Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Nhật Nam - NỖI ĐAU / TÌNH THƯƠNG, HIỆN THỰC / HIỂN LINH

12 Tháng Mười Một 201411:10 CH(Xem: 7506)
Phan Nhật Nam - NỖI ĐAU / TÌNH THƯƠNG, HIỆN THỰC / HIỂN LINH

Nỗi Đau / Tình Thương, Hiện Thực / Hiển Linh

Lua
Dẫn Nhập: Tôi viết chuyện kể sau đây với thận trọng của người quá tuổi 70, cùng với lòng kính trọng Anh Linh người vừa rời xa chúng ta – Người Bạn Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi cũng viết vụ việc sau đây từ Lòng Tin Cậy Tuyệt Đối về Năng Lực Thương Yêu mà tùy theo Đức Tin của mỗi tôn giáo đã hình thành qua hình tượng: Mẹ Maria/Đức Bồ Tác Quán Thế Âm/Thánh Mẫu Liễu Hạnh/Bà Chúa Núi Sam..v..v  Và dẫu không là một tín đồ của tôn giáo nào, cũng chưa hề hành đạo dưới  bất cứ hình thức của một Đạo Giáo nào, nhưng bản thân Tin Chắc về Năng Lực Vô Hạn của Tình Thương mà bất cứ một cá nhân tầm thường/bình thường nào cũng được một lần chứng nghiệm. Tuy nhiên, không chỉ với người, con vật, sinh vật nhỏ nhoi, đơn giản nhất cũng có những hình thái biểu hiện riêng. Con chó Nhật Bản trung thành đợi nơi sân ga Tokyo người chủ chết không trở về; con chim mất bạn kêu thương mà Web Site mới  đây vừa phổ biến. Con kiến, nhện, dán cuống quýt chạy trốn nước, lửa..

Với tất cả thận trọng, cảm xúc, tôi xin vào chuyện...”

 

Một- Tôi với Nguyễn Xuân Hoàng không phải là bạn đồng trang lứa, anh thật sinh  vào năm 1937, và cho dẫu thay đổi khai sinh vào năm 1940 thì vẫn thuộc lớp huynh trưởng, đàn anh so với lứa tuổi của tôi. Nhưng do một xếp đặt vô tình/nhưng rất hữu ý…  Tôi đã thấy anh từ thập niên 50 ở Nha Trang (Chuyện Tháng Ba Lần Trở Về Với Biển- Chuyện Dọc Đường, CA 2013, trg 107-129); tôi gặp Anh ở Đà Lạt đầu thập niên 60; tôi nghe đọc thơ Anh năm 1963 ở Biên Hòa (dù bản thân không hề là người có khuynh hướng thi ca, nghệ thuật); ngồi uống bia với anh và các ông bạn vong niên nơi Chợ Đũi, Sàigòn suốt những năm 1973, 1974 cho đến Ngày 30 Tháng 4, 1975.. Và buổi chiều 30 Tháng Tư ghê gớm kia, tôi đi qua biên giới sống/chết với ai ngoài Anh từ tiếng kêu hốt hoàng.. Tại sao? Tại sao mầy còn lại đây! Lần “mầy/tao” đầu tiên và cuối cùng cho đến hôm nay anh ra đi.

Thế nên, không hề là ngẫu nhiên, những đêm khuya đơn độc nơi Minnesota mấy mươi năm trước, rõ ràng tôi đã thấy ra tình cảnh – Nguyễn Xuân Hòang thấm Đau – Biết Anh Đau lắm nên tôi mới kết thành những câu chữ thắm thiết...

Bạn đã mang tiếng Kẻ Tà Đạo

Dẫu Đi Trên Mây cũng chưa cao

Hãy Ngồi Lên Cỏ

Ngôi Nhà Mái Đỏ

Chung quanh..

Bụi,

Rác,

Nỗi Đau

 

Cuối cùng, tại  buổi chiều ngày 7 tháng 9, 2014: Nguyễn Xuân Hoàng Đau Thật – Đau lắm! Đau nơi sườn..  Nam kêu Vy giùm mình!

Tôi gọi điện thoại cho chị Vy. Không trả lời! Tôi gọi lần thứ hai.. Trương Gia Vy cũng đang trong cơn đau. Tôi không đủ sức chụp tấm hình, ghi tiếng nói dẫu biết đây là âm thanh cuối cùng. Đây là hình ảnh cuối cùng của một đời người.

