Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Võ Quách Thị Tường Vi - NGƯỜI EM TUỔI DẬU

27 Tháng Giêng 20174:34 SA(Xem: 17472)
Võ Quách Thị Tường Vi - NGƯỜI EM TUỔI DẬU

Người Em Tuổi Dậu

  Võ Quách thị Tường Vi

 ga 6


Trong mấy chị em tôi, người em trai út tên Khanh là được thương yêu nhất nhưng em cũng là người hay bị đòn và khổ nhiều nhất nhà.

Khanh sinh năm Đinh Dậu, bổn mạng con gà lửa, và lại là sinh bọc điều. Ba tôi nói khi sinh Khanh ra, em nằm trong một cái bọc màu đỏ hỏn. Ba tôi phải lấy kéo mà cắt cái bọc này và đem em ra. Người ta nói sinh bọc điều là nhiều may mắn và cuộc đời ít bị trắc trở, chông gai. Tuổi gà thì phải bươn chải để kiếm ăn nhưng cũng không cực nhiều, và cuối cùng thì cũng tai qua nạn khỏi.  Không biết những điều  tiên đoán về tương lai định mệnh theo 12 con giáp này có đúng không nhưng tôi thấy đời em Khanh có nhiều điều ngược lại những tiên đoán này.

Khi Khanh được 5 tuổi thì gia đình tôi phải chạy loạn ra khỏi vùng Qui Nhơn, Bình Định, nơi chôn nhau cắt rún của mình. Ba tôi phải chạy lên Ban Mê Thuột, xứ buồn muôn thuở, một mình. Trong khi đó thì má tôi dắt díu đàn con 3 đứa lên nương náu ở nhà Bác Ba, ông anh cùng cha khác mẹ của ba tôi, ở Phú Phong, cách Qui Nhơn  chừng 42 cây số về hướng Đông. 

Vì là thân phận “ăn nhờ ở đậụ” nên má tôi làm việc rất cực nhọc, lo đi chợ nấu ăn, giặt giũ cho cả gia đình của bác tôi. Nhiều khi bà không còn thì giờ để săn sóc mấy chị em chúng tôi nữa.  Vì là định ở tạm nên chúng tôi không được đi học, mà chỉ lẩn quẩn ở trong nhà cho má tôi và các anh chị họ sai vặt. Tôi và cô em gái kế thì cũng tạm yên, ít khi bị đòn hay la mắng. Còn Khanh thì lại khác, đêm nào nó cũng bị đòn, mà bị đòn “tàn canh khói lửa” luôn!

Không biết tại sao mà tối nào cũng vậy, vào khoảng 9-10 giờ đêm thì Khanh lại trở chứng khóc nhè. Má tôi dỗ dành cách nào cũng nó cũng không chịu nín. Ban đầu thì má tôi nghĩ rằng chắc Khanh nhớ ba tôi không ngủ được nên làm nũng. Bà cũng tìm nhiều cách để dỗ cho nó nín. Bác Ba tôi cũng hăm dọa đủ điều nhưng nó vẫn nhè nhè khóc hoài làm cho cả nhà không ai ngủ được. Bác Ba đâm bực mình, nghĩ là Khanh bị tà ma nào nhập vào, không biết ông nghe lời ai chỉ bảo, mỗi đêm Khanh khóc, ông lại treo Khanh lên cây mà đánh, đánh như đuổi tà. Mà càng đánh nó lại càng khóc. Má tôi thương con khóc ròng và van lạy bác tôi nương tay, còn tôi và đứa em gái, ôm nhau ngồi trong một góc kẹt sợ hãi và khóc thầm với nhau. Tôi nhớ rất kỹ là tối nào tôi cũng ra ngoài sân, chắp tay khấn vái trời Phật linh thiêng bốn phía cho Khanh tối đó không khóc và chúng tôi được sớm nghe tin của ba tôi, để chúng tôi mau đi thoát khỏi nơi này và cho gia đình đoàn tụ. Sau này Khanh lớn lên èo uột, má tôi hay thở dài mà bảo rằng tại em bị đòn quá nhiều khi còn nhỏ nên không lớn nổi. Có món ăn gì ngon, bổ bà cũng hay để dành cho Khanh, nói rằng để cho nó tẩm bổ mau lớn.

