Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - TRÒ XƯA THĂM THẦY XƯA

04 Tháng Mười Hai 20141:47 SA(Xem: 22960)
Diệp Hoàng Mai - TRÒ XƯA THĂM THẦY XƯA


TRÒ XƯA THĂM THẦY XƯA

 

 

Sau “Nửa thế kỷ tri ân Thầy Cô giáo cũ” năm 2012,  và “Thầy Xưa, Trò Xưa – Hội Ngộ Mùa Hè” năm 2013, chúng tôi biết khó có cơ hội để mời thầy cô họp mặt đông vui thêm lần nữa. Nhân tài vật lực, cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa không thiếu. Nhưng thời gian –  như vị phù thủy tàn ác –  đã đánh cắp quá nhiều sức khỏe thầy cô giáo cũ của chúng tôi. Dù rất mong thầy cô chúng tôi có nhiều cơ hội gặp nhau, nhưng xem ra việc đi lại của thầy cô – dù cư ngụ cùng thành phố – vẫn là điều không đơn giản. Thu xếp thời gian cuối ngày làm việc, ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam năm nay, nhóm bạn tôi đã túc ta túc tắc đến từng nhà thăm lại thầy cô giáo cũ của mình…

 

 

THẦY CÔ Ở BIÊN HÒA

 
 Thầy Trần Văn Lộc

TX1A

 

Khi thầy Trần Văn Lộc về dạy học trường Ngô Quyền, tôi còn chưa có trong … bụng má. Khi tôi thi đậu đệ thất, thầy Lộc đã rời trường năm năm trước đó mất rồi. Suốt bảy năm làm học sinh trung học, tôi chưa hề nghe nhắc tên giáo sư Trần Văn Lộc dạy Nhạc. Năm 2012 tôi mới được biết thầy, qua tấm hình chụp lớp đệ thất B2 (khóa 1) của anh Đoàn Văn Trọng:

-  Anh học với thầy Lộc từ năm lớp Nhứt trường Nguyễn Du. Vào Ngô Quyền, thầy Lộc lại dạy anh suốt 4 năm trung học đệ nhất cấp. Vị chi, anh được “thọ giáo” thầy Lộc suốt năm năm…

Kể với tôi về thầy Trần Văn Lộc, các anh chị khóa 1,2,3 cho tôi biết:

-  Đó là một thầy giáo yêu nghề, có phong cách sư phạm chuẩn mực, rất tận tụy với học trò… Đứa nào theo học luyện thi đệ thất với thầy, là nắm chắc phần thắng khi nộp đơn thi vào trường công lập Ngô Quyền. Thầy Lộc hay lắm em ơi!...

Tôi đến thăm thầy Trần Văn Lộc để tích lũy nguồn tư liệu. Thầy là một trong những chứng nhân kỳ cựu, từ những ngày đầu thành lập trường tôi. Trong ban giảng huấn đầu tiên của trường trung học Ngô Quyền, bây giờ chỉ còn lại thầy Trần Văn Lộc và thầy Trần Minh Đức. Với mớ nguyên liệu ngồn ngộn thông tin thầy Lộc cung cấp, tôi đã ấp ủ ý tưởng và nâng niu từng con chữ một, trong bài viết về chân dung một nhà giáo. Đã viết xong rồi, tôi định mang đến nhờ Lộc xem lại bài trước lúc gửi đi. Tôi mong một lần, được làm học trò của thầy Lộc môn tập làm văn – Người thầy giáo mà lớp đàn chị của tôi, đã từng ngưỡng mộ và thương yêu đến tận bây giờ…

 

Thế nhưng – trước ngày Hiến Chương Nhà Giáo hai tuần –  nguyên cái cặp táp của tôi, bất ngờ bay theo tên cướp giật ngay giao lộ Hàng Xanh. Tất cả tư liệu tôi tích lũy về thầy cô giáo cũ của tôi từ trước đến giờ, nằm gọn lỏn trong cái laptop và cuốn sổ tay chi chít chữ. Tôi bần thần suốt những ngày sau đó, nhờ người đi tìm chuộc lại chiếc cặp, với hy vọng mong manh như sợi chỉ mành. Đến hôm nay tôi tin chắc, mình phải trở lại thăm thầy Trần Văn Lộc thêm nhiều lần nữa…

  

Cô Đào Thị Nga- Thầy Nguyễn Ngọc Ẩn

 

Thay Nguyen Ngoc An-1Co Dao Thi Nga


















Ở khu vườn nhà của thầy Ẩn – cô Nga, có sự phân chia rất rõ rệt: “Cô Nga trồng toàn những cây dễ thương. Nào hoa hồng, hoa cúc, hoa lan… hoa nào cũng đẹp. Thầy Ẩn trồng toàn những cây dễ … mến. Nào mít, ổi, mận, xoài… trái nào cũng thiệt thơm ngon!...”

 

Thuộc lớp giáo sư kỳ cựu của trường Ngô Quyền, cô Nga nhớ khá nhiều kỷ niệm trường xưa. Khi tôi nhắc đến thầy Lê Hoàng Long, cô Nga cười:

-  Thầy Lê Hoàng Long “rắn mắc” lắm nghen em… 

Bởi thầy Long lúc nào cũng sẵn sàng trêu ghẹo các đồng nghiệp. Thời tuổi trẻ, cô Nga thầy Ẩn từng trở thành “nạn nhân” của thầy Lê Hoàng Long. Nhưng thường thì, thầy Long “đầu hàng” tính cách điềm đạm, cùng thái độ bình tĩnh “đáng nể” của cô Đào Thị Nga.

-  Anh là bạn thân của ông nhà tôi mà! Phàm bạn thân, thường “che chắn” chuyện “không lành mạnh” của nhau. Vậy mà, anh toàn kể chuyện ông nhà tôi chở những “cô gái đẹp” tôi tin anh sao được?...

Thế là, thầy Lê Hoàng Long… thua.

 

Thầy Phạm Đức Bảo cũng thường nhắc đến cô Đào Thị Nga và thầy Nguyễn Ngọc Ẩn, trong những chuyện kể về giáo sư cũ trường Ngô Quyền. Kết thúc câu chuyện, lần nào thầy Bảo cũng … khoe:

-  Năm nào vợ chồng cô Nga cũng ghé thăm tôi đấy!…


  Cô Nguyễn Thị Kim Quy

 TX3A

 

Cô Kim Quy hiện vẫn duy trì một lớp dạy kèm Pháp Văn tại nhà cho bọn trẻ. Cô kiên nhẫn sửa từng con chữ, luyện phát âm cho từng đứa học trò… Ngày Nhà Giáo, học trò đủ lứa tuổi đến chúc mừng cô giáo Kim Quy. Cô như vui hơn, khi nhớ về thời trẻ tuổi của mình…

-  Hồi đó, cô thích môn bóng bàn. Có lần tranh giải, cô thắng một đồng nghiệp trẻ hơn cô. Cô rất ngạc nhiên, khi cô ấy… khóc.

