Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ III)

28 Tháng Mười Một 20141:29 CH(Xem: 22246)
Nguyễn Thái Hải - CON DỐC CỔNG TRƯỜNG (KỲ III)
1609717_318568511646445_337833020663465982_n
(Nguồn: Tủ sách Tuổi Hoa - 1975)

KỲ III


Chương 5

Khi cơn mưa chiều đổ ập xuống, trời tối sầm lại. Nhà đèn lại cúp điện khiến nơi bàn thờ gia tiên gia đình con, ánh sáng ngọn đèn dầu nhỏ thật lung linh, mờ ảo. Nhưng cũng tốt. Càng tăng thêm vẻ trang nghiêm cho buổi lễ.
Mọi người trong thân tộc đã về đông đủ. Hai bà cô, một ông chú cùng gia đình. Mười mấy người vừa lớn, vừa nhỏ xúm xít nhau vừa làm việc, vừa chuyện trò thật vui vẻ. Con thấy lòng rộn lên niềm sung sướng trong cảnh sum họp này, buổi họp mặt gia đình đông đủ nhất trong năm : ngày giỗ nội con. Ba con là trưởng nam, do đó, anh An là cháu đích tôn. Cả hai người hôm nay cùng thật bận rộn. Anh An thì hết bà cô rồi ông chú hỏi han này nọ. Ở trên Sàigòn ra sao ? Sống được chứ ? Có cực lắm không ? Đi học bằng xe gì ? Trường học chắc lớn bộn ? Anh tíu tít mà trả lời.
Tiếng mưa rơi ào ào đập mạnh trên mái ngói. Thỉnh thoảng là tiếng sấm, ánh chớp loé lên. Lúc còn sống, ông nội con rất thích món chả giò, cho nên, không ngày giỗ nào thiếu món này cả. Con ngồi cuốn chả giò với hai đứa em con ông chú. Đứa con gái luôn miệng chuyện trò trong lúc thằng con trai lúc nào như cũng muốn gây hấn. Dưới bếp, tiếng dao chặt thịt lụp cụp trên thớt. Tiếng má con thỉnh thoảng vang lên. Đôi lúc là tiếng cười của bà cô.
Ba con lo coi sóc bàn thờ. Ba tìm quanh quất một chút rồi hỏi anh An con :
- Có đứa nào mua xị đế chưa ?
- Có lẽ chưa đâu ba.
- Trời mưa lớn quá. Mà thiếu món đó thì không thể được rồi, ông nội mày mà quở thì làm ăn có nước mạt.
- Để con khoác áo mưa đi mua cho, ba.
- Thôi, ướt hết quần áo, chút còn lễ nội.
Con chen vào :
- Để con đi được rồi ba.
Ba con gật đầu :
- Phải đó, con Trân lấy áo đi mua đi con.
Anh An ngồi xuống chỗ con :
- Rồi, đi thì đi đi, để tao cuốn chả giò cho.
Con ra khỏi nhà đúng lúc mưa ào mạnh. Vài giọt nước mưa đập vào mặt con nghe rát. Một luồng gió mạnh tạt ngang làm con rùng mình. Con hình dung ra quang cảnh lớp học giờ này. Trời mưa, chắc thế nào thầy cũng cho lớp nghỉ. Thầy già rồi, nói lớn không được mà cơn mưa thì lại quá ồn ào. Không biết thầy có ngồi hút thuốc -- chắc không, vì con nghĩ là thầy đã hết buồn trước kết quả chia rẽ giữa các học sinh thuộc hai liên danh tranh cử -- Hay là thầy xuống dưới lớp, chuyện trò với nhỏ nào đó. Trời mưa xem ra cũng dễ gây thân mật, ấm cúng…
Từ nhà con ra đến tiệm tạp hoá khá xa, trời lại mưa lớn, đường trong ngõ trơn trợt, khó đi. Lúc con mua rượu về thì mọi việc đã gần xong xuôi. Đĩa chả giò mới chiên còn bốc khói, những món khác cũng vậy, nóng hổi. Anh An đón con từ trước cửa :
- Sao lâu vậy ?
- Trời mưa, đường trơn quá, anh à.
- Thôi vào thay đồ đi rồi ra lễ nội.
- Anh lễ nội chưa ?
- Sắp rồi…
