Đã gần cuối tháng 6, miền Nam Cali đã bước vào cái nóng mùa hè. Buổi sáng tôi đi bộ phải trang bị nón rộng vành và áo dài tay để tránh nắng. Cây và hoa ở sân trước sân sau ngày nào cũng phải cho nó tí nước để nó chịu đựng nắng Cali. Nơi tôi ở bây giờ do nạn thiếu nước và cái nóng rực lửa vùng sa mạc nên sân cỏ trước nhà ai cũng héo hon, sầu úa. Để không phải xài nước quá quy định của City và chống việc bị phạt vì để cỏ trong sân không tươi tốt mất thẩm mỹ. Nhà nhà thi nhau xin được lót cỏ giả thay cỏ thật, sân trải đá hoặc tráng xi măng. Và thế mỗi sáng tôi đi bộ thật thích thú với những bước chân đều đặn bảo dưỡng thân thể vừa ngắm những sân nhà xinh đẹp và đầy màu sắc tươi mát.
THÁNG 6 CHÁU RA TRƯỜNG
Tôi vẫn không bao giờ quên mùa hè là mùa chia tay của tuổi học trò. Phượng nở ve kêu báo hiệu cho một năm học chấm hết. Mùa hè được nghỉ học, chúng tôi con trai con gái thả rông, chơi suốt ngày dưới ánh nắng chang chang. Nhảy cò cò, đá banh, thả diều, tạt lon, đá cầu...Chúng tôi rủ nhau đi vào lô cao su lượm hột cao su rụng bán kiếm tiền mua sách vở. Chúng tôi không mắc cỡ, không nghi kỵ, đầu óc trong veo cười suốt ngày lòi răng sún. Tôi kể chuyện này cho các cháu nghe, tụi nó tưởng như tôi kể chuyện cổ tích. Tuổi thơ tôi không có vụ học thêm, dạy kèm, chọn trường chuyên, chọn thầy nổi tiếng. Chúng tôi bình đẳng không dòm chừng nhau giàu nghèo. Không ganh tị nhau về chức vụ cha mẹ, quần áo mặc là hàng hiệu hay hàng chợ trời như ở VN hiện nay.
Tôi về thăm nhà mới thấy các cháu tôi nuôi con khá vất vả với tình trạng đua đòi và chạy theo thị hiếu của xã hội. Ngoài đóng tiền học cho nhà trường còn phải cho con học thêm thầy cô giáo, phải tốn tiền nhiều thứ cho sinh hoạt học đường để cạnh tranh cùng các học sinh khác. Đưa con đến trường: kẹt xe. Giờ tan học: kẹt xe. Trời mưa một tí con đường thành sông, thành suối. Có rất nhiều thứ khiến cha mẹ lẫn con cái phải tìm cách xoay sở để được học tập và sống còn. Tôi phải công nhận một điều là các cháu tôi thật giỏi. Gặp thời thế, thế thời phải thế.
Tôi đang ở Mỹ, trẻ con coi như đứng đầu danh sách được quan tâm. Chúng có những quyền lợi tối ưu dành cho chúng. Nhưng tôi thấy dường như cháu tôi bị đánh cắp tuổi thơ. Xã hội và những người xấu luôn rình mò khuấy nhiễu chúng. Chúng sống trong sự dè chừng và cảnh giác tối đa. Mùa hè chúng ru rú ở nhà với Tivi, Iphone, Ipad hoặc máy game. Cha mẹ cũng lấy vacation vào dịp hè để dẫn con đi du lịch hay về thăm ông bà. Những ngày đó là những ngày hạnh phúc nhất của các cháu.
Theo cái nhìn của tôi một người thích hoạt động tôi thấy rất tội nghiệp cho các cháu nhỏ. Cho nên tôi nghĩ các phụ huynh cũng nên tìm hiểu và cho con em mình tham gia những hội đoàn, phong trào hoạt động lành mạnh. Các cháu sẽ hòa mình với thiên nhiên, học hỏi thêm kỹ năng và mạnh dạn đối phó khi gặp những trường hợp bất ngờ. Chúng sẽ giảm bớt thời gian ôm máy chơi game hay tìm vào những trang mạng nguy hiểm cho lứa tuổi của chúng.
