Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Đinh Quang Bình - Đứa Con Nuôi Của Trường Ngô Quyền

28 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 72439)
Đinh Quang Bình - Đứa Con Nuôi Của Trường Ngô Quyền

 

    Đứa con nuôi của trường Ngô Quyền.

                              Đinh Quang Bình

 

Anh Đinh Quang Bình trước là học sinh của trường…, nhờ có tài năng xuất sắc về bộ môn bóng chuyền, nên đã được bạn bè giới thiệu và nhất là Thầy Lê Quí Thể đề nghị để được chuyển về học tại trường Ngô Quyền trong năm cuối bậc trung học của anh. Tại đây, anh đã được bầu  làm trưởng ban Thể thao niên khóa 72-73. Với tinh thần và tài nghệ đặc biệt của mình, anh và các bạn đồng đội đã mang về nhiều thành tích vẽ vang cho trường. Trong niềm vinh dự đó, anh Bình đã tâm tình với chúng ta về những kỷ niệm và niềm tự hào của anh trong thời gian được mang về làm đứa con của trường Ngô Quyền.       

 

 

 

Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ. Riêng tôi, sau cuộc di cư 1954 gia đình tôi vô Nam, ba tôi đi lính trong quân đội Pháp, sau đó giải ngũ làm công nhân cho người Pháp. Vì vậy gia đình tôi nay đây mai đó, bôn ba khắp miền Nam , và cũng vì thế mà việc học của tôi bị chậm lại, so với các bạn cùng lứa, tôi học sau họ 2 lớp. Tôi đến trường Ngô Quyền vào năm cuối của bậc trung học. Nghĩ lại, hình như đây là một duyên phận trong quãng đời học sinh ngắn ngủi và quý báu nhất của tôi. Khi nghe ai nói về trường Ngô Quyền  Biên Hòa, trong lòng tôi cảm thấy vui vui, hạnh phúc vì mình cũng đã có ít tháng ngày thơ thẩn, lẩn quẩn trong sân trường, đi tìm một tà áo trắng…trong giấc mơ của tôi!

      Thời gian thấm thoát đã hơn ba mươi năm. Ngôi trường xưa vẫn còn đó, tôi thì ở tận phương này, không biết đến bao giờ mới có thể trở về thăm lại. Hôm nay, với sự động viên của các bạn, các em ( Ngọc Dung ở Cali và cô em út ở Utah ). Tôi cố gắng ngồi ôn lại những kỹ niệm của một năm học khá đặc biệt ở trường Ngô Quyền năm xưa…

