Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - MỪNG NĂM TÂN SỬU

13 Tháng Hai 20217:31 CH(Xem: 9193)
Nguyễn Thị Thêm - MỪNG NĂM TÂN SỬU
Mừng Năm Tân Sửu Tựa




Sáng mồng một Tết Tân Sửu 2021 miền Nam Cali nắng lên rất đẹp.

Lộc biếc Mai vàng Xuân Hạnh Phúc
Thân khỏe Tâm bình Tết Khang An.

Một năm biến cố đã qua. Một năm Canh Tý đầy bệnh tật và bẩn thỉu đã đem thế giới vào một thảm họa chưa từng có đã sang trang. Những gì của đau buồn xin hãy lui vào quá khứ.

Năm nay là năm con trâu, một con vật hiền lành chăm chỉ và cần mẫn. Con trâu là con vật cần thiết cho xã hội nông nghiệp của nước ta ngày xưa. Bây giờ máy móc, robot đã thay thế con trâu và con người trên mọi hoạt động về nông nghiệp hay công nghệ. Ngày xưa:

Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa

Ngày nay trên những cánh đồng thênh thang, máy cày chạy bình bịch, máy bừa đất, gieo hạt chạy liên tục. Bao nhiêu công đoạn chỉ cần một anh tài xế điều khiển thay thế biết bao nhiêu người. Nền công nghiệp đã đem lại lợi tức kinh tế rất lớn nhưng cũng làm cho thôn quê mất đi không khí êm ả, thanh bình, nên thơ của những ngày xưa cũ. Máy móc đã đẩy thanh niên lao động lên thành phố tìm cơ hội, ra nước ngoài theo dạng xuất khẩu lao động. Thôn trang làng mạc thu hẹp dần để đất đai biến thành những khu nghỉ dưỡng, những resort đắt tiền, những sân chơi golf sang trọng hay những khu sinh thái hấp dẫn khách du lịch.

Đêm trăng thanh gió mát không còn nhịp chày khuya giã gạo như bài hát "Gạo Trắng Trăng Thanh" của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Đôi song ca Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết hát thật nhịp nhàng đi vào lòng người.

Trong đêm trăng, tiếng chày khua.

Ta hát vang trong đêm trường mênh mang

Ai đang say, chày buông rơi

Nghe tiếng vơi tiếng đầy

Theo thời gian yêu thích và phổ biến rộng rãi, người dân miền Nam đã cải biên hát thay lời chọc ghẹo cho vui.

Ai đang đi, trên cầu Bông

Té xuống sông ướt cái quần nylon

Dzô đây em, dù trời phia

Anh sẽ đưa em dzìa. Anh sẽ đưa em dzìa.

 

Con trâu hiền lành và đem lại lợi cho người nông dân. Làm việc nhiều, bị đánh đập nhưng chỉ ăn cỏ hoặc rơm khô. Đã vậy phải nằm nhai lại mới tiêu hóa. Quả thật là cái số KHỔ NHƯ TRÂU.

Tôi lại nhớ đến con trâu Bầu của tôi chăn hồi năm 1975. Lúc đó tôi bị chính quyền mới tịch thu giấy tờ thuyên chuyển dạy học từ Ty Giáo Dục Đà Nẵng về Ty Giáo Dục Quảng Trị. Nhưng sau khi cho tôi đi học tập Giáo Dục 3 tháng ở Đông Hà để về dạy lại. Vị chủ tịch xã tịch thu hết giấy tờ dạy học, trả quyền công dân và cho tôi được nha nhập vào Hợp Tác Xã Nông Nghiệp xã Hải Tân Hải Lăng Quảng Trị. Tôi từ một người ngụy quyền được khoan hồng làm một xã viên lao động của đội 11 chế độ XHCNVN. Tôi đã mất dạy bắt đầu từ ngày ấy.

Ngay buổi họp đầu tiên tôi đã được phân công giữ con trâu Bầu của hợp tác. Buổi sáng đến chuồng dẫn con trâu Bầu ra đồng ăn cỏ. Trưa cho trâu mẹp (là đi tắm) rồi dẫn về chuồng. Sau đó đi cắt một triêng (gánh) cỏ đem về để tối cho trâu ăn. Buổi sáng hôm sau đội trưởng sẽ đến chuồng kiểm tra xem trâu đã no chưa, cỏ ăn hết hay còn thừa lại vì trâu chê. Điểm lao động hôm đó sẽ được đội trưởng xét và chấm công. Mẹ chồng tôi khi nghe tin, bà nghiến chặt hai hàm răng đen, mắt bà long lên rồi từ từ dịu lại. Bà nhìn tôi thương cảm:

- Răng mà thảm thư ri nè trời. Thôi mi gắng chịu đựng. Mạ cũng không biết phải mần răng bây chừ.

