Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Võ Quách Thị Tường Vi - XUÂN TRÊN ĐẤT MỚI

30 Tháng Giêng 20155:23 CH(Xem: 28692)
Võ Quách Thị Tường Vi - XUÂN TRÊN ĐẤT MỚI


Xuân Trên Đất Mới

xuan trên dat moi

Gió đông đã bớt lạnh.  Trên cành cây đào sau vườn những búp non bắt đầu đâm chồi nẩy nở. Năm nay mùa đông đi qua quá mau so với những năm trước. Thế là thêm một mùa xuân nữa đã về. Lại thêm một cái Tết nữa. Tết năm nay đánh dấu bốn mươi năm mà Dung đã định cư trên quê hương thứ hai của mình. Lòng bâng khuâng Dung chợt nhớ lại những tháng ngày năm xưa cùng cái Tết đầu tiên trên nước Mỹ bốn mươi năm về trước.

Dung vẫn nhớ như in trong đầu vào ngày 22 tháng Tư năm 1975, một chiếc máy bay quân sự chở hơn số lượng người đã định, lao chao hai ba vòng trên không gian trước khi lấy đà bay thẳng về hướng đông. Người người ngồi la liệt ở giữa sàn máy bay mà chung quanh được bao bọc bởi hai hàng ghế. Có rất nhiều người ngồi trên hai hàng ghế này, vừa là những quân nhân Mỹ vừa là những người di tản.  Nhiều bà mẹ ôm những đứa bé thật chặt vào lòng dỗ dành để các em ấy bớt sợ và bớt khóc. Có những tiếng khóc thút thít từ một vài nơi trong lòng máy bay. Dung thấy có nhiều người không nói, nhưng nước mắt vẫn chảy ra nơi hai khóe mắt của họ. Những con mắt nhìn nhau trống không, không định hướng và không hồn. Những người quân nhân Mỹ trẻ ngồi gác ở hai bên cánh cửa của máy bay, vũ trang đầy đủ, sẵn sàng dùng vũ khí để bảo vệ cho nhóm “hành khách” của mình. Ai nấy cũng rất khẩn trương và hoảng hốt.  Qua tiếng động cơ ầm ĩ của máy bay, những tiếng súng liên thanh cùng với những tiếng đạn pháo kích vẫn nghe rõ ràng như đang ở phía dưới chân Dung.

Dung vẫn thật không ngờ mình lại đang có mặt trong lòng phi cơ này. Mọi sự giống như trong mơ. Hai ngày trước, khi tình cờ gặp ông hội trưởng của hội Cô Nhi nơi mà Dung đang làm việc bán thời gian, ông có hỏi Dung có muốn di tản không. Dung đã trả lời xin đi. Mục đích Dung xin đi là để có cơ hội được đi học tiếp. Từ hồi còn nhỏ Dung đã rất thích đi học. Dung may mắn thi đậu vào trường Trung học công lập Ngô Quyền Biên Hòa và học lên được luôn tú tài hai. Sau đó Dung vừa đi học đại học vừa đi dạy kèm. Đầu năm 75 thì Dung xin được một việc làm với hội Cô Nhi này. Việc làm cũng rất thích thú vì Dung có dịp tiếp xúc nhiều với các em nhỏ cùng những cha mẹ nuôi của các em ấy. Dung cũng đã lặn lội vào trong những hang cùng ngõ hẹp tìm kiếm các em này để trao lại cho các em những món quà hay học bỗng mà hội Cô Nhi đã xin được từ những vị hảo tâm ở bên Mỹ gửi về. Tiền lương trung bình nhưng đều đặn nên cũng giúp Dung yên lòng mà chú tâm vào việc học của mình.

Đang suy nghĩ mông lung thì Dung thấy một quân nhân Mỹ thình lình đứng bật lên, chụp vội cây súng của mình và nói một tràng tiếng Mỹ dài còn tay thì ra dấu bảo mọi người ngồi sát xuống sàn máy bay. Có một người nào đó trong nhóm hành khách thông dịch lại với giọng hoảng hốt:

- Bà con ơi, họ nói mình đang bay qua một khu đang đánh nhau dữ dội và nguy hiểm lắm. Mọi người nên im lặng và ngồi sát xuống sàn mau lên!!!