Con đứng nơi mép cửa buồng trong, nhìn anh An xì xụp lễ. Cái áo dài the anh mặc làm con muốn mỉm cười khi nghĩ đến hình ảnh ông lý, ông xã ngày xưa. Mỗi lần anh mặc áo dài, con hay trêu “trông anh chẳng khác nào chú rể”. Rồi cười hóm hỉnh nói như tự hỏi : “Nhưng không hiểu chị ấy có chịu mặc đồ xưa không kìa ?”. Mặt anh An cứ đỏ au lên như những lần bị ép rượu. Chị ấy. Chị ấy. Chị nào ? Anh An con đã mười chín rồi, cái tuổi mà thầy vẫn nói “ghê gớm lắm”. Riêng con, con vẫn chưa thấy cái “ghê gớm” của anh con bao giờ cả. Ngay từ thuở nhỏ, con đã thấy anh con như bị một cái gì quyến rũ lắm. Và chính cái đó đã khiến anh con làm ngơ mọi chuyện. Cái lý tưởng – có lẽ chính là lý tưởng -- của anh ra sao ? Cho đến bây giờ, con vẫn chưa hiểu rõ. Nhưng con nghĩ rằng chính vì nhắm đến con đường sẽ đi mà suốt mấy năm liền ở bậc trung học, anh hăng say hoạt động như để tự đào luyện khả năng và tìm thêm kinh nghiệm. Chị ấy. Tự nhiên con nghĩ đến mấy nhỏ bạn, nhất là Thủy và những vụ cáp đôi. Anh An con vẫn như một người Ăng Lê chính hiệu…
- Con Trân đâu rồi ?
Con giật mình, dạ to một tiếng. Má con đưa trăm bạc ra :
- Chạy ra ngoài ngõ mua ít đậu phọng rang để chút nữa ba với chú mày nhậu coi.
- Má để con ra ngoài lễ nội chút rồi con đi liền.
- Không, đi ngay.
Con đón lấy tờ giấy trăm với ánh mắt đầu hàng. Anh An con đã lễ xong và nơi bàn thờ, bà cô đang xì xụp lạy. Anh hỏi má :
- Gì đó má ?
- Đâu có gì. Tao sai con Trân đi mua ít đồ.
- Má cho nó lên vái ông nội mấy cái rồi đi…
- Con gái mà cần gì con. Rồi nay mai xách gói theo người ta chớ có ở nhà hoài đâu.
- Má kỳ quá.
Rồi anh quay sang con :
- Thôi Trân, nghe lời má đi, chạy ù đi mua rồi về lễ.
Con khoác áo mưa ra đi. Và cố đi cho nhanh. Nhưng lúc vừa quay vào ngõ, con nghe tiếng xe gắn máy trờ tới rồi có tiếng hỏi :
- Cô ơi, cho tôi hỏi thăm…
Con nhận ra người ngồi trên xe gắn máy :
- Kìa, anh Vượng.
Vượng có vẻ mừng rỡ :
- May quá, gặp cô Trân ở đây rồi. An nó mời tôi tới dự đám giỗ mà chỉ đường không rành làm tôi kiếm nãy giờ muốn hụt hơi luôn…
Con nói :
- Vậy thì anh dắt xe theo Trân về nhà luôn nghe.
Tiếng Vượng trong tiếng mưa :
- Cám ơn cô.
Về đến nhà, anh An con reo lên :
- Thằng quỷ, tới giờ này mới thấy mày tới.
Vượng chào mọi người rồi quay sang phân bua với anh con :
- Mày chỉ đường điệu đó thì chết người ta rồi. Quẹo ngõ trái tìm căn nhà có nhiều người tụ họp. Mầy có biết đường này về bên trái có mấy cái ngõ không ?
Không muốn phiền người lớn, con vào trong nhà thay đồ để sửa soạn ra lễ nội. Nhưng lúc con ra đến nơi, má con đã đang dọn mâm đồ ăn nơi bàn thờ. Con đứng sững, má con nhìn con rồi cúi xuống tiếp tục công việc. Con nói :
- Để con lễ nội một chút, má.
Má con vừa bưng mâm đồ ăn đi, vừa nói :
- Thôi, bỏ đi, lễ với lộc gì. Lo phụ tao dọn đồ…
Con rưng rưng nước mắt. Má con quay trở lại, thấy con vẫn đứng chỗ cũ, má con la :
- Rồi bây giờ mày đứng đó mà khóc đó phải không ?
Con đành nuốt lệ làm việc. Bữa ăn đó, con không sao nuốt được. Con nghe hồn trống rỗng. Con nghe buồn nản vô cùng. Con vào phòng nằm vật xuống giường, con nức nở khóc vì tủi thân quá.

