Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hoàng Mai Đạt - CHUYỆN ÔNG TÁM DÊ Ở BOLSA

13 Tháng Hai 20153:51 SA(Xem: 27815)
Hoàng Mai Đạt - CHUYỆN ÔNG TÁM DÊ Ở BOLSA

Chuyện ông Tám Dê ở Bolsa
Hoàng Mai Đạt


baby-goat

(Getty Images)

Một dạo kia ở chốn Bolsa “phồn hoa đô thị” có một nhân vật được bà con gọi là ông Tám Dê. Nhờ dê mà ông nổi danh như cồn một thời gian, rồi ông biến mất mau chóng như sao xẹt giữa đêm khuya, khiến một số người thân quen thắc mắc, không biết cái ông sồn sồn trung niên kia sao lại đi đâu mà không thấy mặt mũi nữa vậy cà. Bà con thỉnh thoảng còn nhắc đến ông trong những buổi hậu tiệc với kẻ hút thuốc người uống bia, bàn hết mấy chuyện chánh trị, ăn chơi trời ơi đất hỡi xong, không còn chuyện gì khác để nói thì liền kháo cho nhau nghe chuyện ông Tám Dê. Chuyện ông cũng lạ lắm, nửa như thật, nửa hư cấu, bạn không bận việc gì thì ngồi nghe chơi, nghe xong muốn đi đâu thì đi, mà không chừng đi theo ông Tám Dê à nha.

Dê ở đây không phải là tính lăng nhăng “dê xồm” hay “dê cụ” của mấy ông, và cũng của mấy bà nữa, mà thật sự là một con dê. Nó từ đâu đến, không ai biết, chỉ biết ông Tám nhờ nuôi nó mà được thành danh là ông Tám Dê. Thời đó mà nói đến Tám Dê thì ai cũng biết, khét tiếng như một tay anh chị trong giới giang hồ chứ không vừa đâu.
Dê không là tên của ông lúc ban đầu đã đành, mà Tám cũng không là tên ông được cha mẹ đặt cho lúc lọt lòng. Đấng sinh thành đặt tên cho ông là Trần Quy Đạo ngày ông khóc oe oe chào đời ở một cái quán tồi tàn trong chợ Xóm Mới tại Nha Trang thời trước năm 1975. Cha mẹ ông nghèo lắm, người đi lính cấp bậc quèn, người bán quán sống qua ngày và nuôi đứa con duy nhất của họ. Thời còn son trẻ chưa lấy chồng, mẹ ông tính đi tu ở chùa gần nhà nhưng vì hai vị song thân không cho, vả lại bà cũng nghĩ đến chuyện phụng dưỡng đấng sinh thành cho trọn đạo hiếu, nên cuối cùng đành bỏ chuyện đi tu, rồi lấy chồng. Mỗi đêm khi chồng bận đi đánh trận xa, bà ở quán chợ tụng kinh cầu an cho chồng bên ngọn đèn leo lét, ao ước kiếp sau được theo gót Phật trọn đời. Thế nên khi sanh đứa bé đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất, bà đặt tên con là Đạo, như thể tự nhắc mình hãy sống với đạo mỗi ngày, nâng niu, chăm dưỡng nó cho đến ngày khôn lớn.

Tai biến thời cuộc đến, cha ông chết trận, mẹ ông qua đời vì bạo bệnh, ông Đạo trôi dạt theo làn sóng tị nạn đến Bolsa rồi gặp bà vợ hiền. Vợ ông thật sự hiền, không phải viết tán dương ở đây cho bạn nghe chơi cho vui thôi đâu nha. Bà hiền đến nỗi mỗi lần làm công quả ở chùa, chỉ biết lặt rau, nấu ăn, thắp hương, lau chùi tượng Phật, nghe ai chê khen chi bà cũng chỉ mỉm cười, ai bắt làm chi cũng làm, nên các ni, các tăng ở chùa thường nói giỡn mà cũng có khi nói thiệt rằng, “Sao chị hiền quá, đến chùa mà cũng bị ăn hiếp, khỏi cần đi tu cũng hiền.”

Hồi còn sống với gia đình ở Biên Hòa trước khi vượt biển đến xứ Mỹ, bà được cha mẹ trong nhà gọi là “con Tám.” Sau này các anh chị có gia đình, bà được thăng chức lên “Dì Tám.” Đến khi ông Đạo cặp kè với bà, dắt bà lên máy bay xuyên Thái Bình Dương về thăm quê hương và trình diện nhà vợ, ông “bị” mấy người trong đại gia đình bên vợ gọi là “anh Tám,” “Dượng Tám.” Và rồi ông cũng tự nhận tên mình là Tám cho tiện, ít khi dùng tên ban đầu mà cha mẹ đã trao cho ông, ngoại trừ trên giấy tờ mỗi khi đến DMV thi lại bằng lái xe.

Mà trên đời này hầu như chẳng có chuyện gì là ngẫu nhiên đâu, đều có nguyên do hết đó bạn. Chuyện ông Tám chọn tên Tám thay cho tên Đạo cũng có một nguyên nhân sâu xa, bí ẩn mà có lẽ chỉ có ông mới hiểu, thật sự hiểu. Số là ông thích nhậu, cuối tuần nào cũng đi nhậu ở nhà bạn hay ở quán. Mới uống vài hớp bia, nốc một ly rượu là ông trở thành một con người khác, nói năng hoạt bát, vui vẻ, có khi có duyên còn hơn mấy danh hài trên mấy đài truyền hình nói tiếng Việt ở chốn Bolsa này. Chuyện bậy bạ đời thường ông biết đã đành, mà chuyện tào lao “chánh chị chánh em” ông cũng bàn cãi đỏ mặt tía tai không thua gì ai.

Ông ham nhậu đến nỗi nghe ở đâu có nhậu là vác cái mặt tới cười hề hề mấy câu trước khi nhập bọn. Đón bạn ở xa đến là có cớ cho ông nhậu, nghe bạn ở San Jose nhậu cuối tuần, ông liền phóng xe từ Quận Cam lên miền bắc suốt đêm, xong nhậu suốt ngày với bạn rồi hôm sau lại lái xe về, sáng thứ Hai đi làm khỏe re. Là người tự hào “có học,” tức có đi học và biết suy nghĩ chút chút chứ không phải có bằng cấp tiến sĩ hay bác sĩ gì đâu nhen, đôi lúc ông cũng cảm thấy xấu hổ khi nghĩ đến tên Đạo của mình ở bàn nhậu. Nhớ đến người mẹ mà ông luôn gọi một cách thân thương là “Má,” ông thấy hối hận trong lòng. Má mà biết ông nốc mấy chai bia, ăn nhồm nhoàm mấy món lòng heo, vịt quay thì bà buồn chết, không yên ở chốn suối vàng, có lúc ông nghĩ vậy. Mà chỉ thỉnh thoảng thôi, rồi đâu lại vào đó, ông lại đi nhậu hay mở tiệc nhậu ngay tại nhà. Thế rồi một ngày kia ông bỏ hẳn tên Đạo, lấy tên Tám để mấy đứa bạn nhậu gọi cho tiện, mà ông cũng đỡ cắn rứt trong lòng. “Ê Tám, làm chai nữa đi chứ,” nghe phê hơn là “Ê Đạo, uống bia đi mậy, làm gì mà coi bộ suy tư dữ vậy. Nhớ Má hả? Chơi miếng thịt nướng này đi nè, quên đời đi.”
Đó là lý do ông có tên Tám.