Mùa hè này tôi có hai đứa cháu nội ra trường Mẫu Giáo. Nhìn chúng vui vẻ hãnh diện trong ngày lễ tốt nghiệp tôi thấy cưng vô cùng. Đường học vấn còn dài và xa lắm. Mong các cháu tôi học ngoan, yêu thích mái trường và thầy cô của chúng.
Năm nay một đứa cháu ngoại tốt nghiệp đại học. Tôi đến University of California San Diego dự lễ ra trường của cháu. Trường lớn, sinh viên tốt nghiệp quá đông. UCSD có tổng cộng 8 Colleges. Buổi lễ ra trường chia làm ba tốp. Sáng, trưa và chiều. Cháu tôi tốt nghiệp từ Revelle College. The oldest Colleges of UCSD và buổi lễ diễn ra vào buổi trưa từ 3:30 pm. Số sinh viên tốt nghiệp theo danh sách là 600 người, phụ huynh và người nhà đến tham dự cả ngàn người nên trường tổ chức ngoài trời. Những dãy ghế ngồi mút tầm mắt. Cháu ra sớm để cùng gia đình chụp hình. Chúng tôi chia tay khi buổi lễ vừa chấm dứt. May quá không bị chen lấn chụp hình với một rừng người và... ra về không bị kẹt xe.
THÁNG 6 LỄ FATHER'S DAY
Ai cũng có một người cha. Tôi đã viết nhiều về cha tôi vị Sa Di già tôi kính yêu. Năm nay tôi đã có một chuyến về thăm VN để cùng gia đình cúng giỗ cho cha.
Ngôi chùa cha tôi tu bây giờ đã có nhiều thay đổi. Vị sư trụ trì đã già. Năm nay nhìn Thầy khỏe mạnh hơn lần tôi về thăm mấy năm trước. Đứa cháu theo ông nội làm thị giả bây giờ đã là một đại đức trầm mặc với 27 năm tuổi đạo. Tôi đi ra tháp ba tôi đốt hương. Nhờ cháu tu tại chùa nên ba tôi ấm cúng và nơi thờ cũng được chăm sóc kỹ càng hơn. Tôi nhớ khi ba tôi còn sống. Lần tôi về thăm khi ông đang bệnh, ông bảo tôi đem tiền đi giúp đỡ những người khó khăn. Ông khuyên tôi trả hiếu cho ông bằng cách bố thí và an lạc. Đối với ông cái chết đã bắt nguồn từ khi mình còn sống thì có gì phải lo lắng hay sợ hãi. Ông là một vị tăng già trong chùa và khi chết ông nằm trong sân vườn chùa để tiếp tục tu hành nghe kinh, học Phật.
Bây giờ đối với đại gia đình, tôi là người lớn tuổi nhất trong nhà vì các anh tôi đều đã theo cha mẹ đi xa. Nhà tôi 4 chị em dâu thành góa phụ đều ở vậy gầy dựng cho con cho cháu. Các cháu tôi cũng đã lớn có gia đình có con, có cháu. Tôi trở thành bà cố già vui tính.
Ba tôi một người thanh niên bỏ xứ Bình Định vào Nam lập nghiệp, bây giờ con đàn cháu đống. Ngày tôi đi ra nước ngoài các cháu tôi chưa ai lập gia đình, bây giờ về thăm có đứa tôi nhận không ra. Già dặn và thay đổi nhiều lắm. Mỗi đứa khi tôi ôm vào vòng tay tôi như thấy lại chúng lẽo đẽo chạy theo tôi đòi kẹo, đòi bánh. Tuổi trẻ hồn nhiên và đời sống cuốn chúng trưởng thành và thay đổi quá nhiều.