***

 

Để rồi sau đó, con hiểu hết mọi chuyện. Con hiểu vì sao ba má con đối xử với con quá lạnh nhạt. Con hiểu vì sao con như cái gai trước mắt má con. Có lẽ suốt đời con, sẽ không bao giờ con quên được mẩu đối thoại giữa má con và anh An con lúc con giật mình tỉnh giấc. Anh An con :
- Má thiệt kỳ, má làm nó tủi thân rồi đó.
- Tủi thân thì mặc kệ nó chứ.
- Má bất công quá, mất mát gì mấy cái vái.
- Mầy thì lúc nào cũng bênh vực nó.
- Con thấy nó khổ, con không đành lòng.
- Mầy nói mà không chịu nghĩ. Đành lòng gì ? Máu mủ gì với tao ? Huyết thống gì cái thứ con hoang ấy ?

***

Con thấy mình đã mất tất cả. Mất hết với cái gật đầu xác nhận của anh An : “Năm tao lên hai thì ba có vợ bé. Má biết được làm lớn chuyện nên dì ấy phải bỏ đi và đến nay không ai nghe tin tức gì cả. Đứa con gái của dì ấy với ba là mày…”
Bầu không gian chợt rạn vỡ, bắn tung thật nhiều lửa thiêu đốt hồn con. Nhưng đồng thời, những tia lửa ấy cũng soi sáng những thắc mắc thân phận con bấy lâu nay. Thầy ơi, Nguyễn Huyền Trân, học trò của thầy là một đứa con vô phước. Vô cùng vô phước !
 

