Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - TỪ “TIẾNG TRỐNG HÀO HÙNG” ĐẾN “SUỐI MƠ” XƯA…

11 Tháng Ba 20171:26 SA(Xem: 17729)
Diệp Hoàng Mai - TỪ “TIẾNG TRỐNG HÀO HÙNG” ĐẾN “SUỐI MƠ” XƯA…
                      TỪ “TIẾNG TRỐNG HÀO HÙNG”
                                     ĐẾN “SUỐI MƠ” XƯA…


Nhắc đến Mèo rừng bướng bỉnh Hồ Ngọc Khanh, phải nhắc đến sở trường ứng tác của anh. Trong những buổi giao lưu văn nghệ bỏ túi với các đơn vị bạn, hễ nhóm vừa ngắc ngứ “bí” bài, là anh Mèo rừng “chế tác” tức thì bài ca đối đáp. Ngôn từ vui tươi dí dỏm, cứ ngẫu hứng tuôn trào theo nhịp đàn tiếng hát của anh:

- Ới bà ơi! Bà thương tui, bà yêu tui, bà mê tui… Rồi bà xách va-li bà theo tui luôn…

Niên học 1972 – 1973 Ban đại diện học sinh trung học Ngô Quyền (BĐD.HS.NQ) hầu hết là dân hướng đạo, chính vì vậy mà hướng đạo sinh (HĐS) đạo Bửu Long hồi đó gần như đồng hành với BĐD.HS.NQ trong mọi hoạt động học đường. Là học trò trung học Khiết Tâm, nhưng Mèo rừng bướng bỉnh Hồ Ngọc Khanh – em ruột của Nai đảm đang Hồ Văn Lưu – vô cùng gắn bó với hoạt động văn nghệ trung học Ngô Quyền, hồn nhiên như những bài ca anh thường ứng tác. Hoạt cảnh “Tiếng trống hào hùng” do anh Mèo rừng bướng bỉnh Hồ Ngọc Khanh đạo diễn, đã một thời làm mưa làm gió trên những sân khấu hội diễn học sinh các tỉnh miền Đông.


tieng trong hao hung (1)
Mèo rừng bướng bỉnh Hồ Ngọc Khanh

Để được “tuyển” vào đội ca múa nhạc của anh Mèo, các “diễn viên” phải hội đủ điều kiện về sắc vóc lẫn chiều cao. Về hai cái khoản đẹp và cao, tôi tự biết thân phận bèo bọt của mình, nên chưa từng manh nha hy vọng được chọn vào đội hình “quí tộc” này. Tôi chỉ theo anh Mèo góp phần hát minh họa, và xem các chị tập múa cho đỡ ghiền thôi.

 

Nhưng có lợi thế về sắc vóc, mấy chị đèm đẹp của tôi lại hay nư núng dỗi hờn. Tôi không nhớ, anh Mèo có sung sướng hay không? Khi anh vừa mệt nhoài thị phạm những động tác cho diễn viên, vừa năn nỉ ỉ ôi dỗ dành từng người đẹp nữa. Một lần bà chị giận hờn “bỏ vai” vào giờ chót, đã khiến anh Mèo bần thần như người đuối nước. Quính quáng, anh hú họa hỏi tôi:

-         Em vô thế chỗ được không?...

Tôi nhào vô “thế thân” liền. Bởi xem các chị tập hoài, nên những động tác múa chừng như nằm sẵn trong ruột gan của tôi vậy: “Kìa vầng hồng, tràn lan trên đỉnh núi. Ôi Thăng Long, khói kinh kỳ phơi phới. Loa vang vang, chiếu loan truyền bốn phương….”

