Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Hữu Hạnh - Tháng Ngày Nắng Vội.

28 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 72978)
Nguyễn Hữu Hạnh - Tháng Ngày Nắng Vội.

 

 

THÁNG NGÀY NẮNG VỘI...

 

                  (nhớ cô Phạm Thị Kim Sơn với phần thưởng “Tâm Hồn Cao Thượng”)

 

 

“Muốn sang phải bắt cầu Kiều,

Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”

 

 “Tâm Hồn Cao Thượng” do Hà Mai Anh dịch thuật, tôi đã từng đọc khi những ngày học lớp nhất của bậc tiểu học, và luôn nhớ câu chuyện một vị quan trên đường công tác dừng chân lại trường cũ để thăm lại thầy xưa. Cao đẹp biết bao hình ảnh của thầy cô, như những người làm vườn luôn vun bồi cho mầm xanh đươm lá, riêng người làm vườn riêng mình cằn cỗi với thời gian, hay như những người đưa đò tận tụy đã đưa nhiều lượt khách sang sông, nhưng khách sang đò vốn dĩ vô tình chưa một lần trở lại.  Đừng vội nói vô tình không đáng trách, hãy để tâm hồn lắng đọng dành một khắc một giây nhớ ơn thầy, nhớ ơn cô với tháng ngày nắng vội.

            Cho tôi tìm lại những ngày tuổi thơ, trở về thời trung học của một thời để yêu. Mong được nghe lại những hồi chuông vang, giữa sân trường Ngô Quyền ngăn cách hai dãy lầu, nhớ đến những hình ảnh đầu tiên, nhớ thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo với chiếc áo sơ mi xám cộc tay, đứng trước văn phòng, chờ đón học sinh đi trễ hoặc không đeo phù hiệu, nhớ đến dáng cao cao hiền hậu của thầy giám học Phan Thanh Hoài, nét ồn ào đôn hậu miền Nam cùa thầy tổng giám thị Bùi Quang Huệ. Chuẩn bị vào lớp, quên sao được thầy giám thị Cầm, cô Tư Giàu, thầy Lương Văn Tý, thầy Thân Toàn Tất và thầy Phan Khắc Tân. Và cũng không quên quý thầy cô đã đóng góp âm thầm như thầy Nguyễn Văn Hảo, thầy Lê Hồng Sanh, cùng thành phần ban giám hiệu được thay đổi tiếp nối với thầy Dương Hòa Huân, thầy Hoàng Đôn Trịnh và thầy Phạm Khắc Thành. Lớp Anh văn vỡ lòng Let’s learn English do cô Đào Thị Nga được dạy phát âm bằng máy hát đĩa, English for Today với cô Võ Thị Thu Thủy, thầy Nguyễn Xuân Kính, thầy Nguyễn Văn Lang, cô Phan Thị Tốt và thầy Phạm Văn Dật. Riêng Pháp văn là sinh ngữ phụ, luôn nhớ đến thầy Đinh Hữu Quyến và nhất là cô Nguyễn Thị Mỹ. Những bài toán đại số đầy căn số và hằng đẳng thức đáng nhớ, hình học không gian nan giải, quĩ tích tiến tới vô cực và làm sao để cân bằng được phản ứng hóa học nếu không có thầy Nguyễn Văn Phố, thầy Phạm Thăng Long, Nguyễn Phi Long, thầy Nguyễn Thất Hiệp, thầy Tôn Thất Phong, thầy Tôn Thất Để, thầy Lê Quý Thể, thầy Mai Kiến Phúc và thầy Lê văn Túy. Làm sao dẫn nhập từng bài viết, bằng lối diễn dịch qui nạp hay lung khởi, câu nối chuyển tiếp để lôi kéo và thuyết phục người đọc, trải dài tình cảm trong tác phẩm Kim Vân Kiều, Bích Câu Kỳ Ngộ, làm quen và đón nhận các thi phẩm giá trị của bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương nếu không có cô Hà Bích Loan, thầy Đoàn Viết Biên và thầy Phạm Ngọc Quýnh (còn thầy Nho với dáng dấp học trò). Đặc biệt có những thầy không người cạnh tranh là thầy Nguyễn Ngọc Ẩn dạy Sử Địa, và thầy Lâm Tấn Văn phụ trách môn Vạn vật, thầy Thân Trọng Hưng dạy Hán văn.Nhớ đến thầy Lê Hoàng Long với đàn violon cùng sáng tác độc nhất “Gợi giấc mơ xưa”. Bên Triết thì có thầy Bích và thầy Giáp, những tháng các thầy bị trưng tập quân sự, các lớp toán được tăng cường cô Tâm và thầy Lương từ Đại Học Khoa Học. Luôn nhớ đến tên quý thầy cô luôn gắn liền với mái trường như cô Bàng, cô Bê, cô Luông, cô Nhã Ý, cô Tiêu Quý Huê, thầy Đinh Văn Sái, thầy Nguyễn Minh Mẫn, thầy Thạc, thầy Thại, thầy Hoàng Phùng Võ, thầy Phạm Khắc Khiêm, thầy Nguyễn Hữu Tiến, cô Dung, sau nốt là thầy Hà Tường Cát v.v…

