Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - Đường Mía Lau.

17 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 95536)
Nguyễn Trần Diệu Hương - Đường Mía Lau.

blank

 

 

ĐƯỜNG MÍA LAU

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

 

 

Thời thơ dại, mỗi lần nghe câu ca dao dân gian:

 

 “Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp một như đường mía lau"

 

tôi vẫn nghĩ đến… thức ăn (chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau) nhiều hơn là nghĩ đến Mẹ (vì lúc đó Mẹ chưa đến tuổi bốn mươi, chưa già như trong câu ca dao dân gian nổi tiếng). Nghĩ như vậy, nhưng tôi không biết chuối ba hương là loại chuối nào, xôi nếp một có gì khác với xôi vò, xôi đậu xanh, đậu đen, xôi lá dứa… và đường mía lau khác với đường cát trắng thường dùng để làm nước chanh, hay đường cát vàng để nấu chè đậu ván như thế nào? Thắc mắc đó cứ quanh quẩn trong đầu, nhưng tôi không dám hỏi ai, sợ người ta cho là mình tham ăn.

 

Chưa kịp lớn lên để tự tìm hiểu ba món ăn chắc hẳn là ngon và quý lắm nên mới được người ta so sánh với những bà Mẹ, người có trái tim và tấm lòng được ví von với kỳ quan đẹp nhất thế giới, biến cố tháng 4/1975 như một cơn lốc cuốn đi nhiều thứ quý giá của người dân miền Nam, nhưng không làm mất được câu ca dao ngọt ngào có Mẹ, có những món ăn mà mãi sau này, ở tuổi nửa đời người, tôi vẫn thắc mắc đó là những món nào?

 

Mặc dù không biết được cả chuối ba hương, lẫn xôi nếp một, và đường mía lau như thế nào nhưng tôi chắc chắn cả ba món đó đều ngọt ngào cho vị giác, và không có tác dụng tai hại cho sức khỏe, như tấm lòng của tất cả mọi bà mẹ trên đời đối với con cái của mình

 

Tôi có diễm phúc được lặn ngụp trong ngọt ngào của lòng Mẹ, trong sự bao che của Mẹ với chúng tôi như gà mẹ đối với bầy gà con hàng ngày trong suốt tuổi thơ. Nhiều khi quên mất mình đang được hưởng thứ hạnh phúc mật ngọt lớn nhất đời người.

 

Mẹ là chị cả của các dì, cậu, từ nhỏ Mẹ đã giúp Bà Ngoại lo cho các em, nên lúc nuôi chúng tôi sau này, Mẹ đã “dày dặn kinh nghiệm chiến trường” trong việc nuôi con nít, vì vậy chúng tôi lớn lên khỏe mạnh, dễ nuôi, không bị đau ốm vặt vãnh.

 

Hồi đó, khoa học dinh dưỡng chưa phát triển như bây giờ, ở Mỹ, -thức ăn nào cũng có nutrition facts trên bao bì theo luật bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng-. Nhưng bằng kinh nghiệm dân gian truyền từ đời này sang đời khác, Mẹ cho chúng tôi ăn thực phẩm có đủ màu: màu đỏ của củ dền, màu vàng của bí rợ, màu trắng của củ cải, màu xanh đậm của rau cải, dưa leo, màu xanh nhạt của bí bầu và mướp hương, mướp đắng… Nhờ vậy, lớn lên chúng tôi có được thói quen tốt ăn trái cây và rau cải nhiều hơn thịt, cá hay đồ biển. Và do đó, tránh được nỗi ám ảnh của cholesterol, bệnh tiểu đường, bệnh cao máu… cùng tất cả thứ bệnh tật đến do thức ăn.

