Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Huỳnh Văn Huê - TRƯỜNG CŨ NGÀY XƯA

01 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 116775)
Huỳnh Văn Huê - TRƯỜNG CŨ NGÀY XƯA

  TRƯỜNG CŨ NGÀY XƯA.

 thay_huan_va_hoc_tro_nq-large-content


 Mùa Thu có thể là mùa của gió heo may về, của lá vàng gieo rắc nên ý nhạc vần thơ… . Nhưng mùa Thu cũng là thời điểm khắc ghi sâu đậm trong tâm hồn biết bao mái đầu xanh: mùa tựu trường! Thời đó năm 1963, tôi là một học sinh lớp cuối của bậc tiểu học trường làng, trường mang tên một xã cù lao bốn bề là sông nước của dòng Đồng Nai, – Cù lao phố Hiệp Hòa - riêng lớp Nhất, cả trường chỉ có hai: một lớp nam, một lớp nữ. Tuy làng chỉ cách trung tâm tỉnh khoảng 3 cây số, nhưng vào lúc ấy sao tôi thấy cái chợ Biên Hòa nó xa lắc xa lơ! Từ lớp Năm đến lớp Nhất - tức là lớp 1 đến lớp 5 bây giờ - kết quả học tập cuối năm bao giờ tôi cũng lãnh thưởng hạng danh dự hoặc dưới một cấp là hạng nhất. (Nói ra chỉ là ôn lại kỷ niệm chớ không phải… khoe khoang gì đâu, vì bây giờ có khá nhiều học sinh VN rất giỏi – trong nước cũng như ở nước ngoài – đi thi các giải quốc tế đã đoạt được huy chương vàng, huy chương bạc…) Cái thời còn ít người được đi học, theo tôi nghĩ chỉ cần siêng năng cộng thêm chút… “sáng dạ” là có kết quả như vậy thôi. Sau lớp Nhất là bước qua Trung học đệ nhất cấp gồm từ lớp đệ Thất đến lớp đệ Tứ (lớp 6 đến lớp 9). Trước tôi, có một người anh và một người chị chỉ vì rớt thi tuyển vào lớp đệ Thất trường công - duy nhất là trường trung học Ngô Quyền - mà đành phải… ở nhà, từ từ tính chuyện học trường tư sau! Nhắc lại để mọi người hiểu cho, đối với tôi - thật ra phải nói là cả đám chúng tôi - kỳ thi tuyển vào trung học này vô cùng quan trọng…

 Lúc đó học sinh trên tỉnh - trường tiểu học Nguyển Du tên tuổi - còn chưa chắc ai cũng được đến lớp luyện thi huống hồ là dân trường làng như tôi. Anh tôi mượn đâu được quyển “141 bài toán luyện thi đệ thất” đem về, vậy là tôi cứ cặm cụi giải cho thông thạo hết tất cả. Ngoài ra các môn như: Quan sát, Địa lý, Sử ký… cố gắng sao cho thuộc nằm lòng là được. Thật ra, thầy H.V.P là thầy dạy lớp tôi và cũng là thầy Hiệu trưởng, thỉnh thoảng có đạp xe một vòng đến nhà các “sĩ tử” học trò để nhắc nhở và kiểm tra xem tụi nhỏ học hành thế nào. Đối với gia đình và cả nhà trường nữa, tôi là một niềm hy vọng lớn lao. Theo lẽ thường tình, nếu học sinh trường nào đậu nhiều, và đặc biệt trong đó có người đạt thứ hạng cao trong kỳ thi này thì đương nhiên trường đó sẽ nổi tiếng và biết đâu còn được khen thưởng nữa!? Riêng tôi về sau này, lớn lên một chút, khi hồi tưởng lại, tôi mới hiểu ra là lúc đó thầy P kỳ vọng rất nhiều vào… tôi.

 Ngày thi tuyển kết thúc, đã quá rõ sức học của các học trò mình, thầy P lại đi một vòng để biết thêm tình hình, khi gặp tôi thầy rất vui vẻ, phấn chấn, vì thầy biết độ khó của đề thi vừa rồi đối với tôi chỉ trên mức trung bình thôi.

