NEIL A. ARMSTRONG LÀ HƯỚNG ĐẠO SINH ĐẠI BÀNG (*)
Ngày 20 tháng 7 năm 1969 phi hành gia Neil Armstrong - người chỉ huy phi hành đoàn của phi thuyền Apollo 11 - đặt bước chân đầu tiên của anh lên bề mặt cung trăng, biến ước mơ chinh phục không gian của con người trở thành hiện thực.
Vào thời khắc lịch sử ấy câu tuyên ngôn của Neil A. Armstrong “ Đây là bước đi nhỏ của một người, nhưng là bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại…” cùng hình ảnh “bước chân thần kỳ” của anh đã có hơn nửa tỉ người dân trên thế giới chứng kiến, qua buổi tường thuật truyền hình trực tiếp của cơ quan truyền thông hàng không vũ trụ Hoa Kỳ.
@ Chiếc huy hiệu Hướng Đạo Thế Giới cùng Neil bay lên cung trăng:
Chuyến du hành đến mặt trăng của phi hành đoàn Apollo 11 năm ấy, không chỉ là một bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại, mà còn là bước nhảy vọt của Phong trào Hướng Đạo toàn cầu. Bởi trong số những vật phẩm quý giá mà Neil Armstrong mang theo khi bay lên mặt trăng và trở về, chiếc huy hiệu Hướng Đạo Thế Giới đã bay cùng anh.
Trích dẫn được in trên giấy tiêu đề của NASA và được ký tên cá nhân, có nội dung: “Tôi xác nhận rằng chiếc huy hiệu Hướng Đạo Thế Giới này đã được mang lên mặt trăng trong lần hạ cánh đầu tiên của con người lên mặt trăng. Apollo XI, ngày 20 tháng 7 năm 1969”. Và chiếc huy hiệu có giá trị lịch sử ấy đã được trưng bày cố định tại Văn phòng Hướng Đạo thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ.
Hướng Đạo là một phần đời không thể tách rời khỏi cuộc sống Neil Armstrong, do đó những nỗ lực trong không gian và chuyến du hành của anh đến mặt trăng đều có sắc màu Hướng Đạo. Là một hướng đạo sinh đẳng cấp Eagle Scout, ngoài chiếc huy hiệu Hướng Đạo Thế Giới anh mang theo và trở về, Neil còn để lại trên mặt trăng một tấm biển bằng đồng có hình hoa huệ biểu trưng phong trào Hướng Đạo, anh cho thấy rằng hướng đạo sinh có mặt ở khắp mọi nơi.
@ Hướng Đạo Đại Bàng “Eagle Scout” Neil Alden Armstrong:
Neil A. Armstrong sinh ngày 5 tháng 8 năm 1930 tại thành phố Wapakoneta, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Anh gia nhập Hướng Đạo năm 11 tuổi, là một hướng đạo sinh năng nổ nhiệt thành và khiêm tốn. Neil đã đạt được đẳng cấp Hướng Đạo Đại Bàng, thành tích cao nhất dành cho USA Scouts vào năm anh 16 tuổi. Có thể nói, Eagle Scout là tấm hộ chiếu vào đời có giá trị lớn lao đối với thanh thiếu niên Hoa Kỳ. Đó không chỉ là niềm vinh dự cá nhân của hướng đạo sinh, mà còn là sự bảo đảm chắc chắn hạnh kiểm công dân Hoa Kỳ cho những đơn vị tiếp nhận Eagle Scouts vào học tập hoặc làm việc.
Với đam mê cháy bỏng được bay trong không gian, Neil Armstrong đã học lái máy bay từ năm anh 15 tuổi và có giấy phép làm phi công vào sinh nhật thứ 16 của mình. Sau đó chàng trai trẻ tuổi đầy tự tin này đã theo học ngành kỹ thuật hàng không tại Đại học Purdue, rồi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ ngành này tại Đại học Nam California.
Trong suốt sự nghiệp phi hành gia của mình, Neil A. Armstrong chỉ thực hiện 2 chuyến bay ra ngoài vũ trụ nhưng đều để lại dấu ấn lịch sử: Khi anh là người đầu tiên bay vào vũ trụ với tư cách là phi công chỉ huy của Gemini 8 vào tháng 3 năm 1966; Với vai trò người chỉ huy phi hành đoàn phi thuyền Apollo 11, ngày 20 tháng 7 năm 1969 Neil đã trở thành phi hành gia huyền thoại khi anh đặt bước chân người đầu tiên lên bề mặt của mặt trăng.
