Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - HAI BÀ MẸ

19 Tháng Tám 201611:24 CH(Xem: 14806)
Nguyễn Thị Thêm - HAI BÀ MẸ

 hai ba Me

Năm tôi 6 tuổi thì má mất. Em út của tôi mới vừa  tròn hơn 1 tuổi.

Tôi nhớ lúc  mang bầu bé Thu má hay ôm tôi mà khóc. Nước mắt má chảy ướt cả áo tôi. Má ốm nhom, cái bụng nhô ra tội nghiệp. Vậy mà má mỗi ngày vẫn gánh hàng đi bán rong trong trại lính.

Ba tôi là lính, chúng tôi ở trong trại gia binh, nên sáng sớm má làm một nồi xôi bắp và xôi đậu phọng đi bán trong khu xóm. Đôi khi thay đổi, má bán xôi lá cẩm hay xôi vò.

Má đi bán dạo tới trưa thì về, rồi chuẩn bị một nồi bánh canh hoặc cháo gà bán buổi tối. Mùa bắp má bán bắp luộc, những trái bắp nấu với mía lau thơm lừng và ngọt lịm.

Tôi ở nhà với anh Hai anh Ba và em Trí . Hai anh vừa lo cho em vừa phụ mẹ. Lương lính của Ba không đủ lo cho cả nhà, nên má tôi vất vả quanh năm.

Khi má có mang em Thu thì má yếu nhiều, má gầy đi trông thấy. Đôi lúc má không đi bán hết vì quá mệt. Má đem xôi về và hôm đó cả nhà ăn xôi thế cơm.

 

Nhà tôi ở xa nhà bà ngoại. Mà đúng ra cũng không phải bà ngoại ruột của tôi. Bà là cô bà con xa với má. Ông bà ngoại tôi mất khi má còn nhỏ xíu. Bà ngoại thấy thương tình đem về nuôi và coi như con đẻ. Nhà bà ngoại không giàu nhưng má no cơm, ấm áo. Má không được học tới nơi tới chốn, chỉ biết đọc và biết viết. Ông bà ngoại quan niệm con gái không cần học giỏi, chỉ cần siêng năng và đức hạnh.

 

Rồi má đi lấy chồng, về làm dâu bên chồng đúng theo khuôn phép. Ông nội tôi bệnh triền miên, má thay chồng phụng dưỡng hết lòng. Khi ông nội tôi mất, má bồng con theo chồng vào ở trong khu gia binh.

 

Thỉnh thoảng nhớ con, bà ngoại dẫn dì 9 cậu 10 tôi đi thăm má. Má tôi mừng lắm, dắt cậu và dì tôi đi khoe cùng khắp.

 

Bà ngoại hiền, thương má tôi và lũ cháu ngoại đông đúc. Nhưng nhà ông bà ngoại không đủ giàu có để có thể bảo bọc mẹ con tôi. Khi mang thai em út tôi, má không báo tin cho bà ngoại biết, má bệnh má cũng dấu luôn. Tôi còn nhỏ quá không biết tại sao, anh em tôi nhớ ngoại và đòi về thăm nhưng má nói chờ sinh em bé rồi về thăm cho ngoại mừng.

 

Ba tôi đi sớm về muộn thường xuyên. Nhiều khi cả tuần không về. Khi má với ba nói chuyện, tôi nghe ba nói ba bận việc lính tráng, đàn bà biết gì mà hỏi. Những lúc đó tôi chỉ thấy má buồn thiệt nhiều và khóc một mình.

 

Má sinh bé Thu sau một cơn đau đẻ lúc đi bán xôi trong khu gia binh. Một người quen đã đem dùm gánh hàng về và giúp đưa má vào bệnh viện. Má mất máu nhiều và tưởng chết khi sinh con. BS nói má kiệt sức vì suy dinh dưỡng nên bé Thu sinh ra nhỏ xíu tội tình.

 

Má được đưa về nhà và má yếu đi nhiều lắm. Sữa cho em không đủ nên anh Hai phải pha thêm sữa bò cho em út bú. Mắt má sưng húp vì khóc. Ba vẫn vắng nhà thường xuyên. Mọi việc trở nên tồi tệ khi tiền chi dụng không đủ. Qua đầy tháng má lại phải gánh hàng đi bán để lo cho gia đình.

