Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - TUỔI KHỈ VÀ NĂM BÍNH THÂN

16 Tháng Giêng 201612:03 SA(Xem: 14871)
Nguyễn Thị Thêm - TUỔI KHỈ VÀ NĂM BÍNH THÂN

 

 

nam binh than

 

Còn khoảng ba tuần nữa là năm con khỉ về rồi.

 

Năm ngoái là năm con Dê, con vật mà những người thích gái đẹp tôn làm sư phụ. Con vật được người ta yêu thích cũng nhiều mà chọc ghẹo cũng lắm.

 

Với thời đại mới hiện nay, khó phân biệt nữ nam, người ta lại thích mấy người đàn ông có tính hơi dê một chút. Có dê mới thể hiện được giới tính của mình. Có  tính dê, nghĩa là thấy con gái đẹp thì thích nhìn và trong lòng ao ước. Thì đó mới chính là đàn ông thật sự. Còn nhìn đàn bà con gái đẹp mà trong lòng phẳng lặng như mặt nước hồ thu thì phải mở dấu ngoặc cho bản thân mình. Có phải chăng mình nghiêng về một hệ khác.

 

Người đàn ông thích gái không có gì là xấu, miễn biết dừng lại đúng lúc, đúng nơi. Biết đặt lý trí và tình cảm đúng chỗ. Biết tôn trọng cái đẹp và biết trái tim mình đặt ở chỗ nào.

 

 Dê là một giống vật rất mạnh về vấn đề giao phối. trong một thời gian ngắn, nó có thể giao phối với rất nhiều ả dê cái mà không mệt mõi. Tạo hóa tạo ra mỗi loài đều có một đặc tính riêng và sự ưu đãi đó không phải ai muốn cũng được.  Loài người không thể so bì vấn đề này với con dê, bởi vì ông trời đã tặng cho con người một bộ óc tuyệt vời, đôi tay, đôi chân khéo léo. Những cái mà con người có, con dê không thể nào có được, thì những cái con dê làm được, con người cũng không nên ham hố muốn thực hiện y như vậy.

 

Khi còn trẻ tuổi, sinh lực tràn đầy, không cần uống thuốc gì cũng xuân tình phơi phới. Nhưng đã đến lúc tuổi già ầm ập đến mà còn muốn sung sức như thời trai tráng thì nên coi lại. Cái gì vượt quá khả năng thì tức nước vỡ bờ. Coi chừng ngon lành đâu không thấy mà còn hủy hoại cuộc đời.

Chuyện gì thì chuyện, chứ chuyện gối chăn càng ráng càng hư sự. Thuốc men giải quyết cấp thời, nhưng hậu quả về sau không phải nhỏ. Mấy ông vua ngày xưa có quyền lực, tiền tài sẳn trong tay, bao nhiêu thức ăn, thuốc men quý hiếm, cung phụng cho vua thỏa mãn tình dục. Thế nhưng nhìn lại ông vua nào cũng chết sớm. Đó là hậu quả của sự hoang dâm vô độ, ngược với tự nhiên.

 

Ủa! mà sao tui lại ngồi viết chi ba cái tào lao này. Bà già ngót nghét 70 mà ngồi nói chuyện mây mưa, ong bướm thì  thiệt là dị hợm à nghen.

Khỉ thật!

 

Hồi nhỏ tui rất thích nhà bà Bảy tui. Bà có sân rộng và phía sau trồng nhiều ổi và cây ăn trái. Những cây ổi, cây mận, chùm ruột,  quít, mãng cầu trái thật sai và ngon lắm. Bà không có con  cháu đông, nên cháu họ là anh em tui hay đến thăm bà. Nói đến thăm là cách nói ngoài miệng vậy thôi. Nhưng chủ ý là rũ nhau đi ăn trái cây. Nhưng, có điều là chúng tôi không thể thường xuyên thực hiện được ý đồ.

Vì sau vườn, ngay cây ổi trái to ngon nhất, bà Bảy tôi có hai kẻ giữ vườn thân tín: Đó là con hai con khỉ  bà nuôi từ lâu lắm.

Hai con khi được cột ngay gốc cây ổi sau nhà bằng hai sợi dây xích dài khiến nó có thể đi ra xa hơn và bảo vệ không cho ai đến hái trái cây trong vườn.

