Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hạnh Phạm - NHỚ PHƯỢNG

10 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 29782)
Hạnh Phạm - NHỚ PHƯỢNG

Nhớ Phượng


43___hanhpham-large

 

 

Gác máy điện thoại xong, lòng tôi lâng lâng một niềm vui. Giọng nói của Lý vẫn còn như văng vẳng đâu đây. “Đúng đấy Hạnh! Kỳ này mày về, tụi mình về nhà tao ở Biên Hòa chơi. Lúc đó tao đang nghỉ hè, không phải đi làm. Tụi mình sẽ ghé thăm mấy đứa bạn Ngô Quyền hồi đó”.

Tôi náo nức hình dung ra cảnh được gặp lại thầy cô, bạn bè đồng môn trong ngày hội ngộ ở Mỹ; cảnh dung dăng dung dẻ với Lý ở Việt Nam, thăm bạn bè đồng lớp mà không phải bận tâm với gia đình. Lúc đầu tôi không định về Việt Nam nhưng trong lúc tìm mua vé máy bay để đi Mỹ tham dự cuộc Hội Ngộ Trùng Phùng thế giới lần thứ hai, tình cờ tôi đã khám phá ra rằng thay vì đi thẳng từ Úc qua Mỹ, tôi có thể ghé Việt Nam mà chỉ phải trả cũng bấy nhiêu tiền. Đây không phải là lần đầu tiên tôi về thăm Việt Nam.Tôi đã về ba, bốn lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi về một mình và cũng là lần đầu tiên tôi về đúng vào mùa hè của bên ấy. Đúng là một viên đạn mà bắn được hai con chim. Theo dự định, sau khi đi họp mặt ở Mỹ về, tôi sẽ đến Sài Gòn.Tại Sài Gòn tôi sẽ liên lạc với Lý để hai đứa cùng về Biên Hòa. Nghỉ ngơi một vài hôm ở nhà Lý, cô nàng sẽ đưa tôi đi vòng vòng thành phố Biên Hòa thăm bạn bè và nhân dịp đó tôi sẽ yêu cầu Lý đưa tôi đi tìm những cây phượng vĩ đang trổ bông, những cây phượng vĩ ở trong sân trường Ngô Quyền.

Phải nói là mối liên hệ tình cảm của tôi và hoa phượng là một mối liên hệ “yêu” và “ghét”. Tôi yêu hoa phượng từ thuở tôi mới cắp sách đến trường. Những đóa hoa đơn sơ năm cánh màu đỏ cam rực rỡ, nở rộ trên cành là biểu hiệu những ngày cuối cùng của niên học; là sự chào đón mùa hè, một mùa rong chơi suốt ngày này qua tháng nọ mà không phải miệt mài với sách vở. Ở vào tuổi tiểu học, ba tháng hè qua rất nhanh. Ban ngày lang thang qua nhà hàng xóm, cà kê với những đứa bạn cùng tuổi. Bất kể con trai hay con gái, mày mày tao tao tuốt luốt. Trò chơi của bọn trẻ con chúng tôi rất là đơn giản. Nào là chơi đánh khăng, chơi ô quan, chơi đóng kịch… Có hôm hứng chí còn rủ nhau vào trường nhặt hoa phượng rồi ngắt những cái nhụy hoa dài mỏng manh ra để chơi đá gà.Tôi còn nhớ mãi có lần chơi đá gà hoa phượng với Hy, một thằng bạn cùng xóm. Thua thắng thế nào mà cả hai đứa cãi nhau om cả lên. Thấy không cãi lại miệng tôi, thằng Hy nổi cộc hốt một nắm cát ném vô mặt tôi rồi chạy mất. Mớ cát tung vào mắt làm tôi tối tăm mặt mũi. Hai con mắt xốn xang nhức nhối mở mãi không ra. Tôi vừa giận vừa đau nên òa ra khóc. Con Thái cuống quít dắt tôi về nhà. Bố tôi sau khi nghe con Thái thuật chuyện, ông xót con nên lập tức hùng hổ lôi tôi xềnh xệch qua nhà thằng Hy để bắt đền cha mẹ nó. Lời qua tiếng lại thế nào mà thành ra cãi nhau. Phe bố mẹ tôi và phe bố mẹ thằng Hy, ai cũng thi nhau mà gào lên. Chẳng ai nghe ai cả. Hàng xóm tò mò xúm lại nghe chuyện. Tôi đứng chần dần trước đám đông, mắt vẫn xốn xang, xấu hổ cúi gằm đầu xuống, chỉ muốn độn thổ cho xong. Ấy thế tuy cãi nhau lớn như vậy mà chỉ vài ngày sau tôi và thằng Hy lại chơi với nhau trở lại. Trẻ con thật là chóng quên. Bọn tụi tôi lại tụ tập ở nhà anh Cưởng để nghe anh kể chuyện nhiều tập “Ông lép xép, bà lẹp xẹp”. Anh Cưởng ở sát phía trái nhà tôi. Anh vẽ đẹp và nói chuyện rất có duyên. Dù biết là anh bịa ra chuyện “Ông lép xép, bà lẹp xẹp” nhưng tụi tôi vẫn cứ lăn ra mà cười vì cái lối kể chuyện dí dỏm của anh. Về sau này tôi khám phá ra là anh Cưởng thích chị tôi. Có thể đó là một trong những nguyên nhân mà anh thích chơi với tôi và đồng bọn chăng?