 

Cô bảo, mình thắng mình vui, trong khi người khác buồn và khóc. Liệu niềm vui của mình có còn ý nghĩa hay không? Nếu biết trước như vậy, cô sẽ… nhường cô ấy thắng, để cô khỏi phải chứng kiến những giọt nước mắt tức tưởi của đồng nghiệp trẻ. Tôi lại nghĩ khác:

-   Nhưng nếu cô nhường, tinh thần thể thao không còn ý nghĩa …

-  Vấn đề ở chỗ đó em ạ! Thể thao phải lành mạnh, phải thi đấu phải hết mình. Thắng hay thua, chỉ là mục tiêu để bản thân mình rèn luyện. Chơi thể thao, đâu phải để cay cú hơn thua, đúng không em? Cuộc đời cũng vậy, càng hơn thua mình càng mỏi mệt mà thôi!...

 


Thầy Nguyễn Minh Lý

TX4A

 

Buổi tối, tôi chở Phùng Dung đến thăm thầy Nguyễn Minh Lý. Trông thầy có vẻ khỏe mạnh hơn những lần trước chúng tôi ghé thăm. Mà dường như, thầy Lý có vẻ “trẻ hơn xưa” nhiều lắm! Tôi chưa kịp nhận ra sự thay đổi, thầy Lý đã hào hứng “khoe ” với học trò:

- Thầy phẩu thuật mắt cách nay hai tháng, bây giờ thầy không còn mang đôi mắt kính nặng chịch nữa rồi. Em biết không, lúc mới tập mở mắt, thầy thấy sự vật quanh thầy đều mới tinh, mới tinh \…

Vừa đúng lúc cựu hđs. NQBH Lâm Xuân Dương, nguyên hiệu trưởng trường tiểu học Không Quân Biên Hòa – láng giềng của thầy Lý sang thăm – tôi bèn mời hai thầy “cafe sáng thứ bảy” ở quán Cội Nguồn. Và hai thầy đều vui vẻ nhận lời mời, dùng điểm tâm và café ngày cuối tuần với học trò xưa…

 

 

 Cô Võ Thu Thủy

TX5

 

Cô Võ Thu Thủy lệnh “cấm” học trò tặng quà cho cô nhân ngày Nhà Giáo. Nhưng cô ơi! Cô làm sao ngăn cản được tình thương mến thương của học trò già? Đến như em, chưa từng được học với cô ngày nảo ngày nào, mà em còn quí mến cô quá chừng quá đỗi… Cô ơi! Món quà tuy đơn sơ, nhưng chất chứa tất cả chân tình của học trò cũ trường Ngô Quyền xưa, chỉ là “thay lời tri ân” gửi đến thầy cô giáo cũ mà thôi!..

 

Từ ngày thầy bệnh, cô Thủy gần như chỉ quanh quẩn bên thầy. Mặc dù các con thay phiên nhau chăm sóc cha vô cùng chu đáo, nhưng cô Thủy gần như không rời thầy giây phút nào. Mặc dù vậy, cô Thủy vẫn không hề bàng quan với những mảnh đời kém may mắn. Cô âm thầm giúp đỡ những người khốn khó, bằng những món tiền nho nhỏ hàng tháng cô gửi học trò:

-  Cô bận lo cho thầy, nhờ các em chuyển giúp đến những người hoạn nạn …

 

Cô Võ Thu Thủy như thế đấy! Cô lúc nào cũng giản dị, hiền hòa trong bộ bà ba trắng. Và cô lúc nào cũng ngại làm phiền người khác, kể cả những đứa học trò nhỏ hồi xưa hồi xửa của cô…

 
 
Cô Nguyễn Thị Luông

TX6

 

Không đợi đến ngày Nhà Giáo, học trò cũ mới đến thăm cô Nguyễn Thị Luông. Rất nhiều chs.NQBH dù lưu lạc khắp xứ, cũng ít nhiều quan tâm đến cô bằng những hành động vô cùng thiết thực. Thế nhưng nhiều năm dài trôi qua, cô giáo của chúng tôi vẫn không thoát khỏi vòng đời quanh quẩn quẩn quanh. Theo thuyết nhà Phật, có thể lý giải là do “duyên nghiệp, phận người”

 

Lần cô đề nghị học trò sửa giúp ngôi nhà, một đơn vị từ thiện có ý định giúp cô tôi bằng một bài … phóng sự truyền hình. Tôi hay tin, vội ngăn cản ngay tức khắc. Thời may, buổi sáng cuối tuần tôi nhận lời chúc của bạn học cũ Trần Thanh Châu:

-   Chúc Hoàng Mai cuối tuần café vui vẻ…

-   Lấy đâu ra mà café? Mình hết tiền rồi!...

Tôi nói chơi, nhưng ông bạn của tôi mần thiệt. Ngay hôm sau tôi nhận được 100 USD, với lời chúc “café vui vẻ” của bạn Thanh Châu. Ý tưởng sửa nhà cho cô Luông, chợt lóe trong đầu. Mấy ông bạn già thân thiết trong nhóm café, ai cũng ngạc nhiên khi tôi ngõ lời:

-  Tui thiếu tiền uống café, đề nghị các bạn cho hoặc tặng…

Ngạc nhiên, nhưng các bạn tôi không ai từ chối. Trước khi lên đường sang Úc thăm con, tôi giao toàn bộ số tiền lại cho Phùng Thị Ngọc Dung. Tôi biết, chỉ duy nhất Phùng Dung mới có đủ “tài năng” tính toán làm được một việc không nhỏ, với số tiền không lớn của nhóm bạn café 13B3 (khóa 13) trung học Ngô Quyền. Khi xong việc, tôi mới nói rõ cái “sự tình café” cho Trần Thanh Châu các nhóm bạn café 12B3 được rõ. Để rồi, tôi sung sướng nhận lời “cảm ơn ngược” từ nhóm bạn thân thiết của mình.

 

Năm nay ngoài món quà tri ân đơn giản, nhóm bạn chúng tôi cũng gửi biếu cô thêm chút hiện kim. Học trò cũ trường Ngô Quyền chỉ biết cầu mong, ơn trên phù hộ độ trì cho cô giáo cũ Nguyễn Thị Luông sức khỏe và bình yên…

 

Cô Phạm Kiêm Loan

 TX7

 

Tuy không được học với cô Phạm Kim Loan thời trung học, nhưng một thời gian dài hai cô trò gần gũi nhau qua những hoạt động từ thiện ở quê nhà. Từ ngày chuyển về làm việc ở Sài Gòn, tôi không còn thời gian theo những chuyến hàng cứu trợ đồng bào bão lụt xuôi Bắc ngược Nam. Tôi ít có dịp gặp cô Loan từ đó …

 

Cho đến “Đêm Tri Ân Thầy Cô Giáo cũ” tôi mới gặp lại cô Loan. Một chút sơ suất với cô, khiến tôi ân hận mãi. Tôi không kịp lưu chữ ký và bút tích của cô Loan, trên tấm tranh sơn mài chúng tôi đặt làm quà cho quí thầy cô. Tôi hằng mong sẽ có cơ hội khắc phục thiếu sót này đối với cô Phạm Kim Loan, và cả những thầy cô giáo cũ trường trung học Ngô Quyền xưa khác nữa…

 

Buổi tối chúng tôi ghé thăm, cô Loan vui lắm:

-  Cô thấy làm nghề giáo hay thiệt hay Mai ạ! Như cô nghỉ hưu đã lâu rồi, vậy mà học trò vẫn nhớ đến cô. Các em làm cô cảm động quá!...

