Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá, vì tháng Hai vẫn là mùa đông, nhiệt độ vẫn ở độ âm dưới zero, tuyết vẫn rơi bao la, vậy tàn đông cái nỗi gì!
Thì để tôi giải thích cho mà nghe. Này nhé, mùa đông Canada chính thức có 4 tháng lạnh, đó là tháng Mười Một, tháng Mười Hai, tháng Một và tháng Hai. Nhưng tháng Mười Một là tháng lạnh “mở màn”, cái lạnh chớm đông, có gió, có tuyết, có mưa, nói chung là có đủ thứ lạnh lẽo, nhưng thật sự nhiệt độ chỉ “âm sơ sơ”, chưa “âm dã man”, nên chẳng nhằm nhò gì với real Canadians, vì “lâu rồi đời mình cũng quen”, coi như không tính.
Đến tháng Mười Hai, bắt đầu lạnh hơn, có những ngày lạnh tái tê, nhưng tháng này là mùa lễ Noel và đón Tết Tây, ai cũng bận rộn mua sắm, trang trí nhà cửa, gửi thiệp, gửi quà cho người thân, nên thời gian qua mau, hết tháng hồi nào không hay. Nói chung, tháng của lễ hội, của hồ hởi mua sắm và ăn uống vui vẻ, thì dù có bão tuyết cũng hổng biết lạnh là gì.
Cuối cùng chỉ còn lại Tháng Một và Tháng Hai, là cao điểm của mùa đông, có khi lạnh khủng khiếp, lạnh “thấy bà cố”, nhiệt độ có lúc âm hơn 20 độ C cho đến âm 30 độ C, thậm chí âm 40 độ C, lạnh hơn cả Bắc Cực, nhưng tháng Hai ngắn ngủi, có 28 ngày, Canada còn có ngày Family Day trong tháng Hai, chưa kể Tết Nguyên Đán cũng thường rơi vào tháng Hai, và đặc biệt nhất là có ngày Valentines, nên cái lạnh cũng chả thấm thía gì, vì trái tim đang hừng hực lửa tình. (Yêu mà lị, trời sập còn chả màng nữa là ... bão tuyết!)
Cho nên, túm lại, đối với tôi, mùa đông Canada chỉ thực sự là Tháng Một mà thôi, vậy sao không vui không cười mà đón Tháng Hai? “Mùa đông đến, em không mong đợi gì, mùa đông đi, em không hề hối tiếc”. Chúng tôi hay nhại câu hát này mỗi mùa tuyết tan.
Dĩ nhiên, tôi vẫn biết, tháng Hai còn lạnh, còn tuyết. Nhưng cái lạnh ghê gớm của tháng Một đã qua rồi, thì cái lạnh của tháng Hai là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Còn tuyết hả, đó là “đặc sản” của Canada, cấm cãi! Theo thống kê, trong lịch sử của đất nước này, chỉ có một tháng duy nhất, cho đến nay, chưa có tuyết rơi, đó là tháng Tám (hên quá, là tháng có birthday của tôi!). Có nghĩa là trong quá khứ, ngoài bốn tháng chính thức mùa đông như tôi vừa nói ở trên, thì tuyết đã có rơi lất phất ở những tháng khác, trong đó có cả tháng hè như tháng Sáu, tháng Bảy. Bởi thế cho nên, câu hát của cố nhạc sỹ bay bướm Trần Thiện Thanh “…không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi…” là sai bét nhé! Mà suy cho cùng, mấy khi tuyết trái mùa kéo dài được lâu, vì gặp nhiệt độ cao thì tuyết sẽ tan đi mau chóng, trả lại đường phố sạch sẽ như sau cơn mưa rào. Mà thôi, Canada mà không có tuyết thì còn gì là Canada, có phải?
Trở lại chuyện tháng Hai, tôi gọi đó là Tháng Tình Yêu, vì có ngày Valentines trong tháng. Tôi và một chị bạn văn chương (đang sống bên Pháp) hay nói đùa với nhau rằng, đây là tháng tụi mình tha hồ viết văn, viết thơ về Tình Yêu mà không sợ bất kỳ ai soi mói, bắt bẻ, hay “gieo tiếng ác” là viết chuyện của mình.
Sở dĩ chúng tôi nói như thế, vì chúng tôi đã từng là nạn nhân của mấy vụ hiểu lầm (hay cố tình hiểu lầm) của mấy độc giả ngây thơ (hoặc giả bộ thơ ngây). Ví dụ, có lần tôi xem xong bộ phim đầy cảm xúc về đề tài gia đình ly tan, tôi có viết bài thơ “Về Ngang Qua Nhà Cũ”, diễn tả một gia đình đã chia tay, người vợ tự hỏi thầm, nếu anh có dịp đi ngang qua căn nhà cũ, từng là tổ ấm một thời của đôi ta, có căn phòng ngủ còn kỷ niệm mặn nồng, có căn phòng ăn vẫn đợi chờ, có vườn hoa hồng vẫn nở... thì anh có một phút giây nào chạnh lòng, xao xuyến bâng khuâng? Bài thơ tôi post trên facebook, bên cạnh những comments chia sẻ về nội dung bài thơ, về cuộc đời, về nghĩa vợ tình chồng, bỗng có một người chen ngang thiệt… có duyên: “Chị thành thật chia buồn và thông cảm cho hoàn cảnh của em lắm, em gái ơi”.
