Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tưởng Dung - LỐI XƯA BỖNG LẠI VỀ

17 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 76700)
Tưởng Dung - LỐI XƯA BỖNG LẠI VỀ

tdung-content



LỐI XƯA BỖNG LẠI VỀ.

Tưởng Dung




"Anh có hỏi khi cung đàn im lắng

Tình hôm qua sao nay chẳng còn hương.

Em có hỏi trong màn sương bóng nắng

Tình đã lâu sao nay vẫn còn vương?"

(Nguyễn Thị Minh Thủy)



Đêm đã xuống tự bao giờ, tôi ùa vào nhà như một cơn lốc, trời tháng bảy nóng hực người không kể sáng hay tối. Tôi cười nhẹ nhỏm khi mấy đứa con chạy ra ríu rít: “Chào mẹ!”. Một đứa báo: “Mẹ ơi, có quà của mẹ”. Tôi không ngạc nhiên mấy khi nhìn thấy tên người gửi trên gói thư dầy cộm, dù lòng cũng nghe xúc động dạt dào. Ơi bạn hiền! chỉ có mi chứ không còn ai vào đây nữa. Từ khi rời Việt Nam, sinh nhật của tôi thường luôn được nhắc nhở đến bởi những tấm thiệp hoặc món quà nho nhỏ từ đứa bạn thân là hắn, và sau này là ông xã tôi và mấy đứa con. Cứ mỗi lần nhận quà sinh nhật, tôi lại mĩm cười, nhủ thầm: “Ôi, nhìn lại mình đời đã xanh rêu mất rồi!” Mân mê gói quà trên tay, tôi chưa mở vội, sinh nhật này là thứ bao nhiêu rồi đây, mình đang cố tình lãng quên đấy mà! Tôi đã có bao nhiêu buổi sinh nhật với những lời chúc tụng và bạn bè chung quanh? Đếm mãi cũng chưa đủ… năm đầu ngón tay!

Dạo còn đi học ở trường Ngô Quyền, tôi nhớ lần đầu tiên, tôi tự tổ chức sinh nhật cho mình vào năm 15 tuổi ở nhà của Ngọc Yến, căn phố lầu thật đẹp ở ngay đầu dốc gần tòa án, con đường Lê văn Duyệt (?) dẫn xuống bờ sông, nơi có ngôi nhà của chị Duyên, người đã được thơ của Nguyễn Tất Nhiên đưa vào văn học sử, với dăm ba đứa bạn thân và hai người khách đặc biệt: Chị Hạnh -con Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo-, Chị Duyên - người tình “Thà như giọt mưa” của Nguyễn Tất Nhiên-. Lần đó, tôi chỉ là con bé lớp đệ tứ, mới vừa cùng Yến tự biên, tự diễn cho ra tập thơ đầu tay với tên gọi thật sặc mùi… chiến đấu “Tuyên ngôn 15”. Nhịn quà, dành tiền tiêu, tự tay viết stencil để in ronéo, chạy đi năn nỉ anh Nhiên xin phụ bản của tập thơ Thiên Tai để làm bìa cho tập thơ này, và rồi sau đó mang đi… biếu không cho bạn bè, thầy cô trong trường. Chắc chắn, lúc đó động cơ mạnh mẽ nhất đã thúc đẩy hai đứa tôi cùng… liều mạng làm được chuyện này là việc nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã vào lớp tôi để phổ biến tập thơ “Thiên Tai” của anh, (Với hy vọng sau này mình sẽ khá hơn và làm được như anh chăng?). Và dĩ nhiên ngày sinh nhật thứ mười lăm của tôi hôm đó còn là để ăn mừng sự chào đời của những cánh chim non vừa nứt vỏ, rời ràng của mình trước khi tập tành vẫy cánh tung bay trên vùng trời cao rộng. Tôi không nhớ mình còn cảm giác gì đặc biệt hơn vào ngày sinh nhật này, ngoài niềm vui háo hức của một đứa bé biết rằng mình đã bắt đầu là người lớn, bắt đầu từ giã Tuổi Thần Tiên để bước vào Tuổi Biết Buồn.

