Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - NĂM CUỐI DƯỚI MÁI TRƯỜNG QUỐC HỌC

18 Tháng Mười 202011:00 CH(Xem: 12065)
GS. Lê Quý Thể - NĂM CUỐI DƯỚI MÁI TRƯỜNG QUỐC HỌC


Năm cuối dưới mái trường Quốc Học

image001

Vào cuối mùa hè năm 1955, cả hai gia đình anh và chị tôi đều đổi ra Huế. Tuy đã đậu bằng brevet chương trình Pháp nhưng trường công không cho phép nhảy lớp nên tôi bắt đầu vào học lớp đệ tứ (lớp 9) trường trung học Khải Định. Năm sau một buổi lễ long trọng được tổng thống chủ tọa đã được tổ chức để đổi tên trường Khải Định thành trường Quốc Học. Khác với trong Nam, bốn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngải chỉ có hai trường trung học đệ nhị cấp là Quốc Học và Đồng Khánh và chỉ có trường Quốc Học có lớp đệ nhất. Nếu so sánh về trường sở thì cả hai trường Pétrus Ký Saigòn và Quốc Học Huế đều quá lớn, quá đẹp. Cả hai cổng trường đều rất uy nghiêm và học sinh chỉ được phép ra vào bằng cổng phụ mà thôi.

Vì đã học qua chương trình tương đương nên trình độ học vấn của tôi kể từ năm đó trở đi đã vượt trội hẳn lên. Tôi học trường Quốc Học bốn năm với quá nhiều kỷ niệm. Tôi đã được sống qua giai đoạn hạnh phúc nhất của đời người ở tuổi mười mấy tại một thành phố mà quá nhiều văn nhân thi sĩ đã không tiếc lời ca tụng. Nhưng tôi chỉ xin ghi lại đây những kỷ niệm về học vấn của năm cuối cũng là năm đáng ghi nhớ nhất của tuổi học trò của tôi.

Sau khi thi đậu bằng tú tài một, tôi học lớp đệ nhất để chuẩn bị thi bằng tú tài hai. Ở năm cuối nầy các môn học thì quá nhiều nhưng hai môn chính của ban B là Toán và Lý Hóa. Thầy Bùi Ngoạn Lạc dạy hình học, thầy Châu Trọng Ngô dạy đại số, lượng giác và cả hai thầy dạy thêm những môn phụ khác là số học, thiên văn và hình học có số. Thầy Tôn Thất Tắc dạy lý hóa. Cả ba thầy đểu là người Huế ở tuổi trung niên, dạy rất giỏi, được học sinh kính mến và các thầy có rất nhiều uy tín trong ban giáo sư.

Cũng như mọi năm, năm nay tôi được bạn trong lớp tín nhiệm bầu làm trưởng lớp. Mỗi ngày tôi phải lên văn phòng lấy sổ điểm, lấy phấn, cuối ngày phải đem trả. Về phòng học phải chùi bảng, tôi làm việc rất chăm chỉ. Nhiều đứa học sinh ở lớp khác cho tôi bợ đít thầy. Tôi nghe nhưng không giận vì suốt đời tôi tôi không bao giờ nịnh hót bợ đỡ ai. Ngoài ra tôi còn phải cộng điểm hàng tháng, điểm hai lục cá nguyệt và điểm cuối năm. Bây giờ nhớ lại tôi cũng hơi ngạc nhiên, mình được thầy và bạn công nhận là học giỏi mà cộng điểm không bao giờ được đứng hạng nhất. Nhất là năm cuối, lớp tôi được các thầy cho là lớp giỏi nhất trường, đứa đứng nhất lớp thế nào cũng được giải thưởng đặc biệt của tổng thống. Năm đó tôi cũng chỉ đứng hạng nhì. Đúng vậy, đứa đứng đầu lớp tôi nhận giải thưởng đặc biệt của tổng thống, giải thưởng vinh dự nhất của cả cuộc đời học sinh.