 

Một bữa má dậy không nỗi và ngã xuống bất tỉnh. Em Út khóc thét lên má cũng không biết. Ba đưa má vào bệnh viện và má không được về nhà hết cả tuần. Bà ngoại hay tin và lên thăm. Bà nói gì với ba không biết và sau đó bà ngoại đưa hết mấy mẹ con về quê.

 

Nhìn gương mặt lo âu của ngoại, chúng tôi biết má bệnh thật nặng. Ngoại đưa má đi Bác Sĩ và nhiều thầy để chữa bệnh. Nghe đâu bệnh của má là sinh non ngày mà lặn lội quá sớm. Bệnh của đàn bà mà thuốc Tây không trị dứt được.

Má được ngoại đưa đi thầy thuốc Bắc rồi thuốc Nam. Nhìn ngoại vừa lo cho nhà cửa, buôn bán lại canh mấy nồi thuốc, má lại khóc mỗi khi bưng chén thuốc. Ngoại cứ theo má dỗ dành " Ráng đi con, phước chủ, may thầy. Con sẽ hết bệnh mà"

 

Anh em tôi chơi với cậu 10, cậu thương chúng tôi lắm. Bày đủ trò chơi để chúng tôi đở nhớ nhà và đòi má. Dì Chín vừa đi học, vừa lo cho bé Út và cả nhóm tụi tôi. Dì đút cho bé Út từng muỗng cơm và chăm chút tận tình. Dì săn sóc cho má trong đôi mắt đầy thương yêu.

Dì hay nói với chúng tôi về má. Một người chị cả đã lo lắng cho các cậu dì lúc nhỏ. Kỷ niệm về mấy chị em dì kể cho nghe rồi dì khóc. Dì sợ má tôi không qua khỏi bỏ lại chúng tôi.

 

Mỗi chiều, dì dẫn anh em tôi ra cái phông tên nước cuối xóm tắm một loạt. Dì tắm từng đứa xong mặc đồ rồi đuổi về nhà đến đứa khác. Quần áo dơ của má và anh em tôi dì lại lo giặt giũ phơi khô.

Má bệnh gì không biết mà tôi nghe ông ngoại cằn nhằn bà ngoại:

-" Con Tư nó bệnh hậu, nguy hiểm và dơ dáy lắm. Sao bà để cho con Chín nó giặt."

Tôi chỉ nghe bà ngoại nói thầm thì sợ má tôi nghe:

" Tôi biết rồi mà ông. Để tui giặt cho nó"

Nhưng bà ngoại không rảnh để làm việc đó, dì 9 lại tình nguyện làm. Má tôi có lẽ cũng biết chuyện, mỗi khi dì 9 đem cơm cho má, má lại nắm tay dì 9 mà khóc. Một lần tôi nghe má nói:

" Em cực khổ với mẹ con chị nhiều quá. Mai mốt chị cho con Lan (là tôi) về ở với em. Em nhận nó làm con nuôi. Mai này nó săn sóc lại con em."

_"Chị nghĩ chi tùm lum vậy. Em không lấy chồng đâu, em ở vậy với má và lo cho mấy cháu. Thôi ngủ đi cho khỏe chị ơi!" Dì 9 nói rồi đi ra khỏi phòng bệnh của má. Gặp tôi, dì ôm trong vòng tay và hôn tôi một cái thật lâu.

 

Khi bệnh tình má tôi thuyên giảm, ba tôi xuống và đem mẹ con tôi về lại nhà. Má không muốn làm gánh nặng cho ngoại nên má năn nỉ ngoại đồng ý.  Bà ngoại khuyên không được đành phải chịu, bà  gửi theo cả chục thang thuốc và ra tận xe dặn dò nhiều thứ. Má tôi chỉ nắm tay ngoại và dì 9 mà khóc. Đôi mắt má buồn lắm, như nói biết bao lời.

 

Má tôi là vậy, bà suốt đời nhịn nhục, chịu thiệt thòi riêng mình không than van. Bà biết ba tôi đang dấu bà để chung sống với một người phụ nữ khác, nhưng bà không hề nói cho bà ngoại tôi biết. Bà chịu sự đau khổ một mình, bà không muốn ngoại tôi buồn, không muốn con cái ảnh hưởng  vì sự bất hòa giữa cha mẹ. Má tôi đau đớn và câm nín để rồi đau bệnh khi sinh con non ngày non tháng.