Rồi những năm 16, 17 tuổi, sinh nhật của tôi chỉ là những ngọn nến âm thầm tự thắp lên trong thinh lặng, một mình, không ai nhắc nhở, dù lúc đó, tôi cùng với Minh Thủy đã cho “chào đời” thêm 2 nàng thơ mới: “Thơ 16” và “Tình khúc” (Tôi nhớ khi mang tặng những tập “Tình Khúc” cho bạn bè, thầy cô, không biết Minh Thủy thì sao chứ riêng tôi, vừa hạnh phúc lại vừa... lo lắng. Liệu rồi có ai “xem thơ lòng sẽ hỏi lòng, người đâu tả ở mấy dòng thơ đây!” chăng?) Thơ của tôi lúc bấy giờ không còn là thơ của những giấc mộng suông, của trí tưởng tượng nữa, mà là tâm linh, là cả nỗi lòng trăn trở khôn nguôi, khổ đau, chờ đợi… Tôi đã chờ và sống trong cái “thú đau thương” ấy cả hai năm trời với niềm hạnh phúc, mê say theo từng bước chân, ánh mắt, nụ cười của Lĩnh mỗi ngày, trên dãy hành lang dài dẫn qua từng lớp học. Mãi cho đến năm 18 tuổi, tôi mới có một buổi tiệc sinh nhật lần thứ hai, thật đúng nghĩa, thật linh đình do ba má tôi tổ chức tại nhà, vì đó cũng là lúc tôi thi đậu Tú Tài II. Tôi nhớ lúc ấy, rất đông bạn bè, có cả Thầy Phùng Thái Toàn, giáo sư dạy môn Vật lý và là chủ nhiệm lớp 12A1 của chúng tôi cùng đến dự.( Thầy Toàn đã mất vào khoảng cuối năm 1995, ở San Jose vì bệnh tim! Xin gửi một nén hương lòng đến Thầy, người Thầy rất vui tính, dễ dãi, lại hướng dẫn một lớp toàn là con gái…mới lớn, nên thường hay bị học trò…bắt nạt). Chúng tôi đã có một ngày thật vui, thật đẹp vì hầu như ai cũng nhẹ nhàng, hoan hỉ sau khi đã trả xong nợ sách đèn và cầm chắc mảnh bằng trên tay. Riêng tôi, trong nhật ký hôm đó tôi nhớ là đã ghi: “Ngày sinh nhật buồn, khởi điểm rõ ràng và hứa hẹn nhiều… mật đắng!”

Tôi vừa thong thả mở gói quà vừa liên tưởng: À, chắc là tập thơ mình mới hỏi hắn hôm nọ, hoặc tác phẩm nào mới của hai vợ chồng hắn đây. Thế nhưng, khi thấy tấm thiệp rơi ra từ hai quyển báo phát hành từ một nơi xa xôi, tôi lại nghĩ khác đi: thế nào cũng tìm ra bài của chàng và nàng trong này. Không vội xem tờ thiệp, tôi mở trước một quyển nhìn ngay phần mục lục, lướt vội trên các tên tác giả, thấy ngay tên anh chàng ở giòng cuối, tôi nhủ thầm: thấy chưa, biết ngay mà! Trở lại một lần nữa trong phần mục lục, tôi từ tốn chậm rãi hơn để tìm xem có tên cô nàng chăng? Bỗng tôi chớp mắt thật nhanh, nhìn lại thật kỹ cái tên vừa thoáng qua trong mắt. Đầu choáng váng, mắt hoa lên và tim bỗng dưng đổi nhịp dồn dập! Tôi cố trấn tỉnh mình một cách thật gượng gạo. Lĩnh đó sao? Tôi nhìn lại một lần nữa tên anh để xác định rằng mình không đang mơ. Giở ngay trang có bài của Lĩnh, tôi đọc vội một đoạn và biết rõ đúng là anh. Lặng người một giây, tôi giở tiếp quyễn thứ hai, lại một bài khác của Lĩnh. Tôi ngập ngừng đóng sách lại. Một tờ giấy nhỏ kèm trong tấm thiệp sinh nhật vô tình rơi ra, những giòng chữ của nhỏ bạn thân khiến tôi chùng lòng, quay quắt: “Gửi mi hai cuốn báo làm quà sinh nhật. Hãy đọc qua -ít nhất là mục mục lục- để biết tại sao tao chọn gửi chúng”. Lạ thật, tôi đã làm đúng những điều mà hắn dặn dò, mặc dù chưa hề đọc qua lời nhắn này trước. Và cũng không ngờ mình vẫn còn những xúc động thật đáng buồn cười, tựa như có người vừa khơi lại đống tro tàn, mặc dù đã vô cùng cũ, lạnh! Trong khoảnh khắc ấy, tôi tưởng như mình đang sống lại những khổ đau, hạnh phúc, nước mắt, nụ cười của “thuở học trò không sách vở cầm tay”, những giòng nhật ký của năm 18 tuổi bỗng trở về nguyên vẹn, như mới hôm qua.

