Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn thị Thêm - TRI ÂN THẦY

21 Tháng Bảy 201811:33 CH(Xem: 23961)
Nguyễn thị Thêm - TRI ÂN THẦY
tri an thầy

                                                                                       

 

Không hiểu sao từ lúc liên lạc được với bạn thời Trung Học tôi lại càng quý trọng thầy mình hơn. Thầy không có nghĩa chỉ là người từng đứng lớp dạy mình, mà bao gồm tất cả những người đã đến dạy ngôi trường mình đang học.

 

Thầy của tôi có thể là một người nổi tiếng trong cộng đồng, trong nghề dạy học, trong nghề làm báo, trong nghề viết lách. Nhưng thầy của tôi cũng có thể  chỉ là một người bình thường xuất thân từ gia đình rất bình dân. Là một người đang học Đại học đến dạy giờ, hay tốt nghiệp Sư Phạm đàng hoàng. Tất cả tôi đều quý trọng và tôn kính như nhau.

 

Đối với tôi, một người đã chọn nghề dạy học là đã góp phần đem kiến thức cho học trò. Có tâm đào tạo những mầm non tương lai cho đất nước. Ông thầy đó có thể là một người đến dạy giờ để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Hay thầy đến dạy học để thử làm một trắc nghiệm để quyết định chọn cho mình một hướng đi.  Nhưng dù muốn dù không, môi trường dạy học đã giúp người thầy đó trưởng thành và chính chắn hơn.

 

Dưới nền giáo dục nhân bản thời VNCH, người thầy giáo phải có một tác phong mô phạm và đạo đức cá nhân. Bước ra khỏi cổng trường thì sao không biết. Nhưng đứng trước bảng đen, thầy cô  phải là một nhà giáo đàng hoàng. Một tấm gương làm người cho học sinh noi theo ngoài kiến thức đã trao cho họ. Nhiều khi chính nghề dạy học đã tạo cho ông thầy thay đổi cách sống và điều chỉnh bản thân mình.

 

Ngày xưa thời còn là học sinh tiểu học, thầy cô giáo làm mình sợ và phải học. Bởi vì những hình phạt ở trường đã đưa những đứa bé ngỗ nghịch vào nề nếp. Quỳ gối, khẻ tay, đánh đít, quỳ sơ mít là những hình phạt rất bình thường. Thầy cô giáo trong mắt học trò tiểu học thật vô cùng quan trọng, đáng kính lẫn đáng sợ. Việt Nam ta ngày xưa không có ngày lễ thầy cô như ngày nay. Hàng năm vào ngày Tết Đoan Ngọ hay Tết Nguyên Đán, cha mẹ học trò đều có chút quà lễ đến kính thầy. Quà đơn giản là những cây trái vườn nhà, biếu thầy cô để tỏ lòng tôn trọng,  cảm tạ công ơn thầy cô đã giảng dạy con mình.

Tôi nhớ những món quà đơn sơ đó ba tôi trang trọng đặt lên bàn thờ và đốt hương kiến bái tổ tiên. Ba tôi nói "Đó là cái lộc của gia đình. Hãy sống xứng đáng với nghề mình đã chọn".

 

Lớn lên một chút hình phạt cho các học sinh Trung Học là đến trường cuối tuần chép bài phạt. Ý nghĩa bên trong là cho các em thuộc bài, cầm chân các em lại để sửa sai mà tập trung học tốt hơn.  Quan trọng đối với học sinh không phải là ngồi chép bài nhiều lần mà là học bạ cuối năm. Sự liên lạc thông tin giữa nhà trường và cha mẹ.

 

Ngày xưa học sinh có phá cũng chừng mực, do sự nghịch ngợm vô tư của tuổi trẻ. Tình nghĩa thầy trò tốt đẹp và bền vững nhờ những bài học đạo đức ở trường. Nhờ lương tâm nhà giáo. Nhờ tấm lòng tận tụy của các thầy cô đối với học sinh. Ngoài ra khi đã chọn cho mình nghề dạy học là người thầy đã chấp nhận cuộc sống thanh bần. Muốn đem kiến thức mình trao lại cho học sinh. Muốn đào tạo nhân tài cho xã hội. Cho nên sự cảm thông giữa thầy và học sinh phát triển sâu đậm nhất vào thời gian học trung học. Những kỷ niệm thời mới lớn đó đi theo họ vào đời và giữ lại lâu dài nhất.