 

Thời con gái, Mẹ là nữ sinh Đồng Khánh, tuy không phải là hoa khôi, nhưng cũng được tiếng dễ nhìn. Xã hội thời đó, thập niên 50s của thế kỷ hai mươi, đàn bà con gái, nhất là ở Huế, việc nấu ăn, may vá, thêu thùa, nội trợ được đặt trên văn hóa rất nhiều, nên Mẹ nấu ăn rất giỏi. Sau này, ở California, thỉnh thoảng cuối tuần đi ăn thử bún bò Huế ở nhiều nơi, chúng tôi vẫn thấy nhớ đến tô bún bò kiểu Huế chỉ lớn hơn cái chén một chút, có đủ màu sắc đỏ, xanh, vàng, thoáng thoáng mùi xả tươi mà Mẹ vẫn nấu cho chúng tôi ăn thủa nào. Những năm gần đây, chúng tôi được Mẹ tận tình “truyền nghề bếp núc”. Một trong những cô con dâu của Mẹ nói tiếng Việt nhiều khi không chính xác, nhưng mỗi lần về Việt Nam thăm nhà, mỗi ngày được Mẹ dạy nấu một món ăn. Khi qua lại Mỹ, mỗi lần có tiệc tùng, những món ăn học được từ Mẹ vẫn được mọi người hỏi là đặt ở nhà hàng nào?

 

Rời trường Đồng Khánh, Mẹ đi làm ở Bưu diện. Công việc của Mẹ là trực điện thoại ở Tổng đài, vào cái thời đại mà điện thoại có dây, mỗi lần muốn gọi cho ai, phải quay từng số một trên cái đĩa tròn lớn có những vòng tròn nhỏ hơn, mỗi vòng tròn nhỏ là một con số từ 0 đến 9. Lập gia đình được vài năm, khi anh cả của chúng tôi ra đời, theo ý của Ba, Mẹ thôi việc, ở nhà làm nội tướng. Công việc ở nhà không tên, không tuổi, và không có giờ giấc cố định như đi làm Công chức, Mẹ vất vả hơn, nhưng bù lại có tiếng cười của anh chị em chúng tôi làm Mẹ vui hơn. 

 

Ba là lính nên những năm đầu tiên mới lấy Ba, Mẹ phải dọn nhà liên tục. Tưởng tượng cảnh Mẹ dọn nhà không có ai giúp, vì Ba vẫn đang miệt mài chinh chiến, con cái thì còn nằm nôi hay mới chập chững biết đi, tôi vẫn thán phục việc quán xuyến nhà cửa của Mẹ. 

 

Ông Bà Ngoại người Trung, thời con gái, Mẹ chỉ được rèn luyện nấu ăn kiểu Huế, món nào cũng cầu kỳ, hơi ngọt, và nhỏ xíu. Vậy mà khi lấy Ba, làm dâu Bà Nội là người Bắc, món ăn mặn hơn, kích thước cũng lớn hơn nhiều vậy mà chỉ sau chưa đầy một năm làm dâu, Bà Nội đã “cho điểm” nấu ăn của Mẹ rất cao. Lúc dọn nhà vào miền Nam, Mẹ học được thêm món canh chua nổi tiếng của người Sàigòn từ hàng xóm, nên chúng tôi lớn lên, tuy giống Ba, không đứa nào kén ăn, nhưng biết thưởng thức đủ cả ba món Bắc Trung Nam: từ vị mặn dịu dàng của món ăn đạm bạc canh mồng tơi ăn kèm cà pháo của miền Bắc, đến vị cay nồng của bún bò Huế miền Trung, và cả vị ngọt thanh của canh chua cá lóc miền Nam. Lớn lên, do thời thế, phải nhận quê người làm quê hương, nhiếu khi ăn đồ ăn Mỹ thừa mứa chất dinh dưỡng nhưng thiếu hẳn vị đậm đà của món ăn Việt Nam, và không còn bàn tay nội trợ của Mẹ, lâu lâu chúng tôi vẫn “ăn hàm thụ” trong trí tưởng tượng những món ăn được Mẹ nấu ngày xưa. Và thấy Mẹ vẫn ở quanh mình chứ không phải xa cách cả một đại dương.