“Hôm qua, tôi đã bắt đầu trang nhật ký mới với một giòng duy nhất: Hôm nay, tôi mười tám tuổi! Nét bút cứng ngắc và lạnh lùng khiến tôi bàng hoàng ngơ ngẩn. Mười tám tuổi! Đôi vai đang đầy thêm một chút, mớ tóc thêm vài sợi muộn phiền, còn những thứ gì thay đổi khác để cho tôi xa lạ hơn nữa? Bỗng dưng tôi bật khóc, 18 ngọn nến của buổi chiều mười bảy đã tàn, tiếng cười ròn tan của bạn bè mất hút, bây giờ, chỉ còn tôi một mình ở đây, chung quanh là bóng đêm và hiu quạnh. Thật ra, tôi vẫn chưa trưởng thành nổi với những điều mà lẽ ra tôi đã phải từ giã chúng trước giờ ánh nến cuối cùng phụt tắt cũng như sự yếu đuối của tôi khi đôi tay run rẩy viết không xong tên Lĩnh trên cánh thiệp. Vì thế, Lĩnh vô tình làm người vắng mặt, vì thế, tôi cố tình làm kẻ lãng quên. Hai tháng dài dai dẳng, chịu quay lưng về quá khứ, gom cho xong một chút tương lai, tôi còn gì để chờ mong ngoài phút giây hạnh ngộ. Nhưng hạnh phúc vốn là cái khốn cùng, nên tôi chưa giữ được trong tay, dù chỉ là những ảo hình mong manh nhất.

        Lĩnh! Anh có còn nhớ gì tới em và những ngày trong quá khứ? Sân trường cũ em đã giã từ, bờ thềm xưa em vừa quay gót, chúng ta đang bắt đầu ở trên vị trí của một cuộc chia ly mà cả hai không ai là người đưa tiễn. Rồi những ngày tháng mới, cô học trò tỉnh lẻ này trở thành người xa lạ, liệu có ai dung dưỡng bước chân em khi trở lại trường xưa, nơi bảy năm dài em làm thân học trò ngoan ngoãn, nơi hai năm em khép kín tình riêng, hay lúc trở về em lạc loài giữa mọi thứ quen thuộc và lạ lùng ngay trong đôi mắt của anh?

        Tôi lầm lẫn hay tôi đang hối hận? Ngày sinh nhật này Lĩnh không tới, mặc dù tôi không muốn, mặc dù tôi đợi chờ. Mười tám tuổi! rồi sẽ trống vắng hay thế nào nếu tôi vĩnh viễn không mong gặp lại Lĩnh. Làm một cuộc lựa chọn, tôi đành chịu thật nhiều mất mát. Ngày vui ơi ngắn ngủi! Muộn phiền so dài lâu! Tôi muốn quên bẵng đi cái tên Lĩnh, nên cố tình lơ đễnh với giấc ngủ lẫn chiêm bao, thế mà, bây giờ, âm thanh quen thuộc ấy vẫn còn nồng nàn khi nghe nhắc nhở.

