Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (P15)

30 Tháng Ba 20171:28 CH(Xem: 17041)
GS. Nguyễn Văn Lục - Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (P15)

Nhận định về ba vai trò của Bảo Đại: Vua, Cố vấn tối cao, và Quốc trưởng (P15)

blankĐây là phần chính yếu trong cuộc đời làm chính trị của vua Bảo Đại, khi ông là Quốc Trưởng. Chẳng những trong giai đoạn này, Quốc Trưởng đã bị loại ra khởi trò chơi quyền lực, mà nó còn xóa bỏ chế độ phong kiến Việt Nam.

Tìm hiểu con người Bảo Đại qua cuốn Hồi ký của ông

 

Bảo Đại và Ngô Đình Diệm

Đồng thời nó cũng kết thúc một cách nhẹ nhàng, có lễ hạ cờ tam tài, có tiễn đưa chế độ thực dân về Pháp. Cả hai trường hợp đã diễn ra một cách có lớp lang như thể đã đến lúc nó phải như thế trong tiến trình bài Phong, giải Thực.

Cứ coi như nó kết thúc một trang sử chẳng lấy gì làm vẻ vang của dân Việt. Công cũng có mà tội cũng nhiều. Chỉ xin mượn lời tóm tắt lại tâm tư của một người trong cuộc có lòng là ông Thủ Hiến Nguyễn Hữu Tri tâm sự với ông Đoàn Thêm trong những ngày cuối cùng ở miền Bắc. Ông Tri nói:

“Não ruột lắm. Ông thấy không? Từ 1948 đến nay, chúng ta ngày đêm nhức đầu óc với việc quê hương. Bao nhiêu khó khăn, rồi tổ chức, rồi cải tổ, thúc đẩy, phá đi làm lại, một kẻ làm ba kẻ chơi, năm kẻ gây hại, thiên hạ vẫn trách móc và bôi nhọ, cố gắng rồi cũng như dã tràng xe cát.. Bao nhiêu lần tôi đã trình Ngài, chỉ có Ngài đích thân xông pha mới lôi cuốn được dân, nhưng Ngài cứ làm thinh. Thú thật là tôi cũng không hiểu nổi Ngài, tuy hay được gần gũi. Tôi chẳng lay động được Ngài, mà nay chết đuối lại vớ phải…”

(Đoàn Thêm, “Những ngày chưa quên, ký sự, 1939-1945”, trang 235)

Trong số một kẻ làm, ba kẻ chơi. Một trong ba kẻ chơi đó có Ngài Quốc Trưởng?

Sự phân tích tìm hiểu trong phần kết đoạn này dựa trên những suy nghĩ nhằm gợi ý độc giả. Tự tìm cho mình một kết luận thích đáng nhất là phần của bạn đọc. Ở dây là những sao chép lại một số mảnh vụn lịch sử dựa trên một vài tài liệu mà người viết nghĩ rằng quan trọng trong mối tương quan Bảo Đại-Ngô Đình Diệm.

Mối quan hệ Bảo Đại Ngô Đình Diệm

Nếu tìm hiểu mối tương quan giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm thì thấy khó có điểm trùng hợp. Họ khác nhau cả về đường lối chính trị, về lý tưởng, về địa vị chính trị, về tính tình và cả hệ số bản thân. Họ khác nhau như nước với lửa.

Có dư luận như Jean Bresson đánh giá Bảo Đại là “Một phần mười của Farouk, hai phần mười của Machiavel và bẩy phần mười của Hamlet.” (Jean Bresson, “La Fabuleuse Histoire de Cannes”, nxb Le Rocher, 1981.)

Nhận xét trên rất là khó nắm. Bởi vì phải biết Farouk là ai, Machiavel là nhà chính trị như thế nào? Muốn biết Hamlet thì phải thuộc lầu văn chương.

Phần tôi cứ lấy cái bề ngoài để xét đoán người.

