Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - DÒNG SÔNG ĐỜI

14 Tháng Mười Một 20141:30 SA(Xem: 26752)
Nguyễn Thị Thêm - DÒNG SÔNG ĐỜI


DÒNG SÔNG ĐỜI

dòng sông

Chị là người Biên Hòa, quê hương của một vùng đất hiền lành nổi danh 'Xứ Bưởi". Vùng đất nhiều cây trái ngọt thơm được bồi đắp bởi dòng dông Đồng Nai. Một dòng sông dịu dàng như bà mẹ miền Nam chân quê tảo tần siêng năng mưa nắng. Bà má Biên Hòa với áo bà ba và cái nón lá thật chân chất dễ thương.

Dòng sông chứa nhiều mầu mỡ đã làm lên đất Trấn Biên địa linh nhân kiệt. Đã cho chị lớn lên với cuộc sống bình dị không nhiều bon chen như những người dân nơi khác phải đấu tranh vất vã để đổi lấy miếng ăn.

Vùng đất quê hiền lành như tính tình người Biên Hòa điềm đạm không xảo trá điêu ngoa, không lừa lọc hơn thua, êm ả như dòng sông Đồng Nai dịu dàng của chị.

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.

Thật ra chị sinh ra và lớn lên ở một vùng quê không hề có sông nước. Chỉ đất đỏ và bạt ngàn cao su nối đuôi nhau thẳng tắp mênh mông. Tuổi thơ của chị không phải bơi thuyền trên sông hay nhảy tùm xuống sông Đồng Nai để tắm như nhiều bạn bè sinh sống tại tỉnh lỵ Nơi chị ở chỉ có những con suối nhỏ len vào những làng, ấp và mảnh vườn của ba má chị tạo dựng. Con suối nước trong veo, có thể nhìn thấy đáy và những con cá bơi qua lại hưởng một đời sống bình an.

Thế nhưng, thêm một điều oái oăm là lúc bé chị chỉ được ra ngắm dòng suối đó khi nào có ba má hay có anh bên cạnh. Sự giữ gìn quá đáng không cho con gái tắm sông, tắm suối đã làm chị như con ốc thu mình trong võ cứng chẳng dám phiêu lưu. Chị không hề biết bơi dù là một kiểu bơi tệ nhất để có thể không bị chìm. Cái thuở người ta tin một cách kiên quyết là sông suối luôn có Ma Da và Hà Bá . Những tên thần giữ nước rất ham thích đàn bà con gái. Chỉ tắm vào buổi trưa hay chạng vạng là có thể mắc "Thằng Bố" để rồi ngẩn ngơ điên điên khùng khùng cho đến hết đời. Chị là con gái tuyệt nhiên không được ra sông suối một mình. Đó là lệnh và đó đó ra nội quy của gia đình.

Thế đó con suối nhỏ hiền hòa cũng không thể là bạn bè, là chất nước mát tưới lên tuổi thơ của chị. Cho chị có nhiều kỷ niệm tắm suối, lông rông hay bơi lội nhởn nhơ như bạn bè ở quanh các thôn xã khác. Đó là điều ân hận nhất mà chị mang vào đời cho tới bây giờ. Chị hay khuyến khích cho các con phải tập cho các cháu chị tập bơi ngay từ nhỏ. Chị nhìn chúng tung tăng bơi qua về thích thú mà sung sướng. Đôi khi ở hồ bơi, chúng lôi chị xuống hồ và bảo chị tập bơi. Nhưng chị sợ. nỗi lo sợ, nhút nhát lại trở về như bản tính của chị. Và chị buông tay để làm một bà già  tệ nhất. Tệ hơn cả một người nhà quê thực thụ ở miền sông nước quê mình.

Con sông Đồng Nai chảy ra biển lớn, đưa người Biên Hòa đi khắp bốn phương. Trên đoạn đường đời mỗi người trôi theo số phận của mình. Có người biết bơi giỏi, có kinh nghiệm sẽ là những người về đích bình an, xuôi chèo mát máy. Có người chỉ biết bơi sơ sơ, thì mệt hơn, đuối hơn khi về tới đích. Ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh sẽ vùi dập những người không biết bơi. Để khi được vớt lên, sự sống còn là những bi ai trong đời sống. Con sông đời mỗi người mỗi khác và mỗi dòng sông cũng nghiệt ngã khác nhau. Có con sông nhiều ghềnh thác dữ dằn như sông Hồng của một bài văn tả rất thật của Khái Hưng trong chuyện "Anh phải sống". Chị nhớ đó là bài thuyết trình mà chị đắt ý nhất lúc học Trung Học. Chị hòa mình vào nhân vật, chị thấy những đợt sóng, những khúc củi khô trôi lềnh bềnh. Chị thấy người chồng đang ra sức lôi vợ. Và chị thấy đôi mắt của người đàn bà đầy tuyệt vọng chợt sáng lên quyết liệt khi buông tay chồng ra để dặn dò "Thằng Bò, cái Nhớn, cái Bé. Không! Anh phải sống!".