Còn tên Dê thì ở đâu ra? Chắc ổng thích nhậu thịt dê, dê cà ri nị, dê xào lăn, dê nướng hay sao mà có tên là Tám Dê?
Mấy thứ thịt dê đó thì ông Tám nhà ta đã nhậu hết rồi, thêm mấy thứ bê thui, giò heo, chân gà, chân vịt, thịt rắn, thỏ, ngựa, cá trê, tôm hùm gì ổng cũng làm ráo trọi. Cũng bởi chuyện nhậu của ông Tám mà vợ ông rầu, lo cho sức khỏe cũng như tinh thần yếu đuối của chồng trước những cám dỗ thường tình ở đời. Bà cũng thông cảm chồng làm việc căng thẳng, suốt sáu ngày ở sở sản xuất, đêm về mệt đừ, không có hai, ba chai bia thì ông bứt rứt, không được thư giãn. Thế nên mỗi lần đi chùa, mà thường là đi một mình, bà vẫn luôn sám hối, cầu an và hồi hướng cho chồng, mong ông hồi tỉnh như tên Má đặt cho ông.

Vậy mà coi bộ không xong. Thỉnh thoảng ông Tám cũng đến chùa nhưng chỉ đi loanh quanh ngoài sân, tán dóc với mấy ông khác cùng tâm trạng theo vợ đến chùa nhưng chẳng đoái hoài chuyện vào chánh điện lễ Phật. Ông bảo đi chùa cho vợ vui, chứ ông nào tin ở đấng thiêng liêng. Phật chỉ là pho tượng, được tạc thế này thế kia cho đám đàn bà con nít sợ đến lễ lạy, cầu xin lung tung. Làm vậy là yếu, không xứng đáng một đấng nam nhi khí phách can cường, chẳng sợ một ai. Ông nghĩ rằng mình biết làm lành lánh dữ, ăn nói thành thật là đủ rồi, cần gì tin ở Phật hay đến chùa làm chi cho mệt. Khi nhậu thì ông vui hẳn lên, bảo rằng chuyện hài hước giúp mọi người được vui, chẳng làm hại ai. Vậy đâu có gì là xấu. Thôi, ai muốn vô trỏng lễ Phật, tụng kinh thì vô, tui ngồi ngoài này với mấy ông bạn mới quen là vui rồi, được ông bạn nào mời thêm điếu thuốc nữa thì quá đã.

Thế nên đời ông tiếp tục trôi lăn với những chuyện bận rộn thường tình của người phàm, như đi làm kiếm tiền trả tiền nhà, bon chen trong sở cho được lên chức, uống lai rai mỗi đêm, cuối tuần nào cũng ăn tiệc với mấy đứa bạn, hè đi nghỉ mát, lâu lâu viết một truyện ngắn đăng tạp chí để được gọi là “nhà dzăng,” cuối năm đi sắm quà Nô En tặng bà con, bạn bè, Tết đến mua mứt bánh, cành đào chưng trong nhà, đọc lai rai mấy tờ báo xuân (có bài mình viết) cho qua đời đoạn tháng của kiếp người tị nạn.

Vợ ông cũng đi làm, nhưng ngoài giờ lo cho chồng, bà đọc sách đạo, ghé chùa cúng dường, tụng kinh. Có lúc bà tưởng mình đến với cuộc đời này để trả nợ cho nghiệp chướng từng gây cho chồng trong mấy đời trước, rồi cũng có khi bà tin rằng mình từng phát bồ đề tâm ở một đời trước nào đó, tình nguyện theo ông Tám để giúp ông rời con đường tối mù của sự lầm mê, đưa ông trở lại con đường trong sáng của đạo, như tên của Má đã đặt cho ông. Khi nào khuyên giải được ông thì bà làm, còn không được thì thôi, đành biết vậy. Mỗi lần thấy ông chịu đi chùa, ăn một bữa cơm chay thì bà cảm thấy vui nhè nhẹ trong lòng, không mong đợi gì hơn.

Nếu đúng là có vay nghiệp chướng với ông và đến kiếp này phải trả, thì nay nghiệp sắp hết. Và lại hết sau một bữa nhậu cuối cùng mà bà đã đi với ông. Chiều thứ Bảy cuối tuần hôm ấy, như mọi lần, bà theo ông Tám đến nhà một người bạn có mở tiệc, để lái xe đưa ông về nếu lỡ ông nhậu quá trớn. Mà ông Tám có bao giờ nhậu dưới trớn đâu, luôn luôn quá trớn, quá đà. Bữa tiệc hôm ấy cũng vui. Các bạn nghệ sĩ của ông đánh đàn, ca hát, ông này ôm eo bà kia, tay vỗ mông, mắt liếc đưa tình. Ông Tám thì chỉ thích uống, nói chuyện vui huyên thuyên, cà kê dê ngỗng đủ thứ chuyện từ Bolsa về đến quê ông ở chợ Xóm Mới. Rời cuộc tiệc chân đi xiêu vẹo, hơi thở nồng mùi rượu, mắt đỏ ngầu như quỉ, vậy mà ông cứ nhất định đòi lái xe. Cuối cùng bà đành chịu thua. Bà hiền quá, cãi không lại một người đã say sưa, không còn lý trí, chẳng biết trời trăng mây gió gì nữa.

Lúc xe rời nhà người bạn, bà nghe tiếng gió Santa Ana gầm hú trong đêm. Ở Quận Cam này có cái gió Santa Ana là đặc biệt, chẳng đâu có. Gió nóng ban ngày, rét ban đêm, khô khốc, cào xé mái nhà, gào thét trong không trung nghe sợ muốn đứt ruột gan. Đêm hôm ấy, từng đợt gió lạnh đã thổi từ hướng đông tràn xuống thung lũng Quận Cam trên đường hướng ra biển ở phía tây. Bà Tám rùng mình khi bước vào xe, cố gắng kéo cánh cửa đang bị gió đẩy bật ra ngoài. Bà thấy ông cũng nhìn quanh quất như sợ gió sẽ thổi bay chiếc xe.

Ở một ngã tư, ông vừa đạp ga cho xe băng qua đèn xanh, bỗng một chiếc xe đen thùi từ đâu phóng tới, đâm ngang chiếc Honda Civic màu nâu của hai vợ chồng. Chiếc xe đen đâm bên ghế vợ, khiến bà bất tỉnh và bị che lấp ngay lập tức bởi túi không khí vừa bung mạnh từ giàn bảng điều khiển. Ông cũng bị một túi bung đập vào phía trước cơ thể, khiến ông đau nhói ở vùng ngực. Mùi khét của xe đang cháy ở đâu đó làm ông Tám cảm thấy tỉnh táo vô cùng, mau chóng hành động theo bản năng. Ông đẩy cửa bước ra ngoài, chạy qua bên vợ để kéo cánh cửa cứu bà. Mắt bà còn lay động nhưng nhắm lại, đầu ngoẹo qua một bên, làm ông lo lắng vô cùng. Ở bên chiếc xe đen, một thanh niên gốc Latino cũng bò ra ngoài và nằm trên lề đường. Vài phút sau, ba, bốn xe cảnh sát cùng đến một lúc, chiếu đèn pha, chớp đèn xanh đỏ sáng cả một ngã tư ở khu phố Little Saigon. Vài ba chiếc xe của thường dân cũng dừng lại, dăm ba người chạy ra như muốn giúp đỡ nhưng rồi đứng xem cảnh sát làm việc lúc 2 giờ sáng. Gió Santa Ana thổi ào ạt, khiến mấy cảnh sát viên phải vội vàng đóng cửa xe trước khi gió thổi bay giấy tờ ở bên trong.