 

Vài hôm sau tôi đi qua phòng họp của giáo sư, tôi thấy tên tôi trên bảng kèm theo một số phiếu cao nhất. Tôi không biết là chuyện gì thì thầy Châu Trọng Ngô sau đó cho tôi biết tôi là học sinh xứng đáng nhất được chọn để nhận giải thưởng đặc biệt của cựu học sinh trường Quốc Học mà trước đó có tên là trường trung học Khải Định. Trường Khải Định là trường đào tạo nhiều nhân tài cho cả hai miền Nam Bắc Việt Nam mà tổng thống đương nhiệm là một.

Như vậy sự chăm chỉ học hành, sự siêng năng làm công tác xã hội, sự thật thà ngay thẳng của tôi đã được thưởng một cách rất vinh dự. Thầy Ngô còn cho tôi biết giá trị giải thưởng của tôi là hai ngàn đồng và hỏi tôi muốn mua gì. Tôi nói tôi muốn học về ngành lý hóa. Thầy Ngô phải nhờ tiệm sách Khai Trí ở Saigòn đặt mua một bộ sách vật lý gồm ba cuốn xuất bản bên Pháp. Đó là bộ sách vật lý độc nhất thời bấy giờ bằng tiếng Pháp mà sau này các giáo sư đại học đều dùng nó để giảng dạy (sau 75 tôi để bộ sách quí nầy lại cho chú ve chai). Hôm phát gỉải thưởng, bạn tôi được gọi tên đầu tiên lên nhận giải thưởng đặc biệt của tổng thống, tôi đứng hạng nhì trong lớp được gọi kế tiếp lên nhận giải thưởng đặc biệt của cựu học sinh trường Quốc học Huế. Hai giải thưởng cao cả thước, nhìn giải thưởng của bạn tôi tôi lẩm bẩm: “giải thưởng của mày toàn là tự điển còn giải thưởng của tao mới thật sự có giá trị”. Cũng cần nói thêm anh bạn này về sau là giám đốc một bộ phận của công ty điện lực Việt Nam và chúng tôi cũng thường liên lạc với nhau, nhất là sau năm 1975 để dò la những mối vượt biên.

***

Sau khi nhận giải thưởng thời gian còn lại hơn một tháng để chuẩn bị thi tú tài hai. Đó là tháng cực khổ nhất trong cuộc đời học vấn  của tôi. Vì là năm cuối của trung học, tôi ý thức được rằng thi đậu bằng tú tài là chuyện dễ còn thi tuyển vào các trường chuyên khoa là rất khó nên tôi cố gắng chăm chỉ học hành mà không lơ là như những năm trước.

 

Năm nay gia đình chị Năm tôi thuyên chuyển vào Saigòn nên tôi ở lại với gia đình anh hai tôi để học hết trung học. Gia đình anh tôi ở trên lầu của ty ngân khố. Tòa nhà ngân khố này rất lớn, được Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và qua thời chinh chiến đã được sửa sang tu bổ nhiều lần. Gia đình anh tôi ở ba phòng bên trái, rồi đến một phòng rất rộng dành cho khách từ Sàigòn đi công tác tạm ngủ, tôi ở một phòng nhỏ bên phải. Ba phòng bên trái liền nhau, trước là phòng khách, sau là đường đi rất rộng.

 

Tháng cuối, vì ban ngày không đi học nên ban đêm tôi thức rất khuya. Khoảng một hai giờ khuya tôi hay đi từ phòng tôi qua phòng dành cho khách đến hai phòng giữa mà các cháu tôi nằm ngủ để pha cà phê uống cho đỡ buồn ngủ. Một đêm khi đi qua phòng các cháu lớn, tôi thấy rất rõ một bà già áo trắng quần trắng, xõa tóc dài đứng trước giường ngủ của các cháu tôi. Tôi quay đi rồi quay lại liền thì không thấy gì nữa. Tôi đi một vòng qua các phòng, tôi không gặp ai, mọi người đều ngủ kỹ. Lúc đó tôi mới bắt đầu sợ, vội vàng quay về phòng tôi. Từ đó không dám nửa đêm qua phòng gia đình anh tôi nữa.

