Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XXXIX)

27 Tháng Hai 20159:28 SA(Xem: 20242)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XXXIX)
BUI VA RAC-nxh-2-large
Kỳ XXXIX

Tôi thấy tôi đang ngồi trước mặt cô học trò công an tên Nhị Hà điền lời khai sau những câu hỏi.


Cha tên Trần Văn Lâm, sanh năm 1910 chết năm 1968. Mẹ tên Hoàng Thị Cúc, sanh năm 1920 chết năm 1972.


Sau khi đọc lướt qua, Nhị Hà hỏi:


“Lý do chết?”


“Bệnh.” Tôi không hiểu tại sao cô công an này quan tâm đến điều đó. Tôi nhìn vào mắt cô.


“Sáu Tám là Tết Mậu Thân. Còn Bảy Hai là mùa hè đỏ lửa. Thầy không hiểu sao?”


“Tôi hiểu, tôi hiểu.”


Tôi hiểu và tôi giật mình. Cái chết dính vào một biến cố thời sự cũng là một vấn đề. Tại sao chết vào năm Mậu Thân là năm mà Hà Nội gọi là Tổng tấn công và Nổi dậy? Tại sao không chết vào một năm trước đó hay một năm sau đó? Đằng nào cũng chết. Nhưng sao hai người chết đúng vào hai thời điểm dễ gây thắc mắc.


“Em hỏi vậy thôi. Để ghi cho đầy chỗ trống. Thầy đừng ngại!” Cô học trò công an Nhị Hà an ủi.


Rồi tôi lại thấy Quỳnh đang ôm con đi dọc bãi biển theo một đoàn người già trẻ lớn bé trong một đêm không trăng. Những bóng đen di chuyển trong nỗi hăm hở đầy lo âu. Những bước chân cương quyết. Những bước chân ngập ngừng. Sự lạnh tanh của những đôi mắt ngó về phía trước. Những giọt lệ ấm lăn trên gò má của những con người thỉnh thoảng quay đầu về phía sau. Như những con ngựa ngậm tăm lặng lẽ bước, cả đám người dắt díu nhau leo lên những chiếc ghe nhỏ, những “tắc xi” như các người tổ chức vượt biên hay nói. Và “con cá lớn” đang bỏ neo ở ngoài xa chớp đèn theo như qui ước để đón những người hành khách kỳ quái nhất trên thế giới. Tôi thấy Quỳnh ôm chặt con, bước đi thất thểu. Và tôi đã đến kịp lúc. Dưới một bầu trời đêm lạnh buốt, trên một bãi biển phập phồng chúng tôi ôm siết lấy nhau, đứa con ở giữa chúng tôi chia cái hơi ấm của một gia đình nhỏ bé trong một thời đại nghi hoặc nhất của con người.


Và bất chợt ngay lúc đó những tiếng hô “đứng lại!” vang lên, những tiếng nổ chát chúa từ tứ phía chụm vào đoàn người đang bắt đầu bước xuống lội bì bõm trong nước biển.


Tiếng súng nổ lớn quá làm tôi giật mình. Người tài xế đạp thắng. Xe còn trớn kéo lết bốn bánh trên mặt đường. Tôi ngó ra cửa xe. Công an đứng ngay trước đầu xe từ bao giờ.


“Mời tất cả hành khách xuống! Kiểm tra!”


“Chết rồi!” Tôi nghe tiếng người đàn ông ngồi bên cạnh thở dài. Vẫn cặp kính đen trên mắt, vẫn cái mũ nồi chụp trên đầu, ông đứng dậy nối theo những người khách bước xuống cửa sau. Người đàn bà ngồi bên cạnh kéo cái bị dưới gầm ghế ra định xách theo, nhưng nghĩ sao lại nhét trở xuống. Bà lão tóc trắng đi trước, người đàn bà cùng dãy ghế tôi bước theo. Và tôi theo chân người đàn ông đeo kính đen.


Tôi nhận ra không phải chỉ có một chiếc xe bị chận. Nhiều xe khác đang đậu bên kia đường. Nhiều hành khách đang xếp hàng trước trạm công an.


“Đồng bào xếp hàng trật tự. Cầm sẵn sàng giấy đi đường và thẻ chứng minh nhân dân!” Một tên công an mang súng ngắn đứng ngay ở cửa xe nhắc.


Tôi cho tay vào túi tìm tờ giấy đi đường và thẻ chứng minh nhân dân. Giấy đi đường giả mang tên tôi được viết bằng một dòng chữ rất Hà Nội, nghĩa là những chữ viết hoa G, T, H và các chữ n, m, g không giống kiểu chữ dân Saigon chút nào. Nó giả một cách rất thật, bởi vì nó do một cán bộ tổ chức bán ra.