 Nhưng rồi, đường đời không bằng phẳng và chuyện đời cũng không đơn giản… . Tôi thật thà và có cả chút vô tư (!) kể hết chuyện ở phòng thi cho thầy nghe.

 Gặp đề toán không khó lắm đối với mình, nhưng tôi vẫn làm bài theo trình tự hướng dẫn của thầy và những khuyên bảo của người lớn ở nhà. Làm bài trước ngoài giấy nháp, dò đi dò lại cẩn thận, sau khi thấy chắc chắn trúng rồi mới chép lại vào giấy (làm bài) thi! Xong xuôi hết, ước chừng còn dư thời gian khoảng hơn 15 phút, tôi đọc lại bài thêm lần nữa rồi sắp xếp bút, thước, các thứ ngay ngắn trước mặt và ngồi… khoanh tay chờ hết giờ! Tôi không dám nộp bài vì trước khi đi thi mẹ tôi cũng đã dặn đi dặn lại rằng dù có làm xong bài sớm cũng ngồi dò lại, không được nộp sớm (!?). Cho đến tận bây giờ, dù người mất đã lâu, tôi cũng đã quá… trung niên rồi, nhưng vẫn không hiểu có phải vì như vậy cho… chắc chắn hay vì thể hiện tính khiêm tốn!?

 Chợt cô giáo gác thi đến bên hỏi tôi làm bài xong chưa mà ngồi im như vậy. Khi biết tôi làm xong rồi, cô lấy bài của tôi lên xem và ra khỏi cửa phòng thi, nhanh chóng thôi, cô ấy quay vào hỏi thêm rằng tôi học trường nào, cuối năm được xếp hạng mấy… (tôi thật thà có sao nói hết!). Sau đó, với vẻ mặt trang trọng, cô ấy cho biết tôi làm sai rồi, nên sửa lại như… thế này, thế này! (Chuyện “hiếm có” và cũng khó tin nhưng lại có thật vì chính tôi là người… trong cuộc! Đâu có qui chế thi nào chấp nhận một loạt các hành động như vậy!?? Nhưng thôi xin chớ lo, vì kết thúc cũng có… hậu!)Tôi điếng hồn, tim đập loạn xạ, trong lòng phân vân cực độ! Rõ ràng mình đã làm đúng rồi! Nhưng sau cùng, liên tục bị áp lực trước những lời lẽ chắc nịch của cô giáo, đứa nhỏ nhà quê 11 tuổi trong tôi ngoan ngoãn vâng lời… . Tay cầm thước cẩn thận(!) tôi gạch bỏ các kết quả bài toán mình làm, nắn nót viết vào kế bên những con số khác do cô giáo “tốt bụng” chỉ dẫn!!

 Lần đầu tiên tôi thấy thầy tôi giận dữ, tức tối với tôi đến như vậy! Mẹ tôi buồn bã, xót xa, ba tôi mất đã mấy năm rồi, nếu không sau khi thầy về có lẽ tôi… no đòn!

 Thôi, thi tuyển mà làm sai một bài toán đố, trong khi môn toán lại có hệ số rất cao, vậy là chắc chắn… rớt rồi. Trong thời gian chờ kết quả, do có mối quan hệ bà con, bà thím ở một tỉnh lân cận muốn đón tôi qua nhà… chơi(!?). Một phần vì cũng đang buồn, và cũng cảm thấy mình có lỗi, tôi đành chấp nhận… .Qua đón tôi về, bà thím đã dẫn tôi đi bộ ước chừng đến hai mươi cây số, khi len lỏi đường làng, có lúc cũng được bước lên đường tráng nhựa, vì lý do cho đỡ… tốn tiền xe! Được mấy ngày, lạ nơi, lạ chốn, làng Tân Khánh của tỉnh Bình Dương lúc đó heo hút, buồn hiu… .Tôi nhớ, sau cơn mưa đầu mùa khá lớn, mặt cái sân đất trước nhà trở nên phẳng lì, một mình lẻ loi hơn bao giờ hết, buồn tình lẫn nhớ nhà, tôi lấy nhánh tre vẽ trên đó hình ảnh cây cầu sắt bắc qua sông và bến nước trước nhà mình…! Bà thím thấy tôi buồn, khuyến khích tôi theo cô – con gái bà, chỉ hơn tôi vài tuổi – ra đồng phụ trông coi đàn bò gần đến hai mươi con (Bà cũng thuộc hàng “giàu có” ở xóm này đấy!). Có lẽ đây mới là mục đích chính chuyến đi “chơi” của tôi? Nhưng tôi vẫn một mực đòi về, sau cùng – lúc đó theo tôi nghĩ- có lẽ biết không giữ được tôi, bà thím đành phải… chịu thua!