 

Những tháng trước vì ngủ sớm nên tôi không nhận ra, tháng này thức khuya nên tôi nhận ra một điều mà tôi nhớ mãi, đó là âm thanh quét đường. Âm thanh đó trong đêm khuya có một cái gì rất đặc biệt mà tôi không đủ khả năng để diễn tả nó. Âm thanh rất đều đặn, khi nó vang lên là đúng bốn giờ sáng. Âm thanh đó từ xa vọng lại, tiến lại gần hơn rồi từ từ ra xa và cuối cùng im bặt.

 

***

Rồi ngày thi cũng đến, tôi đã chuẩn bị đầy đủ và rất tự tin. Nói vậy nhưng thật sự tôi cũng lo lắng lấm và tin dị đoan, không dám ăn chuối trọn tháng cuối đó vì ăn chuối sợ bị trượt vỏ chuối.

 

Kỳ thi tú tài hai ở Huế năm 1959 đáng được ghi nhớ. Đại học Huế năm thứ hai cần nhiều sinh viên nên chính linh mục viện trưởng Cao Văn Luận làm chánh chủ khảo cho khóa thi năm đó. Giám khảo ban B đều là giáo sư ở Saigòn ra,  họ chống lại áp lực của linh mục chánh chủ khảo. Bốn lớp ban B của trường Quốc học cộng thêm một số ít thí sinh trường tư, tổng cộng có khoảng trên 200 thí sinh ban B. Kết quả thi viết chỉ có 81 thí sinh được vào vấn đáp, chưa tới 50 phần trăm. Giám khảo Saigòn vẫn chưa thỏa mãn. Vào vấn đáp giáo sư toán hỏi rất dễ nhưng toàn là phần phụ của môn toán. Giáo sư và học sinh trong năm chỉ chú trọng vào hình học, đại số, lượng giác, rất ít chú ý đến thiên văn, số học, hình học có số. Giám khảo Saigòn chỉ hỏi hai môn thiên văn và số học. Tôi nhớ câu hỏi của tôi là môn thiên văn, tìm hệ thức giữa các chu kỳ mặt trời, quả đất và mặt trăng. Tôi ấm ớ một lúc mới viết ra được hệ thức giữa các chu kỳ. Một anh bạn tôi học khác lớp rất giỏi về toán, anh thi môn toán và đứng hạng nhì toàn quốc. Câu hỏi của anh là môn số học. Anh hoàn toàn không trả lời được gì, nghĩa là anh bị số không về môn toán. Bị số không một môn là bị đánh hỏng. Lúc tuyên bố kết quả cuối cùng chỉ có 37 thí sinh ban B đậu tú tài hai khóa một năm đó, nghĩa là chưa tới 20 phần trăm. Trong danh sách thi đậu có tên tôi và tên anh bạn tôi. Sau này nghe tin chính linh mục chánh chủ khảo đã xin vị giám khảo toán cho anh bạn tôi nửa điểm để khỏi bị loại. Cần nói thêm anh bạn tôi sau này là giáo sư toán tại các trường đại học ở Paris, Pháp. Cũng cần nói thêm nữa người đậu đầu ban B năm đó là một cô gái độc nhất học lớp B1.

 

***

Tôi thi đậu bằng trung học đệ nhất cấp, tú tài một và tú tài hai một cách suông sẽ. Trường Đại học Huế khai gỉảng năm thứ hai rất cần sinh viên, nhưng một số chúng tôi vào Saigòn để tiếp tục học. Các bạn học của tôi thi vào trường Cao Đẳng Điện hay Cao Đẳng Công Chánh Phú Thọ ở Saigòn. Hầu như đứa nào thi cũng đậu, vì lúc này trường Cao Đẳng Phú Thọ bị áp lực phải nhận số sinh viên ở Huế tối đa. Tôi cũng quyết  định vào Saigòn học về ngành giáo dục và nhiều khó khăn trắc trở đang chờ đợi tôi.