Những tiếng khóc rấm rứt và tiếng nói chuyện lập tức im lặng ngay. Ai nấy cũng sợ hãi và nét mặt tái xanh lại. Bà cụ ngồi kế bên Dung đưa tay lần chuỗi hạt và làm dấu thánh giá rồi lẩm bẩm đọc kinh. Một vài người khác thì niệm kinh Phật trong yên lặng. Dung nghe rõ những tiếng đạn bắn phía ngoài máy bay cùng những tiếng đại bác rầm rì. Thình lình máy bay bị đảo qua một bên rồi chúi xuống đất một chút. Có tiếng người la to:

- Trúng đạn rồi bà con ơi!! Máy bay bị trúng đạn rồi !!!

Sàn máy bay bây giờ đã đông nghẹt người ngồi. Tự nhiên nhiều người òa lên khóc cùng một lúc.  Anh lính Mỹ hồi nãy lại đứng lên lần nữa và làm dấu cho mọi người yên lặng. Máy bay lảo đảo một vài phút rồi sau đó thì cất cánh bay thẳng trở lại. Dần dà không khí trong máy bay lại trở lại trạng thái bình thường như lúc trước. Trong lòng máy bay mọi người bắt đầu chuyện trò trở lại. Bà cụ ngồi bên cạnh Dung quay qua hỏi thăm:

- Cô có sao không? Người nhà của cô đâu rồi?

- Dạ con cảm ơn bác, con không sao cả. Dạ con đi một mình.

- Con gái mà đi di tản loạn lạc một mình, khổ thiệt!!

Dung gượng cười nhưng cái miệng thì méo xẹo và buồn ray rức trong lòng.  Số là ba của Dung đã đổi lên Ban Mê Thuột làm việc mấy tháng trước và đã mất liên lạc với gia đình hồi tháng ba vừa rồi. Dung có lên Bộ Nội Vụ để tìm tin tức nhưng ba Dung vẫn biệt tăm. Lại thêm cậu em út của Dung bị đi vào trại huấn luyện Quang Trung vào cuối tháng hai. Khi hay tin này Dung chạy về để tiễn em nhưng không kịp nữa. Dung chỉ thấy được một chút phía sau của xe “cam nhông” với tấm màn màu xanh lá cây dày đặc chở em mình đi lính mà thôi.  Khi được biết là mình có tên trong danh sách để di tản, Dung vừa mừng, vừa bâng khuâng. Mừng là mình có hy vọng để tiếp nối việc học nhưng bâng khuâng là vì không biết tương lai sẽ đi về đâu, nhất là trong khi tin tức của ba mình không rõ ràng và cậu em trai lại ở trong quân trường.  Trăm mối ngổn ngang trong lòng nước mắt của Dung đã trào ra hồi nào không hay. Dung khóc âm thầm.

Rốt cuộc rồi máy bay cũng đáp xuống một phi trường quân sự ở Phi Luật Tân. Khi ra khỏi máy bay, Dung nhìn lại thì thấy nhiều vết đạn loang lỗ bên ngoài của phi cơ. Dung thật kinh hoàng và thấy mình rất là may mắn.  Sau đó Dung được di chuyển qua đảo Guam và ở trong một chiếc lều được dựng lên rất vội vã qua đêm cùng với hai gia đình nhân viên của Hội Cô Nhi. Hàng ngày Dung hay đến những trạm thông tin để hy vọng tìm được bạn bè hay những người thân. Dung vẫn thầm hy vọng là bằng một phép lạ nhiệm mầu nào đó Dung sẽ tìm lại được những người thân yêu của mình. Người đến đảo càng lúc càng đông nhưng Dung thấy hy vọng mong manh của mình mỗi ngày lại một thưa dần. Dung hay thường đi lang thang ở bên bờ đảo, nhìn ra khơi mà thấy lòng mình chùng lại, thầm hỏi quyết định ra đi của mình có đúng hay không?

