Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XXVI)

26 Tháng Mười Một 20141:22 CH(Xem: 24024)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XXVI)
BUI VA RAC-nxh-2-large
Kỳ XXVI

Hình như có lần một đồng nghiệp cũ nói với tôi như vậy.

“Nè, có phải ông tên là Thăng không?” Người tù ngồi bên thúc cùi chỏ vào hông tôi làm tôi giật mình.


“Phải! Sao?” Tôi nhìn ông ta.

“Công an gọi ông kìa!” Ông ta hướng mắt về phía Nhị Hà.

Tôi thấy cô không ngồi chỗ cũ nữa. Cô đang đi về phía tôi, trên tay vẫn còn cầm tờ giấy và cây bút. Nhị Hà đi chậm rãi. Mái tóc cô uốn quăn, chải khéo, khiến khuôn mặt cô có vẻ trẻ hơn hồi năm Bảy Lăm. Tuy nhiên, bộ quần áo công an màu vàng làm cho Nhị Hà có cái dáng vẻ của một người bộ đội khi mới vào Sài Gòn hơn là của một cô gái đã ở thành phố hơn năm năm.

“Có phải là thầy không? Thầy Thăng?” Nhị Hà hỏi vừa khi đứng sát cạnh tôi.

Tôi nhìn thẳng vào mắt Nhị Hà. Tôi nói:

“Phải. Tôi là Trần Lâm Thăng.”

“Thầy không nhận ra em sao?” Nhị Hà hỏi rất nhỏ. “Thầy theo em. Em muốn nói chuyện với thầy.” Cô quay lưng, đi thẳng đến một bàn trống ở góc nhà.

Tôi đứng dậy bước theo. Tôi không nghĩ là có điều gì tốt cho tôi, nhưng tôi cũng không nghĩ là tôi đang gặp điều gì xấu.

“Đây là tờ giấy để thầy khai. Thầy cứ điền vào chỗ trống trả lời các câu hỏi. Chỗ nào không rõ xin thầy cứ hỏi em.” Nhị Hà nói giọng nhỏ nhẹ.

Tôi cúi xuống tờ giấy, bản khai của người tù, tôi đọc lướt qua. Quá nhiều mục. Tôi bắt đầu điền vào những chỗ trống. Ngắn và gọn. Tôi không hỏi Nhị Hà. Tôi cứ thế mà ghi. Tôi chờ xem. Ở mục học lực, tôi ghi là biết đọc biết viết. Ở chỗ liên hệ với gia đình cách mạng, tôi ghi không. Ở chỗ lý do bị bắt, tôi viết tình nghi vượt biên. Tôi trả tờ giấy lại cho Nhị Hà sau khi ký. Tôi ký bằng một chữ ký khác với chữ ký tôi vẫn dùng. Nhị Hà cầm lên đọc bằng mắt. Có một đôi chỗ cô dừng lại, hơi nhíu mày. Nhìn mắt cô, tôi đoán ra được, cô đang ngừng lại ở đâu. Biết đọc biết viết, chắc cô không muốn như vậy. Nghề nghiệp: lái xe ủi đất đào giếng ở công trường An Biên. Đây chỗ này cũng làm cho Nhị Hà dừng hơi lâu.

Khi đặt tờ giấy xuống mặt bàn, Nhị Hà hỏi:

“Sao thầy không khai là có liên hệ với đồng chí Mười Tân?”

Câu hỏi của Nhị Hà làm tôi giật mình. Tôi không nghĩ là cô sẽ hỏi tôi câu đó. Mười Tân? Tôi đã gặp ông ta ít nhất là một lần khi ông đến thăm Quỳnh, ngay sau ngày Sài Gòn vừa mất. Nhưng tôi có nhiều dịp nghe nói về ông ta. Những buổi nói chuyện của ông ở Thành Đoàn lôi cuốn một số đông người nghe, những người trẻ tin tưởng vào lý thuyết của chế độ mới, những người trí thức khuynh tả, những người hôm qua bị đè nén áp bức, những người lo sợ chế độ mới sẽ làm mình mất đi những gì mà mình đã tạo ở chế độ cũ. Các bạn tôi, ngồi ở quán cà phê, vẫn thường nhắc đến ông Mười Tân, lúc đầu với một thái độ nể sợ, về sau với một thái độ lo lắng. Kết buộc, lên án, đanh thép... gần như là toàn bộ luận điệu trong những bài nói của Mười Tân. Người ta nói Mười Tân của miền Nam cũng giống như Tố Hữu của miền Bắc.