Trong một xứ còn bán khai, đàn bà còn có người mặc váy, đàn ông ở thôn quê còn có người đóng khố mà vị đứng đầu nước lại quần tây trắng, giầy tây trắng, gậy ba toong cầm tay, đôi khi miệng ngậm điếu xì gà, người phương phi quá khổ như một người Tây trắng. Đôi kính đen trùm mặt như một tài tử ciné. Tôi tự hỏi theo cái cách của cụ Đoàn Thêm: sao lại cứ phải đeo kính đen? Sao lại cứ ở Đà Lạt? Không Đàlạt thì tại Cannes. Mỗi lần Thủ tướng chính phủ muốn thưa trình điều gì lại phải leo núi? Đeo kính đen vì đau mắt? Vì ngại ánh sáng mặt trời hay vì ngại chẳng muốn nhìn ai? Sao lại nhiều bà thế? Nhiều xe thế, đi săn tối ngày thế? Sang Pháp thì cờ bạc như các tay triệu phú Ả Rập?

Và tất cả những khoản ăn chơi, chi phí đủ kiểu ấy chẳng thấy dự trù trong Hiệp định Élysée 8 tháng 3,1949? Ai biết chi phí ấy nằm trong khoản nào của Thỏa Ước, xin chỉ!

Sự khác biệt như vậy nên trong suốt mấy chục năm, mối quan hệ đôi bên đều ở tình thế cực đoan, miễn cưỡng! Như thể số phận đã bắt buộc họ phải liên hệ với nhau nhiều lần một cách chẳng đặng đừng dù là một chọn lựa vì không có chọn lựa nào khác. Nhất là về phía ông Diệm thường thiếu một sự kính trọng cần thiết trong quan hệ bề trên-kẻ dưới.

Phía Bảo Đại, bởi vì không tìm thấy một nhân sự nào trong lúc tình thế đòi hỏi nên bắt buộc ông lại phải gọi đến Ngô Đình Diệm. Trong những năm làm Quốc Trưởng, Bảo Đại đã cử 5 ông thủ tướng cho Quốc gia Việt Nam lần lượt như, Nguyễn Văn Xuân (27 tháng 5 năm 1948 đến 14 tháng 7 năm 1949), Nguyễn Phan Long (21 tháng 1 năm 1950 đến 27 tháng 4 năm 1950), Trần Văn Hữu (tháng 5 năm 1950 đến tháng 6 năm 1952), Nguyễn Văn Tâm (tháng 6 năm 1952 đến tháng 12 năm 1953), và Hoàng thân Bửu Lộc (11 tháng 1 năm 1954 đến ngày 16 tháng 6 năm 1954).

blank

Khai mạc Quốc hội của Việt Nam, diễn đàn  chính phủ: Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm và Hoàng thân Bửu Lộc. Nguồn: Virtual Vietnam

Ông Bửu Lộc lên làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ không được bao lâu thì phải đối đầu một viễn tượng Pháp thua cuộc. Ông xem ra không phải là người của tình thế, nếu Pháp thua cuộc. Bảo Đại bắt buộc phải nghĩ đến một giải pháp thay thế ông. Ngoảnh đi ngoảnh lại không ai khác, ông lại cầu cứu đến Ngô Đình Diệm.

Những thiện chí cố gắng của các chính phủ ấy nếu có đi nữa cũng không đáp ứng được hoàn cảnh chính trị, quân sự ngày một dành ưu thế cho phía Việt Minh.

Cần nhắc lại câu chuyện từ đầu một lần nữa để hiểu rõ cội nguồn là kể từ khi Bảo Đại về nước trong cương vị Hoàng Đế, Bảo Đại đã có ý hướng muốn canh tân xứ sở. Nói theo ngôn ngữ của Bảo Đại là những tentatives de réformes. Những toan tính cải tiến này không có ý cải tiến chế độ mà chỉ nhằm cải tiến nhân sự, theo nghĩa thay lớp quan lại cũ bằng những lớp thanh niên trẻ, học thức, nhất là có tây học. Nhưng vì 10 năm ở bên Tây, Bảo Đại không có được những quan hệ quen biết cần thiết để thành lập một chính quyền theo ý muốn.

Trong những quan lại cũ có Nguyễn Hữu Bài đã trung thành phục vụ dưới ba triều vua kế tiếp và rất được lòng Hoàng Thái hậu, vợ của vua Đồng Khánh. Bà là người tháo vát đã chuẩn bị cho sự trở về của nhà vua và chọn sẵn một số người trẻ qua trung gian Nguyễn Hữu Bài. Và người thứ ba trong nhóm này là ông Jean François Eugène Charles, Khâm sứ Trung Kỳ từ 1913 đến 1920. Ba người này đã giúp Bảo Đại chọn được những người trẻ học thức xứng đáng với tài năng và sự hiểu biết của họ.

blank

Nguồn: Chính phủ  Đông Dương, Vụ thông tin, quốc vương và danh nhân Đông Dương. Hồ sơ theo thứ tự abc, Hà Nội, IDEO, 1943, p. 17.