Đó là một con đực và một con cái. Không có ai, hai vợ chồng nhà khỉ  ngồi bắt chí cho nhau một cách âu yếm, tình điệu. Nhưng khi có kẻ lạ mặt thì chúng buông nhau ra, chia hai chiến tuyến để phòng thủ. Chúng buông ra những tiếng khẹt khẹt và la chí chóe cho bà Bảy tôi trong nhà biết là có người đột nhập vườn sau.

 

Cái mặt nó gườm gườm, nhảy nhót thấy ghét. Nó ít thân thiên với ai, dù mấy ông anh tôi đã nhiều lần dùng trái cây dụ dỗ nó.

Nó thoắt một cái là leo tuốt lên cây, nhảy từ cành này qua cành khác gọn nhẹ. Bà Bảy tôi nhiều lúc cũng thả nó ra để nó được tự do,. Nó không chạy đi mà chỉ loanh quanh nhảy nhót trong khu vườn um tùm cây trái.

 

Vì là con cháu, nên mỗi khi chúng tui đến, bà Bảy ra vườn hái cho ít trái cho ăn rồi bà trở vô nhà. Con nít như tụi tui, bao nhiêu đó đâu có đủ cho sự thòm thèm, nên chúng tôi vẫn muốn hái thêm. Nhưng hai con vật tinh khôn này luôn "Làm trò Khỉ"  cản trở. Chúng luôn coi anh em tôi là địch nên cứ thấy chúng tôi mon men tới cây nào là chúng chạy tới la lối và múa may nhảy nhót  để cản đường.

 

 Bà Bảy tui trọng dụng chúng mà quên mất câu nói ngầm chê bai cái tính hay ăn trộm và phá phách của cái giống bốn chân này: "Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà" Tuy nhiên đối với hai con khỉ  của bà tui thì câu đó trở thành sai lạc rất nhiều. Vì khi bà Bảy tui mất, chúng nó buồn rầu bỏ ăn.  Nghe đâu sau một thời gian chúng cũng chết. Ông Bảy tui đào một cái lỗ ngay nơi cột chúng ở sau vườn và chôn chúng  ở đó.  Thật là một loài vật có nghĩa có tình.

 

Thêm một người có nuôi khỉ trong gia đình tui là nhà Ba Năm của tui. (Tui kêu chồng của dì tui bằng Ba Năm và kêu dì bằng Má Năm.. Các con của dì kêu ba má tui là ba má Sáu. Có lẽ để cho nó thân mật ruột rà). Ba Năm tui ở Phước Thiền và làm thầy Pháp.  Có điều hơi lạ là mấy đứa con của ông đều gọi ba bằng ổng :

- Ổng ơi! dzô ăn cơm. ..

Có lẽ nghề thầy Pháp ảnh hưởng đến con cháu nên ba Năm tui không cho con cái gọi bằng ba. Chắc để đánh lừa tà ma hay những vong hồn bị ông trấn áp.

 

Ba Năm tui nuôi con khỉ này lúc nào tôi không biết, nhưng lúc tui gặp, nó rất nhỏ con và rất hiền. Khi có ai tới nhà là nó đứng nhìn hay đi xa xa ngó lại. Nó không la ó hay khọt khẹt lợi hại như con khỉ ở nhà bà Bảy tui. Nhìn cái mặt nó nhăn nhăn, buồn buồn thật đúng với câu người ta thường ví von."Mặt nhăn như mặt khỉ" Má tui hỏi Ba Năm tui:

- Sao hôm nay thấy con Mai buồn buồn vậy anh Năm?

Ba Năm tôi nói;

-  Nó mới bị chết con nó đó dì Sáu. Con nó sinh ra èo ọt nên tôi cứu không nỗi.  Hôm nay nó còn chạy tới chạy lui, chớ mấy hôm trước nó buồn đến bỏ ăn 

Thì ra giống vật này có tình mẫu tử giống như con người. Nó sẳn sàng bảo vệ con tới cùng nếu có ai muốn đến giành con của nó. Bởi vậy người ta hay nói một câu về tình thương con của giống vật này "Rầu rĩ như con khỉ chết con".