Một ngày đại gia đình sum họp trên ngôi nhà từ đường, trên mảnh vườn má tôi đã khai hoang. Ngày đó, tôi chạy theo má từ nhà xuống rẫy. Má tôi một đầu gióng là em út tôi, một đầu là gạo muối thức ăn thoăn thoắt những bước chân chạy trên con đường tráng nhựa. Em tôi giờ đã 73 tuổi, có con, có rể, có cháu ngoại. Hai chị em tôi ngồi trước ghế, con cháu vây quanh cười nói chụp hình. Tập trung chụp hình khó vì các cháu nhỏ chạy lung tung. Tôi nhìn đại gia đình mình xúc động khôn nguôi. Thấy tuổi già của mình hiện tại, thấy được cái vô thường trong cuộc sống. Ai biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Một lần về thăm, tôi không dám hứa hẹn lần sau.
Ngôi nhà xưa cháu tôi đã sửa sang lại tươm tất rộng rãi hơn. Những vết phá của chiến tranh không còn nhưng đâu đây tôi vẫn thấy lại hình ảnh ba tôi ngồi uống cà phê vợt má tôi pha. Thấy má tôi ngoáy trầu ở bộ ván gõ, thấy mấy anh tôi đầy đủ cười vui. Nhà thờ bát ngát mùi hương, hoa trái và mâm cơm chay bày biện trang nghiêm. Chắc ba tôi mỉm cười hài lòng hạnh phúc.
THÁNG 6: NGÀY QUÂN LỰC VNCH
Trên các diễn đàn, tôi nhận được những bài viết, bài thơ nhắc nhớ về ngày 19/6 - Ngày Quân lực VNCH- . Người lính nhớ về ngày này buồn như khúc phim quay chậm về cuộc đời trai trẻ của mình và hiện tại.
49 năm người lính VNCH bị mất căn cước. Một câu nói của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng mà tôi nhớ hoài: " Bại binh chi tướng, bất khả ngôn dũng" Người bại tướng không thể nói mình dũng.
Sau 1975 thân phận người lính VNCH bi đát khôn cùng. Gia đình cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một chính thể bị mất, màu cờ đã đổi, sinh mạng bại binh đành như cá nằm trên thớt không thể trách ai. Có trách chăng là người Việt Nam chúng ta không thể làm chủ sinh mạng đất nước. Chúng ta bị quyết định bởi bàn cờ chính trị của các nước thế lực.
Ngày 19/6 chỉ còn nằm trong kỷ niệm một thuở hào hùng danh chánh ngôn thuận. Thời gian 49 năm đã rất nhiều người sĩ quan, người lính đã nằm xuống. Những người còn lại như chúng ta đốt nén hương lòng truy điệu và nhắc nhớ nhau. Chúng ta tự hào vì đã sống có chính nghĩa và màu cờ ngày đó vẫn được duy trì tung bay trên khắp các nước tạm dung.
Người vợ lính, những người đàn bà nổi trôi theo vận nước đa phần đều đã thành quả phụ. Một thời theo chồng sống ở trại gia binh, ăn ngủ vui buồn theo lính. Có thể buổi sáng tiễn chồng nai nịt hành quân, buổi chiều nhận xác chồng từ đơn vị. Nước mắt rơi theo từng bước chân đưa tang. Ôm con khóc chồng thành tử sĩ.
Những người vợ sĩ quan một sáng một chiều thành vợ tù nhân, lặn lội núi đồi thăm nuôi chồng chờ đoàn tụ. Bây giờ họ nghĩ gì về ngày 19/6? Họ thương chồng, tự hào về chồng dù người ấy còn hay đã mất. Bởi vì sau 49 năm hình ảnh người lính VNCH không hề xấu. Thời gian đã cho thấy người lính miền Nam khác hoàn toàn với những gì được tuyên truyền.
Ngày nào chúng ta còn dùng tiếng Việt để nói để viết thì sự thật trong lịch sử sẽ rõ ràng. Chúng ta hãy cho con cháu chúng ta biết và tự hào về ông cha của chúng. Là những người lính sống chết vì tổ quốc, chính nghĩa và hai chữ tự do.
