Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Thy Lệ Trang Nguyễn Thị Cúc - ĐỂ NHỚ...Về người bạn đã mất: NGUYỄN TẤT NHIÊN

11 Tháng Tư 201012:00 SA(Xem: 72561)
Thy Lệ Trang Nguyễn Thị Cúc - ĐỂ NHỚ...Về người bạn đã mất: NGUYỄN TẤT NHIÊN


ĐỂ NHỚ...

 Về người bạn đã mất: NGUYỄN TẤT NHIÊN

blank

 

 Lòng tôi luôn cảm thấy bùi ngùi mỗi khi nghĩ về những kỹ niệm học trò đã qua hoặc khi nghe ai đó nhắc đến tên những người bạn thân quen đã ra người thiên cổ.

 Tôi biết tin anh Nguyễn Tất Nhiên qua đời đã lâu. Dự định viết về anh nhiều lần, nhưng tôi cứ chần chừ...chần chừ...rồi không thực hiện được. Một phần vì bận rộn công việc làm; một phần vì ngại cầm lại bút. Tôi vẫn than phiền với nhỏ Hồng rằng vì lâu quá không viết nên văn chương có thể khô cằn như tuổi già của đời mình.

 Tuy anh Hải (tên thật của anh NTN) và tôi học chung trường TH Ngô Quyền, nhưng chúng tôi laị quen nhau ở một địa điểm khác: nhà sách Huỳnh Hiệp. Lúc đó, cả hai đang học lớp Đệ Lục. Thời con nít thích làm thơ, viết văn, tập tành làm văn thi sĩ. Tôi cặm cụi viết cho nhiều tờ báo như Tuổi Xanh, Tuổi Trẻ, Tuổi Hoa, Lá Xanh...với nhiều bút hiệu khác nhau. Do đó, mỗi chiều tôi hay ra nhà sách Huỳnh Hiệp đón báo từ Sài Gòn mới về để mua. Anh Hải cũng vậy. Chúng tôi háo hức vừa trả tiền xong là vội vàng mở ra xem ngay, muốn biết bài của mình đã được đăng chưa hay còn nằm trong mục chờ đợi. Dĩ nhiên, có bài được đăng, có bài không được trả lời nhưng chúng tôi rất vui vì tuổi học trò có nhiều ước mơ và hy vọng.

 Vừa học, vừa làm thơ, vừa quậy phá. Đó là thời Trung Học của tôi. Rất nhiều người ngạc nhiên đã hỏi làm sao tôi có thể giữ tâm hồn thi văn lãng mạn trong khi chơi với đám bạn bè thực tế ồn ào nổi danh Ngũ Quỷ. Anh Hải cũng hay đặt câu hỏi đó. Nhiều lần gặp tôi tại trường anh định khoe về một bài thơ hay một bài văn mới sáng tác thì nhỏ Ba đã kéo tôi đi và trừng mắt nhìn anh hăm dọa. Anh cười khì khì, hai tay chấp lại xá xá vài cái rồi dông mất.

 Năm học Đệ Tứ, đó là năm học đáng nhớ nhất của tôi. Dù bận rộn hoàn thành tập san Xuân cho lớp Tứ Ba, tôi cũng tham gia gửi bài cho báo Xuân Ngô Quyền. Rất vui mừng và hảnh diện khi bài của tôi được Thầy Cô trao giải văn chương đồng hạng với một bài văn của anh học Đệ Nhất.Tôi không nhớ anh tên gì chỉ nhớ bài viết của anh rất dễ thương "con diều của tôi bắt đầu mọc gai trong hồn và chở sầu bay sướt mướt trong mơ". Bởi vì năm đó hoa soan đã nở mà bố anh vẫn đi biền biệt không về. Giải thưởng cho tôi: quyển tập thơ của Phạm Công Thiện và một cây bút máy Trung Quốc.