Thế đó, chị nhập vào vai trong cốt chuyện để thuyết trình trước các bạn thuở còn học đệ ngũ và cảm giác đó vẫn còn mỗi khi chị nghĩ đến một dòng sông. Phải chăng khi mình tắm trong dòng sông nào thì mình sẽ nhớ mãi dòng  sông đó. Chị chưa hề tắm sông, tắm suối, nhưng dòng sông đời thì chị đã trải qua. Con sông đời mỗi người sẽ là một chuổi chuyện dài từ lúc sinh ra cho đến khi xuôi tay nằm xuống. Có lúc êm đềm, nhẹ nhàng như thuở còn ngây thơ cắp sách đi học. Có lúc gợn sóng lăn tăn nhưng đầy thơ mộng của thuở vào yêu. Có lúc rộn ràng đầy những tiếng cười của một thời hạnh phúc. Cũng có lúc gặp ghềnh đá Sóng vỗ chập chùng phải cố hết sức để vượt qua. Càng ra ngoài xa hơn, càng về gần biển cả sông càng gặp sóng to gió cả, như khi vào tuổi tráng niên phải vất vả đấu tranh để đổi lấy miếng ăn. Cuối cùng rồi cũng ra biển lớn để hòa tan vào một quần thể vô cùng, vô biên của tạo hóa.

Chị hay ngồi soi rọi lại đời mình và mỗi chặng đường đời cho chị nhiều điều thú vị  mỗi khi nghĩ lại. Mỗi một giai đoạn đi qua là một chặng đường sông nước khác. Con sông từ khởi thủy nó cũng không biết mình sẽ đi đến đâu và qua những nơi nào. Cái đến phải đến, tới nơi nào con nước cũng lướt qua. Có gian truân trở ngại cách mấy rồi thì cũng nước chảy qua cầu mà thôi. Mỗi giai đoạn cuộc đời con người vẫn phải sống, phải tranh đấu, phải đứng lên giải quyết. Đoạn đường càng chông gai càng có nhiều nhiều kinh nghiệm. Câu nói "Nước chảy đá mòn" là còn nói lên sự chịu đựng dẽo dai của con người để vượt qua và khắc phục tất cả khó khăn để sinh tồn.

Chị lại nhớ đến sông Ô Lâu nơi quê hương của chồng. Con sông quê đó  nó cho chị cảm giác khác con sông Đồng Nai quê hương chị.. Khi chị xuống chợ Biên Hòa qua khu chợ cá để theo đò về bên kia sông là đất Hóa An thăm gia đình người anh. Ngồi trên chiếc đò máy nổ bành bạch để qua sông chị lại nghĩ đến khúc sông đời. Bên này sông là gia đình chồng, bên kia sông là gia đình anh ruột. Một nơi mình phải giữ lời ăn tiếng nói, một nơi mình có những đứa cháu dễ thương, một người anh máu mủ. Chỉ cách một bờ sông không khí cũng khác đi nhiều. Chị thả bộ xuống bờ sông, những khối cát được cần trục xúc lên xe tải ầm ầm chuyển đi nhiều nẻo. Chị thương dòng sông bị rút ruột, bào mòn thành hầm hố, đầy nguy hiểm cho lũ cháu tắm sông hàng ngày. Nhìn qua bên kia cầu mới dẫn về thị xã, xe cộ nối đuôi nhau chạy liên tục. Thành phố đô hội bao giờ cũng bon chen nhiều nguy cơ, cạm bẫy nhiều hơn chốn thôn quê mộc mạc chơn chất.