Không như bây giờ, học sinh VN bị áp lực và ảnh hưởng của xã hội quá nhiều. Làn ranh thầy trò như bức tường lửa, chỉ chờ có dịp là bùng phát dữ dội. Giữa thầy trò thiếu sự kính trọng, yêu mến và cảm thông.

Vào thời điểm sau 75, nhiều câu nói hay, lạ được truyền miệng. Những câu nói ngắn nhưng thâm thúy đã diễn tả rất thực đời sống người dân lúc đó. Một trong những câu nói về nghề dạy học là "Thầy giáo tháo giày." Câu nói lái này có hai nghĩa theo sự suy nghĩ của tôi.

Thứ nhất diễn tả được phong cách lịch sự của người thầy ngày xưa. Đến lớp phải ăn mặc chững chạc. Thầy có thể chỉ mặc sơ mi bỏ thùng, quần dài lịch sự sạch sẽ. Đôi khi thầy mặc đồ vest. Nhưng chắc chắn lúc nào thầy cũng phải mang giày đàng hoàng. Cô giáo là thần tượng của tất cả nữ sinh. Đi dạy phải có tí son phấn nhẹ. Cô đẹp từ dung nhan, vóc dáng, trang phục, tư cách và cách ăn nói. Đương nhiên cô phải mang giày. Nếu cô mang thai thì ngoài chiếc áo dài phải có chiếc áo bầu rộng khoác ngoài. Vì có mang em bé, có thể cô không mang giày cao gót, nhưng dưới chân cô không thể là đôi dép lẹp xẹp mang trong nhà. Tác phong nhà giáo ngày xưa là như vậy. Lịch sự và đứng đắn.

 

"Thầy giáo tháo giày" diễn tả ý nghĩa thứ hai là đổi đời. Tháo giày là không thể mang đôi giày sang trọng để lao động kiếm cơm. Có thể thầy mang đôi dép lào hay đôi khi phải đi chân không. Nghĩa là phải rời bỏ nghề dạy học để làm một nghề khác  tay chân vất vả. Nó còn ngầm ý là nghề đó có thể không  đáng kính như nghề cầm phấn. Nhưng vì xã hội đã thay đổi một chính thể mới. Vì lý do lập trường chính trị đối kháng. Vì... rất nhiều nguyên nhân... Xã hội VN mới với chính sách lấy cái đói để cai trị đã đẩy người thầy mô phạm chân chính phải rời bỏ bục giảng, làm nhiều nghề để có cái ăn và nuôi sống gia đình. Thầy có thể  phải hành nghề xích lô đạp, chạy xe  ôm hay chạy xe đạp đi giao hàng. Nhưng với tay yếu chân mềm, tiện lợi nhất vẫn là nghề đi buôn. Có thể là bán chợ trời, buôn thuốc lá, đổi đô la... Những nghề phải có chút khôn lanh, quyền biến, mánh lới và chụp bắt thời cơ, khác xa sự chuẩn mực lương tâm của nghề mô phạm.

Cô giáo phải rời bỏ nghề mình đã chọn, phải đi buôn hàng chuyến, đi buôn lậu, bán thuốc tây, thuốc lá, bán hàng rong để kiếm cơm. Đương nhiên là không thể mang đôi giày cao gót sang trọng, mà phải mang đôi giày, đôi  dép tiện lợi để có thể chạy cho nhanh khỏi tầm rượt đuổi của công an quản lý thị trường. Nghề nào cũng  đóng góp cho xã hội, nhưng với những nghề này, các thầy cô khi ngồi trong giảng đường đại học ngày xưa không bao giờ nghĩ tới.

 

Tôi đã gặp thầy cô tôi như thế trong thời buổi đổi đời của đất nước VN. Tôi đã đứng lặng yên nhìn cô giáo tôi từ xa trong sự kính trọng lẫn xót xa. Tôi không dám đến chào cô tôi hay đến mua hàng vì tôi sợ chạm vào nỗi đau trong vết thương sâu thẳm của cô tôi. Tôi chỉ nhờ người khác đến mua hàng và lặng lẽ nhìn cô giáo trong sự thông cảm tột cùng. Thương quá,  một người cầm phấn có lương tâm chức nghiệp đã bị guồng máy chính trị đẩy ra khỏi ngành giáo dục.

Chính tôi cũng đã bị tháo giày để làm một người nông dân thứ thiệt: Cắt cỏ, chăn trâu, cấy lúa. Biết gồng mình không sợ đỉa đeo, rét lạnh, đói khát. Biết chịu đựng để giữ tư cách một nhà giáo chân chính. Tôi cũng từng là một công nhân lao động chân tay chính hiệu để sống còn. Tôi đã hiểu sâu sắc câu nói: "Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm..."  Tôi  thấm thía thêm mấy chữ "...độn khoai để không bị chết".

