Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Quỳnh Giao - Nguyễn Xuân Hoàng, Người Rong Ca Buồn

22 Tháng Giêng 20151:00 CH(Xem: 8717)
Quỳnh Giao - Nguyễn Xuân Hoàng, Người Rong Ca Buồn

Nguyễn Xuân Hoàng, Người Rong Ca Buồn


Lời Giới Thiệu: Tưởng nhớ Nguyễn Xuân Hoàng, tác giả Nguyễn-Xuân Nghĩa xin nhường cột báo thường xuyên của mình cho Quỳnh Giao, với một bài viết về tác phẩm và cách viết của Nguyễn Xuân Hoàng.... Nhớ nhau vô cùng.

 

Từ 1973, Nguyễn Xuân Hoàng đã ra mắt "Kẻ Tà Đạo". Sau 1975, tác phẩm được viết lại dưới tên mới là "Người Đi Trên Mây" (1) và trở thành tập đầu của một bộ trường thiên gồm ba tập. Tập hai, mang tên "Bụi và Rác" (2) vừa được xuất bản trong năm vừa qua.

 

Quỳnh Giao phải đọc lại cả hai cuốn trong tinh thần tìm lại sự liền lạc giữa Sàigòn 70 với những biến cố sau này, những biến cố mình cho rằng đã là nguyên nhân khiến Nguyễn Xuân Hoàng viết lại một tác phẩm và nối dài thành một bộ trường thiên.

 

"Người Đi Trên Mây" chỉ là một dư vang của Sàigòn 70. Trong tác phẩm, Nguyễn Xuân Hoàng viết về thành phố khi chưa mất tên, với khung cảnh và mầu sắc lẫn nhân vật rất gần gũi với người đọc. Nhưng, khi đọc lại, người viết này thấy tất cả đều trở thành xa vắng, như trong khúc phim quay chậm sau một tấm kính mờ.

 

*

 

Những năm về sau này, ít thấy điện ảnh Hoa Kỳ thực hiện những phim ca vũ nhạc như ngày xưa.

 

Quỳnh Giao nghĩ tới những phim với Gene Kelly hay Fred Astaire nhảy múa cùng Cyd Charisse, Judy Garland hay Ginger Rogers. Thuở ấu thơ, xem phim ca vũ nhạc Mỹ là như lạc vào một giấc mơ: cảnh đẹp, nhạc hay và tài tử nhảy giỏi trong một cốt truyện luôn luôn có hậu. Làm sao mà khán giả không say mê?

 

Sau này, nước Mỹ không còn như nước Mỹ thời thanh bình xa xưa, những loại phim có hậu và nhạc hay cảnh đẹp có lẽ đã hết ăn khách. Thời nay, phim ảnh phải nổ và tình cảm phải nóng bỏng, xe hơi phải lật và sân khấu phải khét lẹt khói súng thì mới ăn khách.

 

Không biết sao, Quỳnh Giao vẫn thấy luyến tiếc những phim ca vũ thời xưa.

 

Cho tới một lần, xem lại một phim đã từng yêu thích thuở trướ và có một cái "remote control" trong tay, mình tắt phần âm thanh để chỉ xem cảnh nhảy múa. Lúc đó mới thấy cảnh ca vũ trong phim như lạc lõng giả tạo. Có một cái gì đó rất không thật, như khi ta nhìn vào một thế giới đã quen thuộc, vì cũng là những diễn viên cố hữu mình đã biết trong một cốt truyện đã thuộc, nhưng nội dung và ý nghĩa thì xa lạ, vu vơ.

 

Đó cũng là cảm giác của Quỳnh Giao  khi đọc lại "Người Đi Trên Mây" trước khi đọc tiếp vào tác phẩm kế của ông là "Bụi và Rác".

 

*

 

Người đi trên mây không phải là tác giả, mà là chính chúng ta, giờ đây, khi đọc về chuyện Sàigòn hai mươi năm trước.

 

Rõ ràng là khung cảnh cũ, với những nhân vật mình đã biết, nhiều khi đã gặp ngoài đời, vì hầu hết là những người như tác giả, đã làm nên một phần sinh hoạt văn học hay văn nghệ của miền Nam trong những năm chiến tranh. Nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Xuân Hoàng, họ cử động rất nhiều, nói nhiều, uống nhiều, mà không gây lên tiếng động.