 Những ngày cuối năm kh̀ông khí trường Ngô Quyền rất náo nhiệt. Để chuẩn bị văn nghệ cho trường, anh Hải đi đến từng lớp để tìm một vai nữ đóng cặp với anh trong một hài kịch do chính anh sáng tác và đạo diễn. Anh đến lớp tôi bị các bạn bàn trên quay quá cở. Lớp Tứ Ba của tôi nổi tiếng có nhiều bạn học rất giỏi nhưng ngoài giờ học cũng lém lỉnh không kém ai. Thoát khỏi những câu hỏi hóc búa, anh đi xuống bàn cuối nơi tôi ngồi nhăn mặt than phiền: Khổ quá, khổ quá! Tìm hoài không ra. Tôi hỏi: - Vai gì mà khó tìm người dữ vậy?

-Vai một người đàn bà hung dữ chuyên môn ăn hiếp chồng.

Nhỏ Ba ngồi cạnh tôi mở miệng hỏi: - Dữ cở tao đóng được không?

-Được, được lắm. Anh mừng quá mặt cười hớn hở.

Thế là nhỏ Ba và nhỏ Lưu bắt phải chấp nhận một điều kiện: sau mỗi lần tập kịch anh phải bao bọn tôi một chầu nước đá đậu xanh bánh lọt và một chầu phim ở rạp Biên Hùng. Để vỡ kịch của mình được hoàn thành anh gật đầu chịu hết. Đó là một loại hài kịch kiểu Phi Thoàn nói về chuyện anh chàng ở thành phố có một bà vợ dữ như sư tử Hà đông. Sợ vợ nhưng không muốn mất mặt trước anh ruột của mình, nhân ngày ông anh ở nhà quê lên thăm, anh ta năn nỉ vợ giả bộ đóng vai trò người vợ hiền thục biết vâng lời chồng. Người vợ đồng ý. Nhưng những yêu sách kỳ cục, tức cười của ông chồng làm chị vợ không dằn được. Cuối cùng, chị vợ đã nện cho anh chồng một trận đòn nên thân. Dĩ nhiên anh Hải đóng vai người chồng, nhỏ Ba đóng vai người vợ và một người bạn học cùng lớp với anh Hải đóng vai người anh. Tôi được giao nhiệm vụ làm người nhắc tuồng. Tuần lễ đầu êm xuôi, tất cả đều diễn biến tốt đẹp. Anh hí hửng bao bọn tôi một chầu đậu xanh bánh lọt và một chầu phim. Nhằm lúc đó rạp hát Biên Hùng xuất sáng chiếu phim, xuất trưa trình diễn cải lương. Nhỏ Lưu rất rành về sân khấu kịch nghệ, đời tư nghệ sĩ, tài tử nào nó cũng thuộc nằm lòng. Với bản tánh tò mò hay phá phách, nhỏ Lưu rũ cả bọn leo vào hậu trường xem mặt các nghệ sĩ. Lúc đầu anh Hải từ chối, nhưng sau đó ham vui cũng tham gia. Chúng tôi đến trò chuyện với các nghệ sĩ Mỹ Châu, Minh Phụng và còn bày ̣đặt xin hình và chữ ký của họ nữa. Một điều tôi nhận thấy là anh Hải có óc nghệ sĩ và khiếu khôi hài. Trong thời gian tập kịch anh hay kể chuyện tiếu lâm chọc cười bọn tôi. Cho đến bây giờ, bốn mươi năm qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ hình ảnh anh và nhỏ Ba rượt đuổi nhau chạy vòng vòng trong phòng tập; hay cảnh anh ôm bụng vừa cười vừa lắc đầu khi chọc cho nhỏ Lưu chửi thề.