 

 

Thầy Nguyễn Thành Dũng

TX8

 

Còn nhớ lần anh Nguyễn Văn Đạo khoản đãi tôi – và anh Trần Ngọc Ánh, Trần Ngọc Sơn nữa  –  cơm gà Siu Siu, tôi bèn mời mấy anh chầu café ban chiều:

-  Có địa điểm café hay lắm! Em đãi, mấy anh đi theo em…

Tôi đưa các anh đến một ngôi nhà to thật to, đẹp thật đẹp bên cạnh sông Đồng Nai. Các anh ngạc nhiên:

-  Quán café gì mà cao tường kín cổng dữ vầy nè?...

Khi thầy Nguyễn Thành Dũng mở cổng đón trò vào nhà, mấy chs.NQBH lớp đàn anh của tôi mới … hết hồn. Tôi cười lớn:

-  Thầy có sẵn café, có nhà thủy tạ bên sông nè! Uống café ở nhà thầy, vừa vui vừa …

-  …  vừa không tốn tiền chứ gì?...

 

Thiệt là, mấy ông anh hiểu ý cô em hết trơn hết trọi. Mà vui thiệt!... Buổi chiều nắng nhạt ven sông hôm đó, bên tách café sóng sánh ngọt ngào, tôi được dịp “no nê” với những câu chuyện xưa tích cũ trường tôi. Thầy Dũng là chs.NQ khóa 1, thuộc lớp đàn anh của mấy ông anh đi cùng tôi đến nhà thầy.  Và “Anh” Nguyễn Thành Dũng cũng là một cựu hđs.NQBH – gia nhập phong trào Hướng Đạo từ năm 1960 – về sau anh chuyển qua sinh hoạt với hội Hồng Thập Tự tỉnh Biên Hòa.

 

 Thầy Ngô Văn Sơn

 TX9

 

Tốt nghiệp sư phạm năm 1963, năm 1969 thầy Ngô Văn Sơn mới về trường trung học Ngô Quyền. Trước đó, thầy Sơn là hiệu trưởng trường trung học tỉnh hạt Bình Phong  (quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa).

 

Năm 1975, sau một thời gian làm học trò ngoài ý muốn, thầy Sơn được tiếp nhận trở lại ngành giáo dục. Nhưng thầy Sơn đã quyết định rời xa bục giảng, chọn con đường kinh doanh. Cuộc sống vô cùng khó khăn cùng đàn con nheo nhóc, đã thôi thúc thầy Sơn miệt mài làm lụng như người bị mê sảng. Ngày nào cũng như ngày nào, thầy Sơn đi từ sáng sớm cho đến tối mịt mới về nhà. Hỏi thầy làm những việc gì, thầy rằng:

-  Việc gì thầy cũng làm, để kiếm tiền nuôi các em ăn học…

Thầy mua bán men làm bánh mì, thầy đi bỏ mối thuốc tây, thầy lên rừng khẩn đất trồng trà… Có lúc được có lúc thua, nhưng thầy không cho phép mình bi quan chán nản. Cho đến lúc em Ngô Quang Minh – con trai cả của thầy, cũng là chs.NQBH khóa 15 – tốt nghiệp khoa Toán trường đại học sư phạm,  thầy mới bớt dần gánh nặng âu lo toan. Về kinh tế, thầy Sơn vẫn là trụ cột chính trong gia đình. Nhưng việc học các con, thầy giao trách nhiệm cho đứa lớn dắt dìu đứa kế tiếp. Cứ vậy mà, cả bốn đứa con của thầy Sơn đều đỗ đạt thành tài.

Đã qua rồi thời gian khó, bây giờ là lúc thầy Sơn “buộc ” đồng tiền mình làm được, phải phục vụ lại cho bản thân và cả gia đình thầy. Năm nào thầy cô cũng đưa con cháu cùng đi du lịch nước ngoài. Quan niệm của thầy – phải thụ hưởng thành quả lao động của chính mình – trước khi quá muộn…

 

 

Thầy Nguyễn Văn Có


TX10

Thăm thầy Nguyễn Văn Có, tôi và Bích Thủy được nghe thầy và cô nhắc đến nhiều thầy cô giáo cũ của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa:

- Thầy Hoàng Đôn Trịnh, Phụ tá Giám học: “Lần đầu tiên trở lại quê nhà từ nước Đức, thầy Hoàng Đôn Trịnh đến thăm thầy, đưa thầy đến nhà hàng đãi một bữa thiệt ngon…”

-  Thầy Nguyễn Văn Lan, Triết học: “Thầy Lan tính tình vui vẻ lắm! Thầy hay kể chuyện khôi hài, được học trò quí mến. Hiện thầy Lan đang định cư ở bên Pháp…”

-  Thầy Vũ Khánh Thành, Anh Văn: “Thầy Thành hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ … Thầy thương yêu học trò lắm! Thầy Thành đang ở nước Anh…”

-  Thầy Lê Quí Thể, Lý Hóa: “ Bữa cơm cuối cùng thầy cô đãi thầy Thể trước khi xuất cảnh, chỉ là món canh bầu ăn với cá linh kho khô, vậy mà thầy Thể cứ khen ngon…”

- Thầy Phạm Văn Dật, Anh Văn: “Thầy nhớ thầy Dật lắm! Thầy Dật và con trai cùng bị đắm thuyền trong cơn bão tố, khi chưa đến được bến bờ tự do như thầy Dật ước mơ…”

- Thầy Trương Hữu Chí, Việt Văn: “ Cô Liên – vợ của thầy – tình cờ gặp lại thầy Chí trên chuyến xe đò Hoàng từ Orange County đến San Jose. Nhưng vì quá vội vàng vì cùng có người thân đến đón, nên cô chỉ kịp hỏi han sức khỏe thầy Chí mà quên hỏi số phone…”

 

Theo lời một người học trò cũ ngành Y – cũng là họ hàng với thầy –  đã cho tôi biết, Thầy Nguyễn Văn Có đang sống chung với chứng bệnh Alzheimer. Nhưng buổi chiều hôm chúng tôi ghé thăm, thầy như sống lại quãng thời tuổi trẻ, khi thầy còn là giáo sư dạy Toán trường trung học Ngô Quyền…

 

 THẦY CÔ Ở SÀI GÒN

Thầy Lê Hoàng Long

TX12TX11

 




 













Tôi đến thăm thầy Lê Hoàng Long, cùng với thầy Trịnh Hồng Hải và bác sĩ Nguyễn Văn Châu. Bác sĩ Châu là học trò cũ của thầy Long, và là bạn cùng lớp với thầy Hải thời trung học.