Hai tuần sau thì Dung được đưa qua Mỹ và định cư ở tiểu bang Maryland trong một thành phố giáp ranh giới với thủ phủ Washington D. C. Dung về ở chung với chị Liên dưới sự bảo trợ của hai vợ chồng ông bà mục sư đạo Cơ Đốc. Chị Liên lớn hơn Dung bảy tuổi, rất nghiêm nghị và ít cười. Hình như chị cũng có một tâm sự gì đó mà Dung thường hay thấy chị khóc lặng lẽ âm thầm. Khi bị bắt gặp thì chị cười gượng gạo và nói là bị bụi vương vào mắt. Chị Liên ơi, em cũng có bụi vương vào mắt đó, Dung thầm nhủ trong lòng. Chị hay dạy Dung tiếng Anh và chỉ bảo Dung cách sống ở bên Mỹ. Chị đã có bằng Cử Nhân Anh Văn, đi du học ở bên Phi Luật Tân về, và đã đi làm mấy năm nay. Hồi nhỏ chị học trường Marie Curie nên rất thông thạo tiếng Pháp. Dung thấy chị hay viết thư bằng tiếng Pháp và gửi cho bạn bè, bà con ở khắp mọi nơi.Chị đã có việc làm ổn định ở cùng chỗ với ông bà bảo trợ còn Dung thì đã ghi danh đi học và đi làm bán thời gian ở trong một trường học hàm thụ. Tuy chị rất nghiêm và có vẻ “khó” nhưng chị lại hay sợ những con vật nhỏ xíu vô hại. Một đêm đang ngủ ngon thì cả nhà đều choàng tỉnh dậy vì tiếng la hét của chị. Chị mặt mày tái xanh run rẩy chỉ tay vào bồn tắm. Dung thấy trong bồn tắm có một con chuột nhắt đang lúng túng tìm cách bò ra. Vì bồn tắm cao nên chú chuột này chồm lên thì lại bị tuột xuống nhiều lần gây ra những tiếng động lào xào, rột rạt trên thành bồn. Nó càng gây ra nhiều tiếng động thì chị Liên lại càng sợ hãi và càng khóc to thêm. Ông bà mục sư chạy vào thấy vậy, chỉ lắc đầu, mỉm cười và đã bắt chú chuột này bỏ ra ngoài vườn một cách dễ dàng.

Chị Liên cũng rất quan tâm về vấn đề ăn uống dinh dưỡng của mình. Chị muốn sụt cân nhưng lại thích ăn “chip” còn ông bà mục sư thì tuyệt đối không mua những thức ăn này. Một hôm chị mua đâu được bịch “chip” Cheetos nhỏ đem vào phòng và mời Dung ăn. Hai chị em ăn hết nguyên bịch này rất nhanh mà Dung vẫn còn thòm thèm vì đây là lần đầu tiên trong đời Dung được ăn một món ăn lạ và ngon như vậy. Hôm sau bà bảo trợ có việc vào phòng của hai đứa, mũi phập phồng bà ấy bảo là “tôi ngửi có mùi chip”. Chị Liên và Dung thì sợ quá lắc đầu lia lịa!!

Vấn đề ngôn ngữ và văn hóa bất đồng cũng gây ra những hiểu lầm không ít. Dung thì nghĩ đó là những bài học của mình nên đón nhận những lời sửa đổi một cách rất tự nhiên tuy đôi khi cũng có lúc tủi thân khóc thầm. Nhà ông bà mục sư này chỉ ăn đồ Mỹ và lại ăn chay trường nên chị Liên và Dung rất nhớ cơm và thức ăn Việt của mình. Nhớ một lần được mời đến nhà một chị bạn người Việt để dùng cơm, ra về chị ấy lại gói cho chị Liên và Dung một chai nước mắm nhỏ. Vào thời điểm ấy, thức ăn Việt nam rất hiếm hoi, có được chai nước mắm là rất quí. Chị Liên và Dung phải nghĩ cách làm sao mà đưa được món đồ “quốc cấm” này về nhà vì biết chắc là ông bà bảo trợ sẽ không thích. Sau khi được gói kín trong 5-6 lần giấy báo và bao nhựa, chai nước mắm “bất hợp pháp” này được dấu kín vào trong một góc của tủ đựng quần áo đợi chờ một cơ hội tốt. Rồi thời cơ cũng đến cho những ai có chí đợi chờ! Ông bà bảo trợ có dịp đi xa để thăm con cháu vài hôm. Chị Liên và Dung lật đật nấu nồi cơm bằng gạo Mỹ hiệu “Uncle Ben” vì không có gạo trắng Việt Nam mình lúc đó, luộc hai trứng gà cùng rau bắp cải, và trịnh trọng khui chai nước mắm ra để làm nước chấm. Hai chị em ăn ngấu nghiến rất ngon lành. Hình như đây là bữa cơm ngon nhất từ trước đến giờ. Khi ăn gần xong hai chị em nhìn nhau, tự nhiên nước mắt lại chảy dài và chị Liên cùng Dung đều bật khóc.