Người thứ nhất được chọn là Nguyễn Đệ, một trí thức công giáo như Nguyễn Hữu Bài. Tuy nhiên, dù Nguyễn Đệ là một trí thức tây học đi nữa, việc chọn ông cũng vẫn theo thói thường phải có gốc gác. Mặc dầu là người Bắc, tây học, chuyên môn về kinh tế, nhưng lý do chính là mẹ của Nguyễn Đệ lại là người làm việc dưới trướng của Hoàng Thái Hậu. Việc ông được chọn làm thư ký riêng, thân cận với Hoàng Đế là một tước vị cao quý, không dễ mấy người có được. Nguyễn Hữu Bài cũng ủng hộ việc tiến cử Nguyễn Đệ của Hoàng Thái Hậu.

Phần ông Jean François Eugène Charles, tiếng là người của Tây, nhưng xét cả cuộc đời ông, ông dành để phục vụ chăm sóc, hướng dẫn cho Bảo Đại, gián tiếp phục vụ cho quyền lợi của Triều Đình Huế. Khi đưa Bảo Đại về Việt Nam, ông đã ở lại Việt Nam hơn một năm để giúp nhà vua trong việc triều chính. Chính ông là người đề nghị thay Nguyễn Hữu Bài bằng Phạm Quỳnh, một trí thức tự học, một nhà báo, một học giả có khuynh hướng thân Tây phương. Phạm Quỳnh tỏ ra một công thần tận tụy và trung thành với nhà vua trẻ và được Bảo Đại trao phó công việc giám đốc nội các, chức vụ tương đương hàng Bộ Trưởng.

Cả hai người mới được đề cử này đều không có quan hệ với hệ thống quan lại cũ. Phải chăng đây là cuộc cải tổ mang tính chất thật sự đổi mới?

Người thứ ba được đề cử là Ngô Đình Diệm. Người đề cử ông Diệm hẳn là Nguyễn Hữu Bài. Trước khi rút lui về hưu, ông Nguyễn Hữu Bài đã chọn sẵn một người mà dưới mắt ông là con người đắc dụng. Có thể nói đó là con bài tẩy của ông cựu Thượng Thư với sự nghiệp suốt cả đời tận tụy với triều đình đã kiếm người thừa kế mình! Ông Ngô Đình Diệm vốn chỉ là tuần phủ Phan Thiết, được gọi về làm Thượng thư bộ lại đồng thời kiêm nhiệm chức vụ mà ít người lưu tâm tới: làm Thư ký Ủy Ban ban hỗn hợp Việt-Pháp trong việc cải tổ hành chánh.

Đây là một công tác quan trọng giúp cải thiện bộ mặt Hành chánh nhằm cải thiện chế độ quan lại của Triều đình vốn hữu danh vô thực.

Hãy đọc nhận xét của chính Bảo Đại viết về con người Ngô Đình Diệm như sau đây:

“Xuất thân từ một gia đình quan lại, anh là Tổng Đốc Hội An, Diệm 31 tuổi là mẫu người công giáo có cá tính, nổi tiếng về sự thông minh và sự trung thành trọn vẹn. Đó là một người quốc gia bảo thủ.”

Tiếp theo, Bảo Đại viết:

“Tôi tin tưởng vào cặp Phạm Quỳnh-Ngô Đình Diệm. Nhưng Diệm chỉ chấp nhận chức vụ Thượng thư với điều kiện cải tổ xã hội Việt Nam, tiếng tăm là người có cá tính nên tôi tin tưởng Diệm sẽ làm nên chuyện.”

(S.M. Bao Daï, Le Dragon d’Annam, Plon, 1980, trang 37-39)

Có thể ở vào thời điểm ấy, đã không thể có một vị Thượng Thư nào có đủ can đảm và tầm vóc chỉ nhận nhiệm vụ với điều kiện có thể cải tổ được hành chánh.

Tham vọng của Ngô Đình Diệm thật sự quá lớn vượt tầm tay của một quan chức Việt Nam, dù là một Thượng Thư. Bởi vì người Pháp cố tình không muốn có bất cứ cải tổ nào khác đụng chạm đến quyền lợi và cơ chế của họ. Sự bất bình đẳng về mặt hành chánh đã kéo theo nhiều tệ hại lạm dụng chức quyền để cân bằng về bổng lộc thiếu hụt của các quan lại Việt Nam.