Phần Thứ Hai

Mến trao về Thủy
 
Chương 1

Ni buồn khiến Trân như người mất hồn đến cả tuần lễ, Thủy ạ. Tâm trạng Trân trong những ngày đau đớn này biến đổi vô chừng. Có lúc Trân nghĩ đến cửa Phật và hình ảnh người sư nữ. Có khi Trân nghĩ quẩn đến cái chết trốn tránh. Lúc khác, Trân lấy lại được can đảm, cố nhận chìm nỗi buồn vào quên lãng. Nhưng khổ thay, lởn vởn trong trí tưởng, Trân thấy toàn là nỗi xót xa, đau đớn. Người mẹ ruột của Trân và tông tích của bà. Má anh An và sự khắc nghiệt trả thù trút lên đầu Trân. Và ba Trân, người tội lỗi ngày xưa và bất lực, bỏ mặc Trân bây giờ. Bốn đứa em nhỏ ngây thơ một đôi lúc làm Trân sống hồn nhiên được. Anh An như một an ủi lớn nhất thì lại biền biệt nơi xa.
Có một buổi chiều, Trân tìm đến nhà thầy Bằng, người thầy già đáng kính của chúng mình, kể lể để được khóc và nghe thầy an ủi. Nhưng liền khi rời khỏi nhà thầy, Trân lại trở về với thực tại chán nản. Giờ lý hoá, thầy Ph. ngạc nhiên hỏi Trân : “Tại sao chị không làm bài ?” Giờ hình học, Trân trả lời không xong một câu hỏi giáo khoa thật dễ trên bài kiểm. Có đến hai lần, Trân bỏ giờ Vạn vật ra về, lang thang suốt con đường Trịnh Hoài Đức.
Rồi một lúc nản lòng, Trân đã có một quyết định thiếu sáng suốt. Hôm ấy, anh An về Biên Hoà và trong lúc đặt vấn đề của Trân với ba má, anh bênh Trân, đòi ba má phải đối xử công bằng với Trân, lời qua tiếng lại, anh có hơi to tiếng một chút. Má Trân khóc bù lu. Ba Trân mắng anh là bất hiếu. Anh lẳng lặng bỏ về phòng và không biết có Trân theo dõi, anh ôm mặt tấm tức khóc. Trân thấy mình như một thừa thãi trong gia đình. Trân thấy mình đã làm khổ anh An nhiều. Trân nhớ đến lời rủ của nhỏ Quyên lên Sàigòn làm cho tiệm may của bà cô nhỏ ấy. Trân nghĩ đến chuyện thoát ly để tự lập đời mình. Trân thu xếp một ít vật dụng cá nhân, áo quần vào cái xách tay nhỏ sẵn sàng ra đi. Trưa hôm ấy, trong lúc cả nhà ngủ trưa, Trân rời khỏi mái ấm bấy lâu để dấn thân vào một đoạn đường mới, phiêu lưu, lắm gian nan và nguy hiểm nhưng Trân thấy có tự do.
Chỉ có năm trăm bạc trong túi, Trân không dám tiêu dùng phí phạm. Trân đi bộ từ nhà ra bến xe đò. Lúc đi ngang nhà thầy Bằng, Trân đứng lại và muốn đổi ý. Trân khóc nhưng rồi lại cắn môi bước đi. Đến bến xe, Trân lại thêm một lần dùng dằng tư tưởng. Nhưng rồi rốt cuộc, khi người lơ xe lên tiếng mời : “Đi Sàigòn hả cô Ba ?”, Trân đã gật đầu và bước lên xe, ngồi nơi một băng ghế trống cuối xe. Biên Hoà buổi trưa một ngày cuối mưa mà nóng bức khác thường. Bến xe vắng khách và các hàng quán cũng như đang trong giấc ngủ. Trân đưa mắt nhìn quanh. Lần cuối cùng, hình ảnh Biên Hoà còn nằm trong đáy mắt Trân đây sao ? Phía ngoài bến xe là quốc lộ 1, con đường dằn xóc này, chút nữa, khi xe lăn bánh sẽ là con đường đưa Trân rời xa tỉnh lỵ hiền lành này sao ? Ba má và anh An sẽ phản ứng ra sao khi không thấy Trân ở trong nhà. Chắc mọi người sẽ đi tìm vì Trân không để lại thư từ gì cả. Rồi sau đó, những chuyện gì sẽ xảy ra trong gia đình ? Và cho Trân khi lên đến Sàigòn ?
Có đến mấy lần, Trân định rời khỏi xe để trở lại mái nhà thân yêu. Trân thấy mình yếu đuối quá. Trân thấy sợ khi nghĩ đến sự bơ vơ của một người con gái giữa đô thành. Trân tự hỏi phải chăng gia đình Trân hiện là một nhà giam, nhưng một nhà giam an lành ?
Người tài xế đã mở cửa, lên ngồi trước tay lái. Người lơ la lớn :
- Sàigòn đây bà con, xe sắp chạy, mau mau đi bà con ơi.
Mấy người khách vừa xuống xe lam, hướng nhanh về chiếc xe đò Liên Hiệp. Trân bỗng run lên và định bước xuống xe. Người lơ nhảy theo chiếc xe vừa bắt đầu lăn bánh, nói với Trân :
- Xe chạy rồi mà cô Ba. Ngồi đó đi cô Ba.
Trân hết hiểu được tâm trạng mình. Nghe nói, Trân lại ngồi xuống. Người lơ xe tưởng lầm Trân chờ quá lâu, định đi xe khác nên phân bua :