Rời bỏ trường xưa, tập tễnh vài năm đại học, lại rảo bước tha phương. Không gì sung sướng trên vùng đất lạ gặp lại người thân quen lại là thầy cũ của mình.  “Thưa thầy, em học thầy dạy môn vạn vật năm đệ lục trường Ngô Quyền,”… người trung niên thấp nhỏ, nước da ngâm đen  mừng rỡ  ôm chầm lấy tôi, như ôm lại kỷ niệm ngày nào, chúng tôi đã quên đi quân phong quân kỷ, cùng chia sẻ giữa thầy và trò. Thầy Quan dạy Vạn vật trong những năm đệ nhất cấp, (cùng thời với thầy Nguyễn Hữu Ân), thầy trò gặp lại trong một dịp tình cờ trong lần đi công tác yểm trợ cho hiệp định Paris 1973 tại Vĩnh Long, đứng trước cổng trường Tống Phước Hiệp mà cứ ngỡ là Ngô Quyền. Ngót tám năm qua với ký ức trẻ thơ tôi vẫn còn nhớ, trước đây khi còn dạy ở Ngô Quyền thầy đã giảng dạy tôi biết những nọc độc của loài ong đen, giờ đây gặp lại thầy lại hướng dẫn những nguy hiểm của vùng tranh tối cho đứa học trò cũ, chắc hẳn thầy cũng không nhớ tên… Thầy trò xuyên suốt biết bao niên khóa, lẽ thường thầy cô không bao giờ nhớ hết tên họ của học trò, nhưng khác hẳn với thầy Quan, thầy Trần Phiên có một thời gian dạy toán ở Ngô Quyền sau nầy thầy Phiên thuyên chuyển lên trường Võ Bị hiện đang định cư tại Texas. Nhắc đến thầy Phiên bằng những kỹ niệm đẹp nhất trong đời, dù đang sống trong thời gian đày ải cùng cực, căn bệnh rét rừng của vùng Bà Rá Phước Long, không biết bao nhiêu lớp người lớn tuổi đã gữi lại thân xác vùng rừng núi hoang vu nầy. Trước những tháng ngày nắng vội đầy nghiệt ngã, vẫn còn có thầy có trò bên nhau bằng sự tôn kính tràn đầy nhân bản, dù rằng chúng tôi đã được trang bị kỹ bài học bình đẳng, không thầy trò, cha con trong cuộc đời mới . Cám ơn thầy Phiên, cám ơn những người anh, người bạn đã cho tôi những hình ảnh đáng trân quý. Thầy Phiên đã có được những hạnh phúc miên viễn tình thầy trò, ngay những học sinh Ngô Quyền thầy chưa một lần dạy. Hãy cùng nhau chia sẻ email đầy tâm huyết của thầy Trần Phiên mới đây “tôi muốn tìm Đặng Vũ Vĩnh hs Ngô Quyền cùng thời với Đặng Thị Hảo, Đỗ Thị Kim Thoa . Vì Đặng Vũ Vĩnh, Ngô Đình Dũng, Lê Hữu Phước, là một số hs Ngô Quyền cũ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày bi đát trong trại tù. Những người bạn không bao giờ có thể quên được”.

