Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - NHỚ NGUYỄN THỤY LONG

03 Tháng Bảy 20145:49 CH(Xem: 3103)
Nguyễn-Xuân Hoàng - NHỚ NGUYỄN THỤY LONG

NHỚ NGUYỄN THỤY LONG
[1938-2009]

Nhà văn Nguyễn Thụy Long, tác giả Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen và nhiều tác phẩm khác, vừa ra đi hôm 3 tháng 9 năm 2009 tại Bệnh viện Gia Định, Sài Gòn. Hưởng thọ 72 tuổi.

NguyenThuyLong_Saigon-2001_

Nhà văn Nguyễn Thụy Long, Sài Gòn 2001

Trong một bài viết cách đây không lâu trên tạp chí Văn [hải ngoại] về Trần Phong Giao, tôi có nhắc đến những cuốn sách bị ‘bức tử’ sau tháng Tư, 1975, khiến cho nhiều tủ sách gia đình trong thành phố trống trơn, trơ trọi. Gần hai mươi năm sau từ California, tôi bỗng nhận được cuốn Kẻ Tà Đạo [nxb Nguyễn Đình Vượng]. Cuốn sách của mình viết ra trước năm 1975, sau một thời gian gió bụi thất lạc bỗng một hôm trở lại tay mình ở một nơi rất xa quê hương. Cuốn sách bị nhầu nát, bìa rách, giấy đen… Thời gian tưởng đã mất, rốt cuộc hình như cũng tìm lại được. Người chuyển sách cho tôi là nhà văn Nguyễn Đạt vẫn còn ở Sài Gòn. Anh cho biết người gửi sách cho tôi là Nguyễn Thụy Long. «Anh Long đã tìm ra được cuốn sách này của anh ở chợ trời và Long gửi tặng anh.»

Tác giả Loan Mắt Nhung vẫn không quên tôi, mặc dù thời ở Sài Gòn trước năm 1975 chúng tôi thi thoảng lắm mới gặp nhau. Đôi khi ở toà soạn Văn số 38 đường Phạm Ngũ Lão, đôi khi ở quán Cái Chùa trên đường Tự Do… Thời gian đó, dù sống cùng thành phố, bọn tôi mỗi đứa vẫn chơi với một dúm bạn riêng cùng chia sẻ nhau một số suy nghĩ trong đời sống cũng như chuyện viết lách của nhóm. Tuy vậy, mỗi lần gặp Long, tôi vẫn thường hỏi anh về những cuốn sách mà anh đang viết và ngược lại Long cũng có những nhận định và suy nghĩ trong cách viết của bọn tôi. Hơn 20 năm sau, mặc dù chúng tôi không còn sống chung trong một thành phố, lạ thay, chúng tôi lại thường liên lạc nhau hơn.

Những bài viết của Nguyễn Thụy Long dành cho tuần báo Việt Mercury cũng như cho tạp chí Văn đưa chúng tôi lại gần nhau. Tôi biết anh có cuộc sống vất vả, gia đình lạnh lẽo, đời sống xã hội chua cay, nhưng lúc sau này anh vẫn viết và sống bằng chính ngòi bút của mình. Tôi đã gặp lại tác giả Loan Mắt Nhung, gặp lại những ngày tháng của Sài Gòn xưa, gặp lại những kỷ niệm hiếm hoi về một buổi sáng ngồi với nhau ở quán cà phê Cái Chùa hay buổi chiều ở nhà hàng Thanh Thế.

NguyenThuyLong_210

Bài thơ và thủ bút của Nguyễn Thụy Long viết từ tháng 8, 1975

Hồi đó chúng tôi còn quá trẻ, anh ít nói và tôi không phải là người nói nhiều. Có lần Long hỏi tôi, «sao ông cứ chạy trốn cuộc đời này hoài vậy?» Long muốn nói đến tập tùy bút Ý Nghĩ Trên Cỏ tôi vừa mới phát hành.

Nguyễn Thụy Long thở với hơi thở đời sống, đi trên kênh rạch, lội xuống bùn đen, đứng giữa tiếng động của sắt thép, của dao và búa, nhập vào bóng đen của mặt trái thành phố… Còn tôi, kẻ luôn bị ám ảnh bởi câu nói của Albert Camus trong cuốn Le Mythe de Sisyphe: «Il n’y a qu’un problème philosophique vraiment sérieux: c’est le suicide.»* Tôi đã nghĩ đến cái chết từ những ngày học [Triết] ở Đà lat, nghĩ đến cái chết khi ở Sài Gòn [lúc chiến tranh ăn ruỗng mục tuổi trẻ đất nước], nghĩ đến nó khi nằm ở nhà tù Rạch Giá, Kinh Làng Thứ Bảy, U Minh … Nghĩ đến nó khi bị bắt trong đêm ở một khu đầy mồ mả trên bờ biển Phan Thiết chờ giờ xuống ghe [vượt thoát quê hương]…Tôi hiểu tại sao chúng tôi không gần nhau, tôi hiểu tại sao Long nói tôi là người chạy trốn cuộc đời.

Giờ đây, Nguyễn Thụy Long đã ra đi. Anh đã sống hết cuộc đời anh, với khổ đau nhiều hơn hạnh phúc, với bóng tối nhiều hơn ánh sáng, với một hiện tại [cơ cực] hơn là một tương lai [ung dung tự tại]… Anh đã thoát ra khỏi bóng tối, khỏi khổ đau, khỏi hiện tại. Còn tôi? Người ở lại nói với người ra đi:

Chia tay bạn ta, vĩnh biệt Nguyễn Thụy Long. Hẹn gặp!

Hẹn gặp! Tôi đã nói hai chữ này với ai? Bao nhiêu lần? Chắc chắn không phải chỉ một lần. Với Mai Thảo, với Nguyên Sa, với Hoàng Anh Tuấn, với Trần Phong Giao,…và bây giờ với Nguyễn Thụy Long…

Hẹn gặp! Bởi vì, nghĩ cho cùng trên đời này tưởng là chia tay mà vẫn là gặp gỡ và tưởng là gặp gỡ đôi khi đã là chia tay. Con người giống như những hạt bụi bay tán loạn giữa bầu trời và tình cờ gặp nhau, rồi những cơn giông bất ngờ ập đến bắn tung ra, những hạt bụi lại rời nhau bay về những phương hướng khác. Những hạt bụi có còn gặp lại nhau không hay mãi mãi không bao giờ tái hợp? Nào ai biết!

Nhưng hẹn gặp là một điều chắc chắn. Tôi vẫn nghĩ vậy!

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* Tạm dịch: Chỉ có mỗi một vấn đề triết học thực sự nghiêm chỉnh: Đó là sự tự tử