 

Tôi đi xe lửa vào Saigòn, xe lửa chạy bằng than, khói phun ra rất nhiều bụi. Khi xe lửa rời bến, tôi đứng ở cửa sổ để nhìn lại Huế một lần cuối thì khói xe lửa tạt vào mặt tôi và từ đó bụi khói vào mắt tôi làm tôi chảy nước mắt suốt một đoạn đường dài. Các bạn cùng xe tưởng tôi khóc vì buồn phải xa Huế, tôi có phân giải nhưng dường như họ không tin.

 

Lê Quý Thể

10/2020

 

10 Tháng Năm 2022(Xem: 5457)
Gió đưa Áo Mẹ Lên Trời Con còn dong duổi áo phơi bụi trần Thiên đường cách mấy bước chân Hay là địa ngục cũng lần tới đây Cù lao chín chữ cao dầy...
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6335)
. Khác với người phương Tây, Việt Nam chúng tôi có rất ít các viện dưỡng lão. Khi Cha Mẹ tới tuổi già, con cái luôn muốn được sống kề cận để chăm sóc..
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6169)
Các bạn ơi! Sẵn sàng nhé.... Mong đa số đều có ý tưởng đoàn kết, yêu thương và có trách nhiệm để tiếp tục phụ lái con thuyền NQ ra biển lớn.
01 Tháng Năm 2022(Xem: 9653)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: ĐIỀU CHƯA BÀY TỎ - Thơ Tưởng Dung, Nhạc Phạm Chinh Đông- Trình bày & Ca sĩ: KaNa Ngọc Thúy
01 Tháng Năm 2022(Xem: 8388)
Xin bấm vào link ở trên hoặc vào giữa hình bìa Giai Phẩm Xuân bên dưới và kéo xuống để xem toàn bộ nội dung Giai Phẩm Xuân NQ 1965
11 Tháng Ba 2022(Xem: 5333)
tiệc Tân Niên 2022 của Hội Ái Hữu Biên Hòa vẫn ngọt lịm tình người đồng hương xứ bưởi, với sự tham dự của nhiều thầy cô, cựu học sinh Trung Học Ngô Quyền cùng gia đình và thân hữu.
05 Tháng Ba 2022(Xem: 7753)
Kính chuyển hình ảnh Tiệc Mừng Xuân Nhâm Dần Hội Ái Hữu Biên Hòa Tổ chức lúc 10:30 Ngày 27/2 /2022 Tại nhà hàng Paracel Seafood.
04 Tháng Ba 2022(Xem: 11995)
Xin mời thưởng thức video " HƯƠNG BƯỞI GỌI NGƯỜI VỀ" Lấy ý tưởng từ 2 bài thơ "Dỗ Dành Hương Bưởi" và "Những Chiếc Ghế Còn Bỏ Trống" của Trần Kiêu Bạc.
24 Tháng Hai 2022(Xem: 5449)
vậy là đúng như mẹ em nói tuổi nào cũng có số mệnh của nó, nhiều khi chỉ ngẫu nhiên mà hoạn nạn rơi vào tuổi Dần rồi gây ra ấn tượng và mang tiếng thêm cho người mang tuổi Dần mà thôi
01 Tháng Hai 2022(Xem: 5659)
Bài sẽ bàn về tục ngữ ca dao dinh dáng ít nhiều đến hổ,
28 Tháng Giêng 2022(Xem: 8537)
Nhưng các loại hoa quả chưng ngày Tết và dịp Tết Trung Thu người ta không thể thiếu bưởi. Bài này tôi chỉ xin bàn về quả bưởi thôi.
27 Tháng Giêng 2022(Xem: 8039)
Hai năm nay chỉ ưu tư vì Covid nên làm gì có xuân thủy tiên. Gửi cho em vài hình thủy tiên cũ, với tựa đề "Xuân này em không về.." Chúc mừng năm mới các em.