 

Những độc giả tò mò có đôi chút ký ức về Sàigòn 70 thì sẽ cố tìm xem trong đó hình ảnh, hay cách hành xử, cách uống rượu và thở than, của những Bùi Giáng, Nguyễn Đình Toàn, Phan Nhật Nam, Trịnh Công Sơn, Thanh Tâm Tuyền... để nhớ lại một khoảng không gian đã mất.

 

Quỳnh Giao thì chỉ thấy trong tập đầu của bộ truyện ba quyển hình ảnh của một thanh niên tóc xõa trên chiếc xe Lambretta màu bạc chạy cuồng trong thành phố, giữa những bạn bè mỗi người một tâm sự một cách sống, như đi trong vùng vô vọng. Nhân vật xưng ngôi thứ nhất trong truyện, Trần Lâm Thăng, là người cưỡi chiếc xe Lambretta đó, vu vơ giữa những mối tình thật giả, những tính toán gần xa của thời cuộc, mà không biết chính mình muốn gì.

 

Tác giả viết nhiều về khung cảnh chung quanh, người và đường phố Sàigòn, nhưng người đọc không thấy cảnh chiến tranh và chết chóc là đáng sợ, đáng thương tâm.

 

Nguyễn Xuân Hoàng đã đẩy chiến sự vào một bối cảnh xa mờ, ít gây tiếng động hay xúc động. Kể cả những chuyện nhức đầu như tình hình chính sự của Sàigòn, do ông Phan là nhân vật tiêu biểu, cũng chỉ làm nhân vật trong truyện là anh chàng Thăng này nhức đầu, chứ cũng chưa đi tới những phát giác hay tiết lộ làm người đọc phải thấy gớm ghiếùc chính trị.

 

Những băn khoăn về thời thế của lớp người ba bốn chục tuổi, nửa cầm bút nửa khoác áo trận, những lập trường đối chọi về chính trị hay nghệ thuật cũng có trong tác phẩm (làm sao tránh được khi viết về Sàigòn 70) cũng không đi tới chỗ gay go đau lòng như trong một số tác phẩm khác viết về cùng thời đại.

 

Quỳnh Giao còn thấy rằng hoàn cảnh Sàigòn lúc đó dễ làm người ta chua chát, nhất là khi được chiếu lại từ ký ức hậu 75. Vậy mà người đọc cũng không thấy nỗi niềm chua chát đó nơi tác giả, trong "Người Đi Trên Mây".

 

*

 

Tất cả đều chỉ vừa đủ vẽ lên một khung cảnh không thanh bình, từ ngoài đường phố vào tới tâm tư các nhân vật. Cảm giác của người đọc là sự ngột ngạt giống như một tiếng than không thể vỡ khỏi lồng ngực.

 

Quỳnh Giao nghĩ tới một phim ca vũ nhạc không âm thanh là vì vậy.

 

Nếu nghệ thuật viết là truyền đạt cho người đọc cái cảm giác khắc khoải mà không cần to tiếng than van, Nguyễn Xuân Hoàng đã đạt kết quả. Ông viết như một Georges Simenon viết về sự buồn thảm tỉnh lẻ, khiến người ta phải bỏ xứ mà đi, rồi cũng vẫn phải quay trở về.

 

Quỳnh Giao cũng hiểu vì sao tác giả đã đổi "Kẻ Tà Đạo" thành "Người Đi Trên Mây". Ông ra khỏi vòng triết lý vẩn vơ để viết về cái rất vu vơ của đời sống không có định hướng, và  về cả cái xã hội quay cuồng trong những bực dọc không tiếng vang, không âm thanh, không có một cái gì dứt khoát.

 

Sau "Người Đi Trên Mâ" đến mấy năm (từ 1987) Nguyễn Xuân Hoàng mới cho ra mắt tác phẩm kế tiếp, mang tên "Bụi và Rác".

