Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG MƯỜI, 1999

02 Tháng Bảy 201410:14 CH(Xem: 2541)
Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG MƯỜI, 1999



SỔ TAY THÁNG MƯỜI, 1999



Vũ Hoàng Chương trong trí nhớ

Trên vách tường trong căn phòng nhỏ của Mai Thảo, treo khá nhiều ảnh. Những bức ảnh của Mai Thảo thời trẻ. Một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Lê Phúc chụp Mai Thảo mấy năm sau này, trước ngày anh mất sức. Một khuôn mặt trầm tư, lạnh. Những nếp nhăn của thời gian ở đuôi mắt. Chiếc khăn quàng cổ dầy. Mái tóc đã thưa nhưng không có sợi bạc. Đôi mắt ngó xuống, cái nhìn như phóng vào khoảng không. Mai Thảo vững chắc. Rất đàn ông. Nhiều bức ảnh đời thường của anh rất đẹp. Tôi hiểu vẻ đẹp ngoại hình của một người đàn ông không nhất thiết phải có khuôn mặt của Alain Delon, càng không cần cái thân xác vạm vỡ mà thiếu bộ óc của Mike Tyson . Chính cái sần sùi của một làn da khô nứt, cái dáng cao mà vững, sóng mũi thẳng. cái cằm bạnh, cái lạnh của mắt nhìn, cái say mê khi nói về chữ nghĩa, cái phong thái sống ung dung, cái tấm lòng ở với bạn bè đã làm cho Mai Thảo trở thành một người đàn ông quyến rũ.

Tôi tiếc đã không xin anh Khánh - bào đệ của Mai Thảo - một bức ảnh trong căn phòng cuả anh trong hẽm Song Long. Đó là bức ảnh đen trắng, Mai Thảo chụp với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tôi nhớ mang máng hình như cả hai anh ngồi trên thềm nhà. Và nhiều lần Mai Thảo cho tôi biết anh rất thích tấm ảnh này. Lẽ ra tôi đã hỏi tại sao. Nhưng tôi đã không hỏi. Năm 1985, một năm trước ngày tôi đặt chân lên đất Mỹ, Mai Thảo cho in tập Chân Dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, do nhà Văn Khoa của giáo sư Đỗ Đình Tuân xuất bản. Mười lăm chân dung “đã được minh họa từ những chất liệu của kỷ niệm và trí nhớ” của Mai Thảo, chứ không phải được viết bằng tác phẩm hay tài liệu văn học. Trong 15 chân dung ấy, Vũ Hoàng Chương là chân dung thứ nhất với tựa bài “Mấy Tháng Cuối Cùng Với Vũ Hoàng Chương.” Bài viết chiếm gần 40 trang trong tập sách chỉ dày 190 trang. Có thể nói đó là một bài viết tràn ngập tình bạn và cuồng nộ trước số phận mong manh của nhà thơ Vũ Hoàng Chương trong những ngày 1975.

Đọc lại bài viết của Mai Thảo về Vũ Hoàng Chương tôi khám phá ra trong thời kỳ nghi hoặc - những tháng năm 1975 - 1976 , thời mà nói như kịch tác gia người Đức Bertolt Bretch “nói chuyện với cỏ cây cũng là một điều tội lỗi” , tình bạn của hai ông thật là chân tình và vĩ đại.

“Một buổi tối, đến thăm Vũ Hoàng Chương, được ông cho coi những thư từ bạn bè ngày trước của ông từ Hà Nội gửi vào. Thư của Lưu Trọng Lư, Hoàng Lập Ngôn, Hoàng Cầm. Nhưng lá thư ngắn nhất là của Nguyễn Tuân. Chỉ vỏn vẹn hai câu: “Mấy lời hỏi thăm cố nhân. Thư bất tận ngôn.” Vũ Hoàng Chương cười: “Thằng Tuân ngày xưa với tao thân lắm. Khâm Thiên, bàn đèn, tao đâu nó đó, mà nó sợ. Chỉ dám dùng bốn chữ thư bất tận ngôn.” “Mày có trả lời bọn họ không?”

Tại sao mày tao? Tôi ngạc nhiên cách xưng hô giữa Mai Thảo và Vũ Hoàng Chương. Thi sĩ Vũ lớn tuổi hơn Mai Thảo nhiều. Ông có thể mày-tao với Mai Thảo, nhưng chẳng lẽ Mai Thảo cũng mày-tao với họ Vũ?

Tôi đọc bài viết về Vũ Hoàng Chương thêm một lần nữa. Tôi ngừng lại ở đoạn: “Tôi đến thăm Gác Bút thường ngày [như vậy] và thường vào buổi chiều. Thường, vì muốn, vì cầu, với tôi. Hai mươi năm sinh hoạt thơ văn của miền Nam, được ông nhận cho kết giao, rồi thân thiết mày tao và được ông xem như một tấm lòng tri kỷ, dù tuổi tôi thua tuổi ông đúng một Giáp mười hai năm, tôi đã đến thăm mọi chỗ ở của thi sĩ rất nhiều lần.” Tôi hiểu tại sao Phạm Công Thiện - thua tôi một tuổi, và cách Mai Thảo trên một con Giáp - mà cứ mày-mày-tao-tao với tác giả Sống Chỉ Một Lần. Tôi hiểu tại sao nhà văn Nguyễn Tuân - cùng lứa tuổi với Vũ Hoàng Chương, không bằng lòng khi tôi gọi ông bằng bác. Nhà văn không có tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian sống. Thời gian của mộït nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ ông ta viết ra. Là những trang sách đã in. Là cái khả năng thể hiện sáng tạo. Là chính đời sống của ông.