22 Tháng Giêng 2022(Xem: 6207)
Tôi ra về lòng vui biết bao Thầy Cô vẫn khỏe như độ nào Ước gì dẹp sạch con Covid Lột khẩu trang tháng bảy gặp nhau.
02 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 6055)
Tạ ơn thời có lắm điều Sách dày ghi được bao nhiêu cho vừa; Bao niềm vui mới nên thơ Theo lòng cảm tạ bất ngờ hiện ra Khi ta nhìn khắp gần xa Thấy chân hạnh phúc thăng hoa dạt dào!
24 Tháng Mười 2021(Xem: 6226)
Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, một nhóm CHS Ngô Quyền niên khóa 1986 - 1987 đã tổ chức Họp mặt vào ba ngày October 08/09/10 năm 2021 tại Arizona.
04 Tháng Chín 2021(Xem: 9420)
Con đường này đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Đường Trịnh Hoài Đức (THĐ) không dài lắm, độ chừng 2 km, bắt đầu từ Công trường Sông Phố và kết thúc ở bùng binh Biên Hùng.
01 Tháng Chín 2021(Xem: 9397)
Yêu nhau trọn vẹn sắt son Xuân đi đông đến vẫn còn bên nhau Anh xin nguyện ước một câu Đôi ta vẫn mãi bên nhau suốt đời
27 Tháng Tám 2021(Xem: 10267)
Bước chân buồn lặng lẽ trôi Hắt hiu một bóng, luân hồi phù vân Câu kinh nhật tụng vọng âm Một người ở lại thế trần quạnh hiu.
16 Tháng Tám 2021(Xem: 11093)
một nén hương thắp cho người bạn thời thơ ấu, vào ngày giỗ đầu. tháng 8, năm 2021.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 9526)
Thương ai tóc rối tơi bời Tình ơi một kiếp rong chơi ta bà Lạy người yên nghỉ nơi xa Sợi buồn ta giữ trăng tà nhớ ai.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 10358)
Mùa VU LAN Nhìn màu hoa nhớ MẸ Nhớ cả TRÁI RỪNG đã trôi vào cổ tích nhớ thương.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 9587)
Chiều nay em đã đi rồi Bên bờ bến vắng bồi hồi nhớ nhung Triều dâng ngọn sóng ngập ngừng Chờ em quay lại nơi từng bên nhau
08 Tháng Tám 2021(Xem: 9585)
Phận con chữ hiếu chưa tròn Chưa ngày chăm sóc, mỏi mòn cách xa Cho con cúi lạy xin tha Một lời sám hối xót xa cõi lòng
07 Tháng Tám 2021(Xem: 10003)
Gửi dấu yêu vào dạt dào gió lộng Tơi tả bay khăn áo lụa xuân thì Làm lạc mất hình ra xa khỏi bóng Gần cuối đời nước mắt vẫn tràn mi.
01 Tháng Tám 2021(Xem: 9651)
Có lúc tưởng mình chỉ là cái bóng Yêu nồng nàn lại chẳng thể gần nhau Anh... Lặn lội phương xa nhiều lận đận Em... Ẩn mình vào ốc nhỏ long đong.
28 Tháng Bảy 2021(Xem: 9055)
Những cánh chim ẩn mình đã tung bay vào nắng sớm, cây cỏ sau vườn chổi dậy những mầm xanh…
26 Tháng Bảy 2021(Xem: 8985)
. Chú dừng chổi và chợt hỏi mình ên: -Ông nội ơi! bài vở ở trường có phải là tạp niệm không ông nội?