Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Áo Trắng Xưa Nq - Còn Một Chút Gì Để Nhớ.

19 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 65389)
Áo Trắng Xưa Nq - Còn Một Chút Gì Để Nhớ.

Còn Một Chút Gì Để Nhớ

 Áo trắng xưa N.Q.

 

Thế là dự tính bọn chúng tôi ấp ủ hằng cả năm trời đã được thực hiện.Tôi, nhỏ C., nhỏ S. hẹn sẽ cùng tái ngộ bạn bè trong buổi họp mặt Hội CHSNQ 29/5/2005 sau mấy mươi năm rời xa mái trường Ngô Quyền yêu dấu.

Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ.

Niên khóa 64-65, tôi vô cùng sung sướng và hãnh diện được trúng tuyển vào trường Trung học công lập danh tiếng nhất của thành phố Biên hòa, đó là trường Ngô Quyền. Ba má tôi lại càng thêm cưng chiều tôi, khen thưởng tôi đã cố công học tập.

Mái tóc bom bê mọi khi của tôi được thay thế bằng cái đầu quăn tít mà bây giờ nhìn lại, tôi thấy vô cùng “dễ sợ”. Nhưng hồi đó, tôi đã khổ sở chịu đựng cả tiếng đồng hồ ngồi trong cái nồi nóng hầm hập phủ trọn cái đầu bé nhỏ của tôi để có một cái đầu đẹp như của người lớn.

Má tôi may cho tôi hai bộ đồ dài trắng để thay đổi, một chiếc áo dài màu xanh da trời để chào cờ mỗi sáng thứ Hai đầu tuần, chiếc cặp da to tướng so với đứa con nít như tôi, đôi guốc vông mới thật xinh xắn kèm chiếc nón lá nho nhỏ. Tất cả những cái đó khiến tôi mắc cở ngắm nhìn tôi trong gương như một con bé xa lạ nào đó, tôi mang theo niềm vui ngây ngất đến trường trong ngày đầu tiên. Má tôi sai anh tôi, lớn hơn tôi hai tuổi, học trên tôi hai lớp chở tôi trên chiếc xe đạp cũng be bé như chúng tôi.  Tôi lúng túng giữ chặt tà áo dài, sợ nó bay và quấn vào căm xe đạp theo lời dặn dò cẩn thận của má tôi trước khi rời khỏi nhà. Lần đầu tiên ngồi khép nép một bên như vậy, tôi thấy thật khó khăn làm sao, không thoải mái chút nào hết. Xe chạy chưa được bao xa, bọn con nít hàng xóm chạy theo reo lớn tiếng chộ hai anh em tôi “Hai vợ chồng con cá lòng tong”. Tôi vênh mặt nhìn bọn chúng ra cái điều xem thường sự chế giễu nhưng thực sự trong lòng vô cùng xốn xang. Gồng mình được vài bữa, tôi chịu thua bọn chúng và xin tiền má tôi để đi xe lam đến trường. Nghe tôi phân bua, má tôi cười xòa thông cảm cho đứa con gái cưng.

Từ đó tôi có cái nỗi khổ đón chờ xe. Muốn đến trường, tôi phải đi hai chặng xe, từ nhà đến chợ rồi từ chợ đến trường. Nhưng nhiều bữa tôi đi bộ đến chợ mà chẳng thấy một xe nào chạy ngang.Thỉnh thoảng cũng có xe chạy luôn đến trường, những bác tài đó thật là tốt bụng dễ thương làm sao. Còn thường thì những chuyến xe từ Tân thành đỗ xuống chợ luôn đông chật người. Sợ trễ giờ học, tôi bấm bụng ngồi lắc lẻo ở thùng đựng đồ nghề phía trước xe, thầm mong đừng ai quen thấy. Vậy đã xong đâu, đến chợ rồi phải ngồi chờ đủ khách đi đến Vườn mít, Kỹ niệm... xe mới chạy. Tim tôi nhiều phen cứ thót lại vì lo sợ vào lớp trễ, không được vào phải lang thang bên ngoài chờ đến tiết sau mới được vào lớp.