Và vì thế, chỉ sau gần 5 tháng ở chức vụ, từ 8 tháng 4, vào tháng 9-1933, Ngô Đình Diệm không tìm thấy bất cứ một hỗ trợ nào từ phía Bảo Đại cũng như Phạm Quỳnh, ông gặp Bảo Đại và xin từ chức mặc dầu với sự nài kéo của Bảo Đại yêu cầu ông ở lại chức vụ.

Việc từ chức của ông Ngô Đình Diệm đã nâng cao uy tín chính trị và được coi là một người quốc gia chân chính. Nó cũng khẳng định ông như một chính trị gia có lập trường cứng rắn biết từ chối danh vọng, quyền lợi nhưng không có nghĩa là ông không có nhiều tham vọng.

Phần Nguyễn Đệ, khi biết Ngô Đình Diệm từ chức, ông cũng xin từ chức theo. Phải chăng giấc mơ cải cách của Bảo Đại trở thành vô thực với sự ra đi của Ngô Đình Diệm và Nguyễn Đệ? Khoảng trống ấy làm Bảo Đại như bị hụt hẫng. Phạm Quỳnh nay thay thế vai trò của Ngô Đình Diệm hẳn trở thành một thứ tay sai dễ bảo của người Pháp.

Kinh nghiệm của Ngô Đình Diệm với vua Bảo Đại là sau đó còn bị thu hồi mọi phẩm trật để lại một niềm đắng cay khó quên. Không lạ gì sau này ông đi tìm một minh chủ là Cường Để? Cường Để được người Nhật hỗ trợ và trở thành một lá bài sáng giá của triều đình nhà Nguyễn trước thế chiến hai.

Sự tuyệt vọng đối với giải pháp Bảo Đại năm 1950 của Ngô Đình Diệm

Mối quan hệ giữa đôi bên càng trở nên căng thẳng vì Ngô Đình Diệm đôi lần đã công khai bày tỏ sự bất mãn với những quyết định của Bảo Đại. Những năm 1950-1951 là những năm biến động nhất đối với cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất. Việt Minh càng tỏ ra hung hãn trong các cuộc tấn công trực diện với người Pháp mà đằng sau họ là sự hỗ trợ không điều kiện của cộng sản Tàu.

Sau những cố gắng khởi sắc của De Lattre như trong các chiến dịch Vĩnh Yên, 1951, Mao Khê-Đông Triều, 1951, Ninh Bình, 1951, Nghĩa Lộ, 1951 đã đánh trả và phá vỡ được các cuộc tấn công của Việt Minh và chiếm lại vị thế chủ động trong các trận đánh ở Sơn Tây, Phủ Lạng Thương, Hà Nam, Ninh Bình, Bình Lu, Phong Thổ, Lục Nam, Đông Triều, Gia Lộc, Hải Dương, Phủ Lý, Nam Định, Vĩnh Ninh, Trà Lý, Thái Bình và nhất là Hòa Bình.

Chỉ trong vòng vỏn vẹn một năm trời, danh tướng De Latre đã làm nên chuyện lớn cho Pháp. Sự ra đi đột ngột vì bệnh của vị tướng lừng danh làm cục diện cuộc chiến xoay chiều, đem lại nhiều bất lợi cho quân đội Pháp. Salan rồi Henri Navarre cũng không làm nên chuyện. Lần lượt 6 vị tướng thay thế nhau để rồi kết thúc một cách nhục nhã ở Điện Biên Phủ.

Phần người Pháp vẫn tỏ ra không biết điều, thiếu thực tâm, không muốn trao trả thực sự nền độc lập cho Việt Nam, vẫn một mực bám víu vào một giải pháp Bảo Đại vốn thực chất chỉ có giá trị trên giấy tờ.

Vì thế, những thành phần công giáo bảo thủ vẫn kiên định giữ lập trường chống người Pháp lẫn cả Việt Minh cộng sản. Giới công giáo có thể đồng thuận với nhau về việc chống cộng sản Hồ Chí Minh, nhưng lại có nhiều chia rẽ và bất đồng trong việc ủng hộ giải pháp Bảo Đại.