Vào những đêm hè như thế, sau khi ăn cơm tối, gia đình tôi thường trải chiếu ra hiên nhà nằm hóng mát. Không khí buổi tối thật trong lành, đượm mùi thơm ngan ngát của những trái dưa gang đang chín ở trên giàn.Tôi nằm nghe mẹ và chị nói chuyện. Lẫn trong những tiếng nói chuyện rầm rì là tiếng ca cải lương vọng ra từ cái radio của nhà bà Bảy, người hàng xóm bên trái của nhà tôi. Và như thế tôi thiếp đi, ngủ an lành, không lo lắng vì biết rằng mẹ sẽ không lay dậy để vào giường đi ngủ sớm. Hè mà!

nho_phuong-large-content

Khi lên đến trung học thì sự mong chờ mùa hoa phượng không còn là những thôi thúc mãnh liệt nữa. Lúc này gia đình đã dọn về Biên Hòa.Từ nhà đến trường Ngô Quyền gần tám cây số. Bạn bè hàng xóm tôi không có đứa nào vì chúng nó chỉ học ở những trường lân cận gần nhà nên không quen. Vả lại ở tuổi mười mấy này, tự nhiên đầu óc non nớt của tôi đã trở nên dè dặt trong việc chọn bạn. Phải hợp “gu” mới chơi chứ không có chơi tùm lum như xưa nữa. Thế nên số bạn bè của tôi bị giới hạn trong cái khuôn viên eo hẹp của trường Ngô Quyền. Khi những cây phượng ở sân trường bắt đầu đơm những cái nụ đầu tiên là tôi đã thấy buồn man mác. Lại càng buồn hơn khi thấy những cuốn lưu bút được vội vã chuyền tay nhau. Trong những trang giấy trắng của cuốn lưu bút là những đóa hoa phượng ép công phu, những dòng chữ viết tay nắn nót, nghiêng nghiêng ghi lại những kỷ niệm buồn vui hoặc những cảm xúc mà bấy lâu chưa tiện nói. Cuốn lưu bút của tôi có lẽ là cuốn được đọc đi đọc lại nhiều lần nhất. Trong những tháng hè đóng đô ở nhà, tôi thường đọc đi đọc lại những dòng chữ quen thuộc của các bạn để rồi hình dung những khuôn mặt thân thương cho đỡ nhớ. Ba tháng hè không gặp gỡ được bạn bè là ba tháng dài lê thê. Lẩn quẩn ở nhà người tôi như thừa thãi. Những công việc lặt vặt mà mẹ giao cho tôi như lau nhà, quét sân cũng không làm khuây khỏa nỗi nhớ trường, nỗi nhớ bạn bè quay quắt. Làm gì có điện thoại, máy điện tính như bây giờ. So với tôi thì thế hệ của các con tôi bây giờ sướng quá. Đi học về đến nhà là mở máy tính ra ngay để trò chuyện với bạn bè mà chúng nó vừa chia tay chưa đầy nửa tiếng. Tiện nghi như vậy không biết chúng nó có biết nhớ nhung, mộng mơ là gì không nhỉ?

