TÁN CHUYỆN NGÀY CỦA CHA
(FATHER'S DAY)
Ở Mỹ ngày lễ Mẹ được quy định vào ngày chủ nhật của tuần lễ thứ hai trong tháng 5. Còn ngày lễ Cha người ta lấy ngày chủ nhật thứ ba trong tháng 6. Cả hai ngày này để vinh danh người Mẹ và người Cha. Lễ Mẹ tháng năm, lễ Cha tháng sáu. Nhân ngày lễ Cha, xin tán chuyện như vầy:
Từ ngày được “quy Mã” làm thân tị nạn tôi mới biết ở xứ này có nhiều ngày lễ. Lễ lớn lễ bé đều có, tháng nào cũng có ngày lễ được ghi rõ ràng trên lịch chẳng hạn như tháng giêng có Tết dương lịch, có ngày tưởng niệm mục sư Martin Luther King. Tháng hai có Valentine’ Day, President’ Day. Tháng ba có Saint Patrick’ Day, lễ Easter. Tháng tư có Earth’ Day. Tháng năm sau Ngày Của Mẹ là lễ “Chiến Sĩ Trận Vong” (Memorial’ Day). Tháng sáu có Flag’ Day và Father’ Day. Tháng bảy có lễ lớn Independence Day. Tháng tám có ngày Friendship’ Day. Tháng chín lễ Lao Động (Labor Day), Grandparents’ Day, Patriot’ Day. Tháng mười có Columbus’ Day và lễ Halloween. Tháng mười một có lễ Tạ Ơn. Tháng mười hai lễ Giáng sinh…
Trong các ngày lễ kể trên, có ngày toàn dân được nghỉ làm việc để “xơi lễ” theo luật định như tết dương lịch, lễ phục sinh, lễ độc lập, lễ lao động, lễ Tạ Ơn, lễ Giáng sinh… Những ngày lễ nho nhỏ thì không được nghỉ chính thức. Ngoài những ngày lễ lớn lễ bé nói trên, người Việt ở hải ngoại có thêm những ngày lễ của riêng mình như Tết âm lịch, lễ Hai Bà Trưng (6 tháng 2 âm lịch), lễ giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng ba âm lịch), ngày quốc hận 30 tháng tư, ngày quân lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6 và một số ngày lễ khác. Những ngày lễ này người Việt tự động tổ chức trong phạm vi sinh hoạt của các cộng đồng người Việt.
Như đã thưa, tại xứ Huê Kỳ này có những ngày lễ toàn dân được nghỉ và cũng có những ngày lễ không được nghỉ ví dụ như ngày Valentime, ngày lễ Patrick, ngày Columbus, ngày Cờ (Flag Day). Tôi chưa bao giờ thấy có một cuộc lễ lược nào được tổ chức để kỷ niệm ngày Tổng thống, ngày Cờ, ngày Bằng Hữu hay ngày Trái đất cả. Trừ những ngày lễ lớn thì toàn dân được nghỉ, còn một vài ngày lễ “nhỏ” thì chỉ có nhân viên làm ở các cơ quan công quyền mới được nghỉ, đa số thiên hạ vẫn tiếp tục đi cày trong những ngày này. Riêng ngày lễ Mẹ và lễ Cha đều rơi vào ngày chủ nhật nên 100% các đấng làm con cứ tự động nghỉ không cần xin phép để đưa Mẹ đưa Cha đi ăn và tặng quà.