        Buổi tối hôm qua, trước giờ đi ngủ, tôi mang phần bánh dành cho Lĩnh đặt trên bàn học cạnh quyển vở…nhìn thẫn thờ, buồn tủi và khóc một mình. Tôi không thể nào để đừng nhắc về Lĩnh, bởi tôi chưa bao giờ có dịp để quên anh. Kỷ niệm còn quá nồng hơi nên nỗi ngậm ngùi càng trở nên dai dẳng. Ánh nến và những lời chúc tụng của buổi chiều còn vương víu chung quanh như khơi động thêm cơn đau đang òa vỡ. Tôi cố chờ mong một huyền nhiệm, nhưng Lĩnh không là trăng sao nên tôi không tìm được anh trong bóng đêm. Lĩnh không là gió thoảng nên tôi đành im tiếng gọi. Ngồi lại chỗ này, nơi hằng đêm tôi nguyện cầu lặng lẽ, cảm giác mỗi lúc một hư hao. Rốt cuộc, cũng đành phải mất nhau mà thôi! Một khoảng tình thơ dại—18 tuổi muộn phiền, tôi còn gì ngoài dư vị dở dang sẽ mỗi ngày một nhạt.—Ngày tháng tàn tình rồi cũng héo tàn—Tôi sắp sửa làm kẻ xa xăm, Lĩnh chắc có vời trông ngày tôi quay gót? Đã lâu rồi, không gặp lại Lĩnh, tôi làm thế nào để lường được sự thiết tha hay hờ hững của anh. Hôm nay lỡ, ngày mai lại lỡ, có lẽ tôi đành làm người đưa tiễn chính tôi chăng?

Lĩnh! Hãy cho em một tí can đảm cuối cùng để em rời thành phố mà không nghe ray rức, dù chỉ là nhắn nhủ, dù chỉ là tình cờ. Ôi! Tại sao tôi vẫn còn nhiều thứ để thèm tơ tưởng như thế, khi trong thâm tâm tôi đã rời rã, mỏi mòn. Ngày sinh nhật buồn, khởi điểm rõ ràng và hứa hẹn nhiều…mật đắng! Nếu chúng ta chẳng nợ gì nhau thì hãy nên hẹn lại, Lĩnh ạ!—Nơi em đi chắc vẫn còn lệ ứa, vì tình sâu giờ người đã buông mau!”

Tôi không ngờ mình đã thức suốt đêm, đọc hết hai bài viết của Lĩnh, nhớ lại những lần gặp anh sau ngày sinh nhật 18, những chuyến tàu nối liền Biên Hòa-Sài Gòn, nơi đã đưa anh đi, đã đón tôi về, đã mang chở biết bao lời nhắn gửi ân cần, êm ái! Đến những lần gặp gỡ cuối cùng rất tình cờ, hờ hững trước khi Lĩnh và tôi hoàn toàn mất tin nhau.


Cám ơn mi vô cùng bạn hiền ạ! món quà sinh nhật của năm này quả thật quá…nặng ký, nặng tình khiến tôi cảm thấy bàng hoàng, chới với. Ít ra, tôi cũng còn được…một chút gì để nhớ để quên trong cái cõi trần gian ô trọc này đấy chứ! Bỗng dưng, tôi lại nhớ đến câu mà chúng tôi thường nói với nhau ngày xưa, trong những khi ưu phiền, trắc trở : “Tuổi mười bảy có buồn cũng không buồn bằng ngày tóc đã ngã màu”. Dù rằng tóc của chúng ta đâu phải chỉ mới ngã màu từ hôm nay. Phải không bạn hiền?

Giờ đây, quá khứ như một cuốn phim cũ, rất trân quí, đã lạc mất từ lâu, mới vừa tìm lại được, nên hình ảnh dù đã nhạt nhòa, nhưng đoạn nào xem lại cũng vẫn còn làm rưng nước mắt, làm ấm môi cười.