Sức khỏe thầy Lê Hoàng Long, trông khá hơn lần trước tôi ghé thăm. Do thầy Long bị lãng tai nặng, nên câu chuyện “Gợi Giấc mơ xưa” ầm ĩ cả nhà, trong lúc cô Hoàng đang dạy kèm cho học trò phía trước. Thầy Hải nói với tôi:

-   Hôm nay cô Hoàng khó mà tập trung tinh thần dạy dỗ học trò…

-  Thầy yên tâm, cô nghe hoài cũng bị “miễn nhiễm” rồi!...

Câu chuyện dòn tan, với những giai thoại về văn nghệ sĩ xưa và nay. Bác sĩ – nhà thơ Uyên Châu khá tâm đầu ý hợp với thầy giáo cũ Lê Hoàng Long, bởi anh cũng có nhiều sáng tác trong lúc “ngồi buồn đợi khách, bác sĩ mần thơ…” Anh ký tặng thầy Hoàng Long, “bạn” Hồng Hải và tôi thi tập “Áo em trắng bay trong màu nắng nhạt” của anh, ghi lại không ít mối tình thơ tuổi học trò.

Ký tặng xong, bác sĩ – nhà thơ Uyên Châu phải đến ngồi cạnh thầy Long, “gào thét” những bài thơ tình của mình cho thầy nghe. Bởi thị lực của “ thầy giáo – nhạc sĩ Lê Loàng Long ” bây giờ, không thể nhìn ra con chữ nào để đọc tình thơ được nữa…

 



 Thầy Nguyễn Tấn Hoan

 

TX13

 

Hơn một năm qua, thầy Nguyễn Tấn Hoan là bạn đồng hành của bệnh viện. Sau thời gian khá dài điều trị bệnh phổi, thầy lại bị thoát vị ruột phải lên bàn mổ. Xuất viện chưa được bao lâu, thầy lại bị té gãy mất ngón tay. Và hiện giờ, thị lực của thầy chỉ số bằng … zero.

 

Em Nguyễn Tiến Hỷ – con trai cả của thầy Hoan – đưa thầy về Sài Gòn chăm sóc. Em có công ty riêng, nên có thể thu xếp thời gian lo cho bố. Vợ của Tiến Hỷ làm việc trong ngành Y tế, đôi lúc phải nhờ đồng nghiệp đến thuyết phục, thầy Hoan mới tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

 

Thầy Hoan nằng nặc bảo các con đưa thầy về lại Biên Hòa, nhưng cô bảo:

-  Mắt của thầy như thế, nhưng thầy đâu chịu ngồi yên. Về Biên Hòa, thầy lần mò đi hoài cô không trông thầy được. Cô cũng bệnh hoài, không thể chăm sóc thầy chu đáo như các em được…

 

Tôi xin phép cô ghi lại địa chỉ, để học trò có dịp ghé thăm thầy. Thầy Hoan hiện đang cư ngụ cùng con trai cả tại địa chỉ sau:

Khu A1, Phòng 6 tầng 13

Chung cư Hoàng Anh Gia Lai, quận 7,  Sài Gòn.

Điện thoại thăm thầy: 0613 – 843456/ 0915-747175 (em Nguyệt Hà)


 

 Thầy Hoàng Đức Bào


TX14

 

Tôi vô cùng ái ngại, khi cô đốc thúc thầy Hoàng Đức Bào ngồi dậy tiếp học trò. Tôi ngăn cản, nhưng cô tỏ ra kiên quyết:

-  Em cứ để cho thầy vận động, cô đang cố gắng cho thầy tập luyện hằng ngày…

Vốn là một điều dưỡng viên nhiều kinh nghiệm, cô chú trọng chế độ dinh dưỡng và tập luyện, để sức khỏe của thầy Bào không sa sút. Các con của thầy ở nước ngoài, dù bận rộn nhưng các em cứ thay phiên nhau về thăm bố.  

Nhận món quà tôi trao, thầy Hoàng Đức Bào rưng rưng nước mắt. Tôi biết, một phần thầy xúc động vì tình nghĩa trò xưa của trường trung học Ngô Quyền. Phần nữa bởi thầy tủi buồn, vì khả năng chống đỡ qui luật thời gian của thầy ngày càng sa sút…

 

 

Thầy Đoàn Viết Biên


TX15

 

Tôi ghé nhà thăm thầy Đoàn Viết Biên, khi thầy vừa xong buổi tập thiền. Thầy gầy đi rất nhiều, nhưng vẫn giữ nụ cười hiền như ông Tiên. Thầy hỏi tôi:

-  Thế em đã có cháu nội chưa?

-  Thưa thầy, cháu nội của em đã được hơn hai tháng tuổi …

Thầy Đoàn Viết Biên bấm bấm ngón tay, phán với tôi một từ duy nhất:

-  Tốt!...

Bất chợt tôi nhớ lời thầy Biên căn dặn, hôm thầy về Biên Hòa dự đám cưới con trai tôi:

-  Thầy dặn này, em bảo cháu sinh con ngay năm sau nhá! Không nên “kiêng cử” gì sất. Nhớ, thầy bảo rồi đấy!...

 

Tôi không nhớ rõ, có truyền lại cho con lời dặn của thầy chưa? Nhưng may quá, hai đứa con tôi đã có được “sản phẩm chung” đúng như ước mong của chúng. Cũng có thể, hai đứa con tôi đã nghe lời căn dặn từ thầy giáo cũ của tôi…

 

 

 

 Thầy Đinh Hữu Quyến

 TX16

 

Thầy Đinh Hữu Quyến cười vang trong máy, khi nhận được “tín hiệu Hướng Đạo” từ chs.NQ, cựu hđs.NQBH Diệp Hoàng Mai:

-  A lô! “Sáo Em” thân chào “Gấu Anh”…

-  A! Sáo Em đó hả? Sáo có khỏe không?...

 

Phải mất khoảng 30 phút len lỏi giữa dòng xe cộ buổi trưa Sài Gòn gắt nắng, chú nhỏ chạy xe ôm mới chở tôi đến khu phố Vườn Lài, quận Tân Bình:

- Sáo Em kính gửi Gấu Anh, chút tấm lòng của học trò cũ trường Ngô Quyền…

 

Thầy Đinh Hữu Quyến nhờ đứa cháu nội, chụp tấm hình thầy và tôi bên giàn phong lan rất đẹp trong vườn nhà:

-  Gấu Anh sẽ đưa hình ảnh này lên facebook Hướng Đạo đó nghen!...