Không lâu, hai xe cứu thương đến. Trong lúc được cảnh sát trợ giúp, dìu vào lề đường, ông Tám thấy cảnh tượng mờ dần, rồi không còn biết gì hết khi được mấy nhân viên cứu thương đưa lên xe chở đến bệnh viện Fountain Valley. Cả ba người đều được đưa vào nhà thương ấy. Ông Tám không nhớ mình được chở vào phòng cấp cứu trong bao lâu trước khi ông mở mắt tỉnh dậy. Ông đã sờ soạng tấm khăn phủ tới ngực để biết mình còn sống.

Qua ngày hôm sau, khi ông bắt đầu hồi phục, có thể bước ra khỏi giường mặc dù còn bị đau đớn, ê ẩm mình mẩy bởi những vết bầm tím trên ngực, xương sườn, khối sưng ở cổ, người ta mới cho ông biết là bà đã mất. Người thanh niên kia bị thương nặng như ông. Anh ta đã say rượu, lái xe vượt đèn đỏ chứ không phải lỗi của ông mặc dù ông cũng say rượu.
Nằm liệt trên giường bệnh suốt một tuần, ông thấy hối hận vô cùng về chuyện uống rượu của mình. Ông vẫn nghĩ vì nó mà ông đã không để ý, không thấy chiếc xe đen từ trong bóng đêm lao tới chiếc xe của hai vợ chồng. Bữa đó nếu để bà lái xe thì chắc bà không chết, ông không bị thương như thế này. Càng nghĩ về quá khứ ông lại càng ân hận, có lúc rơi nước mắt khóc cho người vợ đã ra đi không lời từ giã. Rồi ông bỗng ghét những luồng gió Santa Ana, xem chúng như những đám âm binh đến cướp mạng sống của nhiều người đêm hôm ấy mà trong đó có cả người vợ ông yêu quí nhất trên đời.

Cơn đau trong tâm và trên thân thể của ông kéo dài cả tháng. Có một lần ông bị mê sảng lúc nửa đêm. Nghĩ đến ánh mắt van nài của vợ lần cuối trước khi bà bước lên chuyến xe định mệnh, ông lại ứa nước mắt, và rồi ông khấn nguyện với chư Phật, chư Bồ Tát hãy cho ông sống khỏe mạnh trở lại, để ông còn có cơ hội chuộc những tội lỗi đã làm trong quá khứ. Ông hứa sẽ bỏ rượu nếu được sống mà không tàn tật trong cuộc đời còn lại.

Đến gần một tháng sau ngày xảy ra tai nạn thảm khốc nhất trong đời, ông Tám đi lại gần như bình thường. Có điều ông không còn vui tươi như ngày trước. Đêm đi làm về, ngồi một mình trong bếp, ông nghe nỗi buồn chĩu nặng trên vai, không gian im lặng không một tiếng người, không có người bầu bạn, cũng không còn bia rượu để ông giải sầu. Ông đã hứa bỏ rượu nên cố gắng thực hiện lời hứa đó, mà nhiều lúc ông thật sự thèm há miệng uống một hớp bia thật lạnh, nghe dòng nước đắng nồng đó chạy từ miệng xuống đến bụng.

Chịu không nổi cơn đau mất vợ, ông xin nghỉ làm mấy tuần để lái xe đi xa. Ông Tám muốn đi đâu đó rời phố Bolsa, đi đâu cũng được, miễn là không quanh quẩn ở nơi đây để luôn thấy hình bóng của vợ ở mỗi góc phố, mỗi ngôi chợ. Thế rồi một bữa kia đang lái xe ở một vùng thôn quê gần Marysville, phía bắc Sacramento, ông tìm một bóng cây mát để nghỉ trưa thì lại đi lạc vào một nơi vắng vẻ, không một bóng người trong tầm nhìn. Đang loay hoay tìm lối trở ra con đường lớn thì ông thấy có một cây sồi khá lớn nằm ở lưng đồi giữa bãi cỏ vàng. Gốc cây này có tàn mát lớn, quá hấp dẫn. Nghĩ vậy, ông đậu xe ở lề đường, lội bộ lên đồi hướng về gốc cây sồi, tính nghỉ ở đó và hóng gió mát.

Gió hiu hiu thổi, đưa ông vào một giấc mộng lạ kì. Từ ngày vợ mất cả tháng trước, ông chưa bao giờ nằm mơ thấy bà về báo mộng hay xuất hiện ở đâu đó trong nhà. Ông từng nghe các bạn ông thấy bóng dáng của người mới qua đời đi quanh quẩn trong nhà. Ông cũng muốn gặp lại bà Tám, dù chỉ thấy thần phách mờ ảo của bà thôi, để nói mấy lời sám hối mà ông đã lặp đi lặp lại không biết bao lần từ ngày bà mất. Dưới gốc cây sồi trưa hôm ấy, trong giấc mộng say của một người được ngủ yên bình sau nhiều hôm mất ngủ, ông Tám thấy lại vợ mình. Ông thấy rõ bà ngồi trong chiếc xe bị tai nạn, mắt nhắm trong lúc ông kéo cánh cửa và tìm cách tháo dây an toàn để đưa bà ra ngoài.
Trong giấc mộng, bà chớp làn mi, xong hé mở đôi mắt để nhìn chồng, tưởng chừng như đang hồi sinh, tiếp tục lại cuộc sống từ ngày bị đứt đoạn trong đêm gió Santa Ana. Ông không bao giờ quên đôi mắt to tròn, đen nâu của vợ, đôi mắt hiền như mắt của một người mẹ thương đứa con bị dị tật, đứa con không thể nào hòa nhập với đám trẻ cùng lứa. Bà nhìn chồng với đôi mắt hiền từ ấy, dù bà không mở miệng nhưng ông có cảm tưởng như bà muốn nói “Em về với anh.” Tỉnh mộng, ông ngồi dưới gốc cây nhìn xuống chiếc xe đậu ở ven đường. Giữa trưa ở một nơi không xa thành thị, mà sao ông cảm thấy nơi đây cô tịch, lòng ông cô đơn trống vắng, không một ai trên đời có thể chia sẻ những ý tưởng, cảm giác mà ông đang có.

Trên đường đi bộ xuống đồi trở về chiếc xe, ông Tám gặp thêm một chuyện lạ. Té ra từ hồi nào đến giờ ông không là một chúng sanh duy nhất ở ngọn đồi này. Nghe tiếng cỏ loạt xoạt ở đâu đó, ông nhìn quanh, và chỉ trong giây lát ông biết mình không cô đơn chút nào ở nơi chốn xa lạ. Một con dê con đang chạy tới, có lúc dừng lại như để xem chừng phản ứng của ông Tám, xong lại mon men tiến đến gần ông. Khi con dê con đứng ở trước mắt chừng mười thước, ông Tám có dịp quan sát nó kỹ hơn. Thân hình bé dê này phủ màu trắng phảng phất một chút xám như màu khói nhang, có hai mảng nâu ở hai đầu gối chân trước, trông giống hai miếng vải vá vào chân. Lưng nó cũng có một mảng nâu lớn gần đuôi, và một khoảng lông nâu lợt ở cổ chạy xuống hai bên bắp đùi, trông nó như một người quí phái được khoác một tấm khăn choàng. Nó đứng với bốn cẳng dài lêu khêu so với thân hình, cao mới hơn nửa ống quyển của ông Tám. Bé dê này dạn dĩ, tiếp tục bước đến gần ông Tám, làm ông càng chú ý đến đôi mắt hơi xếch về phía tai của nó. Đôi mắt đen nâu, sáng long lanh của con dê làm ông Tám nghĩ đến ánh mắt hiền từ của vợ. Thật lạ kỳ, ông ngẫm nghĩ.

