Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hoàng Ánh Nguyệt - TÌNH MẸ BAO LA

13 Tháng Năm 20162:01 CH(Xem: 17148)
Hoàng Ánh Nguyệt - TÌNH MẸ BAO LA



tinh me

TÌNH MẸ BAO LA

Hoàng Ánh Nguyệt
(San Jose, California.USA)
 
        Tôi có cái tật gần như cố hữu, năm nào cũng vậy, cứ gần đến Ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day), là tôi thích đọc những lời thơ hoặc được nghe những dòng nhạc diễn tả về tình mẹ. Một thứ tình bao la, sâu lắng, tuyệt diệu, muôn màu… không có một thứ tình cảm nào sánh bằng mà hầu như mọi người đều ý thức được vai trò quan trọng của người mẹ và sự hiện diện của bà trên cõi đời, nên đã biết bao văn nhân, thi sĩ và cả nhạc sĩ trút tâm tư vào đề tài nầy:
 
Mẹ, Mẹ là dòng suối dịu hiền 
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên 
Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao 
Là ánh đuốc trong đêm, khi lạc lối…
(đ/k Bông Hồng Cài Áo của NS Phạm Thế Mỹ) 
 
        Mẹ là ánh đuốc trong đêm… Mẹ là bóng mát, là chỗ dựa, che chở đời con trong mọi hoàn cảnh buồn vui của cuộc đời…Lời của bài hát Bông Hồng Cài Áo tôi rất ưa thích và tôi có dịp được nghe mỗi mùa Vu Lan về.
        Đã bao thế hệ trước đây, văn hoá Việt Nam gắn liền với cuộc sống khi diễn tả tình cảm con người thật sâu sắc. Đặc biệt viết về “Tình Mẹ” một thứ tình cảm, di sản tinh thần bất diệt nhất trong đời của chúng ta và cũng đã từng đề cao tấm lòng của mẹ.
        Người Việt Nam, khi nói về Đạo Phật thì chúng ta không bao giờ không tưởng nhớ đến đức Quan Thế Âm Bồ Tát được tôn kính dưới hình thức Mẹ Quan Âm. Đạo Công Giáo có Thánh Nữ Đồng Trinh Đức Maria. Tước hiệu mà Giáo Hội Công Giáo dùng để gọi Đức Maria là Mẹ. Và Mẹ là đức tin trong tín hữu. Trong tín ngưỡng dân gian bình dân người Mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam có Thánh Mẫu Liễu Hạnh được nhân dân tôn thờ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thể hiện đó là niềm tin và đã ăn sâu vào tâm tư, tình cảm của mỗi người.
        Trên tất cả những tình cảm nhân loại là tình cảm cha mẹ, chỉ cần nghe tiếng Mẹ là tim ta đã thấy rung động, đã thấy tràn ngập yêu thương vô lượng, vô bờ. Thuở ấu thơ cắp sách đến trường được thầy cô dạy mà hầu hết trong chúng ta không ai là không thuộc lòng:
 
Công cha như núi Thái Sơn 
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra 
Một lòng thờ mẹ kính cha 
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. 
 
        Nước trong nguồn chảy ra thì mãi mãi không dứt, mọi người con đều hiểu nước trong nguồn chảy thì bất diệt cũng như hiểu “biển sâu bao la” nhưng công cha nghĩa mẹ lại càng “bao la hơn, mênh mông hơn”, trái tim của mẹ thật là vĩ đại, vĩnh cữu, vẹn toàn và chỉ có sự tràn đầy tình cảm nồng ấm, thương yêu. Lúc thiếu thời tôi cũng thường được nghe các câu ca dao lưu truyền đã in đậm vào tâm trí tôi cho mãi đến bây giờ:
 
Đố ai đếm được lá rừng 
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao 
Đố ai đếm được vì sao 
Đố ai đếm được công lao mẹ hiền… 
 