Vụ gì vậy trời? Chia buồn cái gì, thông cảm cái chi, vợ chồng tôi chưa kéo nhau ra toà mà! Không lẽ, bài thơ nào, bài viết nào về Tinh Yêu tôi cũng phải la lên là không phải chuyện của tui? Còn chị bạn của tôi thì có lần viết về “người thứ ba” trong một cuộc tình. Ngờ đâu đụng chạm tới nỗi niềm của mấy bà vợ có chồng trăng hoa, thế là chị ấy phải hứng những lời mỉa mai cay độc, và cả những câu “lên lớp” dạy đời của những người đạo đức (thật và giả), ghê thật! Người viết, chẳng lẽ nào, không được viết lên mọi khía cạnh của cuộc sống, của muôn mặt Tình Yêu?
“Chủ nghĩa lãng mạn, đó là chủ nghĩa tự do trong văn học”. Victor Hugo đã phán như vậy. Ước gì ai cũng hiểu rằng, những người mang nghiệp “cầm viết”, dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư (như tôi), đã lỡ mang trái tim đa sầu đa cảm, mưa cũng buồn, nắng cũng lao xao, lá thu rơi cũng nghe tim buốt nhói, đông về tuyết đổ cũng rung cảm lâng lâng? Thế là viết, thế là để trí tưởng tượng bay bổng, và để thêm phần “ướt át” thì phải có lãng mạn, có day dứt, tiếc nuối, nhớ nhung, thế thôi! Quyết định dzậy đi! Không phải bài truyện bài thơ nào cũng là tâm tình của người viết, nghen?!
Nhạc sỹ kỳ cựu Lam Phương đã từng nói: “Tôi làm khoảng 300 bài nhạc tình, đâu có nghĩa là có… ba trăm người yêu”. Trong cuốn sách mới nhất vừa được xuất bản “Lam Phương, Trăm Nhớ Ngàn Thương”, cũng nói về một số bài hát từ tâm tư thật, hoàn cảnh thật của tác giả. Nhưng cũng có rất nhiều bài, là cảm xúc bất chợt trước một khung cảnh hữu tình, không hề có hình ảnh của một bóng hồng nào, rồi tác giả cứ nhắm mắt đưa chân, thả hồn lang thang theo mây gió trời trăng, để ý nhạc tuôn trào, thành một bài hát buồn não nề, cho một cuộc tình tan vỡ, đó là bài Thành Phố Buồn (tưởng tượng mà hay tuyệt vời luôn á).
Hoặc trong một bài báo nào đó tôi đã đọc, ông hoàng viết nhạc bolero nọ, vừa cho ra mắt một bài hát “sến như chưa từng sến”, nức nở tan nát thê lương cõi lòng, tưởng như chết đi sống lại, vì người con gái ấy đã sang sông theo chồng. Ngày hôm sau có một người bạn đến chơi nhà, thấy nhạc sỹ đang ngồi ăn nhậu vui vẻ với bạn bè, chớ có dấu hiệu ảo não “đời vắng em rồi vui với ai” đâu nà!? Hỏi về bài hát “khổ đau” mới ra lò, nhạc sỹ cười ha hả, “thì viết cho nó… mùi mẫn, để câu khán thính giả, chớ ngu gì buồn, ngu gì chết!”
Từ đó, để “an toàn trên xa lộ”, tôi cũng rút kinh nghiệm cho riêng mình. Hễ đó là chuyện thật của trái tim tôi, tôi sẽ dặm thêm gia vị đường muối bột ngọt thả dàn, để không ai đoán ra được nỗi lòng của mình. Chẳng dại gì mà thật thà khai báo “cho khắp người đời thóc mách xem” như thời trẻ nông nỗi.
Còn nếu là chuỵện của thiên hạ xung quanh, tôi viết lại, cũng nhẹ tay cho chút mắm muối, đổi chút tên tuổi. Để sau này có lỡ bị ai đó nổi sùng, mắng vốn: “Sao cô dám đem chuyện nhà tui ra cho mọi người biết?”, thì còn có đường mà… chối, mà chạy tội.
Truyện và thơ của tôi sẽ tung đầy hoả mù. Ai tò mò, thích “tám ba điều bốn chuyện” cũng sẽ chẳng bao giờ biết được bài nào là rung động thật, cảm xúc thật, bài nào là viết cho vui, cho đời bớt sầu, bài nào nghe lỏm được từ nhà hàng xóm, bài nào hờn trách người xưa, bài nào nhớ nhung thuở ấy.
Còn bây giờ thì tôi không thể rời mắt khỏi khung cửa sổ sau nhà: nắng sớm vàng tươi chiếu rọi xuống những cành cây khô, phản chiếu lấp lánh những mảng tuyết bám trên cây. Dự báo thời tiết tuần này sẽ có mấy ngày nhiệt độ trên zero, nắng rực rỡ. Mai kia mốt nọ, tuyết cũng sẽ còn rơi, nhưng đông đang tàn, và tuyết sẽ tan, trôi đi hết những bụi bặm của mấy tháng qua, cho đất trời thay màu áo mới.
Cám ơn mùa đông, tôi được mộng mơ
Giữa tuyết trắng, thấy lòng mình tinh khiết
Có nghĩa gì những chuyện đời hơn, thiệt…
Cũng bọt bèo, như tuyết, sẽ tan đi!
Bốn câu thơ này là cảm xúc thiệt của tôi, không có “mắm muối” gì đâu á!
Kim Loan