Thấy ông Tám quay bỏ đi, con dê bé bỏng liền chạy theo. Ông đưa tay đuổi dê, nó lại càng đi theo gần hơn, như muốn ông chơi với nó. Sau vài lần xua tay thấy dê vẫn bám theo, ông Tám quay lại và quì xuống, đưa hai tay ngoắc ngoắc mời gọi nó bước đến gần. Ở một khoảng cách quá gần, không tới một thước, con dê ngẩng đầu nhìn ông chăm chú với ánh mắt mà ông có cảm tưởng rất thân cận.

Đang ngắm nó với những ý tưởng thắc mắc khởi lên trong đầu, ông Tám nghe có tiếng người ở xa nói vọng lại. Có một ông trung niên trẻ hơn ông Tám đang vừa đi vừa gọi tìm con dê. Thì ra ông Mỹ này là chủ của nó, ông Tám được biết mấy phút sau khi hai người nói chuyện. Ông Mỹ có một trang trại ở phía bên kia đồi. Mới tuần trước, một con dê mẹ sanh được ba dê con. Hai con đầu bình thường, ham bú mẹ và chơi loanh quanh bên mẹ. Riêng con dê út này thì biếng ăn, mỗi lần ăn thì chỉ bú chút chút cho đủ no rồi đi lang thang.

Nghe ông Mỹ gọi con dê là “bé gái,” ông Tám mới biết nó thuộc giống cái. Bữa nay nó chui qua hàng rào và chạy đến tận phía đồi có cây sồi, ông Mỹ kể. Ông cũng cho biết trại của ông chuyên nuôi những con thú được cứu từ những nơi mà chúng bị hành hạ, đánh đập, hoặc bị vất bỏ. Con dê mẹ bị xe cán què một chân, bị chủ rao tặng trong lúc nó đang mang bầu. Ông Mỹ này đọc được lời rao, liền nhận nuôi con dê mẹ, cho nó vào sống chung với đám thú đa chủng hơn một chục con mà ông đang chăm sóc trong trại cứu loài vật.

Đến cuối câu chuyện, ông Mỹ tính bước đến ôm bé dê mang về trại thì nó phóng chân chạy ra xa, hướng về chiếc xe của ông Tám. Cả hai người đàn ông đều nhìn theo con dê, ngẩn ngơ chưa hiểu ý nghĩ trong đầu của nó. Sau một hồi lùa bắt, người đứng đầu này, kẻ chặn đầu kia, cuối cùng hai người đàn ông cũng bắt được con dê. Nhìn theo ông Mỹ ôm con dê bước lên lưng đồi, ông Tám bỗng thấy luyến tiếc con vật mà ông mới quen ở một nơi xa lạ.

Ông Mỹ đi xa chừng vài chục thước, con dê bỗng ngoái đầu lại nhìn ông Tám như đọc được ý nghĩ trong đầu ông. Không hiểu sao, con dê vùng vằng bốn chân cho đến khi thoát khỏi tay của ông Mỹ, rồi ba chân bốn cẳng chạy về hướng chiếc xe của ông Tám, nơi ông đang đứng đợi nó. Thấy bé dê phóng tới, khập khà khập khiễng như đang học chạy, ông Tám bỗng tự động quì gối, đưa hai tay chờ đón nó. Lần này nó bước thẳng vào người ông Tám, không do dự như trước. Nó để ông luồn một tay vào vùng ngực giữa hai chân trước, một tay ôm lưng để giữ cho dê không rơi xuống đất. Ông bế nó lên nhẹ nhàng như bế một con chó con.
Ông Mỹ rảo chân đến, nhìn ông Tám ẵm con dê với vẻ ngạc nhiên. “Hình như nó mến ông. Ông muốn nuôi nó không?” ông Mỹ bỗng hỏi.
Ông Tám ngần ngừ, chưa biết trả lời sao. Cả đời ông sống ở thành phố, không gần với thú vật ở miền quê, cũng không nuôi chó hoặc mèo, nên chưa biết tính thế nào trước câu hỏi quá bất ngờ mà cũng có vẻ như tiền định.
“Ông nhận nuôi nó đi, dễ lắm, miễn là nhà ông có sân lớn cho nó đi loanh quanh gặm cỏ,” ông Mỹ khuyến khích. “Dê thích ăn cỏ linh lang, ông mua cho nó ăn là xong chuyện.”

Nhà ông Tám ở Westminster có sân sau được che với ba bức tường khá cao, hàng xóm chắc không thể nào biết ông nuôi dê, nếu ông kín đáo chuyện này. Luật thành phố chắc chắn không cho ông nuôi nông súc. Người hàng xóm Mễ của ông Tám có nuôi một con gà trống, sáng sáng nó gáy ó ò o làm ông nhớ xóm làng Việt Nam hết sức. Nếu ông nuôi dê chắc cũng không sao, miễn ông giữ bí mật, không cho ai biết, kể cả cho gia đình Mễ láng giềng. Nghĩ vậy, ông Tám liền nhận lời nuôi bé dê.
“Chỉ có điều này,” ông Mỹ nói với giọng nghiêm trọng. “Ông phải thề giữ lời hứa thì tôi mới cho ông nuôi con dê này. Ông chịu hứa không?
“Hứa điều gì?” ông Tám hỏi lại.
“Ông phải nuôi nó như nuôi một con chó, một con mèo hay bất cứ một con thú cưng nào mà người ta nuôi ở nhà,” ông Mỹ đặt điều kiện. “Ông không được ăn thịt nó hoặc bán nó cho người khác làm thịt. Ông phải nuôi nó suốt đời. Nào, ông nghĩ sao?”
Điều kiện không ăn thịt con dê này thì quá dễ. Cả đời ông chưa bao giờ cầm dao giết gà vịt như ông từng thấy người ta vẫn làm khi ông sống ở quê nhà. Đời ông bây giờ cô quạnh, nuôi con dê cho có thêm sự sống trong nhà, hay đúng ra là trong sân, thì cũng như nuôi một con chó lớn, thế thôi, đâu có sao, ông nghĩ. Thế là ông nhận lời, như có một sự nhắc nhở nào đó khiến ông làm vậy mau chóng mà không tính toán thêm. Chở con dê từ Marysville về Bolsa trong hành trình dài một ngày trời, ông Tám thấy vui như có một người ngồi bên cạnh để bầu bạn, tâm sự, mặc dù con dê con này ngồi ở ghế sau chỉ biết phát ra mấy tiếng “He he, he he.” Cũng lạ, người ta thường nói dê kêu “Be he, be he,” mà sao con dê này chỉ nói “He he, he he” như tiếng cười của loài người, mà là tiếng cười vui đó bạn.