            Những ngày đầu của thập niên 80, có một lần gặp lại thầy Lê Văn Tuý trước công ty xổ số Đồng Nai. Nhớ lại ngày rời xa mái trường 1970 tôi cùng nhóm bạn có dịp cùng thù tạc với hai thầy Lê Văn Túy và Lê Quý Thể tại quán Thâm Giao, thầy trò tiếp tục vui chơi suốt đêm, mới biết mình đã trưởng thành. Qua tháng ngày nắng vội với bao thế sự thăng trầm, thầy Túy còn đây, không biết thầy Thể ở  phương nào, nghe đâu cũng định cư ở Cali, nhưng không có dịp gặp không biết thầy vẫn còn luôn mang dép da và quần không túi không?

            Tháng ngày hòa mình với quê hương, những ngày thồ xe dọc theo công viên bờ sông tôi vẫn thường gặp thầy Dương Hòa Huân ngồi đổi gió trên băng đá để tìm chút trong lành và nhìn theo bóng người qua lại. Và những người qua lại không ít là học sinh Ngô Quyền đã nên danh phận, một số còn long đong lưng gầy cố vác từng bao tải nặng ở các cửa hàng lương thực, hay gò mình trên chiếc xích lô với mồ hôi nhễ nhại lên dốc Ngã Ba Thành.

            Vào giữa năm 1993, tôi có dịp ghé thăm thầy Phạm Khắc Thành trong khu chợ nhỏ trước cổng trường, nhân dịp thầy trở về thăm lại người thân và được nghe thầy nhắc nhớ những kỷ niệm đầy nuối tiếc, những hoài bão dở dang. Riêng đối với thầy Phạm Khắc Thành còn nhắc nhớ, nhưng đối với thầy Bùi Quang Huệ thì không, lần cuối cùng ghé thăm thầy Huệ nhà trong cư xá Kiến Thiết Thủ Đức, lòng tôi bỗng chùng xuống và đầy bồi hồi xúc động, dù biết rằng thời gian sẽ không từ một ai, giọng nói ồn ào ngày xưa không còn nữa, được thay bằng giọng nói yếu ớt và đứt khoảng, đặt bàn tay run rẩy gầy guộc thầy cố gắng đặt lên vai tôi. Không biết sau tôi còn ai thăm viếng và xưng hô tiếng “Thầy” tôn kính ngày nào trong những ngày còn lại, vì thầy Bùi Quang Huệ đã ra đi trong lặng lẽ bên những người thân...

            Tách bước rời khỏi quê hương, tưởng chừng đánh mất thầy cũ, trường xưa. Trời Cali thấm lạnh, nhưng được sưởi ấm bằng tình cảm ngày nào bạn bè chung học dưới mái trưòng, tôi đã gặp lại thầy Mai Kiến Phúc, từ ngày cô Còn mất thầy Phúc có dịp gần gũi gia đình Ngô Quyền nhiều hơn. Gặp lại thầy Hà Tường Cát trong buổi tham dự sinh hoạt cộng đồng, tuy không học thầy nhưng tôi vẫn nhớ và đến chào thầy, thầy đang bận bịu săn ảnh cho bài phóng sự, cũng dành cho tôi một tiếp xúc đầy thân ái.