Khi tất cả mọi người xuống xe, hai công an leo lên sục sạo hàng hóa và hành lý. Người đàn bà đứng cạnh tôi nhấp nha nhấp nhỏm, lúc tiến lên, lúc quay đầu lại. Cái túi xách của bà đang làm bà bối rối. Người đàn ông đeo kính đen lui ra sau, cái mũ nồi rách chụp xuống tận mắt. Bà cụ tóc trắng nhai trầu bỏm bẻm. Vừa đi vừa lầm bầm trong miệng. Người tài xế và người “lơ” xe đứng lại nói chuyện với người công an đang soát xe. Hai bên có vẻ ăn ý. Tôi thấy họ cười nói vui vẻ.


Khi tôi trình giấy tờ đi đường ở trạm gác dã chiến, chiếc xe đò đã lăn bánh qua phía bên kia rào cản, dừng lại chờ khách. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi người công an trả lại giấy tờ và phất tay cho tôi đi.


Khách lục tục kéo lên đầy xe. Người đàn ông đeo kính không biết đi ngả nào đã ngồi vào chỗ trước. Tôi thấy tỉnh người hẳn khi người đàn ông mời tôi điếu Phù Đổng. Thuốc vấn rời rạc, những sợi màu vàng rớt trên đùi tôi, gẫy vụn, nhưng mùi thuốc thơm dễ chịu.


Sắp vào thành phố. Xe bắt đầu xuống đám khách con buôn. Hàng bỏ xuống lề cỏ. Chỗ ngồi dễ thở. Xe chạy nhẹ.


Đêm ở nghĩa địa. Tôi ngồi với người thanh niên tên Long, con trai bà Sáu Mượn trong một ngôi nhà mồ. Ngôi nhà, không đúng. Nó giống như một cái miếu thờ.

Xung quanh là tường gạch cỏ hoang mọc tràn lối đi. Bên trong, ngay giữa nhà là một cái mồ xây cao đến ngực và phẳng như mặt bàn, tráng xi măng láng. Một cái hốc đứng để bài vị và những cọng nhang cắm trên một bình bằng sành đựng cát. Từ cái ô của những viên gạch lỗ tôi nhìn ra con đường mòn hẹp đi ngoằn ngoèo xuống những lùm cây đã lẫn vào bóng đêm.


Gió biển lạnh thổi vào cùng với hơi lạnh của nhà mồ làm tôi rùng mình. Long cởi chiếc áo choàng nhà binh cũ quàng lên vai tôi:


“Lạnh hả?” Long nói thầm vào tai tôi. “Tôi không biết chị Quỳnh đi theo đám nào. Hôm qua có một chuyến đi trót lọt. Chuyến này do một người quen của má tôi tổ chức. Khách được ém ở nhiều chỗ trong thành phố, buổi chiều họ đi chơi bằng xe lam ba bánh, do người của tổ chức làm tài xế, chừng tối xuống thì tập trung hết ở đây. Bãi đáp là bên kia đường. Mình cứ chờ đây. Anh đừng nói gì. Chừng nào có chị Quỳnh và cháu, anh cho tôi biết, tôi liệu. May ra...”, ngừng một phút, Long tiếp, “nếu chị và cháu chưa đi.”


Long là con út bà Sáu Mượn. Trước Bảy Lăm anh là lính địa phương quân. Lính trơn nên chỉ học tập có ba ngày. Người anh rể của Long là trung tá, sau ba mươi
Tháng Tư bị bắt đi học tập cải tạo tận ngoài Bắc. Người vợ ở nhà chạy xuôi chạy ngược lo cho chồng ra, gặp cửa nào cũng gõ, gặp người có họ hàng xa nào tập kết về cũng lạy lục năn nỉ xin được cấp tờ giấy gia đình có liên hệ với cách mạng để chồng được sớm trả tự do. Nhưng tiền của thì cứ mất dần mà những khuôn mặt cán bộ họ hàng thì cứ tiếp tục cười vui một cách nhăn nhở, không hiệu quả. Đồ đạc, của cải cho thì cứ nhận, nhưng chẳng những không giúp được gì mà còn nói: “Để anh ấy học tập tốt rồi ra. Cách mạng lúc nào cũng khoan hồng với những người biết ăn năn hối cải.” Và cứ thế mà chị ngày càng xác xơ từ sợi tóc đến đầu ngón chân. Sau cùng thuê được một chỗ bán bánh xèo ngoài chợ. Long thì làm rẫy, mỗi tuần chỉ về nhà một lần. Làm rẫy gì, ở đâu, sao mỗi tuần về nhà một lần, có lẽ anh rành về việc đưa người vượt biên. Còn bà Sáu Mượn? Khi gặp bà tôi mới thấy trí tưởng tượng của tôi trật chìa đến là chừng nào. Bà gầy nhom, người nhỏ thó, lớn tuổi mà tóc còn đen huyền. Tôi nhìn thấy bà ăn mía mà phát sợ. Bà tước mía bằng răng, và nhai mía như một thiếu nữ mới lớn. Ngôi nhà bà nằm sát bờ sông trang trí đâu thua gì một ngôi biệt thự ở Saigon. Sau Bảy lăm, một ngôi nhà kiểu này còn tồn tại thật là một điều khó tưởng tượng. Bà Sáu Mượn nghe tôi nói đến ông bà Ngô là vui ngay. Tối hôm tôi đến, Long về nhà. Bà cho tôi biết Long sẽ giúp tôi tìm Quỳnh.