- Cô xuống xe sau thì cô cũng phải đợi vậy. Mười phút mới chạy một chuyến. Tôi rước thêm mấy người khách kia là xe chạy liền hà.
Rồi anh ta nhảy xuống ngoắc mấy người khách mới. Trân nhắm nghiền hai mắt lại để tự trấn tĩnh mình. Dù sao, Trân cũng phải cương quyết lựa chọn sự tự do và chấp nhận mọi nguy khó chờ đón mình.
- Kìa, cô Trân, cô cũng đi Sàigòn đấy à ? Như là tuần này An nó có về Biên Hoà mà ?
Trân giật nẩy mình trước câu nói vừa rồi và lúc mở mắt ra, Trân suýt kêu lên thảng thốt khi nhận ra người đối diện là Vượng. Anh ta đang đứng nơi lối đi giữa xe và hỏi tiếp Trân :
- Cô Trân cho tôi ngồi chung băng ghế chứ ?
Trân cười gượng và đáp :
- Sao không anh Vượng.
Rồi Trân xích vào phía trong, nhường chỗ ngoài cho Vượng. Anh ta vừa ngồi yên đã bắt chuyện ngay :
- Tuần này An có về phải không cô Trân ?
Trân buột miệng :
- Vâng, anh ấy có về.
Nói rồi, Trân mới thấy mình vụng về quá, bởi vì Vượng hỏi tiếp mà Trân trả lời không được :
- Vậy chắc cô Trân đi Sàigòn có việc riêng ?
Trân ấp úng :
- … À vâng…
Dường như cử chỉ bối rối của Trân làm Vượng chú ý, ánh mắt anh ta thoáng vẻ ngạc nhiên, không hiểu có sự nghi ngờ gì không nữa. Tuy nhiên, Vượng đã im lặng một lúc khá lâu từ khi xe đến đầu cầu Rạch cát đến khi xe dừng lại tại trạm Chợ Đồn. Cũng trong thời gian đó, Trân suy nghĩ thật lung. Về sự gặp gỡ tình cờ với Vượng, về sự thoát ly của mình và về những sự việc sẽ xảy ra sau khi anh An nghe Vượng kể có đi chung xe với Trân…
- Hai người bao nhiêu ?
Trân trở lại thực tế với tiếng hỏi người lơ xe của Vượng. Anh ta móc túi lấy tiền trả. Trân ấp úng:
- Để Trân trả, anh…
Vượng lắc đầu :
- Có bao nhiêu đâu cô Trân.
- Cám ơn anh.
- Chắc cô lên Sàigòn sắm đồ ?
- Vâng.
- Sao cô không đợi An cùng đi cho vui… ?
- Tới chiều anh ấy mới đi. Đi với anh ấy, Trân sợ không về kịp.
- Cô nói phải. Thời buổi này di chuyển vào buổi tối trên đường trường thật nguy hiểm, nhất là đối với con gái…
Nhất là với con gái. Thủy ơi, Vượng biết đâu câu nói của anh ta làm Trân chạnh lòng. Trên một đoạn đường trường mà còn nguy hiểm, thì trên cả một đoạn đời, bao nhiêu gian nan, nguy hiểm chờ chực Trân ? Bao nhiêu khó khăn ngăn trở Trân ? Trân mím môi. Trân muốn kêu lên hai tiếng má ơi để nhớ đến bà mẹ bặt tin, hai tiếng ba ơi để nhớ đến người cha lạnh nhạt.
- Cái xách tay kia là của cô Trân ?
- Dạ phải.
- Cô đi sắm đồ mà lại đem theo nhiều đồ đầy xách tay, hơi lạ đấy nhé !
Trân đỏ mặt vì có cảm tưởng mình đang bị bắt quả tang. Trân không biết phải trả lời ra sao nữa Thủy ạ. Lúc bình thường, Trân ứng đáp rất dễ dàng trước những sự việc bất ngờ tương tự, chẳng hiểu tại sao khi đó Trân lại vụng về quá. Có lẽ chính sự vụng về đã khiến Vượng nghi ngờ. Tuy nhiên, anh ta vẫn giữ sự dè dặt :
- Xin lỗi cô Trân, có lẽ tôi hơi tò mò. Nếu cô thấy không tiện trả lời thì thôi vậy…
- Không có gì bất tiện đâu anh à, Trân…
Vượng ngồi im khá lâu. Trân cũng im lặng theo tuy rằng trong trí, Trân lo lắng bồn chồn không biết Vượng đang nghĩ gì, đang đặt giả thuyết thế nào về mình ? Thỉnh thoảng, Trân liếc mắt nhìn trộm Vượng. Anh ta vẫn điềm nhiên dõi mắt về phía trước. Xe lần lượt qua Dĩ An rồi tiến dần đến Thủ Đức. Trân nghĩ đến anh An, đến ba. Trân muốn thay đổi ý kiến. Một lúc, Trân lại lén nhìn qua Vượng đúng lúc anh ta cũng quay nhìn Trân. Trân cúi đầu vì bị bắt gặp. Có lẽ Vượng suy nghĩ lung lắm rồi mới hỏi Trân :
- Nếu tôi đoán không lầm thì không phải cô Trân đi Sàigòn sắm đồ ?
Trân chợt thấy nóng lên nơi mắt. Vượng đã đoán biết phần nào rồi. Trân có nên tiếp tục giấu Vượng nữa chăng ? Và nếu Trân nói thật, Vượng giúp gì được Trân ? Thấy Trân không đáp, Vượng có vẻ lúng túng :
- Chắc cô Trân cho rằng tôi bất lịch sự lắm thì phải ?
Buộc lòng Trân phải trả lời :
- Không có thế đâu anh. Trân không hề có ý nghĩ đó.
- Nghĩa là tôi đã đoán đúng ?