 

Sau buổi tổng dợt anh Mèo cho tôi lên sân khấu diễn luôn – Tôi đồ chừng anh Mèo cũng băn khoăn ghê lắm, khi quyết định bổ sung tôi vô vở múa – Nhưng dầu gì thì “giẻ rách cũng đỡ lắm tay” mà. Có tôi thì đội hình bị so le là cái chắc, nhưng vẫn còn tốt hơn vở diễn của anh Mèo bị… phá sản. Vậy là “Tiếng trống hào hùng” trung học Ngô Quyền – Biên Hòa vẫn tiếp tục vang vang, dưới đôi tay dẫn dắt tài hoa của anh Mèo rừng bướng bỉnh.


tieng trong hao hung (2)Tiếng trống hào hùng

 

Với vũ khúc “Suối Mơ” của chị Xuyến (Nhỏ) cũng vậy. Là giáo viên trường Nữ tiểu học tỉnh lỵ Biên Hòa, nhưng chị Xuyến gần như gắn bó với anh em HĐS đạo Bửu Long trong mọi hoạt động. Xuyến rất dễ thương, chị cư xử dịu dàng với tất cả mọi người – cho dù công việc đang hồi rối ren nhất – Xuyến vẫn bình tĩnh giải quyết, không nôn nóng một xíu xiu nào.

 

Không gian âm nhạc đẹp mê hồn của nhạc sĩ Văn Cao – mà chị Xuyến chọn lọc đưa vào vở múa – đã thực sự mê hoặc tôi. Gần như thuộc nằm lòng những bài hát của Văn Cao, nên tôi mau mắn phụ chị Xuyến hát cho đàn chị tập múa: “Suối mơ! Bên rừng thu vắng, dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng. Ngày chưa đi sao gió vương, bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương. Suối ơi!..”

 

Rồi cũng nhờ tình huống làm cascadeur vào giờ phút cuối, mà tôi có cơ duyên lên sân khấu biễu diễn cùng đàn chị của tôi luôn. Tôi còn nhớ, diễn viên múa chính “Suối mơ” thời đó là chị Dương Thị Ri, con gái út của bác Tám Mộng – danh tài một thuở của tỉnh Biên Hòa – Chị Ri có dáng múa rất đẹp, được đạo diễn Xuyến tấm tắc khen hoài:

-         Ri nó múa đẹp quá Hoàng Mai!..

 

Nếu phần hóa trang cho “Tiếng trống hào hùng” của Mèo rừng bướng bỉnh Hồ Ngọc Khanh hoành tráng bao nhiêu: Áo mão cân đai, tứ thân mỏ quạ, khăn đống áo the – và giáo, mác, gươm thiêng sáng loáng – thì phần hóa trang vũ khúc “ Suối mơ” lại nhẹ nhàng bay bổng bấy nhiêu. Những nàng tiên trong dòng “Suối mơ” của đạo diễn Xuyến (Nhỏ), chỉ cần vận nguyên bộ đồng phục áo dài trắng thướt tha, mang đôi cánh trắng dịu dàng, cài đóa hoa trắng tinh khôi lên tóc … Thì tôi và các chị đều chung cảm xúc, mình sắp thành tiên áo trắng thiệt rồi!...

 

Giờ hồi tưởng lại, tôi thầm cảm ơn những “nhân vật kỳ tài” trong gia đình Hướng Đạo Biên Hòa xưa. Anh chị đã trao tặng cô em cơ hội, được tung tăng vui đùa thỏa thích trong thế giới trẻ thơ…

 

Anh Mèo rừng bướng bỉnh Hồ Ngọc Khanh tài hoa bạc mệnh, đã hóa người thiên cổ trước lúc tôi tìm được đường về phố cũ tình xưa. Chị Xuyến dấu yêu ngày nào, đã trôi dạt về quê chồng của chị tận xứ dừa Bình Đại Bến Tre. Kết hợp với công việc mưu sinh trên khắp nẻo đường, tôi đã lần tìm được chị Xuyến sau mấy mươi năm dài chị em xa cách.

tieng trong hao hung (3)

Chị Xuyến (Nhỏ) của “Suối mơ” xưa…


Chị Xuyến “Suối mơ” của tôi thay đổi quá nhiều, tôi không tìm được một nét quen xưa nào ngày tôi gặp lại người chị dấu yêu ở làng quê Bình Đại. Nhưng càng chuyện trò với chị, tôi càng khâm phục tinh thần lạc quan cùng nghị lực vượt khó kiên cường của chị. Chị Xuyến kể cho tôi nghe những gian truân nghịch cảnh trong đời – mà chị đã cùng gia đình từng trãi – sao cứ nhẹ tênh, tựa đôi cánh hiền hòa mềm mại của vũ khúc “Suối mơ” xưa…