Bây giờ thì bạn cũng đoán được tại sao ông Tám nhà mình sắp trở thành ông Tám Dê. Thật ra câu chuyện còn dài trước khi ông được tặng danh hiệu “Dê.” Bạn muốn ngưng đọc một chút để ra ngoài hít thở không khí trong lành, y như người ta ngưng xem phim bộ Hàn quốc thời nay thì hãy làm đi, nhe. Rồi hẵng vô đọc tiếp. Không dám hứa mấy đoạn sau sẽ ly kỳ, hấp dẫn, nhưng chắc chắn “dê” không thể tưởng tượng.

Theo lời khuyên của ông Mỹ, ông Tám tìm mua cỏ linh lăng cho con dê trắng nâu của ông, sau khi nó gặm nhai gần sạch cỏ ở sau nhà. Vừa ăn nó vừa bứng nguyên gốc cỏ ra khỏi mặt đất, khiến sân sau nhà ông Tám tan hoang chỉ sau một tuần rước dê về dinh. Nó cũng ăn hết trơn những ngọn lá cây trong tầm ngửa cổ của nó. Nuôi dê rồi ông mới biết loài dê thích leo trèo, leo lên cả mấy nhánh cây cam để lai rai hết sạch lá non. Loài dê háu ăn, đụng gì cũng ăn thử kể cả hộp giấy vất gần thùng rác. Mà cũng lạ, tuy dư sức leo lên cây và nhảy qua tường vào sân nhà hàng xóm, con dê chỉ leo lên rồi leo xuống, không có ý định bỏ nhà ông Tám.

Mỗi chiều về, thay vì uống bia xem tivi, ông ra sân chơi với con dê. Ban đầu ông thử ném banh, thảy dĩa như người ta thường chơi với chó, nhưng con dê này không hưởng ứng, chỉ đứng nhìn theo trái banh với nét mặt khó hiểu như muốn hỏi tại sao ông già lại ném banh xa quá vậy. Nó cũng không thích bị rượt chạy quanh sân. Bù lại, con dê này thích học những trò chơi mà ông Tám cho là có “văn hóa.” Chẳng hạn như ông dạy nó bắt tay, kêu “He he” theo lệnh chủ, và rồi nó biết hát. Đúng vậy, nó biết hát.

Mỗi lần cho nó một củ cà-rốt hay trái táo, ông dạy con dê đưa chân trước lên “bắt tay” với chủ như chó được dạy ở trường. Tập vài ngày thì nó quen trò “bắt tay,” đưa một chân lên chờ đợi khi thấy ông cầm một món ăn trong tay. Rồi ông dạy nó quay thân lăn tròn trên mặt đất, y chang người ta dạy chó mà ông học qua internet. Đến màn ca hát của con dê thì thật sự nó dạy cho chính nó. Một lần kia nó thấy ông ngồi ủ rũ ở cửa sân sau, mắt nhìn những cụm mây trắng đang bay ngang phố Bolsa sau một cơn mưa hiếm có. Chẳng hiểu sao, con dê bỗng cất giọng kêu “He, he” một tràng dài, ngừng như lấy hơi xong lại kêu tiếp, lên giọng bổng xuống giọng trầm y như người mới tập hát karaoke.

Nghe dê hát “He he, he he he,” ông Tám thích thú, ngồi xem nó ngân nga cả buổi chiều hôm đó ở sân sau. Nó không nằm hay đứng yên một chỗ, mà đi qua đi lại, đi tới đi lui trong sân, vừa đi vừa “He he, he he he” lúc tươi lúc sầu, ông Tám nhận thấy vậy. Từ đó, mỗi lần ra sân, ông ngồi nói chuyện với con dê cái cả buổi, xong biểu nó, “Hát đi con! He he đi nha!” Như hiểu ý ông, con dê đi vòng quanh sân, vừa đi vừa biểu diễn tiếng ca “He he” mà mỗi ngày xem có vẻ một trong trẻo hơn của nó. Đời ông với con dê nuôi lén sau nhà tưởng vậy cũng quá hạnh phúc, nếu được kéo dài cho đến ngày một trong hai được rời cõi trần. Nhưng dòng đời có khi nào chảy suôn sẻ, thẳng tắp từ trên đỉnh núi cao xuống đến đáy biển sâu. Cũng vì tiếng hát “He He” mà đời ông Tám rẽ qua một khúc quanh mới, trôi phăng phăng qua những thung lũng của niềm vui, vực sâu của khổ đau.

Số là bữa hôm ấy ông Tám đang ngồi nghe con dê cưng hát “He he” một tràng dài sau nhà, có một ông bạn ghé thăm ông. Đứng một hồi không thấy chủ nhà ra mở cửa, ông khách đi tới lui ở sân trước, chưa biết rời hay đợi, chợt nghe những tràng dài “He he, he he he” trầm bổng lạ thường từ phía sau nhà. Đứng lắng nghe thêm vài phút, ông khách càng tò mò, quyết định tiếp tục nhấn chuông, gõ cửa mạnh hơn và đợi cho đến khi ông Tám xuất hiện thì mới buông tay. Ông khách muốn biết cho ra lẽ tiếng “He, he” xuất phát từ đâu ra.

Thế rồi ông khách cũng được toại nguyện. Vừa mở cửa, thấy bạn mình xăm xăm đi ra phía sau nhà, ông Tám tìm cách cản đường, hỏi chuyện vòng vo tam quốc, nhưng ông bạn cứ xấn tới, muốn bước ra sau nhà tìm nguồn gốc tiếng “He, he.” Biết đã đến lúc không thể giấu lâu hơn, ông Tám đành nhường lối cho ông bạn vào bếp và đi ra cửa sau.
Thấy người lạ, con dê im bặt, đứng trố mắt nhìn. Đã lâu nó không thấy ai đến thăm ông Tám. Thỉnh thoảng nó nghe có tiếng người nói chuyện ở trước nhà hoặc trong phòng khách, tuyệt nhiên ông không dẫn ai ra sân sau. Nếu không ngồi ở bậc thềm để tâm sự với nó thì ông ở trong nhà nấu ăn, nghe nhạc, đọc sách hoặc xem truyền hình, hiếm khi mời khách đến nhà chơi. Thế nên hôm ấy con dê có vẻ ngạc nhiên khi thấy ông khách đang nhìn nó với ánh mắt dò hỏi. Ông khách cũng ngạc nhiên không kém.
“Mày nuôi dê từ hồi nào vậy Tám?” ông khách hỏi, mắt vẫn nhìn con dê, không buồn quay đầu ra sau để xem ông Tám trả lời.
“Cũng mới mấy tháng.”
“Nuôi dê chi vậy? Có tính mai mốt làm thịt nó không? Con này còn non, bán được giá lắm nghe mậy?”
“Không, tao nuôi dê chơi cho vui, không ăn thịt. Nhất định không. Con dê này khôn lắm, bán uổng.”
“Vậy hả. Nó khôn chỗ nào?”
Trong mấy phút sau, ông Tám cho con dê ăn táo, nói nó biểu diễn mấy màn bắt tay, lăn người. Nó làm y chang theo lời ông Tám, gây thích thú cho ông khách. Ông ta cười khoái trá khi thấy con dê đưa chân phải lên để chờ ông Tám nắm bàn chân. Người khách càng kinh ngạc hơn khi nghe con dê hát “He, he, he” một tràng dài.