 

Thầy cũng tự hào “khoe” hai đứa cháu nội – ngoại vừa đi học về:

-  Cả hai đều là Thiếu sinh đó nghe Trưởng Mai, hai đứa chào Trưởng Mai chưa?

Hai cô cậu bé con giờ ba ngón tay lên ngang trán chào tôi. Và tôi theo phản xạ, cũng đưa ba ngón tay lên chào lại các em, hai thế hệ như cùng nhắc nhau về ba lời hứa của hướng đạo sinh …

 

 

Cô Huỳnh Thị Tâm


TX17

 

Tôi và Phùng Dung ghé thăm cô Tâm, vào buổi chiều mưa tuôn xối xả. Nhưng nhờ thời gian trú mưa ở nhà cô, mà cô trò có dịp trò với nhau lâu hơn. Câu chuyện của cô trò cũng xoay quanh kỷ niệm trường xưa, trong lúc hai đứa đợi cơn mưa tạnh để trở lại Biên Hòa.

Nghe tôi “tường thuật” về những thầy cô thuộc hàng “cây cao bóng cả” sức khỏe ngã nghiêng, cô Tâm bất chợt hỏi tôi:

-  Thầy cô giáo cũ Ngô Quyền, ai cũng đau yếu vậy sao?

-  Dạ không, vẫn còn nhiều thầy cô trường mình “khỏe so với tuổi” cô ơi!...

 

Tôi đếm ngón tay, và kể cô nghe: Cô Đào Thị Nga, cô Võ Thu Thủy, cô Phạm Kiêm Loan, thầy Nguyễn Thế Văn, thầy Trần Đình Tri, thầy Nguyễn Minh Lý, thầy Đinh Hữu Quyến… và cả cô nữa nè!...

Cô Tâm cười khi nói về sức khỏe của mình:

- Ừ, có lẽ tại cô… nhẹ kí, nên việc giữ gìn sức khỏe của cô khá nhẹ nhàng. Mà cũng có thể, nhờ cô chăm chỉ đi bộ thể dục, nên cô ít khi đau bệnh lắm! …

 

Vóc dáng cô Tâm vẫn gầy gò, mong manh như những ngày cô còn đứng trên bục giảng. Duy chỉ màu thời gian, đã không ngại ngần pha khá nhiều sắc trắng trên mái tóc của cô tôi mà thôi!....

 

 

 

Cô Phạm Kiều Tiên


TX18

 

Cô Phạm Kiều Tiên không cho tôi đến thăm, khi tôi hay tin cô vừa phẩu thuật mắt. Và không may, cô bị dị ứng khá nặng với thuốc trụ sinh. Biết tôi hay bị hạ huyết áp, cô Tiên dặn dò tôi:

-  Bị hạ huyết áp cũng nguy hiểm lắm, em phải cẩn thận đấy! Này thôi đi, em không phải đến thăm cô đâu!...

 

Cô Tiên có nhiều học trò thành đạt lắm! Mỗi khi cô Tiên đau yếu, không ít bác sĩ là học trò cũ thường xuyên đến nhà tư vấn, và điều trị bệnh cho cô. Cô Tiên có phong cách sống lạc quan và giản dị, thân thiện với học trò nên học trò cũng rất quí mến cô.

 

Riêng Dung Phùng và tôi, thường lược bớt họ và chữ lót của cô Phạm Kiều Tiên. Chỉ ngắn gọn gọi “cô Tiên”,  mỗi khi nhắc đến cô giáo cũ Phạm Kiều Tiên…Và “cô Tiên” ơi! Làm thế nào học trò cũ trường Ngô Quyền, lại … nông nổi không đến thăm “cô Tiên” nhân ngày Nhà Giáo?...

 

 

Thầy Lâm Tấn Văn

TX19

 

Mỗi khi có dịp, nhóm bạn 12B3 chúng tôi lại mời thầy Lâm Tấn Văn và thầy Trịnh Hồng Hải café sáng thứ bảy. Từ lúc thầy Văn bị bệnh và bán xe ô - tô, thì các bạn trong nhóm 12B3 ( khóa 13) thường ghé đón thầy.

Nhưng gần đây, sau khi nói chuyện với một vị bác sĩ về sự nguy hiểm của người có tiền sử bệnh tai biến, tôi bèn “hỏng cho” bạn tôi chở thầy Văn bằng xe máy nữa. Đâu ngờ, thầy Trịnh Hồng Hải định ghé chở thầy Văn “ đi café” với học trò già. Biết ý định của thầy Hải, tôi quyết liệt cản ngăn. Tôi đề nghị thầy Văn đi taxi, học trò sẽ đến sớm đón thầy ngay điểm hẹn.

Thầy Lâm Tấn Văn thường xuyên đọc những bài viết trên website Ngô Quyền Biên Hòa. Thỉnh thoảng, thầy gọi điện hỏi tôi về những học trò “ruột” của thầy, và những đồng nghiệp cũ. Thầy đặc biệt quan tâm đến “cặp bài trùng” Minh Thủy – Ngọc Dung. Và “Giang Nhạn Dung” là biệt danh thầy hay dùng, mỗi khi nhắc đến cô học Võ Thị Ngọc Dung.

Hôm tôi ghé nhà thầy tặng quà, thầy Văn “cắc cớ” hỏi vui:

-   Nè, hỏng phải là học trò ruột của tui, sao em tặng quà cho tui chi vậy?

-  Nhưng em là học trò cũ của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa mà thầy! Trò cũ tặng quà cho thầy cũ, có chi lạ thầy ơi!...

 

 
Thầy Trần Thái Hùng


TX20

 

Niên khóa 1974 – 1975 thầy Trần Thái Hùng dạy lớp tôi môn Tân Toán học. Đó là năm đầu tiên, học trò bậc trung học làm quen với môn học mới mẻ này. Tối ấn tượng với giọng nói ấm và vang, cùng lối giảng bài rất mạch lạc và đầy thuyết phục của thầy Trần Thái Hùng.

Nhưng thời đó, tôi có cảm giác thầy không thân thiện lắm với học trò. Điều này, chính thầy Hùng gần đây cũng xác nhận:

-  Hồi đó, thầy dạy Ngô Quyền mỗi tuần lễ chỉ hai ngày. Dạy xong, thầy chạy liền về Sài Gòn dạy tiếp. Thầy không gần gũi với tụi “bây” là vậy!...

Lần đầu nghe thầy Hùng gọi tiếng “bây”, tôi cảm thấy xúc động chi đâu. Tiếng “bây” thầy gọi, nghe ấm áp và gần gũi lạ lùng. Tôi hơi ái ngại, khi mời thầy café mà không đưa đón được. Thầy liền gạt phắt:

-  Bây cứ gọi, thầy chạy xe được mà! Bây cho biết địa điểm, thầy tự đi …

Biết tôi sang Mỹ dự họp mặt chs.NQBH, thầy hỏi:

-  Bây có biết Tô Anh Tuấn không?

