Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - CUỐI HẠ

02 Tháng Tám 20202:27 CH(Xem: 12150)
Nguyễn Thị Thêm - CUỐI HẠ
Cuối hạ Hình Tựa

 
 
Mùa hè đã hết.
 
Thế nhưng nắng Cali vẫn cháy bỏng hàng cây trước nhà. Sân trước, sân sau cỏ cháy khô vàng thật tội.
Tôi ở Riverside, một vùng của sa mạc nên cái nóng rất đáng ngại chỉ thua Las Vegas mà thôi. Nhà con lại gần núi nên mùa hè máy lạnh chạy cả ngày lẫn đêm. Cứ nhìn cái đồng hồ điện xoay mà chóng mặt. Mùa này là bill điện, nước cao nhất trong năm.
 
Lại có luật của tiểu bang về tiết kiệm nước, mỗi người dân đóng góp một bàn tay vào sự tồn vong cho hồ nước của Cali. Tôi không dám cho đám hoa, sân cỏ uống nước đầy đủ như chúng cần. Cứ nhìn đám cỏ sân sau cháy vàng mà đau lòng. Sân trước là bộ mặt của khu nhà. Không tưới để cỏ chết là association phạt nên phải tưới mỗi ngày. Con tôi khuyến cáo:
- Có lệnh tiểu bang tiết kiệm nước, bill nước mình mà lên bị phạt đó má ơi.
Thế là mỗi ngày tôi dậy thật sớm, tưới cho nó tí nước. Tưới cầm chừng để cứu khát như người ta cho ăn để khỏi chết mà sống thoi thóp qua ngày.
Nghĩ cũng lạ, theo luật của khu nhà, sân cỏ phải tưới cho xanh tươi để đẹp khu vực. Luật của thành phố nước phải tiết kiệm tối đa, quá quy định là phạt. Hai luật này tréo ngoe lẫn nhau. Có thắc mắc chỉ hỏi ông trời.
 
Nhà tôi không trồng nhiều cây kiểng vì mới dọn về đây vài năm. Sân trước trồng cỏ theo quy định. Sân sau là một hòn non bộ và tí đất còn lại khô cằn ở dưới đầy đá sạn, xi măng. Tôi rất thích trồng hoa và cây trái vì mình chẳng gì cũng là dân miệt vườn Long Thành. Hai khoảnh đất nằm sát bên hàng rào còn trồng trọt được. Mỗi ngày tôi đều ra xới xới, trồng trồng cho vui nhà vui cửa. Cũng được một lứa xà lách ăn ngon ra phết. Rau dền thì ăn mãi cũng ngán, nó cũng già ra toàn là bông nên nhổ gốc cho xong. Cà chua cũng có lai rai nấu canh và trộn xà lách. Thằng rể nhà tôi mê lắm, chả cần gì nhiều, một ít xà lách và cà chua nhà trồng, thêm vài cái trứng chiên là tươm tất một dĩa cơm để đi làm. Khổ hoa có trái lai rai, tôi hầm được 3 nồi khổ hoa dồn thịt. Nhưng rất tiếc cả nhà chỉ có tôi và con gái ăn, nên thỉnh thoảng cũng biếu bà hàng xóm để ăn phụ. Bà này là người Phi, bên nhà bà cũng trồng khổ hoa, nhưng không hiểu tại giống hay tại bà không tưới nước mà trái nó nhỏ tí ti lại cong queo thật tôi nghiệp. Bà cũng trồng chanh nhưng từ ngày về đây tới giờ chanh bà không hề thấy trái. Cây tắc nhà tôi trồng trái chi chít vàng cả cây, bà và em trai bà thường hỏi xin về làm nước. Bà cứ hỏi sao cây bà trồng không ra trái. Tôi không biết trả lời sao.
 