        Tình thương của cha mẹ cho con là không giới hạn, thương con cha mẹ không đòi hỏi bất kỳ một sự báo đáp nào, nghĩ đến con thường xuyên hầu như tất cả thời gian, và trọn cuộc đời, cũng không hề trách phiền con bất hiếu. Niềm hạnh phúc của bất cứ cha mẹ nào đều mong muốn nhìn thấy con mình được nên người, trở thành người hữu ích cho xã hội. Lòng yêu thương quảng đại của cha mẹ đã dạy con rất nhiều, hướng con làm điều lành và lánh xa mọi điều dữ, tâm tư tình cảm của cha mẹ đều dành hết cho các con.
        Tôi còn nhớ, khi học lớp Tiểu Học, một câu chuyện trong sách “Luân Lý Giáo Khoa Thư” rất cảm động: Mẹ đi chợ về mua một trái cam cho con. Con nghĩ công cha làm lụng vất vả ngoài đồng áng liền đem trái cam ra biếu cho cha. Cha nghĩ đến mẹ đầu tắt mặt tối ở nhà lo cho chồng con, cha đem trái cam về cho mẹ. 
        Trái cam luân lưu vòng vèo thắt chặt dây tình cảm vô hình gắn bó. Con thương cha, cộng thêm tình mẹ thương con rồi tình chồng thương vợ thể hiện nghĩa tào khang. Câu chuyện giáo dục rất hay:
 
Nghĩ về Mẹ trời luôn tươi sắc nắng 
Hoa trong vườn không gió cũng xôn xao 
 
        Hiện nay tại nhiều quốc gia có ngày dành cho cha (Father’s Day) và cho mẹ (Mother’s Day) rất quan trọng. Theo tìm hiểu, tôi được biết hằng năm cứ đến ngày Chúa Nhật trung tuần của tháng Năm (dương lịch), một ngày lễ được mang tên Mother’s Day (Ngày Hiền Mẫu, Ngày Mẹ Hiền) nhằm tôn vinh các bà mẹ, được diễn ra trên thế giới (có thể được tổ chức khác ngày với nhau), là dịp cho mọi người nhắc nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ, ngày mà con cháu nô nức được dịp bày tỏ lòng kính yêu, hiếu thảo và cũng là một ngày lễ thiêng liêng nhất, tình cảm nhất, ý nghĩa nhất đối với mỗi người trong chúng ta. Đây là tài sản vô cùng quý giá, đời đời vẫn bất diệt trong trái tim của mọi người…
        Tình mẹ thương con mênh mông bao la như trời, như biển. Nói đến mẹ, không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý có thể so sánh như tình của mẹ thương con. Đã có biết bao văn nhân, thi sĩ viết về mẹ, bao nhiêu câu hò điệu hát, bao nhiêu văn thơ ca tụng tình mẹ. Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng hay, cũng có những rung cảm chân thành, nói bao nhiêu cũng không đủ viết bao nhiêu cũng không vừa, lời nào về mẹ cũng thật thiết tha:
 
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào 
Mẹ, Mẹ là nải chuối, buồng cau 
Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu 
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời… 
 
        Mẹ là lọn mía ngọt ngào, mẹ là nải chuối, buồng cau là nắng ấm là tình yêu thương con bao la…Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã diễn tả tình mẹ qua bài Bông Hồng Cài Áo với những lời ca thật bình dị.
        Thương con, mẹ nào quản nắng mưa, không ngại gì sớm khuya vất vả. Sau mỗi ngày dài cực nhọc, bên ruộng vườn, nương sắn những mong ước của mẹ là làm sao nuôi nấng cho đàn con khôn lớn, nên người. Thật vậy, không ai có liên hệ mật thiết và dịu dàng với con cho bằng mẹ, không ai yêu thương chăm sóc con cho bằng tình mẹ, chín tháng mẹ mang nặng, mẹ đã cho con tiếng khóc chào đời trong vòng tay thương yêu của mẹ, bao năm mẹ nâng niu bú mớm, bầu sữa ngọt của mẹ cho ta thơm ngát cuộc đời, mẹ quạt nồng, ấp lạnh. Bài hát Tình Mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy cũng đã nói lên công ơn của mẹ cha bao la như biển trời:
        “Khẽ ngắt nụ hồng cài lên mái tóc xanh mẹ yêu. Tóc rối một đời, vì năm tháng chở che đời con… 
        Khi ấu thơ con nào đâu có biết, mẹ lặng lẽ trong ngàn nỗi muộn phiền. Dù bao gió mưa, tình mẹ vẫn thiết tha êm đềm. 
        Mẹ là những tiếng hát ấm áp ru con khi đông lạnh về, Mẹ là những ánh nắng lấp lánh đưa con đi trên đường quê. 
        Để con khôn lớn lên giang rộng đôi vai, rồi đưa chân bước đi theo từng đêm vui. Mẹ vẫn thứ tha dù cho con mang bao nhiêu lầm lỗi. 
        Mẹ đã có phút giấu nước mắt cho con thơ ngây nụ cười, Mẹ đã có lúc thức trắng cho con bao đêm ngủ say. 
        Ngày con nâng bó hoa xinh chào tương lai, Mẹ cô đơn đứng bên hiên đầy mưa bay. 
        Trên mỗi bước đi xin mãi khắc ghi tình mẹ bao la biển trời” 
 