Từ miệng của ông bạn, mấy người bạn khác cũng biết chuyện ông nuôi dê và dạy nó làm trò, hát “He, he.” Ông dặn tụi bạn hãy kín miệng, kẻo ông bị thành phố phạt chuyện nuôi nông súc. Thế mà không hiểu sao, thành phố chưa hay mà đã có một nhà báo biết chuyện. Ông này đến nhà mấy lần, nói là chỗ quen biết với ông khách bạn ông Tám, năn nỉ xin được diện kiến con dê để viết một bài phóng sự về biệt tài của con dê và chủ của nó. Biết cản cũng không được, ông Tám đành cho ông nhà báo vào gặp dê, chụp mấy tấm ảnh khi con dê làm trò.

Không bao lâu, từ ngày ông Tám và con dê được lên báo nhật trình, cả xóm Bolsa đều biết chuyện ông nuôi dê trong khi thành phố chưa thấy gởi người đến điều tra. Từ ngày đó ông cũng mang biệt danh Tám Dê. Sau hôm được lên báo, ông được các đài truyền thanh và truyền hình tiếng Việt mời lên đài nói chuyện, mang theo cả con dê nữa. Lúc này ông phải sắm một chiếc xe minivan để chở con dê ở phía sau. Ông bỏ việc làm, chạy theo công việc mới giúp vui thiên hạ với con dê.
Lên đài phát thanh, ông Tám Dê chỉ cần nói vài câu là con dê cưng của ông ca “He, he” cả mấy phút, làm bà con thích thú gọi vô đài lia lịa, cháy cả máy chuyển điện thoại. Đời ông càng lên hương khi ông được xuất hiện trên màn ảnh truyền hình. Đến giai đoạn này thì thù lao của ông khá lắm, không thua các danh hài bậc nhất chốn Bolsa. Không chỉ các đài Việt Nam ở phố này, mà cả các đài phát sóng trên dây cáp, làn sóng vệ tinh cho đồng hương người Việt xem khắp nước Mỹ cũng xếp hàng mời ông mang dê lên biểu diễn. Ở cao điểm của sự nghiệp dắt dê đi hát cho thiên hạ nghe, ông Tám Dê thường diện một bộ áo liền quần vải jeans trong giống y chang mấy nông dân Mỹ. Được cái con dê dễ thương, dễ chịu, dắt đi đâu nó cũng đi, chẳng khi nào tỏ vẻ bướng bỉnh, lì lợm làm mất mặt chủ. Tiếng hát “He, he” của nó cũng có lúc nghe rất truyền cảm, trong sáng như ánh mắt tươi và hiền của nó. Nhờ nó mà ông Tám Dê bỗng trở thành một nhân vật nổi tiếng tỉnh lẻ, được mời đến dự tiệc và giúp vui bà con với tài của con dê. Ông đã được vinh dự vào nhà của các ca sĩ, chính trị gia, đại gia buôn bán, những ai ăn nên làm ra ở chốn Bolsa này ông đều biết mặt. Ngay cả dịp khai trương siêu thị, khánh thành một cửa hàng mới, đón chào năm mới, người ta cũng mời hai thầy trò Tám Dê đến góp tiếng “He, he” lấy hên.

Thế rồi cũng từ cái danh tiếng mà dòng đời ông lại chảy ào ào qua một khúc quanh khác, rơi xuống một thác sâu. Ở các bữa tiệc, ông dần dần bị quyến rũ bởi các món ngon vật lạ, mà nhất là bia rượu. Từ ngày vợ mất, ông tự hứa không bao giờ nếm lại rượu. Nhưng rồi lời hứa đó mỗi lúc một nhạt phai theo ngày tháng, nhất là những khi ông đến dự tiệc. Ngửi mùi rượu ngon ở các bữa tiệc ê hề thức ăn, ông bị cuốn hút đến gần để rồi một đêm kia ông không ngăn cản nổi cơn thèm và nốc cạn một ly. Ly đầu đã ngon, ly sau còn ngon hơn, cứ thế mà chất say lại chui lọt vào thân ông Tám, quấy đục lý trí của ông.
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn từ ngày nếm lại rượu, ông kiếm cớ để mang bia rượu về nhà, nói là để giải stress sau những buổi mang dê đi trình diễn. Rồi một chuyện lạ khác cũng đến. Ông càng uống thì còn dê càng trở nên lạ mặt với ông. Nó bớt làm trò, hát không còn trầm bổng, vui tai như trước. Đến một ngày kia nó ngưng hát hoàn toàn, khiến ông chới với, quê một cục khi ông và con dê đang có mặt trên một sân khấu của đài truyền hình chiếu “Live.”

Từ đó không còn ai muốn liên lạc với Tám Dê để xem con dê của ông làm trò. Được nếm mùi danh vọng suốt nhiều tháng, thấy đời lên hương, đi đâu cũng được người ta nhận diện, chào hỏi, tiếp đón niềm nở, cười giỡn toàn chuyện dê, ông cảm thấy vui thú vô cùng. Trở về với cuộc sống cô đơn như trước, tệ hơn với con dê nay không còn hợp tác, không chịu hát như ngày xưa, chỉ quanh quẩn nhai cỏ, rau lá ở sân sau, ông Tám Dê thấy buồn bã vô cùng. Rồi ông cũng giận, bực bội mỗi khi ra sân để hốt cứt dê, làm vệ sinh, những việc mà trước kia ông thấy thoải mái. Như biết ông chủ mỗi ngày một ghét mình, con dê cũng ngại đến gần khi thấy chủ của nó bước ra sân. Thấy nó tránh né mình, ông Tám Dê càng bực bội, như kẻ bị ruồng bỏ ngoài xã hội. Giữa ông và nó bỗng trở thành kẻ thù bị giam hãm trong sân nhà vốn đã không rộng nay lại thấy chật hẹp hơn.

Thế rồi một đêm kia, cũng một đêm với những trận gió Santa Ana thổi kinh hoàng xuống phố Bolsa, ông Tám Dê ngồi nhậu bên một dĩa thịt nướng ở trong bếp, tay cầm chai bia như thuở vợ còn sống. Đâu đó khoảng 2 giờ sáng, khi không còn biết mình đã uống bao nhiêu chai bia, ông lườm đôi mắt đỏ ngầu nhìn ra bóng tối trong sân, tìm kiếm bóng dáng con dê. Như được trợ lực bởi đoàn âm binh hung hãn đang tung vó ngựa theo những cơn cuồng phong khô rét, ông Tám Dê bỗng hận con thú, cho rằng hành động không hợp tác của nó đã khiến ông đánh mất sự nghiệp sân khấu, nay sa cơ thất thế, lủi thủi một mình không một ai đến thăm. Càng uống ông càng giận, đổ hết mọi lỗi cho con dê, để rồi cuối cùng ông đứng dậy tìm một con dao trong bếp với ý định giết con dê, xóa sạch nó trong cuộc đời ông.

Thấy ông cầm con dao lăm lăm trong tay, con dê nhanh chân leo lên cây theo linh tính. Trong suốt một năm trời sống với ông Tám, con dê chưa bao giờ nghĩ đến chuyện leo qua tường để chạy rông ngoài đường như loài dê dư sức làm. Đêm ấy, nghe tiếng hú ồ ạt của những con gió, nhìn ánh sáng lấp lóe trên con dao trong tay ông Tám, con dê linh cảm một chuyện cực kỳ nguy hiểm sắp xảy ra, nếu nó không mau mau tìm đường thoát. Và nó đã chạy thoát sau khi nhảy qua tường rào.
Thấy dê phóng ra ngoài, ông Tám chạy ra cửa trước và vòng qua con đường sau nhà để tìm nó. Chạy trong đêm tối giữa tiếng gào thét của cơn bão gió, ông Tám thấy mình như đang sống trong một cơn ác mộng mà ông không thể nào làm cho nó ngừng lại. Ông bước lảo đảo giữa những ánh đèn điện, nhìn quanh quất tìm con dê với con dao nắm chặt trong tay. Chạy vào một công viên tối mò, ông thoáng thấy một bóng đen di chuyển mà ông tin là con dê. Ông Tám chạy đến, vung dao tính đâm nó một nhát để kết thúc một câu chuyện mà ông cho là ác mộng. Thế nhưng có ai đó đưa hai tay cầm một thanh sắt chặn con dao đang lao xuống.