Trong tôi một cái gì rất thiêng liêng đã trổi dậy trong những ngày bi thương đó "Mình là một hướng đạo sinh, là một nhà giáo". Đừng vì miếng cơm, manh áo làm nhục bản thân và tư cách của mình. Tôi đã sống, làm việc và lấy hai điều đó để rèn luyện bản thân.

 

Khi tất cả chông gai bão tố đã qua, được về lại mái trường xưa, tôi vô cùng tôn kính các thầy cô tôi. Nhìn những gương thành công của các vị. Những cố gắng học hỏi để hội nhập và đi lên, nghị lực phi thường của các thầy cô. Tôi thấy mình thật nhỏ bé, đứng ở tầm cở... học trò dốt và chưa thuộc bài. Mình phải tiếp tục học tập thầy cô thêm nữa dù bây giờ tuổi cũng không còn trẻ.

 

Kính thưa thầy, cô,
Mỗi năm về tham dự hội ngộ NQ, mỗi năm đều cho em những cảm xúc rất đặc biệt.

Năm nay ngày họp mặt thầy cô về đông, tham dự với tất cả niềm hân hoan đón nhận quyển Ngô Quyền Toàn Tập. Thầy cô cũng là những người ủng hộ tài chánh nhiệt tình và sớm nhất. Thầy cô bỏ bao nhiêu công sức, thời gian để hướng dẫn, khuyên bảo và tiếp sức cho chúng em hoàn thành quyển sách giá trị này. Chính thầy cô là người có công nhiều nhất , lớn nhất. Vậy mà thầy cô lại khen tặng chúng em. Đó là trái tim bao dung của những người thầy.

 

 Chúng em biết khả năng kém cỏi của mình không thể nào thực hiện nổi quyển sách tài liệu quý giá này nếu không có sự tiếp sức của thầy cô. Quyển NQTT được gọi là "Quyển sách để đời" vì gồm là những tài liệu lịch sử trường quý giá thầy cô bỏ công sưu tập và đúc kết. Là những hình ảnh giá trị được thầy cô và tập thể cựu học sinh NQ còn lưu giữ suốt hơn 50 năm qua. Tất cả những gì thầy cô viết ra là muốn gửi gấm, nhắn nhủ lưu truyền dài lâu cho thế hệ tiếp nối. Là tài liệu lịch sử thầy cô muốn để lại cho đời sau.

Quyển sách này "Có một không hai" như một số anh chị em NQ yêu thương đã nói. Không phải vì quá đẹp mà vì tất cả những gì của NQ đã được cô đọng lại, đúc kết hết rồi. Không còn có thể ra một quyển NQTT thứ hai vẹn toàn hơn nữa. 

Rồi đây theo vòng tròn sinh tử, thầy cô (những người đã góp mặt trong  NQTT ) cũng phải ra đi (Như thầy Kiều Vĩnh Phúc) . Chúng em cũng vậy mà thôi, cái chết không ai tránh khỏi. Cho nên quyển sách NQTT là di sản mà thầy cô đã tận tình tiếp sức để  thực hiện một lần cho rốt ráo. Trọn vẹn trong mơ ước của những người đã gắn bó với Ngô Quyền.

Xin thầy cô và tất cả các bạn cựu học sinh Ngô Quyền hãy thông cảm và lấy cái tâm rộng mở yêu thương để đón nhận thành quả có được, tha thứ những sai sót không thể tránh khỏi trong quyển sách này. Đó là niềm mong ước của những người thực hiện.

 

Sau  ngày đại hội, một số thầy cô đã cùng chúng em đi ăn, hội họp vui chơi đậm đà tình nghĩa thầy trò. Sau khi tan hàng về nhà, đọc NQTTT, thầy cô đã gửi email cho chúng em để khen tặng và khuyến khích. Chúng em mừng lắm vì mình cũng đã không làm phụ lòng tin cậy của thầy cô. Những cây viết của Ngô Quyền cũng được trao ra những tâm tình rất thật của mình với thầy, với bạn. Những người Ngô Quyền tản mạn trên khắp thế giới có dịp xem lại lịch sử trường nhà. Được nhìn lại gương mặt đáng kính của các thầy cô. Được đọc lại danh sách lớp mình, khóa mình và thấy lại hình ảnh bạn bè chung lớp ngày xưa. 