 Tôi còn nhớ sáng hôm đó tôi tự nhủ mình phải bình tĩnh đối phó với mọi trở ngại. Tôi nai nịt ngon lành, khoác chiếc áo lính của chồng, đội nón lá, một bi đông nước, một nắm cơm ép mo cau với ít muối mè tôi đi tới chuồng trâu. Tưởng mình có thể trấn an nỗi sợ. Nhưng không, hai sừng của con trâu như khiêu khích. Hai mắt nó nhìn tôi như hăm he:

- Giỏi vào đây! Ta sẵn sàng húc nhà ngươi văng lên trần nhà.

Đứng một hồi chịu trận, tôi đành chạy vào nhà ông đội trưởng nhờ ông lôi con trâu ra dùm. Ông thấy tôi dân Sài gòn cả đời không chộ con trâu nên cũng tội nghiệp. Ông vào chuồng cột dây và lôi con trâu ra, đưa tận tay tôi còn run run không dám nắm:

- O đừng sợ, không răng mô, hén hiền lắm.

Con trâu dắt tôi đi ra đồng và nó gặm cỏ. Cỏ không nhiều và nó cứ tự nhiên dùng bữa. Thay vì cứ để mặc nó ăn, tôi sợ nó đi mất nên cứ nắm sợi dây đi theo. Trời nắng chang chang. Tôi say nắng muốn ngất ngư.

Xế trưa, một đoàn trâu lũ lượt đi về hướng làng, con Bầu lôi tôi đi theo. Tới bến sông, nó chạy nhanh xuống nước. Sợ té tôi buông dây và con trâu theo bầy nằm dầm mình xuống. Nước đục ngầu và khúc sông trở nên rộn ràng. Một lúc sau, tôi chỉ thấy những sừng trâu và bọt bong bóng không khí phì phì bay lên. Quá mệt và bất ngờ, tôi đi lên bờ sông, dựa vào một gốc cây ven đường tôi đem cơm ra ăn. Mắt tôi đăm đăm nhìn xuống sông cố tìm cái sừng con trâu đội.  Bây giờ dưới sông, có trời mà biết con trâu nào mình chăn dù chúng đã đưa cả cái đầu lên khỏi mặt nước. Chết toi rồi, tôi phải làm sao đây. Gói phần cơm dở dang lại, tôi lại một lần nữa làm phiền ôn đội trưởng. May chỉ có một mình tôi ngờ nghệch chứ xã viên nào cũng như tôi chắc ổng từ chức. Ôn nhìn tôi vừa bực và tức cười.

- Răng O không biết con mô là trâu đội mền. Rứa ngày mai O lấy vôi trét lên lưng nó làm dấu là nhìn ra ngay

- Mai rồi tính, giờ Ôn ra dắt trâu con lên dùm đi, con còn phải cắt một gánh cỏ buổi chiều nữa.

Nhìn cái dáng lo lắng của tôi, ôn cũng tội nghiệp nên đi theo tôi tới bờ sông. Giờ này một số trâu đã về chuồng, ôn lội xuống sông và dắt con Bầu lên giao sợi dây vào tay tôi. Tôi vừa giận mình vừa mắc cỡ vì làm phiền người khác. Trên đường về chuồng đội, tôi hỏi ông làm thế nào để bảo trâu đi, trâu đứng... Bài học chăn trâu bây giờ tôi mới vỡ lòng.

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ.

Nhận đôi triêng gióng và cái liềm từ sân đội, tôi quảy gánh ra đồng. Sau 1975, tôi về đây mới gia nhập hợp tác xã, tôi không rành tên ruộng, tên xóm nên dù ông đội có nói tên tôi cũng mù tịt. Ra tới đồng, những ô ruộng được chia cắt bởi những bờ đất bao quanh, cỏ mọc xanh rì. Tôi cứ men theo bờ ruộng và cắt cỏ. Gai mắc cỡ đâm vào tay chảy máu, nhưng mặc kệ, miễn đầy gánh cỏ về giao nộp.

Đương nhiên là cỏ tôi cắt con Bầu chê dở chê gai. Nó thích loại cao cấp vừa khẩu vị. Loại cỏ tạp này nó chả thèm, thà nhịn đói cho tôi biết mặt. Kết quả hôm đó tôi có điểm hay rất ít tượng trưng. Dù một ngày tôi cật lực làm hết sức mình.