Mãi say sưa với men chiến thắng hơi kỹ, thêm mấy nhỏ bạn ngồi gần tôi cứ kể tôi nghe biết bao chuyện vui thú, cộng thêm lối học mới mẻ, các thầy cô lần lượt thay đổi theo từng môn học, tôi bỡ ngỡ không bắt kịp. Hậu quả mấy năm học đầu, tôi gần như đội sổ, không hiểu mô tê gì hết. Tôi vô cùng biết ơn thầy Sái đã khai sáng cái đầu tối tăm của tôi, không biết động từ Avoir, động từ Être chia ra làm sao, giống đực giống cái khác nhau chỗ nào, số nhiều số ít đổi ra làm sao. Đến giờ trong đầu tôi vẫn còn thuộc làu làu mấy bài hát trẻ con tiếng Pháp và hình ảnh thầy giơ tay bắt nhịp dạy cho bọn tôi vào cuối giờ học. Có lẽ trong các thầy, tôi sợ thầy nhiều nhất vì thầy nghiêm và nhất là tôi không biết được, thầy đang “chiếu tướng” đứa nào.

Năm học nhạc với thầy Lê Hoàng Long, giờ học đầu tiên thầy đến trễ, bọn chúng tôi đứa mãi mê trò chuyện, đứa đánh ca rô tiêu khiển...không biết thầy đến tự lúc nào, nên đứa đứng chào thầy, đứa ngồi tỉnh bơ, không nghiêm trang đứng dậy đồng loạt.Thế là thầy cho bọn học trò vô phép, bắt phạt chúng tôi quì gối cả lớp.Tội nghiệp mấy đầu gối non nớt của bọn chúng tôi không quì lâu được trên băng ghế gỗ, chúng tôi cứ nghiêng trở xoay qua xoay lại, mà miệng cứ mim mím cười, thấy mấy đứa quì không yên vị. Thầy lại càng tức giận mắng bọn chúng tôi quá xá cỡ và gọi bọn lớp tôi là “nữ tặc”, vì lớp tôi toàn là con gái. Oan cho tụi con quá thầy ơi. Nhờ học với thầy mà con bé không biết hát là tôi đến giờ cũng còn thuộc lòng bài hát “Hè về”: Trời hồng hồng nắng trong trong...Và bài “Ly rượu mừng” hát dịp xuân về: Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi...

Phía trước mặt tôi có con nhỏ Ch. hay dấu kẹo trong hộc bàn ăn vụng.Tôi để ý thấy chốc chốc nó lại cất để lại sau khi lựa lúc thầy không để ý đưa lên miệng nhấm nháp một tí. Vài ba lần như vậy, tôi thấy “ngứa mắt” quá, ăn sao không chịu ăn một lần luôn đi, chắc nó sợ làm “Từ Hải chết đứng giữa sa trường” giữa khi ăn bị thầy bắt gặp, tôi chồm lên len lén lấy giấu cục kẹo của nó. Đến lúc nó thò tay vào hộc bàn quơ qua quơ lại tìm kiếm mãi mà không thấy, dưới nầy tôi rán dằn cơn cười đang sùng sục trong bụng tôi. Vậy mà hay thiệt, nó không có chút phản ứng nào hết. Gặp tôi, chắc tôi đã la làng lên rồi.

Suốt mấy năm thời Trung học, nhỏ Th. là nhỏ thân tôi nhất. Vóc người nhỏ nhắn như chim, gương mặt đẹp dịu hiền thanh thoát như tượng, khiến tôi trở thành “vệ sĩ” bất đắc dĩ của nó, vì có nhiều tên con trai ưa hát bài "Ngày xưa Hoàng Thị" với nó. Bao nhiêu phen tôi giận nó không thèm nói chuyện vì nó cứ cười cười với mấy tên con trai ngắm nghía nó. Tôi cằn nhằn hoài: “Sao mầy cười vớí nó chi vậy, nó tưởng mầy chịu nó rồi sao?”. Tôi muốn giữ nó đi chung với tôi hoài, sợ lỡ nó có bồ rồi, bỏ tôi đi học cô độc một mình buồn chết. Không biết sao thuở đó chúng tôi có nhiều chuyện vui quá, bất cứ chuyện gì chúng tôi cũng thấy vui thú trong lòng. Tôi mê mẩn trò chuyện cùng nó hết ở trường đến tan trường về, chuyện cũng còn trãi dài từ trường đến công trường Sông phố, ngã ba rẽ chia đường về nhà chúng tôi, nó về hẽm cây me, còn tôi về xóm cây chàm mà chuyện cũng vẫn chưa chấm dứt. Bữa thì nó theo tôi đến tận nhà hàng Hạnh phước rồi quay ngược về, bữa thì tôi theo nó đến tận đầu hẽm rồi mới luyến tiếc chia tay.