 

Dù nó như thế nào đi nữa, tui cũng  không hề thích nó. Tui đứng ở xa xa mà nhìn, hể nó có dáng như muốn lại gần, thì tui chạy núp sau lưng má tui. Bởi lẽ  tôi không hề thích đến nơi này. Một nơi thật khủng khiếp trong trí óc non nớt của tôi ngày đó.

 

Cứ  mỗi năm sau Tết vào rằm tháng giêng má tui hay dẫn anh em tui về nhà Ba Năm để làm phép và thay niệc. Ba Năm tui không ở nhà lớn với vợ con, mà ở luôn trong cái am riêng của ổng. Trong am có nhiều hình tượng quái dị. Chỗ nào cũng vẽ bùa và nhang khói nghi ngút. Tui sợ cái am, sợ cái không khí ma quái, thần thánh nên chỉ ngồi im không dám nhúc nhích. Ông bắt anh em tui từng đứa đứng trước bàn thờ tổ rồi dùng nhang vẽ ngoằn ngoèo ở  không trung trên đầu chúng tôi. Ông đọc những tiếng kỳ lạ rồi dậm chân làm phép. Ông dùng kéo cắt lá bùa năm trước rồi đeo cho tụi tui bùa mới để bảo vệ .

Bùa là một miếng vải vàng hình tam giác nho nhỏ, được kết dính với một sợi dây bằng nhiều sợi chỉ màu đan lại với nhau. Má tui đeo vào cổ cho con và căn dặn không được chui qua sợi dây giăng để phơi quần áo.  Không được để nó dính vào đồ nhơ uế. Bùa sẽ giúp chúng tôi khỏe mạnh, không bị tà ma khuấy nhiễu. được thần linh theo phù trợ. Chúng tôi mang bùa đến khoảng  năm vào lớp hai lớp ba thì má tôi không cho đeo nữa.  Và cũng từ đó tôi không còn ghé cái am có con khỉ nhỏ dễ chịu của ông dượng rễ.

 

Khi nhà chồng tôi đem trầu cau dạm ngõ, má tôi bèn về nhà ba Năm tui nhờ coi dùm tuổi hai đứa. Ông phán một câu chắc như bắp:

- Con Chín tuổi Tý, thằng đó tuổi Thân hai tuổi này rất hợp. Mạng  hơi khắc có xa cách, trở ngại lúc đầu. Nhưng mai sau có lộng vàng lộng bạc che đầu sung sướng lắm.

Má tui nghe xong khoái đê mê trong đầu,  tuyên bố :

-Tiền hung nhưng hậu kiết. Miễn về sau cuộc đời nó sung sướng là tui mừng

 Nghe lời ông anh rễ, bà đồng ý gả tui lấy chồng tuổi khỉ. Cái tuổi:

Tuổi thân con khỉ ở lùm,

Chuyền qua chuyền lại té ùm xuống sông.

Cái tuổi nói theo giọng Nam Kỳ quốc của tui là đủ nản mớ đời. "Tủi Thân"

 

- Tủi Thân có nghĩa là buồn thân phận. Một  con người lúc nào cũng thấy thân phận mình bạc bẽo đến buồn tủi thì làm sao mà vui được. Cho nên sung sướng đâu không biết, tui suốt một đời cầm lộng che cho chồng. Đúng y chang mấy từ có tự ngàn xưa  "Nâng khăn sửa túi" .Tóm lại là hai chữ "Hầu chồng".

 

Cũng có một thời gian tui lạc lõng nơi quê chồng, xém một chút tui đã  ngồi buồn than thở:

- Má ơi đừng gả con xa,

Chim kêu, khỉ hú biết nhà má đâu.

Mà nghĩ cho cùng con khỉ này là do tui chọn chứ má tui có ép uổng tui đâu.  Nơi đây cũng non nước hữu tình chứ không phải là nơi "Khỉ ho cò gáy" mà tui than trách má tui. Chỉ khổ nỗi đó là thời buổi đổi đời sau 1975, thân vợ lính hay bị chính quyền CS "Rung cây nhát khỉ"  hoặc "Giết gà dọa khỉ"  hù dọa tối đa nên đôi lúc mặt mày tui "Nhăn nhăn như khỉ ăn ớt" thiệt xấu xí vô cùng.