 

Thời thơ dại, Ba Mẹ dạy chúng tôi bằng những câu ngạn ngữ , ca dao trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư nên anh chị em chúng tôi dù không biết quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư dày hay mỏng và màu gì nhưng đều thuộc tất cả ca dao, tục ngữ, kể cả những câu Hán Việt, vì nghe mãi, tự nhiên vô đầu, nằm luôn ở một góc của tâm hồn, và giúp chúng tôi giữ được cội nguồn Việt Nam dù đã rời xa quê nhà từ lúc bước vào tuổi hai mươi, không có Ba Mẹ bên cạnh.

 

Không những chỉ lo cho chúng tôi, Mẹ còn quan tâm lo cho những người bạn học, bạn hàng xóm của chúng tôi đến nhà chơi thời đó. Còn hơn thế nữa, một vài người bạn của Ba Mẹ phải thuyên chuyển đơn vị hay sở làm giữa niên khóa, không muốn làm gián đoạn việc học hành của con cái, đôi lúc gởi con của họ đến nhà chúng tôi nhờ Mẹ trông coi những tháng còn lại của niên học. Có lúc bầy con nít trong nhà, kể cả chúng tôi, lên đến cả chục đứa. Vậy mà tất cả chúng tôi đều tươm tất đàng hoàng. Mãi về sau này, mấy chục năm sau, khi Ba Mẹ qua Mỹ thăm chúng tôi, những cậu bé thơ ngây ở tạm nhà chúng tôi thời nhỏ dại, đã trở thành những người đàn ông trung niên thành công, từng trải, vẫn thu xếp thời giờ rất qúy báu của họ, đến thăm Ba Mẹ, và vẫn nhớ ơn Mẹ đã trực tiếp lo cho họ rất chu đáo, bằng cả một trái tim của người Mẹ như lo cho chúng tôi, bầy con Mẹ đã mang nặng đẻ đau.

 

Là con gái duy nhất trong nhà, giữa một bầy anh em trai, Mẹ thương tôi không có ai chơi những trò chơi của con gái, nên mỗi khi chọn người giúp việc nhà, Mẹ thường chọn người không lớn hơn tôi nhiều, mặc dù như vậy không có hiệu quả nhiều như khi thuê một người trung niên. Mẹ là vậy, vẫn nghĩ đến người khác nhiều hơn là nghĩ đến bản thân mình. Những ngày tháng vất vả đi thăm nuôi Ba trên những chuyến tầu thống nhất xuyên Nam Bắc, người và hàng hóa chen chúc đến nỗi không có lối đi, không thấy sàn tàu. Lúc đó, chúng tôi còn nhỏ, không giúp gì được nhiều cho Mẹ, thông thường chỉ có một đứa được theo Mẹ ra Bắc thăm Ba, và thêm vào gánh nặng cho Mẹ nhiều hơn là đỡ đần cho Mẹ. Vậy mà có một lần thăm nuôi Ba ở trại Đầm Đùn (một trại tù chính trị có tiếng khắc nghiệt nhất Việt Nam), được người ta gọi bằng một cái tên văn hoa hơn là trại Nam Hà, ngoài đồ đạc thăm nuôi, và một đứa con còn nhỏ, Mẹ còn giúp thêm một bà cụ thân sinh ra một người bạn đồng ngũ của Ba từ trước năm 75, rồi thành “bạn tù” của Ba cả một thập niên dài. Sau này, ở Mỹ, mỗi lần mua gạo từ 25lbs (10kg) trở lên, tôi đã phải nhờ người khác vác giùm từ xe vào bếp… Tưởng tượng hình ảnh Mẹ lúc đó, cả áo quần và giày dép, chỉ cân nặng khoảng hơn bốn mươi kg; mà ngoài hai mươi kg quà bánh, thuốc men nuôi Ba, còn hai mươi kg đồ thăm nuôi đỡ đần giùm bà cụ đi cùng, đôi lúc lại còn phải nâng đỡ cả người già lẫn con nít, tôi thấy được tấm lòng của Mẹ bao la vô cùng, và tự thấy mình thua Mẹ rất nhiều về sức chịu đựng.