Quê ngoại nó ở Tân Hạnh nên nhiều lần nó rủ tôi về quê nó ăn giỗ, hoặc tắm sông, hái mận, hái dừa thỏa thích. Lần khác nó rủ tôi vô Bình Trị quê nội nó chơi.Tôi say sưa nhìn ngắm cảnh đồng quê, con đường làng quanh co uốn lượn giữa hai bên bờ ruộng đầy lúa chín vàng ươm ngã nghiêng theo làn gió mát.Tôi cứ phom phom cho xe chạy, nào ngờ có một ổ gà to tướng đang chờ tôi trước mặt. Không tránh kịp, cả tôi và nó đều té văng xuống đường. Nó không sao, còn tôi bị trầy lác đầu gối, để lại thẹo cho tôi không bao giờ quên kỷ niệm “đau đớn” đó.

Đến năm Đệ tam phải chia ban, hai lớp Tứ 1 và Tứ 3 nhập lại thành Tam A1, tôi lại nhập bọn chung với C.,CH.,S.,K.T.,Q., H....Nhỏ H. Nhà ở gần Dưỡng trí viện, quân đoàn III. Nó cũng có phần “mát da mát thịt” nên khi nó kể nó tránh đạn pháo kích vào những năm chiến tranh ác liệt, nó sợ quá chui xuống gầm giường, đến khi yên chuyện nó không cách nào chui ra được, phải nhờ người khác dở giường cho nó ra, bọn chúng tôi cười bò ra khi tưởng tượng cảnh đó xảy ra.

Một lần được nghỉ trọn 4 tiếng, bọn tôi rủ nhau đi Sài gòn xem phim “Chiều tím” với màn ảnh đại vĩ tuyến đầu tiên, có diễn viên người đẹp Bình dương Thẩm Thúy Hằng. Bọn chúng tôi một bầy con gái chở nhau hai đứa một xe.  Ngang công trường Quách thị Trang trước chợ Bến thành, một chiếc xe Taxi chạy ép sát xe Ch.và S. làm hai đứa ngã xuống sát lề đường. Thế nhưng quái lạ chưa, sao nhỏ S. không chịu đứng dậy mà cứ chổng bốn vó lên trời mãi kia. Thì ra cũng tại hơi “có da có thịt” một chút, lại nằm nghiêng trên bánh xe nên nó không đứng dậy được, phải chờ tôi đến kéo nó lên, nó mới ra khỏi tư thế thiếu lịch sự đó.

Gặp trong trường chưa đủ, mỗi sáng Chủ nhật, tôi cón đến nhà S. rủ đi lễ sớm ở nhà thờ. Nhà nó nằm trong khu Thành kèn, nghe kể hồi xưa là trại tù có nhiều ma lắm. Trời còn mờ mờ sương, tôi cũng thấy ơn ớn trong lòng sợ gặp phải ma. Vậy mà đến nhà nó, đứng ngoài các khung cửa tò vò nhà bếp nhìn vào, nhỏ em nó vừa thức dậy đi xuống còn mắt nhắm mắt mở chợt nhìn thấy bóng tôi, nó hét lên hãi hùng. Biết nó tưởng tôi là ma hiện ra nhát nó, tôi lật đật lên tiếng cho nó hết sợ. Mở cửa cho tôi, tôi còn nghe tiếng trái tim nó đập thình thịch trong lồng ngực.