Con sông Ô Lâu lại khác. Nó hiền lắm, êm đềm lắm. Đứng ở bờ sông bên đây có thể nhìn qua bên kia bờ, thấp thoáng người ta đang tắm hay lấy nước. Giòng nước sông Ô Lâu rất trong và không hề có một tí sóng. Nó lặng lẽ trôi, điềm đạm trôi đi mãi không về. Thỉnh thoảng những chiếc đò máy chở khách đi chợ Mỹ Chánh về chạy qua hay cập bến. Các Mụ, O  xuống đò líu lo những âm hưởng miền Trung nặng trịch. Hàm răng nhuộm đen nhánh, điếu thuốc lá Cẩm Lệ to đùng làm xệ cả đôi môi. Và tiếng cười cũng e dè, nhẹ nhàng như giữ lại một chút gì đó cho riêng mình.

Các mụ, các O là những người phụ nữ miền trung chịu đựng dẽo dai. Họ sống kín đáo như những con đường dấu kín dưới hai hàng tre  trúc được trồng bao bọc con đường. Ở trên những cành lá giao nhau như một cái vòng cung . Và con đường là một ngõ sâu hun hút. Họ kín đáo như hai hàm răng nhuộm đen đều răng rắc, rất khít để nói như không muốn hở môi. Họ cẩn thận che đậy  như cái rỗ đi chợ được phủ kín bằng tấm lá chuối chặt ở trong vườn không cho ai biết những gì họ đã mua gì bên trong. Đời sống và khí hậu khắc nghiệt cho họ một đầu óc tính toán thiệt hơn để sinh tồn. Sáu tháng trời tốt để làm việc, họ ra hết sức mình trên mãnh đất khô cằn của cha ông để lại. Họ trồng khoai, ngô ,sắn, đậu ớt, thuốc lá xen kẻ  vụ mùa khi đất gieo mạ đã được nhổ đi cấy ngoài ruộng. Không để một tấc đất bỏ hoang. Họ trồng chăm chút, tỉ mỉ và thiết tha với nó.

Họ phơi khô, cất kỹ khoai, đậu, ớt, thuốc lá và nhất là mắm ruốc. Từng hủ, từng hủ mắm ruốc đậy thật kín để dùng cho mùa đông và mùa lụt. Những ngày trời rét không thể  ra đồng làm việc, hay nước lụt dâng lên trắng xóa mọi nơi, những thực phẩm khô cất giữ sẽ cứu đói cả gia đình. Chị đã ngạc nhiên khi về nơi này khi bắt gặp họ cuốn những lá thuốc đầy bụi thành một cục to tướng và hút thật say sưa. Có những chị còn rất trẻ, rất đẹp, nhưng điếu thuốc to đùng trên môi đã xóa đi những nét mỹ miều. Con sông đời của các chị, các o là như vậy. Yên phận, bình lặng, kín đáo nhưng khi có dịp để bùng lên thì thật khủng khiếp không đoán được hậu quả. Có đi hội họp ở hợp tác xã nông nghiệp mới nghe các o , mệ sắc bén trong từng câu nói, hơn thua từng chút trong công việc và miệng lưỡi cũng thật đáng sợ. Chị mới thấy rõ ràng chỉ có đàn bà con gái miền Nam mới thật là hiền hòa, chơn chất. Miền Nam đất đai mầu mỡ trồng trọt dễ dàng, thức ăn dư thừa  nên tấm lòng họ cởi mở, có sao nói vậy không đãi bôi để được lòng người. Dường như phụ nữ miền Nam không cần đấu đá nhau nhiều vì miếng cơm manh áo.

 Trở lại chuyện con sông  Ô Lâu làng quê chồng chị.Mỗi buổi sáng sớm hay chiều tối những chiếc ghe lưới cá đua nhau gõ lốc cốc, lốc cốc rộn ràng một khúc sông. Hai hoặc một chiếc ghe nhỏ gỏ thanh tre liên tục để gây tiếng động dồn cá vào một vòng tròn và người ta tung lưới để bắt. Những con cá còn đang tha hồ bơi lượn hốt hoảng lúng túng sa vào lưới. Giảy đành đạch để hít thở không khí của loài người và chào cuối cùng cuộc sống sông nước êm ái của đời mình.