 

Thời mới đến Mỹ, còn đi học, nghèo xác xơ, lái một cái xe rất cũ có số tuổi còn cao hơn tuổi của người lái, máy lạnh bị hư, máy sưởi lúc làm việc lúc không, radio tắt tiếng không bao giờ nghe được news hay nhạc khi đang lái xe, mỗi tối đi học về, tôi thường đi đường trong dài hơn thay vì đi đường xa lộ, vì nếu xe có bị hư dọc đường, đường nhỏ đỡ bị nguy hiểm hơn xa lộ. Vậy mà chúng tôi vẫn thấy mình hạnh phúc khi nghĩ đến chặng đường Mẹ đi thăm nuôi Ba, có đoạn phải đi xe trâu (tôi không biết đó là xe gì, nhưng nghe tên gọi đã đủ thấy… hãi hùng!), có đoạn phải đi bộ trên đường rừng gập ghềnh, chênh vênh. Vả chăng, lúc đó, chúng tôi dù mới đến Mỹ còn cơ cực, vẫn vui vì có cả một tương lai rộng mở ở quê người, trong khi Ba Mẹ ở quê nhà chịu nhiều gian lao mà không có ngày mai.

 

Ngay từ lúc đó, Mẹ đã tập cho chúng tôi nghĩ đến người kém may mắn hơn, mỗi năm mỗi đứa “cho Mẹ xin” hai mươi dollars để Mẹ mua sách vở cho những em bé nghèo hiếu học ở Việt Nam, hay mua gạo cho những người già neo đơn và người tàn tật. Lúc đầu, chúng tôi gởi hai mươi dollars mỗi năm làm việc thiện, chỉ để cho Mẹ vui, mãi về sau, thành thói quen, và càng trưởng thành, chúng tôi càng hiểu mình phải có bổn phận giúp đỡ người không may, đúng như câu “lá lành đùm lá rách” đã được học từ thủa nào. Hai mươi dollars gởi về quê nhà hàng năm tăng theo cấp số cộng, và trở thành một hoạt động không thể thiếu mỗi năm của chúng tôi, như gương sáng mà chúng tôi đã thấy từ Ba Mẹ.

 

Có một kỷ niệm về một lần chuẩn bị thức ăn đi thăm nuôi Ba ở trại cải tạo ngoài Bắc suốt đời chúng tôi không thể nào quên được. Hồi đó, cuối thập niên 70, đời sống khó khăn đến mức độ những thứ bình thường cho nhu cầu sống hàng ngày của con người cũng không có. Mỗi lần gởi đường cho Ba, tôi phải dùng dao nhỏ cạo từng thỏi đường đến nát vụn ra, rồi vắt chanh tươi vào, đem phơi nắng, làm thành một thứ “kẹo chanh” rất thô sơ, mong Ba vừa có đủ chất ngọt, vừa có Vitamin C để sống còn trong các “trại học tập cải tạo” chỉ tồn tại trong xã hội chủ nghĩa. Lúc đó, chúng tôi đang tuổi lớn, trong bối cảnh toàn xã hội đói nghèo, cơ cực, cũng thèm chất ngọt vô cùng, nhưng biết dùng ý chí thắng bản năng của mình, vì hiểu Ba cần đường vắt chanh hơn là mình. Duy có mỗi một cậu em út, còn ở những năm đầu Tiểu học lúc đó, vẫn len lén nhón vài nhúm đường chanh ăn thay cho bánh kẹo. Sau mỗi một ngày phơi đường vắt chanh dưới nắng gắt, đường khô dần, tôi phải cân lại để biết sẽ còn bao nhiêu trọng lượng còn lại cho những món khác mỗi lần gởi quà thăm nuôi cho Ba, vì nếu quá trọng lượng quy định, quà sẽ không đến tay Ba. Một lần cân lại đường vắt chanh, thấy trọng lượng bị giảm gần một nửa. Đoán là cậu em út là “thủ phạm”. Khi bị tra hỏi, em trả lời rất hồn nhiên, và ngây thơ:

 

 - Chắc mình phơi trên mái nhà , bị con mèo nhảy lên đó ăn bớt!