Tháng 03/2017

Diệp Hoàng Mai

 

21 Tháng Năm 2014(Xem: 16594)
Ngay khi có nguồn tin về người sáng tác chiếc huy hiệu đạo Bửu Long, tôi đã dự định tìm gặp “tác giả” để kiểm chứng thông tin tác phẩm. Nôn nóng lắm, vậy mà gần hai năm sau tôi mới thực hiện được dự định này.
16 Tháng Tư 2014(Xem: 25126)
Lần cập nhật này, có thêm 56 anh chị em cựu hđs “ rủ nhau” về mái nhà xưa, nâng tổng số cựu hđs có tên trong Gia Phả cựu hđs.NQBH lên đến con số 403 anh chị em.
15 Tháng Giêng 2014(Xem: 25205)
Tôi vẫn nhớ tháng ngày ôm bão lữa, Hướng Đạo chuyển mình dồn dập bước chân đi. Trường Ngô còn đấy! Đám cỏ dợn xanh rì Khúc hát họp Đoàn vang lừng yêu mến
10 Tháng Giêng 2014(Xem: 19618)
Ngày vui hôm nay tuy qua mau, nhưng một mùa vui mới đã và đang nhẹ nhàng đến với tâm hồn các cựu hđs. Ngô Quyền Biên Hòa…
04 Tháng Giêng 2014(Xem: 27930)
Hướng Đạo là một phong trào giáo dục phi chính trị dành cho tất cả thanh thiếu niên toàn cầu – không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, tín ngưỡng – miễn sao phù hợp với mục đích, nguyên tắc và phương pháp được người sáng lập ấp ủ.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 40104)
Tất cả anh chị em tôi đã sẵn sàng, một buổi sáng Chủ nhật tươi hồng đang mời gọi… Bên dòng sông Đồng Nai thơ mộng, anh chị em tôi sẽ hát vang vang “Nào về đây ta họp mặt cùng nhau.
20 Tháng Mười Một 2013(Xem: 39321)
Cứ như thế, gia đình cựu hđs. Trấn Biên – Bửu Long ngày một đông vui hơn. Cho đến nay, đã có 347 anh chị em cựu hđs. Trấn Biên – Bửu Long trở về bên mái nhà xưa. Tôi hy vọng, danh sách này sẽ còn tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới.
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 21232)
Hôm nay, được dịp xem lại những khuôn mặt thân thương trên mảnh đất “Hướng Đạo Ngô Quyền – Biên Hòa” tôi nhớ quá những thử thách tôi đã vượt qua, để cuối cùng tôi nhận được cái tên Rừng: Chồn Hảo Ngọt.
08 Tháng Mười Một 2013(Xem: 36407)
Trưởng Trần Văn Lược năm nay 95 tuổi, hiện sống cùng con gái của anh ở Sài Gòn. Tôi cũng có dịp gặp lại những cựu thiếu sinh Nguyễn Thái Học năm xưa
08 Tháng Mười Một 2013(Xem: 23418)
Không bao giờ tôi quên hai lần thoát hiểm, nhờ những kỷ năng tôi được trui rèn từ phong trào Hướng Đạo. Cũng như tất cả vất vả gian truân những ngày đầu xa xứ, tôi cũng vượt qua nhanh chóng dễ dàng, nhờ vào nghị lực của một hướng đạo sinh…
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 32328)
Mặc dù đã yên vui về cùng cát bụi từ lâu, nhưng hình ảnh Gấu Hì – Nguyễn Văn Thuyết hiền lành, vui tính vẫn không phai nhòa trong ký ức của anh chị em cựu hướng đạo Biên Hòa
09 Tháng Ba 2013(Xem: 116985)
Bài viết của Bảo Trần đã khắc họa khá rõ nét chân dung nhân hậu của bác Lê Văn Nhơn, một “thần tượng” luôn luôn cận kề bên cạnh cuộc đời con cháu.