 

Ở với ngoại được bảo bọc mọi thứ, má không lo gì hết. Mẹ con đều có ngoại và dì 9 lo. Về nhà má phải đối diện một sự thật là phải kiếm tiền để lo cho gia đình. Sau khi uống hết thuốc ngoại gửi về, má tôi lại quang gánh đi bán tiếp. Em út tôi càng lớn càng tội nghiệp. Nó ốm nhom, khóc hoài . Tôi dỗ nó nhiều lần không được, tôi cũng khóc theo.

 

Thế là má tôi phải vào nhà thương sau lần thứ hai xỉu giữa đường. Một người đàn bà đến nhà  lo cho anh em tôi. Ba nói chúng tôi gọi bà đó bằng dì và ba không vắng nhà thường vì chuyện lính tráng nữa.

Anh em tôi được ba dặn không kể chuyện "Dì" với má. Vì má bệnh nặng nói ra má sẽ nặng thêm. Nhưng khu gia binh mà, chuyện gì mà dấu diếm được. Người ta nói xầm xì "Dì" đó là tình nhân của ba. Má tôi vì buồn ba hai lòng nên sinh ra bệnh.

 

Anh em tôi không thương dì, nhưng không dám cãi lại ba. Dì cũng rất ngọt ngào với chúng tôi nhưng mấy bà hàng xóm nói dì là " Thứ đàn bà lang chạ giựt chồng người. Miệng ngọt mà trong lòng chứa đầy dao găm" " Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng"

 

Má tôi mất khi sức khỏe cạn kiệt không thể cứu vãn. Nghe tin bà ngoại và các cậu dì tức tốc lên thăm. Bà ngoại giận ba tôi ra mặt. Bà nói "Tại sao con nhất định đem nó về để nó chết. Con muốn có vợ khác thì con nói  thiệt với má đi. Sao con ác quá vậy?" Rồi bà ngồi khóc thật nhiều.

 

Ba tôi và  "Dì" quỳ bên ngoại năn nỉ. Hai người hứa với ngoại trước quan tài  của má là sẽ lo cho anh em tôi và thương như con ruột ".

 

Dì đã một lần lấy chồng, nhưng không con cái và hai người đã chia tay. Ba đến với dì khi má tôi mang thai em Út. Có lẽ má cũng biết nhưng tính má quá hiền nên không quyết liệt ngăn cản. Bây giờ má chết, gia đình cần một người đàn bà, chúng tôi cần có mẹ để chăm sóc, nên ngoại đành bó tay. Chỉ mong người đàn bà đó thật lòng thương yêu chúng tôi.

 

Bà ngoại muốn đem vài đứa về nhà nuôi, nhưng ba nhất định không chịu. Ba muốn anh em tôi không xa lìa. Ba và dì đều hứa như vậy. Dì 9 giận ba không nói một lời, cũng không hề nói về di ngôn của má tôi. Còn cậu 10 cứ ôm tụi tôi mà khóc.

 

Sau khi Má đã yên mồ yên mả, ba nói các con phải kêu dì bằng "Má" vì bây giờ dì sẽ thay má mà lo cho các con. Anh em tôi ghét dì nhưng thú thực không có dì cũng không được. Ai phụ ba kiếm tiền, ai lo cho em út. ai lo cho chúng tôi. Mỗi tối tôi cứ tới bàn thờ má mà khóc. Bé Út cứ đòi má không chịu dì bồng. Dì lại năn nỉ dỗ dành mấy chị em tôi.

Dì vừa lo nấu nướng, cơm nước, lại phải thay má buôn bán để lo cho gia đình. Gánh vác một gia đình có 5 đứa con chồng còn thơ dại, dì cũng vất vã lắm. Nhìn dì tất bật, chúng tôi lại nghĩ đến má. Thương và giận dì cứ trộn lẫn vào nhau. Nhưng có một điều tôi phải công nhận là dì thật lòng thương yêu chúng tôi.