Rồi mùa đông đầu tiên trên nước Mỹ cũng đã đến. Dung và chị Liên thì sợ nhất là mùa Đông mặc dù là cảnh rất đẹp. Lần đầu tiên thấy tuyết, chị Liên đã kéo Dung lại để xem. Tuyết rất đẹp nhưng thời tiết thì lạnh thấu xương, Dung đã mặc hai ba lớp, lại khoác cái áo bành tô bên ngoài dày cộm như khúc giò bó chặt mà vẫn lạnh. Có hôm lạnh đến nổi thở ra khói, rồi khói này đông lại thành đá đóng chung quanh mũi và miệng như những bộ râu màu trắng trông rất là dị hợm và ngộ nghĩnh. Thỉnh thoảng có hôm trời quá lạnh, nước từ tuyết tan ra hôm trước lại đông thành đá. Dung hay đi bộ đến trường. Đường hôm ấy trơn trợt, Dung té lên té xuống nhiều lần làm cả người ê ẩm.

Mấy tháng đầu rồi cũng trôi qua nhanh. Năm 1976 đã bắt đầu. Tin tức bên nhà vẫn biệt tăm vì bang giao giữa nước Mỹ và Việt Nam đã bị cắt đứt. Dung đã gửi nhiều thư về nhà qua các ngả Thụy Sĩ, Gia Nã Đại, và Úc Đại Lợi nhưng vẫn không thư trả lời. Chị Liên thì vẫn nhận được tin gia đình đều từ thơ của một người chú ở bên Pháp. 

Một hôm đi lễ xong ra khỏi nhà thờ thì có một cô bạn người Mỹ làm chung sở chạy đến nói chúc mừng năm mới cho Dung và chị Liên. Chị Liên và Dung đều sững sờ. Trời ơi, Tết đã đến rồi sao?  Cô bạn này lại nói là hình như có một hội chợ Tết ở trung tâm YMCA ở dưới phố và tình nguyện chở chị Liên và Dung đi tham dự. Khi đến nơi thì hội chợ đã gần tan, lưa thưa vài ba người tóc đen gốc Việt Nam lủi thủi đi ra cửa. Chị Liên hỏi thăm họ thì ra những người này đều là người Việt mới qua, cũng đi tìm một chút hương vị ngày Tết cùng tình đồng hương như Dung và chị Liên vậy. Bên trong hội trường giờ đã trống trơn, vài ba chiếc bàn nhựa trắng nằm lưa thưa bên những chiếc ghế trống. Mình đã đến muộn lắm rồi. Dung thầm nhủ.

Đang khi đứng ngơ ngẩn ở bên cửa ra vào thì có một bà cụ người Bắc cùng với cô cháu gái đi ngang qua chỗ Dung và chị Liên đứng. Cụ dừng lại.

- Hai cô đừng buồn nữa. Hội chợ đầu tiên ở đây không có tổ chức lâu, mà cũng chẳng có gì nhiều. Chúng tôi gặp nhau vài ba phút rồi lại về vì mình cái gì cũng thiếu cả.

- Dạ con xin cảm ơn bác. Chúng con nhớ Tết quê nhà mà không biết ngày tháng nên mới đến nơi mà thôi. Chị Liên trả lời với giọng rươm rướm nước mắt.

- Thôi tôi còn cái bánh chưng mà tôi mới tập nấu tối qua, xin biếu hai cô dùng thử cho có một chút mùi vị ngày Tết hai cô nhé.

Cụ giở một túi xách ra và đưa chị Liên một cái bánh chưng gói bằng giấy bạc hình chữ nhật khá lớn.  

- Bên này không có khuôn lại không có lá chuối nên tôi gói đại, hai cô ăn đừng chê nhé. Nhưng bánh chưng này lại có màu xanh đặc biệt. Đố hai cô tôi làm bằng gì?

Bà cụ nói xong rồi cười có vẻ thích thú lắm và cùng cô cháu ra về. Chị Liên và Dung không biết nói gì chỉ lí nhí mấy tiếng cảm ơn còn bị nghẹn lại ở nơi cổ.