THÁNG 6: GIẢI EURO VÀ COPA
Tháng 6 lễ cha thường đi kèm với những giải đá banh. Có lẽ cha thích môn thể thao này hơn mẹ. Cứ nhìn vào những gia đình VN ta sẽ thấy các ông mùa này bình luận sôi nổi. Cuộc sống các ông bừng lên đầy sinh khí. Mỗi khi trận đấu bắt đầu thì trên bàn đã sẳn sàng thức ăn vặt, beer, mồi nhậu và bạn. Coi đá banh mà không có bạn thì chán chết. Mỗi lần phá banh hay tung lưới thiếu người hét chung thì mất hứng. Nhất là xem đài Mễ, họ la mình cũng la. Vui ơi là vui.
Tôi mê đá banh nhưng năm nay không thể theo dõi xuyên suốt những trận đấu này. Tôi đành coi chập choạng hay vào Youtube xem những pha làm bàn hay công phá gay cấn hấp dẫn của những trận đấu. Ngày xưa trên trang WEB Ngô Quyền có Trần Hữu Phúc. Em theo dõi và bình luận rất hay những giải quốc tế. Em nhắc nhở, xúi tôi và Diệu Hương viết về môn thể thao vua này. Bây giờ em đã mất, trang "Bình Luận Bóng Đá" thiếu người. Lâu lâu Diệu Hương viết một bài. Mọi người vào xem thật đông.
Thế hệ chúng tôi rất mê coi đá banh vì đó là môn thể thao yêu thích . Với những nước nghèo khó thì môn đá banh là môn thể thao tiện lợi và rẻ tiền nhất. Chỉ cần một trái banh thôi thì người lớn lẫn trẻ con có thể chơi mấy tiếng đồng hồ.
Không có sân banh thì ra đường đá. Bất cứ nơi nào có khoảng đất trống hơi rộng thì là sân banh. Không có khung thành thì mấy cục gạch đại diện cũng có thể vui cả buổi chiều. Ngày xưa tôi còn nhỏ, sân trường chia hai cho hai đội. Khung thành là dép mấy đứa xếp lại làm ranh giới. Con trai con gái chia phe đá trái banh quấn bằng mủ cao su. Có khi té u đầu, có khi tay bị trặc hay chân bị cà nhắc nhưng không hề gì. Có bị ba má đánh đòn, hết đau là chơi tiếp.
Ba tôi từng là huấn luyện viên đá banh và là trọng tài. Có lẽ ông đẹp trai và sát gái là nhờ cặp đùi chạy trên sân cỏ hấp dẫn. Mấy chú cầu thủ người Chà to con, da đen đen, chạy nhanh, sút chính xác làm tôi say mê dù là con gái. Người Chà này họ theo đạo Hồi và được Tây tuyển về làm gát dan hay bốc vác. Họ ở riêng cách ly khu người Việt bởi một cái nghĩa địa. Họ nuôi dê từng bầy và lấy sữa dê để uống. Họ không ăn thịt chúng ta bán, thịt đó phải do đích thân họ cắt cổ họ mới ăn được. Tôi đã chứng kiến họ cắt cổ gà. Họ cắt cổ gà lâu lắm. Vừa khứa vừa lâm râm đọc kinh gì đó. Con gà họ cắt trông rất tội nghiệp, da cổ bị cắt lòng thòng trông đáng sợ. Họ làm dê bằng cách cho dê uống rượu hay uống bia. Xong họ đuổi đánh dê chạy vòng vòng một chập thật lâu mới giết thịt. Họ nói cho dê ra mồ hôi thịt bớt hôi dê.