Năm 1969, Kỷ Dậu, năm tuổi của Khanh, thì má tôi mất sau khi nhà tôi bị pháo kích. Không có má tôi quán xuyến, gia đình nhà tôi đã suy sụp từ dạo đó. Mấy chị em tôi sống lây lất qua ngày, chúng tôi lớn dần lên theo ngày tháng với những nỗi thiếu thốn từ tinh thần đến vật chất. Được má tôi thường dạy bảo là “lành cho sạch, rách cho thơm” hay “giấy rách vẫn giữ lấy lề” nên nhìn bề ngoài không ai biết là chúng tôi thiếu thốn đến bực nào vì không khi nào chúng tôi than van hay kể lể, ngay cả với những người bạn thân của mình. Còn áo quần đi học thì mỗi đứa có một bộ lành lặn. Hôm nào đi học về chúng tôi vẫn phải giặt rồi ủi cho thẳng nên lúc nào quần áo cũng thẳng tắp, sạch sẽ.

Có hôm tôi thấy em ngồi bên đống quần áo cũ với kim chỉ trên tay. Hỏi ra thì em đang sửa lại cái quần tây của ba tôi để mặc cho vừa vì cái quần xanh đồng phục nay đã ngắn lên đến trên mắt cá và hai bên túi quần đã đổi thành màu trắng với những lỗ rách chung quanh. Đường kim mũi chỉ của em rất sơ sài và thô thiển nhưng tính em không muốn làm phiền người khác. Tôi ứa nước mắt muốn ôm em vào lòng để chị em cùng khóc, để cùng nâng đỡ tinh thần cho nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Má tôi ở bên kia thế giới nếu bà biết là cậu con trai đẻ bọc điều của bà khổ cực như vậy chắc bà sẽ buồn lắm.

Khanh cũng lớn lên theo ngày tháng và lạ một điều là em càng lớn càng đẹp trai ra, dù không cao ráo cho lắm. Môi Khanh lúc nào cũng đỏ và da rất trắng dù em đạp xe đi học mỗi ngày dưới trời nắng gắt của miền Nam mưa nắng hai mùa. Ai nói gì thì em cũng chỉ cười mỉm chi thay cho câu trả lời. Không biết em tự học đàn guitar từ lúc nào mà khi tôi đi học trên Saigon, mỗi lần về nhà hay thấy Khanh ngồi bên cửa sổ chơi đàn guitar, tiếng đàn của Khanh cũng đúng cung bậc. Và Khanh hay chơi những bản nhạc tôi rất thích, nghe cũng ngọt ngào lắm. Tôi hay cầu nguyện thầm thì với má tôi cho Khanh không có tánh nghệ sĩ như ba tôi để cả đời gia đình phải khổ. 

Tết năm 1974 là một cái Tết  nghèo nàn và chật vật nhất của gia đình tôi. Ngày 30 tết nhưng trong nhà không có gì là Tết cả. Tôi chỉ có đủ tiền để mua một ít gạo, nước mắm và vài bó rau. Mấy chị em đã ăn Tết rất âm thầm  đạm bạc nhưng môi vẫn có nụ cười, đặc biệt là Khanh không bao giờ than phiền hay than thân trách phận.

Qua Tết mấy ngày, vừa trở về Saigon học thì tôi nghe tin em bị bắt đi lính dù chưa tới tuổi 18. Tôi lật đật chạy về Ty Cảnh sát Biên Hòa thì họ cho biết là Khanh vừa được chuyển đi trung tâm huấn luyện Quang Trung học cấp tốc để bổ sung cho chiến trường.