Gần tới ngày trình diễn, ông bạn của anh bỏ cuộc, báo hại anh mặt mày méo xẹo, than vắn thở dài, còn nhỏ Ba cũng mất hứng tức mình vì sợ không có cơ hội diễn xuất cho thầy và các bạn xem. Túng quá tôi phải gồng mình hy sinh: -Để tôi đóng cho. Giọng nói khan khan của tôi đóng vai đàn ông được rồi nhưng tóc tôi dài thì sao? Chuyện đó giải quyết được ngay. Vì thủ vai đàn ông ở nhà quê lên tỉnh tôi phải mặc áo dài khăn đống, do đó tóc tôi cuộn tròn dấu phía trong. Nhận vai này không khó khăn, vì tôi là người nhắc tuồng nên đã thuộc làu vở kịch. Không biết tâm trạng anh Hải và nhỏ Ba ra sao chứ riêng tôi rất hồi hộp và rất run. Vừa bước ra sân khấu tôi đã nghe tiếng cười vang trời, có lẽ vì bộ râu anh vẽ cho tôi. Cũng may nhờ cặp mắt kiếng già của ông Ngoại anh nên tôi không thấy gì ở phía dưới sân khấu cả. Nhờ đó mà tôi lấy lại tinh thần và diễn xuất rất tự nhiên. Vở kịch thành công. Bạn bè đứa nào cũng khen ngợi. Miệng nhỏ Lưu oang oang: - Trời ơi tụi mày diễn vui quá, khó tánh như cô Hà Bích Loan mà còn cười chảy nước mắt. Anh Hải đưa ngón tay cái lên, chân mày nhương nhướng như có vẻ tự hào. Nhỏ Ba vỗ vai anh: - kỳ sau nhớ rủ tao đóng kịch nữa nghe mậy. Anh chấp hai tay để ngay ngực, cúi đầu: - Mô Phật tui sợ mấy bà quá. Sợ gì đi chơi vui thấy mồ. Vui thì vui nhưng hao quá thôi bye...bye...

Năm Đệ Tam, anh cùng các anh Mây Trắng, Đinh Thiên Phương, Hoàng Thy Linh, Đa Tạ lên nhà tôi đọc tập san Mạch Thở nhiều lần nhưng bây giờ tôi mới biết mặt các anh trong ban biên tập. Đó là một tập san viết bằng tay và chuyền cho các bạn yêu văn nghệ xem. Tôi thích mục "Mảnh vở và ngày tháng trầm lặng" Cá́i tựa nghe cũng dễ thương. Mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày ai laị không có những mảnh vụn suy tư để chia xẻ. Tôi rất vui khi được gia nhập vào nhóm Mạch Thở. Anh Hải thường lên nhà tôi một mình để khoe về những bài thơ mới hay nói về những dự tính trong tương lai. Nhiều người nói anh có tật xấu như nóng tánh, dễ nổi giận. Tôi chưa chứng kiến cảnh đó nên không biết; chỉ biết một điều là đôi lúc anh ngu ngơ như trẻ con. Dạo ấy, Tivi miền Nam hay chiếu phim câm Charlot vào trưa cuối tuần. Anh đến nhà tôi lúc mọi người xem phim, tất cả các cửa đều khép kín. Anh không gọi chỉ lặng lẽ mở một cánh cửa sổ đứng ôm song cửa sổ xem phim say sưa, đến những đoạn hấp dẫn anh vung tay cười thật dòn, cười nhiều đến nỗi tưởng chừng như ngộp thở. Khi phim chấm dứt anh mới chịu vào trong nhà. Cũng từ đó thằng em trai tôi đặt biệt hiệu cho anh là “Tắt thở”. Mỗi lần nhìn thấy dáng anh từ xa là nó đã kêu réo om sòm:

-Chị Cúc có anh "tắt thở" đến

Hình như năm Đệ Nhất anh Hải là trưởng ban báo chí trường Trung Học Ngô Quyền. Một đêm anh chạy lên nhà tôi: Cứu nguy! cứu nguy!...Cúc mau giúp anh. Số là báo trường sắp lên khuôn mà số trang bài viết chưa đủ. Anh nhờ tôi viết cho ṃột truyện ngắn. Cũng may đang lúc rảnh rang nên tôi sẵn sàng. Năm đó theo anh, báo chí phê bình báo Xuân Ngô Quyền: văn và thơ ủy mị, không được bình thường. Tuy nhiên anh rất vui, tay vỗ vào đùi và miệng cười ha hả bảo rằng nếu so với báo Xuân trường khác thì trường mình vẫn vượt xa.

Sau khi rời trường tôi ít gặp anh, họa hoằn lắm anh ghé lại một chút báo tin về những bài thơ anh được phổ nhạc hay cho xem bản thảo truyện ngắn anh viết. Lần cuối cùng, anh đến tặng tôi bản nhạc Em hiền như Masoeur có chữ ký của anh. Đọc bản nhạc này tôi liên tưởng đến cô bạn xinh xắn của tôi Phạm thị Thanh Thu. Phải chăng anh cũng đã từng xao xuyến trước ánh mắt và dáng dấp nhu mì của nhỏ?