 

Những đứa lớn chúng tôi và Mẹ đều cười thầm, vì loài mèo không bao giờ ăn thức ăn ngọt, nhưng Mẹ vẫn dịu dàng, từ tốn dặn dò:

 

 - Thôi lần sau, làm nhiều đường chanh hơn một chút, để trừ hao “mèo” ăn mỗi lần phơi đường trên mái nhà.

 

Có những điều “không nói ra nhưng ai cũng hiểu chỉ có một người không hiểu”, nên cậu em út còn non dại,vẫn tiếp tục ăn đường vắt chanh phơi trên mái nhà, thay cho bánh kẹo mà em không có; và con mèo vẫn mang tiếng oan. Điều đó vẫn nằm trong một góc ký ức của Mẹ và chúng tôi về những ngày không hề có cả một tia sáng lẻ loi ở cuối đường hầm dài hun hút tối tăm mù mịt như tương lai của con cái những nguời tù chính trị vào đầu thập niên 80s. 

 

Và do vậy, Mẹ đành dứt ruột gởi chúng tôi, từng đứa một, ra biển để may ra nếu đến được bờ bến tự do, còn có tương lai, còn được học hành thành người. Sau này, nhìn lại, tôi vẫn phục và thương Mẹ đã hy sinh rất nhiều để chúng tôi có được ngày hôm nay.

Đến phiên tôi mang chính sinh mạng mình ra đánh cuộc với định mệnh, với sóng gió trên biển Đông bao la, Mẹ đưa tôi ra bến xe liên tỉnh, hôm đó trời xanh tháng sáu mùa hè, nhưng “bão tố phong ba” nổi lên trong lòng cả hai mẹ con. Tôi bắt đầu hành trình xuyên qua đại dương từ bến xe liên tỉnh về Vũng Tàu, -mang theo hình ảnh Mẹ, mảnh mai, yếu đuối như một cây lau, nhưng có sức chịu đựng như một cây cổ thụ, đứng một góc bến xe, với cái xách tay rất cũ, gần sờn rách Mẹ đã dùng từ tháng 4 năm 1975, nhìn theo cái xe cũ kỹ mang tôi về hướng biển Vũng Tàu- không phải để đi nghỉ hè, đi tắm biển, mà để đi tìm tương lai, để được tự do học hành, và không bị xếp loại thứ mười bốn trong mười lăm thứ bậc của xã hội chủ nghĩa.

 

Hình ảnh Mẹ ốm yếu với cái xách tay duy nhất Mẹ đã dùng từ tháng 4/75, đứng bất động ở một góc bến xe, nhìn theo cái xe đò cũ kỹ mang tôi về hướng Vũng Tầu cứ quẩn quanh trong trí tưởng của tôi. Nên khi đã học hành xong, ổn định đời sống ở Mỹ, tôi không ngừng gởi về cho Ba Mẹ đủ loại Vitamin, và những cái xách tay đủ cỡ, đủ kiểu đủ hiệu từ rẻ tiền đến brand name mặc dù như từ bao giờ, Mẹ không đòi hỏi gì từ chúng tôi.

 

Mẹ cũng chưa bao giờ dạy chúng tôi phải trả ơn cho Ba Mẹ nhưng cứ nhìn cách Ba Mẹ đối xử với Ông Bà Ngoại, và Bà Nội, chúng tôi hiểu mình phải làm gì để Ba Mẹ vui.