 

Kết cục ở tác phẩm trước là Trần Lâm Thăng vui sống với mối tình của Quỳnh. Nàng xé tấm vé máy bay cho nàng cơ hội xuất ngoại để ở lại với Thăng. Sau đó là biến cố 1975 ập xuống trên đôi vợ chồng. Người đi trên mây lần này được thời cuộc đưa xuống tới đất đen, quay cuồng giữa bụi và rác, giữa người và ngợm.

 

Chúng ta đã được đọc nhiều về cuộc đời Việt Nam sau cảnh đổi đời năm 1975. Trần Lâm Thăng cũng không thoát khỏi nạn nước và lại cho ta một dịp đi qua con đường cách mạng sầu thảm của quê hương. Lần này, người đọc không thấy nhân vật Thăng băn khoăn về triết học hay tình yêu nữa.

 

blank

Từ trái, Trần Dạ Từ, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Xuân Nghĩa và Quỳnh Giao trong buổi ra mắt sách của Võ Phiến tại Quận Cam. Hình do NXN cung cấp

 

Sàigòn 70 dật dờ như một khúc phim quay chậm, nhiều mầu sắc mà câm nín vậy chứ vẫn đáng yêu đáng tiếc hơn nhiều lắm. Lần này, giáo sư trung học Trần Lâm Thăng đã giã từ các triết gia Tây phương vì được lưu dung làm giáo viên Việt văn, ngờ nghệch với những "giáo án" xa lạ, và trở thành kẻ xa lạ, kẻ tà đạo thực thụ. Anh chỉ còn con đường lao động để mon men xuống biển và chấm dứt cuộc tìm kiếm đó trong nhà tù.

 

*

 

Khác với tập đầu, trong đó tác giả dùng nhiều đối thoại ngắn cụt để vẽ ra một vùng hỗn loạn đầy màu sắc mà không có âm thanh của Sàigòn 70, "Bụi và Racù" đã ra khỏi không khí hụt hẫng vô định của "Người Đi Trên Mây" và kéo độc giả vào những khúc độc thoại, những lời tâm sự, những đoạn tả cảnh buồn thảm.

 

Ông không nhìn thấy chút ánh sáng nào trong cuộc sống trước mặt và truyền được cho người đọc cái cảm giác của người bị sa lầy, thấy mỗi ngày một chìm sâu, thật chậm mà chắc chắn. Quỳnh Giao tin rằng những hoang mang trong vô định của người trung niên Trần Lâm Thăng đã được "cách mạng" tìm cho một chỗ đặt chân, thật sâu dưới tận đất đen.

 

Tác giả chẳng cần viết ra nhiều lời, mà cũng chẳng cần viện dẫn những triết gia thời danh của nước khác, cũng làm chúng ta hiểu là trong xã hội mới đó, những người không có một ý hướng nào về cuộc đời hay cho chính mình, tất cũng chẳng có đất dung thân.

 

Tác giả không viết nhiều về Quỳnh, người đàn bà sắc xảo đã đằm thắm xé tấm vé lên thiên đường để chia xẻ cái địa ngục với anh chàng đi trên mây, nhưng ông gây nhiều ấn tượng nơi người đọc về chỗ đứng rất nhỏ bé chênh vênh của tình yêu và của phụ nữ trong cảnh đổi đời của cả nước. Ông viết khá sắc và rõ về một vài nhân vật tiêu biểu của chế độ mới, mà vẫn làm cho người đọc hoài nghi về hậu vận của những nhân vật này.

 

Nguyễn Xuân Hoàng có lối mô tả chầm chậm buồn buồn như một lời kể truyện, về cả những nét độc ác hay điên rồ nhất của con người.

 

*

 

Đọc truyện, Quỳnh Giao thường hay tìm vào cốt truyện, nhất là phần hư cấu của câu chuyện. Như một khán giả đi xem phim loại kinh dị nghẹt thở, mình dễ tính chờ đợi tác giả hay đạo diễn dẫn dụ vào những gút mắc éo le hồi hộp, để chờ đợi họ khéo léo gỡ ra, vào những phút sau cùng. Nguyễn Xuân Hoàng không viết truyện theo lối đó.