Hôm nay chúng em nhận được thư mời đi thăm viếng hải đảo Waikiki  Honolulu của thầy Phạm Gia Hưng. Thầy ngỏ ý muốn tặng thưởng một tuần lễ rong chơi  Hawaii sau khi NQTT đã thực hiện xong. Chúng em xúc động lắm thầy có biết không?.  Đi được hay không là tùy hoàn cảnh và sự thu xếp của mỗi người. Nhưng với tấm lòng yêu thương NQ và học sinh, Thầy đã cho chúng em thấy cái đẹp vô cùng của một nhà giáo. Thầy cô của NQ tuyệt vời và đáng kính như vậy đó.

 

Giá trị của nghề cầm phấn không phải là cuộc sống giàu sang, mà là một đời thanh bạch. Thầy cô đã chọn cho mình làm ngọn đèn để hướng dẫn chúng em đi. Bây giờ, chúng em không còn là những cô cậu nhỏ ngồi ghế nhà trường để lo thi cử. Chúng em là những ông bà nội, ngoại trên dưới 70 lắm phen bầm dập, từng trải với đời.  Vậy mà giờ này những gì thầy cô cho ra lại khiến chúng em xúc động, càng trân trọng và tôn kính thầy cô nhiều hơn. Chúng em thấy mình thật nhỏ bé và rất hạnh phúc được học dưới mái trường NQ và là học trò của thầy cô.

 

Bảng đen đã mất từ lâu

Phấn trắng bạc màu, nhuộm tóc thầy tôi

Đây là chiếc ghế mời ngồi

Đóa hoa trân trọng, những lời tri ân.

Trở về chiếc áo trắng ngần

Học trò tuổi lớn bâng khuâng mừng thầy

Cuộc đời gió thoảng, mây bay

Tri ân trân trọng cô thầy hôm nay.

Bụi phấn theo gió tung bay

Lời thầy dạy dỗ giữ hoài trong tim.

 

NGUYỄN THỊ THÊM.


 *Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức:
BỤI PHẤN VÀ THẦY TÔI  - Nguyễn Thị Thêm thực hiện.







 