Tháng 6 năm nay có hai giải EURO 2024 và giải COPA AMERICA
Giải vô địch bóng đá châu Âu hay là Euro 2024 bắt đầu từ 14/6/2024 đến 14/7/2024. Đây là lần tổ chức thứ 17, giải bóng đá quốc tế 4 năm một lần do UEFA tổ chức cho các đội tuyển Nam Châu Âu. Năm nay giải được tổ chức tại Đức và cũng là lần thứ ba giải Vô Địch Bóng Đá Châu Âu được diễn ra tại Đức. Tham dự gồm có 24 đội tuyển tham gia.
Có một điều đặc biệt là tại cuộc họp của UEFA ở Hvar -Croatia ngày 20/9/2022 đã xác nhận rằng Nga sẽ bị loại khỏi vòng Euro 2024 vì cuộc xâm lược Ukraine của nước này vào tháng 2/2022. Có nghĩa đội tuyển Nga bị cấm thi đấu.
Sau màn khai mạc đội Đức xe tăng thắng đội Scotland 5-1. Hôm nay ngày 23/6 tôi xem trên TV Đội Đức đá với Thụy Sĩ huề nhau 1-1. May là 5 phút chấm dứt trận đấu Niclas Fullkrug của Đức đã phá lưới đội Thụy Sĩ gở huề 1-1.và giữ vị trí nhất bảng A Euro 2024. Hú hồn.
Và đây là những tài liệu tôi lượm từ Google
* Euro 2024 các đội tuyển được phép đăng ký tối đa 26 cầu thủ với ban tổ chức. Đây là quy định được áp dụng từ thời Covid tổ chức Euro 2020
*Tại Euro 2024, 40 HCV được trao cho đội vô địch và 40 HCB được trao cho đội Á Quân
* Tổng số tiền thưởng Euro 2024 ngang bằng với Euro 2020 là 331 triệu Euro
Giải bóng đá vô địch Nam Mỹ còn gọi là Copa America 2024 sẽ chính thức khai mạc tại Mỹ vào ngày 21/6, với một tháng tranh tài của 16 đội tuyển tham dự. Có 6 đội ở khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribe gồm Canada, Mexico, Panama, Jamaica, Mỹ và Costa Rica.
Tại Copa America 2024, 16 đội sẽ chia làm 4 bảng thi đấu . Kết thúc vòng bảng, 2 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ vào vé tứ kết.
Hôm nay đội Mỹ đã thắng đội Colombia 2-0. Thêm một tin vui nữa là trong Olympic 2024 tổ chức tại Pháp hai đội tuyển Nam và Nữ của nước Mỹ đều được vào thi đấu.
Các trận đấu đang diễn ra sôi nổi. Nào các anh nhà mình hãy theo dõi và vào xem nha.
Chúc các anh thật vui và chúc đội tuyển Mỹ được vào chung kết giải Copa America.
Chỉ còn một tuần nữa là tháng 6 chấm dứt. Mùa hè chính thức làm chủ tình hình. Ở những nơi khác như Texas đang nóng kinh khủng, một số bà con khắp nơi đã về Cali thăm viếng và nghỉ hè.
Những hội đoàn cũng chọn miền Nam Cali làm nơi tổ chức họp mặt. Trường Ngô Quyền của chúng tôi cũng sẽ tổ chức họp mặt thường niên vào ngày 07/7/2024. Kính mời các anh chị em cựu học sinh Ngô Quyền về tham dự. 30 tháng 6 này Ban Văn Nghệ Ngô Quyền tổ chức tổng dợt.
(Chương trình văn nghệ hấp dẫn, biên soạn công phu, ngoài những bài hát về trường xưa, tình thầy trò, tình yêu tuổi học trò.
Đặc biệt tốp ca nữ với liên khúc "Sài Gòn Đẹp Lắm" và vũ điệu "Biển Tình" sẽ đưa khán giả hồi tưởng lại một Sài Gòn hoa lệ, Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông trước năm 1975.
Ngoài ra còn có tiết mục thể dục giữa giờ với sự tham gia của toàn trường, phần nhạc nền bài hát "Beat It" của Micheal Jackson sẽ hứa hẹn nhiều hào hứng và sôi nổi. ) "trích trong Facebook của Thanh Lam."