Con trâu gắn bó với tôi từ những ngày đầu đời xuống cấp. Nó để lại cho tôi nhiều hồi ức và một cái tên "Tiến sĩ châu trăn" do bạn bè tặng dù tôi chỉ là tiến sĩ giấy lộn.

Cám ơn con trâu Bầu của đội 11 đã cho tôi những kỷ niệm để đời và trưởng thành trong lao động. Tôi đã thương thật lòng khi nhìn vào đôi mắt thật đẹp và hiền của nó. Đôi mắt như chia sẻ và cảm thông. Khi tôi bảo nó đứng lại hay đi, nó ngoan ngoãn vâng lời. Khi xuống sông mẹp, không cần tôi lội xuống (mà tôi đâu dám xuống nước vì tôi không biết lội) nó từ từ đi lên và dừng lại trên bờ cho tôi dẫn đi về. Tôi đã học được loại cỏ nào trâu thích ăn và cắt ở chỗ nào. Tôi coi nó như bạn vì trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời tôi đã nhờ ánh mắt hiền từ của nó tạo niềm vui trong lao động. Khi nó yên bình ăn cỏ, tôi có thể thưởng thức cảnh đẹp trong một trạng thái thiền vị an bình. Tôi đã soi rọi bản thân mình để biết phải sống thế nào để vươn lên từ nghịch cảnh.

Tôi đã biết quý từng củ sắn quê nghèo khi đói lòng sau giờ lao động vất vả. Tôi đã cảm động muốn rơi nước mắt  nhận ly nước vối và củ khoai lang luộc từ tay người dì chồng già yếu ở phường xa, khi dừng chân nghỉ mệt trước nhà dì. Một ngày lặn lội trên rừng chặt tre cho đội, hai tay phồng to chảy máu khi kéo những dây mây. Con đường đi bộ từng trên núi về nhà xa thăm thẳm, ai cũng làm một gánh củi để chạy cho mau. Tôi cũng vậy, gánh củi như là một phương tiện. Ôi cái phương tiện phải dùng hết sức chạy bằng đôi chân thoăn thoắt trên đường đi và cả đường đời. Nơi dừng nghỉ chân với ly nước thâm tình quả thật “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Kỷ niệm tôi nhớ nhất là sau 10 ngày tôi đạp nước ruộng sâu về nhà được mẹ chồng nấu cho nồi cháo gà gọi là bồi dưỡng. Bạn có biết không, con gà mái đang đẻ trứng, tài sản hiếm hoi của gia đình mà mẹ chồng dám làm thịt nấu cháo cho con dâu ăn. Bà nhìn tôi với đôi mắt rưng rưng:

- Tội nghiệp mi, ôn mệ ngoại đâu có ngờ con gái phải cực khổ như ri.

Ôi! Mẹ chồng tôi, nuốt nước mắt vào lòng, vất vả lo cho con trai, con dâu và cháu nội. Mẹ chồng tôi mất ngày 30 Tết tại Mỹ. Bà là người tôi vừa sợ, vừa yêu thương, kính trọng.

Ngày tôi được giấy phép về miền Nam thăm gia đình. Tôi đã ra chuồng chia tay với con trâu Bầu. Nó là người bạn câm nín nhưng thân thiết nhất của tôi ở đây. Sau này, khi tôi đã trốn về ở hẳn trong Nam người trong đội 11 đã gọi nó là "Con trâu Bầu của mụ Thêm". Thật là vinh dự cho tôi.

Năm nay là năm Tân Sửu. Con trâu hiền lành nhận nhiệm vụ sau khi con chuột Canh Tý " Hit and run". Nó để lại vô vàn tai ương cho dân chúng từ sức khỏe, kinh tế, chính trị và lòng tin. Con trâu sẽ làm được gì cho nhân loại. Điều đó hạ hồi phân giải. Chỉ biết là thuốc chích ngừa đã được phân phối trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Dầu số người được chích chưa đạt được tỉ lệ đáng kể. Nhưng dù sao "Hy vọng đã vươn lên trong lòng anh, trong lòng tôi và mọi người".