Những bài hát, lời thơ ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có tuy rất giản dị nhưng thật cảm động. Tôi nhớ có lần tôi đọc bài thơ “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” rất đơn giản, nhưng tất cả nói lên tâm trạng của người con xa mẹ thật cảm động của nhà thơ Trần Trung Đạo, tôi xin trích một đoạn:
 
Đừng khóc mẹ ơi hãy rán chờ
Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ 
Đau thương con viết vào trong lá 
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ 
 
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người 
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi 
Ví mà tôi đổi thời gian được 
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười 
 
        Những câu hò ru con ầu ơ của mẹ thuở đầu đời nghìn năm vẫn còn in đậm, thấm thiết, những ngày đầu tiên đi học, mẹ âu yếm dắt con đến trường. Tôi còn nhớ rất rõ năm tôi 7 tuổi mẹ dắt tôi đi ngày đầu tiên đến trường tôi nắm chặt tay mẹ như không muốn rời mà nước mắt chảy dài. Chúng ta không thấu hiểu hết tình cảm của cha mẹ dành cho ta, nào có biết vì con mà mẹ vất vả hằng ngày, đến khi chúng ta thật sự trưởng thành, con khôn lớn mẹ chìu chuộng, an ủi, vỗ về, chở che. Mẹ lo âu nhiều nhất chính là lúc con bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, chỉ mong sao, sau này con trở thành người có ích cho xã hội và quê hương.
        Hồi tưởng lúc còn học trường làng cách nhà khoảng 4 km, trường dạy hai buổi, bắt buộc phải mang cơm theo ăn trưa, vì không thể về nhà kịp, (đi bộ). Mẹ thức khuya dậy sớm nấu cơm gói trong mo cau và khô mắm gói kèm theo, xuyên suốt ba năm học trường làng (lớp Năm, Bốn, Ba), rồi thi lên trường tỉnh (Nguyễn Du bây giờ), học tiếp đến ba năm nữa mới học hết bậc sơ học, cũng phải giở cơm theo ăn trưa (học hai buổi). Như vậy Mẹ chịu khó khổ lo cho con suốt 6 năm trường, lo xong cơm nước cho con, Mẹ lại oằn vai gánh nặng nào chuối, mít, trái cây thu hoạch ở vườn xuống đò sang sông đến chợ để bán và mua thực phẩm về nhà lo bữa ăn trong ngày.
        Hiện nay tôi vẫn còn nhớ bài học thuộc lòng:
 
Đêm khuya giấc điệp mơ màng 
Kìa ai bồng ẩm, kìa ai dỗ dành 
Ấy là công mẹ sanh thành… 
 
và bài:
 
La nuit lorsque je sommeille 
Qui vient se pencher sur moi? 
Et qui sourit quand je m’éveille? 
Petite mère, c’est toi. 
 