 

Hai- Ngày 13 tháng 9, Nguyễn Xuân Hoàng ra đi như một điều tất nhiên. Việc phải đến. Đã đến. Cũng là mối cầu mong để Người Dứt Bỏ Cơn Đau. Nhưng tôi vẫn sụp xuống bởi thấy Nỗi Đau/Sự Ác sao quá lớn lao, chập xuống phận người không khả năng dứt bỏ.. Bắt đầu là Sự Ác của Đèn Cù với Trần Đĩnh – Gần một thế kỷ nhận chìm toàn thể con người Việt Nam dưới những cái gọi là.. “Cách Mạng Tháng Tám 1945,Cải Cách Ruộng Đất 1953; Chiến Thắng Điện Biên 1954; Nghị Quyết Trung Ương 9, 1960 thành lập Mặt Trận giải phóng, quyết định đánh chiếm Miền Nam bằng vũ lực; Mậu Thân 1968; chiến dịch Mùa Hè 1972; Chiến Dịch Hồ Chí Minh 1975.. Sáu mươi năm nỗi đau dân tộc không hề suy giảm để đến hôm nay, 2014 được Trần Đĩnh viết lại dưới dạng thức hã hê, thống khoái của một bữa thịt chó sau khi được nhận tiền thưởng do viết xong tiểu sử Hồ Chí Minh.. Không một lời thống hối/Không một chút chạnh lòng. Nỗi đau của toàn dân tộc được gán xuống cho những danh tính gọi là “Mao “nhều” như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Nguyễn Chí thanh, Lê Duẩn.. Lời kết tội được ngụy trang dưới một văn phong đểu cáng, xách mé, xỏ lá của Xuân Tóc Đỏ, Nghị Hách trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đầu thế kỷ.

 

Với phẫn hận từ Đèn Cù và lần đau từ Nguyễn Xuân Hoàng, tôi rơi vào tình cảnh nghiệt ngã với xác thân kiệt sức – Tôi sống/từ/với/trong Nỗi Đau của Nguyễn Xuân Hoàng, của những nạn nhân mà Trần Đĩnh trải dài một cách bình thản bất nhẫn trong Đèn Cù – Những nạn nhân nhận án tử do chính Trần Đĩnh trình danh sách lên Hồ Chí Linh quyết định. Chịu không nỗi, tôi đóng máy computer, tắt cell phone, đi qua lại bất định dọc hành lang nơi trú ngụ… Bỗng nhiên cell phone (G4Light) lóe sáng.. Hình ảnh Thầy Nguyễn Xuân Hoàng tươi trẻ, cà-vạt buông trễ, cổ áo mở rộng đứng giữa đám nữ sinh Trường Ngô Quyền Biên Hòa năm 1963. Hay quá, ai gởi cho mình cái ảnh nầy? Tôi loay hoay tìm cách download, save bức ảnh… Vài phút sau bức ảnh tự động mất đi! Tôi check lại Email, check lại Messaging – Hoàn toàn không từ một ai gởi đến! Đúng 1 giờ chiều Ngày 18 Tháng 9, 2014. Tôi gởi text cho chị Vy thông báo về một đìều kỳ diệu: Nguyễn Xuân Hoàng trở về với một người Đã/Đang Đau Cùng Anh.        

   