            “Tha phương ngộ cố tri” niềm vui mừng lớn lao được gặp lại Thầy Phạm Đức Bảo trong buổi tiệc tiếp đón thầy do một nhóm cựu học sinh NQ tổ chức tai nhà hàng Seafood World, nhân dịp thầy Bảo từ Đức sang Cali vào năm 1995. Đồng nghiệp và học trò cũ đều nôn nóng gặp lại thầy để nhìn lại “dung nhan ngày đó bây giờ ra sao” thầy Bảo đến từng bàn để tìm lại nét hồn nhiên đầy năng động ngày nào của từng đứa học trò, qua nhiều vết nhăn trên trán và tóc đã pha sương. Bồi hồi thầy Bảo nhắc lại những ngày nghỉ dưỡng sức ở B 5, nhắc đến đứa học trò thầy đã “ghét” nhất nhưng lại kề cận cùng thầy trong những năm tháng đen tối nhất, anh Lê Văn Thành, ngoài ra thầy Bảo nhắc đến sự chào kính và nhắc nhớ của một người đã từng học Ngô Quyền, dưới sự chăm sóc của thầy, nay đổi lại là người quản lý thầy trong những tháng ngày nắng vội. Hạnh phúc nhỏ nhoi lại tìm được trong những ngày đắng cay, thầy Bảo đã  từng thưởng thức cà phê Paris, Berlin hay Cali, nhưng hương vị chắc không đậm đà bằng ly cà phê sữa đá của Lê Văn Thành đã tìm mọi cách đem về cho thầy trong những ngày ở B 5. Kính thầy Bão giữ gìn sức khoẻ, để đến được ngày Đại Hội 50 Năm.

             Tháng ngày tất bật nơi xứ người, theo ngả  Bolsa  về Busha, nhìn lại hình ảnh của thầy giám học khả kính năm xưa, cũng dáng người cao cao, từng bước chậm âm thầm qua trung tâm Asia thầy vẫn miệt mài đóng góp vào mọi sinh hoạt cho trường xưa. Nhớ ngày rời đại hội NQ ở Bắc Cali để trở về lại mìền Nam, mọi người đều mệt mỏi được người thân đến rước, riêng thầy vẫn một mình thong dong bước nhẹ  đến trạm xe  bus về Westminster và vẫn giữ được nụ cười. Sau những lần họp măt tại nam Cali có gặp lại thầy Nguyễn Văn Phố, thầy Nguyễn Xuân Kính, thầy Nguyễn Phong Cảnh và cô Đặng Thị Trí. Riêng tôi không có học cô Trí, nhưng với trí nhớ tuổi thơ tôi vẫn còn nhớ vào những tháng ngày đi học, hình như cô Trí đã một lần bị thương sau vụ nổ plastic tại  một rạp hát  ở Sài gòn?

            Thầy Nguyễn Xuân Kính dạy Anh văn năm Ngũ 4, nhưng bạn bè cùng thời quá quắc của tôi luôn nhớ nhân vật Lý Bùi trong bài Việt văn của thầy Đoàn Viết Biên. Tôi đã học Toán thầy Nguyễn Văn Phố trong những năm đệ nhất cấp, hơn 30 năm gặp lại thầy luôn nhắc nhớ những học sinh giỏi thời nào, nhưng vì là đứa con nhà nghèo, xấu trai lại học dở, nên tôi không có tên trong đám học trò thầy vẫn nhớ. Nếu được như Tô Anh Tuấn gặp lại thầy Phố và cùng học chung lớp ESL biết bao là hạnh phúc. Luôn kính sức khỏe thầy Phố, hy vọng với chiếc xe cà tàng thầy luôn chở thầy Hoài đến với sinh hoạt chúng em. Thầy Nguyễn Phong Cảnh dạy Toán sau những năm 70, là một người thầy cũng như là một người anh trong gia đình Ngô Quyền, lúc sinh thời thầy Cảnh đã đào tạo một thế hệ đàn em không kém và là gạch nối giữa thầy cô và đông đảo học sinh Ngô Quyền, tôi không có hân hạnh học toán với thầy Cảnh, nhưng từ nơi thầy Cảnh tôi đã học được những bài học quý báu như tình thầy trò, tình bạn, nhất là tình nghĩa phu thê trong cơn hoạn nạn yếu đau, cao đẹp và thiết thực hơn những lời tuyên hứa của đôi uyên ương trong ngày lễ hôn phối. Tôi và thầy đã từng  song hành trong nghĩa trang vắng lặng, cùng suy niệm về thân phận con người trong ngày đưa tiễn thầy Phạm Khắc Thành. Trong đặc san NQ 2003, có một bài viết tôi nhắc đến thầy Cảnh, được thầy đọc mang niềm vui sức khỏe hồi phục, nay những giòng nầy viết về thầy, nhưng thầy không còn nữa…