Hai chị em bà đã già, Bà mua căn nhà này từ ngày chưa thành hình nên lịch sử căn nhà con tôi ở bà rành lắm. Mỗi buổi sáng bà đều ra vườn vui với cây cối. Cái bình tưới nhà bà mới tội, nó nhỏ xíu như đồ hàng con nít. Không hiểu bà tiết kiệm nước hay bà không thể xách cái thùng to hơn. Hoặc giả bà coi việc tưới cho cây cũng là một hình thức tập thể dục mỗi ngày. Đứng trên bậc tam cấp của hòn non bộ nhà tôi nhìn qua sân sau nhà bà, tôi thấy rõ dáng bà nhỏ nhắn đứng tưới từng giọt nước vào gốc cây cẩn trọng. Chúng tôi giơ tay chào “Hello! - Good Morning” giòn giã. Nhưng khi thấy có bóng dáng em bà là tôi không dám tập thể dục ngoài trời, bởi mùi thuốc lá bay sang hôi nồng nặc.
 
Mấy gốc thanh long tôi xin giống từ nhà chị Tuyết về nên tôi cưng lắm. Tôi chăm chút mơ một ngày nó sẽ đầy hoa và trái chi chít như vườn nhà chị. Nhưng khổ thân nó, tôi làm cách nào nó cũng chẳng ra hoa. Năm ngoái nó có lú lên một cái hoa nhưng rồi chưa thành trái đã ngoẹo đầu úa tàn. Tôi bứng cả gốc dời sang cuối vườn và trồng trong chậu. Phen này tôi sẽ để nó thiếu nước, ít đất để kích thích nó ra hoa. “Thanh Long và hoa lan không nên chìu chuộng nó. Phải để nó đói, khát, tù túng, bị bạc đãi nó mới đâm hoa kết trái.” Chị Tuyết nói với tôi như vậy.
 
Gia tài vườn tược tôi chỉ có thế, mùa hè kéo theo cái nắng kinh người, cây trái hết lứa tôi cũng ngưng trồng để tiết kiệm nước.
 
Sau hai lần trồng cỏ mà không thành, con gái tôi quyết định không để mẹ băn khoăn về cái chết của cỏ cây, nó xin trải đá để tiết kiệm nước. Lần này được chấp thuận. Mấy mẹ con bà cháu mấy ngày hì hục bưng bưng, đổ đổ mệt nhừ. Thế là sân trước, sân sau đều đá và đá. Những cục đá cuội to nhỏ tròn méo được trải đều trên cái sân vô tri. Nóng Cali, dịch bệnh và mảnh sân khô khan toàn đá như câu chuyện buồn của một bi kịch.
 
Xung quanh là núi chập chùng.
Quê hương khuất dấu mông lung phương nào
Núi cao, tầm mắt ngước cao
Dưới chân đá cuội lao xao chợt buồn.
 ……
 
Lại cũng đã cuối hè, trời Portland mấy ngày nay nắng nóng. Trong phòng cái máy quạt quay vù vù tội nghiệp.
 
Ở đây nhà cửa có khác ở Cali. Khu nhà mới xây còn thơm mùi gỗ mới. Nhà thiết kế theo kiểu Âu Châu, mái nhọn và có rất nhiều cửa sổ.

IMG_4344

Nhà xây xong không gắn máy lạnh, ai muốn gắn thì tự mua. Nơi này những ngày nóng thật ít, chỉ mưa và ẩm nhiều. Dưới nền nhà là một basement sâu chừng một mét tối om, bên trên có nắp đậy để chủ nhà quan sát và có thể đi xuống dưới. Basement thông với bên ngoài bằng những ô cửa sổ nhỏ thông hơi có gắn lưới sắt kiên cố. Một nhà có khoảng 11 cái như vậy, lộ ra bên ngoài nền nhà và được bảo vệ bằng một vành đai xi măng hình chữ nhật cao hơn mặt đất, nước mưa không thể nào tràn vào. Với những lỗ hổng này một hệ thống máy thông hơi được gắn trong nhà. Chỉ cần điều chỉnh, hơi mát sẽ nhận từ ngoài, luồn dưới nền nhà và thổi vào bên trong. Trên mái nhà và ở tầng lầu có chừng 26 lỗ thông hơi chắc để thoát độ ẩm. Trên nóc 6 ống thoát khí chỉa lên trời, vì Oregon còn có tên gọi là “Xứ Mưa”. Tuy nhiên vào những ngày cuối hè thật nóng như hôm nay vẫn phải dùng quạt máy trong phòng hay cái máy lạnh nhỏ ở phòng khách.