Ba- Chiều ngày 27 Tháng 9, nỗi phẫn hận từ Đèn Cù không giảm sút khi phải nghe, nói về tin gia đình nhỏ của Huỳnh Trọng Hiếu, gia đình lớn của Huỳnh Thục Vy, kể cả cháu bé 8 tháng tuổi bị phạt hành chánh vì vi phạm luật khai báo cư trú, di chuyển chỗ ở trái phép! Chưa hết, Chùa Liên Trì của Hòa Thượng Thích Không Tánh sẽ bị cưỡng chế trong ngày 30 tháng 9, sau đó là Giòng Mến Thánh Giá, Nhà Thờ Họ Đạo Thủ Thiêm sẽ trở nên là những đống gạch vụn vì nhà nước cộng sản đang thự chiện chiếm đất của dân để xây dựng xã hội chủ nghĩa tiến tiến! Muốn kêu một tiếng xé trời với nỗi đau của mỗi đồng bào sớm mai thức dậy thấy cửa nhà bị đổ phân, hoặc một đám công an côn đồ chực sẵn hành hung!. Sống làm sao được hở trời?! Một vạn cây đèn cù thắp lên cũng không rọi đủ nỗi đau thương trầm thống nầy! Nhà văn/nhà báo/văn nghệ sĩ… nơi Hà Nội, thành phố HCM ở đâu trong suốt thế kỷ đọa đầy nầy, trong những ngày Chùa Liên Trì, Giòng Mến Thánh Giá sắp bị cày ủi? Cháu bé 8 tháng tuổi của gia đình Huỳnh Trọng Hiếu có khác gì cháu nhỏ con gia đình bị quy là địa chủ được mô tả trong lời thơ của Hoàng Cầm. Nhà văn/nhà báo/văn nghệ sĩ… nơi Hà Nội, Thành phố HCM là gì? Ở đâu giữa bãi máu của nhân dân? Sự phẫn hận từ Đèn Cù làm tê liệt trí não thêm đối diện lần ra đi của thân mẫu Bạn NXNgh. Cụ bằng tuổi mẹ tôi, hưởng đại thọ 93 tuổi, yên nghỉ  giữa bình an với con cháu sum vầy, sau khi hẹn 49 ngày của Quỳnh Giao, người Bạn Đời của Ngh vừa ra đi.  Ngày 23 Tháng 7.  Mẹ tôi mất năm 39 tuổi do ung thư nơi nhà thương thí ngày đầu xuân năm 1961. Nỗi Đau/Quá Khứ/HiệnTại/Đồng Bào/Bằng Hữu/Bản Thân -Tất cả chỉ là Một.

 

Tôi loay hoay mở cell phone (do phải tắt trước buổi thâu hình) đột nhiên thấy hiện rõ hình: Nguyễn Xuân Hoàng đang hút thuốc! Tôi vội chuyền qua cho kỹ thuật viên phòng thâu hình.. Con saved hình nầy cho cậu (xưng hô thường dùng với các em, cháu tại nơi làm việc, SBTN)! Cậu coi lại ai vừa gởi! Không ai gởi hết! Như thế nó có sẵn trong memory! Nhưng cậu có mở gallery đâu! Anh cháu mở gallery, tìm mải mới thấy bức hình “NXHoàng hút thuốc” chụp từ đám tang ngày 20/9 tại San José. Nhưng hai hình khác nhau:  Một mờ nhạt, cỡ nhỏ chỉ bằng ¼ màn hình máy cell phone/Một rất rõ nét và được phóng lớn chiếm trọn màn hình của cell phone như vừa thấy! Cháu kỹ thuật viên giải thích thêm: Có thể máy “ngủ” và tự động show lên một hình ảnh sẵn chứa trong gallery.

 

Nhưng tôi hiểu: Máy không ngủ hay thức, nhưng do Nguyễn Xuân Hoàng hiển linh bấm nút trở về với tôi khi đang trên biên giới tử/sinh/Đang đau với Anh. Hoàn cảnh tương tự  như trong buổi chiều Ngày 30 Tháng 4, 1975 ở Đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận; như trong lần kêu đau cuối cùng chiều ngày 7 Tháng 9 trước khi đi xa. Nguyễn Xuân Hoàng luôn hiện diện với tôi/từ/với Nỗi Đau

 

Kết Từ: Nguyễn Xuân Hoàng không Hiển Thánh/Hóa Thần. Nhà Văn/Nhà Báo/Nhà Giáo Nguyễn Xuân Hoàng Sống/Đau là Một. Người đi quá bên kia cái chết. Cao hơn cái chết với Cơn Đau thăm thẳm của riêng mình. Mẹ Thérèsa Calcutta không phải do “thần thông/tu luyện” mà nên danh hiệu cao quý. Nhưng do Mẹ Sống đủ với Nỗi Đau của Con Người.

 

Phan Nhật Nam
27/9/2014

Một tuần sau lần Nguyễn Xuân Hoàng hóa thân trong Lửa

Nguồn: http://hopluu.net/p132a2452/noi-dau-tinh-thuong-hien-thuc-hien-linh

15 Tháng Chín 20142:27 SA(Xem: 16853)
Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”
14 Tháng Chín 20141:37 CH(Xem: 17865)
Hỡi ơi bạn đã ra đi Mùa Thu vàng lá cánh gì nỗi đau San Jose gió rối nhàu Trường xưa mái ngói bạc đầu nhớ anh.
14 Tháng Chín 20141:31 CH(Xem: 3577)
Những con chim cánh đen đã quay trở lại/chúng đập đập những đôi cánh trên mái nhà/ tiếng đập khô/ vô cùng buồn bã.