Ngô Đình Diệm là một trong số những lãnh đạo công giáo không chấp nhận giải pháp Bảo Đại. Nhưng vào năm 1950, có một số cường quốc nhìn nhận chính quyền do Bảo Đại câm đầu và nhất là sự nhìn nhận bán công khai của Tòa Thánh Vatican đối với chinh quyền Bảo Đại.

Bảo Đại đã đi tìm sự hỗ trợ của Vatican bằng cách gửi Nguyễn Đệ sang Vatican, Nguyễn Đệ được Giáo Hoàng tiếp kiến và chụp hình kỷ niệm. Và bức hình với vị Giáo Hoàng được gián tiếp coi như được sự công nhận của Vatican. Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết đưa đến sự nhìn nhận của đa số thành phần giáo dân Thiên Chúa giáo Việt Nam. Sau chuyến đi chuẩn bị của Nguyễn Đệ, chính bản thân Bảo Đại và gia đình cũng được triều kiến Giáo Hoàng vào ngày 4-9-1950.

Nhưng lập trường của Vatican chỉ thực sự thuận lợi cho Việt Nam khi có chuyến viếng thăm Rome của Đại tướng De Lattre cùng gia đình. Uy tín của De Lattre đủ để Vatican nhượng bước. Vẫn theo De Lattre thời giờ đã không cho phép người công giáo Việt Nam ở thế chờ đợi nữa (position d’expectative).

Có thể vì thế, trong thành phần chính phủ Bảo Đại ngày 18 tháng 1 năm 1950, đã không có một lãnh đạo công giáo nào tham gia trong chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Phan Long. Vì thế chính phủ này chỉ tồn tại không quá 6 tháng để một lần nữa thay thế bằng chính phủ Trần Văn Hữu vào ngày 6 tháng 5, 1950.

Việc thành lập các chính phủ thời Quốc Trưởng Bảo Đại đều có thói quen cố hữu là cân bằng người địa phương cho mỗi vùng.

(Theo Đoàn Thêm trong sách Những ngày chưa quên: Chính phủ Bảo Đại gồm 16 vị thì có 9 Nam, 6 Bắc, 1 Trung. Chính phủ Nguyễn Phan Long có 8 Nam, 3 Bắc, 1 Trung. Chính phủ Trần Văn Hữu, lần thứ nhất có 5 Nam, 4 Bắc. Chính phủ Trần Văn Hữu lần thứ hai, 9 Nam, 6 Bắc. Chính phủ Trần văn Hữu lần thứ ba: 9 Nam, 2 Bắc, 1 Trung. Chính phủ Nguyễn Văn Tâm 1: 6 Nam, 6 Bắc, 2 Trung. Chính phủ Nguyễn Văn Tâm 2: 8 Nam, 4 Bắc, 2 Trung. Chính phủ Bửu Lộc: 7 Bắc, 6 Nam, 1 Trung.)

Từng ấy chính phủ trong thời gian khoảng 1948-1954, 6 năm, là dấu hiệu bất thường. Chưa kể phải cải tổ nội các nhiều lần liên tục cho thấy các chính phủ ấy không đáp ứng được tình thế. Và như thường lệ Bảo Đại ở rất xa trung tâm quyền lực. Có lẽ Việt Nam là trường hợp ngoại lệ duy nhất trên thế giới mà người lãnh đạo luôn luôn vắng mặt.

Thủ đô là ở Sài Gòn. Ngoại giao đoàn ở Sài Gòn. Các cơ quan công quyền đều nằm ở Sài Gòn. Dân có việc thì trình tấu ở đâu? Lễ lạc hàng năm ai chủ tọa? Các đại sứ ngoại quốc muốn trình quốc thư chắc phải làm một cuộc du ngoạn leo núi?

Đây là một sự bất bình thường đến không hiểu được; vậy mà tình trạng ấy được mọi người chấp nhận như thể tự nhiên. Không một ai liên tiếng, không một ai phản đối. Cùng lắm một vài dư luận xì xào to nhỏ!

Phía chính phủ nhiều người Nam toàn những tên tuổi như André, Jacques, những Pierre, những Paul nhiều khi nói tiếng Việt chưa rành hay tiếng Việt pha chế tiếng Pháp, toa, moa loạn xạ. Có thể hy vọng gì vào đám người này mà trong đầu lúc nào cũng toan tính một đất Nam Kỳ tự trị? Khi có biến thì đồng loạt dông, bỏ của chạy lấy người?