Trong thơ văn của hai ông này có chứa đựng những độc tố. Người ta luôn nhắc tới một bài nói chuyện của ông Mười Tân hơn một tháng sau khi Sài Gòn bị mất. Đó là một bài nói lên án văn nghệ Sài Gòn trước Bảy Lăm, nền văn nghệ mà đồng loạt cả Hà Nội lẫn trong “bưng” ra gán cho cái tên là phản động và đồi trụy. Văn chương chống cộng thì gọi là phản động và văn chương viết về tình yêu thì bị gọi là đồi trụy. Cách nào thì cách, không có một chỗ đứng nào cho nền văn nghệ này. Dữ dằn, quá khích, cố chấp, thiên kiến... Mười Tân như một ông thần hung bạo chỉ hạ búa chứ không cầm bông hoa. Có lần Mười Tân nói với Quỳnh rằng thằng chồng mày cũng là một chướng ngại vật của cách mạng, nói với nó cứ im đi thì sống còn ngo ngoe là không tồn tại đâu. Đừng nói chi xa, tên nào vượt biên thì vài tháng về, còn nó cứ cầm chắc bốn chục năm cho phải lẽ.

Cách nói của Mười Tân cho người nghe hiểu rằng tất cả cái gì thuộc chế độ cũ đều xấu xa và đáng phải bị tiêu diệt, đặc biệt là nền văn học nghệ thuật miền Nam. Mười Tân là người ưa dùng thứ ngôn ngữ thậm xưng và cường điệu trong khi nói nhằm khích động người nghe theo cách mà ông ta muốn.

Tôi còn nhớ tháng trước tình cờ gặp nhạc sĩ Nguyễn Giang ở một quán cà phê vỉa hè nhà bà Luật Sư Đại, Giang vô tình nhắc đến tên Mười Tân khi anh hỏi tôi có bao giờ nghe những ca khúc mới của anh không.


Giang nói mặc dù âm nhạc của anh luôn luôn được quần chúng ưa thích, nhưng Mười Tân đã có lúc cho người gọi anh đến và nói rằng âm nhạc của anh chẳng qua là thứ “nhân đạo chủ nghĩa.” Đó là một loại hình văn học “kết án chiến tranh mà không cần phân biệt loại chiến tranh nào, kết án bạo lực mà không cần hiểu xuất xứ, tính chất mục đích của mỗi thứ bạo lực.”

“Âm nhạc của anh,” Mười Tân nói: “có chứa đựng những lời than thở phản chiến nhưng nó cũng làm đảo lộn mọi thứ, nó lẫn lộn trắng đen, trung và nịnh, yêu nước và cướp nước. Coi chừng âm nhạc của anh cũng là một hình thức tiếp tay với bọn phản loạn.” Nguyễn Giang rùng mình khi nhắc lại chuyện trên. Lúc đó tôi nhìn thấy hai bàn tay Giang run giật lên như người mắc kinh phong. “Ông ta làm cho mình có cảm tưởng chỗ nào cũng tội lỗi, cái gì cũng tội ác. Cõi tạm. Mình phải xem đời sống này chỉ là cõi tạm, trăm năm chẳng qua cũng chỉ là kẻ ở trọ của ngàn năm thôi.”

Con chim ở đậu cành tre,
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
........
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
........


hoặc

Em đi qua chuyến đò
Thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ
Và vầng trăng tên lãng du.
......

Ừ thì cũng chỉ là trọ thôi. Có lúc Giang thở ra, “Tôi như đứa trẻ tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài.... Đừng tin tôi nhé, vì tiếng cười.” Đó là những lúc tôi thấy khuôn mặt Giang vốn nhỏ và nhô xương, hai con mắt sâu núp dưới đôi kính trắng, tối sầm lại. “Dường như quanh đây có điều gì tuyệt vọng.” Giang nói lửng lơ. Tôi hiểu bạn.