 Chỉ một ngày sau khi về nhà, tôi biết được thêm là bà thím mới vừa qua kể khổ với mẹ tôi, rằng tôi không “được việc” gì hết, và có lẽ vô tình bà tiết lộ về chuyện tôi vẽ trên mặt sân cảnh vật trước nhà mình. Mẹ tôi đã… rơi nước mắt! Nhanh chóng đề nghị để tôi mau mau được trở về nhà. Rồi kết quả thi tuyển vào lớp đệ Thất trường Ngô Quyền đã có nhưng cả nhà tôi không ai đi xem. Kết quả đã biết trước rồi còn gì ?! Nhưng ở đời có cái xấu nhưng vẫn còn có nhiều cái tốt, trong rủi có… may, thầy tôi đi xem kết quả cho cả hai lớp Nhất,về nói rằng tôi đã… đậu! Thật không thể tả hết được nỗi vui mừng của cả nhà. Tôi đã đậu được vào trường Ngô Quyền! Nhưng vì sai một bài toán đố nên tôi đứng hạng 231 (trong câu chuyện, có thể có vài tiểu tiết tôi nhớ không chính xác lắm, nếu có như vậy, thứ hạng của tôi còn… thấp hơn nữa!) trong số học sinh trúng tuyển, tức là đứng trong tốp… cuối. Tiếp theo, thay vì theo nguyện vọng sinh ngữ chính là Anh văn, tôi buộc phải chấp nhận Pháp văn. Quá vui mừng vì thi đậu, cái việc thay đổi môn sinh ngữ lúc đó không quan trọng lắm, vì khi lên lớp đệ Tam sẽ học thêm sinh ngữ Anh Văn thôi. Hôm nay khi viết lên những dòng này, mùa Vu Lan tháng 7 âm lịch rồi đến Tết Trung Thu cũng vừa thoáng qua không lâu, những người con nào- dù mang trên ngực áo hoa hồng đỏ hay trắng- lại không nhớ đến mẹ của mình! Những ngày sau, không biết có nguồn tiền dành dụm từ lúc nào, mẹ tôi cùng tôi đi xe… ngựa(ngày đó tại Cầu Hang, nơi tiếp giáp quốc lộ 1, đầu làng cù lao Phố Hiệp Hòa cũng còn có xe “lam” nữa, khi gặp xe nào thì đi xe đó thôi) lên chợ Biên Hòa: mua cho tôi cái cặp màu đen bằng da một trăm phần trăm, vải vóc để may đồng phục, một đôi giày “săng-đan”, một đôi giày “bố” trắng (để mặc đồng phục toàn trắng chào cờ vào mỗi sáng thứ hai) sau cùng kết thúc bằng việc ghé vào xe mì “ông Mập”nổi tiếng ăn một tô mì ngon nhất trên đời. Riêng phần chụp hình tại tiệm Phạm Lung để làm hồ sơ nhập học đã có người chị chịu trách nhiệm dẫn tôi đi, xong xuôi có một bữa xem phim Ấn Độ tại rạp Vạn Khánh Hưng, khi ra về lại có thêm ly nước mía lạnh thật lạnh… .Về sau tôi mới biết - dù người không bao giờ nói-, mẹ tôi đã dành dụm sẵn tiền từ trước, vì đã rất tin tưởng con mình sẽ… thi đậu. Đến bây giờ tôi đã có15 mùa Vu Lan với hoa hồng trắng trên ngực áo… . Văng vẳng bên tai tôi từ đâu đó của tiềm thức, mấy câu thơ hình như(?) của nhà thơ Kiên Giang: “Mẹ già như chuối ba hương. –Như xôi nếp một, như đường mía lau”. Mẹ ơi! “chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau” giờ biết tìm đâu!?

