Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Mạnh Trinh - KẺ LẠ TRONG CƠN LỐC THỜI CUỘC

04 Tháng Bảy 201410:58 CH(Xem: 2881)
Nguyễn Mạnh Trinh - KẺ LẠ TRONG CƠN LỐC THỜI CUỘC

KẺ LẠ TRONG CƠN LỐC THỜI CUỘC

NXH 3


Mốc thời gian sau năm 1975 trải dài từ Việt Nam quê nhà đến xứ người lưu lạc, từ trại tù phi nhân của cộng sản đến đảo tạm dung chờ đợi, tất cả đã trở thành một cái gì rất đặc thù của văn chương hải ngoại. Và người đọc hình như cảm nhận được một mẫu số chung nào đó trên những trang sách đã in.


Nhưng cảm giác kia đã tan biến trong chủ quan tôi khi đọc xong nhưng dòng chữ cuối cùng của cuốn Người Đi Trên Mây. Có một nếp sống và một nếp suy nghĩ rất khác với nếp sống và nếp suy nghĩ của tôi ở những dòng chữ kia. Người ta không thấy chiến tranh trong những trang sách, nhưng rõ ràng bên dưới những khuôn mặt thành phố kia là thuốc súng, là giầy trận, là thời cuộc, là âm mưu.

Nếu năm 1972, năm của cao độ cuộc chiến, chiến trận khốc liệt trải dài trên nhiều phần đất của một lãnh thổ - với An Lộc, Quảng Trị, Kontum đẫm máu – nơi xác người vùi thây lớp lớp, nơi thơ Lâm Hảo Dũng ghi khắc trên những đoạn đường “Chu Pao ai oán hờn trong gió, Mỗi một khăn tang một tấc đường”, nơi Phan Nhật Nam bừng bừng uất hận ra rứt thế cờ… thì cũng năm 1972 đó là thời gian của Người Đi Trên Mây, nơi có những góc phố Saigon với một khung trời nhỏ hẹp của những cơn đồng thiếp mộng du.

Nói theo tác giả, cuốn sách là “cuộc hành trình của một con người thụ động không biết thích nghi với cuộc sống, phó mình cho thời thế đẩy đưa và bị chính xã hội của y đẩy y xuống vực thẳm.” (trang bià sau của sách).

Với nền phông là những tiếng bom đạn, vọng về từ chiến trường, là những người thân của chính nhân vật “Tôi” đang mịt mù trong gió cát chiến tranh, nổi lên những khuôn mặt thành phố khắc khổ, chập chờn ở những đêm tối Saigon, Chợ Đủi, Ngã Bảy, Givral, Pagode… quấn mình theo cơn sốt thời sự.

Thành thật mà nói, thời gian và không gian trong Người Đi Trên Mây rất xa lạ với đời sống tôi. đời sống một người lính đóng ở đơn vị xa… Tuy vậy, những chi tiết về đời sống Saigon có một hấp dẫn rất đặc biệt đối với tôi, và lôi cuốn tôi.

Đọc và theo dõi từng chương, trong đầu tôi hiện ra những câu hỏi bất chợt. Nhân vật này là ai? Những ông Phan, ông Lý,… có thực ngoài đời không hay chẳng qua chỉ là những sản phẩm thuần tuý của trí tưởng tượng? Ký có phải là Tạ Ký? Nhật có phải là Phan Nhật Nam? Tò mò và dự đoán. Những nhân vật trong Người Đi Trên Mây đối với tôi đang là những câu đố trong tôi.

Có lúc tôi đã lầm lẫn giữa thực tại đời sống và thực tại tiểu thuyết. Tôi không thấy đâu là biên giới giữa hai thực tại kia.

Một bạn văn khi đọc xong cuốn sách đã nói với tôi rằng những chi tiết trong tác phẩm phản ảnh khá trung thực những mãnh đời sống của các nhân vật mà anh từng quen biết. Theo tôi đó là một nét đặc sắc và sống động của tác phẩm Người Đi Trên Mây. Và quả thực tôi đã chạy theo những trang sách trong một hành trình mê đắm.

Khi cánh cổng của ngôi biệt thự của ông Phan mở ra cho nhân vật “Tôi” tên Trần Lâm Thăng bước vào, cuốn truyện đồng thời cũng mở ra cho người đọc cái bối cảnh của một Saigon thời chiến.

Trong mười tám chương sách tiếp theo ta cũng thấy xuất hiện những nhân vật khác, mỗi người một khuôn mặt khác, với cá tính khác bằng những nét phác thảo nhưng điển hình đã tạo ra một không khí nhất quán.