Tan lễ ra, nó rủ tôi đi chợ mua bánh ướt bán ký về chấm nước mắm ăn. Mấy chị em nó và tôi xúm quanh chiếc chiếu trãi giữa nhà ăn ngon lành. Ba má nó thường đi làm vắng nhà luôn nên tôi lại được nó rủ rê ở nhà nó nấu cơm cho tôi ăn. Chưa khi nào trong đời tôi thấy ai nấu canh cua giã với rau đay xắt nhuyễn ăn chung với cà pháo ngon như nó nấu. Tôi theo dõi từ lúc nó rửa sạch mấy con cua đồng nho nhỏ, gỡ mai ra bỏ, cho vào cái nón sắt của ba nó, dùng chày giã lấy nước ngọt. Ôi sao mà ngon tuyệt vời, chất nước canh rau mát ngọt lịm người tôi không khi nào quên được!

Một lần tôi rủ nó đi lễ ở nhà thờ Bình triệu. Ra về đói bụng nhưng không dám ngồi ăn ở các hàng quán, tôi bàn với nó mua trái cây ăn cho đỡ đói. Mua được miếng mít, tôi chạy xe kiếm chỗ “thanh toán”. Chạy lòng vòng, sau cùng tôi rẽ vào khuôn viên sân trường học vắng vẻ ngày Chủ nhật. Đang gỡ những múi mít ăn ngon lành, tôi bỗng nghe nhột nhạt như có ai đang nhìn. Ngẩng lên ngó sang bên đường, tôi thấy một ông tướng đang cười cười nhìn bọn tôi chăm chú. Quê quá chẳng biết làm sao, tôi giơ cao miếng mít ngạo nghễ, tưởng ông tướng mắc cỡ bỏ đi, nào ngờ ông lừng lững tiến sang, khiến bọn tôi hoảng hồn nhào lên xe phóng chạy. May là ông tướng đi bộ không đuổi kịp bọn tôi. Hú hồn hú vía bữa đó.

Chủ trương năm Đệ Tam là năm ăn chơi thỏa thuê trước khi thi Tú tài I, bọn chúng tôi tha hồ thả rong ngoài phố mỗi khi có giờ trống, đôi khi nằn nì thầy cho nghỉ luôn giờ cuối để kéo nhau xuống rạp Biên hùng xem phim.

An chơi vậy cũng chưa đủ, tôi còn tập tễnh “mơ mộng” nữa chứ. Bắt đầu là nhỏ T.T., luôn tặng tôi nụ cười tươi tắn với đôi lúm đồng tiền thật dễ thương trên gương mặt tròn trĩnh, đôi mắt to linh động. Nhỏ nầy hay đi chung với nhỏ H. thui thủi, biệt danh của H.T.T.. Nhỏ T.T. lớn hơn tôi hai tuổi và học trên tôi một lớp nhưng tôi không kêu nhỏ bằng chị vì thấy nhỏ con nít giống tôi và cũng “lùn” như tôi vậy. Nhỏ nắn nót viết bài thơ “Đi chùa Hương” của Nguyễn nhược Pháp trên giấy pelure màu hồng thật đẹp và sau nầy nhiều bài khác nữa. Còn nhỏ S. vớí tập thơ của Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyên Sa, T.T.K.H…v.v... Nhỏ P.M. thì hay tặng tôi những chiếc lá khô xinh xinh có những vần thơ với hàng  chữ lã lướt màu tím học trò.

Tôi cũng cặm cụi siêng chép thơ còn hơn chép bài học nữa, nhưng có lẽ tôi không có máu văn chương chăng, tôi không nhập tâm một bài thơ nào hết. Ngược lại, tôi không quên bài “Chí làm trai” mà thầy Nguyễn hữu Tiến đã giảng cho bọn tôi trong giờ dạy Văn.Thầy giảng bài rất hay, đến nỗi tôi là con gái mà cũng cảm thấy phấn khích khi nghe giọng thầy sang sảng :

“Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây

Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”

hoặc say sưa với bài giảng về quan niệm “xuất xử” của Nguyễn công Trứ, tưởng tượng sau nầy mình cũng sẽ theo gương bậc tiền bối.

Với cái đà học hành như thế, dù sang năm Đệ nhị, tôi cũng lo học hành tử tế, học thêm những môn tôi kém.Thời gian nầy, tôi học Lý Hóa với thầy Mai kiến Phúc.  Thầy là giáo sư giỏi, dạy rất hay, mãi đến khi học thầy tôi mới biết làm sao để cân bằng một phương trình hóa học.Thầy có nhiều lớp quá nên thỉnh thoảng thầy cho dồn hai lớp lại vào phòng thí nghiệm để dạy chung.Tôi không biết những đứa khác học vô không, riêng tôi thì những buổi học nầy không mang lại kết quả gì cho tôi vì lần nào cũng vậy, tôi không chịu chạy trước dành ghế nên cứ lẹt đẹt ngồi cuối, bàn ghế lôi thôi, không nghe thầy giảng gì được.