Vào năm cuối cùng thời trung học, nỗi buồn hoa phượng của tôi càng trở nên ray rứt. Ở tuổi mười sáu, mười bảy này, tôi bắt đầu ấp ủ những mối tình học trò, thật thầm kín và thật ngây thơ. Không một ai, ngay cả mấy đứa bạn thân nhất biết được cái bản tính đa sầu đa cảm của tôi. Gọi là những mối tình học trò chứ thực ra đây là những tình cảm âm thầm, một chiều mà tôi chưa bao giờ thổ lộ cùng ai và có lẽ cho đến ngày hôm nay những đối tượng đó vẫn không hề hay biết hoặc sẽ không bao giờ biết (vì một người đã không còn trên thế gian này nữa). Chưa một lần hò hẹn. Chưa một lần nói chữ yêu đương. Những tay trong tay quấn quít, những nụ hôn vội vàng chỉ là trong tâm tưởng. Tuy chỉ là trong tâm tưởng nhưng những tình cảm này cũng không thiếu những xao xuyến, nhớ nhung để rồi sau đó trở thành nỗi lo sợ phập phồng khi mùa phượng đến.

Rồi cuối cùng những cánh hoa phượng của mùa hè năm 1973 cũng trở lại. Bình thường, tự nhiên, như sự tuần hoàn của hai mùa mưa nắng. Lại một lần nữa, những tàng cây trong sân trường lại đỏ thắm màu của biệt ly. Chỉ khác chăng là lần biệt ly này lại là lần vĩnh biệt. Sự rực rỡ của màu hoa phượng đỏ bây giờ chỉ làm tôi hoa mắt và làm những nhịp đập của tim tôi thêm xốn xang, nhức nhối. Vĩnh biệt thầy cô, bạn bè, vĩnh biệt ngôi trường của bảy mùa phượng nở. Vĩnh biệt những rung động ngây thơ của thời mới lớn. Mùa hè 73 năm ấy, tôi vĩnh viễn rời trường với mảnh bằng Tú Tài Hai, ngẩn ngơ với niềm nối tiếc của một khung trời đầy kỷ niệm.

Thấm thoát đã 31 năm tôi sống xa quê hương và 38 năm kể từ ngày tôi xa trường cũ. Hơn ba mươi mùa hè không thấy hoa phượng vĩ. Những lần tôi và gia đình về thăm Việt Nam đều vào những tháng cuối năm nên tôi không có cơ hội được nhìn hoa phượng trổ bông. Nơi tôi cư ngụ, tiểu bang Nam Úc, khí hậu bị ảnh hưởng của sa mạc nên quanh năm rất khô. Không khí ở đây không có ẩm ướt như những vùng nhiệt đới hay bán nhiệt đới nên không thích hợp cho loài cây phượng vĩ. Cũng may là ở đây còn có cây phượng tím Jacaranda (may mà có em, trời còn dễ thương). Có lẽ cây phượng tím và cây phượng vĩ có bà con với nhau sao đó mà hai loại cây này có nhiều cấu trúc rất giống nhau. Từ những nhánh dài, chi chít tỏa ra từ thân cây tạo nên một cái dù lớn của thiên nhiên cho đến những chiếc lá dài bằng gang tay, nhìn như những miếng ren (lace) xanh mượt mà. Mỗi chiếc lá là tổng hợp của nhiều lá nhỏ li ti, cùng châu đầu vào một sườn lá chính. Như hoa phượng, hoa Jacaranda cũng nở rộ vào những ngày hè. Những đóa hoa giống như cái chuông màu tím nhạt, mọc thành chùm, thường lấn lướt hết màu xanh của lá. Vào mùa hoa nở, tôi thích lái xe qua những con đường có trồng hoa phượng tím. Màu tím ở hai bên đường, ở trên những ngọn cây đan vào nhau. Màu tím nhìn ngút mắt. Lái xe ra khỏi đoạn đường như vậy vài phút rồi mà mắt tôi vẫn còn hoa lên với cái không gian màu tím ấy.