Đến khi cần lập nội các thì nhớ tới những người quen biết sẵn trên sân quần vợt, trong sòng bài, một số liên hệ bà con, một số vị có chuyên môn như kỹ sư, bác sĩ, v.v.

Liệu một chính phủ với thành phần chắp vá như thế thì làm được gì?

Và trong nhiều tình huống, nếu làm việc không vấp váp gì thì được lưu nhiệm trong hai ba đợt cải tổ. Như trường hợp luật sư Vương Quang Nhường được lưu nhiệm đến bốn lần cải tổ chính phủ! Đặng Hữu Chí, Hoàng Cung, Nguyễn Thành Giung lưu nhiệm đến ba đợt cải tổ chính phủ.
(Đoàn Thêm, ibid., trang 204)

Ông Đoàn Thêm là người cả đời làm việc hành chánh nên nhìn thấu rõ mọi thiếu xót, kẽ hở. Nước ta không có thứ chính trị gia đảm nhiệm công việc mà chỉ có các công chức làm công việc hành chánh!

Việc nước mà như thể việc trò đùa, không chương trình, không kế hoạch, gặp đâu làm đến đó. Chính Quốc Trưởng khi quyết định cải tổ chính phủ cũng không thể đưa ra đường lối, kế sách rõ rệt. Mỗi lần cải tổ chính phủ là do áp lực của tình thế, áp lực của Tây, áp lực của đảng phái!

Cải tổ là để làm vừa lòng người khác như cải tổ nhân sự chứ không phải để nhằm cải cách, thay đổi chính sách, thay đổi chiến lược.

Sự không có mặt người công giáo là do phía công giáo cấp tiến có khuynh hướng ngả theo Việt Minh và cả phía công giáo bảo thủ quốc gia cực hữu (ultranationalisme). Nói cho đúng, có đến ít ra là ba khối công giáo theo thứ tự sau đây: Bảo thủ quốc gia cực hữu chiếm đa số với Ngô Đình Diệm và nhóm Bùi Chu, Phát Diệm với Lê Hữu Từ với một lập trường cứng rắn không khoan nhượng, không thỏa hiệp với Pháp. Nhóm thứ hai sẵn sàng thỏa hiệp với người Pháp để chống cộng sản và với sự hỗ trợ đông đảo của giới thừa sai Pháp. Nhóm nhỏ khác, phần lớn ở miền Nam chấp nhận đi theo Việt Minh và họ bị cộng sản đồng hóa vào con đường chống Pháp.

Nhưng nhóm quốc gia cực đoan bảo thủ càng ngày càng bị cô lập khi mà Giám Mục Lê Hữu Từ cũng ngả về phía Bảo Đại, nhận tiền từ Bảo Đại. Giám Mục đã gửi Lê Quang Luật đi gặp Ngô Đình Diệm và sau đó Lê Quang Luật đã làm phúc trình việc gặp gỡ Ngô Đình Diệm đã không đem lại kết quả gì:

“Ngô Đình Diệm cho Lê Quang Luật thấy không có chút hy vọng gì cho thấy ông Diêm ra khỏi thái độ chờ thời và nhờ đó có thể thay đổi quan điểm chính trị của ông Diệm.” Cũng theo Lê Quang Luật, Diệm bày tỏ thái độ ghét cay ghét đắng Bảo Đại vì tính khí yếu hèn và bất định của Bảo Đại. Nếu Diệm nắm quyền hành, ông sẽ tiến hành cuộc chiến đấu chống lại cộng sản đến cùng mà trong đó phải được sự hỗ trợ toàn diện của Bảo Đại. Vậy mà sự hỗ trợ này đã không có. Diệm không muốn tham gia chính quyền chỉ vì những xác tín chính trị của ông mà thôi.”

(Tran Thi Lien, “Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d’Indépendance (1945-1954) entre la reconquête Coloniale et la résistance Communiste, 1996”. Fiche entretien avec Le Quang Luât le 23/3/1950, peu après son retour de Saigon.)

Xác tín chính trị của Ngô Đình Diệm là Viet Nam phải được một quy chế như Ấn Độ trong khối thịnh vượng chung để ông có thể chấp nhận tham gia chính quyền. Vậy mà Diệm không thấy bất cứ dấu hiệu gì của người Pháp cho thấy trong thực tế hoặc trong những cuộc thương lượng với người Pháp. Nhưng Diệm vẫn hy vọng trong tương lai dành được độc lập để chống lại cộng sản với sự trợ giúp của ngoại quốc như của Pháp và nhất là của Mỹ như sau này.