Tôi may mắn đã được chích ngừa hai đợt xong. Loại thuốc Pfizer. Loại này chỉ cách 3 tuần sau lần chích thứ nhất trong khi loại Moderna phải cách nhau 4 tuần. Nói chung chích lần đầu, chỗ chích nhức liền sau vài tiếng và kéo dài cả tuần, nhưng không làm cơ thể phản ứng nhiều. Tôi rất bình thường ở đợt một. Đợt hai chích nhẹ nhàng không đau và cũng không nhức gì ở chỗ chích cho đến 4 hay 5 giờ đồng hồ sau đó. Riêng cơ thể sẽ có phản ứng trong vòng 48 tiếng tùy thể trạng mỗi người. Riêng tôi tôi cảm thấy mình như bị cảm cúm. Lạnh ở xương sống, người uể oải mệt mỏi, không muốn ăn và ngủ vùi. Sau khi ngủ một giấc no nê, mồ hôi tươm ra tôi tỉnh hẳn như vừa hết cảm. Tôi tắm rửa, ăn thật ngon và trở lại bình thường. Chỉ có chỗ chích là còn đau đau khi đè vào.

Cho nên các bạn đừng sợ. Cứ lấy hẹn và đi chích ngừa. Những phản ứng của cơ thể là bình thường để chống lại Coronavirus. Mong là chúng ta đều được thoát qua cơn đại dịch này một cách bình yên.

Mồng Một Tết tôi và gia đình đi chùa lạy Phật. Chùa ngày Tết mùa dịch bệnh không ồn ào náo nhiệt như các năm. Trên chánh điện hoa tươi rực rỡ, trái cây tinh tươm chất thật khéo léo. Đức Thích Ca Mâu Ni từ ái an bình. Tôi đảnh lễ Như Lai ba lạy và thành tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.Tôi đốt hương ở bàn thờ vong và ông xã. Nguyện hương linh anh được siêu thoát bình an ở cõi vô cùng. Phật tử quanh vùng lai rai cùng con cháu đi chùa đầu năm. Cúi chào nhau niệm hai chữ Mô Phật nghe tâm mình thân ái và vui trong hương xuân bất tận của thiên nhiên. Những cành đào nở rực rỡ quanh chùa mỗi năm một lần đón Tết. Tiếng chuông ngân nga lan tỏa trên không trung đánh thức những sân si tạm thời dừng lại. Những vị La Hán ngồi, đứng, bắt ấn... bên cạnh những chậu bonsai xung quanh chùa như bảo tôi tâm phải tịnh, lòng phải thành phiền não phải dứt.

Chúc Mừng Năm Mới đến tất cả những người tôi yêu kính.

Kính chúc Tết Thầy Cô. Những người đã cho con chữ nghĩa, kiến thức, nghị lực và đạo đức sống ở đời. Nguyện xin ơn trên gia hộ cho các Thầy Cô dồi dào sức khỏe, bình an và hạnh phúc bên con cháu. Mong các Thầy Cô đều được chích ngừa xong trong tháng hai này.

Xuân AN KHANG, ĐỨC NHƯ ĐÔNG HẢI
Năm HẠNH PHÚC, PHÚC THỌ VÔ BIÊN

Kính chúc Tết đến các bậc trưởng thượng anh chị chung trường ngày xưa. Những vị đàn anh, đàn chị trên văn đàn. Kính chúc một năm thật nhiều an lạc, mạnh khỏe và sáng tác hăng say.

Xuân đến thảo vần thơ chúc Tết
Tết về họa bút thiệp mừng Xuân

Chúc Mừng Năm Mới đến với bạn bè thân hữu gần xa. Chúc chúng ta mãi mãi là bạn tốt, chia sẻ buồn vui, giúp đỡ nhau nhiệt tình khi có thể. Sức khỏe và bình an đến với mọi người, mọi nhà.

Hương Xuân dào dạt tình thân hữu
Ý Tết rạng ngời nghĩa đệ huynh

Cuối cùng xin chúc mừng Xuân mới đến với gia đình. Cám ơn những thương yêu, giúp đỡ cũng như niềm vui mà gia đình đem đến cho tôi trong những ngày tháng dài phải bó gối ngồi nhà vì Covid 19. Cám ơn các con luôn hiếu thảo và yêu quý mẹ. Cám ơn những hình ảnh đón Tết rất thiêng liêng mà các con dù ở xa vẫn giữ gìn phong tục VN. Nhìn các con, cháu đều mặc áo dài trân trọng chúc Tết mẹ trên Facetime làm mẹ cảm động và an ủi lắm. Tin chắc Ba ở trên cao cũng vui. Hãy làm tốt nhiệm vụ của mình và dù thế nào chăng nữa hãy tự hào mình là người Việt Nam các con nhé.