Tại Việt Nam thời trước năm 1975 cũng có nhiều ngày lễ lớn và dân chúng được nghỉ làm việc vào những ngày này. Lễ gì thì lễ nhưng không thấy có ngày lễ Mẹ, lễ Cha, lễ Cờ, lễ Đất, lễ Bè Bạn… như ở Huê Kỳ. Người ta lấy ngày lễ Vu Lan của nhà Phật để biến thành ngày lễ Mẹ – gọi là lễ Báo Hiếu dựa theo tích của ngài Mục Kiền Liên xuống tận địa ngục dâng cơm cho Mẹ. Sau năm 1975 vào thời kỳ “đại nhảy dọt” đuổi theo “kinh tế thị trường” với cái đuôi dài “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì nước Việt Nam xã nghĩa du nhập mọi thứ lễ có từ bọn tư bản vào trong nước, trong đó có những ngày lễ như ngày Valentine, Mother’ Day, Father’ Day, Halloween, Thanksgiving… Thị trường buôn bán và các dịch vụ cũng cọp theo lối tư bản Mỹ quảng cáo rùm beng, đèn đuốc nhấp nha nhấp nháy khắp phố cùng phường, đến tận cả vùng xa vùng sâu là những nơi có đám học sinh đi học phải đu dây qua sông qua suối mới đến lớp được. Thực ra đây là những ngày ăn chơi xả láng của bọn “tiền dư bạc để”, của bọn vơ vét tài sản của nhân dân, của bọn quan lại thời “đang tiến nhanh tiến mạnh lên xã nghĩa”. Không thấy nguồn gốc Ngày Của Cha ở Việt Nam xuất xứ như thế nào. Thôi! Trong thời đại bang giao và hợp tác chiến lược toàn diện để vươn lên “tầm cao mới”, ta cứ lấy những ngày lễ của “cựu thù” làm ngày lễ của ta để thể hiện tinh thần “hòa hợp hòa giải dân tộc Việt Mỹ” là ok.
Còn tại xứ Huê Kỳ, ngày Cha có lịch sử của nó hẳn hòi. Tôi đã gọi điện thoại hỏi bác Robert Google thì được bác trả lời một cách cặn kẽ như sau: Ngày Cha có được là nhờ lòng hiếu thảo của một phụ nữ tên là Sonara Louise Smart Dodd. Thân phụ của cô là William Smart – một cựu chiến binh thời nội chiến. Vợ ông này mất trong một lần sinh nở. Ông ở vậy nuôi 6 đứa con trong một nông trại ở miền đông tiểu bang Washington. Lúc khôn lớn, muốn tỏ lòng biết ơn Cha, năm 1909 cô Dodd tổ chức một bữa tiệc để vinh danh thân phụ nhân ngày sinh nhật của ông 19 tháng 6. Việc làm của cô được nhiều người biết đến và lan truyền đi nhiều nơi. Sau đó cô Dodd quảng bá cho một ngày gọi là “Ngày Của Cha” được dân chúng và chính quyền địa phương ủng hộ. Đến năm 1924 tổng thống Calvin Coolidge tuyên bố “Ngày Của Cha” là ngày lễ quốc gia. Năm 1966 tổng thống Lyndon Johson công bố lấy ngày sinh nhật của ông William Smart làm “Ngày Của Cha”. Năm 1972 tổng thống Richad Nixon công bố văn kiện chính thức “lấy ngày chủ nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng sáu” làm “Ngày Của Cha”.
Vào “Ngày Của Cha” viết hoặc nói những lời tốt đẹp để ca ngợi công lao nuôi dưỡng của Cha, sự hy sinh lớn lao của Cha để rồi phải “nhớ ơn Cha”, “hiếu thảo với Cha” “Chăm lo cho Cha”… là những điều quá đúng đối với những người con “có hiếu”. Nhưng nhìn ra ngoài xã hội thì người Cha lắm lúc được/bị đối xử một cách “trật đường rầy” do luật lệ hay quan niệm của xã hội chỉ nhìn bằng “một con mắt” của vấn đề. Đặc biệt ở cái xứ Huê Kỳ này, luật pháp và quần chúng bảo vệ người phụ nữ, trẻ em và súc vật hơn cả các đấng nam giới. Chẳng hạn vào một ngày đẹp trời có chị vợ thấy trong mình khó ở sao đó nên mở miệng càm ràm với chồng khiến anh ta bực mình tặng cho nàng một bạt tai. Không nói. Nàng lặng lẽ vào phòng cầm xeo phôn gọi ngay nine - one - one và vài phút sau cảnh sát ghé tới tặng cho chàng một chiếc còng số 8 và mời lên xe. Sau đó chàng có thể mua bail bond với giá vài ngàn hay xoay cho đủ vài chục ngàn để đóng thế chân hầu được thong dong bên ngoài. Hậu quả của cái tát tai là chàng có thể trở thành kẻ vô gia cư, vô vợ vô con… và vô luôn nhà tù. Vài ba năm sau chàng trở ra và trong một tương lai rất ngắn, chàng có thể được gia nhập vào binh đoàn Homeless và được tự do đồn trú ở dưới bất cứ gầm cầu nào. Ở xứ Huê Kỳ này cánh đàn ông lắm lúc phải chịu thua cánh phụ nữ, nếu không thì hại đến thân. Thôi thì “một sự nhịn là chín sự lành” hoặc “một sự nhịn là chín sự buồn” cũng thế.
