Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Đăng Thường - CHỨNG NHÂN VÀ NGƯỜI TÌNH TRẦN LÂM THĂNG

04 Tháng Bảy 201410:33 CH(Xem: 2471)
Nguyễn Đăng Thường - CHỨNG NHÂN VÀ NGƯỜI TÌNH TRẦN LÂM THĂNG

CHỨNG NHÂN VÀ NGƯỜI TÌNH TRẦN LÂM THĂNG


NXH 2
Đọc xong Bụi Và Rác tôi thở phào, nhẹ nhõm.

Tôi không mất thì giờ, không mất tiền.

Bụi Và Rác rất hay.

Trọn một ngày Chủ nhật, tôi đọc gần như liên tục, không ngừng, từ đầu đến cuối.

Lâu lắm tôi mới đưọc đọc một cuốn truyện ưng ý như vậy. Cũng xin nói thêm là có vài cuốn truyện được tung hô rầm rộ hồi gần đây, tôi tò mò đọc, nhưng có khi bỏ dở vì thấy chán.

Cuộc biển dâu không nén vào lòng tác giả Bụi Và Rác đắng cay và thù hận, mặc dù ở dưới chế độ mới, những người thầy dạy học thời cũ, những người “viết lách” và “trí thức lừng khừng” kiểu như ông chỉ là “rác và bụi”.

Trái tim Nguyễn-Xuân Hoàng có khá đủ can đảm để hứng chịu những khổ đau. Để nó không bị rũ liệt hay trở thành chai đá, mất niềm tin ở con người và cuộc sống. Qua các trang sách với bút pháp giản dị, trong sáng, thỉnh thoảng có chêm vài tiếng “chửi thề” rất có duyên (Mẹ, quê hương ai mà chả có một dòng sông…. Chẳng có công lao công láo cái con c… gì hết) tôi thấy chính đời mình, đời những người thân, đời bạn bè tôi, đời của rất nhiều, rất nhiều, người dân miền Nam, trước và sau ngày Saigon mất.

Văn Nguyễn-Xuân Hoàng không giả trá. Hay ít ra thì nó cũng đã cho người đọc cái cảm tưởng đó. Nó không thêu dệt, hoặc tô đậm. Nó không tìm sôi nổi để câu khách. Ông chỉ viết về những người sống gần ông, về những điều mắt thấy tai nghe. Như nhiều người đã nhận xét, cái lằn mức giữa chuyện và truyện, giữa tiểu thuyết và đời sống thật rất khó phân biệt trong các tác phẩm của nhà văn này. Đó là lối viết của ông, hay nếu ta muốn hoa mỹ, bóng bẩy hơn, thì đó là nghệ thuật Nguyễn-Xuân Hoàng. Nói cách khác, Trần Lâm Thăng, nhân vật chính, người kể chuyện và xưng “tôi”, đã có một cái nhìn rất khách quan về thời cuộc và bản thân. Một cái nhìn, tôi thiển nghĩ là rất nhân chứng, rất “người xa lạ” (xin mượn tạm chữ của Albert Camus, tuy trường hợp của “người đi trên mây” Nguyễn-Xuân Hoàng không hẳn thế), chỉ thấy sao nói vậy, không đặt điều, thêm bớt.

Bụi Và Rác trình bày nhiều khuôn mặt mới lạ, chưa từng thấy trong văn chương Việt Nam. Nhưng nó cũng không thiếu những nhân vật điển hình của quê hương mến yêu muôn thuở, của một đất nước ngàn đời với số phận quá hẩm hiu. Nói thế không có nghĩa là Bụi Và Rác kém cỏi trên bình diện sáng tạo. Mà ngược lại, bởi con người, dù ở thời điểm nào cũng vậy, cũng chỉ là một con người bằng xương bằng thịt (hy vọng “người máy” Arnold Schwarzenegger chỉ là … một ngoại lệ) với bấy nhiêu tình cảm mà thôi. Và cuộc đời. Cuộc đời muôn kiếp. Nó dám có thể mãi mãi là một tấn tuồng xưa cũ, với chừng ấy nhân vật trong những tình huống chẳng mấy đổi thay.

Ở đoạn cuối Bụi Và Rác, độc giả có một thích thú bất ngờ: sự xuất hiện đột ngột của một nàng tiên! Một nàng tiên trắng. Như trong bài ca Phạm Duy. Marguerite, một bông cúc trắng. Marguerite Chirac. Ma Chirac, một thiếu nữ Pháp bị ám ảnh vì cuộc chiến tranh Việt Nam. Cô thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Và có lẽ nỗi ám ảnh trên đã khiến cô tò mò, muốn biết mùi da thịt của một gã đàn ông Việt Nam chăng?

Chẳng biết Trần Lâm Thăng – a, Trần Lâm Thăng, người đi trên mây vai đeo chiếc ba-lô trĩu nặng mớ tình đời! – đã làm gì trong cái đêm hôm ấy trên khách sạn Caravelle trong Saigon cũ nhỉ? Để nàng Giáng Tiên mắt xanh (hay mắt nâu?) kia, còn giữ mãi kỷ niệm xưa, kỷ niệm về một người trần thế, hay đúng hơn, về một người đàn ông Việt Nam tên Tran. Và đã tìm cách giúp anh ta, qua ngã toà Tổng Lãnh Sự Pháp, sớm được lên thiên đường – dĩ nhiên là thiên đường trắng! – lúc Saigon đã đổi chủ!

Tôi xếp sách lại, mĩm cười thích thú.

Nguyễn-Xuân Hoàng đã cho tôi một ngày Chủ nhật cuối thu tuyệt vời!

NGUYỄN ĐĂNG THƯỜNG