Tôi viết những dòng chữ này nhân mới đây nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhắc cho nhớ ngày 6 tháng Chín vừa qua là ngày giỗ thứ hai mươi ba của tác giả Thơ Say. Theo Đặng Tiến, Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của đất nước, một tác giả quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà, chiếm một địa vị riêng biệt trong các trào lưu thi ca. “Giữa những trầm luân của đất nước, tác phẩm của anh chưa được tìm hiểu toàn bộ và đánh giá đúng mức - ở miền Bắc cũng như miền Nam trước 1975, và trong nước cũng như ngoài nước những năm sau 1975 và gần đây.” Hiện nhà xuất bản An Tiêm, trong dự án dài hạn, muốn ấn hành một tuyển tập Vũ Hoàng Chương, có thể “nhích” lên toàn tập. Ông Thanh Tuệ, Giám đốc nhà xuất bản An Tiêm yêu cầu Đặng Tiến sưu tầm, biên tập và giới thiệu, với sự thỏa thuận của bà Vũ Hoàng Chương. Người đọc có quyền trông chờ tác phẩm lớn này của một nhà xuất bản đứng đắn và do một nhà phê bình văn học sâu sắc chủ biên.

Hãy Cứ Là Tình Nhân

Tôi vừa được nghe một ca khúc mới. Tác giả là một người rất trẻ, một cô gái. Tôi được nghe chính tiếng hát của cô và âm nhạc của cô. Tiếng hát không điêu luyện và thiếu kỹ thuật, vì không phải là một tiếng hát nhà nghề. Nhưng theo tôi đó là một bài hát hay và một tiếng hát còn nguyên cái vẻ xanh tươi của một tàu lá chuối sau vườn vừa dứt một cơn mưa. Tiếng hát quyến rũ, không phải vì cái âm điệu vừa tha thiết vừa nồng nàn của nó đâu. Theo tôi, hơi thở của khúc tình ca mới mẻ này chính là lời từ của bản nhạc. Đó là yếu tố khiến cho ca khúc Hãy Cứ Là Tình Nhân trở thành mối suy nghĩ xã hội trong tôi.

Nếu trước đây lời trong những tình khúc là nỗi đau tình ái, là sự sợ hãi không được sống bên nhau, là sự chia ly, là niềm cách biệt, là “mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu,”* hoặc “một là sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hai là chết bên dòng sông Danube,”* hay “từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng,”*...

Những khúc tình ca trước hết là những lời than thở não nuột, là tiếng kêu thấu trời xanh vì “em đã đi lấy chồng - hoặc anh đã đi lấy vợ, và ông trời đã chia cách đôi ta...” Hoặc sến hơn, kiểu như “đời tôi cô đơn nên đi đâu cũng cô đơn...”

Không được sống bên nhau thì chỉ có cái chết mới giải quyết được. “Em sinh ra là để được yêu, được sống với anh, bên anh cho tới ngày răng long đầu bạc. Không gì có thể chia cắt đôi ta, bởi vì đôi ta như chim liền cánh như cây liền cành, như thuyền và biển. “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời. Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn. Nói gì kiếp khác với đời sau...” hoặc “Nếu từ giã thuyền rồi biển chỉ còn sóng gió, nếu phải cách xa anh, em chỉ còn bão tố...”*

Lời từ trong ca khúc này là tiếng nói mới của một lớp người trẻ, hơn nữa là tiếng nói của một cô gái trước cuộc sống xứ người: “Em không thích làm vợ, không thích anh là chồng... Chỉ cần anh nhìn em là tim em rã rời, chỉ cần anh nắm tay là hồn em đắm say... Hãy cứ là tình nhân.”

Tôi không biết lớp người trẻ hiện nay - những thanh niên Việt trên quê người, và cả lớp trẻ tại quê nhà - quan niệm thế nào về tình yêu và gia đình, nhưng Tú Minh, tác giả ca khúc Hãy Cứ Là Tình Nhân đã nói lên một tiếng nói mới: Sự kết hợp lứa đôi làm thành một gia đình không còn là “nguyên tắc” nữa. Thà làm một đôi tình nhân yêu nhau và run rẩy khi “anh nhìn em và em nhìn anh” hơn là sống bên nhau và chán ngán dằn vặt nhau. Phải chăng Hãy Cứ Là Tình Nhân là tiếng nói của một lớp trẻ trước thời đại của www. , của com. , của thiên niên kỷ mới? Hay chỉ là tiếng kêu đau thương trước sự thất bại trong đời sống lứa đôi?