 Đến lúc gần nhập học cũng không lâu, tôi được biết thầy P có đến nhà gặp và nói với mẹ tôi, đại ý: “Thằng H đậu được là nhờ may mắn và cũng nhờ… học giỏi(?!). Vì học giỏi nên các môn khác và câu hỏi phụ trong đề toán có điểm cao, mới bù lại được bài toán đố! Và may mắn vì gặp giám khảo có tình và… tinh ý, khi thấy bài toán đố làm đúng 100% rồi lại còn cẩn thận gạch ngang để sửa lại, do vậy có thể vị này – hoặc cả hội đồng chấm thi - đã chấm điểm nới tay một chút chăng ?!”

 Việc đã qua rồi, dù sao tôi cũng trúng tuyển. Mùa Thu khai giảng năm học 1963 tôi đã là một học sinh Ngô Quyền! Chuyện… “tai nạn” trường thi lúc nào, thời nào cũng có thể xảy ra, khác chăng là mức độ và hậu quả mà thôi! Thời phong kiến vẫn có nhiều bậc tiền bối tài danh nhưng thi mãi, gặp hết chuyện này đến chuyện khác vẫn không đậu đó sao?! Hay như ngay thời của tôi có P.T.Th (Đệ Nhất B1, trong lớp ngồi gần Tr.h.Ph) là một trong những học sinh rất giỏi của lớp, ra thi bị… thí sinh bên cạnh giật bài thi sao đó mà đành phải rớt tú tài II một cách oan uổng! Với tôi vậy là còn may mắn hơn nhiều… Ngôi trường Ngô Quyền mơ ước và thân thương đang đón chờ tôi, thời đó trường như vậy là khang trang, hiện đại lắm rồi: gồm hai dãy lầu quét vôi màu vàng, giữa là sân chơi với những hàng dương đã bắt đầu tỏa bóng mát. Ngoài ra phía trước, ngoài cổng bước vào bên trái còn một nhà trệt, mái ngói, cửa kính, đó là phòng thí nghiệm, phía sau và một bên sân có mấy nhà để xe cho học sinh. Nhớ về trường xưa, tôi và các bạn làm sao quên được công lao, nghĩa tình sâu nặng của biết bao thầy, cô đã vun đắp cho chúng ta. Và còn biết bao kỷ niệm ngày xanh với bạn bè… . Rồi, cũng giản dị thôi, nhưng cũng… khó quên: con đường đến trường! Vì nhà ở bên kia cầu Rạch Cát, lúc đạp xe đến trường theo QL1, khi đến rạp hát Biên Hùng tôi phải lên một con dốc, người tỉnh lỵ Biên Hòa gọi là dốc dài, hay dốc … Ngô Quyền. Riêng có một nhà thơ đã thành danh, tài hoa nhưng… vắn số! – Nguyễn Tất Nhiên, cũng là cựu học sinh N.Q –Tôi nhớ con dốc có lẽ (?) đã được nhà thơ chân tình lưu dấu trong bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát : “Em hiền như ma soeur”

 “. . . . . . . .

 Đưa em về dưới mưa

 Xe lăn đều lên dốc

 Chở nhau tình mệt nhọc!

 . . . . . . . .”

  Trường Ngô Quyền và Thầy, Cô, bạn bè thân yêu ơi… ! Dốc dài ơi…! Dốc Ngô Quyền ơi…!

 

 H.V.H (9-2010)

 

huynh_van_hue-content


(Huỳnh văn Huê vào đệ thất năm 1963, đệ nhất B1 năm 1970, học cùng với Ng.x.Quang, Ph.t.Thừa, Tr.h.Phúc, Tô.a.Dũng và nhiều bạn khác nữa… Nhân đây xin có lời cảm ơn đến N.Dung, BBT trang web NQ đã gửi cho tôi nguyên bài thơ “Ma soeur” của N.T.N)

 

 

 

31 Tháng Ba 2024(Xem: 925)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 632)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 577)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 588)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1187)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 892)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 915)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 949)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 742)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 912)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1059)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 997)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1119)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 715)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 943)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1025)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1258)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1199)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1466)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.