Tỉnh mắt, ông Tám biết ông vừa cầm dao giáng xuống một ông vô gia cư ngủ trong công viên. Ông này xô ông Tám té ngửa ra đằng sau, chửi lằm bằm trong miệng, cầm một vỏ chai ném trúng ngực ông Tám trước khi bỏ đi. Như người tỉnh mộng, ông Tám bàng hoàng buông con dao, nằm trên bãi cỏ cho đến khi trời bắt đầu sáng. Ông hối hận về chuyện tính giết con dê. Tai họa lần này còn ghê gớm hơn lần trước khi vợ ông chết thảm trong tai nạn. Rượu đã khiến ông manh tâm sát hại một mạng sống, một điều mà ông không bao giờ nghĩ mình có thể làm.
Từ đó ông Tám không bao giờ gặp lại con dê hay biết nó ở đâu. Dê đã biến mất trong đêm đen sau một cơn mộng. Một dạo sau các bạn của ông ở Bolsa cũng không biết ông Tám Dê biến đi đâu mất. Có người nghe tin đồn ông đã đi tu. Hỏi ra thì cũng gần đúng như vậy.

Sau hôm cầm dao lùng kiếm con dê, ông sợ hãi trước nhận thức mình có thể giết người, nếu rơi vào một hoàn cảnh mà các yếu tố hung ác được hỗ trợ cho nhau. Làm sao thoát ra đây? Ông nhớ đến vợ, đến mẹ, những người từng dắt ông đến chùa. Phải chăng họ đã thấy trước mầm hung ác tiềm ẩn trong ông từ đời đời kiếp kiếp trước, nên đã gợi ý cho ông về với đạo từ ngày ông mới lọt lòng mẹ?

Nghĩ vậy ông Tám bắt đầu đi chùa. Ban đầu ông viếng chùa vào những dịp lễ lớn để hòa chung với mọi người, tránh bị dòm ngó. Thế rồi sự tò mò về đạo đã thúc đẩy ông muốn đến chùa nhiều hơn vào những ngày vắng khách, để có thể hỏi các thầy về đạo. Như một hạt mầm được gieo từ lâu dưới lòng đất khô hạn nhiều năm, nay mưa đến đúng lúc cho hạt mầm được nảy nở, ông Tám mừng vui đón nhận từng lời pháp mà Phật đã truyền dạy hơn hai ngàn năm trước. Từ một thái cực buồn chán, sợ hãi trước cuộc đời không còn ý nghĩa đáng sống, ông Tám bay qua một thái cực khác, rộn ràng với quyết tâm đi tu rũ bỏ sự đời tầm thường. Ông bán ngôi nhà, trừ hết nợ cũng còn chút tiền mang theo trên hành trình tầm đạo.

Thế nhưng muốn đi tu là một chuyện, được hay không lại là một chuyện khác. Chung quanh Bolsa đây có rất nhiều chùa, nhưng hầu như không chùa nào muốn nhận một ông đã trên sáu mươi.
“Bác già rồi, có nhiều thói quen không thể bỏ, làm sao vô chùa tu được,” một thầy nói kèm theo lời từ chối. “Tu từ hồi trẻ mới tập được những thói quen khổ hạnh.”
“Tuổi của ông bắt đầu có những bệnh tật, thầy làm sao gánh nổi khi mà bản thân thầy cũng lo chưa xong,” một vị tăng ở chùa khác nói thẳng.
“Tu ở nhà cũng được vậy, cần chi đến chùa,” một ni khuyên khi nghe ông nói khó tìm được chùa nhận cho tu.
Thế rồi một hôm ông quyết định đi xa, thật xa cái nơi mà người ta từng biết ông là Tám Dê, để làm lại một con người mới. Ông lái xe rời Bolsa đi về hướng đông, tìm chùa ở Arizona. Ớ xứ nóng sa mạc Phoenix, ông Tám ghé vài ngôi chùa. Ở đâu ông cũng được thầy tiếp hỏi ân cần, nhưng không ai nhận cho ông vào tu. Muốn đi tu cũng phải có đủ duyên mới được.
Ở Tucson bên Arizona, qua Albuquerque ở New Mexico, ông gặp vài ngôi chùa trông như nhà bỏ hoang. Chùa đóng hàng rào kín mít, xây dựng dở dang, hoặc không người chăm sóc. Chùa có tượng Phật ở chánh điện nhưng lại thiếu thầy trú trì, chỉ có mấy cư sĩ, Phật tử sinh hoạt với nhau. Đến Denver, Colorado, duyên lành chợt đến với ông Tám sau mấy tuần lái xe vòng vo ba tiểu bang ngoài California.

Một hôm tình cờ lái xe ngang một ngôi chùa bậc trung, thấy một bác lớn tuổi đang quét sân, ông Tám vội vòng xe lại và vào thăm chùa. Hỏi chuyện mới biết bác lớn tuổi kia từ Florida đến đây tu được mấy tháng hè. Nay trời đang sang thu mà mùa đông lại sắp đến, bác ngại không chịu nổi khí lạnh, những tháng tuyết buốt giá, nên tính xin thầy cho xả giới để về với gia đình. Nghe vậy ông Tám thấy phấn khởi, liền vào tìm thầy trú trì và xin được thế chỗ cho bác lớn tuổi. Thầy trú trì còn trẻ, mới đâu trên bốn mươi, dễ mà cũng khó tánh. Dễ là vì thầy nhận cho ông Tám được xuất gia thế chỗ cho bác kia, khó là thầy đặt điều kiện là ông phải quên hết mọi thứ ở ngoài đời, kể cả tuổi tác và quá khứ, tu như một chú tiểu nhỏ tuổi mới rời gia đình, vô đây ai sai biểu gì cũng phải làm.

Sau nhiều tuần tìm không ra chùa để tu, ông Tám nhận lời ngay, không hề biết những chuyện khó trước mặt mà ông sẽ phải trải qua. Chùa có mấy tăng và vài ni, tổng cộng đâu gần mười người. Ai cũng lo tu, không có thời giờ để nói chuyện riêng tư với ông Tám. Theo tuổi hạ thì ông Tám nhỏ tuổi nhất trong chùa mặc dù tuổi đời ông đã trên sáu mươi, già hơn hết mọi người ở đây. Thế nên ông bị các người đi tu trước sai bảo tối đa. Ngày ngày kẻ “tân tu” phải quét sân, lau dọn các phòng vệ sinh, phụ giúp trong bếp, gìn giữ cho chánh điện, tượng Phật luôn được khang trang, sạch sẽ. Mỗi sáng lúc 4 giờ ông được tụng kinh Công Phu Khuya, đi thiền hành với các tăng, ni. Ngoài thời khắc đó thì ông chẳng được “tu” gì hết trơn, phải làm cho xong các bổn phận được giao phó.