Ở trường tôi làm việc cũng có vài cây phượng tím. Khi được phân công cùng với các thầy cô khác để trực sân trường (yard duties) vào giờ chơi hay giờ ăn trưa, tôi thường “xí” đứng trực ở khu vực có những cây phượng tím. Dưới những tàng cây xum xuê này, tôi cảm thấy được cây che chở phần nào khỏi cái nắng gắt chói chang của những ngày đầu niên học. Vào lúc này cây đã đầy với những trái khô. Những hôm trời có gió, trái khô đung đưa theo gió và những hột khô ở trong va chạm vào thành trái tạo ra những âm thanh lào xào như tiếng đàn bà, con gái chuyện trò. Có hôm tụi học trò nhỏ mắt xanh mũi lõ của tôi chán chơi với những dụng cụ cung cấp bởi nhà trường, hè nhau ra nhặt những trái phượng tím khô rơi trên đất để chơi trò đánh kiếm. Chỉ chơi được vài phút là kiếm bắt đầu gẫy, hột văng tung toé trên mặt đất.Thế là cả bọn lại kéo đi chỗ khác, để lại tôi ở lại tiếc rẻ, ước gì có hoa phượng đỏ để tôi bày tụi nó chơi trò đá gà.

Cuộc đời có những ngã rẽ thật bất ngờ, không ai biết trước được. Hồi xưa tôi có bao giờ nghĩ là mình sẽ làm nghề giáo đâu. Làm người lái đò đưa người qua sông cô đơn lắm. Người lái đò bao giờ cũng là người ở lại. Người đi có khung cảnh mới nên chóng quên trong khi người ở lại chỉ có con đò, bến cũ và kỷ niệm mà thôi.Thật vậy, trong số người ra đi, thử hỏi có mấy ai tìm về bến cũ? Ấy thế mà sau bốn năm học đại học mờ mắt ở xứ người, tôi đã an phận làm nghề “gõ đầu trẻ” bao nhiêu năm nay. Nhờ sự tiến bộ của khoa học và sự hiện đại hóa của những dụng cụ giảng dạy, công việc của tôi tương đối đỡ vất vả hơn so với các thầy cô hồi xưa. Hệ thống bảng điện tử (Interactive White Board) trong lớp của tôi gồm có một cái bảng trắng điện tử, một máy vi tính và một cái máy chiếu ảnh (projector). Nghe đâu tốn khoảng gần tám ngàn đô la cho mỗi hệ thống như thế. Cái bảng trắng này có một chức năng rất là đặc biệt là phản ứng qua sự đụng chạm vào mặt bảng (touch screen). Nhờ những phần mềm (solfwares) được chế tạo cho hệ thống này, tôi không cần phải dùng phấn, bút gì cả mà chỉ cần dùng ngón tay viết lên bảng là ra chữ. Bảng còn được dùng như một màn ảnh vi tính phóng đại. Bài vở, phim tài liệu, trò chơi học tập được chiếu lên bảng. Thầy cô giảng dậy, học trò thực tập bằng cách dùng những solfware phù hợp và bằng ngón tay nhấn vào những icons chức năng khác nhau ở góc bảng. Rất là tối tân và hấp dẫn. Nhờ cái bảng “thần” này mà quần áo tôi không phải bị nhem nhuốc bụi phấn như các thầy cô khi xưa của tôi và đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thì giờ soạn bài. Bài vở soạn được lưu (save) trong máy đến khi dùng là cứ việc mở ra, không cần phải mất thì giờ viết nắn nót trên bảng rồi sau đó lại phải xóa đi.