-  Dạ có, em có đến nhà anh Tuấn dự tiệc tạm biệt các chs.NQ ở phương xa. Nhà anh Tuấn rộng mà đẹp lắm thầy ơi! Cả hai anh chị đều nhiệt tình, vô cùng chu đáo với “bà con” Ngô Quyền…

-  Nó là cháu gọi thầy bằng Cậu đó! Thầy cô qua miền Đông nước Mỹ thăm cháu nội mấy lần rồi, mà chưa thu xếp bay về miền Tây thăm vợ chồng nó được…

May mà thầy Trần Thái Hùng cho biết sớm, nếu không tôi bị hố to. Bởi tôi đang định “khoe khoang” tiếp với thầy Hùng, những điều tôi vừa biết được về anh Tuấn với chị Hiền…

 


 Thầy Nguyễn Thế Văn


TX21

 

Tôi đến thăm thầy Nguyễn Thế Văn vào buổi sáng đầu tuần, thầy cho tôi biết lý do thầy không đến điểm hẹn café sáng Thứ Bảy với học trò xưa:

-  Nói thật với em, thầy đi lạc đấy!...

-  Thầy Văn đi lạc, hả ??!...

Thầy Văn “chê” điện thoại di động, nên không liên lạc được với học trò trên đường đến điểm hẹn. Thầy đã ghi địa chỉ số 175 rồi đánh rơi đâu mất, để buổi sáng hôm đó thầy miệt mài đi tìm con số 275, nên mới lỡ buổi café cuối tuần với học trò:

-  Thầy tám mươi tuổi rồi đấy!...

Thầy Nguyễn Thế Văn là giáo sư hướng dẫn lớp 9/2, suốt những năm thầy dạy ở trường trung học Ngô Quyền. Tôi hỏi lý do tại sao thầy chỉ chọn làm giáo sư hướng dẫn lớp 9/2? Thầy trả lời tôi ngắn gon:

-  Không thích thay đổi, thế thôi!...

Mỗi niên học, thầy Văn lại chọn tên một loài chim đặt cho lớp 9/2: Nào là chim Sẽ, chim Di, chim Én, chim Vành Khuyên, chim Sơn Ca, chim Họa Mi … Lớp 9/2 ( NK 1971 – 1972 ) của tôi, được thầy Văn đặt tên gọi Vàng Anh.

Chính thầy Văn đã chọn lựa được nhiều giọng hát vàng trong lớp Vàng Anh như: Võ Bạch Huệ, Phạm Thị Tuyết Lan, Bùi Thị Huỳnh Liên, Phạm Ngọc Tuyết … tham gia chương trình văn nghệ Hội Chợ Cây Mùa Xuân Tân Hợi 1971 của trường Ngô Quyền Biên Hòa.

Vũ khúc “Vần Thơ Sầu Rụng” do thầy Nguyễn Thế Văn làm đạo diễn – Phương Dung thủ vai “Chàng”, còn tôi thì vào vai “Nàng” –  là một tiết mục văn nghệ rất lãng mạn và nên thơ:

         Vầng trăng từ độ lên ngôi,

         Năm năm bến cũ, em ngồi quay tơ, anh ngồi ngâm thơ…

         Quay đều, quay đều, quay đều…

Hai nhóm nữ sinh đồng phục trắng tinh – nhóm hát chính, nhóm hát bè – vừa hát minh họa, vừa đưa ánh mắt hướng theo sự chuyển động của hai nhân vật chính…

Hoạt cảnh “Lý Ngựa Ô” sôi động không ngờ, với sự tranh chấp quyết liệt của “ba chàng trai”: Hoa Quang, Thủy Phạm và … tôi, để chiếm cảm tình người đẹp Trang Lùn. Cuối cùng thì tôi giành được cái quyền “đưa Trang Lùn dìa dinh …”. Bởi đạo diễn hoạt cảnh văn nghệ này không ai khác, chính là… tôi!!... Bốn đứa tự tập, rồi tổng dượt cùng các tiết mục khác. Chúng tôi mượn khăn đống áo the “sắm tuồng” cho ba chàng trai. Nhỏ Trang Lùn áo dài hài tía, má đỏ môi son xinh hết biết … Thầy Văn xem xong, gật gù:

-  Được đấy!...

Ngoài những tiết mục văn nghệ đặc sắc do thầy Văn hướng dẫn, năm đó lớp tôi còn nấu chè, làm bánh bán ở Hội Chợ Tết của trường. Năm lớp chín chúng tôi đã hết học môn Nữ Công, nhưng thầy Văn vẫn khích lệ học trò thêu khăn gửi tặng chiến sĩ tiền đồn, cùng những cánh thư xuân của “em hậu phương gửi lính miền xa” nhân dịp xuân về …

 

 

Thầy Thân Trọng Hưng


TX23

TX22 




















Tôi không báo trước, nên cô Huỳnh Thị Tươi khá bất ngờ khi tôi ghé thăm:

- Thầy mất rồi, mà học trò vẫn nhớ như vầy, thiệt tình cô xúc động quá!...

Cô bảo em Thân Huỳnh Giao Tiên đưa tôi lên tầng trên thắp nhang viếng thầy.

Tôi không được học với thầy Thân Trọng Hưng thời trung học, nhưng tình nghĩa trung học Ngô Quyền xưa cứ quấn quýt tâm hồn tôi, gắn bó với tôi y như cuộc đời Hướng Đạo vậy.

Tình cờ biết dự định sang Nhật –  dự trại họp bạn Hướng Đạo – vào năm tới của tôi, cô Tươi ân cần căn dặn:

-  Khi nào chắc chắn ngày sang Nhật Bản, Mai nhớ cho cô biết trước. Cô sẽ dặn đứa con gái út của cô – em Thân Huỳnh Kim Phụng –  ra sân bay đón Mai về nhà của em chơi…

 

  Thầy Lê Vân Giáp


TX25

TX24 


















Chị Lê Thị Lan Anh – trưởng nữ của thầy Lê Vân Giáp – cũng bất ngờ không khác cô Tươi, khi tôi mang quà đến nhà xin phép viếng thầy Lê Vân Giáp. Chị càng ngạc nhiên hơn, khi biết khi xưa tôi chưa từng được học với thầy.  

Dù thầy Lê Vân Giáp đã hóa người thiên cổ – nhưng bằng tấm chân tình của đứa học trò cũ trường Ngô – tôi và các bạn của tôi vẫn luôn nhớ đến thầy.