17 Tháng Năm 2010(Xem: 53763)
Thơ: Võ Thị Tuyết Nhạc: LmST Hòa âm: Cao Ngọc Dung Ca sĩ: Tâm Thư
15 Tháng Năm 2010(Xem: 75444)
Gặp nhau siết mạnh tay một chút Thiêng liêng tình bạn đã lên ngôi Giá như chưa hết bao nuớc mắt Chắc ngàn giọt lệ vội tuôn rơi
14 Tháng Năm 2010(Xem: 81809)
26 năm nghiệt ngã Kết thúc cuộc tình buồn Em trở thành nước lã Anh trở thành người dưng!
13 Tháng Năm 2010(Xem: 85871)
Lục bình theo con nước Vui nở tím triền sông. Đồng lúa xanh mênh mông Cò vui bòn tôm cá
13 Tháng Năm 2010(Xem: 80469)
Bờ giếng khơi lan cỏ Mặt nước trong ngời ngời Chứa trăm làn mây nhỏ Vầng nhật nguyệt chơi vơi.
07 Tháng Năm 2010(Xem: 138558)
Mẹ là đề tài xưa cũ nhưng không bao giờ lỗi thời trong Thơ Văn; nhờ thế mà hôm nay, nhân Ngày Lễ Mẹ 9/5/2010, chúng ta có dịp giới thiệu trên Trang Web Nhà những bài viết ngắn qua lời văn chân thật, những vần thơ giản dị mà tràn ngập hình ảnh, hồi ức, kỷ niệm thân thương về Mẹ . Xin bấm các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
07 Tháng Năm 2010(Xem: 61207)
Tháng Năm Lễ Mẹ, mẹ ơi! Con không về được xin Người thứ tha Thêm mùa Lễ Mẹ xa nhà Nhớ lòng biển cả mẹ già dấu yêu!
07 Tháng Năm 2010(Xem: 90314)
Ngày nay, má tựa như ngọn đèn dầu trước gió, nếu một mai ngọn đèn tắt đi, e rằng cuộc đời còn lại của tôi sẽ mang nhiều ân hận và tiếc nuối. Ân hận vì không có những giây phút kề cận bên má lúc tuổi già, tiếc nuối vì không còn được một lần ăn lại món thịt nọng kho, cá trê chiên dầm nước mắm mỡ hành và nghe giọng nói của má với “ Hương vị ngọt ngào”.
06 Tháng Năm 2010(Xem: 74191)
Giờ muốn khóc, tự nhiên con thèm khóc Như lăn vòng khỏi võng, khóc hụt hơi Ước chi Má một bên bồng con dậy Khóc một đêm rồi xa Má muôn đời!
06 Tháng Năm 2010(Xem: 79721)
Chúng ta hãy cài một hoa hồng cho những ai còn Mẹ! và một đóa bạch hồng cho những ai mất mẹ. Dù Mẹ còn hay mất, chúng ta cũng phải nên nhớ cho rằng, tất cả ai sống trên đời nầy, thân thể nầy cũng chỉ là một phần tách rời từ thân thể Mẹ mà ra.
06 Tháng Năm 2010(Xem: 64426)
Để con lạnh Mẹ sợ ghê Chiều Đông mưa gió não nề lạnh căm Mẹ ôm con chặt trong lòng Lời ru Mẹ hát, ấm vòng tay êm
30 Tháng Tư 2010(Xem: 78475)
tháng tư về, một thoáng bâng khuâng chút nắng tan, chợt nồng mắt đỏ ai trả lời em điều chưa bày tỏ rằng một thời ta đã yêu nhau?
29 Tháng Tư 2010(Xem: 78533)
Vòng eo áo nhỏ mồ côi Chờ vòng eo thật của người mình thương Lao xao gió bụi mười phương Những hàng khuy bấm giận hờn bung ra
28 Tháng Tư 2010(Xem: 81746)
Xa sông Đồng Nai rồi thấy nhớ Bìm bịp kêu con nước lớn ròng Một bên bồi phù sa màu mỡ Bờ bên kia sóng cuộn thành dòng.
25 Tháng Tư 2010(Xem: 92918)
Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người.
17 Tháng Tư 2010(Xem: 74922)
Vẫn em, áo, với tóc thề, Nghìn xa vẫn một tình quê đậm đà. Đã đành xa vẫn còn xa, Áo em vẫn nét mượt mà Việt Nam!
17 Tháng Tư 2010(Xem: 74872)
Xưa mình đi học về Qua đường đê quanh co Tím màu hoa mắc cỡ Đồng xanh trắng cánh cò.
16 Tháng Tư 2010(Xem: 75931)
Khắc khoải niềm tâm sự Sầu trọn kiếp chưa nguôi Biết ai người tri kỷ Chia xẻ những ngậm ngùi?
15 Tháng Tư 2010(Xem: 58608)
Kể lại để cùng nhớ Cau trầu nhai với vôi Thành màu son đỏ ối Thắm tình nghĩa thiêng liêng.
12 Tháng Tư 2010(Xem: 72304)
Ru em khúc tình sầu Anh quên lời ca cuối Bên ngoài trời mưa vộ i Em hãy ngủ cho ngoan
07 Tháng Tư 2010(Xem: 71899)
Đẹp như màu áo em Nữ sinh trường Ngô Quyền Đạp xe theo Quốc Lộ Che chiếc nón nghiêng nghiêng
06 Tháng Tư 2010(Xem: 82971)
Ngày đầu bước vào ngưỡng cửa Trung học của tôi không được đẹp và dễ thương như các nhà văn đã miêu tả. Tuy nhiên nó vẫn cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
05 Tháng Tư 2010(Xem: 74094)
Mỗi một mùa gió lộng Mươi bài hát phiêu du Cò xưa gầy bay trắng Rừng lá phủ sương mù .
05 Tháng Tư 2010(Xem: 71190)
Tình em là biển cả Tình anh là mây trôi Hai nẽo đời khác lạ Đành gọi cố nhân thôi!
05 Tháng Tư 2010(Xem: 72856)
Thêm mùa hoa bưởi tháng ba Lòng tôi nhớ đến Biên Hòa ngày qua Bao mùa hoa bưởi xa nhà Nhớ về quê cũ hương hoa thơm nồng
04 Tháng Tư 2010(Xem: 60867)
Mồ hôi chan vào đất Cho dâu lá xanh rờn Trải dài xa tít tắp Dáng mẹ càng gầy hơn.
04 Tháng Tư 2010(Xem: 69949)
bất ngờ phố cổ chiều vàng nắng xao xuyến lòng ai chợt bâng khuâng tôi đã gặp em từ lâu lắm, hay mới hôm nào giữa phố xuân?
04 Tháng Tư 2010(Xem: 71381)
Yêu nhau tha thiết giữ gìn nhau Tình ngát hương trinh tự thuở nào Cố giữ trong lòng hương kỷ niệm Cho tình đẹp mãi đến ngàn sau…