Được vài tuần thì ông bắt đầu thấy nản chí, vì không được nghe giảng pháp, không được học tu mà cứ bị sai vặt tối ngày. Đúng lúc ông xuống tinh thần thì may sao có điềm lành hiển hiện cho ông được vững niềm tin. Điềm lành này không là phép màu từ các chư Phật, chư Bồ Tát hiện trên bầu trời chiếu ánh sáng xuống thế gian, mà từ hai con mèo chạy chơi trên mặt đất. Ngoài các phận sự của một chú điệu, ông Tám còn phải lo cho hai con mèo sống quanh quẩn trong sân chùa. Thầy trú trì không cho mèo được vào trong nhà dù là mùa đông hay trong ngày giông tố, nên cũng có nhiều lúc ông Tám thấy rất ái ngại cho chúng.

Trước ngày ông Tám đến đây, chùa đã có một con mèo đực chừng một tuổi được các thầy đặt tên giống cái là Mimi. Con Mimi màu trắng, có những đốm rằn ri màu xám đen. Bốn chân cũng có đốm rằn ri trông nó giống như mèo đi giày. Ông Tám “tu” ở đây được chừng một tuần thì có một con mèo con mới sanh do ai mang đến để trong sân chùa. Con mèo cái này cũng có lông màu đen trắng thêm vài vệt nâu vàng, đặc biệt có hai đôi mắt sáng nghiêm nghị nổi bật trên mảng lông đen. Thấy nó sống sót trong một cái rổ lót vải, ông Tám đặt tên cho mèo là Jivati mà theo tiếng Phạn có nghĩa là “còn sống.” Ông từng đọc một đoạn trong sách nói về ngài Jivaka, vị lương y của Phật Thích Ca. Jivaka bị bỏ rơi trong thúng nằm ở vệ đường, được một hoàng thân thương xót mang về nuôi và sau trở thành vị lương y bậc nhất thời Phật. Tên Jivati được lấy từ tên ngài Jivaka.

Hai con mèo sống trong một mái nhà nhỏ xíu, chỉ to bằng một thùng carton đựng rau trái. Đêm tuyết đầu tiên mà ông Tám thấy rơi xuống chùa tại Colorado, ông nằm trong cái cốc sau chùa, lòng lo lắng cho Mimi và Jivati đang chui rúc dưới mái nhà bên cạnh phòng bếp. Đến nửa đêm, không thể ngủ được nửa, ông cầm theo một tấm mền dư ra ngoài sân và đến thăm hai con mèo. Ông phủ tấm mền lên túp nhà nhỏ của chúng, nói những lời an ủi làm như chúng hiểu được tiếng Việt, xong trở về phòng ngủ.

Từ đêm đó, hai con mèo thường chạy theo ông Tám mỗi khi thấy ông ra sân làm việc. Khi ông quét lá, nhổ cỏ, Mimi và Jivati chơi đùa ở chung quanh. Có khi chúng cắn nhau, có khi rượt trốn, có khi nằm dài rất lười biếng. Chúng đã được ông mang đi thiến ở sở thú y từ thiện nên không còn lo chuyện mèo sanh sản, gây phiền toái cho chùa.

Một bữa kia, không biết từ đâu ra, hai con mèo đùa chơi với một cuốn sách mà có lẽ ai đó đã bỏ quên ở trước cửa vào chánh điện. Thấy chúng vờn cuốn sách theo một trò chơi mới, lật bìa cho bìa mở ra rồi đóng lại nhiều lần, ông Tám tò mò bước lại xem. Cuốn sách là cuốn Kinh Thủy Sám. Mở ra xem, ông đọc cho đến khi hiểu đây là cuốn kinh khuyên người ta nên sám hối cho các nghiệp chướng trong quá khứ. Từ ngày đi tu, ông Tám đã nghĩ đến những bài học về vô ngã, vô thường, khổ đau, chưa hề biết sám hối là bước đầu cho một con đường đưa vào một thế giới thanh tịnh, bình an cho tâm hồn. Khi mang sách cất lại vào trong thư phòng, ông Tám ghé phòng thầy trú trì và xin được tụng kinh sám hối mỗi ngày lúc 10 giờ sáng. Đó là giờ mà ông Tám tạm xong một số công việc lau dọn, phụ giúp. Thầy đồng ý, còn chỉ cho nghi thức khai kinh và khuyên ông học thêm mấy bài chú phổ thông.

Từ ngày đó, ngoại trừ lúc chùa có lễ lớn, ông Tám ngồi tụng kinh trong chánh điện lúc 10 giờ sáng. Mặc dù tụng một mình suốt cả tiếng đồng hồ, ông Tám không là chúng sanh duy nhất đang ở trước Phật. Ngoài cửa kiếng luôn luôn có hai con mèo ngồi nhìn vào bên trong. Ông Tám không biết Mimi và Jivati ngồi đợi ông tụng kinh xong thì ra chơi với chúng, hay cũng muốn sám hối theo cách riêng của mèo. Mỗi lần biết hai con mèo đang ngồi ngoài cửa sổ quan sát mình tụng kinh, ông Tám cảm thấy như được khích lệ, nhắc nhở ông hãy tiếp tục để hóa giải nỗi ưu sầu mà ông vẫn mang theo về cái chết của vợ và vụ muốn sát hại con dê của ông. Trong cõi tâm linh, có lúc ông nghĩ hai con mèo đó chính là mẹ ông, vợ ông hoặc những ai từng một lần hứa giúp ông bước vào đường tâm linh.

Chuyện ông Tám Dê đến đây là chấm dứt. Thỉnh thoảng cũng có người từ Nam California ghé thăm chùa và nhìn ông Tám chăm bẳm, có lẽ vì họ thấy một ông sư già đang quét sân, hốt rác có hai con mèo lẽo đẽo đi theo trông ngờ ngợ giống một nhân vật mà họ từng biết. Hỏi các tăng trong chùa thì họ chỉ nghe các thầy nói, “Không biết ông Tám Dê là ai, chứ người dân ở đây thường gọi cái ông mới tu ấy là Ông Sư Mèo.”

Nguồn: https://hoangmaidat.wordpress.com/



 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 451)
Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn ...
08 Tháng Ba 2024(Xem: 996)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1720)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 436)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1711)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3433)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4819)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 5392)
Bầu trời tháng Bảy đẹp như mơ Sinh Nhật 6 nàng tặng rổ…thơ HOÀI NIỆM, NGUYÊN NHUNG tài khó đoán TƯỞNG DUNG, PHƯƠNG THUÝ giỏi không ngờ!
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 4544)
Ai có quay về chốn cố hương Xa xôi cách trở mấy cung đường Hỏi giùm: "Người cũ còn nhung nhớ?" Đất khách bôn ba đời lữ thứ Quê người lận đận kiếp phong sương Nhắn hộ: "Tình xưa vẫn vấn vương"
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5166)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5420)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 5487)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 5823)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5308)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 9751)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 6933)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5689)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
17 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6907)
Suốt cả cuộc đời Voi hoạt bát chỉ chuyên tâm tu học, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn Giúp ích cho đời. Tưởng chừng gieo nhiều hạt tốt sẽ gặt lắm quả lành,
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5772)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6421)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 6543)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
01 Tháng Chín 2022(Xem: 16008)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 2022(Xem: 7133)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
29 Tháng Bảy 2022(Xem: 7246)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
28 Tháng Sáu 2022(Xem: 9114)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!