Những rối rắm gia đình, cuộc dàn xếp đầy âm mưu trong vụ án ly dị đã là thắt nút của câu chuyện, từ đó mở ra những ý tưởng, những đời sống độc đáo. Cái bóng nhân vật nữ, người vợ trong tình trạng ly thân chờ ly dị, không xuất hiện, nhưng vẫn bao trùm suốt câu truyện. Tôi thích cái lối dựng nhân vật mờ mờ ảo ảo như thế. Cuộc tình bộ ba: “Tôi”, Uyên và Quỳnh xoay quanh một không khí của lớp người giàu có và quyền thế. Cuốn sách đã khép lại với cái hôn của “Tôi” và Quỳnh, và từ xa là một khuôn mặt đẫm nước mắt của Uyên ngóng về một chia tay đã là mãi mãi.

Những nhân vật phụ trong Người Đi Trên Mây cũng có những nét độc đáo, bóng dáng của họ đôi lúc đã làm chuyển động những tình tiết sống thực. Ông Phan, ông Lý, Ngô Văn Phước, mỗi người một vị trí riêng, một ý nghĩ riêng, nhưng vẫn là những biểu hiện của một phần ý tưởng cho thấy cái xã hội đang rạn vỡ, chờ giờ lụi tàn.

Những tình tiết trong câu chuyện có đời sống riêng và sống thực của nó. Sự gặp gỡ giữa “Tôi” và Quỳnh, giữa cậu bé Thăng và người lính già Lê Dương, hội ngộ bất ngờ giữa “Tôi” và Phước, chuyện đụng độ giữa Nhật và tay trùm anh chị Hồ Tam Kỳ… sẽ giữ lại rất lâu trong tâm trí người đọc.

Một điều rất đậm nét và gây nhiều ấn tượng cho người đọc là những câu đối thoại… Chuyên chở tư tuởng bằng đối thoại không phải là một công việc dễ dàng. Nếu phóng bút quá độ, đối thoại có thể sẽ trở thành những lời kịch nhạt nhẽo. Tôi thích những câu đối thoại ngắn và linh động của Nguyễn-Xuân Hoàng. Nó rất gần với đời sống. Nó sống. Và nó tạo thành nét đặc thù của tác giả và tác phẩm. Những câu đối thoại ấy còn hằn lại trong tôi khi gấp lại cuốn sách và nó hiện ra rất rõ ràng khi viết lại những dòng chữ này. Tôi tin vào nhận xét tôi.

Người Đi Trên Mây mới chỉ là cuốn đầu trong bộ ba của tác phẩm dài hơi trải qua nhiều không gian. Theo tác giả, cuốn sách khởi đầu ở Saigon, Việt Nam trước năm 1975 và sẽ chấm dứt vào thập niên sau 1985 tại một nơi nào đó trên đất Mỹ, vì vậy sẽ là một điều hết sức khó khăn khi đưa một cái nhìn về tác phẩm. Tuy vậy, với cuốn đầu của bộ ba này, người đọc có thể thấy nhân vật “Tôi” , kẻ bị coi là “tên tà đạo” , là “người đi trên mây” khi chọn một quyết định thuần tình cảm, là bằng lòng ở lại Việt Nam, từ chối một chuyến xuất ngoại vốn là niềm mong ước của khá nhiều người, đã là một thái độ rất con người, rất nhân bản, trong một xã hội đang bên bờ vực thẳm của sự băng hoại. Tôi có cảm giác Người Đi Trên Mây như bản tự phê của một ngòi bút chân thật viết về những kẻ đứng bên lề cuộc chiến.

Mười tám chương sách, tôi đã đọc một hơi với những ý nghĩ tuôn trào như thác đổ. Cái hồi kết thúc cuốn sách trở thành một một thứ hạnh phúc mong manh vừa tìm lại được.

“…Cánh cửa sắt đóng lại sau lưng tôi đã khép vĩnh viễn một con đường vào xứ Thục.

Ngoài trời, đêm Saigon mát lạnh. Những hạt mưa rất nhỏ đang bắt đầu rơi trên thành phố… Chúng tôi hôn nhau cái hôn nhoà nhạt nước mưa dưới một bầu trời thấp, ẩm đục, giữa một thành phố vắng vẻ và lạnh lẽo, trong tiếng còi hụ của đêm giới nghiêm sau cùng.”

Cuốn sách xếp lại cùng với cơn mưa Saigon. Mưa của thành phố tối tăm khuất lấp. Mưa của giọt lệ bâng khuâng, của những con đường chẳng biết sẽ về đâu. Trang sách đã đóng lại, nhưng mở ra trong tôi nhiều ý nghĩ. Văn chương có cái mê lực của nó. Nó là tấm gương soi nhìn lại chính mình. Cuộc hành trình tìm lại quá khứ đôi khi chính là một ngóng trông về tương lai.

Có mấy ai dám chắc là trong suốt cuộc đời mình chẳng bao giờ có lúc mộng du trên mây mù như nhân vật Thăng? “Người Đi Trên Mây” là hành trình hẩng hụt của một con người qua những dòng chữ rất sắc nét, bằng ngôn ngữ đẹp như những trang tùy bút với những ý tưởng nồng thắm như những vần lục bát ca dao.

Cuối tháng Sáu, 1987

NGUYỄN MẠNH TRINH