THÁNG TƯ NGHE NHỮNG BẢN NHẠC BUỒN
Đã 48 năm qua, nhưng mỗi lần tháng tư đến lòng tôi vẫn chùng xuống, nỗi đau đớn, xót xa lại trở về. Những tháng tư đầu tiên sau năm 1975 đó là nỗi xót xa cho thân phận mình: chúng ta đang có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc bỗng mất tất cả. Sau này, thời gian càng trôi qua thì nỗi xót xa càng tăng lên nhưng giờ đây đó không phải cho chính mình mà là cho cả dân tộc.
Biết bao giờ dân tộc mình mới tìm lại được tự do và hạnh phúc như người miền Nam trước năm 1975? Tất cả chỉ còn là kỷ niệm vì chúng ta đã mất tất cả như lời cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói: “đất nước còn: tất cả còn, đất nước mất: mất tất cả”.
Chúng ta đã mất Sài Gòn nên chúng ta không còn những thời gian tuyệt vời: dạo phố Bô Na với đào, ngồi uống nước ở La Pagode với bạn hay vào rạp Mini Rex A xem phim với người yêu…
“Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời.
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời.
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi.”
(Sài Gòn ơi, vĩnh biệt - Nam Lộc)
Trong cơn hấp hối của Sài Gòn, những người may mắn thoát đi được bằng phi cơ hay tàu thuỷ, khi đến trại tạm cư vẫn không quên những bạn đồng ngũ của mình còn ở lại đang ở trong những hoàn cảnh nghiệt ngã:
“Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù ! “
(Người di tản buồn - Nam Lộc)
Người ra đi biết mình khó có cơ hội trở về và nếu có trở về thì nơi chốn cũ đâu còn như xưa:
“Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau.”
(Một lần đi - Nguyệt Ánh)
Khi miền Nam đã hoàn toàn rơi vào tay cộng sản, người miền Nam vẫn tìm cách ra đi. Và biết bao nhiêu chuyến đi đầy bất trắc, hiểm nguy, giữa ranh giới của tử sinh , những con tàu mong manh vẫn ra khơi:
“Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương”
(Đêm chôn dầu vượt biển - Châu Đình An)
Rồi thời gian trôi qua, kiếp sống tha hương không làm phôi pha nỗi buồn
nhớ về Sài Gòn:
“Đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui”
(Đêm nhớ về Sài Gòn- Trầm Tử Thiêng)
“Sài Gòn ơi,
Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu
mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu “
(Sài Gòn niềm nhớ không tên - Nguyễn Đình Toàn)
Ở quê người chúng ta không quên những người thân còn kẹt lại trong cuộc sống nhọc nhằn trong nước nên không quên gởi về cho họ những món quà:
“Em gửi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gửi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con quê hương quá đọa đầy”
(Một chút quà cho quê hương - Việt Dũng)
Dù ở đâu, Bắc Mỹ, Âu Châu hay Úc Châu, người Việt xa quê bao giờ cũng muốn quay về nơi chôn nhau cắt rún của mình dù là ở thành thị hay thôn quê nhưng ước mơ đó bao giờ trở thành hiện thực?
“Đến bao giờ trở về Việt Nam
Thăm đồng lúa vàng thăm con đò chiều hoang
Đường mòn quanh co ôm chân hàng tre thắm
Nghe gió chiều nhẹ đưa”
(Đường về quê hương - Lam Phương)
Huỳnh Công Ân
(Mùa Quốc Hận thứ 48)