      Tuy là đứa con nuôi của trường chỉ một niên học thôi, nhưng hình như tôi có duyên nợ gì với trường này thì phải. Chuyện là vào năm 1971, ( lúc đó tôi chưa là học sinh Ngô Quyền ). Anh Đằng là học sinh Ngô Quyền đến nhà tìm tôi, nhờ tôi đi thi đấu bóng chuyền giúp cho trường vì đội bóng đang thiếu người, là trận đấu hữu nghị giữa trường Ngô Quyền với trường Kiểu mẫu Thủ Đức. Vì đam mê thể thao và nhất là môn bóng chuyền, nên tôi nhận lời mời ngay. Nhân dịp này, tôi được làm quen thêm nhiều bạn và thân với thầy Lê Quí Thể, là người phụ trách thể thao của trường. Ngoài môn bóng chuyền còn có môn vũ cầu với Diệp thị Hồng Phượng, với Mộng Điệp là cầu thủ bóng bàn, đội bóng đá thì do anh Đinh Công Hoàng và anh Minh dẫn dắt. Tôi không nhớ rõ các môn kia thi đấu thắng bại ra sao, riêng môn bóng chuyền chúng tôi đã chơi một trận rất đẹp mắt, đem chiến thắng tuyệt đối về cho trường. Chiều về, ngồi uống nước ở quán chè trong trường, thầy Thể tâm sự với tôi là thầy rất vui vì đã phát hiện được tài năng của tôi thật đúng lúc. Thầy hy vọng và tin tưởng tôi cùng đội bóng chuyền sẽ mang lại nhiều thành tích cho trường. Sau lần thi đấu đó, những người bạn ở Ngô Quyền một lần nữa đến nhà nhờ tôi đi thi đấu cho trường ở Bình Dương. Tôi được biết ba trường công lập của ba tỉnh : Ngô Quyền Biên Hòa, Chu Văn An Sài Gòn và Trịnh Hoài Đức Bình Dương là 3 trường kết nghĩa. Lần này thi đấu hữu nghị các môn thể thao, địa điểm là sân trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương, chúng tôi lại thêm một lần nữa đem chuông đi đánh xứ người. Ngày lên đường, tôi đến trường Ngô Quyền đúng giờ đã hẹn, tất cả các cầu thủ và các cổ động viên của trường đi trên một chiếc xe bus, riêng tôi được thầy Thể chở bằng xe zeep của chính thầy. Trên đường đi, thầy cho tôi biết về lối chơi của hai trường bạn, và thầy động viên cho tôi có thêm niềm tự tin.  Bình Dương có hai trường Trịnh Hoài Đức nam và nữ, hai trường này cũng gần nhau, nên khi chúng tôi tới nơi thì các bạn nữ ùa kéo nhau qua ủng hộ cho đội nhà, một phần cũng muốn “ xem mắt” các anh chàng nam sinh của hai trường bạn để làm quen…Chúng tôi thì cứ ngẩn ngơ nhìn ngắm các cô nữ sinh, thật đúng là “ người đẹp Bình Dương” không sai tí nào. Qua các thủ tục ra mắt, chào hỏi, chúng tôi cử đại diện bốc thăm thi đấu. Trường Ngô Quyền bốc nhằm thăm trắng nên được thi đấu sau, Chu Văn An và Trịnh Hoài Đức thi đấu trước, ai thua sẽ đấu với đội còn lại. Sau 3 hiệp đấu, trường Chu Văn An thắng trường Trịnh Hoài Đức và như vậy, Ngô Quyền sẽ vô sân đấu với đội thua. Tuy đường xa làm cho chân tê mỏi và ngồi xe chật chội, nhưng chúng tôi với tinh thần quyết tâm giành thắng lợi cho trường, đã thắng trường Trịnh Hoài Đức với tỉ số 2/0, làm tắt lịm tiếng reo hò cổ động của đội chủ nhà. Đội chủ nhà đã bị loại, còn lại 2 đội khách vô chung kết, thật căng thẳng và gay go. Thỉnh thoảng tôi nhìn ra ngoài, thầy Thể đang đứng ngồi không yên. Thầy góp ý chỉ đạo chúng tôi cần nhắm vào điểm yếu, kẻ hở của đối phương để phát huy điều thuận lợi cho đội nhà.Tuy thầy không phải là cầu thủ nhưng với vai trò phụ trách môn thể thao và đã từng dẫn đội bóng  tham dự những trận thi đấu nên thầy cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Cộng với sự cổ vũ tuyệt vời của các cô nữ sinh trường mình, trường bạn…cuối cùng đội Ngô Quyền đã thắng với tỉ số 3/2. Tôi còn nhớ bên đội Chu Văn An có anh Nhân, một cầu thủ xuất sắc nhất ( sau này theo lệnh động viên vào lính, tôi gặp lại anh và cùng chung đội bóng chuyền ở trường sĩ quan Thủ đức ). Sau một ngày thi đấu căng thẳng và mệt mỏi, thầy Thể đưa chúng tôi ra chợ Búng bồi dưỡng một bữa no nê rồi về lại Biên Hòa.

        Sau khi đi Bình Dương về, thầy Thể có ý muốn chuyển tôi vào học ở Ngô Quyền niên khóa 72-73. Tôi đồng ý nộp đơn và được ban giám hiệu trường chấp thuận, cùng lúc với nhiều học sinh từ các trường công lập Bình Long, Quảng Trị… di tản về Biên Hòa trong cuộc chiến đang nóng bỏng của mùa hè đỏ lửa năm 72. Thông thường vào đầu năm học, nhà trường bầu ra ban đại diện học sinh để sinh hoạt. Tôi được các thầy cô ở ban giám học đề cử trong danh sách ban đại diện, sau cuộc bầu phiếu tôi phụ trách trưởng ban thể thao của trường cùng với anh Đinh Công Hoàng, một cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất trường lúc bấy giờ. ( Sau này lên đại học anh đá cho đội tuyển Ngân hàng ở Sài Gòn. ) Trong ban đại diện, anh Nguyễn Văn Tất là tổng thư ký, Nguyễn Văn Lịnh - trưởng ban văn nghệ ( sau này anh làm dân vận ở tỉnh Biên Hòa ). Anh Sỹ ( biệt danh là Sỹ đen ) -ban báo chí, chị Lê thị Lộc - ban xã hội … và còn nhiều người khác nữa tôi không nhớ hết. Ngày ra mắt ban đại diện, chúng tôi trang trí một sân khấu ngay giữa sân trường. Sau phần nghi thức đến phần giới thiệu các thành viên trong ban đại diện học sinh, trong chương trình còn có văn nghệ giúp vui. Tất cả đều rất mới mẻ đối với tôi.