 

Thế hệ của Mẹ, thế hệ của những người trạc tuổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đàn bà con gái thời đó, nhất là đàn bà con gái ở Huế, rất thích bài “Diễm Xưa”. Hồi nhỏ tôi vẫn được nghe bài này, nghe đi nghe lại rất nhiều lần mà… không biết mình có hiểu đúng ý của tác giả hay không, nhưng tôi vẫn nhớ mãi câu “… làm sao em biết bia đá không đau…” và nghĩ là thế hệ lớn hơn mình, những ông cha bà mẹ, phải hy sinh rất nhiều, nhất là sau năm 1975. Đôi lúc tôi vẫn tưởng tượng dù bia đá cũng đau như ông nhạc sĩ có tài đã viết thanh ca khúc, nhưng không bằng một phần nhỏ nỗi đau của những ông Cha, nỗi chịu đựng của những bà Mẹ Việt Nam, trong đó có Mẹ yêu quý của chúng tôi trong những ngày khốn khó cuối thập niên 70s, đầu thập niên 80s.

 

Khác với thời thơ dại, bây giờ, mỗi khi nghe câu ca dao “mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau”, tôi chỉ nghĩ về Mẹ, nghĩ về tấm lòng bao la hơn cả đại dương của Mẹ. Và không cần phải biết xôi nếp một, chuối ba hương, và đường mía lau ra sao, tôi vẫn tin là ba món ăn đó ngọt ngào và quý hiếm , quý như Mẹ của chúng tôi, như mỗi một bà Mẹ Việt Nam mà tấm lòng bao la hơn cả đại dương to rộng.

 

Đâu có cần phải biết đường mía lau là gì, chỉ cần có Mẹ ở trên đời là mỗi một chúng ta đã có được vị ngọt dịu dàng nhất trên đời, Dù có lớn, có già đến đâu đi nữa, hạnh phúc lớn nhất trên đời vẫn là được nếm đường mía lau, được ăn chuối ba hương, được nhai xôi nếp một, và được cài bông hồng đỏ mỗi dịp lễ Vu lan - Mother’s Day của người Việt Nam-. Cầu mong bông hồng đỏ nằm trên ngực áo của mỗi người sẽ tồn tại lâu dài, dài như sự hy sinh triền miên, không ngừng nghỉ của mỗi một người Mẹ Việt Nam trong gian khổ cũng như trong an nhàn…

 

 

 Nguyễn Trần Diệu Hương

  (Santa Clara, Mothers’s Day 2009- Với tất cả lòng biết ơn Mẹ của 5H)

 

 blank

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 1420)
Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn ...
08 Tháng Ba 2024(Xem: 2335)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
24 Tháng Hai 2024(Xem: 3177)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 869)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2584)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3711)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 5194)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 5908)
Bầu trời tháng Bảy đẹp như mơ Sinh Nhật 6 nàng tặng rổ…thơ HOÀI NIỆM, NGUYÊN NHUNG tài khó đoán TƯỞNG DUNG, PHƯƠNG THUÝ giỏi không ngờ!
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 4948)
Ai có quay về chốn cố hương Xa xôi cách trở mấy cung đường Hỏi giùm: "Người cũ còn nhung nhớ?" Đất khách bôn ba đời lữ thứ Quê người lận đận kiếp phong sương Nhắn hộ: "Tình xưa vẫn vấn vương"
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5486)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5963)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 6057)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 6442)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5900)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 10289)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 7472)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6055)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
17 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 7221)
Suốt cả cuộc đời Voi hoạt bát chỉ chuyên tâm tu học, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn Giúp ích cho đời. Tưởng chừng gieo nhiều hạt tốt sẽ gặt lắm quả lành,
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6004)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6852)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 6822)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
01 Tháng Chín 2022(Xem: 16498)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 2022(Xem: 7607)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
29 Tháng Bảy 2022(Xem: 7746)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
28 Tháng Sáu 2022(Xem: 10190)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!