
Mùa Thu sắp về đây. Thu về với lá vàng, với gió heo may và cây trái bắt đầu chín. Mùa Thu cũng là mùa thu hoạch. Mùa Thu đẹp lắm, rừng Thu bát ngát lá vàng rơi
06 Tháng Chín 2013(Xem: 78233)
Cái sung sướng lúc tốt nghiệp không phải là được đi dạy, làm giáo sư cho bằng thoát khỏi sách vở mà chúng như những kinh kệ vô nghĩa nhàm chán..
05 Tháng Chín 2013(Xem: 60278)
Việc bán thơ của Suskin xem ra phù hợp với văn hóa sống nhanh, sống vội, muốn gì được nấy, nhanh như người ta bấm máy truyền hình hoặc vào mạng internet.
05 Tháng Chín 2013(Xem: 45108)
Có cơ hội thì bạn bè gặp nhau vì quỹ thời gian chúng ta chẳng còn nhiều. Xin cám ơn những người bạn trên net của tôi, đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống.
04 Tháng Chín 2013(Xem: 68626)
Đã thành thông lệ, sau lần họp mặt với bạn bè phương xa, bạn bè quê nhà sẽ cùng nhau đóng góp tổ chức tiệc chiêu đãi chia tay để người đi nhớ mãi ân tình nơi cố hương.
31 Tháng Tám 2013(Xem: 73418)
Ông trở thành một “ông già quét chợ” một cách tự nhiên như vậy đó, tự nhiên như khi ông từ đâu không biết đã đến cái chợ làng này…
30 Tháng Tám 2013(Xem: 52712)
Lúc bà mất, cậu Út ôm bà khóc như mưa, nghe cậu nhắn nhủ: "bà ngoại, ông ngoại, ba con ơi! nhớ về thăm cây mít nha!" cả nhà không ai cầm được nước mắt.
30 Tháng Tám 2013(Xem: 83505)
Xin bấm vào tựa các bài muốn đọc
23 Tháng Tám 2013(Xem: 77570)
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được.
21 Tháng Tám 2013(Xem: 89680)
Công của những người đưa đò thầm lặng khoan dung, đã đào tạo bao lớp chúng tôi thành danh, thành nhân. Thời gian với bao biến đổi, nhìn lại cuộc đời chúng tôi luôn dặn lòng ”Nhớ Ơn Thầy, Nhớ Ơn Cô” để có một cuộc đời đáng sống.
20 Tháng Tám 2013(Xem: 50980)
Vì mẹ là ai con nào có thể biết, mẹ là ai hay có thể là bất cứ bà mẹ nào? Mẹ sẽ như nào nhỉ? Mẹ có giống người mẹ đã sinh ra con không? Giống, con cam đoan là giống.
17 Tháng Tám 2013(Xem: 60671)
Thầy ốm, ốm theo cả hai nghĩa. Thầy đang bị bệnh, cơn bệnh kéo dài hơn hai tháng. Thầy nhạt miệng không ăn uống được nhưng nên trọng lượng xuống như vật rơi tự do bị lực hút của trái đất hút xuống.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 51593)
Chỉ một ngày vắng mẹ căn nhà đã quạnh quẽ buồn. Bàn tay mẹ là đôi đũa diệu kỳ biến ra cơm ngon canh ngọt, là ngọn gió mát lành ru giấc ngủ cho con… Vậy mà… Vũ Hạ mới ngần ấy tuổi đầu đã mất mẹ.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 35831)
Trong gian nhà chúng chùa núi quá trưa, có mâm cơm chay dành cho bọn trẻ. Tôi nhẩm đếm, có hơn một chục thiếu niên. Đứa nào cũng đèo đẹt đen đúa, làn da khô héo quắt queo,…
14 Tháng Tám 2013(Xem: 79477)
Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.