Tôi chợt nhớ lại năm trước đó tình cờ có quen được một ông làm lớn trong Ty Cảnh sát nên tôi đến Ty Cảnh sát xin gặp ông này để trình bày về tình cảnh của em mình. Khanh là con trai độc nhất trong gia đình, trên nguyên tắc thì em được miễn dịch. Nhưng không may là ông này đã đổi về Saigon, có ông mới đến thay mà tôi thì hoàn toàn không biết người mới này.

Vài tuần sau tôi lên thăm Khanh ở Quang Trung. Khanh gặp tôi trong nỗi mừng rỡ bất ngờ.  Trông em sạm nắng nhưng vẫn vui vẻ và hồn nhiên. Khanh còn khoe với tôi mấy tấm hình em chụp lúc đang đu dây “tử thần” với quân phục rằn ri và cái mũ sắt. Trông Khanh cũng oai ra phết dù ông lính trong hình ốm nhom ốm nhách!!! Hai chị em thăm nhau mà nước mắt lưng tròng, lo cho nhau, dặn dò nhau những điều cần làm khi em tôi bước vào đời quân ngũ ở tuổi 18 trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

Rồi biến cố tháng 4 năm 1975 xảy ra bất thình lình. Vận nước đổi thay và vận người cũng thay đổi theo mệnh nước. Tôi may mắn được máy bay quân sự bốc đi di tản chung với nhân viên của giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm vào ngày gần cuối tháng 4 năm ấy. Khanh thì bị kẹt ở quân trường không liên lạc được.

Gần 10 năm sau mới gặp lại Khanh. Khanh vẫn không thay đổi mấy, vẫn nụ cười hiền hòa vẫn da trắng, môi đỏ nhưng trên vầng trán em đã có thêm vài vết hằn của thời gian cùng những nổi gian nan cơ cực. Em kể lại là em gặp lại ba tôi sau khi ba tôi về được lại Biên Hòa sau mấy tháng trời trốn trong rừng Ban Mê Thuột khi tỉnh lỵ này bị thất thủ trước tháng 4 năm 75. Hai cha con làm đủ nghề để sống, từ lơ xe đò đến làm công trong nương rẫy cho người ta. Ba tôi sau đó vài tháng thì bị đi “học cải tạo” đến 6 năm sau mới được thả về.

Khanh may mắn không phải đi học cải tạo vì lúc đó Khanh mới còn trong thời gian huấn nhục ở quân trường Quang Trung, chưa ra trường, chưa chính thức trở thành một người lính.

Sau khi ba tôi đi cải tạo, Khanh về một vùng gần Định Quán khai rẫy trồng rau, đậu, khoai mì. Dù thân người ốm yếu nhưng Khanh vẫn đốn được những cây to lớn, khai quang và trồng trọt. Lúc ban đầu em được yên thân để làm rẫy. Năm đầu thu hoạch mùa màng cũng khấm khá. Khanh đem rau đậu ra ngoài chợ bán. Đường từ trong rẫy ra ngoài quốc lộ rất xa, Khanh gánh gồng hơn nửa ngày trời mới ra đến lề đường quốc lộ. Đến nơi trễ, nên rau đậu của Khanh đã héo rủ dưới cái nắng gay gắt của vùng đất đỏ, bán không được giá. Khanh lại lủi thủi trở lại rẫy rừng để tiếp tục đốn cây làm rẫy.

Một mùa mưa, trên đường trở lại rẫy, Khanh quá mệt đã dừng lại nghỉ chân ở nhà Linh, một ngôi nhà khang trang gần quốc lộ 1. Linh thích hát, Khanh hay đàn sau những lúc khai rừng lập rẫy. Duyên nợ không hẹn mà thành, mấy năm sau Linh trở thành vợ Khanh. Sau này tôi hỏi Linh thương Khanh ở chỗ nào, cô ấy cười bẻn lẻn- “Tại em thấy ảnh hiền em thương!”

Sau này khi rẫy của Khanh rau trái thuận mùa đơm hoa kết trái thì lại bị những người chính quyền trong vùng ấy tìm cách chiếm đi. Cả cái nhà sàn mà em cất lên để che nắng che mưa cũng bị tịch thu làm trụ sở xã.