        Trong sách Grammaire của Claude Augé lớp sơ đẳng thời Pháp thuộc hồi thập niên 30 của thế kỷ XX.
        Con bước vào đời đầy khát vọng, giữa dòng đời muôn ngã, mỗi khi chiều xuống mẹ lại mong ngóng tin con, mẹ lo sợ con đối diện với cạm bẫy, phong ba, bão táp phũ phàng luôn rình rập. Mẹ là biểu tượng của dòng sông, dòng sông tươi mát êm đềm tưới lên đời con niềm “Hạnh Phúc” công ơn cha mẹ to biết dường nào, cho dù ở bất cứ thời đại nào, bất cứ nền văn minh nào và dẫu ở đâu tình mẹ cứ mãi là như thế.
        Người Việt Nam chúng ta đi đâu cũng thường ví lòng của mẹ cha rộng như đại dương, như suối nguồn, mãi mãi không bao giờ cạn. Bản nhạc bất hủ, chan chứa yêu thương Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân đã diễn tả trái tim của mẹ thật vô cùng vĩ đại, thật tuyệt vời:
 
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào 
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào 
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu 
Thương con thao thức bao đêm ngày 
Con đã yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao…. 
 
        Tôi nghĩ chẳng ai trong chúng ta lại không biết bài hát này với giai điệu thật tình cảm và vô cùng mượt mà. Hiện nay ở Việt Nam mừng Ngày Hiền Mẫu vào Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08 tháng 3 (International Women’s Day) và gọi là Ngày của Mẹ.
        Hằng năm cứ đến ngày Rằm Trung Nguơn tháng 7 (âm lịch) hầu hết các chùa đều tổ chức đại lễ Vu Lan Báo Hiếu, đã được truyền lại từ ngàn xưa và vẫn còn duy trì đến ngày nay, để nhắc nhở, khuyến khích các con cháu của thế hệ sau này về lòng hiếu thảo luôn được đề cao và sự thương tưởng đến mẹ cha, lấy chữ “Hiếu” làm đầu, là dịp báo ân cha mẹ, các Phật Tử nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục, những ngày này đến thắp nhang, cúng dường, cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu cho các vong linh được siêu sanh tịnh độ, cầu cho cha mẹ hiện tiền có được cuộc sống an lành, sức khoẻ và phước lộc.
        Trong ngày này người nào còn mẹ sẽ tự hào được cài lên áo hoa hồng đỏ, người nào không còn mẹ thì thổn thức, buồn thương, xót xa cài lên áo hoa hồng trắng. Cho đến nay việc các chùa tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo hàng năm đã trở thành truyền thống.
        Cũng đặc biệt trong mùa Vu Lan còn có những câu thơ tôi thường được nghe khi chúng ta còn cha còn mẹ:
 
Đêm Vu Lan trăng tròn vằng vặc 
Nhớ mẹ cha canh cánh bên lòng
Cha còn như ngọn đèn trong 
Mẹ còn như ánh trăng rằm mùa thu 
 
        Tôi may mắn và là người diễm phúc nhất đời, sung sướng lẫn tự hào được cài hoa hồng đỏ, hạnh phúc hơn nữa là đang được sống bên mẹ. Vì không có niềm vui nào thiêng liêng, đậm đà bằng niềm vui còn mẹ:
 
… Đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh 
Đoá hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em 
Thì xin anh, thì xin em hãy cùng tôi vui sướng đi 
Hãy cùng tôi vui sướng đi… 
(Bông Hồng Cài Áo của NS Phạm Thế Mỹ) 
 
        Thật ra trên thế gian này mối tình nào rồi cũng có ngày tan vỡ, phai mờ trong ký ức…Duy chỉ có tình mẹ là thiên thu bất diệt. Ai đã sinh ra đời cũng đều có mẹ, nhưng có người được sống với mẹ và nhiều người phải sống cảnh thiếu mẹ, những người được sống trong tình thương yêu của mẹ là điều diễm phúc. Chính vì “Tình Mẹ” thương con như biển hồ lai láng, tình mẹ vượt cả thời gian, không gian nên không bao giờ bị ngoại cảnh chi phối, tình mẹ mãi mãi không biên giới, là chốn thiên đường của đời con, Trái tim mẹ chỉ có sự tràn đầy. Mẹ là gốc của yêu thương gắn bó từ máu huyết.
        Một người mẹ có thể nuôi cả đàn con khôn lớn nên người. Nhưng rồi cả đàn con ấy không nuôi nổi một mẹ già. Như lời ca dao thật sâu sắc diễn đạt:
 
“Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể 
Con nuôi mẹ con kể từng ngày”… 
 
        Có biết bao nhiêu trường hợp, biết bao nhiêu bà mẹ âm thầm, lặng lẽ chịu đựng bao đau khổ từ khi lấy chồng, sanh con rồi lặn lội thân gầy nuôi con nên người.
        Hôm nay nhân Ngày Hiền Mẫu, chúng ta những người đang còn mẹ và hạnh phúc hơn nữa là đang được sống gần mẹ, với tất cả lòng kính yêu, quý mến. Tôi nghĩ chúng ta không cần phải đợi đến ngày Mother’ Day (Ngày Hiền Mẫu) hay Father’s Day (Ngày Từ Phụ) hoặc ngày Lễ Vu Lan chúng ta mới nghĩ đến cha mẹ, mua quà cho cha mẹ, mà bất cứ lúc nào, phút giây nào khi cha mẹ còn hiện tiền năng tới lui thăm viếng, chăm sóc, an ủi cận kề bên cha mẹ, thể hiện tình thương của chúng ta đối với cha mẹ già, đó là bổn phận, là món quà quý nhất của những người con hiếu thảo. Chẳng có gì quý giá hơn khi mình đang còn có mẹ vì:
 
Mẹ già như chuối chín cây 
Gió lay mẹ rụng con thành mồ côi… 
 
        Chúng ta phải biết trân quý và phải trân trọng giữ gìn, vì chuối chín cây thì có thể rụng bất cứ lúc nào…
        Niềm vui của cha mẹ ở tuổi về chiều, không gì hơn là được nhìn thấy con cháu trưởng thành, nên danh, đạt nghiệp, giúp ích cho đời và điểm quan trọng là mong muốn con cháu trong gia đình luôn thuận thảo với nhau . Sự thành đạt và hoà thuận của con cháu là một món quà tinh thần vô giá, được ví như một bó hoa tươi thắm và ý nghĩa nhất mà chúng ta, là con cháu, cần thực hiện và dâng lên cho Người Mẹ của chúng ta vậy.
        Tôi thầm cám ơn cuộc đời. Cám ơn ba mẹ đã cho tôi hiện diện trên thế gian này. Cám ơn những lời giáo huấn của người, đó là hành trang quí báu, tôi mang theo suốt cuộc đời.
        Mẹ tôi năm nay đã hơn chín mươi tuổi, nhưng sức khoẻ vẫn bình thường, tinh thần còn minh mẫn, còn vui thú đọc sách, xem phim và đang sống chung với tôi tại San Jose-Cali, để tôi có dịp phục vụ Bà. Tôi cho đây là niềm hạnh phúc nhất của tôi, vẫn còn được sống bên mẹ, trong tình thương của mẹ. Tôi thầm cầu mong mẹ tôi sống lâu với con cháu và tôi thường lẩm nhẩm câu ca dao:
 