       Ngày tháng trôi qua, tôi đã dần dần làm quen được với các mặt hoạt động của trường. Có một lần, liên đội Địa Phương Quân ở căn cứ Thái Lan, Long Thành là đơn vị quân đội kết nghĩa với trường Ngô Quyền. Họ mời khối văn nghệ - thể thao ra Long Thành thi đấu và trình diễn văn nghệ giúp vui, xe của đơn vị sẽ đưa rước chúng tôi. Đến ngày đi, tôi điều động anh em cầu thủ, khối văn nghệ - xã hội và các cổ động viên lên xe. Cuối cùng, tôi lên carbin của một xe GMC, chị Lê thị Lộc, ban xã hội đã ngồi trước ở đấy, bên kia là anh tài xế. Tôi ngồi cạnh chị, trên đường đi chị hỏi tôi:

    -“ Anh có hy vọng thắng ở lần giao hữu này không?”Tôi trả lời chị :

    -“ Đây là lần đầu tiên tôi được chính thức mặc áo của đội bóng Ngô Quyền. Những trận đấu trước kia, tôi chưa là học sinh của trường, nên cuộc “ ra quân” lần này rất có ý nghĩa đối với tôi, nhất định tôi phải bảo vệ danh hiệu “ vô địch” cho đội bóng của trường. Tôi rất hy vọng.” Chị Lộc đùa:

    -“ Nếu thua anh tính sao?” Tôi đáp ngay:

    -“ Chị muốn cá gì tôi cũng theo.” Chị Lộc vừa đùa vừa thật:

    -“ Nếu đội nhà thua thì khi trở về anh sẽ đứng phía sau thùng xe, không được ngồi ở đây.”Tôi trả lời:

    -“ Chị phải kêu gọi tất cả các em trong ban văn nghệ, các bạn trong ban xã hội ra sức cổ võ chúng tôi thì mới hy vọng…”

       Câu chuyện vui kéo dài cho tới căn cứ Thái Lan, Long Thành. Đến nơi rồi, công việc ban nào thì ban ấy lo. Văn nghệ thì lo trống đàn, vị trí sân khấu, tập hợp các “ ca sĩ ” lại. Thể thao thì ra sân tập những thao tác làm nóng cơ bắp. Còn Xã hội thì lo nước uống và cổ võ cho cả văn nghệ lẫn thể thao. Nhìn các cô em Ngô Quyền thướt tha trong  áo dài trắng chen lẫn với màu áo xanh của các anh lính. Các em reo hò, vỗ tay inh ỏi mỗi khi chúng tôi biểu diễn những pha đẹp mắt, thật vui và thân thiết đúng nghĩa với câu : “ tình quân dân như cá với nước ”, hay là “ anh tiền tuyến, em hậu phương”.  Trận đấu không quá gay go, đội Ngô Quyền đã thắng với tỉ số 3/1. Sau đó, mọi người cùng nhau vào hội trường dự văn nghệ và tiệc liên hoan với đơn vị. Chiều đến, tất cả ra xe chuẩn bị trở về Biên Hòa, lần này chính chị Lộc mở cửa xe cho tôi. Tôi đã cám ơn chị và mọi người đã yễm trợ tinh thần cho đội bóng chúng tôi mang về thắng lợi, và tôi không phải bị đứng phía sau thùng xe.