IMG_4342
 
Ở đây mỗi ngày xe chuyển xi măng, xe chở đất, chở vật liệu di chuyển liên tục. Tiếng máy đóng đinh tạch tạch không ngừng. Chiều chiều tôi hay đi bộ theo side walk trước nhà ra ngắm xem tiến độ làm việc của nhà thầu. Cách nhà độ 5 căn là 4 căn nhà đã được thành hình đang chuẩn bị hoàn tất để giao cho khách, 6 căn sát bên đang trong công đoạn làm nền và đóng vách. Đối diện đó là 3 nền nhà đang được máy ủi đào nền. Đất chất thành đống để chuyển đi.


IMG_4350 IMG_4353

Phía trước nhà tôi, một khoảng đất trống đã được cắm nọc độ chừng vài chục nền đang chờ tới phiên xây dựng. Dường như hầu hết những nền nhà chờ xây đều đã được bán xong. Thỉnh thoảng mới thấy tấm bảng available tức nền nhà chưa có ai mua. Ngôi trường tiểu học đang được các thợ mỗi ngày tất bật làm việc và đã làm xong con đường vào và khu parking. Nghe đâu sẽ được khai giảng trong mùa thu năm tới.

IMG_4355

Các cháu tôi đi bộ chừng 5 phút là tới trường. Sau lưng nhà, đứng ở cửa sổ phòng tôi nhìn xuống, chỉ cách một căn nhà là khu công viên.
IMG_4356
Buổi sáng buổi chiều trẻ con đến chơi xích đu, cầu tuột, vòng quay, người lớn dắt chó đi dạo, chạy bộ trông cũng vui mắt. Đa phần là người Ấn Độ, Mỹ trắng và một ít người Á Châu. Tôi chưa thấy một người VN nào để làm quen hay kết bạn.
 
Khu yên tịnh, nhà mới, hàng xóm mới toanh, thỉnh thoảng lại thấy xe chở đồ đạc dọn đến. Xe giao hàng máy giặt, máy xấy, tủ lạnh… và vật dụng đặt mua online từ Amazon liên tục đến giao hàng.
 
Đây là một vùng mới thành lập cách xa thành phố Portland sầm uất và nhiều biến động. Trên freeway để vào nơi này là những cánh đồng cỏ bạt ngàn. Hôm tôi mới đến cỏ đã trở màu nâu sẫm, một màu nâu chạy mút tầm mắt, thỉnh thoảng là một cánh đồng vàng rực có thể là cánh đồng lúa mì. Có khi là một thửa ruộng đầy hoa không biết là hoa gì, cứ thế, cứ thế trải dài đến cuối chân trời.
 
Hôm nay những cánh đồng cỏ đã được gặt, Cỏ được cắt nằm dài theo từng luống để phơi khô. Và rồi một ngày nọ đi qua, những luống cỏ khô đó đã được máy cắt nhỏ đóng thành từng bành vuông vức chờ xe đến lấy. Những bành cỏ khô chất cao như những kiện hàng. Một người chủ của trang trại cho biết Oregon là nơi cung cấp hạt giống cỏ cho khắp nước Mỹ và một số nước trên thế giới. Những bành cỏ khô được bán cho những trại nuôi bò sữa hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Những đồng cỏ sau khi cắt và dọn sạch. Cỏ sẽ mọc lại để tiếp tục cho vụ mùa sau.