“Cậu đừng lo, ở đây có mấy người tổ chức vượt biên tôi biết hết. Trước sau gì cũng có tin mà!”


Gầy ốm như bà Sáu Mượn, nhưng cao như một cây tre miễu, Long có khuôn mặt lúc nào cũng như một người đang cười. Trước khi đến chỗ trú này, Long kéo tôi ra quán cà phê. Chúng tôi nhâm nhi chờ một người bạn của Long. Gần một tiếng đồng hồ sau, ông ta đến. Không uống cà phê, ông ta kéo chúng tôi đi ngay. Ba người trên một chiếc xe Honda, chúng tôi đi một quãng khá xa. Đường vắng, hai bên không nhà cửa, gió biển thổi lạnh thốc. Tôi ngồi giữa, Long ngồi sau ôm choàng cả tôi lẫn người lái. Bỏ chúng tôi ở đầu con dốc tẻ vào con đường mòn của nghĩa địa, người bạn của Long quay về thành phố. Suốt dọc đường ông ta không nói một tiếng nào.


Trong bóng tối, con đường mòn lờ mờ bị khuất vào các lùm cây nhỏ. Long như một người từng sống ở đây lâu năm. “Coi chừng cái hố này! Bụi gai nghe, quẹo trái theo tôi... Nè, thấy mấy cái đốm sáng kia không? Mả mới chôn hồi chiều đó. Đám ma giả! Tối nay có chuyến!...”


Long gần như kéo tôi đi. Chính trong cái ngôi nhà mồ này, chúng tôi chờ đám người vượt biên đến.


“Nếu không có Quỳnh và đứa bé thì sao? Nếu Quỳnh đã đi rồi, tôi sẽ phải làm sao đây?”


“Anh đừng lo. Tại anh gấp quá, chớ để mai tôi chạy hỏi mấy nơi là biết chắc chị và cháu đã đi hay còn ở đâu?”


“Nếu chút nữa có vợ con tôi đi, anh Long có bảo đảm cho tôi đi cùng chuyến được không?”


“Anh yên tâm, dì Ngô là bạn thân của má tôi, hai ba chỗ thì không được, chớ một mình anh, tôi bảo đảm.”


(Còn tiếp)