            “Tâm Hồn Cao Thượng” được đọc lại sau hơn 40 năm, nhưng hình ảnh “Tôn sư trọng đạo” không phải được tìm lại trên trang sách cũ năm nào, lại tìm thấy được trong ngày đại hội NQ 2005 tại Nam Cali, chị Nguyễn Thanh Vân đến từ tiểu bang Oklahoma, người học trò đã tiếp nối bước thầy cô và thành công tại Hoa Kỳ, đã lên phát biểu lời chân tình biết ơn thầy cô đầy xúc động, những gì chị Nguyễn Thanh Vân đạt được ngày hôm nay là do sự tích lũy qua học tập và công lao dạy dỗ của thầy cô dưới mái trường Ngô Quyền. Cám ơn tâm tình tri ân của chị Nguyễn Thanh Vân, cám ơn thầy Hà Tường Cát đã đại diện thầy cô đón nhận sự biết ơn đầy bồi hồi xúc động. Hy vọng với những hình ảnh cao đẹp ngần ấy, như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.

                                                                                   

                                                                                    Nguyễn Hữu Hạnh

 

04 Tháng Giêng 2021(Xem: 10935)
... chợt ngưng vẽ môi điểm nụ cười mắt long lanh. sáng dường như V đang có điều bí mật thì ra “điều bí mật” luôn ẩn nấp trong tim đợi tiếng. thầm thì...
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 12595)
Lời tôi chỉ gió thoảng hư không Nghĩ đến tương lai cũng chạnh lòng Đàn con cháu Việt trên đất Mỹ Có còn hạnh phúc như ước mong?
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 11325)
Hân hoan chào đón năm mới sang Pháo mừng Xuân đến nổ rền vang 2021 nhiều hy vọng. An Bình, Hạnh Phúc tiếng cười vang.
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 9943)
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là năm 2021 đến với chúng ta. Xin hãy mang đến niềm vui, an lành, hạnh phúc và thịnh vượng đến với thế giới này. CHÚC MỪNG NĂM MỚI
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 13101)
Năm nay với những ngày ‘cấm cung’ vì dịch Covid-19, tôi mới nghĩ đến việc ngồi xuống viết về “Tỉa Thủy Tiên” để chia sẻ với bạn bè thân hữu ở xa những kinh nghiệm và hiểu biết (có thể chỉ là căn bản) về thủy tiên.
19 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 10163)
. Mùa Giáng Sinh đã về thực sự trong căn nhà bấy lâu đã mất nụ cười. Ngày mai họ sẽ trang trí cây thông. Ánh đèn rực rỡ, thiên thần và những quả bóng nhỏ sẽ lấp lánh niềm vui hạnh phúc gia đình .
19 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 11494)
Những bông tuyết trắng nhẹ buông Là lòng của mẹ yêu thương gửi về Chúc con người lính xa quê Sống vui khỏe mạnh ngày về bình an.
17 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 10769)
Em như loài hoa dại Mọc trên đá khô cằn Vẫn vươn mình lớn dậy Thơm ngát cùng gian nan.
17 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 11654)
Thương người, nhớ nước nhớ non. Nay nơi đất mới, tuyết còn đang rơi... Đông,Tây xa cách đôi nơi Đôi dòng gửi Bạn người ơi thấu tình?
13 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 9832)
Bài hát Giáng Sinh thật hay đó không phải được phát lên ở Mỹ hay Âu Châu lạnh lẽo giữa mùa đông tuyết giá. Mà được phát ra tại quê hương tôi giữa nhiệt độ nóng nực 112 độ F Sài Gòn.
12 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 10406)
Và cuối cùng tôi yêu Trái tim nhỏ mỹ miều Xin em đừng ngừng đập. Để tôi hoài được yêu.
28 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11401)
Xin cúi đầu tri ân Tiên Tổ Những Anh Hùng Liệt Nữ Việt Nam Mũi Cà Mau đến Ải Nam Quan Xương máu thành phù sa bồi đắp.