Nhưng sau cuộc gặp mặt với Ngô Đình Diệm, Lê Quang Luật không dám dứt khoát không ủng hộ Ngô Đình Diệm hay ủng hộ quan điểm của GM Lê Hữu Từ. Luật giữ thái độ nước đôi. Phần Ngô Đinh Diệm đã dứt khoát gạt bỏ Lê Quang Luật và chọn Trần Trung Dung, đại diện Ngô Đình Diệm ở phía Bắc.

Riêng GM Lê Hữu Từ sau 1954, lúc di cư vào Nam Ngô Đinh Diệm cũng đã giữ một khoảng cách xa với vị GM này. Tất cả những toan tính chính trị theo tinh thần tự trị như lúc còn ở Phát Diệm của vị GM kể như bị vô hiệu hóa. Vị giám mục nhiệt thành, đạo đức, chống cộng hàng đầu, nổi tiếng một thời đã không có chân đứng trong 9 năm cầm quyền của ông Diệm.

Theo thiển ý, ông Diệm có thể dùng những người cựu kháng chiến trong những chức vụ chủ chốt như trường hợp Trần Chánh Thành, Phạm Ngọc Thảo và nhiều người khác. Những người dù từng là đồng chí với ông mà theo Pháp đều bị loại trừ. Đó là trường hợp Lê Quang Luật, Trần văn Lý ở miền Trung và nhiều người khác. Sự loại trừ có hệ thống ấy nhiều người chê trách ông Diệm là không có thủy chung với bạn bè, đồng chí cũ.

Mặc đầu không có sự có mặt của giám mục nàyLê Hữu Từ bên cạnh chính phủ Diệm, không vì thế sự ủng hộ của khối người công giáo di cư bị sút kém đi .

Phần ông Diệm có phần bị hụt hẫng, bị cô lập vì lập trường cứng rắn của ông và mất chân đứng như sự nhận xét của một số lãnh đạo công giáo, đặc biệt Lm. Hàm đã đặt câu hỏi: Liệu ông Ngô Đình Diệm có còn giữ được mức độ khả tín đối với đa số giới công giáo hay không? Lm Hàm sau này vì có một số hành động thông đồng quá lộ liễu với người Pháp nên cũng bị chính GM. Lê Hữu Từ loại bỏ, buộc phải đi ra ngoại quốc, sang Anh, rồi định cư ở Canada trước 1954 và không bao giờ có cơ hội về lại Việt Nam từ năm 1954-1975.

Cuối cùng ông Ngô Đình Diệm chỉ còn có một số nhân vật ở Bắc Kỳ như Trần Trung Dung, Nguyễn Xuân Chữ ủng hộ ông.

(Ông Trần Trung Dung là một trí thức trẻ, nhà báo của tờ Thời Báo. Ông đại diện cho Ngô Đình Diệm tại Bắc Kỳ và là một thành phần Quốc Gia cực đoan. Ông từng tuyên bố, ông và các đồng đội của ông làm bất cứ điều gì mà ông Ngô Đình Diệm ra lệnh. Bởi vì ông tin tưởng hoàn toàn vào lòng ái quốc và khả năng của ông Diệm. Sau này, đã có lúc ông làm Bộ Trưởng Bộ Quốc|Phòng thời ông Diệm.)

Nhiều người cũng đã thất vọng trong đó có một số người Mỹ khi thấy Ngô Đình Diệm đã từ chối không tham gia chính phủ kế nhiệm Nguyễn Phan Long mà sau đó Bảo Đại đã chọn thay thế bằng Trần Văn Hữu, một con bài của Nam Kỳ thân Pháp.

blank

Bảo Đại và Trần Van Hữu thăm chiến hạm Mỹ ở Sài Gòn, 3/1950. Nguồn: tạp chí LIFE

Trong một phúc trình của Mỹ có ghi lại như sau về việc ông Diệm không có trong danh sách thủ tướng.

“Người lãnh đạo của khối công giáo là Ngô Đình Diệm đã có một uy thế chính trị lớn và trải rộng cộng với uy tín nổi tiếng là người liêm khiết đã tỏ ra cố chấp trong những đòi hỏi của ông ta và trong các cuộc thương thảo với Bảo Đại và chính phủ Hữu.”