      Sau những giờ học tôi thường ở thư viện tham dự những cuộc sinh hoạt của các bạn trong ban chấp hành học sinh Ngô Quyền. Tôi gặp lại Diệp thị Hồng Phượng, học chung với Phượng có Tuyết Mai, là một thành viên trong ban văn nghệ của trường, có một lần tôi được nghe Tuyết Mai hát bài “ Như cánh vạc bay” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tiếng hát đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi đã nhờ Hồng Phượng giới thiệu cho tôi làm quen. Qua trao đổi, yễm trợ lẫn nhau trong công tác văn- thể và các sinh hoạt của trường, Tuyết Mai đã giúp tôi quen biết thêm với các cô trong nhóm “ Thất cô nương” của lớp 11A3. Khi có dịp đi thi đấu thể thao, nhóm này sẽ là những cổ động viên nồng nhiệt để uy hiếp tinh thần đối phương. Ngoài ra các cô còn tích cực giúp đỡ anh em trong đội thể thao, chia phiên nhau giặt giũ áo quần các anh trong trường hợp phải thi đấu nhiều ngày liên tiếp. Bây giờ ngồi nhớ và viết lại những kỷ niệm này tôi vẫn thầm cám ơn các cô, những cổ động viên nhiệt tình của đội bóng chúng tôi. Nhóm “Thất cô nương” gồm có 7 người: Khánh ( Hố Nai), Khánh ( Bình Long), Tuyết Vân, Ngọc Điệp, Ngọc Hòa, Thu Hương và Tuyết Mai (mà tôi thường gọi là cô út). Tất cả cùng là học sinh lớp 11A3. Ngoài ra còn có Hạnh (đen) và Hà là học sinh lớp 12A4. Nay thì mỗi người mỗi nơi, trong nhóm có một cô đã bỏ ra đi vĩnh viễn là Ngọc Hòa. Tôi đã gặp Ngọc Hòa lần cuối vào năm 1976 ở khu công nghiệp Biên Hòa trước khi cô ấy qua đời.

      Một lần khác, tiểu đoàn 30 chiến tranh chính trị ở Tam Hiệp mời đội bóng đá của trường đấu giao hữu. Tôi nhờ anh Đinh Công Hoàng triệu tập cầu thủ, chuẩn bị dợt banh. Tôi thì giúp anh tìm nhóm cổ động viên và lo phần giải khát. Học sinh trường tham gia rất đông, lớp 11A3 hầu như đi cả lớp. Trong lúc trận đấu đang lôi cuốn thì một đường bóng bay bổng ra ngoài vô tình rớt trúng ngay đầu Lâm Túy Huệ làm Huệ xiểng liểng ôm đầu khóc, cả nhóm phải xoa dầu và dỗ dành mãi Huệ mới nín. Đó cũng là kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Những tấm hình thi đấu thể thao mà tôi có được đều nhờ Túy Huệ chụp cho tôi.

     Năm này là năm 1973, theo thông lệ mỗi năm một lần, đại hội thể dục thể thao học sinh toàn tỉnh dành cho các trường trung học ghi danh thi đấu. Khối thể thao chúng tôi hoạt động ráo riết, chọn ra các môn thi đấu, không khí làm việc rất khẩn trương. Riêng tôi, ngoài việc thực hiện kế hoạch tổng quát cho các môn thi đấu, tôi còn phải chuẩn bị tập luyện kỹ thuật cho đội bóng chuyền ( vì đây là sở trường của tôi ). Môn bóng chuyền được ban tổ chức chọn sân Ngô Quyền làm địa điểm thi đấu. Như vậy chúng tôi có dịp thi thố tài năng với các đội bạn ngay trên sân nhà, chúng tôi tranh thủ tập dợt mỗi ngày sau giờ học. Và ngày thi đấu đã đến, các đấu thủ của trường với quyết tâm và kỹ thuật có sẵn, lần lượt loại các trường bạn ở vòng ngoài. Cuối cùng trận chung kết, chúng tôi gặp trường Vinh Sang ở Tam Hiệp (do Cha Phạm Tuấn Trang làm hiệu trưởng). Trước đó vài năm, tôi có học ở Vinh Sang và đã đem giải nhất về cho trường. Đến khi về học trường Khiết Tâm (do Cha Lê Hoàng Yến làm hiệu trưởng) tôi cũng đã đưa đội bóng chuyền của trường Khiết Tâm đoạt chức vô địch. Lần này thì gặp lại nhau trên sân Ngô Quyền, lòng tôi rất hồi hộp. Chúng tôi hạ quyết tâm phải chơi thật đẹp và thắng được trận này để xứng đáng với sự tin yêu của tất cả Thầy Cô, và những cổ động viên đặc biệt của chúng tôi. Từ ngày tôi vào học Ngô Quyền, tham dự rất nhiều cuộc thi đấu ở nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thi đấu ngay trên sân nhà trường, với sự cổ võ đông đảo của học sinh toàn trường, tôi cảm thấy rất vinh dự. Quang cảnh lúc bấy giờ như ngày hội, trong sân trường những tà áo trắng chen chúc nhau tìm chỗ đứng, chỗ ngồi để dễ dàng theo dõi trận đấu. Tiếng hò hét vang dội khắp sân khi chứng kiến những pha bóng tấn công đẹp mắt, sự hồi hộp lôi cuốn tất cả các cổ động viên vào trận đấu. Đôi lúc, thầy trọng tài phải chờ cho tiếng la hét chấm dứt mới thổi còi tiếp tục giao bóng. Trận đấu thật căng thẳng, đội nhà thắng một bàn thì đối phương lại gỡ hòa một bàn. Cứ thế cho đến bàn thứ năm đội nhà mới dẫn trước điểm và thắng khít khao với tỉ số 15/12. Sau tiếng còi chấm dứt trận đấu, tiếng hò hét lại vang dội như muốn vỡ tung sân trường. Các cổ động viên nam cuồng nhiệt chạy ào vào sân, công kênh các cầu thủ lên vai đi vòng quanh như để cám ơn các bạn một lần nữa đã mang danh dự về cho trường Ngô Quyền. Một ngày vui tôi nhớ mãi cả đời, trong lần thi đấu này tôi được vinh dự lãnh giải thưởng cá nhân xuất sắc.