Trên đường ra cửa, chị Liên và Dung đều trầm ngâm, mỗi người một ý tưởng. Chưa bao giờ Dung thấy buồn và cô đơn như ngày hôm ấy. Đúng là một cái Tết tha hương!! Dung liếc qua chị Liên thì thấy chị ấy cũng sụt sùi nước mắt. Hai chị em đang đi lủi thủi thì bỗng nghe có tiếng ai gọi đằng sau lưng:

- Chị Dung chị Dung!! Phải chị Dung đó không?

Dung quay lại ngập ngừng ngó hai người thanh niên, một người trong quân phục phi công và một người khác trong quần áo thường phục. Hai người cùng có vẻ buồn bã và lẻ loi.

- Chị Dung chị không nhận ra em sao? Em là Hùng đây, em của chị Hạnh bạn chị đó. Còn đây là anh Hải anh của em. Ảnh là phi công lái F5, còn em cũng Không quân nhưng về cơ khí. Tụi em gặp lại trong trại tị nạn ở Guam và mới về DC tháng trước đó chị.

Thì ra đây là anh em của người bạn thân tên Hạnh của Dung khi còn trung học. Nhớ hồi đó hay đến nhà bạn Hạnh chơi, Dung hay gặp Hùng. Hùng rất ngoan và chịu khó. Có những mùa hè, đến thăm Hạnh trên căn gác, Hạnh đã nhờ Hùng đi mua cốc ổi về cho Dung và Hạnh nhâm nhi. Còn anh Hải thì họa hoằng lắm Dung mới gặp. Hồi ấy anh Hải rất oai, cao ráo và hay cười mỉm chi. Mỗi lần thấy anh Hải là Dung lật đật trốn đi nơi khác, rất sợ và mắc cỡ.

Dung mừng quá, mau mau xoay qua giới thiệu chị Liên cho anh em Hải và Hùng. Anh Hải ban đầu cũng ngập ngừng nhưng có thể nhờ bản tánh hoạt bát “phi công” sẵn của mình, anh ấy đã bắt chuyện một cách dễ dàng và tự nhiên. Còn chị Liên thì ban đầu cũng không nói gì nhưng nhờ anh Hải pha trò dí dỏm nên chị cũng trở nên dạn dĩ và nói chuyện vui vẻ hơn. Cả nhóm rủ nhau vào lại hội trường để nói chuyện tiếp. Cả bọn bốn người ngồi lại bên chiếc bàn trắng và trên những ghế nhựa nhưng sao bây giờ lại thấy ấm cúng vô cùng. Sẵn có chiếc bánh chưng mà bà cụ tốt bụng đã tặng ban nãy, cả đám mở ra, mỗi người chia nhau một miếng bánh. Đúng như lời bà cụ đã nói, dù không được gói bằng lá chuối nhưng cái bánh chưng này lại có một màu xanh ngọc rất đẹp, hương vị lại ngọt ngào thơm phức. Cả đám bốn đứa quây quần vừa kể chuyện ngày xưa ngày nay, nhâm nhi miếng bánh chưng vào ngày đầu Xuân của một năm mới. Không khí giống Tết vô cùng. Tự nhiên Dung thấy lòng mình thật bình an và hạnh phúc.   

Dung ngó một cách kín đáo qua chị Liên. Nét mặt buồn phiền nghiêm nghị của chị ngày thường đã mất dần. Thay vào đó là một nét mặt vui vẻ và tươi trẻ. Chị Liên cũng đẹp lắm đó. Một vẻ đẹp mà ngay chính lúc ấy Dung mới nhận ra. Hay thật là mùa Xuân đã về trong lòng của chị và của những người tha hương?

Bẵng đi một thời gian, chị Liên nhận việc làm mới ở Gia Nã Đại, nơi mà chị có thể sử dụng cả ba ngôn ngữ Anh Việt Pháp của mình, còn Dung thì theo đuổi việc học ở Ohio. Hai năm sau Dung nhận được thiệp hồng của chị Liên và anh Hải.

Mới đó mà đã bốn mươi năm rồi. Xuân và Tết lại về một lần nữa với mọi người trên quê hương thứ hai này. Bây giờ dù ăn Tết và đón Xuân không thiếu một thứ gì nhưng sao Dung vẫn không bao giờ quên được buổi hội chợ Tết đầu tiên đơn sơ cùng miếng bánh chưng ngọt ngào. Đúng là chị Liên và Dung đã có một mùa Xuân trên đất mới vào dịp Tết đầu tiên trên nước Mỹ bốn mươi năm về trước.