Không học ở trường được, tôi xuống lớp thầy dạy thêm để học. Lớp học nằm cạnh bờ sông thật là lý tưởng vô cùng vì tôi được dịp thả hồn mơ mộng với cảnh trời trong gió mát bên ngoài hay nghe tiếng lá dừa xào xạc như thầm thì ru ngủ hoặc tiếng chim non ríu rít gọi đàn. 

Có đời nào ngựa về ngược cho kẻ chờ nước tới chân mới chịu nhảy là tôi nên kết quả đương nhiên phải tới là năm đó tôi ngậm ngùi nhìn đám bạn của tôi lên lớp, còn tôi vào học lại ở lớp Nhị A2 là lớp Anh văn. Tôi cũng không buồn lâu vì lớp nầy có N.V.Đ. làm lớp trưởng, cái miệng không kéo da non, thích chọc phá mọi người nhưng lại học giỏi, cả lớp đều cười vui mỗi khi hắn mở miệng. Còn có M.T.X., trắng trẻo hồng hào như con gái Đà lạt, hay đỏ mặt mỗi khi nói chuyện với con gái. Còn con gái có A.N., T.V., H. người đẹp của lớp. Ngồi phía sau A.N., tôi thấy cô nàng cứ thỉnh thoảng lôi chiếc khăn ướt ra lau mặt nên gương mặt lúc nào cũng tươi tắn dễ yêu, còn H. thì “yểu điệu thục nữ” cho bọn con trai nhiều đứa ngẩn ngơ.

Chúng tôi tổ chức học nhóm ở nhà L.V., địa điểm thuận lợi nhất cho mọi người. Sau khi học xong, còn được bồi dưỡng me, xoài chua ngâm đường...Ăn học “đầy đủ” như vậy nên năm đó tôi thi đậu.Tiếp theo năm sau tôi cũng thi đậu Tú Tài II, nhưng những bạn cũ không còn đứa nào bên tôi vì đứa ra trường học ở Sài gòn, đứa đi làm phụ giúp gia đình. Riêng tôi có một quyết định sai lầm vội vàng làm khổ cả đời tôi sau nầy mà không bao giờ có thể thay đổi được.

Trãi qua bao thăng trầm biến đổỉ, ngày gặp lại bọn tôi vui mừng hớn hở, lòng nhẹ nhàng sung sướng như thuở còn ngồi chung dưới mái trường dấu yêu Ngô Quyền. Đứa nào cũng tóc đã pha màu, cũng bà nội bà ngoại nhưng gặp nhau vẫn vui đùa ríu rít như sống lại tuổi học trò ngây thơ, cùng bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm xa xưa còn nằm sâu trong ký ức thiên đường tuổi nhỏ. Bạn mới là bạc nhưng bạn cũ là vàng, ai đó đã nói vậy. Tôi ước mong còn có nhiều dịp để tôi có cơ hội gặp và ôn lại những kỹ niệm xưa bên những người bạn quí của tôi.

 