Trước khi ra về, chị Lan Anh hỏi ghi số điện thoại của tôi. Tôi thoáng xúc động, khi chị Lan Anh ngõ lời mời:

-  Ngày mãn khó của ba, em xin phép mời các anh chị học trò cũ của ba đến dự …

 

 

THẦY CÔ Ở HOA KỲ

 

 Cô Phạm Anh Nga


TX26

 

Em Nguyễn Văn Hiệt đưa tôi đến trung tâm điều dưỡng sức khỏe thăm cô Phạm Anh Nga. Từ ngày thầy qua đời, cô Nga chừng như bơ vơ đơn độc. Khoảng trống tình cảm thầy để lại trong tâm hồn của cô quá lớn, chưa thể khỏa lấp được trong thời gian ngắn ngủi cô thiếu vắng thầy. Bao nhiêu năm dung thân xứ người, thầy chính là điểm tựa tình cảm vững chắc của cô. Cho dù các con chăm sóc cô chu đáo, nhưng tôi có cảm giác nỗi đau buồn trong lòng cô giáo của tôi còn lâu lắm mới nguôi ngoai.

 

Cô Phạm Anh Nga dạy tôi môn Sử Địa năm đệ Ngũ. Môn học không có gì khó nhằn đối với đứa trẻ chịu khó như tôi. Hồi nhỏ tôi không ấn tượng nhiều về cô Pham Anh Nga, cũng như môn học cô dạy tôi. Nhưng cuộc hội ngộ ngắn ngủi của hai cô trò ở thành phố Garden Grove (Nam california) vào tháng 07/2014 vừa qua, đã đọng lại trong tôi yêu thương khó tả đối với cô giáo cũ. Tôi cầu mong cho cô nhiều sức khỏe, và sớm vượt qua nỗi muộn phiền, vì thiếu vắng người bạn đời chung thủy của cô.

 

Cảm ơn em Nguyễn Văn Hiệt, nhờ em mà chị Mai mới được gặp lại cô giáo cũ Phạm Anh Nga. Có lẽ đây là “món quà” quí giá nhất em dành tặng chị, trong những ngày ngắn ngủi chị viếng thăm đất nước Hoa Kỳ.

 


Thầy Đào Đức Thiện

 

TX27

 TX28

TX29TX30

Nhận cuộc gọi của tôi là cô Phạm Thị Liễu, không phải thầy Đào Đức Thiện:

-  Mai đó hở? Thầy đang ở bệnh viện, cô vừa đưa thầy ra khỏi phòng mổ. Thầy chưa nói chuyện được Mai à!...

Thế là kế hoạch của tôi bị đảo ngược. Thay vì thầy Thiện đến Camp Strake đón tôi, thì trưởng Mai Quan Vinh phải đưa tôi đến nhà thầy. Vẫn còn yếu ớt sau cuộc phẩu thuật, nhưng thầy Đào Đức Thiện rất vui khi học trò cũ đến thăm. Thầy nói với trưởng Vinh:

-  Này, “cái” Mai như người thân trong gia đình tôi vậy. Vinh cũng thế nhé! Cứ xem tôi như anh trai của Vinh, đừng ngại!...

 

Dân Hướng Đạo dễ hòa đồng, tôi và trưởng Vinh nhanh chóng phụ cô Liễu làm bữa cơm chiều. Qua câu chuyện về người Biên Hòa, bất ngờ trưởng Vinh nhận ra cô Liễu chính là chị ruột hai người bạn thời trung học của anh:

-  Thật bất ngờ, lúc vừa gặp chị em đã ngờ ngợ người quen rồi, nhưng không nhớ đã gặp ở đâu? Em chơi rất thân với Dũng và Hùng, hồi đi học mẹ của chị hay dặn em “trông chừng hai đứa hộ bác”. Bà cụ không biết đã “gửi trứng cho ác” chị ạ!… Sang Mỹ, em cũng gặp lại nó lúc còn đi học và làm việc ở Dallas. Từ lúc em chuyển về San Diego tới nay, hơn 30 năm rồi em chưa gặp lại Dũng và Hùng …

 

Sáng sớm hôm sau, thầy Đào Đức Thiện chở  tôi và trưởng Vinh đến thăm bạn bè cũ của anh. Một cuộc trùng phùng vui như Tết ở quê nhà, ngôi nhà muốn nổ tung vì những chuổi cười ầm ầm như pháo. Mọi người bắt tay mấy lượt, tạm biệt mấy lần … cuối cùng trưởng Vinh và tôi cũng phải lên xe trở về đất trại.

Thầy Đào Đức Thiện dạy tôi môn Toán năm lớp mười một. Sau cuộc bể dâu, thầy rời bục giảng lao vào cuộc mưu sinh. Thầy làm tất cả mọi việc dù nhọc nhằn, vất vả nuôi nấng bầy con thơ dại, rồi tìm cách đưa cả gia đình sang Mỹ định cư. Bắt đầu từ công việc đơn giản nhất của một người thợ, thầy Thiện đã nhanh chóng thích nghi và xây dựng cuộc sống bền vững nơi xứ người. Các con của thầy đều ngoan và học hành đỗ đạt, với sự hướng dẫn tận tụy và chu đáo của ba mẹ các em…

 

 

 Thầy Lê Quí Thể


TX31
TX32TX33TX34


Bất ngờ nhận cuộc gọi của thầy Lê Quí Thể, tôi mừng quýnh nên có một đề nghị hết sức buồn cười:

- Thầy ơi, khi nào về Lax thầy dẫn em đi … Disneyland nha thầy!?...

Trong đầu tôi dường như có sẵn ý nghĩ này, là do lần gặp thầy Thể ở Biên Hòa, thầy cho tôi biết nhà của thầy ở gần bên Disneyland.

Thầy Thể cười dòn, dặn tôi:

- Về tới Lax, em nhớ điện cho thầy…

Thầy mời học trò dùng cơm, để thầy trò có dịp hàn huyên. Thầy dặn tôi, mời thêm vài anh chị nữa đi cùng cho vui.

Em Nguyễn Văn Hiệt đưa tôi đến điểm hẹn đúng giờ. Thầy Thể tới sớm hơn một chút,  đón anh chị em tôi. Anh Tâm và anh Hạnh đến gần như cùng lúc, thầy trò tôi tay bắt mắt mừng, tíu tít hỏi han sức khỏe lẫn nhau. Có lẽ tôi là người hạnh phúc nhất, vừa được hội ngộ thầy Lê Quí Thể tháng 06/2014 ở Cù Lao Phố Biên Hòa. Tháng 7/2014 tôi được gặp lại thầy Thể ở Hoa Kỳ thêm lần nữa.

Không gian nhà hàng Favori buổi tối khá ấm cúng. Mấy anh giới thiệu, đặc sản nhà hàng có món cá chiên dòn. Thầy trò tôi cùng nâng ly, chúc mừng ngày hội ngộ trên đất Mỹ. Mấy anh em tôi, tha thiết mời thầy Thể đến với buổi tiệc tổ chức tại nhà anh Tuấn – chị Hiền vào buổi tối hôm sau. Và thầy Thể đã vui vẻ nhận lời …

Có được niềm vui và hạnh phúc này, tôi phải nhiều lần cảm ơn ông anh “cầu thủ lừng danh ” Đinh Công Hoàng. Bởi do cầm lòng không đặng, với lời than van “Anh nhớ Thầy Thể quá!...” của anh, tôi đã tìm cách nối lại mối dây liên lạc của anh với thầy Lê Quí Thể. Anh Hoàng ơi! Có lẽ vì em làm được việc thiện, nên em đã nhận lại được điều lành, có đúng không hỡi ông anh thân mến?!... 