(Tran Thi Lien, ibid., Trang 368 — The Minister at Saigon (Heath) to the Secretary of State (Acheson) Saigon, April 3, 1951, p.413.)

Chính vì thế, sau thất bại cộng tác với Bảo Đại, ông Diệm không còn con đường nào khác, đã chọn con đường lưu vong như một giải pháp tối ưu để có thể tìm được sự hỗ trợ của Quốc tế.

(Còn tiếp)


Nguyễn Văn Lục

Nguồn: DCVOnline

22 Tháng Tư 2023(Xem: 3015)
Đã 48 năm qua, nhưng mỗi lần tháng tư đến lòng tôi vẫn chùng xuống, nỗi đau đớn, xót xa lại trở về.
16 Tháng Tư 2023(Xem: 3132)
Đại tá Bùi Cửu Viên đã rời khỏi VN trên chiếc HQ 801 và đã giúp soái hạm HQ 01 an toàn tìm về bến tự do Anh trở thành vị hạm trưởng bất đắc dĩ lần cuối cùng lái con tàu ra khơi tìm tự do
11 Tháng Tư 2023(Xem: 3152)
chúng tôi luôn có trong tim: “Quảng Bình là quê hương”, là nơi quê cha đất tổ và luôn mong ước có ngày được bước những bước trên vùng đất thân yêu nầy.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 4569)
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 4412)
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”.
09 Tháng Tư 2023(Xem: 3056)
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3288)
Hôm nay giỗ anh, thấm thoát đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ của đời người, sao nỗi đau về, như mới hôm qua… cơn nắng ngày nào vẫn còn nguyên trên da thịt, trên tóc, trên vai, trên những vòng khăn tang cuốn vội
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3463)
Phải chăng tiếng đàn tranh du dương réo rắt của bác Bảy và tiếng hát ngọt ngào mùi mẫn của các ca sĩ đường phố, đã tạo nên cái hồn văn hóa của người dân phố thị
31 Tháng Ba 2023(Xem: 3157)
Anh An đã mất đi hơn 49 ngày rồi nhưng hình ảnh của anh vẫn ở trong tâm trí của gia đình và bạn bè. Chúc anh An an nghĩ nơi cõi Phật, You will be missed!
24 Tháng Ba 2023(Xem: 3232)
Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời
21 Tháng Ba 2023(Xem: 3476)
Úc là một quốc gia quân chủ lập hiến, là một liên bang phân chia quyền lực. Quốc gia này có chính phủ theo thể chế đại nghị, Quốc vương Charles III là nguyên thủ của Úc.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5413)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
13 Tháng Ba 2023(Xem: 3696)
Trưa Chủ Nhật, ngày 5 tháng 3, 2023 đồng hương Biên Hòa và một số thân hữu đã đến nhà hàng Paracel Seafood, Westminster tham dự buổi Tân Niên Hội Ngộ do Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Biên Hòa tổ chức.
13 Tháng Ba 2023(Xem: 3775)
Không dễ mấy ai có thể chối từ một số tiền lớn lao như vậy vào thời đó. Sự từ chối này làm nên nhân cách Uyên Thao và làm cho Sóng Thần có uy tín với độc giả, đông nhất là trong giới quân nhân.
12 Tháng Ba 2023(Xem: 3058)
Nhân ngày 8 tháng ba tôi muốn gửi đến họ lòng kính mến và cảm phục. Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
11 Tháng Ba 2023(Xem: 2974)
Đêm nay hoa Quỳnh nở sớm, hình như những búp hoa đang nhẹ nhàng chuyển mình để rồi từ từ hé mở vào lúc nửa đêm. Trong tôi hình như cũng đang có ngàn nụ hoa Quỳnh nở sớm trước canh khuya.
10 Tháng Ba 2023(Xem: 3314)
Người đàn ông khôn ngoan, tinh tế, thông minh, có thể biến vợ thành người tình và người Hồng nhan tri kỷ một cách thật dễ dàng.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 5479)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
22 Tháng Hai 2023(Xem: 3084)
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá,
20 Tháng Hai 2023(Xem: 4380)
Nói chung, văn nghiệp của ông tạo ra một dòng chảy văn học miền Nam rất cá tính; nó tiếp lửa truyền thừa từ những nhà văn tiền bối và ngọn đuốc soi đường cho những người đến sau ông.