Chẳng phải là chúng ta đã quên bẳng nhau đi rồi sao, hở Lĩnh? Bao năm dài xa cách, tôi chưa hề một lần nào có dịp nhắc nhở đến tên anh. Đời sống như giòng cuồng lũ xô đẩy chúng ta qua những bờ bến lạ, những thác ghềnh xa, dù êm đềm hay khốn khó, chúng ta cũng đã không còn tìm đâu được lối quay về. Thế nên, những rung động, thao thức hôm nay, có chăng cũng chỉ là “những tia nắng qua mái hiên làm tôi nhớ”, những viên đá cuội vụt rơi làm khuấy động mặt hồ. Đó không còn là những khoắc khoải-xót xa, đớn đau-chờ đợi của những sinh nhật ở tuổi học trò mười bảy, mười tám nữa.

Ở nơi xa xôi nào đó trên nữa vòng địa cầu hay gần gũi đâu đây trong một vài khoảnh khắc, tôi mong anh đã và đang được như tôi bây giờ, có một cuộc sống an vui, hạnh phúc và tràn đầy ân sủng. Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!

Lĩnh! Cám ơn anh đã làm cho những ngày tháng học trò của em trở thành huyền thoại, tuyệt vời với đầy đủ những âm hưởng ngọt ngào, đắng cay hòa lẫn xót xa, hạnh phúc. Thế nên, dù vẫn còn được cất giữ hoặc đã đi vào lãng quên trong ký ức của anh, cũng xin nhận lấy lời tri ân, dẫu rất muộn màng của em. Chúc anh mỗi ngày là một niềm hạnh phúc, mỗi ngày là một nỗi hân hoan!



Viết cho một ngày của tháng Bảy, năm 2005_

(Để nhớ về 12A1 niên khóa 72-73)