Không giống học trò Việt Nam thời đó, học trò Úc của tôi rất là dạn dĩ, ngay cả những em nhỏ mới chập chững vào lớp một. Các em rất tích cực trong việc thảo luận và không ngần ngại phát biểu ý kiến của mình nên không khí lớp học thường sôi nổi. Mục tiêu của ngành giáo dục ở đây là hướng dẫn các em học sinh có được những kỹ năng cần thiết để tự mở rộng kiến thức cho mình chứ không giáo dục theo lối “học thuộc lòng” cổ điển. Tôi rất thích dạy học trò lớp nhỏ, như lớp một, lớp hai chẳng hạn. Ở tuổi này các em rất là ngây thơ và dễ thương, thích gần gũi với cô giáo. Cách đây mấy hôm tôi nói mấy em vẽ một bức hình của chính mình rồi viết vài hàng về tên tuổi, gia đình và sở thích của mình. Vài phút sau một em lên gặp tôi, nước mắt đoanh tròng. Tôi hỏi tại sao em khóc thì em cho biết là em không vẽ được vì không biết mặt mình như thế nào. Chỉ muốn phì cười nhưng tôi cố nhịn rồi cho em mượn cái gương nhỏ để em nhìn mình mà vẽ.

hpham-large-content

Khi có cơ hội, tôi thường kể cho các em nghe về quê hương của tôi, nơi súng đạn của những ngày chiến tranh cũng không làm mất đi những vô tư, hồn nhiên của tuổi thơ. Và như một thói quen không bỏ được, những hàng cây phượng vĩ trong ký ức luôn hiện hữu trong các câu chuyện tôi kể, vẫn rực rỡ như bao giờ.

Tối nay, cầm cái vé máy bay trên tay, tôi hí hửng dở lịch đếm ngày, như một đứa trẻ hân hoan chờ Tết đến. Phải rồi, cái Tết sắp đến của tôi là một cái Tết trong tháng bảy, rộn rã với những cuộc hội ngộ lần đầu mà chắc rằng sẽ làm tôi cay mắt.

Adelaide, tháng ba, 2011

Hạnh Phạm.

09 Tháng Ba 2024(Xem: 451)
Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn ...
08 Tháng Ba 2024(Xem: 996)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1720)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 435)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1710)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3432)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4819)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 5392)
Bầu trời tháng Bảy đẹp như mơ Sinh Nhật 6 nàng tặng rổ…thơ HOÀI NIỆM, NGUYÊN NHUNG tài khó đoán TƯỞNG DUNG, PHƯƠNG THUÝ giỏi không ngờ!
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 4543)
Ai có quay về chốn cố hương Xa xôi cách trở mấy cung đường Hỏi giùm: "Người cũ còn nhung nhớ?" Đất khách bôn ba đời lữ thứ Quê người lận đận kiếp phong sương Nhắn hộ: "Tình xưa vẫn vấn vương"
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5166)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5419)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 5487)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 5823)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5308)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 9751)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 6932)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5689)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
17 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6907)
Suốt cả cuộc đời Voi hoạt bát chỉ chuyên tâm tu học, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn Giúp ích cho đời. Tưởng chừng gieo nhiều hạt tốt sẽ gặt lắm quả lành,
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5772)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6421)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 6542)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
01 Tháng Chín 2022(Xem: 16006)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 2022(Xem: 7132)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
29 Tháng Bảy 2022(Xem: 7246)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
28 Tháng Sáu 2022(Xem: 9114)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!