Dãy phố Tây 5 căn tọa lạc tại trung tâm đường THĐ Biên Hòa (BH) trước 1975, đối diện với chợ Lò Bò gồm 5 căn nhà liền kề (số nhà 38-40-42-44-46).
Tôi không biết chính xác dãy phố Tây 5 căn này được xây dựng từ năm nào, những người cư ngụ trước đó là ai, mà chỉ biết rằng gia đình tôi đã ở tại căn nhà cuối của dãy phố, ngay từ giữa thập niên 1940s.
Được gọi là dãy phố Tây vì 5 căn nhà tại đây có kiến trúc giống nhau theo kiểu Pháp với mái dốc lợp ngói, trần cao và có các ô cửa sổ mái để giảm nhiệt từ phía trong ra ngoài. Bên ngoài cửa chính là hàng hiên rộng, nền lót gạch bông giúp cho căn nhà được thông thoáng và giảm bớt ánh nắng từ bên ngoài hắt vào. Chống đỡ hàng hiện là các cột trụ tròn, quét vôi trắng, được trang trí cầu kỳ với từng mảng hoa văn tinh xảo, đường nét tự nhiên và rất tinh tế. Nền nhà được thiết kế cao so với mặt đường và có bậc tam cấp để vào nhà. Các bức tường trong nhà rất dầy, có tác dụng cách âm và cách nhiệt. Với thiết kế trần cao, nền cao và tường dầy giúp cho nhiệt độ trong nhà luôn ổn định: đông ấm, hạ mát, rất dễ chịu. Phía sau mỗi nhà là một khoảng sân rộng để trồng hoa và vài cây ăn trái.
Cư dân trên dãy phố này đều quen biết nhau và thân mật, gần gũi như trong gia đình. Họ xưng hô nhau trân trọng theo kiểu miền nam xưa là bằng Thầy, bằng Cô theo ngôi thứ trong gia đình như: Thầy Hai, Thầy Ba, Cô Hai, Cô Ba, Cô Tám…
Do dãy phố 5 căn có lịch sử lâu đời và là thế hệ hậu sinh, không hiểu biết nhiều, nên tôi hoài niệm về dãy phố này chỉ trong giới hạn thời niên thiếu của tôi (Giai đoạn 1969-1975)
… Vào đầu thập niên 1970s, dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng kinh tế miền nam vẫn phát triển mạnh mẽ. Đường THĐ trở nên một trong những con đường nhộn nhịp nhất của BH. Với lợi thế là mặt tiền đường, nên 4/5 căn nhà của dãy phố đã sửa chữa phía trước để trực tiếp kinh doanh theo kế hoạch của từng gia đình.
Căn đầu tiên nằm ngoài bìa của dãy phố mang số nhà 38, là tư gia của giáo sư - điêu khắc gia nổi tiếng
Lê văn Mậu. Năm 1970, Thầy hai Mậu cho khai trương Studio mang tên Mỹ Thuật tại phần trước của căn nhà, để vừa trưng bày, vừa bán các sản phẩm gốm mỹ nghệ do chính Thầy, và trưởng nam là Họa sĩ Lê Minh Hiệp, cùng các nghệ nhân BH sáng tác. Tôi nhớ Studio của Thầy được bài trí gọn gàng, tao nhã và sang trọng. Phía bên trái là một tủ kính lớn trưng bày các bức tượng nhỏ của các anh hùng dân tộc thuở xưa như tượng Vua Quang Trung , Tượng anh hùng Lê Lợi cưỡi ngựa tay vung kiếm chinh phạt quân xâm lược, một số tương bằng đồng, một số bình hoa bằng gốm với những họa tiết thật đẹp. Đặc biệt gần sát tường phía trong bên cạnh một bức phù điêu lớn, Thầy cho trưng bày tượng bán thân bằng thạch cao một phụ nữ miền nam mang vẻ đẹp phúc hậu và quý phái. Bên cạnh là một bức tượng một bé gái nhỏ với nét mặt trong sáng hồn nhiên. Sau này, tôi được biết nhân vật của các tượng thạch cao ấy chính là phu nhân và ái nữ của Thầy.