IMG_4340
Những cánh đồng hoa còn là trại nuôi ong sản xuất mật theo từng giống hoa trồng. Khi cuối hạ, xuất hiện những ruộng bắp xanh rờn. Có nơi bắp đã cao, có nơi bắp đã trổ bông. Ôi chao bạt ngàn là bắp xanh mướt khoe mình dưới nắng. Những máy tưới tung nước lên cao rải đều trên cánh đồng hình thành một bức tranh quá đẹp.
 
Một người chị văn chương (chị Sương Lam) đã ở Portland lâu lắm. Chị phụ trách trang “Một cõi Thiền Nhàn” trên tờ Oregon Thời Báo. Chị nói với tôi Oregon là nơi tĩnh lặng dành cho người già. Khung cảnh trầm mặc sẽ làm người trẻ không thích. Tôi đã là người già nên tôi rất thích nơi này, con tôi là người trẻ cũng đã chọn North Plains, Oregon này làm nơi an cư lập nghiệp.
 
Các bạn có biết không? Ngoài những cánh đồng nông sản bát ngát, nơi đây có rất nhiều trang trại trồng hoa và cây ăn trái. Những trang trại hoa thật đẹp, rộng mênh mông và đủ loại cây giống hoa cảnh. Bạn cứ tự do vào cửa (nhưng nhớ phải mang mask) và kéo một cái xe có 4 bánh như một cái thùng hình chữ nhật. Bạn tha hồ chọn lựa giống cây mình thích, bỏ vào xe và ra tính tiền. Nơi đây có nhiều chậu hoa đẹp và lạ cho bạn lựa. Ngay cửa vào một khoảng vườn trồng hoa hướng dương cho bạn cắt về chưng. Nếu bạn thích Strawberry, Blueberry mà không muốn mua tại quày thì nhận giỏ và ra vườn tự hái. Giá đã quy định, cứ thế mà trả tiền.
 
Tôi lại thích hái blueberry và strawberry ở khu vực gần nhà. Tôi không biết có nên gọi nơi đây là khu rừng hay không? Vì quả thật là cây cối rậm rạp, mát mẻ, con đường vòng vo lươn dốc, lượn đồi. Nhưng lác đác, xen kẻ là những ngôi nhà thật đẹp, sang trọng có, bình dị có nằm lẩn khuất trên đồi, dưới thung lũng, trong rừng cây. Những ngôi nhà thật yên tĩnh mà con tôi rất thích và ước ao có được.


IMG_3976 (1)
 
Xe ngừng trước một tấm bảng có ghi Blueberry tự hái. Ra khỏi xe phải mang mask và đi vào địa điểm tiếp đón. Chúng ta phải rửa tay sạch sẽ nào. Có xà bông và nước sạch, giấy lau tay trước khi tới quay tiếp tân. Tại đây ghi tên vào sổ và nhận thùng. Những cái thùng nhựa đã được khử trùng sạch sẽ có lót bọc ny long. Một người hướng dẫn sẽ đến đón và dẫn chúng ta vào hàng cây. Hàng cây được đánh dấu và được cách ly thật xa với những hàng cây đang có người hái. Chúng ta chỉ được hái ở hàng cây này và tùy theo số người đi sẽ được quy định hái nguyên luống hay phân nửa.

IMG_4054 (1)
 
Người hướng dẫn sẽ chỉ cách hái và khuyên khích chúng ta hái trái to nhất, chin nhất để được ăn thật ngon, thật ngọt. Chúng ta tự do chọn nhánh nào sai trái nhất vừa ý nhất nhẹ nhàng tách từng trái chin mọng bỏ vào thùng. Hái xong xách thùng ra bàn và để lên cân. Giá 2$50 cho một bls.Trả tiền xong, dùng nước rửa tay và đi về. Thùng đó sẽ được để qua một bên để khử trùng trước khi giao cho người khách khác. Nghe nói hàng cây chúng ta hái dở dang phải để 12 giờ sau mới được sắp xếp cho người khác.
 