 

Xuân 2014

Võ Quách thị Tường Vi

Viết cho chị L.

 

23 Tháng Ba 2009(Xem: 72329)
Vẫy tay chào hang yên chi hoa đỏ Chào khuôn sân đá cuội trắng rì rào Chào hàng sao chim tụ về làm tổ Chào tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao
23 Tháng Ba 2009(Xem: 72535)
Về lại Biên Hòa thăm con đường xưa Dốc học trò vẫn mang tên Kỷ Niệm
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71993)
Vẫn là mưa nghiêng nghiêng giăng trắng Trên hàng cây bãi cỏ sân trường Sao không giống ngày xưa sâu lắng Chiều tan trường bè bạn thân thương
23 Tháng Ba 2009(Xem: 69606)
Biên Hòa em vẫn thương hoài Ngô Quyền ngày trước, áo dài màu xanh.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71935)
Nếu một mai tôi chết, Xin đừng khóc cho tôi. Đường đời chia đôi ngả, Hãy chôn tình phai phôi.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71917)
Saigon ơi, xa rồi ta vẫn nhớ Những chiều xưa hai đứa lén hẹn hò!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71733)
Lưu bút ngày xưa kỷ niệm đầy, Tình thân bạn cũ hãy còn đây! Ngây ngô ghi vội đôi dòng chữ Đầy ấp yêu thương mỗi phút giây.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 71291)
ôi, mùa hè tuổi nhỏ hóa thân giữa màu hoa ôi, mùa hè êm ả phục sinh từ đôi ta!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 32579)
  Trong tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Ðạt, tác giả đã kể lại một chuyến về Việt Nam vào năm 1998, đặc biệt là ở vùng đất Biên Hòa, quê vợ của anh. Sau đây là trích đoạn tác giả về thăm một nơi chốn đã khiến anh bồi hồi với bao cảm xúc, đó là trường Ngô Quyền của vợ anh cũng như của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, người viết những bài thơ tình bất hủ mà anh yêu thích từ lâu.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 79970)
  ( Kính tặng Thầy Toán Nguyễn Văn Phố)
24 Tháng Hai 2009(Xem: 72461)
  Nay đất khách quê ngưòi: Thân biệt xứ. Áo công khanh rách nát giữ trong tim. Chút hương xưa là chút lửa êm đềm, Dùng sưởi ấm niềm riêng, chờ Hội lớn.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 35223)
  Rời Sài Gòn tháng Tư năm 75. Đến Mỹ, Thượng Châu hợp tác với nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ tên Hồn Việt, do nữ ca sĩ Khánh Ly làm chủ nhiệm. Sau đó, hội nhập đời sống Mỹ, đi làm việc ở SanDiego đã được 28 năm và sắp về hưu. Lâu lắm, không viết lách gì, nhưng bây giờ với tiếng gọi trường cũ Ngô Quyền, Thượng Châu rất sẵn sàng và vui vẻ đóng góp
20 Tháng Hai 2009(Xem: 81219)
Ba mươi năm chờ đợi Hoa tàn, trăng tận, sông quằn mình trăn trở Ba mươi năm nhớ mong Lá héo, sao mờ, biển cồn cào dậy sóng
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76277)
  Đứng trước biển mùa Đông thêm cô quạnh Cánh hải âu đơn lẻ chập chờn bay Hải đăng xa nhạt nhòa trong sương lạnh Đá chập chùng, mong mỏi đợi chờ ai  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 76213)
  Nhớ sao cứ nhớ quắt quay Ngô Quyền bạn cũ giờ đây ai còn?                  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75897)
Một chút mây trời, để nhớ thương, Bay qua thật nhẹ, trước cổng trường.  
16 Tháng Hai 2009(Xem: 76136)
Tặng Mai Trọng Ngãi, Đinh Hoàng Vân, Tiêu Hồng Phước, Tô Anh Tuấn và Phan Kim Phẩm.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 24179)
Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 37765)
... và như thế, Ngô Quyền hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là tổ ấm của chúng ta miên viễn, đời đời...
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90566)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 39100)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 87644)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 35217)
  Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 74974)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39500)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 40710)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 83263)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh
04 Tháng Hai 2009(Xem: 46968)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.