Tôi còn nhớ những năm 1970-1974, vào những ngày cuối tuần, nhiều xe chở các đoàn khách ngoại quốc đến mua các sản phẩm gốm mỹ nghệ của Thầy về làm quà lưu niệm. Quả thật, họ đã rất thông minh khi tìm được nơi mua hàng Sounenir tận gốc, lại được chế tác bởi bậc Thầy lừng danh về hội hoạ và điêu khắc của VN. Một điều thú vị và là niềm tự hào chung của cư dân trong dãy phố là căn nhà số 38 đã có hai nhân vật nổi tiếng được vinh danh vào quyển sách Danh Nhân Việt Nam (Who’s who in VN) trong lĩnh vực điêu khắc và hội hoạ, là Thầy Lê Văn Mậu và anh Lê Minh Hiệp.
Căn nhà số 40 là của Thầy ba Phát, Thầy làm việc tại một ngân hàng lớn của Tỉnh BH. Thầy ba, cô ba rất hiền lành tốt bụng và thân thiện với mọi người. Gia đình Thầy ba không mở tiệm kinh doanh, nên duy nhất căn nhà của Thầy là còn giữ được nguyên vẹn với kiến trúc cũ: hàng rào bằng cây phía trước cửa, hàng hiên lót gạch bông, cửa đi lá sách với tay nắm bằng sứ trắng… Do bảo tồn được gần như nguyên trạng nét kiến trúc xưa, không ảnh hưởng nhiều bởi tiến trình thương mại hóa, nên tư gia Thầy ba trông rất yên tĩnh, thoáng mát, tuy thâm trầm mà lịch lãm nổi bật trong dãy phố.
Căn nhà số 42 trở thành hiệu buôn Lam Thư (LT) chuyên kinh doanh các loại máy may, xe đạp, vỏ ruột xe hơi, và các loại sản phẩm gia dụng khác như bếp gas, bình gas, quạt máy, nồi cơm điện… Shop LT thường rất đông khách, đặc biệt là sau khi chính phủ VNCH ban hành luật Người Cày Có Ruộng vào năm 1970, nhiều nông dân được sở hữu ruộng và họ đã hăng hái tăng gia sản xuất để làm giàu trên mảnh đất của mình, qua đó, đời sống nông dân trở nên sung túc, có của ăn của để. Sau vụ mùa bội thu, rất đông người dân từ các miền quê xa xôi đến với shop LT để mua sắm các sản phẩm gia dụng, nhằm tiện nghi hóa cuộc sống của họ ở nông thôn.
Sau một thời gian ngừng hoạt động từ 4/1975, đến đầu thập niên 1980s hiệu LT đã hồi sinh trở lại với hình thức kinh doanh mới ,cũng nổi tiếng không kém ngày xưa là Quán cà phê nhạc cùng tên, thu hút rất đông giới trẻ BH đến để nhâm nhi ly cà phê ,vừa tâm sự với bạn bè, vừa thưởng thức các dòng nhạc New Wave, Disco… với nhịp điệu trẻ trung,sôi động của các ban nhạc lừng danh : Abba, Modern Talking, Boney M, Scorpions, The Rolling Stones…
Căn nhà số 44, trở thành nhà may Đô Hội, chuyên may âu phục nam nữ.Thầy hai chủ tiệm dáng người nho nhã , hiền hòa và cắt may rất khéo các kiểu quần áo thời trang theo yêu cầu của khách. Cô hai thì rất hiền hậu và luôn vui vẻ, cởi mở khi tiếp xúc với mọi người. Những năm 1969-1974, nhà may Đô Hội rất đông khách, nhất là vào các dịp tựu trường và cận Tết.Ngoài ra, còn có nhiều khách ngoại quốc đến đặt may những bộ Veston, áo sơ mi, quần tây...