06 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 30472)
Người thấy và cảm nhận được giọt nước mắt long lanh như những viên kim cương hay giọt sương lấp lánh là người mới thật sự đẹp, một người đáng trân trọng.
05 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 38329)
Có một ngày trời không áng mây trôi, mưa dầm dề. Tôi nghe tiếng thời gian thở dài. Không dưng nỗi nhớ tròng trành, nên lòng trĩu nặng. Mưa dầm... Ngõ nhớ. Có bóng ai thấp thoáng trong màn mưa.
03 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 23119)
Nhỏ bạn của Trân ơi ! Nhỏ có nhớ lời thầy Bằng tâm sự với mình hôm nào không ? Đời giả trá, lừa đảo khôn lường. Mình non tay, kém kinh nghiệm, trước sau gì mà chẳng có lần vấp ngã.
29 Tháng Mười Một 2014(Xem: 31366)
Trời chiều Cali đã bắt đầu đi ngủ sớm, màn đêm với khí trời lành lạnh như báo trước sự chuẩn bị cho những ngày lễ cuối năm. Dù trời lạnh nhưng chúng tôi lại cảm thấy luôn ấm lòng với những tiếng cười ròn rã những tiếng nói rất thật và thân tình.
28 Tháng Mười Một 2014(Xem: 22213)
Sức mạnh của chúng ta là phải biết họ là ai và cho họ biết chúng ta là ai? Sau đó phải biết cất lên tiếng nói. Nói thì sống, không nói thì chết.
28 Tháng Mười Một 2014(Xem: 22357)
Khi cơn mưa chiều đổ ập xuống, trời tối sầm lại. Nhà đèn lại cúp điện khiến nơi bàn thờ gia tiên gia đình con, ánh sáng ngọn đèn dầu nhỏ thật lung linh, mờ ảo. Nhưng cũng tốt. Càng tăng thêm vẻ trang nghiêm cho buổi lễ.
28 Tháng Mười Một 2014(Xem: 29717)
Cuộc đời cũng thế, như một giòng sông, là một biến chuyển không ngừng. Có những chỗ, giòng sông trôi êm đềm nhưng cũng có những nơi, giòng sông trôi ào ạt làm ta chới với. Rồi cũng có những đoạn giòng sông rẽ nhánh thình lình, quanh co uốn khúc.
27 Tháng Mười Một 2014(Xem: 32711)
Nhân dịp Thanksgiving. Gia đình chúng tôi, xin gửi lời chúc đến quý vị và các bạn một mùa lễ Tạ Ơn an lành, hạnh phúc, quây quần bên người thân, thâm tâm an lạc để đón mừng Mùa Lễ lớn.... Xin tạ ơn… Tạ ơn tất cả. Happy Thanksgiving…
26 Tháng Mười Một 2014(Xem: 24039)
Cách nói của Mười Tân cho người nghe hiểu rằng tất cả cái gì thuộc chế độ cũ đều xấu xa và đáng phải bị tiêu diệt, đặc biệt là nền văn học nghệ thuật miền Nam.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 26105)
Chiếc xe lam tấp bên lề, không ra hiệu làm một người chạy Honda phía sau suýt đâm sầm vào. Ông ta vòng xe ngang người tài xế càu nhàu. Người tài xế xe lam vừa nhận tiền nơi con vừa cười giả lả với ông kia.
14 Tháng Mười Một 2014(Xem: 27144)
Con muốn oà lên khóc mà đôi mắt chợt ráo hoảnh. Chừng như lệ nóng đã đóng băng, chừng như hồn con tê cứng lại. Bản danh sách thí sinh trúng tuyển chờn vờn trước mắt con. Đám đông xô đẩy, lấn dần con ra.
14 Tháng Mười Một 2014(Xem: 29784)
Vào ngày chủ nhựt qua mùng 9 tháng 11 , nước Đức và Âu Châu đã ăn mừng kỷ niệm 25 năm Bức Tường Bá Linh Sụp Đỗ (1989 - 2014) .
14 Tháng Mười Một 2014(Xem: 26858)
Dòng sông nào cũng về biển cả. Cuộc đời của mỗi con người rồi cũng kết thúc. Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân,con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị ....
31 Tháng Mười 2014(Xem: 27641)
...nhưng ngày lễ Halloween cũng là một ngày rất đặc biệt của trẻ con. Hãy vui cùng với các cháu và hãy bảo vệ các cháu để tuổi thơ chúng có những kỷ niệm đẹp trong tuổi ấu thơ.
30 Tháng Mười 2014(Xem: 32542)
Suốt hai năm sống cùng bệnh tật, chị Khánh gần như trốn tránh sự quan tâm thăm hỏi của bạn bè. Cũng có thể do quá đớn đau vì hóa chất, chị Khánh chỉ muốn tự ru mình trong chiếc kén bình yên.
17 Tháng Mười 2014(Xem: 28973)
Chấp nhận và vui với những gì hiện hữu. Yêu thương sẽ làm mầm xanh trổi dậy sức sống mới. Tôi yêu thu và yêu luôn những gì đang có trong tầm tay mình.
10 Tháng Mười 2014(Xem: 28619)
Tại sao mình không tạ ơn đất trời và tận hưởng vẻ đẹp của mùa thu, vì mình đã biết rõ tiếp sau nó sẽ là một mùa âm u ảm đạm lạnh lùng. Hãy sống bằng hơi thở nồng nàn cho cái hiện tại đang có.
19 Tháng Chín 2014(Xem: 31036)
''Sinh ký tử quy'' là định luật của đất trời. Nơi ''cõi tạm'' Thầy đã sống xứng đáng với vai trò là một Nhà Văn, Nhà Giáo bằng nhân cách và những cống hiến của mình cho văn học Việt Nam thì hôm nay, trên đường đến ''cõi về'' ....
19 Tháng Chín 2014(Xem: 20268)
Viết đến đây, giờ này... giải lụa vàng đã cùng Thầy bên nhau (hôm qua, chiều thứ bảy 13 tháng 9, nghe tin từ chị Hạnh cho biết:Thầy đã ra đi).
19 Tháng Chín 2014(Xem: 23000)
Cầu nguyện ơn trên trong giấc ngủ an lành, dẫn đưa hương linh của Thầy sớm về cõi Phật.