Trân lại không đáp. Sự yên lặng là một cách trả lời của người đang bối rối. Vượng thừa thông minh để hiểu điều đó. Trân đưa mắt nhìn qua cửa xe, về một phía đường. Một chiếc traction ngược chiều vụt qua. Trân thấy hình ảnh anh An loé lên. Hình ảnh anh ngày từ giã Biên Hoà lên Sàigòn trọ học. Khu vườn cao su vùn vụt lùi lại phía sau, những thân cây già cỗi. Trân thấy hình ảnh ba Trân. Rồi khu nhà cửa đông đúc, khu chợ ồn ào. Trân thấy hình ảnh lũ em nhỏ reo đùa. Trân muốn kêu lên : “Ba ơi, anh An ơi, Trân khổ quá”. Trân thấy bên bờ má mình nong nóng. Rồi một giọt nước mắt lăn dài. Trân khóc không ngờ.
Có lẽ Vượng theo dõi Trân không rời. Tiếng Vượng trầm ấm :
- Tôi có nghe An kể về hoàn cảnh của cô Trân…
Vượng ngừng lại một chút có lẽ để dò xét phản ứng của Trân. Thấy Trân không nói gì, Vượng mới tiếp :
- Tôi rất cảm thông nỗi khổ tâm của cô. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên vì thế mà cô liều lĩnh. Cái xách tay đầy ắp đồ đạc của cô buộc tôi có ý nghĩ rằng cô đang tìm cách thoát ly gia đình.
Vượng lại ngừng. Anh ta có vẻ dè dặt thực sự nên đợi khá lâu vẫn không thấy Trân phản ứng, đủ để tin là mình nghĩ đúng, anh ta mới tiếp tục. Trân không còn biết phải nói gì, làm gì nữa. Trân để mặc cho nước mắt ràn rụa trong lời khuyên của Vượng :
- Cô Trân nên trở về thì hơn. Sáng mai không có gì học, tôi có thể cùng quay về Biên Hoà với cô, nếu cô cho phép. Tôi hứa sẽ tìm cách nói giúp cô…
Trân lấy khăn tay thấm nước mắt. Xe đã chạy đến ngã tư xa lộ, Thủ Đức, ngừng lại để nhân viên của hãng xe kiểm soát số khách. Vượng nói nhanh :
- Mình xuống đây, cô Trân nhé ?
Trân còn ngần ngừ chưa quyết định dứt khoát thì tiếng gọi của người lơ xe đã vang lên :
- Thủ Đức đây, bà con ai xuống thì xuống mau, xe sắp chạy.
Vượng thấy Trân vẫn chưa dứt khoát, liều lĩnh một tay xách cái túi xách của Trân, tay kia nắm lấy tay Trân dẫn xuống. Thủy ơi. Có bao giờ một người con trai xa lạ nắm tay Thủy chưa ? Tay Vượng như một cái phao, nhưng không phải Trân nắm lấy cái phao trong cơn nguy ngập, mà cái phao tự dìu dắt Trân. Trân thấy cánh tay mình nổi gai ốc. Trân như một đứa bé khờ dại, đứng lên khỏi băng xe, đi theo Vượng. Xuống xe rồi, Vượng mới trao trả Trân cái túi xách. Trân đón lấy. Ánh mắt Trân vướng vào ánh mắt Vượng. Trân đỏ mặt mà Vượng cũng không tránh được. Vượng lúng búng nói :
- Xin lỗi đã nắm tay cô Trân, buộc lòng tôi phải làm như thế.
Trân muốn nói với Vượng “Anh không có lỗi gì cả” nhưng lại im lặng. Cứ để mặc Vượng với ý nghĩ riêng của anh ta thì hơn. Vượng nói :
- Mình đón xe trở lại Biên Hoà nhé cô Trân ?
Trân đành phải gật đầu vì không còn cách nào khác. Vượng tiếp :
- Tôi vừa được tin cô Thủy đã nhận lời đứng ra tổ chức một buổi đại nhạc hội cho nhà trường để gây quỹ cây mùa xuân cho học sinh nghèo. Có lẽ khi về, tôi sẽ nói thác rằng tình cờ gặp cô tại nhà Thủy trong phiên họp tổ chức. Vì cuộc họp kéo dài bất ngờ nên tôi đưa cô về để người nhà khỏi nghi ngờ.
Đến lúc này, Trân mới nói được :
- Cám ơn anh Vượng nhiều lắm.
Ngồi trên xe trở lại Biên Hoà, Trân thấy mình bình tĩnh như một người vô tư lự. Trân cố làm vui để trò chuyện với Vượng :
- Trân làm phiền anh Vượng quá.
- Có gì là phiền, cô Trân. Lẽ tự nhiên là một người bạn của An, tôi không thể để cho cô liều lĩnh lao mình vào cuộc đời trong khi cô chưa có kinh nghiệm gì trong trường đời cả.
- Nhưng trở về với gia đình, Trân có sung sướng gì được…
Vượng lúng túng trước câu nói bất chợt của Trân. Đáng lẽ Trân không nên nói như thế, phải không Thủy ? Dù sao, Vượng cũng đã hành động đúng theo lương tâm và lý trí. Trân vụng về nói :
- Trân xin lỗi anh…
Vượng ôi, anh đã ngăn tôi bước tới một bước liều lĩnh có thể nguy hiểm, nhưng anh lại đẩy tôi trở về với bầu không khí ngột ngạt, tù ngục của gia đình. Anh là ân nhân của tôi hay anh là phán quan lưu đầy tôi vào miền khổ sở ?