Thêm một chuyện khác dính dáng đến người Cha khi đem so sánh với người Mẹ. Khi đám trẻ mới sinh ra rồi từ từ biết bò biết bập bẹ nói thì chúng thường phát âm chữ mom hay mommy chứ không phát ra tiếng dad hay daddy và càng lớn chúng càng réo mommy mommy nhiều hơn. Theo thống kê thì chữ mà dân Huê Kỳ nói nhiều nhất trong đời là chữ “mommy”, kế đến là chữ “money”. Nói về việc yêu Mẹ hơn yêu Cha theo thống kê của năm 2002 thì vào dịp lễ Mẹ và lễ Cha, người Huê Kỳ đã bỏ ra 62 đô để mua quà cho Mẹ và 52.30 đô mua quà cho Cha. Gọi Mẹ nhiều hơn và mua quà cho Mẹ nhiều hơn hình như mấy đứa con thực hiện câu “nhất bên trọng nhất bênh khinh” thì phải. Nhưng không sao! Miễn có quà là tốt lắm rồi… chưa thấy làm thống kê cho biết có bao nhiêu kẻ làm Cha không được nhận quà trong “Ngày Của Cha”. Mấy ông Cha đang ngồi trong tù hay đang trong hàng ngũ Homeless thì khó lòng nhận được quà của các con…
Lịch sử của Hợp Chủng Quốc Huê Kỳ qua tài liệu, sách báo và phim ảnh cho thấy người Cha trong gia đình ngày xưa không bị “mất giá” như ngày nay. Thứ nhất là ngày nay Nam Nữ đã bình quyền dựa trên những những văn bản đã được ban hành bởi cơ quan lập pháp và hành pháp. Rồi trên thực tế, thiên hạ cũng đã rêu rao rằng: nhất phụ nữ và trẻ em, nhì đến chó mèo và ba là… không biết có phải là phe đàn ông hay không?
Trở lại câu chuyện của cô Dodd có lòng hiếu thảo đối với Cha nên cô được nổi tiếng và tên của cô đi vào lịch sử Hợp Chủng Quốc. Trái lại có người nổi tiếng, rất nổi tiếng được xưng tụng là vĩ nhân của nước Huê Kỳ. Đó là ông tổng thống Abraham Lincoln – người đã có công trong việc giải phóng nô lệ qua cuộc nội chiến 1861 – 1865. Ông Lincoln làm sao? Như thế này:
“Năm 1851, sau khi Abraham Lincoln đã trở thành một luật sư giàu có và một chính trị gia đầy tham vọng, làm đại diện cho quốc hội tiểu bang Illinois và cho hạ viện Huê Kỳ tại quận hạt của ông, thì cụ Thomas Lincoln – cha của Abraham Lincoln – đang nằm chờ chết nơi nông trại của cụ ở hạt Coles. Abraham Lincoln đã phớt lờ những lá thư viết gửi từ người em khác cha khác mẹ của ông là John D. Johnston, khẩn thiết xin ông viết thư về thăm cha đẻ của mình. Khi cụ Thomas qua đời, Abraham Lincoln đã không về dự đám tang cha”.