Tưởng Dung

09 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 55536)
Mình chia tay nhau chắc lần sau cùng Đã biết được gió đi không trở lại Cớ sao đêm đêm nhớ em anh vẫn thấy Em trở về trong mây xám mùa Đông!
04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 54712)
Nhân dịp nghi lễ Tạ Ơn, BCH Hội AHNgô Quyền và BCH Hội AHBiên Hòa, California đã nhận lời mời của anh Nguyễn Quý Đoàn khoá 6 Ngô Quyền tham dự tiệc thân mật với gia đình ngày chủ nhựt 28 tháng 11 năm 2010.
03 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 105631)
Như hôm nay mưa thì lại nhớ đến những cơn bão rớt ở quê mình, mái nhà xưa và bến sông ngập đầy nắng gió.
02 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 125799)
Luân thường gìn giữ cho nhau Xem như mình lại lỡ tàu nửa đêm Vẫn là anh... vẫn là em... Hãy đem dĩ vãng êm đềm chôn sâu.
02 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 125610)
Sao phương nào tụ lại Theo gió ngàn lung lay Ngọn đông phong tê tái Chiếc lá cuối cùng bay.
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 125082)
Tuyết trắng bay bay lạnh buốt đời Nhớ người năm cũ lệ buồn rơi Tình thư còn đó người đâu nửa Người biết hay chăng đã một thời...
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 112114)
"Cô Ba ơi, con không nghĩ có một ngày con được về và đứng ở đây. Con vẫn còn nhớ mấy trái thị cô đã tặng cho con. Con xin cầu nguyện cho linh hồn của cô được yên vui ở cõi vĩnh hằng"
30 Tháng Mười Một 2010(Xem: 62777)
Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California,
29 Tháng Mười Một 2010(Xem: 43447)
Cầu mong Cô ra đi an bình, thanh thản. Mỗi lần ra biển em sẽ nhớ đến Cô. Chắc là biển sẽ mang Cô về lại với quê nhà...
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 121474)
Lễ Tạ Ơn, chính mùa đoàn tụ Con cháu khắp nơi dắt díu về Quây quần ấm cúng bên cha mẹ Kể chuyện tâm tình cho thỏa thuê…
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 47620)
Mỗi khi chán đời, chờ hoài không thấy cơn buồn tan biến, nhìn mặt mình trong gương ủ rũ, thảm thương hơn chiếc lá nằm lay lắt bên bờ cỏ, chờ gió chiều thổi xuống dòng đường lắm xe, tôi thường ghé nghĩa địa tìm người chết.
27 Tháng Mười Một 2010(Xem: 124473)
“Ngày xanh tóc hãy còn xanh Bóng chim qua cửa tóc đành điểm sương Ngày xanh tươi trẻ đến trường Giờ đây sao biết người thương nơi nào?!”
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 124874)
Đi phương nào thì đường xưa vẫn nhớ Dốc Ngô Quyền ký ức nhớ đầy tim Không bạc lòng áo trắng hiền muôn thuở Nắng gió Biên Hòa vẫn còn đó thương yêu.
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 122792)
Thầy đứng lại để con bước tới Bóng hoàng hôn tỏa ánh nhân từ Ấm lòng con tình thầy vời vợi Tuổi học trò chẳng chút ưu tư .
12 Tháng Mười Một 2010(Xem: 120083)
Có phải xa mười năm mà anh nhớ Sàigon Hay nhìn một chút nắng lên mà thương về bên ấy?
05 Tháng Mười Một 2010(Xem: 124790)
Bây giờ mây đang bay vào cô tịch Vẫn nhớ nao lòng sông lạnh chiều xa Ở đó có hàng sa kê thật tuyệt Và một người đàn mãi khúc tình ca.
04 Tháng Mười Một 2010(Xem: 64262)
Ly cà phê buổi sáng Nhìn đời trôi theo ngày cùng tháng Bao tiếc nuối cũng đành Còn bên ta ngàn nỗi muộn màng
02 Tháng Mười Một 2010(Xem: 135015)
Mẹ đã thay cha buổi sớm chiều Dạy con cao cả một chữ YÊU Dạy con hiếu đạo tròn ân nghĩa Cơm cha, áo Mẹ buổi kinh chiều
01 Tháng Mười Một 2010(Xem: 48735)
Thầy Cô ơi! Bạn ơi! Giờ ở nơi đâu Có lượm được chút nào công thức Toán? Đời không cộng thêm vui, đời trừ đi hy vọng Hạnh phúc chẳng nhân lên, buồn khổ lại chia đều
01 Tháng Mười Một 2010(Xem: 116960)
Huỳnh văn Huê vào đệ thất Ngô Quyền năm 1963, đệ nhất B1 năm 1970, học cùng với Ng.x.Quang, Ph.t.Thừa, Tr.h.Phúc, Tô.a.Dũng và nhiều bạn khác nữa…
31 Tháng Mười 2010(Xem: 118606)
Vết thương nào rướm máu Vết cắn nào in sâu Cho muôn đời muôn kiếp Ta vẫn là của nhau
30 Tháng Mười 2010(Xem: 116092)
Hoa hướng dương cần nắng Để đong đưa sắc vàng Xòe hết cánh xinh tươi Mặt tròn xoe duyên dáng.
29 Tháng Mười 2010(Xem: 124388)
Thu đến rồi tàn, thu lại sang Ngoài kia sắc lá đỏ, cam, vàng Gió thu vi vút se se lạnh Muôn thuở tình thu, nhớ mênh mang...
27 Tháng Mười 2010(Xem: 281306)
... để thấy mùa Thu năm nay khởi sắc, lãng mạn và nồng ấm hơn bao giờ hết với đất trời vàng ươm màu áo mới và lòng người như vương vấn chút heo may... Xin bấm vào tựa bài muốn đọc:
23 Tháng Mười 2010(Xem: 112338)
Phải chi từ biệt là quên hết Không còn ray rứt phút thương đau Phải chi chia cắt mà tình chết Mình chẳng nhớ nhau đến bạc đầu.
23 Tháng Mười 2010(Xem: 57788)
Sao rơi hay đom đóm? Chớp tắt suốt đường quê Bìm bịp kêu thắc thỏm Đêm bỗng dài lê thê. Đom đóm hay sao rơi? Chập chờn theo cánh gió Hương hoa khế bồi hồi