28 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10920)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
27 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12579)
Mưa rơi trên lá vàng thu Tiếng mưa như tiếng mẹ ru thuở nào Giọt thánh thót, giọt nghẹn ngào Tràn dâng nỗi nhớ, lời ca dao buồn
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 9771)
Mong rằng nhà giáo sẽ được tôn vinh thật sự, chứ không phải tạo ra để tặng hoa và liên hoan. Hãy tôn trọng những Thầy Cô đứng đắn đứng trên bục giảng và cũng nên thẳng thắn nhìn vào nền giáo dục để xây dựng, củng cố văn hóa Việt Nam..
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12015)
Nguyện cầu Trời, Phật, ơn trên...? Làm cho thế giới trở nên An Lành.. Cản ngăn kẻ ác tung hoành. Giúp người yêu nước hoàn thành ước mơ.
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12758)
Một nén hương lòng tiễn đưa nhau Tử sinh tái hợp có gì đâu Cánh hoa phiền muộn giờ khép lại Phiến lá sầu chìm giữa mưa ngâu.
15 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10284)
Vì đại dịch COVID-19, chừng như nhân loại đang phải có một thời gian ngủ đông như loài gấu trắng ở Bắc cực. Hy vọng đây là lần “ngủ đông” duy nhất của loài người trong thế kỷ 21.
15 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11693)
đêm tàn lạnh giấc mơ hoa tiếng mưa ngày cũ xót xa nỗi niềm hàng cây trút lá ưu phiền tiễn thu lặng lẽ, đầy thềm gió mưa....
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10010)
Lá bàng ở sân xoay vòng rồi rơi xuống. Đời mụ cũng như chiếc lá vàng còn nằm ở trên cây sẽ rụng bất cứ khi nào. Tại sao mụ phải sợ.
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11801)
Từ ấy đông Biên Hòa trở lạnh Trăm năm sông vẫn mịt mờ sương Lối quen sao đường về lạc hướng Người ơi người quanh quất buồn tênh.
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11969)
Năm nay bầu bán thật là buồn Virus giờ này chẳng chịu buông Xã hội hô hào binh với chống Gia đình tranh chấp ghét và thương
08 Tháng Mười Một 2020(Xem: 9524)
Anthony và chủ các nhà hàng khác vẫn cầu nguyện và hy vọng ở một mùa xuân năm tới khí hậu ấm lên, và sẽ có thuốc ngừa đại dịch. Người ta có nghị lực tranh đấu để tồn tại nhờ hy vọng ở một ngày mai tươi sáng hơn. Sau cơn mưa trời lại sáng...
07 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10518)
Những thứ này xa lắc rồi. Mấy ai còn nhớ đâu, nhưng có khi lại thấy chúng gần, thật gần… tưởng chừng như mới đâu đây thôi, như hôm nay tôi ngồi viết bài này. Chạm tay vào dĩ vãng, sao thấy ngậm ngùi quá!
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10295)
Tin hay không tin có ma tùy bạn. Nhưng xin các bạn đừng ghét ma vì họ rất tội nghiệp. Các bạn đừng chọc phá hay làm bạn với ma quỷ. Hãy để ma sống yên bình với thế giới của riêng họ.
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10849)
Hóa mã... cô cười vui tợn nhỉ? Thành ngưu... cậu nhảy thích ghê mà! Bù cho thuở nọ... ta còn bé Chỉ chộ hình ma đã khóc òa!
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12072)
Đêm Halloween đốt hương em thủ thỉ Ma năm nay không xin kẹo "Trick or Treat Ba ngày tới bầu Tổng Thống định kỳ Mà kết quả sao lần này đáng sợ.
24 Tháng Mười 2020(Xem: 9800)
Tên thanh niên không thèm ngoái đầu nhìn lại, nó ôm con gà ngồi ở yên sau. Chiếc xe rồ máy lao ra khỏi cổng. Chị Mận đứng yên như trời trồng miệng lẩm bẩm: - Không biết sáng giờ nó ăn uống gì chưa?