Ở trên thế gian này, từ đông sang tây, từ bắc xuống nam có vô số người con vô cùng hiếu thảo với Cha lẫn Mẹ. Điển hình như bên Tàu có ông vua Thuấn là một trong ngũ đế thời thượng cổ. Mẹ ông mất sớm, cha ông bị mù và điếc nên tính tình hết sức nóng nảy, cộc cằn. Cha Thuấn lấy người vợ kế và sinh ra được một em trai. Bà mẹ kế là người có tính tình nhỏ nhen và ích kỷ. Vì sợ Thuấn được chia một phần gia tài nên bà thường nói xấu Thuấn với cha nên Thuấn thường bị cha la mắng và đánh đập. Thế nhưng Thuấn không bao giờ tỏ ra oán trách cha lẫn người mẹ ghẻ, ngược lại Thuấn luôn luôn hiếu thuận với cha và nhường nhịn em trai. Đến lúc trưởng thành, danh tiếng của ông vang xa khắp nơi bởi sự hiếu thuận. Vì vậy ông đã được quan địa phương tiến cử với vua Nghiêu và được vua gả con gái cho. Về sau Thuấn được vua Nghiêu truyền ngôi, trở thành một vị Thánh đế nổi tiếng trong lịch sử nước Tàu, xây dựng nên một thời thái bình thịnh trị cho dân chúng được gọi là thời Nghiêu - Thuấn.
Việt Nam có câu chuyện thuộc loại truyền thuyết, huyền sử xảy ra vào thời Hùng Vương thứ 18 được ghi trong cuốn “Lĩnh Nam Chích Quái” như sau: Chử Đồng Tử sống cùng cha là Chử Cù Vân tại thôn Chử Xá, xã Văn Đức (gần Hà Nội ngày nay). Chẳng may nhà cháy, mất hết của cải, hai cha con chỉ còn lại một chiếc khố nên phải thay nhau mà mặc lúc cần phải đi ra ngoài. Trước khi người cha lâm chung, ông gọi Chử Đồng Tử lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố lại để mặc che thân. Vì thương cha nên Chử Đồng Tử đem chiếc khố liệm theo cha, còn mình thì phải chịu cảnh trần truồng khổ sở, kiếm sống bằng cách ban đêm câu cá, ban ngày dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền buôn bán để xin ăn. Vua Hùng có cô con gái tên là Tiên Dung đến tuổi cập kê mà vẫn chỉ thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử dưới cát. Tiên Dung kinh ngạc bèn hỏi han sự tình, thấy chàng hiếu thảo, bản tính thật thà, khôi ngô cường tráng, nên tâm sinh ý yêu thích, nghĩ ngợi rồi xin được cùng nên duyên vợ chồng…
Gương hiếu thảo với cha còn có chuyện được ghi trong sách sử Việt Nam. Đó là lòng hiếu thảo của Nguyễn Trãi – một công thần khai quốc thời Hậu Lê. Nguyễn Trãi là một nhà chính trị, nhà thơ dười triều nhà Hồ. Khi giặc Minh xâm lược nước ta, cha ông là Nguyễn Phi Khanh đầu hàng rồi bị bắt giải về Tàu. Nguyễn Trãi đòi theo cha để phụng dưỡng. Đến ải Nam Quan thì cha ông khuyên ông quay về để trả nợ nước, báo thù nhà. Ông vâng lời cha. Sau khi nước Đại Ngu rơi vào tay giặc nhà Minh, Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc để cuối cùng giành được độc lập cho dân tộc.
Có một chuyện mà tôi nhớ mãi nay vẫn còn bàng hoàng. Năm 1992 khi tôi và gia đình được sang Mỹ theo diện tỵ nạn tại thành phố Houston tiểu bang Texas có biết câu chuyện do vài người quen kể và đang được bàn tán xôn xao, tôi còn được đọc trên báo Việt Nam thời đó là báo Đẹp và báo Tự Do đăng tin về một người cha, vợ chết hay ly dị (không nhớ rõ) phải nuôi và chăm sóc con. Có một đứa con gái còn nhỏ nên mỗi ngày ông phải tắm rửa cho nó. Vài năm sau cô bé này đi học và đến lớp nghe các thầy cô giáo nói về việc quấy nhiễu, xâm phạm thân thể trẻ em. Nghe thế cô bé bèn tố cáo người cha đã kì cọ khi tắm rửa cho cô mỗi ngày trong một thời gian lâu. Thế là nhà trường gọi cảnh sát đến nhà còng tay người cha và xử cho đi tù. Những cư dân Việt Nam ở Houston cách nay hơn 30 năm chắc còn nhớ chuyện này.