Sau năm một chín bảy năm, tôi hoàn toàn không biết gì về anh Hải và nhóm Mạch Thở. Chế độ thay đổi, cuộc sống thay đổi. Mọi người ai cũng lo kiếm sống, khốn khó và suy tư nhiều hơn...Vài năm sau tôi nghe tin anh và gia đình vượt biên và đã được định cư an toàn tại Pháp. Tháng ba năm 1992, tôi sang Mỹ. Vài th́áng sau nhỏ Hồng từ Georgia gọi tôi vào lúc nửa ̣đêm: Ê, hay gì chưa? Nguyễn Hoàng Hải chết rồi...

Tôi mới tới Mỹ, nơi tôi ở không có người VN nhiều, báo chí không có nên tôi không biết gì cả. Hồng ở thành phố lớn, người Việt đông nên có tin gì nhỏ cũng cho tôi hay. Cả hai chúng tôi bùi ngùi cho anh -một người có nhiều đam mê - cuối cùng lại tự kết liễu đời mình bằng những viên thuốc an thần.

Năm 2005, trong lần nói chuyện với nhỏ Ba, nó đã hỏi tôi: - Có phải “Hải ròm” là NTN không?

Thì ra từ ngày lấy chồng nhỏ Ba ít liên lạc với bạn bè nên không biết. - Trời ơi tao mê thơ NTN mà không ngờ nó là NH Hải. Cuối cùng, nó cũng buông thòng một câu: -Không ngờ thằng đóng vai chồng tao lại vắn số như vậy.

Tháng 11-2007, tôi quyết định về thăm VN sau gần mười sáu năm xa cách. Chuyến về này có cả Hồng và Sáng. Dự định của chúng tôi là gặp lại Thày Cô, bạn bè. Nhân tiện Hồng có quen với vợ chồng anh Đinh Thiên Phương và Mây Trắng, tôi cũng muốn gặp lại các anh trong nhóm MT ngày xưa nên nhờ Hồng liên lạc mời các anh đến chung vui trong cuộc họp mặt thân tình. Trong thâm tâm tôi muốn gặp lại các anh trong nhóm MT nhắc nhở về những người bạn văn nghệ đã mất: Đa Tạ, Hoàng Thy Linh, và Nguyễn Tất Nhiên. Một người bạn của tôi ở San Jose đã cho tôi tin anh Hoàng Thy Linh đã qua đời -không ngờ đó là tin thất thiệt- vì vậy buổi họp mặt không có anh Linh. Càng ân hận hơn là tôi không có cơ hội để trò chuyện với anh về chuyện ngày xưa như dự định.

 Để giữ lời hứa với anh LSĐắt-hội trưởng hội Ái hữu BH, tôi đã viết về anh Nguyễn Tất Nhiên, về những kỹ niệm một thời làm văn nghệ dưới mái trường thân thương TH Công Lập Ngô Quyền. Bài viết như một nén nhang tưởng niệm người đã khuất. Ở môt nơi bình an nào đó, tôi tin rằng anh đang mĩm cười. Không phải nụ cười khinh bạc, ngạo mạn mà là nụ cười hồn nhiên, vô tư của tuổi học trò...

 THY LỆ TRANG NGUYỄN THỊ CÚC

 MASSACHUSETTS

 

 

 

 