05 Tháng Năm 2011(Xem: 41376)
Hôm nay, con viết vội vần thơ Khóc Mẹ một chiều gió Thu mưa Mong Mẹ từ đây đời thanh thản Nương cửa Từ Bi cõi Niết Bàn….
05 Tháng Năm 2011(Xem: 48064)
Cảm ơn người đã ghé thăm Mẹ tôi Tiếc đã trễ rồi, Mẹ tôi vừa mất Trễ một chút thôi mà vườn cau thôi xanh ngắt Lá trầu trải vàng một sắc nhớ Mẹ xưa!
05 Tháng Năm 2011(Xem: 129193)
Cảm ơn người đã ghé thăm Mẹ tôi Tiếc đã trễ rồi, Mẹ tôi vừa mất Trễ một chút thôi mà vườn cau thôi xanh ngắt Lá trầu trải vàng một sắc nhớ Mẹ xưa!
29 Tháng Tư 2011(Xem: 133519)
Chưa một lần gặp lại Đã vĩnh biệt muôn đời Lời tạ từ chưa nói Đã vội vàng chia phôi.
26 Tháng Tư 2011(Xem: 67373)
xin mời đến xem phim Bolinao 52 để thấy chị Trịnh Thanh Tùng, một chs NQ đã có mặt trong phim tài liệu Bolinao 52, kể lại kỷ niệm hãi hùng của chị trên đường tìm tự do năm 1988.
20 Tháng Tư 2011(Xem: 131021)
Nhớ không mày, trường Ngô Quyền xưa mình học, Thầy Bảo uy nghi, Hiệu trưởng cũ của mình, Giờ Thầy yếu rồi, bệnh nhiều, thương... thương lắm,
20 Tháng Tư 2011(Xem: 121768)
Quá khứ, kỷ niệm vẫn đeo đuổi tôi như hình với bóng. Quá khứ sẽ tan biến đi khi tôi không còn hiện diện trên cỏi đời nầy nữa. Buồn ơi! chào mi. Niềm vui ở lại.
16 Tháng Tư 2011(Xem: 142803)
Nuôi nuôi nấng nấng Từ đất mọc lên Không dễ gì quên Hoa bâng khuâng tím
10 Tháng Tư 2011(Xem: 137093)
Mụ ao ước nó cưới cho Mụ một cô gái cùng làng để Trâu ta ăn cỏ làng ta, trai làng lấy gái làng ta mới bền. Vậy mà thằng con đích tôn của dòng họ lại phải lòng một cô gái Biên Hòa.
10 Tháng Tư 2011(Xem: 113487)
Trong đêm trường tĩnh lặng, người phụ nữ đau khổ khóc nấc lên: “…Tại sao con tôi ra nông nổi này!? Tại… sao!?...”
10 Tháng Tư 2011(Xem: 127647)
Bài thơ tặng cậu bé Aisawa, nạn nhân của tai nạn sóng thần tại Nhật đã được phổ nhạc và dịch sang Anh ngữ, Nhật ngữ để phổ biến.
06 Tháng Tư 2011(Xem: 52520)
XIN HÃY ĐỢI AISAWA – Thơ Tưởng Dung - Phổ nhạc Phạm Trung – Ca sĩ Minh Quang
04 Tháng Tư 2011(Xem: 146812)
Buổi sáng mù sương rơi đọng đầy tay Xin tỏa ấm người đang lên con dốc Xin bụi đỏ xếp hàng thành ca khúc Mở lời yêu như đã phải lòng nhau
01 Tháng Tư 2011(Xem: 68144)
Anh như tia nắng xuân nồng ấm Nghiêng chiếu đời em vạt cỏ non
01 Tháng Tư 2011(Xem: 122221)
Mây trắng buồn trôi, mây viễn xứ Gió ơi! xin gió chở dùm ta Một chút tâm tư người ở lại Gửi cho bè bạn ở phương xa
27 Tháng Ba 2011(Xem: 133897)
Nhìn lên ảnh Mẹ những ngậm ngùi Nhớ lằn roi nhẹ nhớ không nguôi Con vẫn đi theo đường mẹ dẫn Tạ ơn roi Mẹ giúp nên người.
24 Tháng Ba 2011(Xem: 155734)
Em mơ có một ngày Bên đàn con cháu ngoan Ôn từng trang Sử cũ Rất kiêu hùng VIỆT NAM
21 Tháng Ba 2011(Xem: 132324)
Cả nhà nắng nhạt dần Lẫn vào thung lũng sâu Mặt trời gom nắng lại Khuất xuống chân trời xa .
12 Tháng Ba 2011(Xem: 70509)
Nhạc và lời: Phạm Chinh Đông – Hòa Âm: Đỗ Hải – Ca sĩ: Quốc Duy
11 Tháng Ba 2011(Xem: 72927)
- Thơ Trần kiêu Bạc - Hồng Vân diễn ngâm.
10 Tháng Ba 2011(Xem: 162719)
Tháng ba có một ngày Của bà, mẹ và em Đếm gần hết ngón tay Số tám tròn rực rỡ.