 

Tháng 11/2014
Diệp Hoàng Mai




Xin bấm vào Slide show bên dưới để xem
HÌNH ẢNH THẦY CÔ XƯA



 

04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 54249)
Nhân dịp nghi lễ Tạ Ơn, BCH Hội AHNgô Quyền và BCH Hội AHBiên Hòa, California đã nhận lời mời của anh Nguyễn Quý Đoàn khoá 6 Ngô Quyền tham dự tiệc thân mật với gia đình ngày chủ nhựt 28 tháng 11 năm 2010.
03 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 105173)
Như hôm nay mưa thì lại nhớ đến những cơn bão rớt ở quê mình, mái nhà xưa và bến sông ngập đầy nắng gió.
02 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 125098)
Luân thường gìn giữ cho nhau Xem như mình lại lỡ tàu nửa đêm Vẫn là anh... vẫn là em... Hãy đem dĩ vãng êm đềm chôn sâu.
02 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 124869)
Sao phương nào tụ lại Theo gió ngàn lung lay Ngọn đông phong tê tái Chiếc lá cuối cùng bay.
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 124457)
Tuyết trắng bay bay lạnh buốt đời Nhớ người năm cũ lệ buồn rơi Tình thư còn đó người đâu nửa Người biết hay chăng đã một thời...
01 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 111376)
"Cô Ba ơi, con không nghĩ có một ngày con được về và đứng ở đây. Con vẫn còn nhớ mấy trái thị cô đã tặng cho con. Con xin cầu nguyện cho linh hồn của cô được yên vui ở cõi vĩnh hằng"
30 Tháng Mười Một 2010(Xem: 62422)
Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California,
29 Tháng Mười Một 2010(Xem: 43013)
Cầu mong Cô ra đi an bình, thanh thản. Mỗi lần ra biển em sẽ nhớ đến Cô. Chắc là biển sẽ mang Cô về lại với quê nhà...
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 120861)
Lễ Tạ Ơn, chính mùa đoàn tụ Con cháu khắp nơi dắt díu về Quây quần ấm cúng bên cha mẹ Kể chuyện tâm tình cho thỏa thuê…
28 Tháng Mười Một 2010(Xem: 47203)
Mỗi khi chán đời, chờ hoài không thấy cơn buồn tan biến, nhìn mặt mình trong gương ủ rũ, thảm thương hơn chiếc lá nằm lay lắt bên bờ cỏ, chờ gió chiều thổi xuống dòng đường lắm xe, tôi thường ghé nghĩa địa tìm người chết.
27 Tháng Mười Một 2010(Xem: 123943)
“Ngày xanh tóc hãy còn xanh Bóng chim qua cửa tóc đành điểm sương Ngày xanh tươi trẻ đến trường Giờ đây sao biết người thương nơi nào?!”
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 124131)
Đi phương nào thì đường xưa vẫn nhớ Dốc Ngô Quyền ký ức nhớ đầy tim Không bạc lòng áo trắng hiền muôn thuở Nắng gió Biên Hòa vẫn còn đó thương yêu.
18 Tháng Mười Một 2010(Xem: 122174)
Thầy đứng lại để con bước tới Bóng hoàng hôn tỏa ánh nhân từ Ấm lòng con tình thầy vời vợi Tuổi học trò chẳng chút ưu tư .
12 Tháng Mười Một 2010(Xem: 119320)
Có phải xa mười năm mà anh nhớ Sàigon Hay nhìn một chút nắng lên mà thương về bên ấy?
05 Tháng Mười Một 2010(Xem: 124145)
Bây giờ mây đang bay vào cô tịch Vẫn nhớ nao lòng sông lạnh chiều xa Ở đó có hàng sa kê thật tuyệt Và một người đàn mãi khúc tình ca.
04 Tháng Mười Một 2010(Xem: 63771)
Ly cà phê buổi sáng Nhìn đời trôi theo ngày cùng tháng Bao tiếc nuối cũng đành Còn bên ta ngàn nỗi muộn màng
02 Tháng Mười Một 2010(Xem: 134158)
Mẹ đã thay cha buổi sớm chiều Dạy con cao cả một chữ YÊU Dạy con hiếu đạo tròn ân nghĩa Cơm cha, áo Mẹ buổi kinh chiều
01 Tháng Mười Một 2010(Xem: 48297)
Thầy Cô ơi! Bạn ơi! Giờ ở nơi đâu Có lượm được chút nào công thức Toán? Đời không cộng thêm vui, đời trừ đi hy vọng Hạnh phúc chẳng nhân lên, buồn khổ lại chia đều
01 Tháng Mười Một 2010(Xem: 116281)
Huỳnh văn Huê vào đệ thất Ngô Quyền năm 1963, đệ nhất B1 năm 1970, học cùng với Ng.x.Quang, Ph.t.Thừa, Tr.h.Phúc, Tô.a.Dũng và nhiều bạn khác nữa…
31 Tháng Mười 2010(Xem: 117776)
Vết thương nào rướm máu Vết cắn nào in sâu Cho muôn đời muôn kiếp Ta vẫn là của nhau
30 Tháng Mười 2010(Xem: 115278)
Hoa hướng dương cần nắng Để đong đưa sắc vàng Xòe hết cánh xinh tươi Mặt tròn xoe duyên dáng.
29 Tháng Mười 2010(Xem: 123603)
Thu đến rồi tàn, thu lại sang Ngoài kia sắc lá đỏ, cam, vàng Gió thu vi vút se se lạnh Muôn thuở tình thu, nhớ mênh mang...
27 Tháng Mười 2010(Xem: 280267)
... để thấy mùa Thu năm nay khởi sắc, lãng mạn và nồng ấm hơn bao giờ hết với đất trời vàng ươm màu áo mới và lòng người như vương vấn chút heo may... Xin bấm vào tựa bài muốn đọc:
23 Tháng Mười 2010(Xem: 111601)
Phải chi từ biệt là quên hết Không còn ray rứt phút thương đau Phải chi chia cắt mà tình chết Mình chẳng nhớ nhau đến bạc đầu.
23 Tháng Mười 2010(Xem: 57347)
Sao rơi hay đom đóm? Chớp tắt suốt đường quê Bìm bịp kêu thắc thỏm Đêm bỗng dài lê thê. Đom đóm hay sao rơi? Chập chờn theo cánh gió Hương hoa khế bồi hồi
22 Tháng Mười 2010(Xem: 111527)
Có phải chiều nay mưa hắt hiu Sương mù tỏa kín khắp buổi chiều Gió mơn man tung làn tóc rối Mắt nhạt nhòa giọt lệ buồn thiu