“Thầy Thăng!” Tiếng gọi tên tôi làm tôi giật mình.

“Thầy có sao không?” Nhị Hà hỏi tiếp.

“Không. Không có gì!”

“Em muốn hỏi sao thầy không ghi có liên hệ gia đình với đồng chí Mười Tân?”

Tôi nhìn thẳng vào mặt Nhị Hà. Tôi không trả lời.

“Thầy tốn bao nhiêu vàng trong chuyến vượt biên này?”

“Không tốn một xu.”

“Thầy là người tổ chức hay sao?”

“Không.”

“Thế thì ai là người tổ chức. Thầy ghi vào đây, chỗ này.”

Nhị Hà đặt tờ giấy xuống mặt bàn, để thuận chiều về phía tôi.

“Đó là cách duy nhất để thầy sớm được khoan hồng.”

“Tôi không biết.”

“Tại sao?” Phải có người tổ chức vượt biên thì mới vượt biên được chứ!”

“Tôi không vượt biên. Chuyến đi Rạch Sỏi này là đi công tác đào giếng ở công trường An Biên.” Tôi nhắc lại những lời của ông Công dặn.

Nhị Hà không nói thêm. Cô lật lật mấy tờ giấy, trong đó có cái thẻ công nhân viên của tôi do ông Công cấp.

“Thầy không biết cái ‘Tổ Hợp Kiến Tạo’ của ông Công này là một tổ hợp ma chuyên bán giấy đi đường cho người vượt biên sao?”

“Không.” Tôi vẫn nhìn vào mặt Nhị Hà.

“Tại sao cô không đi chuyến này với thầy?”

“Tôi không đi vượt biên. Nhà tôi vẫn còn buôn bán làm ăn ở Sài Gòn .”

“Nhưng hồ sơ công an xã ghi thầy đi với một nhóm người Hoa, bị bắt vừa lúc xuống ghe mà.”

“Không. Tôi không hề đi với nhóm người Hoa nào. Tôi đi một mình.”

Nhị Hà cầm tờ khai trước mặt tôi:

“Thầy không gặp Kiệt sao?” Giọng cô nhỏ nhẹ, nhưng giống như cái búa đập lên đầu tôi, làm tôi ngã lăn
ra.

Tôi quên khuấy chuyến đi có Kiệt, quên khuấy Kiệt là bạn học của Nhị Hà, dù chỉ là bạn học của một tháng.

“Kiệt đâu rồi?” Cả tuần nay tôi không thấy cậu ấy đâu cả!”

“Kiệt đã được đưa xuống Kinh Làng Thứ Bảy lao động cải tạo trong tuần lễ thầy bị biệt giam.”

(Còn tiếp)

12 Tháng Tư 2024(Xem: 563)
lúc ấy tôi còn trẻ lắm so với phần lớn các đồng nghiệp của tôi ở trường Ngô Quyền. Do đó tôi kết bạn với hai người bạn đồng lứa với tôi là anh Trần Văn Phúc dạy sử địa và Nguyễn Phi Long dạy toán.
11 Tháng Tư 2024(Xem: 408)
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” từ thuở biết yêu “thơ” vào những năm đầu bậc trung học. Bài thơ có hai chữ “Xóm Đạo” tôi đọc dầu tiên là bài “Tha La Xóm Đạo” của tác giả Vũ Anh Khanh
10 Tháng Tư 2024(Xem: 457)
Tháng Tư lại về, nỗi buồn len lén con tim. Thương lắm người vì ngày này mà chịu nhiều khổ nạn tai ương, tủi nhục ngút ngàn, biết bao gia đình ly tán chia lìa, ngậm ngùi chua xót.
10 Tháng Tư 2024(Xem: 657)
Từ tháng 4/1975 đến nay, đã gần nửa thế kỷ rồi, nhưng mỗi lần đến tháng tư, tôi cứ hay trăn trở và hồi tưởng lại những sự kiện xảy ra sau thời khắc lịch sử ấy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 1170)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 838)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 775)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 753)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1485)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 1118)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1204)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1172)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1010)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 1076)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1368)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1122)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1225)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 829)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1046)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1127)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.