       Lại thêm một kỷ niệm khó quên. Vào năm 1972-1973, lúc đó tình hình chiến sự lên cao độ rất khẩn trương. Chính quyền ra sắc lệnh thành lập lực lượng “ sinh viên, học sinh phòng vệ thủ đô ”. Trường Ngô Quyền là trường công lập lớn nhất của tỉnh Biên Hòa, đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức, các trường khác trong tỉnh cử người về học tập tại trường do các cán bộ chính quyền huấn luyện, trường Ngô Quyền cũng thành lập đoàn học sinh phòng vệ thủ đô riêng cho trường, tôi lại được các thầy phụ trách đề cử làm trưởng liên đoàn. Ngày ra mắt liên đoàn ở Công trường Sông phố, chính tôi đã mang lá cờ trường Ngô Quyền đi hiên ngang hàng đầu. Tuy chỉ học ở Ngô Quyền có một niên khóa, nhưng tôi lại được vinh đự hai lần mang cờ của trường đi dự đại hội. Lần trước tôi mang cờ dẫn đầu đoàn vận động viên của tỉnh Biên Hòa đi diễn hành ở sân vận động Vũng Tàu nhân ngày Đại hội Thể dục Thể thao Học Sinh Quân Đoàn 3. Cũng tại trường Ngô Quyền tôi được các thầy ở Ty thanh niên Biên Hòa là thầy Nhan, thầy Mỹ, chị Huê và anh Hải, Trưởng ty giới thiệu tôi học khóa huấn luyện thể dục thể thao.

       Tết con Trâu 1973, tôi dẫn đầu nhóm gồm nam và nữ sinh mang báo Xuân Ngô Quyền đi bán, chúng tôi trở lại trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương, sau đó chúng tôi trở về trường bộ binh Thủ Đức, tổ bán báo chúng tôi đã bán được gần hết số báo mang theo. Các tổ bạn cũng vậy. Kết quả năm đó ban báo chí rất thành công.

      Thế đấy, đứa con nuôi còn nhớ và viết lại những chuỗi ngày kỷ niệm đã qua. Nếu như là con đẻ của trường thì biết bao giấy mực cho đủ? Thật sự, tôi chưa từng viết văn bao giờ. Đây là lần đầu tiên tôi dùng bút mực để diễn đạt những cảm xúc từ những kỷ niệm đơn sơ học trò theo sự kêu gọi của các bạn trong ban báo chí, hy vọng là vẫn còn một chút gì để nhớ để quên…Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn sự khuyến khích và cổ võ của các bạn, nhất là cô em út của lớp 11A3 ngày xưa . Đã giúp tôi có tinh thần cũng như nhớ lại những chi tiết khi thời gian đã trôi qua hơn 30 năm.