Năm 1981, Tân Dậu, ba tôi đi cải tạo về. Hai cha con bàn tính đóng tàu đi vượt biên. Chuyến đầu ba tôi để Khanh và Linh đi trước. Sau mấy tháng trởi trốn chui trốn nhủi đợi chờ ngày đi, cuối cùng hai vợ chồng rồi cũng qua được đảo Pulau Bidong (Malaysia)  và thư về cho tôi. Mấy tháng sau, xong thủ tục giấy tờ, Khanh và Linh qua Mỹ.

Thời gian đầu ở Mỹ, Khanh cố gắng rất nhiều. Vì gián đoạn học hành đã nhiều năm nên Khanh bị mất căn bản không ít. Ban ngảy đi học nghề, ban đêm đi học tiếng Anh, nhiều lúc Khanh rất mỏi mệt, nhưng em luôn cố gắng. Nhờ tính cần cù từ trước đến giờ, nên Khanh cũng học xong ngành cơ khí và tìm được một việc làm vững chắc trong một công xưởng.

Trong thời gian này, Khanh có những triệu chứng mệt mỏi, sụt cân, tay chân tê nhức. Em đi gặp bác sĩ, tìm ra là mình bị tiểu đường và dây thần kinh dưới chân bị yếu. Tuy bị bệnh kinh niên, nhưng Khanh vẫn không nản lòng, vẫn làm việc nhiều và lo lắng cho gia đình còn nhiều hơn. Có lẽ những tiềm thức thuở ấu thơ đã ảnh hưởng rất nhiều  đến Khanh nên lúc nào Khanh cũng lo lắng cho gia đình và làm tròn bổn phận người chồng, người cha.

Thời gian gần đây, bệnh tiểu đường của Khanh nặng hơn, không chữa bằng thuốc uổng được mà em phải chích thuốc trị bằng insulin. Những lúc ăn uống thất thường cùng những cơ cực thời ấu thơ đã làm cho bộ phận tiêu hóa cùng lá tụy tạng của Khanh không làm việc bình thường được. Nhưng Khanh vẫn điềm đạm ngày 3 lần thử đường trong máu rồi tự chích insulin cho mình tùy theo lượng đường cao hay thấp. Khanh vẫn ăn uống chừng mực và theo dõi sức khỏe của mình.

Độ nhìn của Khanh cũng yếu đi nhiều vì quản vọng mô bị hư dần theo lượng bệnh tiểu đường của Khanh. Tay chân Khanh đau nhức không tả được nhưng lúc nào em cũng không than van và chấp nhận mọi hoàn cảnh. Em vẫn hay giúp đỡ mọi người thân sơ, không quản ngại đường xá xa xôi hay tuyết sương mưa nắng cùng với những bệnh tật trong người mình.

Hôm ba tôi mất, chúng tôi theo lời dặn đã chôn cất ông theo nghi lễ Phật giáo. Vì là con trai trưởng nên khi đến phần quỳ lạy, Khanh phải làm nhiều hơn chúng tôi. Nhìn em đứng lên quỳ xuống với đôi chân không vững, tôi muốn khóc và muốn thay thể cho Khanh nhưng em không chịu và vẫn cố gắng để làm xong nghi thức, để trả hiếu cho cha lần cuối. Khi nhà quàng đưa tro ba tôi ra, Khanh đã ôm vào lòng một cách trân trọng, thương yêu như em đã ôm bình tro của má tôi năm nào. 

Tro ba tôi đã gửi lại trong chùa và Khanh cùng Linh cũng hay đến thăm viếng và kinh kệ mỗi tuần dù khoảng cách rất xa và mắt Khanh không thấy rõ ràng khi lái xe. Các Sư trong chùa rất quí Khanh và nghĩ là Khanh sẽ tu tại gia được. Có nhiều khi lễ xong, sau bữa cơm chay trưa, Khanh đàn, Linh hát những bài hát Phật giáo rất hay.