 

Mỗi khi bé Út bệnh, dì lại bên giường tận tình chăm sóc, Dì ôm nó hôn hít thương mến chẳng khác má. Tôi kêu dì bằng má trong ngượng gạo và ngầm chống đối mỗi khi ba nói về dì.

 

Một lần tôi đi học về và tôi đánh lộn với một đứa trong xóm. Nó nói tôi là đồ mất mẹ nên mất dạy. Dì nghe xong, mặt hầm hầm. Lần đầu tiên tôi thấy dì nóng giận. Dì dẫn tôi tới nhà nó và nói với ba má nó:

" Anh chị dạy lại con anh chị. Nó nói con tôi mất mẹ và mất dạy. Tôi là mẹ nó nè. Nó là con gái tôi , tôi dạy nó đàng hoàng, tôi chịu trách nhiệm. Lần sau mà còn nói vậy nữa tui không nhịn đâu"

 

Rồi dì nắm tay tôi dẫn về. Bàn tay dì ấm áp chở che. Tôi cảm nhận tình thương con chân thật từ người dì ghẻ. Tối đó tôi ôm dì và khóc. Tiếng Má tôi gọi dì lần đầu tiên bằng tất cả thương yêu.

 

Thỉnh thoảng bà ngoại lại lên thăm. Bà đem đủ thứ để tiếp tế. Má lễ phép và quý mến xin gọi ngoại tôi bằng má. Ngoại cám ơn dì và yên lòng thấy dì đã lo cho chúng tôi như con ruột. Dì 9 không lên thăm chúng tôi vì dì giận ba. Dì giận không muốn nhìn mặt người đàn bà đã phá hoại gia đình tôi,  làm người chị thân yêu mất giữa lúc tuổi còn trẻ.

.......

 

Chúng tôi lớn dần theo ngày tháng. Bé Út Thu đã vào trường học. Chúng tôi đã gọi dì bằng Má và coi như mẹ ruột. Cậu 10 tôi đi lính Hải quân hay ghé vào nhà thăm mỗi khi tàu về bến. Vũng tàu- Bà Rịa không xa nên đôi lúc cậu về thăm rồi ở lại. Má thương cậu như em, săn sóc mỗi khi cậu về nhà. Cậu lấy xe Honda chở chúng tôi đi chơi và cho quà sau mỗi chuyến hãi hành. Trong đó luôn luôn có quà cho má. Cậu cũng gọi má là chị Tư như cậu gọi má tôi ngày xưa.

 

Ba không còn khó tánh hay bỏ nhà như trước. Không biết ông cảm kích tấm chân tình của người vợ sau, hay với tánh tình cương quyết, không nhượng bộ của bà mà ba tôi thay đổi nhiều như vậy.

 

Má không còn bán hàng rong trong khu xóm. Với vốn liếng riêng tư má mở sạp bán hàng ngoài chợ. Cuộc sống gia đình tôi khá giả hơn, anh em tôi được êm ấm đến trường như bao nhiêu đứa trẻ khác.

 

Thế nhưng khúc cua lịch sử lại làm xáo trộn tất cả. Ngày Bà Rịa lọt vào tay CS. Chính mắt anh em tôi đã nhìn thấy chiếc xe của cậu 10 bị bộ đội lấy chạy trong thành phố. Nhìn xe cậu mà chúng tôi lo quá. Xe bị người ta lấy, còn cậu tôi thì bây giờ ra sao? Trong tình trạng hổn loạn, không tin tức gì về ông bà ngoại dì 9 hay các cậu. Ba má tôi như ngồi trên đống lửa. Tương lai con cái mờ mịt trước mắt.

 

Trại gia binh phải giải tán. Ai nấy tìm đường về quê cũ. Gia đình tôi theo ba sống đời lính tráng biết đi đâu. Cuối cùng má đem cả gia đình về quê và xây dựng cuộc sống mới.

 

Ba phá đất làm rẫy lập vườn, cất nhà. Các anh tôi phải nghỉ học để phụ ba sinh sống. Má tảo tần mưa nắng để kiếm miếng ăn trong thời buổi gạo châu củi quế. Nhiều khi tôi nhìn má già đi trông thấy vì chồng con, lòng tôi thật lòng kính phục và biết ơn. Dù khó nghèo má cũng cho tôi và các em đi học. Lo dựng vợ gã chồng cho tất cả các con.