Lúc trước đến trang trại được ăn tự do, hái đem về bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Từ ngày có dịch Corona Virus, quy định đó thay đổi, chỉ được hái mang về. Chủ trang trại nghiêm nhặt chấp hành lệnh phòng ngừa lây lan dịch bệnh cho nhân viên lẫn khách.
 
Oregon có rất nhiều hồ, những hồ nước mênh mông tĩnh lặng. Đường đi vào rất đẹp, rừng cây chạy dài mút mắt và nhiều ngõ quanh co. Tôi như bị thôi miên với những con đường dài hun hút, che phủ bởi những rừng thông xanh rì to cao ngất ngưỡng mà Cali chúng tôi không có được. Hồ nước bao la, không khí trong lành, mỗi gia đình chiếm một góc riêng biệt để tự do cắm trại, câu cá, nấu ăn và chơi đùa dưới nước.

IMG_4122 (1)
IMG_4127
 
Đã cuối mùa hè, những đứa cháu nôn nao tới trường, tôi cũng định trở về Cali vào cuối tháng 7. Nhưng Cali vẫn còn rất nóng, dịch bệnh lại bùng phát trở lại nên các con không đứa nào cho về. Thôi thì nhà mình là nhà con, nhà con mình là khách. Dù ở Cali, Texas hay Oregon, ở đâu mình cũng là khách, chủ nhà muốn mình ở lại để hưởng thụ tuổi già thì mình cứ thế mà đón nhận.

Tuy nhiên Portland không phải là nơi yên bình. Trận chiến chống dịch Corona Virus vẫn mở ra ở đây và trên khắp đất nước Hoa Kỳ. Song song đó, trận chiến chính trị khốc liệt cũng đang nhậm chìm nước Mỹ. Oregon cũng là một nơi nổi đình nổi đám. Những hành động phá hoại với nhiều chiêu bài đã hủy diệt một vài di tích lịch sử của thành phố xinh đẹp hiền lành. Một người chị đã khuyên tôi:” Em ơi! Hãy ở yên nhà con trai. Đừng đi lên khu downtown Portland nguy hiểm lắm!”
 
Hôm nay tôi thăm lại vườn hoa hồng Portland trước khi nó tàn tạ cuối mùa.

IMG_4339
IMG_4326


Đi ngang qua downtown tôi đã thấy những chiếc lều nằm chểm chệ ngay giữa trung tâm thành phố. Những lều nhỏ lượm thượm, đồ đạc vất bừa bãi nơi đây như lời cảnh báo về quyền lực bất khả xâm phạm của sự tự do. Một tấm bảng gắn trên tường ở một ngã tư rực rỡ hàng chữ “Black Live Matter” Thật sự khi nhìn mấy chữ này tôi lại nghĩ đến những hành động cướp bóc, hung hăng đánh người không lý do, vào tiệm giật đồ, giết người… Sự nhượng bộ và cúi đầu của chính quyền địa phương khiến tôi lại có ý nghĩ phản ngược lại: Phải chăng, người da trắng đang bị ganh ghét và kỳ thị, người da đen đang bị lợi dụng vì lý do chính trị.

Khi đến nước này tôi đã rất khâm phục người Mỹ. Họ đã dang rộng vòng tay che chở và tạo điều kiện cho tất cả những người di dân khác màu da đến đây lập nghiệp. Nước Mỹ là nơi cơ hội cho những người có mơ ước, quyết tâm và siêng năng. Một quốc gia mở đầu để thế giới xóa hẳn chế độ nô lệ. Một đất nước trẻ trung nhưng tiên tiến, đã bảo vệ và có nhiều đặc ân cho người da đen lẫn da màu được bình đẵng ghi rõ ràng trong hiến pháp. Nhờ vậy người VN tị nạn đến Hoa Kỳ mới có cơ hội phát triển sự nghiệp, cống hiến và đi lên không bị màu da cản trở.
 