Chuyện mới nhất về một người cha. Ngày 7 tháng 6 – 2024 vừa rồi, vào buổi trưa tôi nhận được một cú điện thoại của bạn tôi – một nhà văn (xin giấu tên). Anh là nhà văn đã thành danh hơn nửa thế kỷ ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Anh bảo tôi xuống nhà anh gấp. Tôi hỏi tại sao? Anh trả lời: đang đói và bệnh. Tôi hỏi: tại sao? Anh cho biết: Vợ chồng thằng X (con của anh) đi du lịch Trung Mỹ hai tháng, hiện không có đồ ăn và anh nằm vật vã trên giường mấy bữa nay. Tôi hỏi: Nó có để thức ăn cho anh không? Anh trả lời: không thấy gì hết… Nghe vậy tôi liền bảo vợ tôi mở tủ lạnh lấy một số thức ăn có sẵn và tức tốc lái xe xuống nhà anh. Tôi bấm chuông liên tục khoảng hai chục lần không thấy anh ra mở cửa. Sốt ruột nên tôi bước sang mé hông mở cửa hàng rào để vào phía sau nhà. Tôi biết căn phòng anh ở nhìn ra sân sau nên tôi đến gõ vào cửa kính. Anh đang ngồi trên ghế, thấy tôi anh vội đứng dậy đi mấy bước để mở cửa sau. Tôi vào nhà. Thoáng nhìn tôi thấy mặt anh xuống sắc và bước chân loạng quạng vì vốn anh bị đau chân và đôi mắt mất thị lực hết 80% đã từ lâu. Tôi biết anh đang đói nên lấy thức ăn tôi mang theo dọn cho anh ăn đồng thời tôi mở tủ lạnh xem có thức ăn gì hay không. Tôi thấy có một hộp nhựa bên trong có chất lỏng, góc sâu bên trong thấy có một chiếc bánh gói bằng lá chuối hình vuông giống như một chiếc bánh chưng loại nhỏ. Tôi hỏi anh: có thức ăn trong tủ lạnh không? Anh bảo: có thấy gì đâu (do mắt kém!) Tôi hỏi: Sao thằng X đi chơi mà không chuẩn bị thức ăn gì cho anh vậy? Anh trả lời: nó nói có nhờ hai người đến giúp tôi. Tôi hỏi: Vậy hai người đó đã đến đây chưa? Anh trả lời: có thấy ai đâu! Tôi hỏi: thằng X đi lúc nào? Anh trả lời: bốn hôm rồi. Tôi nói với anh: vậy là nó đi hôm 3 tháng 6. Anh ăn chừng nửa tô bún riêu thì tôi nghe tiếng chuông nhà reo. Tôi mở cửa thì thấy một cậu thiếu niên chừng 18 -19 tuổi. Tôi hỏi: em là ai? Cậu ta trả lời: con là người anh X nhờ đến chăm sóc bác Y. Tôi hỏi cậu ta vài chuyện xong tôi hỏi thêm: em có thể đến giúp bác Y được không? Câu ta trả lời: được. Tôi cho cậu ta biết tình hình sức khỏe của anh Y, nhất là đôi mắt không nhìn rõ. Tôi trao đổi với cậu ta một số việc cậu ta có thể giúp anh Y và cậu hứa sẽ làm được. Tôi khá yên tâm đồng thời dặn cậu ta có gì cần thì gọi cho tôi. Tôi pha trà và hai chúng tôi ngồi uống và dặn dò anh chuyện này chuyện nọ và có gì cứ gọi cho tôi ngay.
Tôi bắt tay anh ra về mà lòng ái ngại và giận người con của anh. Đưa vợ con đi chơi những hai tháng và nhờ một cậu thiếu niên đến giúp một người vừa mù vừa què là chuyện một đứa con biết quan tâm đến cha chắc chắn chẳng có người nào hành xử như thế. Chỉ còn một tuần nữa là đến Ngày Của Cha, không biết người con này có nhớ đến người cha đang mò mẫm quờ quạng trong bóng tối và có gì ăn trong Ngày Của Cha hay không?
Phong Châu