Ngay khi Hướng Đạo Đại Bàng “Eagle Scout” được BSA thiết kế vào chương trình hoạt động của hướng đạo sinh kể từ năm 1911, nó đã được đặt theo tên một loài chim biểu tượng cho sự tự do và lòng dũng cảm, sự tự tin tích lũy năng lượng để luôn hướng đến thành tựu cuối cùng. Và cũng thật phù hợp khi người chỉ huy của Apollo 11 và là một Hướng Đạo Đại Bàng, Neil Armstrong đã đặt tên cho Mô-đun đưa anh và Buzz Aldrin đáp lên bề mặt mặt trăng là Mô-Đun "Đại Bàng" (**)
Sau khi hoàn thành chuyến đổ bộ lên mặt trăng - tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho ngành hàng không vũ trụ - vào tháng 5 năm 1970 Neil Alden Armstrong đã được BSA trao tặng giải thưởng Silver Buffalo (***) một giải thưởng danh giá cấp quốc gia, về những thành tựu xuất sắc anh cống hiến cho xã hội, đã lan tỏa niềm cảm hứng tích cực đến hàng tỉ thanh thiếu niên trên toàn thế giới.
@ Hướng Đạo Đại Bàng Neil A. Armstrong đã trở về nhà:
Ngày 25 tháng 8 năm 2012 cựu phi hành gia Neil A. Armstrong qua đời ở tuổi 82 tại Cincinnati bang Ohio, do những biến chứng của ca phẩu thuật tim mạch được thực hiện chỉ sau sinh nhật lần thứ 82 của anh vỏn vẹn 2 ngày. Vậy là Eagle Scout Neil Alden Armstrong đã bình yên xếp đôi cánh rộng, lặng lẽ lìa rừng đúng như tính cách hướng nội của anh.
Theo tâm nguyện của Neil A. Armstrong, anh được tổ chức hải táng vì anh từng là phi công chiến đấu của hải quân Mỹ trước khi trở thành phi hành gia huyền thoại Hoa Kỳ. Gia đình tôn trọng di nguyện của anh, người đàn ông đầu tiên đặt bước chân lên mặt trăng nhưng lại ước ao yên nghỉ trong lòng biển cả. Các binh sĩ trên tàu hàng không mẫu hạm USS Philippine Sea giữa Đại Tây Dương đã thực hiện nghi thức thủy táng tro thân Neil Armstrong đơn giản và riêng tư, đúng như nguyện vọng của anh lúc sinh thời và thể theo yêu cầu của gia đình cố phi hành gia.
WOSM (World Organization of the Scout Movement) đã vinh danh vị anh hùng không gian Neil A. Armstrong, cũng là một Hướng Đạo Sinh Đại Bàng xuất sắc tuyệt vời. Niềm đam mê và nhiệt huyết của anh dành cho phong trào Hướng Đạo sẽ không bao giờ bị lãng quên, bởi Eagle Scout Neil Armstrong mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ hướng đạo sinh trong tương lai ở khắp nơi trên trái đất này…
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai
Tháng 8/2024
- Nguồn: Tư liệu & hình ảnh từ Internet
- Chú thích:
(*) Hướng Đạo Đại Bàng “Eagle Scout” là đẳng cấp cao nhất trong hệ thống rèn luyện của Hội Hướng Đạo Hoa Kỳ (BSA) mà hướng đạo sinh nào cũng mong muốn đạt được, sau khi vượt qua những thử thách cam go để được BSA công nhận trước sinh nhật 18 tuổi. Kể từ khi thành lập vào năm 1911, chỉ có khoảng bốn phần trăm hướng đạo sinh Hoa Kỳ (USA Scouts) đạt được đẳng cấp này.
(**) Mô-Đun "Đại Bàng” đã được chỉ huy phi thuyền Apollo 11 cũng là hđs. Đại Bàng Neil A. Armstrong vinh dự đặt tên cho Module chở anh và Buzz Aldrin lên bề mặt Mặt Trăng. Biểu tượng này mô tả một con đại bàng đầu hói của Mỹ cầm cành ô liu tượng trưng cho hòa bình, đáp xuống bề mặt Mặt Trăng với Trái Đất làm nền ở phía trên. Michael Collins phi hành gia thứ 3 tham gia sứ mệnh chinh phục mặt trăng, vẫn phải “cô đơn” ở lại điều khiển module chỉ huy trong quỹ đạo mặt trăng. Trong lúc Armstrong và Aldrin chụp ảnh và nhặt các mẫu đất đá, thì Collins chụp ảnh mặt trăng từ xa. Trong trường hợp Armstrong và Aldrin kẹt lại trên mặt trăng, Collins sẽ trở lại trái đất một mình.
(***) Giải thưởng Silver Buffalo là giải thưởng xuất sắc cấp quốc gia BSA trao tặng cho công dân Hoa Kỳ có sự đóng góp vô giá, thiết thực và hữu ích cho thanh thiếu niên. Giải thưởng bao gồm một huy chương trâu bạc (bò rừng bison Mỹ) treo trên một dải ruy băng màu đỏ và trắng đeo quanh cổ. Người nhận có thể đeo nút thắt vuông tương ứng, với một sợi màu trắng trên một sợi màu đỏ được đính kết trên đồng phục BSA.