 

Mà cũng lạ, nhà tui có tới 3 người tuổi thân.: Chồng tui, con gái lớn tui và hai đứa cháu ngoại. Vị chi trong nhà có 4 con khỉ, già trẻ đều có. Ngày còn nhỏ sợ khỉ, ghét khỉ rồi cuối cùng tui có 4 người thân cầm tinh con khỉ.

 

Ông "khỉ già" nhà tui thì hồi nhỏ thế nào tui không chính mắt thấy, nhưng hai con "khỉ con " thì nó thiệt là "Liếng khỉ " vô cùng. Không có cái "Khỉ khô", " Khỉ mốc ", " Khỉ gió" gì  mà nó cũng nhảy nhót "Làm trò khỉ" cho cả nhà coi.

 

Trong bầy cháu 10 đứa của tui, hai con khỉ này có  lắm trò vui . Nó thật lém lỉnh và cũng thật nghịch ngợm dễ thương.

 

Trong 12 con giáp mà dân mình tin tưởng vận mạng của một người, thì tuổi thân là tuổi mà nghịch ngợm nhất.

 

Chuyện Tây Du Ký có một con khỉ mang hình dạng con người được vẽ vời để phò Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Đó là Tôn Ngộ Không  một người từ đá nứt ra, tài giỏi vô song, không có gì hủy diệt được. Nếu không nhờ Phật Như Lai trấn áp và Đường Tam Tạng dẫn dắt thì không biết sẽ như thế nào.

Câu chuyện kết cấu tinh vi lại vừa vui vừa hấp dẫn, lại  nhuốm màu triết lý cao siêu của Phật Giáo nên có biết bao người say mê. Trong đó có má tui và hằng triệu triệu đọc giả trên khắp thế giới.

Gần đây cũng có một phim khoa học viễn tưởng của Mỹ dùng con khỉ làm nhân vật chánh. Phim "King Kong" cũng thu về một số lượng khán giả đông kỹ lục.

 

Con "Khỉ già" nhà tui bây giờ hết làm trò khỉ được rồi. Để đồng vợ đồng chồng tui cũng thành một "Con khỉ già vợ"  để ngồi thu lu trong nhà cho xứng đào xứng kép.

Trời Cali năm nay lạnh nhiều hơn năm rồi. Hai con khỉ già vào phòng mở sưởi ngó nhau nhe răng cười tình cho qua ngày tháng. Mà khi nhe răng còn thảm thương hơn vì răng cỏ đi du lịch khá nhiều, còn lại mấy cái  thì xệu xạo hết rồi.

Hôm tui dẫn chồng đi clean răng. Nhìn hai hàm răng chỉ còn 8 cái của chồng, tui thầm nghĩ "Ông Nha sĩ này hôm nay trúng mánh".

 

Tết đã gần về, chỉ còn hơn hai tuần nữa là ông chồng tui bước vào tuổi 72. Năm tuổi con khỉ lại về. Đã qua 6 lần con khỉ đến rồi đi trong cuộc đời của anh ấy. Bao nhiêu chiếc "Cầu Khỉ " chong chênh, cheo leo trong cuộc đời anh ấy đã bước qua một cách bình an. Hy vọng đã bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, anh ấy sẽ được an lành và tận hưởng những ngày có "Lọng vàng, lọng bạc " che như lời ông Ba Năm tui nói.

Gì thì gì, được che lọng cho chồng cũng là một niềm hạnh phúc. Cái hạnh phúc nhỏ nhoi của một người vợ lính. Một con chuột nhắt nhỏ nhắn dễ thương.

Chúc mừng năm mới Bính Thân đến với muôn nhà.

 

Nguyễn thị Thêm.

15/01/16

 