Một gia đình nhỏ vẫn có những ý kiến trái ngược, anh em trong nhà vẫn không tránh khỏi lục đục bất hòa, huống chi một đất nước to lớn với bao nhiêu triệu dân. Sai sót cho một vài cá nhân không phải đổ lỗi hoàn toàn cho người lãnh đạo. Cuộc chiến đi vào nhà trắng vẫn còn đang tiếp diễn, con virus Vũ Hán đang thừa cơ hội lộng hành. Đất nước Hoa Kỳ đang trong cơn sóng gió.Thế nhưng những người có trách nhiệm không đoàn kết lẫn nhau. Họ xâu xé nhau, đâm sau lưng nhau bằng con đường chính trị lẫn kinh tế. Một nước Mỹ tôi yêu thương đang nồi da xáo thịt vì hai chữ đảng phái.

Tôi thương các cháu tôi nhớ trường, nhớ lớp. Ký ức tuổi thơ sẽ có những những nốt nhạc buồn ảnh hưởng đến sự phát phiển tâm lý về phương diện xã hội và lập trường chính trị sau này.
 
Nhưng dù thế nào chăng nữa, tôi tin chắc nước Mỹ sẽ vẫn đi lên. Lá phiếu sẽ quyết định bởi cữ tri yêu nước. Người nào lên làm Tổng Thống cũng có lưỡng viện Quốc hội và người dân theo dõi kiểm soát. Nước Mỹ sẽ không để những người vô ơn lộng hành. Cũng như hết mùa hè mùa Thu sẽ đến. Cháu tôi không được đến trường nhưng vẫn được học online. Những đóa hoa của vườn hồng Portland cũng sẽ héo tàn, nhưng những nụ hoa mới sẽ mọc lên, thay thế và rực rỡ vào mùa Xuân tới.
 
Cuối hạ gió len vào mái tóc.
Em đi hong nắng tuổi học trò
Trong trái tim nở những ước mơ
Em dệt vần thơ trên đá cuội.
 
Đá có cứng làm em bối rối
Nhưng cuộc đời vẫn thế cứ trôi
Nụ cười em sẽ nở trên môi
Phải đối mặt gian nan tiến bước.
 
Không cần sách thơm mùi giấy mới
Thời online mở rộng bốn phương
Hoa tự do nở khắp nẽo đường
Sẽ định hướng cho em đi tới.
 
Chào mùa hè nắng vàng khắp lối.
Đón mùa thu gió mới dễ thương
Lá chuyển màu làm đẹp quê hương
Những rối rắm tai ương xếp lại.
 
Những đá cuội không gây trở ngại.
Chân mang giày sẽ chẳng thấy đau
Có gian nan ở những bước đầu
Thêm sức mạnh ngày sau tiến bước.

Hôm nay post bài lên Web xong được tin thầy Hà Tường Cát mất. Tin từ một bạn cùng khóa 6 Ngô Quyền ở VN gửi qua. Nhận tin khi đã tắt đèn chuẩn bị ngủ. Bật dậy, bấm nút on, ánh sáng tràn khắp phòng, đọc lại mail một lần nữa, bạn gửi đi có kèm theo bản tin của báo Người Việt.

 

Như vậy thầy đã thật sự ra đi. Nhớ thầy, nhớ cái dáng gầy ốm cao cao, nhớ nụ cười thật hiền. Đã biết tin thầy bệnh đau và yếu, nhưng không hiểu sao tôi vẫn bất ngờ. Bàng hoàng đến tỉnh hẳn không thể ngủ lại. Email chuyện trò qua lại với bạn bè bên VN để nhắc lại những kỷ niệm, hình ảnh về thầy những năm tháng thật xưa học trò trường quận được lên tỉnh học.