Dạo sau này, Khanh và Linh đi nhiều tiểu bang, chồng đàn vợ hát ở các ngôi chùa Việt Nam trong những dịp lễ lớn của Phật giáo. Khanh cùng Linh cũng đi các tiểu bang khác cùng với sư trụ trì, thăm viếng các chùa chiền và cầu nguyện cho những linh hồn khác. Khanh hay gửi hình về cho tôi. Trong hình chụp lúc nào Khanh cũng cười thật tươi và hạnh phúc. Chừng như cuộc đời đã gởi cho cậu em tuổi Đinh Dậu của tôi nhiều trái chanh chua lè, nhưng có lẽ nhờ đẻ bọc điều, em biết cách "làm nước chanh", không chỉ để mình em uống, mà còn đem mời mọi người chung quanh em.

Năm 2017 lại là năm Đinh Dậu, lại tròn một chu kỳ và là năm tuổi của Khanh. Không biết năm con gà lửa này sẽ ra sao nhưng thêm được một năm là mừng cho Khanh thêm một tuổi. Dù sức khỏe không ổn định và cuộc đời mong manh nhưng Khanh lúc nào cũng vui vẻ và chấp nhận số phận của mình.

Cầu mong tất cả những người tuổi Đinh Dậu, bước vào chu kỳ 60 năm cuộc đời, an nhàn hơn, cả gà trống lẫn gà mái, đều không phải bươn chải, nhọc nhằn kiếm ăn. Và luôn nhìn tìm được những niềm vui và hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh như người em tuổi Dậu của tôi.

 Võ Quách thị Tường Vi
Xuân Đinh Dậu 2017



 

 

 

 

 

 

17 Tháng Hai 2024(Xem: 1525)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1514)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1252)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1463)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 1177)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 2273)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 1171)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 1184)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2741)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 1363)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri
28 Tháng Giêng 2024(Xem: 1251)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 1434)
Không biết mấy chục năm sau những lứa tuổi học trò ngày nay tại Việt Nam họ cũng sẽ họp mặt trường lớp cũ, họ cũng có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường xưa với thày cô, bạn bè,
27 Tháng Giêng 2024(Xem: 1297)
Tôi chỉ kể chuyện cá nhân chứng kiến (bên đây), và xem video ( bún chửi Hà Nội), chớ không vơ đũa cả nắm cho bất cứ nơi chốn nào.
26 Tháng Giêng 2024(Xem: 1623)
Thưa đó là những thành phần có ăn học, được các chính phủ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cho học bổng đi học tại Pháp, tại Mỹ,
15 Tháng Giêng 2024(Xem: 2625)
nhưng thành phố của tôi có những góc nhỏ duyên dáng và dễ thương khiến người dân bản địa sẽ nhớ hoài như: con đường đẹp dốc tòa, con đường Nguyễn văn Trị (NVT) dọc theo bờ sông
11 Tháng Giêng 2024(Xem: 1285)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ, Mỹ Tho.
02 Tháng Giêng 2024(Xem: 1818)
Nhìn cái mỏ chu chu của thằng con đưa ra chực chờ hôn phá mẹ, hai tay nó đưa ra lo le thọc lét, tôi tuột vội xuống giường chạy ra khỏi phòng: - Thằng khỉ gió đừng thọc lét mẹ, mẹ đầu hàng.
31 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1551)
Đọc tới đây ông xã tôi bảo, Tiễn Vong là Vong cả thế giới năm qua, sao em tiễn vong Chiều Nay dài thế. Vậy đó, hễ nói tới xứ đó là em không kiềm được cảm xúc tuôn trào, huyết áp tăng cao
25 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2541)
Tôi hôm nay trong lòng rất vui Giáng Sinh đến rồi rộn rã nơi nơi Ngày mai con về gia đình sum họp Nâng ly chúc mừng hạnh phúc đầy vơi.
24 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2302)
trong suốt 21 năm tồn tại của miền Nam còn rất nhiều phim hay khác của Âu, Mỹ, Hồng Kông, Ấn Độ và Việt Nam nữa mà chúng ta may mắn được sống ở vùng đất tự do nên có cơ hội thưởng thức