17 Tháng Sáu 2023(Xem: 2887)
Việc gắn bó gần gũi với chợ LB ngay từ hồi niên thiếu đã cho tôi một miền ký ức ngọt ngào khó quên dù đã nhiều năm sống xa quê hương.
15 Tháng Sáu 2023(Xem: 3031)
Bây giờ dù đã bước đến buổi hoàng hôn của cuộc đời ta vẫn ước ao có phép mầu nào đưa ta đi ngược thời gian trở về tuổi học trò mơ mộng
11 Tháng Sáu 2023(Xem: 2909)
Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết làm sao Ông có đủ thì giờ và sức khỏe để hoàn thiện tất cả mọi chuyện, mọi vai trò từ trong gia đình ra đến xã hội.
11 Tháng Sáu 2023(Xem: 2941)
“Người con gái phi thường” đó là cô Nguyễn Thị Oanh, một người con gái 27 tuổi, cao 1 thước 50, nặng 45 kí. Tuy trước đó cô đã 8 lần đoạt huy chương trong nhiều lần tranh giải SEA Games
10 Tháng Sáu 2023(Xem: 3768)
Năm nay ban Tân Chấp Hành Ngô Quyền đứng ra đảm nhiệm tổ chức. Kính mong được sự hổ trợ tích cực của Thầy Cô và tập thể Cựu học sinh NQ chúng ta,
09 Tháng Sáu 2023(Xem: 3053)
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ cho chúng ta một bài học: đó là bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người chiến thắng quân tử của thời hậu chiến.
09 Tháng Sáu 2023(Xem: 2935)
Dãy phố Tây 5 căn tọa lạc tại trung tâm đường THĐ Biên Hòa (BH) trước 1975, đối diện với chợ Lò Bò gồm 5 căn nhà liền kề (số nhà 38-40-42-44-46).
22 Tháng Năm 2023(Xem: 2957)
Xin chúc mừng ngày lễ vàng của anh chị Minh & Hoa. Chúc mừng những cặp tình nhân đã cùng bên nhau sắc son bền vững 50 năm, 60 năm, 70 năm. Xin ơn trên giúp đỡ và chúc phúc cho họ.
19 Tháng Năm 2023(Xem: 3039)
chúc mừng gia đình anh cựu học sinh khóa 6 Trần Văn Việt.” Lớp hưng phế xô nghiêng từng triều đại “nhưng chúng ta còn có những mầm xanh.
17 Tháng Năm 2023(Xem: 2429)
Sau cái ngày nghiệt ngã của tháng tư 1975 Đồi Cù đã bị nhốt trong vòng kẽm gai gần bốn thập niên, nay người ta đã mang ra hành quyết.
15 Tháng Năm 2023(Xem: 2813)
Con của má sẽ là một bà mẹ hiền, một bà nội, bà ngoại dễ thương của các cháu. Má là bài thơ tuyệt vời con đọc hoài mà vẫn thấy hay, là cuốn sách học làm người con học mãi không xong.
14 Tháng Năm 2023(Xem: 6388)
Để rồi 48 năm sau cũng vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 2023 tại San Diego, tôi mất Mẹ. Tôi đang nhớ Mẹ, nhớ thật nhiều… Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ… (*)
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2763)
Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân, con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị. Như vậy con sông đời chị thật thoải mái hòa nhập vào hư không để giữ lại niềm vui và một nụ cười.
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2667)
Tọa lạc gần thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, tòa nhà Thư Viện một tẩng, khiêm tốn nằm giữa một khu rừng tươi xanh, mát mắt.
08 Tháng Năm 2023(Xem: 2489)
Tôi vẽ lại những ước muốn cho tương lai của chúng tôi : được sống trên một đất nưóc tự do, được đi học thành tài, đi làm và sẽ có những đứa con xinh xắn . . .
30 Tháng Tư 2023(Xem: 3096)
Ngày 21/4/2023, Ban Giám khảo “Cino-Del-Duca” công bố quyết định trao tặng giải năm nay cho bà Dương Thu Hương nhằm “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc,
28 Tháng Tư 2023(Xem: 2914)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ khi hy sinh cho người mình yêu thương.
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3479)
Như đồng cảm với chúng tôi, ngày 30 tháng 4 hàng năm, giữa mùa Xuân ở Mỹ, mà trời vẫn đầy mây xám. Và nỗi đau năm xưa vẫn nhói lên ngút ngàn, chất ngất.....
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2537)
Câu chuyện vượt biên, đến trại tỵ nạn, qua bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ kể lại. Những tưởng là ký ức đa vùi sâu dưới lớp bụi mờ, bỗng trở về trong tháng 4 như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2955)
. Ngày ngày anh Sáu xách cái ba lô tiền sử đó theo các chị bên công đoàn vận động các gia đình công nhân trong kế hoạch. "MỘT GIA ĐÌNH CHỈ ĐƯỢC CÓ HAI CON."