Đất nước Tự Do Xuân Hạnh Phúc
Gia đình Hòa Thuận Phước Đoàn Viên.

Nguyện thế giới Hòa bình, chúng sinh An lạc. Kính chúc mọi người, mọi nhà một năm Tân Sửu Bình an Hạnh phúc.

                                                                            Nguyễn thị Thêm.

 

 

 

23 Tháng Ba 2009(Xem: 71745)
Vẫy tay chào hang yên chi hoa đỏ Chào khuôn sân đá cuội trắng rì rào Chào hàng sao chim tụ về làm tổ Chào tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71860)
Về lại Biên Hòa thăm con đường xưa Dốc học trò vẫn mang tên Kỷ Niệm
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71464)
Vẫn là mưa nghiêng nghiêng giăng trắng Trên hàng cây bãi cỏ sân trường Sao không giống ngày xưa sâu lắng Chiều tan trường bè bạn thân thương
23 Tháng Ba 2009(Xem: 68931)
Biên Hòa em vẫn thương hoài Ngô Quyền ngày trước, áo dài màu xanh.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71439)
Nếu một mai tôi chết, Xin đừng khóc cho tôi. Đường đời chia đôi ngả, Hãy chôn tình phai phôi.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71208)
Saigon ơi, xa rồi ta vẫn nhớ Những chiều xưa hai đứa lén hẹn hò!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 70984)
Lưu bút ngày xưa kỷ niệm đầy, Tình thân bạn cũ hãy còn đây! Ngây ngô ghi vội đôi dòng chữ Đầy ấp yêu thương mỗi phút giây.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 70682)
ôi, mùa hè tuổi nhỏ hóa thân giữa màu hoa ôi, mùa hè êm ả phục sinh từ đôi ta!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 32284)
  Trong tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Ðạt, tác giả đã kể lại một chuyến về Việt Nam vào năm 1998, đặc biệt là ở vùng đất Biên Hòa, quê vợ của anh. Sau đây là trích đoạn tác giả về thăm một nơi chốn đã khiến anh bồi hồi với bao cảm xúc, đó là trường Ngô Quyền của vợ anh cũng như của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, người viết những bài thơ tình bất hủ mà anh yêu thích từ lâu.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 79657)
  ( Kính tặng Thầy Toán Nguyễn Văn Phố)
24 Tháng Hai 2009(Xem: 71658)
  Nay đất khách quê ngưòi: Thân biệt xứ. Áo công khanh rách nát giữ trong tim. Chút hương xưa là chút lửa êm đềm, Dùng sưởi ấm niềm riêng, chờ Hội lớn.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 35045)
  Rời Sài Gòn tháng Tư năm 75. Đến Mỹ, Thượng Châu hợp tác với nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ tên Hồn Việt, do nữ ca sĩ Khánh Ly làm chủ nhiệm. Sau đó, hội nhập đời sống Mỹ, đi làm việc ở SanDiego đã được 28 năm và sắp về hưu. Lâu lắm, không viết lách gì, nhưng bây giờ với tiếng gọi trường cũ Ngô Quyền, Thượng Châu rất sẵn sàng và vui vẻ đóng góp
20 Tháng Hai 2009(Xem: 80897)
Ba mươi năm chờ đợi Hoa tàn, trăng tận, sông quằn mình trăn trở Ba mươi năm nhớ mong Lá héo, sao mờ, biển cồn cào dậy sóng
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75871)
  Đứng trước biển mùa Đông thêm cô quạnh Cánh hải âu đơn lẻ chập chờn bay Hải đăng xa nhạt nhòa trong sương lạnh Đá chập chùng, mong mỏi đợi chờ ai  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75789)
  Nhớ sao cứ nhớ quắt quay Ngô Quyền bạn cũ giờ đây ai còn?                  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75583)
Một chút mây trời, để nhớ thương, Bay qua thật nhẹ, trước cổng trường.  
16 Tháng Hai 2009(Xem: 75325)
Tặng Mai Trọng Ngãi, Đinh Hoàng Vân, Tiêu Hồng Phước, Tô Anh Tuấn và Phan Kim Phẩm.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 23909)
Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 37512)
... và như thế, Ngô Quyền hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là tổ ấm của chúng ta miên viễn, đời đời...
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90079)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 38908)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 87207)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 34874)
  Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 74552)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39179)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 40517)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 82507)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh
04 Tháng Hai 2009(Xem: 46752)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.