 

Đặt câu chuyện trong bối cảnh thời sự của đất nước, ông dàn trải cốt truyện ngay từ đầu.

 

Nói cho đúng hơn, truyện ông viết gần như không có cốt chuyện, trong ý nghĩa là nó có thể  chấm dứt vào bất cứ đoạn nào. Vậy mà người đọc vẫn không buông tác phẩm khi chưa tới trang chót. Mà tới rồi, chúng ta vẫn còn chờ đợi quyển thứ ba, đó là tâm trạng của người viết này. Vì nội dung câu chuyện nằm ngay trong cách viết và cách kể của Nguyễn Xuan Hoàng.

 

Nó cứ bình thản như một bài kinh buồn, như một chuỗi tràng hạt toàn một màu đen. Đóng tập sách lại, cảm giác vu vơ trống rỗng vẫn còn theo đuổi mình mãi.

 

Biết tác giả từng là giáo sư dạy triết ở quê nhà, và cũng là một trong những cây bút có khuynh hướng đẩy văn chương tới những chân trời mới, người ta có thể chờ đợi ông mời các triết gia tên tuổi của Tây của Đức vào tác phẩm của mình, như những phông cảnh của một câu chuyện thời thượng.

 

Đàng này, Nguyễn Xuân Hoàng viết như kẻ rong ca thời Trung Cổ, mỗi nơi ngừng chân giãi bày một chuyện và lại dẫn ta ra một cảnh khác, chuyện khác, gặp người khác.  Như không có định hướng, như một người đi trên mây, trong nghĩa đen của câu nói.

 

Đóng tập sách lại, cái triết lý lớn của câu chuyện, nếu Quỳnh Giao bạo gan dùng chữ đó, chỉ là sự buồn thảm của kiếp người. Đó là sự buồn thảm của Trần Lâm Thăng giữa những người bạn cũng bất đắc chí trong một thành phố chưa mất tên.

 

Sau đó cũng vẫn là sự buồn thảm của Trần Lâm Thăng giữa những người chiến thắng từ bên kia chiến tuyến bước qua, để rồi cùng chia xẻ một nhà tù trong một kiếp người. Những nhân vật nổi danh hay khét tiếng của văn học hay chính trị, có ẩn hiện đây đó, thì cũng chỉ là những bóng mờ làm nổi bật thêm cảnh đen tối chung.

 

Quỳnh Giao tin rằng sang đến tập ba, Trầm Lâm Thăng của chúng ta cũng sẽ lang thang

trên xứ lạ, nhớ Uyên, xa Quỳnh, hay lại say mê một người tình thứ ba thứ tư nào đó mà vẫn không có hạnh phúc. Những sầm uất của Bolsa hay rực rỡ của Paris kinh đô Ánh Sáng cũng vẫn chỉ là những phông cảnh xám đục của một kiếp người buồn thảm.

 

Cái nét riêng trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Hoàng là gây được sinh khí trong lời kể, lôi cuốn người đọc lần qua ngần ấy nẻo đam mê và khốn khổ, để trở về với một tiếng thở dài.

 

Biết vậy mà ta vẫn nín thở tìm đọc, chính là do nghệ thuật của tác giả.

 

Quỳnh Giao

Tháng Sáu, 1993

 

____________________

 

(1) Người Đi Trên Mây, truyện dài Nguyễn Xuân Hoàng, Người Việt xuất bản lần thứ nhất, 1987

 

(2) Bụi và Rác, truyện dài Nguyễn Xuân Hoàng, Thanh Văn xuất văn, 1992

 

 Nguồn: Việt Tribune

15 Tháng Chín 20142:27 SA(Xem: 16851)
Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”
14 Tháng Chín 20141:37 CH(Xem: 17856)
Hỡi ơi bạn đã ra đi Mùa Thu vàng lá cánh gì nỗi đau San Jose gió rối nhàu Trường xưa mái ngói bạc đầu nhớ anh.
14 Tháng Chín 20141:31 CH(Xem: 3575)
Những con chim cánh đen đã quay trở lại/chúng đập đập những đôi cánh trên mái nhà/ tiếng đập khô/ vô cùng buồn bã.