Mẹ già như chuối ba hương 
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
 
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2877)
Bây giờ chúng ta đã ở ngưỡng cửa của mùa thu. Ngày xưa, rất nhiều nhạc sĩ của ta đã cảm xúc cái mùa lành lạnh với lá vàng rơi rụng nhưng rất lãng mạn này và đã cho ra những tuyệt tác để đời.
02 Tháng Chín 2023(Xem: 3172)
đã xưng tội trong mùa chay nhưng vẫn luôn phạm tội vì đường trần còn tơ vương khanh tướng, giữa chốn vô thường chỉ là tạo vật. Chúa và Phật phải chọn ai đây chỉ cầu mong còn có những cơn mưa…
28 Tháng Tám 2023(Xem: 3146)
Tọa lạc ở chợ BH ngay giữa ngã ba đường Lê văn Lễ và Cô Giang, vào những thập niên 1960-1970s, Tứ Lợi là tiệm tạp hóa lớn do người Hoa làm chủ, chuyên bán sỉ và lẻ đủ loại nhu yếu phẩm
26 Tháng Tám 2023(Xem: 2898)
Có bao giờ chúng ta chân thành xin lỗi cha mẹ chưa? Một câu xin lỗi xuất phát từ trái tim sám hối. Một câu hỏi mà bây giờ đứng cận con đường sinh tử ta hỏi lại mình .
22 Tháng Tám 2023(Xem: 2824)
Trong mùa tựu trường năm nay, người giáo già như tôi không khỏi trăn trở khi nghĩ đến những cháu nhỏ ở Việt Nam ngày nay bao giờ sẽ hưởng được một nền giáo dục dân tộc
17 Tháng Tám 2023(Xem: 2750)
Bài học của tôi là thế đó. Tôi đã tự nhủ với mình đừng làm gì khác hơn vui chơi mà vẫn bị sụp hầm. Từ nay tôi sẽ mắt sáng như sao, thật cảnh giác để không bao giờ lọt bẫy mấy tên hacker kia nữa.
12 Tháng Tám 2023(Xem: 2750)
Tôi viết bài này như một lời chia tay, chưa biết ai là kẻ thắng cuộc, ai là kẻ thua cuộc. Hẹn kỳ World Cup bốn năm tới với nhiều hứa hẹn mới.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3551)
Xin vĩnh biệt người thầy đáng kính của nhiều thế hệ và chúc thầy an bình thanh thản nơi cõi vĩnh hằng sau khi đã hoàn thành sứ mạng cao cả của một lương sư.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 2930)
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy,
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3199)
Một nén hương lòng để tưởng nhớ đến Dì Sáu - một bà tiên giữa đời thường trong lòng tôi. Nguyện cầu cho Dì được an nghỉ đời đời trong tình yêu của Chúa, nơi Dì suốt đời nương tựa và dâng lên niềm tin tuyệt đối.
11 Tháng Tám 2023(Xem: 3736)
Do có năng khiếu về âm nhạc, giỏi về nhạc lý, Ba tôi được tuyển chọn làm giáo sư âm nhạc của trường trung học Ngô Quyền từ những năm 1960…
05 Tháng Tám 2023(Xem: 3404)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
29 Tháng Bảy 2023(Xem: 2647)
Những năm sau này, ván đã đóng thuyền, tôi vẫn theo chồng về quê Biên Hoà, nhìn dòng sông chảy, nhìn lục bình trôi, tôi nói với chàng “dòng sông này vẫn là dòng sông Định Mệnh,
28 Tháng Bảy 2023(Xem: 2507)
Chính nhờ những người dám đứng ra gánh vác ngà voi như vậy, mà những người như chúng ta mới có cơ hội được đến gặp lại những người thân quen,
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4816)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 7963)
chuyến đi Mũi Đôi - Cực Đông lần này rất ý nghĩa với tôi. Rằng thế giới này dù đảo điên hỗn loạn đến đâu, vẫn còn nhiều lắm những người trẻ tuổi có tri thức có ý thức, cư xử tử tế ...
02 Tháng Bảy 2023(Xem: 2676)
Ta về họp mặt trường Ngô Quyền Để nghe vừa nhớ lại vừa thương Website gửi đến người muôn ngã Nhớ lại một thời ta vấn vương
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 8563)
Suy cho cùng “trong nguy rồi cũng có cơ…” mà, ông bà xưa đã dạy vậy rồi. Chuyến đi Mỹ vừa qua của tôi có 16 ngày, thì vợ chồng bạn Trần Thanh Châu đã “cưu mang” tôi hết 9 ngày.
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5162)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
18 Tháng Sáu 2023(Xem: 2599)
Ngày mai là ngày Father's Day, tôi nhớ ba tui quá nên viết bài này. Đứa con gái ông yêu thương đã là một bà già, nhưng có lẽ dưới mắt ông tui mãi mãi là con gái nhỏ ông yêu thương chiều chuộng.