        “ Khi ngồi nhìn ngày dần tan, bóng vắng,

           Thèm một lần trở lại mái trường xưa…”

       Cơ hội lần này đã cho tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm đẹp. Cám ơn mái trường Ngô Quyền đã giúp tôi kết thúc trọn vẹn bậc trung học một cách vinh dự. Tình nghĩa thầy trò, tình đồng đội, mối tình thơ của tôi… tất cả là những hành trang quí giá, đã giúp tôi mạnh dạn bước vào đời, bắt đầu cuộc hành trình gian nan đầy thử thách phía trước – cho ngày xưa, bây giờ và mãi đến ngày sau…

       Đứa con nuôi của trường Ngô Quyền Biên Hòa kính chúc quý Thầy Cô. Các bạn bên Nội cũng như bên Ngoại mọi điều an lành, hạnh phúc như những thời gian tuyệt vời đã qua, đã xa…

                                       

                                                                      Viết tại Dallas, Texas

                                                                                          Cuối Đông 2005

 

14 Tháng Chín 2010(Xem: 100647)
Lâu lắm rồi không về lại Biên Hòa Nghe hương bưởi ngạt ngào trong nắng sớm Có dễ hơn ba mươi năm biền biệt Kẻ ở người đi rồi chẳng khác không quen.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 108500)
Có đâu ngàn cánh hạc Bay mãi về một phương Có ai hồn luân lạc Đồng vọng tiếng vô thường
14 Tháng Chín 2010(Xem: 42711)
Triết lý giáo dục tìm ở đâu ra? Thưa nó nằm ngay trong bộ Sách Dân Tộc, gọi là KINH ĐIỂN tức là Lĩnh nam Trích Quái, Việt Điện U Linh, Ca dao tục ngữ, Tứ Thư Ngũ Kinh.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 43957)
Tôi rời mái trường đại học Đà Lạt để “xuống núi” hành hiệp giang hồ vào giữa năm1963. Năm với nhiều biến động nhất thời tuổi trẻ của tôi. Vậy mà nay đã ngót nghét non nửa thế kỷ trôi qua.
30 Tháng Tám 2010(Xem: 100682)
Người đàn ông với đôi mắt đen, hun hút mà ngày xưa mỗi khi nhìn vào nàng cảm thấy như có một vết dao lướt qua tim...
30 Tháng Tám 2010(Xem: 44927)
Ôi em đã về rồi! trường cũ rêu phong kín nửa đời. Dung đã về rồi! Chiều áo xua vạt áo bay. Thôi đi mắt lệ buồn hãy đếm mưa khuya đổ thật muộn để bóng ai còn bước trên đường vắng trơn. *Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức: DUNG VỀ- Nhạc và lời: Đào Lê Văn - Ca sĩ trình bày: Minh Quang
28 Tháng Tám 2010(Xem: 44183)
Sóng đã về từng cơn sóng ru bờ xa vỗ về. Còn lang thang tìm dĩ vãng bên hàng dương liễu cũ. Mình tôi đi tìm con phố quen lặng im hững hờ tà áo bay bao chiều
26 Tháng Tám 2010(Xem: 118370)
Thượng tuần tháng giêng trăng dẫn mẹ ra đi Đóa hồng đỏ trên ngực con hóa thành hoa trắng Vu Lan nầy trăng về trong mưa xám Trăng trở lại một mình, hoa vẫn trắng màu tang
26 Tháng Tám 2010(Xem: 103336)
Mẹ già nằm thiêm thiếp Đôi mắt khép hững hờ Mẹ tôi như thế đó Còm cõi trong hư vô
26 Tháng Tám 2010(Xem: 102020)
Em gửi tặng anh Bài Ca Dâng Mẹ Thêm một mùa Thu nữa vắng xa nhau Hai chúng ta, dẫu tóc bạc mái đầu Lòng thương mẹ không bao giờ phai nhạt
26 Tháng Tám 2010(Xem: 96595)
Mẹ nhớ con, ngồi chờ nơi khung cửa Con nhớ mẹ, luôn trông ngóng mỏi mòn Mơ cả nhà quây quần bên bếp lửa Cháy bập bùng, sưởi ấm trái tim con…
26 Tháng Tám 2010(Xem: 98202)
Trong những giông bão của cuộc đời, nơi trú an toàn nhất vẫn là vòng tay của mẹ.
26 Tháng Tám 2010(Xem: 43943)
* Tiêu đề: Tình mẹ * Artist: Ngô Càn Chiếu * Composer: Ngô Càn Chiếu * Harmonist: Ngô Càn Chiếu * Lyricist: Ngô Càn Chiếu * Length: 5:34 minutes (10.2 MB) * Format: Stereo 44kHz 256Kbps (CBR)
15 Tháng Tám 2010(Xem: 39327)