 

Buổi sáng mở mail, được Đỗ công Luận báo tin bên VN cô Đào thị Nga cũng vừa mất. Ôi chao sao mà buồn như vậy. Cùng một ngày 3 tháng 8 một người thầy ra đi bên Mỹ, một người cô khuất núi ở VN. Hai múi giờ khác biệt cô Nga đi trước thầy Cát 14 tiếng đồng hồ. Hẳn ở trên cao hai người thầy đang cùng nhau ôn bao chuyện cũ.

 

Năm 2020 là năm nhiều biến động trên khắp thế giới. Dịch Tàu Coronavirus đã làm khủng hoảng về sức khỏe, kinh tế, chính trị nhất là đẩy những người già vào những nỗi buồn cô đơn dễ bị trầm cảm. Không còn nhiều kháng thể để chống dịch, nhìn thế giới không có lối thoát và mình bị cách ly. Bệnh đau đi bác sĩ hay vào nhà thương không phải dễ dàng như trước. Số những người lớn tuổi ra đi nhiều hơn bao giờ hết. Mỗi ngày nhận được tin buồn tôi cảm thấy mình cũng đang leo dốc. Con dốc cuối đời cao ngất ngưởng mà mình phải tự bò lên dù không muốn.

 

Diệu Hương đã gửi cho tôi tổng kết thật buồn trong “Thắp nén hương lòng” Từ đầu năm 2020 đến giờ đã có 6 người thầy cô của Ngô Quyền đã ra đi

 

Cô NguyễnThị Kim Quy            dạy Pháp Văn  (1935 - 2020)

Cô Hoàng Thị Diệm Phương    dạy Hội Họa    (1938 - 2020)

Thầy Phan Thông Hảo              dạy Pháp Văn  (1936 - 2020)

Thầy Nguyễn Trường Hải         dạy Lý Hóa       (1939 - 2020)

Cô Đào Thị Nga                        dạy Anh Văn     (1938 - 2020)

Thầy Hà Tường Cát                  dạy Sử Địa       (1940 - 2020)

 

Chỉ đành thắp nén hương lòng để tri ân, tưởng niệm và kính tiễn hương linh Thầy Cô. Những người lái đò thầm lặng đưa từng lứa học trò qua con sông Đồng Nai để đi khắp thế giới.

 

Buổi sáng cuối hè Xứ Mưa trời mát lạnh.Tôi đứng bên cửa sổ nhìn các cháu vui chơi ngoài park. Tôi nghĩ về mình: “Một con bé lí lắc hay chạy nhảy, phá phách và một bà già trầm lặng ngày nay.”

 

Đâu có ai sống mãi với thời gian. Rồi tất cả cũng sẽ là người của muôn năm cũ

 

 
Nguyễn thị Thêm.
 Portland cuối hè 2020.
 
 
 
 
 
 

 

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 444)
Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn ...
08 Tháng Ba 2024(Xem: 981)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1693)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 431)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1697)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3420)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4810)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 5384)
Bầu trời tháng Bảy đẹp như mơ Sinh Nhật 6 nàng tặng rổ…thơ HOÀI NIỆM, NGUYÊN NHUNG tài khó đoán TƯỞNG DUNG, PHƯƠNG THUÝ giỏi không ngờ!
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 4533)
Ai có quay về chốn cố hương Xa xôi cách trở mấy cung đường Hỏi giùm: "Người cũ còn nhung nhớ?" Đất khách bôn ba đời lữ thứ Quê người lận đận kiếp phong sương Nhắn hộ: "Tình xưa vẫn vấn vương"
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5148)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5413)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 5479)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 5805)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5283)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 9745)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 6921)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5672)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
17 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6899)
Suốt cả cuộc đời Voi hoạt bát chỉ chuyên tâm tu học, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn Giúp ích cho đời. Tưởng chừng gieo nhiều hạt tốt sẽ gặt lắm quả lành,
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5763)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6415)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 6519)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
01 Tháng Chín 2022(Xem: 15993)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 2022(Xem: 7094)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
29 Tháng Bảy 2022(Xem: 7239)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
28 Tháng Sáu 2022(Xem: 9096)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!