Căn nhà số 46 là nơi tôi sinh ra và lớn lên, trở thành Depot Phan Phú, đại lý của hãng BGI, SEGI ,chuyên kinh doanh bia, nước ngọt, nước đá. Ba tôi lúc sinh thời là một công chức mẫn cán, ông yêu thích việc làm nơi công sở hơn là kinh doanh mua bán. Điều hành mọi việc kinh doanh trong gia đình là do một tay Mẹ tôi đảm nhiệm. Bà vừa đi dạy học ở trường Tiểu học Nguyễn Du, vừa quán xuyến mọi việc kinh doanh của gia đình. Mẹ tôi và Bác gái bên tiệm LT có đặc điểm chung là đều xuất thân từ giáo chức, đều có tài thao lược trong việc kinh doanh mua bán và rất nhạy bén với những biến động của thị trường. Hai bà đều đưa ra những quyết định kinh doanh đúng thời cơ và đều thành công.
Vào những năm 1969-1975, công việc kinh doanh nhà tôi tiến triển tốt đẹp, Mẹ tôi có thêm nhiều mối hàng mới. Vào mùa nắng nóng và trong dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ bia và các loại nước giải khát tăng cao, cả nhà tôi bận rộn tất bật để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Vào năm 1971, Mẹ tôi xin được giấy phép làm đại lý cho hãng Shell để bán lẻ xăng và dầu hỏa cho khách hàng có nhu cầu. Những năm 1972-4/1975, Mẹ tôi còn kinh doanh thêm kem cây (Kem Eskimo, kem sữa, kem đậu xanh…) đựng trong tủ Fridge Freezer, là món ăn vặt mùa hè rất thịnh hành vào thời ấy.
Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của 4 căn nhà trong dãy phố tuy có làm thay đổi diện mạo của nét kiến trúc trầm mặc và cổ kính của ngày xưa, nhưng mặt khác, cũng đã làm cho dãy phố thêm phần náo nhiệt, và đầy sức sống. Thật vậy, nhờ tọa lạc tại vị trí trung tâm đường THĐ, các hoạt động kinh doanh mua bán của dãy phố đã góp phần tô vẽ thêm nhiều màu sắc, vào bức tranh sinh động của con đường phồn thịnh và náo nhiệt bậc nhất của tỉnh BH trước 1975.
Đã nửa thế kỷ trôi qua, vật đổi sao dời, các bậc Trưởng Thượng của dãy phố đều đã chạm đến tuổi hạc, hay đã giả từ cõi tạm để về an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng… Thế hệ hậu sinh chúng tôi thì đã tản mác đi khắp bốn phương trời. Dãy phố Tây 5 căn ngày nay đã thay đổi nhiều, không còn dấu tích của của ngày xưa.
Cách đây hơn 15 năm, trong một lần đầu về thăm quê, đứng trước căn nhà cũ và dãy phố xưa, tôi chạnh lòng trước sự nghiệt ngã của quy luật vô thường, khi vạn vật đều đã biến đổi theo thời gian. Tìm đâu ra được những kỷ niệm ngọt ngào của ngày xưa? Tôi chợt liên tưởng đến nhạc phẩm “Những ngày thơ mộng” (Hoàng Thi Thơ) với ca từ và giai điệu buồn man mác, vô cùng thích hợp với tâm trạng của tôi lúc ấy:
“Tìm đâu những ngày thơ ấu qua. Tìm đâu những ngày xinh như mộng.
Tìm đâu những ngày thơ. Tìm đâu những chiều mơ.
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ? …” ♫ ♪
Có người cho rằng “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn”. Quả thực, đúng như vậy. Khi đi xa, tôi đã mang theo cả quê hương.
Căn nhà yêu dấu, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, dãy phố Tây 5 căn với những người hàng xóm thân quen của ngày xa xưa luôn hiện diện mãi trong tâm tưởng, để trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của tôi, khi đã rời xa quê hương xứ sở.
Hiep Phan---SJ 5/2023