Nguyễn Văn Lục không là sử gia, không là học giả, không là nhà văn và cũng không bao giờ là chính khách nên không thể quy cho tác phẩm của ông bất kỳ tính chất nào liên quan đến các chức danh đó.
07 Tháng Tám 2010(Xem: 108409)
Buổi ra mắt quyển sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” của Thầy Nguyễn Văn Lục đã được giới thiệu và phổ biến rộng rãi...
04 Tháng Tám 2010(Xem: 87868)
Thế rồi tình cứ vu vơ Chèo khua thương nhớ quanh bờ chiêm bao Biên Hòa ngày ấy xôn xao Tân Triều hương bưởi ngọt ngào lòng thơm
04 Tháng Tám 2010(Xem: 85989)
Tháng Tám bên nầy vẫn không mưa Ở đây buồn nhớ hướng quê xưa Nhớ chuyện tình yêu ngày tháng cũ Còn trong ký ức chẳng phai mờ
31 Tháng Bảy 2010(Xem: 21658)
Những cây bách lớn nhất được phát hiện gần thành phố Oaxaca, Mexico . Cây bách to nhất có chu vi gần 50m, khiến người ta vẫn thường đùa rằng, đừng ôm cây, hãy để cây tự ôm bạn.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 96448)
Một nhóm bạn bè được tin vào tối thứ sáu 23 tháng 7 năm 2010 sẽ tiếp đón anh chị Huỳnh văn Tươi khóa 6 Ngô Quyền về thăm bạn bè từ Houston Texas.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 93969)
... lần đầu tiên đại diện gia đình Ngô Quyền được mời tham dự trong ngày họp mặt Gia Long tại nhà hàng Paracel Seafood vào đêm 18 tháng 7 năm 2010.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 35402)
Tiêu đề: Hạ tím Artist: Ngô Càn Chiếu Composer: Ngô Càn Chiếu Harmonist: Ngô Càn Chiếu Lyricist: Ngô Càn Chiếu Length: 3:55 minutes (3.59 MB) Format: Stereo 44kHz 128Kbps (CBR)
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 95985)
Dòng Đồng Nai những mùa Hè vui thú Áo trắng Ngô Quyền mơ ước Sông Seine Mộng không thành, chinh chiến đã cách ngăn Sông Seine ơi!. Nhắc chi chuyện tình buồn.
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 35665)
Chắc là có một lúc nào đó bình tâm, mỗi người chúng ta đều tự hỏi không biết mình đã nhận được bao nhiêu chữ từ các Thầy Cô trong suốt những năm dài cắp sách.
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 95581)
Bao mùa thương nhớ anh về đâu? Nhạc buồn nức nở tiếng ve sầu Phượng đỏ bây giờ màu tím thẫm Bao mùa phượng nở vẫn tìm nhau.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 97091)
Một tuần đã đi qua, nhưng dư âm ngày cũ, của Ngày Họp Mặt Ngô Quyền, của càri dê ở nhà Hóa vẫn còn đâu đây.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 95977)
Bài viết nầy của tôi như là một lời tạ lỗi gửi đến những người bạn đã quen thân từ bao năm nay cũng như những người bạn mới quen. Tạ lỗi vì tôi đã hứa với các bạn mà không thực hiện được lời hứa, tạ lỗi vì đã bỏ mất cơ hội để nói lời “chia tay”, “tạm biệt”, “good bye my friends” hay “Au revoir mon ami”.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 95350)
Gặp lại Võ Hải Vương, Đặng Văn Toản, Đỗ Cao Thông, Hóa và nhiều bạn cũ của lớp 1968, lòng tôi đầy những xúc cảm nghẹn ngào. Những hình ảnh của trường Ngô Quyền năm xưa bỗng đâu lại hiện về. Những kỷ niệm của ngày tháng cũ tưởng đã yên nghĩ trong một quá khứ xa xôi nào của tiềm thức.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 45351)
Trong một buổi sáng đầu tháng Bảy đẹp trời và ấm cúng, cùng dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ, ngày họp mặt truyền thống kỳ 9 của hội Ái Hữu Chs Ngô Quyền, Biên Hòa (3 tháng 7, 2010) đã tưng bừng khai diễn với gần 200 thầy cô và cựu học sinh NQ về tham dự