Cô đơn là một mốt khá phổ biến tại Âu châu vào đầu thế kỷ 21. Hiện nay , chỉ tính riêng nước Pháp đã có từ bảy đến tám triệu người không lập gia đình hoặc không muốn... lập gia đình trở lại. Các nhà xã hội học cho rằng đã xuất hiện một loại người “cô đơn kiểu mới” và họ hết sức hạnh phúc trong sự cô đơn của mình. Đặc điểm của loại người này là không muốn san sẻ cuộc sống hàng ngày với bất kỳ ai, dù đó là người mà họ yêu thương tha thiết. Nhà xã hội học Jean Claude Kaufman trong tác phẩm “Hoàng tử và người phụ nữ cô đơn” viết rằng “Có vẻ như đám cưới là cánh cửa đóng lại chắc chắn nhất con đường vào tương lai.” Và yêu nhau đâu có nghĩa là phải sống chung với nhau dưới một mái nhà. Nhưng sống một mình không phải là một hiện tượng xã hội có nơi những người trẻ từ 20 đến 35 tuổi. Ngày nay, với những người trung niên với nhiều kinh nghiệm “gãy đỗ” cũng muốn bảo vệ thế giới cô độc của mình. Cái hình ảnh “chồng chồng vợ vợ con con” cách đây 15 năm được coi là giá trị cao nhất của tế bào xã hội thì giờ đây theo Kaufman người ta – nhất là phụ nữ - bắt đầu ý thức tự lập về tài chính, sống trọn vẹn với chính mình, và một cách nào đó có thể nói người ta đang muốn biến kế hoạch đó thành một quan niệm sống ... mãn đời. Một nữ kịch sĩ người Pháùp, Kathy Bodet, 42 tuổi, nói “Tôi thử lập gia đình nhiều lần, nhưng không lần nào kéo dài quá một năm. Đàn ông đòi hỏi nhiều quá, mà tôi thì cần thanh tịnh. Họ vắt cạn sinh lực của tôi. Tôi thấy tình bạn hay hơn tình yêu." Một câu trích dẫn khác có thể chép lại ở đây là của ông Didier Huré: "Hôn nhân là một khoảnh khắc đẹp đẽ có tính cách trang trí, còn đời sống độc thân là thời gian hạnh phúc có tính chất lượng.”**

Bạn có bao giờ xem sô Friends trên chương trình truyền hình của NBC mỗi thứ Năm không? Với Hãy Cứ Là Tình Nhân, Tú Minh có thể không phải là người [nữ] đầu tiên chọn cách sống cô đơn, nhưng cô là tác giả đầu tiên trong âm nhạc Việt Nam nói hộ một lớp người chọn “tự do” trong thời đại mới của những ngày tháng chuẩn bị bước vào thế kỷ 21.

Chào mừng Uyên Thao và Thanh Thương Hoàng

Hôm 14 tháng Chín vừa qua, nhà văn-nhà báo Uyên Thao và gia đình đã đến Hoa Thịnh Đốn và ngụ tại Virginia. Nhà văn Uyên Thao Vũ Quốc Châu là một trong số những tù nhân chính trị được chính phủ Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp đòi Hà Nội để ông sang Hoa Kỳ tị nạn. Uyên Thao từng làm việc nhiều năm trong Đài Phát Thanh Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa . Trong những năm 1972 đến 1975 ông làm Tổng thư ký tòa soạn nhật báo Sóng Thần. Sau ngày 30 tháng Tư, ông là một trong số những văn nghệ sĩ và chính trị gia Việt Nam Cộng Hòa bị bắt giam ngay từ những ngày đầu. Ông từng bị nhốt xà lim nhiều tháng cùng một nơi với ông Phan Huy Quát, cựu Thủ tướng chính phủ Việt nam Cộng Hòa. Năm 1988, Uyên Thao mới được trở về Sài Gòn. Từ đó ông sống rất vất vả, bị ngăn cấm mọi việc, ngay cả việc xin xuất cảnh sang Hoa Kỳ tị nạn cũng không được. Chuyện ra đi của ông hầu như tuyệt vọng cho đến khi bà Khúc Minh Thơ, Hội trưởng Hội Gia đình Cựu Tù nhân chính trị đứng ra lo giúp. Bà Khúc Minh Thơ đã đến bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng với hồ sơ của hai nhà báo Uyên Thao và Thanh Thương Hoàng để trình bày với ông Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao chuyên về Di trú. Và kết quả là sau rất nhiều khó khăn và thời gian, hai ông Thanh Thương Hoàng và Uyên Thao đã đến được bến bờ tự do. Nhà báo Thanh Thương Hoàng hiện định cư ở thành phố Sacramento, bắc California.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

* Tô Vũ, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Du Tư Lê, Xuân Quỳnh...

** Lê Lộc, Nghệ Thuật Cô Đơn, theo Figaro Magazine, Psychologies Magazine, Kiến Thức Ngày Nay , 319, 20/6/99.