 

 Ngày bà ngoại tôi mất, ba má tôi không biết để về thọ tang. Khi được tin, ba má tôi đã về lạy ngoại. Má thỉnh hình ngoại về thờ như mẹ ruột. Đến khi ông ngoại tôi chết cũng vậy. Nhìn hình ông bà ngoại và má tôi trên bàn thờ đèn hương tươm tất, các cậu dì ai cũng cảm kích và không còn giận ba tôi.

 

Cậu 10 tôi đã sang Mỹ trong ngày 30/4/75. Dì Chín tôi đã theo chồng đi Mỹ diện HO. Chúng tôi vẫn thường liên lạc và nhận được sự giúp đỡ yêu thương của Dì và Cậu.

 

Hỏi dì về di ngôn ngày xưa của Má. Dì nói vì lúc đó dì còn đi học, đem tôi về thì lấy gì mà nuôi. Hơn nữa, chia cắt anh em tôi dì không muốn. Sau này khi dì đã đi dạy, nghe cậu 10 kể về sự lo lắng của má tôi hiện nay dì an lòng giao tôi cho bà và cảm kích thật nhiều. Dì nói, cuộc sống của dì cũng gian truân vất vả vì chồng con, tôi về với dì chưa chắc đã trọn vẹn như ở với má tôi hiện giờ.

 

Má yêu kính của con,

 

Vu Lan đã về, con thắp hương trên bàn thờ Phật và gia tiên. Con cầu nguyện hương linh Ông Bà Ngoại và Má được siêu thoát. Con biết ở trên cao hẳn má cũng được yên lòng về cuộc sống chúng con hiện giờ.

 

Ơn trên đã cho chúng con hai người Mẹ. Một người khuất núi, một người vẫn còn.  Vu Lan năm nay, khi các em Phật Tử đến hỏi con nhận vòng hoa trắng hay đỏ. Còn thật lưỡng lự và con xin hai đóa hoa. Một hoa màu trắng con cài ở bên trái chỗ trái tim. Hoa màu đỏ con cài bên phải. Má ở trên cao thấu hiểu cho con. Má luôn luôn nằm ở trái tim con. Người mẹ hiền lành kính yêu mà con luôn ghi tâm khắc cốt.

 

Má ơi! Con biết má con hiện nay có lỗi với má rất nhiều. Nhưng nếu không có bà thì cuộc sống của anh em con không biết sẽ ra sao. Bà đã hy sinh cho anh em con nhiều biết mấy. Trái tim bà mở ra cho tất cả chúng con vào đó nghỉ ngơi và bình yên lớn lên. Bây giờ các con của chúng con là nguồn sống, là niềm vui cuối đời của bà. Bà đã đem cả cuộc đời và tuổi thanh xuân chuộc tội với má.

 

Con nhận hoa hồng đỏ không phải vì con muốn tỏ lòng cám ơn bà mẹ thứ hai đã tận tụy vì chúng con. Bà đã không ganh ghét đám con chồng mà coi như con đẻ. Bà đã vượt qua tất cả mọi sự dèm xiễm của thế gian, chịu đựng biết bao nghịch cảnh để làm tròn thiên chức làm mẹ. Tấm lòng của bà, nghĩa cử của bà đã cho chúng con có cuộc sống hạnh phúc, yêu thương như bây giờ.

 

Má đã sinh chúng con ra đời. Cho chúng con một sinh mạng, một cuộc sống. Nhưng chính má con hiện nay đã nắm tay chúng con vượt qua giông bão để trưởng thành. Cả hai người mẹ con đều tôn kính và yêu thương.

Ngày Lễ Vu Lan, con quỳ dưới Phật Đài. Tâm thành con nguyện Đức Phật Từ Bi, gia hộ cho hai người mẹ mà con tôn kính nhất .

 

Nguyễn thị Thêm

Viết cho Bé Lan của tôi.

22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1888)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1671)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5373)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5646)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1906)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4940)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3672)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2279)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2227)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2538)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2552)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2540)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2565)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2796)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3042)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2908)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2728)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2836)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2748)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2847)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?