30 Tháng Mười 2014(Xem: 31561)
Suốt hai năm sống cùng bệnh tật, chị Khánh gần như trốn tránh sự quan tâm thăm hỏi của bạn bè. Cũng có thể do quá đớn đau vì hóa chất, chị Khánh chỉ muốn tự ru mình trong chiếc kén bình yên.
17 Tháng Mười 2014(Xem: 28445)
Chấp nhận và vui với những gì hiện hữu. Yêu thương sẽ làm mầm xanh trổi dậy sức sống mới. Tôi yêu thu và yêu luôn những gì đang có trong tầm tay mình.
10 Tháng Mười 2014(Xem: 27853)
Tại sao mình không tạ ơn đất trời và tận hưởng vẻ đẹp của mùa thu, vì mình đã biết rõ tiếp sau nó sẽ là một mùa âm u ảm đạm lạnh lùng. Hãy sống bằng hơi thở nồng nàn cho cái hiện tại đang có.
19 Tháng Chín 2014(Xem: 30644)
''Sinh ký tử quy'' là định luật của đất trời. Nơi ''cõi tạm'' Thầy đã sống xứng đáng với vai trò là một Nhà Văn, Nhà Giáo bằng nhân cách và những cống hiến của mình cho văn học Việt Nam thì hôm nay, trên đường đến ''cõi về'' ....
19 Tháng Chín 2014(Xem: 19809)
Viết đến đây, giờ này... giải lụa vàng đã cùng Thầy bên nhau (hôm qua, chiều thứ bảy 13 tháng 9, nghe tin từ chị Hạnh cho biết:Thầy đã ra đi).
19 Tháng Chín 2014(Xem: 22539)
Cầu nguyện ơn trên trong giấc ngủ an lành, dẫn đưa hương linh của Thầy sớm về cõi Phật.
18 Tháng Chín 2014(Xem: 25594)
Hóa ra, anh và Nguyễn Xuân Hoàng dù rất khác nhau về nhiều điểm nhưng quả đã chung một điều - Cả hai chưa hề nói với nhau về văn chương, chữ nghĩa,
16 Tháng Chín 2014(Xem: 24338)
Sáng nay một lần nữa tôi lại cảm nghiệm được lẽ vô thường của đời sống khi vào thăm Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy dạy Triết của các đàn anh đàn chị Ngô Quyền , Thầy dạy văn chương của tôi.
15 Tháng Chín 2014(Xem: 16521)
Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”
13 Tháng Chín 2014(Xem: 29831)
Bốn mươi bốn năm đời sống hôn nhân, bao nhiêu lần em nuốt nước mắt vào lòng câm nín. Niềm riêng canh cánh bên lòng em không thể nói với ai.
13 Tháng Chín 2014(Xem: 24351)
Đường đời dù muôn ngàn lối rẽ – từng xô dạt “ ngũ long” trôi tận cuối đất cùng trời – thì vẫn còn có ngày, nhóm “ngũ long” chúng mình cùng lúc tìm về thăm bến sông xưa…
12 Tháng Chín 2014(Xem: 28469)
Không cần xem lịch hoặc đọc báo, cũng không cần bước ra ngoài sân hoặc lên “nét,” tôi vẫn biết mùa thu đang đến qua ánh mắt buồn hiu hắt của vợ.
11 Tháng Chín 2014(Xem: 37662)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 18294)
Tối hôm qua mưa ào ạt tới hai lần. Một lần vào lúc nửa đêm và một lần vào lúc gần sáng. Mưa bay qua cửa sổ tạt ướt chỗ nằm ta đánh thức cơn mê ngủ quá khứ, khơi dậy những hoài niệm tưởng đã chết.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 16283)
Hai tay đặt lên trên mặt bàn, chị Thúc nhìn chăm vào tờ giấy. Tôi có cảm tưởng như chị không còn nghe thấy gì ngoài những dòng chữ trên tờ giấy đã viết sẵn kia đang ám ảnh đầu óc chị.
04 Tháng Chín 2014(Xem: 14093)
Hắn bỗng đổi cách ngồi, thả một chân xuống ghế, mặt chồm về phía tôi. Hơi thở hắn nồng nặc mùi thuốc lá nặng.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 21987)
Để trân trọng những kết quả sau cùng hiện tại là một mái ấm gia đình bền vững, viên mãn. Anh chị Phương & Loan đã làm được điều đó để cuộc sống vợ chồng luôn tươi mát và nhiều màu sắc.
29 Tháng Tám 2014(Xem: 16578)
Nhưng mà tôi vui, vì tôi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn phải đứng trên bục gỗ nói những điều hoàn toàn trái nghịch với những gì tôi đã từng nói trước đây cũng trên cái bục gỗ ấy.
28 Tháng Tám 2014(Xem: 20240)
Cho nên cái áo lính do vải, do hồ, do nhiều thứ của một thời chinh chiến cộng lại. Quyện với mồ hôi chồng tui cho tui có những hồi ức đẹp khó quên trong đời.