Nhưng! Đừng tưởng sông Ô lâu hiền, đẹp mà bình an hơn sông Đồng Nai mà lầm. Con sông đồng Nai quê nhà của chị vậy mà không hề tràn bờ vào phá làng phá xóm. Con sông Ô Lâu thì khác. Chỉ một cơn gió nồm thổi về, trời vần vũ là báo hiệu con sông nổi giận. Nước từ đầu nguồn đổ về miên man tràn ngập. Chỉ vài giờ thôi nhà cửa sẽ ngập trong màn nước lũ. Ngồi trên chiếc giường đã được chồng lên bao nhiêu là gạch nhìn qua cửa sổ chỉ thấy một màn nước trắng xóa, những tàu lá dừa và lá chuối phất phơ trên mặt nước, như bàn tay tuyệt vọng đưa lên vẫy gọi một vị cứu tinh. Những trai làng chặt thân cây chuối từ chiều tối khi đoán con nước sẽ về, họ bện thành những bè chuối và chèo đi thăm hỏi. Bè chuối vào cửa trước và lại lui ra như đang bơi trên con sông nhỏ. Sau mấy ngày ngập lụt, con nước từ từ rút xuống, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa tổng kết thiệt hại để rồi lại chuẩn bị thức ăn cho một cơn hồng thủy khác.

Dòng sông đời cũng vậy. Đôi khi nhìn rất phẳng lặng nhưng bên trong đấu đá thù hận khôn lường, bao nhiêu mưu mô chỉ chực đưa ra triệt hạ đối phương.Mỗi trở ngại  con người phải chống chọi bằng nhiều cách. Phải tùy theo hoàn cảnh chặt dạ kiên trì để chân cứng đá mềm vượt qua sóng gió.

Con sông đời của chị đã trải qua 66 năm ghềnh thác. Từ một con bé tóc hớt cua như con trai cùng các anh thảy lỗ, bắn bi . Con bé hay khóc nhè mỗi khi ngủ dây. Con bé chỉ biết rừng cao su lộng gió trơ cành, không hề biết cảnh phồn hoa thị tứ. Bây giờ con bé ấy đã vượt bao nhiêu núi đồi, quốc gia lớn nhỏ, xuyên đại dương ngồi bấm máy để viết cho dòng sông nhỏ của mình. Tóc đã bạc vì nước thời gian gội đi bao nhiêu thanh xuân tuổi trẻ. Con bé ấy đã là một bà  già nhiều suy tư về cuộc đời và sự vật.

Chị lại thấy mình may mắn vô cùng khi hiện diện nơi này để con sông cuối cùng về biển cả không bị ghềnh thác cheo leo. Con sông đời của chị đã có nơi bình yên trao gửi trước khi nhập vào lòng đại dương bao la của tạo hóa và biến mất giữa trần đời.

Con sông cuối cùng cũng được bình yên mỗi ngày vui cùng gió mát trăng thanh, nghe hương đồng cỏ nội reo vui hai bên bờ. Chị cũng vậy. Cuộc sống chị bây giờ yên ấm quá. Những sớm mai dìu chồng đi qua side walk vòng quanh khu nhà ở. Những vĩa hè đi bộ sạch sẽ, những đoạn đường công viên  rợp bóng cây xanh. Ngồi xuống ghế nghe chim muông hót trên cành, nhìn các cháu vui đùa hay xem những người trẻ chơi Basketball cười vang  yêu đời. Chị thấy mình thật hạnh phúc và chị thật lòng tri ân đất nước này đã cho chị cuối đời bình an không chộn rộn lo âu vì miếng cơm manh áo.

 Người già ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu và sống bao nhiêu đâu cho những ngày còn lại. Thế nhưng nuốt một miếng cơm vào bụng mà lòng thấy vui. Mặc chiếc áo mà không sợ ngoài kia mưa gió lạnh lùng. Ngủ một giấc an bình không sợ ai gỏ cửa làm khó. Nhất là khi nằm xuống không sợ con cái phải vất vả nợ nần để trang trải cho cái xác vô tri  thì thật là phước báo cuối đời.

Dòng sông nào cũng về biển cả. Cuộc đời của mỗi con người rồi cũng kết thúc. Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân,con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị và như vậy con sông đời chị thật thoải mái hòa nhập vào hư không để giữ lại một nụ cười.

Nụ cười bình an trước khi nhắm mắt.

Nguyễn thị Thêm.

                                  Mời thưởng thức ''Dòng Sông Xanh'' - Thái Thanh trình bày.




31 Tháng Ba 2024(Xem: 1081)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 778)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 714)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 708)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1331)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 965)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1105)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1098)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 889)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 986)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1306)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1064)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1171)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 763)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 991)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1083)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1287)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1234)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1667)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.