(còn tiếp)
23 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1978)
Theo người hướng dẫn, với cư dân khoảng 15 triệu (chiếm 190/0 dân số Thổ Nhỉ Kỳ), thành phố Istanbul có gần 4 ngàn thánh đường mà đẹp nhất là Đại Thánh Đường Xanh (Blue Mosque).
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2004)
Sau nhiều năm đón Christmas lạnh giá ở xứ người, tôi mong có dịp trở lại BH vào dịp lễ Noel một lần, chỉ để :“Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”,
16 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1930)
Vào tháng 9 vừa qua,vợ chồng Tôi du lịch Iceland bằng Cruiseship Hollandamerica Rotterdam Hai tuần liên tục thưởng thức Iceland Lamb-Rack tuyệt vời không đâu ngon bằng.
12 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 1980)
Dù ngạn ngữ Việt Nam có câu ”nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng người dân miền Nam không quên mối hận: Henry Kissinger là người đã khai tử quốc gia Việt Nam Cộng Hoà.
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2405)
Vào giữa thập niên 1960s, khi còn ở quân trường trên Đà Lạt, với radio transistor, trong im vắng, lúc 10 giờ tối Thứ Năm, Chương Trình “Nhạc Chủ Đề” của Nguyễn Đình Toàn trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn,..
02 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2656)
Nguyễn đình Toàn, như một định mệnh đã an bài, anh vừa là một nhà văn, một thi sỹ và cũng là một nhạc sỹ nữa trong một công dân VNCH. Anh đã gắn chặt vào đài phát thanh Sài Gòn từ những ngày đẩu thập niên 60
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2201)
Vai trò bảo tồn, duy trì ngôi nhà hữu thể là trách nhiệm chung của từng cá nhân, nó mang lại ý nghĩa cao đẹp cho sự hiện hữu có giới hạn của chúng
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2140)
Từ lâu đã là một đối tượng được tôn sùng và xung đột, thành phố Jerusalem đã được cai trị, vừa là một thị trấn cấp tỉnh vừa là thủ đô quốc gia, bởi một loạt các triều đại và chính quyền.
01 Tháng Mười Hai 2023(Xem: 2239)
học sinh ở Mỹ ngay từ nhỏ đã được dạy có niềm tin vào bản thân, không cần phải đem mình so sánh với người khác, mà phải tự so với chính mình.
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2199)
Tôi cũng tin chắc rằng, tất cả chúng ta phải cám ơn thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, trái đất này bỗng nhiên nhỏ bé, người ta gần nhau hơn, dù ở bất cứ nơi nào vẫn có thể “gặp” nhau, nói chuyện với nhau
22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2286)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1881)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5846)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 6169)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2337)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5466)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4133)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2655)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2647)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 3040)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi