Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương X)

23 Tháng Sáu 20193:21 CH(Xem: 7402)
GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương X)





Chương 10 - Canada: xứ lạnh, tình nng

 

Tôi ở trại tỵ nạn được một năm rưởi thì được định cư ở Canada. Đáng lẽ tôi đi Mỹ theo diện cựu quân nhân nhưng vì tôi có em gái ở Canada nên phải sang đó theo diện đoàn tụ gia đình. Phụng, em gái tôi đã ở Montréal từ năm 1985 nhờ hội nhà thờ bảo lãnh tôi sang đó.

Giữa tháng 4 năm 1988, tôi đến thành phố Montréal. Ở đây, người ta vừa trải qua một mùa đông lạnh lẽo, cây cối vẫn còn trơ cành trụi lá. Em tôi nói với tôi rằng Canada được mệnh danh là xứ lạnh tình nồng vì nơi đây tuy khí hậu lạnh lẽo, nhưng người dân ở đây dành cho người mới tới một tình cảm nồng ấm, không phân biệt màu da hay tiếng nói như một số nơi khác trên thế giới. Canada chủ trương một xã hôi đa văn hoá. Ở đây, hai cộng đồng văn hoá lớn nhứt là cộng đồng nói tiếng Anh và cộng đồng nói tiếng Pháp. Hai cộng đồng này đã hình thành theo dòng lịch sử. Theo chân người Tây Ban Nha, người Pháp chiếm vùng đất này đầu tiên. Nhưng sau đó người Anh với thế mạnh của hải quân đã chiến thắng người Pháp để làm chủ vùng đất này. Sau khi Hoa Kỳ dành được độc lập cho đất nước từ tay đế quốc Anh, những người trung thành với hoàng gia Anh chạy sang Canada làm cho cộng đồng người nói tiếng Anh càng đông hơn.

Vế sau có những cộng đồng người Hoa, Ukraine, Ý, Hy Lạp, Nam Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam và Đông Âu đi dân sang đây sau những biến động từng thời kỳ trên thế giới.

Cộng đồng người nói tiếng Pháp tập trung đông đảo nhứt ở hai tỉnh Québec và Noveau Brunswick. Còn cộng đồng người Anh đông đảo hơn tập trung ở các tỉnh khác. Tiếng Anh và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ chính thức của Canada.

Năm 1980 dưới thời thủ hiến René Lévesque, và năm 1995 dưới thời thủ hiến Jacques Parizeau, đã có hai cuộc trưng cầu dân ý ở Québec để giành độc lập nhưng đều thất bại.

Vừa tới Canada, ngay ngày hôm sau tôi lên sở đi trú làm đơn bảo lãnh vợ và hai con còn kẹt lại ở Việt Nam.

Tôi về ở với vợ chồng em gái tôi trên đường Berri gần ga métro (ga xe điện ngầm) Crémazie. Hai đưa quen nhau trên đảo tỵ nạn nhưng khi qua đến Montréal mới làm đám cưới. Em rể tôi có đầy đủ gia đình ở đây còn em gái tôi một thân, một mình nên phải nhờ người quen đứng chủ hôn.

Một tuần sau ngày tôi tới, em gái tôi sanh đứa con gái đầu lòng ở bệnh vện Juif  khu Côte des Neiges. Từ nhỏ đã học tiếng Pháp, lên đại học sử dụng tiếng Pháp làm chuyển ngữ và thời gian ở trại tỵ nạn, tôi là hiệu trưởng trường Pháp Văn, hàng ngày tiếp xúc với cố vấn người Pháp nên tôi không bỡ ngỡ  khi hội nhập vào xã hội ở đây. Tôi có thể đi thăm em gái tôi bằng métro và xe bus dễ dàng dù chỉ mới tới đây có vài ngày.

Tôi ghi danh học COFI (Centre d’orientation et de francisation des immigrants) tức là Trung tâm hướng nghiệp và dạy tiếng Pháp cho di dân. Thời đó, học COFI được lãnh khoảng 350 đô mỗi tháng gồm tiền sinh hoạt và tiền xe. Thời gian học từ  8 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Tôi đã biết tiếng Pháp nên cô giáo già thường nhờ tôi dạy thế cho cô mỗi khi cô bận. Em rể tôi dẫn tôi đi làm ca hai (từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm) cho một hảng giặt quần jean. Lương tối thiểu chỉ có 4,50 đô một giờ nghĩa là 720 đô một tháng cộng tiền COFI cho là 1070 đô một tháng là khá nhiều trong năm 1988 khi mà 100 lít xăng cũng như thẻ tháng đi métro và bus chỉ có 19 đô.

Buổi chiều, khi xong lớp COFI tôi nhảy lên métro rồi chuyển qua xe bus đi tới chỗ làm. Công việc tôi ở đó là bỏ vào máy giặt một xấp quần jean Trong máy giặt đã có sẵn các hòn sỏi. Khi cho máy chạy, các viên sỏi làm cho quần bị cà thành những đốm trắng, Mode thời đó và cả bây giờ là quần jean phải có lốm đốm trắng. Nhưng lúc đó chưa có mode mặc quần jean rách như bây giờ!  Giặt xong, tôi bỏ quần vào máy sấy để sấy khô rồi đưa qua nhóm thợ ủi. Cơm chiều em gái tôi nấu cả hai phần để em rể tôi mang vào hãng, hai anh em sẽ ăn vào giờ break. Tan ca, tôi và em rể phải nhanh chân nhảy lên xe bus để kịp chuyển đi chuyến métro chót  về nhà.

Ở tỉnh Québec, nhứt là ở Montrẻal, những người ở nhà thuê có truyền thống thích thay đổi chỗ ở. Hàng năm, cứ vào đầu tháng 7, nhằm ngày lễ Quốc Khánh Canada, họ trả nhà đi mướn chỗ khác. Có khi chỗ mới tệ hơn chỗ cũ hoặc giá thuê mắc hơn nhưng họ vẫn thích đổi chỗ ở, Mỗi lần dọn nhà, họ bỏ những vật dụng cũ như salon, bàn, tủ , ghế, giường. nệm cũ ra đường để khi đến chỗ mới sắm đồ mới. Những người nghèo hơn hay những di dân mới đến không có tiền mua sắm cứ việc đến mang về dùng.

Vợ chồng em tôi cũng dọn nhà khác vào đầu tháng 7 năm đó, nhưng không phải bắt chước những người Québécois (dân địa phương ở Québec) mà để mướn một căn nhà rộng rải hơn, có hai phòng ngủ để tôi có chỗ ngủ thay vì ngủ ngoài phòng khách như ở chỗ cũ. Ở đây, người ta tính sức chứa một căn hộ theo số phòng của nó, Phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn đều tính là đơn vị, còn nhà  tắm là nửa đơn vị. Căn hộ nào cũng phải có phòng ngủ và nhà tắm. Như vậy, một căn hộ nhỏ nhứt là 11/2 nghĩa là có một phòng ngủ và một nhà tắm. Căn hộ 21/2 có một phòng ngủ, một phòng ăn và một nhà tắm. Căn hộ 31/2 có một phòng ngủ, một phòng khách, một phòng ăn và một nhà tắm. Căn hộ 41/2 có hai phòng ngủ, một phòng khách, một phòng ăn và một nhà tắm. Thời đó giá mướn một căn hộ như sau: 150 đô cho căn hộ 11/2, 250 đô cho căn hộ 21/2, 350 đô cho căn hộ 31/2, 450 đô cho căn hộ 41/2...Giá thuê nhà ngày nay mắc hơn nhiều; một căn hộ 41/2 giá ít nhứt là 800 đô.

Nhà mới chúng tôi là 41/2, ở tầng trên của một nhà hàng Ý trên đường Jarry cách xa chỗ ở cũ chừng 3km. Một điều cần lưu ý là khi mua hay thuê nhà  không nên ở gần nhà hàng hay chợ vì những nơi đó sẽ có rất nhiều chuột .

Một thời gian sau, để gia đinh em gái tôi có không khí riêng tư , tôi thuê một căn hộ 21/2 ở đường Drolet gần chợ trái cây Jean Talon ở riêng. Ỏ đây rất tiện vì gần chợ Á Châu: chợ Asie, chợ Pnom Penh và ga métro Jean Talon.

Tôi gởi thơ về Việt Nam cho vợ tôi để gởi qua cho tôi những giấy tờ hộ tịch và những văn bằng của tôi ở Việt Nam. Tôi nhờ thông dịch viên hữu thệ dịch những giấy tờ đó. Tôi làm équivalence bằng tốt nghiệp đại học để ghi danh học bằng Giáo Dục So Sánh Và Quốc Tế (Diplôme de l'éducation comparée et internationale) ở trường đại học Montréal. Đồng thời tôi đi phỏng vấn ở sở giáo dục thành phố để xin giấy phép dạy học. Về việc học, tôi phải bỏ dỡ dang nữa chừng vì khi vợ con qua tới, tôi phải lo sinh kế cho gia đình. Tôi được sở giáo dục cấp giấy phép dạy trung học nhưng khi nộp đơn vào các Commission Scholaire xin việc thì được trả lời chờ đó, khi nào có chỗ sẽ nhận. Thì ra lúc đó trong ngành giáo dục không có ai bỏ chỗ. Sau này, thời thủ tướng Lucien Bouchard, chính phủ có chính sách cho giáo chức nghỉ hưu sớm (retraite anticipée) thì có chỗ trống nhiều nhưng lúc đó tôi đã gần 60 tuổi rồi.

Khi tôi ở riêng được vài tháng thì tôi bị mất việc ở hãng quần jean. Tôi chỉ còn lãnh được có 350 đồng của COFI trong khi tiền nhà là 250 đô, mỗi tháng tôi gởi về cho vợ con 100 đô và mẹ tôi 50 đô vá còn tiền sinh hoạt của tôi: tiền chợ, tiền xe bus... Tôi không biết xoay sở làm sao đây?

Thế là mỗi ngày tôi đều mua một tờ báo Journal De Montréal để tìm việc làm. Thời đó Internet chưa phát triển nên báo nào cũng có vài chục trang dành cho mục rao vặt: mua, bán, cho thuê nhà cửa, xe cộ, sang tiệm, cần người làm...Ngày nay, có nhiều tờ báo phải ngưng không ra phiên bản in như tờ báo La Presse có lịch sử hàng mấy trăm năm ở Québec  vì không còn nhiều độc giả và khách hàng đăng trong các mục quảng cáo và rao vặt chẳng còn bao nhiêu. Tờ Journal De Montréal mà đối tượng độc giả bình dân hơn vẫn tiếp tục ra báo giấy nhưng mục rao vặt thu gọn có một vài trang.

Nhờ mục rao vặt cần người của tờ Journal De Montréal, tôi tìm được việc làm ở hảng sản xuất thịt nguội Charcuterie Parisienne ở đường Marconi không xa nơi tôi ở. Hãng này là một công ty của gia đình người Thụy Sĩ gốc Do Thái di dân sang Québec thành lập từ năm 1940. Người sáng lập là cha của ông Jacques (chủ của tôi), ban đầu ông ta mở một tiệm nhỏ làm thịt nguội: pâté, jambon, saussisse...giao cho các nhà hàng gần đó bằng xe đạp. Dần đần, tiệm phát triển thành một thương hiệu nổi tiếng có khách hàng là các siêu thị, nhà hàng lớn, khách sạn...ở Montréal, Québec, toàn Canada và cả bên Mỹ. Tuy không lớn như thương hiệu Mapple Leaf nhưng thịt nguội của Charcuterie Parisienne ngon hơn vì đa số sản phẩm làm bằng thủ công.

Nhân viên sản xuất ở đây không đông và đa số là di dân, nhiều nhứt đến từ Âu Châu. Lúc tôi làm ở đó thì  có ba người Bồ Đào Nha, hai người Québécois, một người Tây Ban Nha, một người Croatie,một người Pháp và hai người Á Châu là tôi và một người Lào gốc Hoa. Nhân viên văn phòng và tiếp thị đều là người Québécois.Thời đó di dân Nam Mỹ và Trung Mỹ đến Québec rất đông nhưng ông Jacques không mướn họ vì biết bản chất họ lười biếng và thường ăn cắp vặt.  Sau này, ông Jacques nhờ tôi giới thiệu thêm hai người Việt khác là người quen của tôi là: Hùng, ở chung trại tỵ nạn với tôi và Sơn, quen với Vũ cùng học COFI với tôi.

Tôi và anh chàng người Lào làm ở khâu đóng gói hàng, Sơn rửa khuông jambon và Hùng làm vệ sinh tổng quát. Bốn người Á Châu chúng tôi làm lao động phổ thông nên lương thấp hơn nhóm người đến từ Âu Châu vì họ có nghề làm thịt.

Ai cũng biết bản chất người Do Thái là keo kiệt. Lúc cha của ông Jacques mất, ông rao bán nhà của cha mình. Ông ta hỏi tôi có cần một bộ salon còn tốt ở nhà cha ông không. Lúc đó vợ con tôi sắp được qua đây nên tôi trả lời cần. Ông ta nói ông sẽ bán rẻ cho tôi. Tôi trả lời rằng tôi không có tiền mua và nhủ thầm: ông này đúng là "trùm sò", đồ cũ nếu không cho thì quăng ra đường có đâu đòi bán cho mình. Mấy bữa sau, ông Jacques sai tôi và anh chàng Lào đi khuân bộ salon lên xe chở về nhà con gái lớn của ông ta.

Tôi làm việc ở đây thì không có gì nặng nhọc, nhưng tủi thân nghĩ vì mình ở "bên thua cuộc" (nói theo cách của nhà báo Osin Huy Đức, tác giả cuốn "Bên thắng cuộc") nên từ một người làm việc trí óc có cuộc sống phong lưu phải lưu vong sang xứ người làm lao động chân tay lãnh đồng lương tối thiểu. Mỗi buổi sáng trên đường từ nhà đến chỗ làm tôi tự nói thầm: đây là "con đường đau khổ" (tựa một cuốn tiểu thuyết của Ngamà tôi đã đọc trong thời gian ở trại cải tạo). Nhưng tôi tự an ủi, không riêng tôi nhiều người Việt khác cũng ở trong hoàn cảnh như tôi. Tôi biết ở Montréal có một ông là bác sĩ, giáo sư trường đại học y khoa Sài Gòn là thầy dạy vợ ông, cũng là bác sĩ, đã phải làm lao động chân tay như cọ rửa toilette để nuôi vợ ông học lại lấy bằng bác sĩ hành nghề tại đây. Tôi thường gặp ông lang thang như người thất chí trong mall dưới phố.

Tôi tự hứa với mình sẽ "hy sinh đời bố để củng cố đời con". Sau này khi các con tôi qua đây, dù làm việc cực khổ đến mấy tôi cũng phải lo cho các con tôi có một chỗ đứng vinh dự trong xã hội này.

Thời đó khu Côte Des Neiges là nơi tập trung nhiều người Việt nhứt. Cuối tuần nghỉ việc Hùng thường lấy xe chở tôi và Sơn xuống chơi nhà Thiện, người ở chung trại tỵ nạn với Hùng. Thiện và vợ tên Thẩm và đứa con đẻ ở đảo được đặt tên là Viễn Xứ thuê nhà bên cạnh nhà của chị mình, là một contracteur may.

Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước có thể nói Montréal là trung tâm may mặc của thế giới. Hầu hết những gia đình Việt Nam ở đây làm nghề may gia công. Người nào làm nghề may lâu năm ký hợp đồng với các hảng may lớn lãnh quần áo đã cắt sẵn về giao lại cho nhiều người may tại nhà. Xong, họ thu về làm finition nghĩa là làm khuy, đơm nút và ủi. Họ, được gọi là contracteur may, thuê một chỗ rộng rải, mua một số máy may, máy làm khuy, đơm nút và máy ủi. Tại chỗ, họ mướn một người may giỏi để  may mẫu, người làm khuy, đơm nút, cắt chỉ và ủi. Thường những người già phụ trách cắt chỉ lãnh lương thấp nhứt cón những người thợ ủi phải là những thanh niên khỏe mạnh lãnh lương cao nhứt. Người may ở nhà phải sắm ít nhứt một máy plain (may hai chỉ) và một máy overlock (may 3 hoặc 5 chỉ) để hành nghề. Hiệu máy tốt nhứt là Juki của Nhật. Máy plain phải là máy tự động cắt chỉ mới may nhanh được. Mỗi lần nhận hàng, người may gia công phải may vài trăm cái áo hay quần trong một tuần hay mười ngày. Người may gia công nếu chưa có nhà riêng thì phải thuê nhà ở tầng trệt hay sous sol (tầng hầm) để hành nghề tránh gây ồn ào cho những người bên cạnh.

Sau này, Thiện mở contracteur may và vợ tôi may gia công cho Thiện. Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, bọn tư bản vì lợi nhuận tung ra sách lược "toàn cầu hóa" công nghiệp để đem hãng xưởng sang những nước đang phát triển ở Nam Mỹ và Á Châu, nhứt là Trung Quốc và Ấn Độ để lợi dụng giá nhân công rẻ. Hậu quả, Montréal mất địa vị thủ đô may mặc của thế giới. Nghề may gia công ở đây xuống dốc vì giá công may rẻ mạt, không đủ sống. Rất nhiều người bỏ nghề.

Trước đây, ở Montréal  có hai nghề thông dụng của người Việt Nam ngoài việc đi làm công ở các hảng xưởng là nhà hàng và may gia công. Nghề may đi xuống làm nhà hàng ít khách. Một số người trong hai ngành nghề này vì cuộc sống đổ qua nghề bất hợp pháp :"trồng cỏ" (trồng cần sa). Họ mướn một căn nhà, hợp đồng với những tổ chức tội phạm ma túy, thường là người Ý để trồng cần sa tại nhà. Vì cây cần sa cần nhiều ánh sáng nên họ phải sử dụng điện rát nhiều để thăp sáng nên thường bị bại lộ vì công ty Hydro-Québec khám phá số điện tiêu thụ quá mức bình thường nên nghi ngờ và báo cho cảnh sát. Thế là họ phải vào tù. Nay chính phủ Canada của thủ tướng Justin Trudeau đã hợp thức hóa việc sử dụng cần sa và cũng như rượu, cần sa được nhà nước độc quyền kinh doanh! Nghề "trồng cỏ" nay đã vào tay nhà nước và một lần nữa có một số người Việt bị "thất nghiệp".

Canada là một liên bang gồm 10 tỉnh bang và hai lãnh thổ. Québec là tỉnh bang rộng nhứt nhưng Ontario là tỉnh bang đông dân nhứt. Mỗi tỉnh bang được tự trị trong liên bang tương tự như một tiểu bang trong Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nhưng theo chế độ đại nghị như bên Anh. Sau một cuộc bầu cử , đảng nào có nhiều người đắc cử nhứt thì chủ tịch đảng đó làm thủ tướng (liên bang) hay thủ hiến (tỉnh bang). Liên bang có quốc hội gồm hai viện: thượng viện và hạ viện. Dân biểu hạ viện do dân bầu còn thượng nghi sĩ do thủ tướng chỉ định. Quốc hội tiểu bang chỉ có một viện mà dân biểu do dân bầu. Liên bang giao cho tỉnh bang nhiều quyền hạn nhứt là tỉnh bang Québec, nơi cộng đồng nói tiếng Pháp đông nhứt. Canada nằm trong Khối Thịnh Vượng Chung nên thủ tướng liên bang chỉ định một người làm Toàn Quyền Canada thay mặt nữ hoàng Anh và thủ hiến tỉnh bang chọn một phó Toàn Quyền. Chức vụ Toàn Quyền hoặc phó Toàn Quyền chỉ có tính cách tượng trưng trong nghi lễ.

Ba thành phố lớn nhứt ở Canada là Toronto thuộc tỉnh bang Ontario, Montréal thuộc tỉnh bang Québec và Vancouver thuộc tỉnh bang Colombie Britanique. Người Viêt tập trung đông đảo nhứt ở ba thành phố đó. Theo giáo sư Lâm Văn Bé trong bài biên khảo: “Diện mạo người Việt tại Canada từ ngày mới lập cư đến năm 2016” số trí thức Việt Nam tập trung đông đảo nhứt là ở tỉnh bang Québec đặc biệt là ở Montréal. Tổng số người Việt ở Montréal năm 2016 là 38.660 người mà trong đó có 530 bác sĩ, 280 nha sĩ và 150 dược sĩ (theo BS Từ Uyên). Tỷ lệ người Việt có bằng đại học và hậu đại học ở tỉnh bang Québec cũng cao bằng dân bản xứ và gấp đôi người Việt ở các tỉnh bang đông người Việt như Ontario, Colombie Britanique và Alberta.

Có thể giải thích là thế hệ thứ nhứt của những người nhập cư Việt ở Canada là những người được đào tạo trong hệ thống giáo dục ở miền Nam trước 75 thông thạo tiếng Pháp, nhứt là những người có trình độ đại học phải dùng chuyển ngữ tiếng Pháp trong học trình (đặc biệt là các bác sĩ) nên họ chọn tỉnh bang Québec. Dù đa số các người đó không có cơ hội sử dụng lại ngành nghề chuyên môn của mình nhưng con cháu họ thừa kế gen của ông cha nên thành công trong học vấn.

Tôi mất 14 năm làm lao động chân tay và vợ tôi 10 năm ngồi miệt mài bên bàn máy may từ sáng đến nửa đêm nhưng cuối cùng chúng tôi rất hài lòng khi hai đứa con chúng tôi không phải đi trên “con đường đau khổ” như chúng tôi.

Dân địa phương ở tỉnh bang Québec là người Québécois mà người Việt gọi trại là người Còi. Họ là hậu duệ của những di dân đến từ Pháp cách nay bốn thế kỷ thành ra giọng nói của họ khác với người Pháp ở chính quốc, tương tự như gọng người miền Nam hay miền Trung so với giọng người miền Bắc nước ta. Khi tôi nói chuyện với một người dân địa phương họ sửa giọng đúng giọng Paris thì tôi nghe được còn khi hai người dân địa phương nói chuyện với nhau tôi chẳng nghe được gì giống như tôi nghe hai người Quảng Nam nói chuyện với nhau. Nữ sĩ Francoise  Sagan (tác giả cuốn Bonjour Tristesse) có lần nói: giọng nói của  người Québécois nghe buồn cười, bà đã bị dân Québec  phản đối dữ dội làm bà phải lên tiếng xin lỗi.

Nhưng phải công nhận rằng ở tỉnh bang Québec, nhứt là ở Montréal, người ta nói được hai thứ tiếng Anh và Pháp. Người di dân và con cháu họ lại còn nói được tiếng mẹ đẻ thành ra họ có lợi thế khi giao dịch hay đi làm. Ở các tỉnh bang khác ngoài Nouveau Brunswick, người ta chỉ nói được tiếng Anh. Vì vậy, qua các đời thủ tướng của Canada, đa phần họ xuất thân từ Québec. Thủ tướng hiện nay của Canada: Justin Trudeau cũng như cha ông ta (Pierre Trudeau, thủ tướng nhiều nhiệm kỳ trong thế kỷ trước) là người Québécois.

Năm 1989, Nguyễn Văn Ba thường dược gọi là Ba Tô (nhân vật chú ba Tô trong phim truyện truyền hình ở Việt Nam sau 75) và một người bạn tên Tâm ở chung đảo với nó được định cư ở Québec. Ba Tô là  người đi chung tàu với tôi. Nó ở Thủ Thiêm, hiền lành và chất phác. Hai đứa được một ông chủ trang trại ở Sherbrooke bảo lãnh. Nếu chúng về đó sẽ phải làm việc ở nông trại cực khổ lắm. Tôi đi xe bus xuống Sherbrook bảo lãnh chúng về Montréal. Tâm về ở với một người anh ruột, còn Ba Tô về ở với tôi. Để có chỗ rộng rải cho hai người, tôi mướn một căn nhà khác 3 1/2 ở đường De L' Épée thuộc khu người Grec, cũng không xa chỗ làm của tôi.

Tôi dẫn Ba Tô đi làm thẻ An Sinh Xã Hội, thẻ Bảo Hiểm Sức Khỏe, mua thẻ đi métro. Ba Tô thuộc diện nhà nước bảo lãnh nhân đạo nên được cho tiền mua quần áo mới ở các tiệm bán quần áo, chả bù tôi thuộc diện nhà thờ bảo lãnh chỉ được một con chiên nhà thờ dẫn xuống sous-sol nhà thờ cho những quần áo cũ. Rồi tôi dẫn nó đi ghi danh học lớp COFI.

Canada là một đất nước rộng mênh mông, đứng thứ hai sau nước Nga, rộng hơn Trung Quốc và Hoa Kỳ và chỉ nhỏ hơn Châu Âu một chút. Diện tích Canada gần 10 triệu km2 (diện tích Việt Nam khoảng 330.000 km2) nghĩa là Canada 33 lần lớn hơn Việt Nam. Dân số Canada chỉ có hơn 35 triệu người trong khi Việt Nam  97 triệu dân (gần gấp 3 lần dân số Canada). Từ đông sang tây Canada  nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương và từ bắc xuống nam Canada nằm giữa Bắc Băng Dương và Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Trong gấn 10 triệu km2 diện tích thì các hồ thiên nhiên chiếm khoảng 9%. Canada có 31.752 hồ rộng trên 3km2 trong đó có 561 hồ rộng hơn 100km2. Số hồ ở Canada nhiều tổng số hồ còn lại trên thế giới,

Thủ đô của Canada là Ottawa nằm trong tỉnh bang Ontario. Cư dân đầu tiên ở Canada là người da đỏ (paléoaméricains) đến từ Á Châu qua một dãi đất nổi ở eo biển Béring nối liền Nga cách đây 30.000 năm. Hậu duệ của họ bây giờ được gọi là người Canada gốc (autoctone) thường sống trong các khu dành riêng (réserve) và hưởng những ưu đãi đặc biệt: được cấp nhà ở, được lãnh tiền trợ cấp, được miễn mọi thứ thuế...

Người autoctone có gương mặt giống người Tàu và Việt Nam nhưng người nào cũng béo phì vì họ ít hoạt động và ăn thịt mỡ nhiều. Khi con gái tôi làm ở thành phố Sept-Iles, miền bắc Québec gần khu dành riêng của người autoctone họ gặp tôi họ nhìn tôi thật lâu xem có phải là đồng chũng của họ không, nhưng khi thấy tôi không béo phì như họ thì họ biết tôi không phải là người như họ. Họ suốt ngày ở không và luôn luôn uống rượu nên tuổi thọ của họ rất thấp.

Canada là cường quốc kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới ngang hàng với Nam Hàn và Brazil dù dân số ít hơn hai nước đó. Canada ở trong top 10 nước có cuộc sống tốt đẹp nhứt trên thế giới bên cạnh các nước Bắc Âu, Thụy Sĩ, Úc và Tân Tây Lan. Có nhiều năm Canada đứng đầu top 10 đó. Lưu ý là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật chưa bao giờ có tên trong top 10 này. Ngân sách giáo dục và y tế ở Canada chiếm phần lớn ngân sách quốc gia. Trẻ em sinh ra được nhà nước trợ cấp đến 18 tuổi. Trường học được miễn phí đến hết cấp phổ thông. Khi học cao đẳng hay đại học sinh viên được học bỗng và mượn tiền lãi nhẹ chỉ trả lại sau khi có việc làm. Người dân thất nghiệp được lãnh trợ cấp thất nghiệp. Không tìm được việc làm, người dân được hưởng trợ cấp xã hội. Ai bệnh được chữa bệnh miễn phí. Trên 65 tuổi thì người ta được lãnh tiền già. Ai làm việc lương thấp được nhà nước cho mướn nhà giá rẻ...

Ba Tô tìm được việc làm nên dọn ra ở riêng. Sau này, ngày đám cưới của nó, Ba Tô có mời vợ chồng tôi đến dự. Nhờ tính cần cù nên nó làm contracteur may cũng khấm khá. Tâm, bạn nó, có máu cờ bạc, mê Casino nên còn lận đận.

Ở Montréal , Casino nằm trên đảo Ste-Hélène ngay dưới cầu Jacques Cartier nên người dân Montréal dễ lui tới. Ai có xe hơi thì chạy lên giữa cầu rồi quẹo xuống đó. Người ta cũng có thể sử dụng métro và xe bus để tới đó. Trong Casino người ta trông thấy rất nhiều dân đầu đen ( Hoa , Việt, Miên, Lào) đến nỗi ngày Tết âm lịch, Casino có tổ chức múa lân mừng năm mới. Nhưng cũng vì đó bao thảm cảnh xảy ra. Có nhiều ông chủ nhà hàng ở phố Tàu bị phá sản. Có người thua nặng đến phải nhảy cầu tự tử. Có kẻ giết người cướp tiền để đánh bạc... Bao gia đình tan nát!

Hệ thống truyền thông: báo chí, radio, TV ở Canada thời đó dù chưa có mạng Internet như bây giờ nhưng cũng rất mau lẹ và chính xác. Năm 1988, hình ảnh Ben Johnson, lực sĩ chạy nước rút của Canada về nhứt ở giải 100 m trong Thế Vận Hội Seoul trên truyền hình làm nức lòng dân Canada. Tiếc thay, sau này anh ta bị tước huy chương vàng vì đã dùng thuốc kích thích để thi đấu. Năm 1989, bao biến cố trọng đại trên thế giới nhanh chóng được đưa lên sống động trên màn ảnh nhỏ. Từ hình ảnh một người dân can đảm chận đường tiến của xe tăng tại quảng trường Thiên An Môn ở Trung Quốc đến cảnh đập đổ bức tường ngăn cách Đông và Tây Bá Linh ở Đức. Những hình ảnh sụp đổ như những con cờ domino của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và nhứt là ngày cuối cùng của vợ chồng nhà độc tài Ceausescu ở Roumanie được mọi người theo dõi như đang chứng kiến tại hiện trường. Vụ thảm sát 14 nữ sinh viên tại trường Đại Học Bách Khoa Montréal của một thanh niên mang mặc cảm tự ti vì thua kém phái nữ ngày 6-12-1989 làm kinh hoàng người dân Montréal hiền hoà.

Để chuẩn bị đón rước vợ con sắp qua tới, tôi đi học lái xe. Hùng và Thiện thay phiên tập lái cho tôi tại bãi đậu xe bỏ trống gần nhà Thiện ở khu Côte Des Neiges. Tôi còn nhớ ngày tôi thi lấy bằng lái xe năm 1991 là ngày tổng thống Bush cha mở chiến dịch “Bão Sa Mạc” đánh vào Irak.

Khiêm là bạn với Hùng ở đảo. Khiêm rời đảo qua Canada trước tôi. Khi biết vợ chồng tôi từng mở quán ăn ở Việt Nam và vợ tôi là đầu bếp chuyên nghiệp nên Khiêm đề nghị tôi khi nào vợ tôi qua đây sẽ hợp tác với chúng tôi mở một nhà hàng ở Montréal. Khiêm bỏ vốn và chúng tôi bỏ công. Khiêm sang tiệm Long Mỹ ở đường Jean Talon và chị Mỹ chủ cũ của tiệm sẽ tạm thời giúp chúng tôi làm bếp chính chờ vợ tôi qua.

Một hôm, tôi đang làm việc ở Charcuterie Parisienne thì văn phòng hảng gọi tôi cho biết sở di trú báo tin vợ con tôi được visa sang Canada đoàn tụ với tôi. Không nổi vui mừng nào hơn sau gần 6 năm xa cách tôi sẽ được sum họp với gia đình.

Hôm đi đón vợ con tôi nhằm đúng ngày 8/3 (ngày Quốc Tế Phụ Nữ) năm 1992, tôi nhờ anh Lê Tấn Lộc, bạn đồng nghiệp đồng thời là bạn ve chai ( “camarade de bouteille”) trước 75 và Hùng làm chung hãng lấy xe hơi đi với tôi lên phi trường Mirabel đón vợ con tôi.

Nhớ lại ngày tôi ra đi, Lý, con trai lớn tôi mới vào lớp 6 trường Khánh Hội 1, quận 4 và Lan, con gái tôi đang học lớp 2 mà nay đứa lớn đã 17 tuổi học lớp 11 trường Nguyễn Trãi và đứa nhỏ 13 tuổi học lớp 8 trường Chi Lăng.

Từ phi trường về đến Montréal, tôi mời mọi người vào nhà hàng Chim Sẻ của chúng tôi ăn uống mừng ngày sum họp của gia đình tôi. Tôi đã đổi bảng hiệu Long Mỹ sang Chim Sẻ.

Sáu năm xa cách, đêm đầu tiên gặp lại, vợ chồng tôi có biết bao nhiêu điều để tâm sự. Hai đứa con tôi vì trái giờ giấc cũng không ngủ được. Sáng hôm sau, gã Tây Còi ở tầng dưới chạy lên kiếm chuyện nói rằng chúng tôi làm ồn hắn không ngủ được. Trước đó, nhiều lần hắn gỏ cửa phòng tôi than phiền tôi mở nhạc lớn quá. Bên cạnh phòng tôi có một anh người Hoa, từng du học ở đây, ở một mình chỉ có một cái radio nhỏ mà cũng bị gã Tây Còi này chạy lên kiếm chuyện. Nghe nói gã bị vợ bỏ, bị stress nặng nên trút nỗi hận tình lên những người lối xóm. Khi nghe tôi kể lại, những người làm chung hãng đề nghị tôi dẫn họ về nhà tôi nhậu nhẹt để nếu gã đó chạy lên, họ sẽ cho gã một bài học. Tôi từ chối vì không muốn rắc rối.

Vì vợ con mới qua, tôi không muốn họ bị sốc nên nói với chủ nhà tôi phải trả nhà để thuê chỗ khác dù chưa hết hợp đồng thuê nhà . Chủ nhà thông cảm nẻn thay vì phải bồi thường 3 tháng tiền nhà, tôi chỉ trả một tháng để chủ nhà đăng báo tìm người thuê.

Sáng ngày hôm sau, chúng tôi dọn nhà về đường St-Zotique, cũng không xa chỗ tôi làm. Căn nhà mới là 5 1/2 có 3 phòng ngủ. Khiêm về ở chung với chúng tôi để chia bớt tiền nhà.

Sau vài ngày đi làm giấy tờ và nghỉ ngơi, vợ tôi bắt đầu ra nhà hàng làm bếp chính, Khiêm làm phụ bếp và chạy bàn. Buổi chiều, từ hãng về tôi ghé nhà hàng để phụ việc với hai người.

Tỉnh bang Québec có đa số dân nói tiếng Pháp nên từ năm 1974 chính phủ tỉnh bang này ra sắc luật 101 công nhận Pháp Ngữ là ngôn ngữ chính ở đây. Tất cả mọi giao dịch bằng miệng hay trên giấy tờ phải ưu tiên cho tiếng Pháp. Trên bảng hiệu, nếu bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp, thì hàng chữ tiếng Pháp được viết phía trên và to hơn hàng chữ tiếng Anh phía dưới. Chỉ có con cái những người nói tiếng Anh mới được cho học trường Anh, còn lại phải học trường Pháp.

Muốn vào đại học ở Québec học sinh phải qua 13 năm chứ không phải 12 năm như ở Việt Nam: 6 năm tiểu học, 5 năm trung học và 2 năm CÉGEP (Collège d’enseignement général et professionel). Nếu ai muốn học chuyên ngành thì phải học 3 năm ở CÉGEP để có thể trở thành cán sự (technicien).

Xong CÉGEP học sinh theo khoa học thuần tuý ( sciences pures) ghi tên vào các ngành toán hay kỷ thuật, học sinh theo khoa học về sức khoẻ (sciences de la santé) ghi tên vào y khoa, nha khoa, dược khoa, thú y hay điều dưỡng. Các trường đại học chọn sinh viên theo thành tích học vấn ở trung học và CÉGEP.

Gay go nhứt cho những ai muốn học thành bác sĩ. Không những phải có điểm cao mà còn phải qua một cuộc phỏng vấn. Ngoài ra các trường đại học còn đưa ra một tiêu chuẩn chọn lựa theo thống kê gọi là cote Z hay cote R. Tôi được các ông bác sĩ Việt Nam khuyên cho con ghi tên ở những trường CÉGEP dễ để có điểm cao nhứt trong trường thì được cote Z cao, như vậy chắc chắn được nhận vào y khoa. Tôi nghe lời cho con gái tôi vào học CÉGEP Rosemont là một trường dễ thay vì vào Bois De Boulogne hay Maisonneuve là các trường khó. Không ngờ năm con gái tôi vào đại học thì người ta đổi cote Z sang cote R, theo đó ai học trường dễ sẽ bị trừ điểm. Thành ra con gái tôi không vào được y khoa đành vào nha khoa. Nhưng may mắn thay, với ngành này nó đã đạt được thành công trong nghề nghiệp.

Một ngẫu nhiên, tôi và hai con tôi đều từng cùng học ở trường đại học Montréal. Trường này toạ lạc trên đồi Mont Royal nên phong cảnh rất đẹp. Nhưng vào mùa đông, đường dốc bị đóng băng nên khi di chuyển từ pavillon này sang pavillon khác rất nguy hiểm vì trơn trợt. Tôi đã té một lần trên đó bị trầy trụa cả mặt mày.

Trước đây, ở tỉnh bang Québec, giáo dục là công việc của Giáo Hội Công Giáo. Vì vậy. Trước năm 1998, Uỷ Ban Công Giáo Học Đường Thành Phố Montréal CÉCM (Commission des écoles Catholiques de Montréal) quản lý tất cả cá trường tiểu học, trung học, trường người lớn và trường dạy nghề. Từ ngày 1/7 năm 1998 Uỷ Ban này đổi thành Uỷ Ban Học Đường Thành Phố Montréal CSDM (Commission scolaire de Montréal).

Tôi dẫn hai con tôi đến văn phòng CÉCM xin ghi danh đi học. Hai đứa được nhận vào lớp acceuil ở trường trung học Louis-Joseph-Papineau trên đường Louvain Est cách nhà chúng tôi khoảng 45 phút đi xe bus. Ngày đầu tiên tôi dắt chúng đến trường cho biết. Trên xe bus tôi đếm số trạm dừng cho chúng nhớ. Hôm sau hai đứa tự đi học và tôi không quên viết địa chỉ trên một miếng giấy cho mỗi đứa giữ, nếu lạc đường nhờ cảnh sát đưa về nhà.

Chỉ sau 4 tháng học Pháp Văn, hai đứa con tôi đủ sức vào lớp thường xuyên ở trường trung học Lucien Pagé trên đường Jarry. Lý vào 4è và Lan vào 2è đúng vào đầu năm học.

Nhà hàng Chim Sẻ của chúng tôi ở Montréal không bán đầy đủ các món đặc sản chim và thịt rừng như quán Chim Sẻ ở quận 4 ngày nào vì những luật lệ nghiêm ngặt bảo tồn cầm thú thiên nhiên ở đây. Nhà hàng chúng tôi không có món chim sẻ rô-ti dòn và béo, dù vẫn mang bảng hiệu Chim Sẻ, cũng không có món nhím xào lăn ngon hơn thịt gà nữa. Nhưng bà xã tôi vẫn chju khó làm món dồi lươn tốn nhiều công phu nhưng rất đặc sắc làm những thân chủ mới của chúng tôi ở đây rất tán thường. Ngoài ra, những món nhậu như lẩu cá hú, cả ri dê, bò bóp thấu, cua rang muối...làm cho nhà hàng chúng tôi khác biệt với các nhà hàng khác ở Montréal này.

Ở hải ngoại, nơi nào cộng đồng người Việt đông đảo thì ở đó nhà hàng, garage sửa xe, tiệm hớt tóc và sau này các tiệm nail là những nơi đồng hương chúng ta gặp gỡ thường xuyên. Ở nhà hàng chúng tôi, những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ ở miền Nam trước 75 cũng thường hay lui tới. Chúng tôi được chiêm ngưỡng bằng xương bằng thịt những người đẹp như là á hậu truyền hình Hoàng Kim Uyên, phu nhân của bác sĩ Trang Châu (người được giải văn chương toàn quốc với tác phẩm Y Sĩ Tiền Tuyến) hay Như Hảo, vợ của giáo sư nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương. Tiếc thay những đôi trai tài, gái sắc ấy sau này đã rã cánh uyên ương. Nhà hàng chúng tôi cũng từng phục vụ một trong những ông vua nhạc trẻ trước 75: Trường Kỳ, người thấp bé với đôi kính cận thật dầy. Anh ấy đã mất trong khi đang liên tiếp cho ra đời những tác phẩm viết về tiểu sử những ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại.

Anh Lê Tấn Lộc, bạn tôi mời những người hoạt động trong lãnh vực văn chương như bác sĩ Trang Châu, các nhà thơ Lưu Nguyễn. Phạm Nhuận, Hoàng Xuân Sơn, Luân Hoán; nhà văn Hồ Đình Nghiêm, nhà văn Kiệt Tấn (em anh Lê Tấn Lộc ) mỗi lần từ Pháp sang Montréal chơi, nhiếp ảnh gia Lê Quang Xuân... Các anh đó ở trong Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Québec mà chủ tịch là anh Trang Châu. Nhân đó, các anh mời tôi tham gia vào Trung Tâm của các anh vì biết tôi từng viết bài cho một số tạp chí văn chương như Sóng ở Toronto và Nắng Mới ở Montréal.

Khách hàng tôi còn là những bác sĩ đang hành nghề ở Montréal ngoài anh Trang Châu còn có Lê Phước Hoàng, bác sĩ gia đình của tôi, vừa mới mất cách nay hai năm, bác sĩ Hồ Quang Nhân chuyên làm đẹp cho các bà, bác sĩ Đường Minh Hoàng, bác sĩ Hướng...Đặc biệt , bác sĩ Hướng uống rượu mạnh như uống nước lạnh làm tôi nhớ đến bác sĩ Toán, một khách hàng của quán Chim Sẻ quận 4 của tôi. Anh ấy từng ở chung trai cải tạo Kà Tum, Tây Ninh với tôi và được trại cử đi... chăn trâu. Nhà anh ở xóm Hòa Bình gần nhà tôi và nổi tiếng là người học giỏi. đêm nào anh xuống quán tôi, anh cũng uống rượu thuốc đến lúc tôi dẹp tiệm mới ngưng. Sau này, khi tôi về Việt Nam được người quen cho hay anh đã mất vì thất chí.

Tôi quen anh Bảy Nổ làm việc ở một garage sửa xe. Anh ấy thường đi nhậu với tôi. Một hôm anh và tôi đi nhậu xong, anh lái xe đưa tôi về nhà. Xe đang chạy trên đường St-Laurent, bỗng bị cảnh sát gọi lại. Anh Bảy bị cảnh sát bắt dang hai tay ra đi theo đường thẳng, nhưng vì uống quá nhiều bia nên anh Bảy đi nghiêng ngã, khiến tôi dù trong hoàn cảnh đó cũng suýt bật cười. Thế là anh Bảy bị còng tay đưa lên xe cảnh sát còn xe của anh bị kéo về đồn, lúc đó tôi chưa thi xong bằng lái xe nên không được quyền lái xe.

Vợ anh Bảy cho tôi biết cảnh sát giữ anh lại vì anh bị phạt nhiều lần nhưng không chịu đóng phạt. Nếu anh đóng đủ tiền phạt thì anh sẽ được thả, nhưng chị Bảy không đủ tiền để đóng. Tôi đưa chị Bảy mượn 350 đồng để chị đủ tiền lãnh anh Bảy ra. Sau khi anh Bảy về, anh ấy hỏi tôi muốn có một chiếc xe làm chân đi làm không vì tôi mới vừa có bằng lái xe. Tôi đồng ý. Anh Bảy đưa cho tôi một chiếc Pontiac xanh đời 1983 của hãng GM. Năm đó là 1993, nghĩa là xe này có tuổi hơn 10 năm. Canada thường được gọi là "sân sau" của Mỹ vì những công ty của Mỹ đều có hãng xưỡng sản xuất hàng bên Canada. Thời chiến tranh Việt Nam, một phần vũ khí, xe tăng, máy bay của Mỹ được sản xuất tại Canada. Nếu thành phố Detroit là kinh đô xe hơi của Mỹ thì thành phố Oshawa, thuộc tỉnh bang Ontario, là thủ đô ô tô của Canada. Tuy nhiên, với thời tiết khắc nghiệt ở Canada và nhứt là ở tỉnh bang Québec, xe Mỹ không bền bằng xe Nhật. Chiếc xe Pontiac anh Bảy giao cho tôi trừ nợ trông rẩt tàn tạ.

Người ta thường nói trên thế giới có hai thủ đô lạnh nhứt là Ottawa của Canada và Oulan-Bator của Mông Cổ. Thật vậy, Canada tiếp giáp với Bắc Cực nên khí hậu rất khắc kiệt. Có những nơi ở miền bắc Canada lạnh dưới -40 độ C. Trong hơn 30 năm ở thành phố Montréal, tôi từng trải qua những lúc nhiệt độ ở đây xuống dưới -30 độ C. Những lúc đó, dù mặc quần áo thật ấm, không ai có thể ở bên ngoài quá 5 phút. Người nào đi lạc bên ngoài chỗ không có nhà cửa như rừng hay đồng trống trong mùa đông thì cầm chắc cái chết vì thân nhiệt bị hạ thấp (hypothermie).

Khi hàn thử biểu xuống dưới -20 độ C, bình điiện xe hơi bị chết, xe hơi không nổ máy được. Lúc đó những dịch vụ như kéo xe (remorquage) hay sạc bình rất đắt khách. Tài xế taxi cũng lợi dụng những cơ hội đó kiếm tiền bằng cách câu điện từ xe mình để sạc cho xe bị chết máy. Nhiều lần, tôi phải trả 25 đô để nhờ tài xế taxi sạc bình cho xe mình.

Trong những lần có bão tuyết thì trên xa lộ thường xảy ra tại nạn xe hơi, nhứt là những tai nạn liên hoàn, xe đụng nhau dồn cục có khi vài chục chiếc như vậy vì gió thổi tuyết bay mù trời, tài xế không trông thấy đường. Nhưng tệ hại nhứt là những cơn mưa lạnh (pluie verglacante) làm tuyết đặc lại thành nước đá sau khi mưa đã tạnh. Khi đó, người đi bộ trên lề đường sẽ bị trượt ngã mang thương tích, thường là gãy tay. Không ai dám nói rằng mình ở Montréal mà chưa hề bị trượt ngã ngoài đường vào mùa đông. Còn trên xa lộ thì đường sá bị đóng băng thành ra xe bị lạc tay bánh đụng chạm nhau hay đâm vào lề. Sau này, nhà nước bắt buộc người đi xe hơi phải dùng bánh xe mùa đông để di chuyển trong mùa đông.

Trận bão băng (verglas) năm 1998 ở Montréal làm ngã rất nhiều cột điện và cỗ thụ mà hậu quả hàng trăm ngàn nhà dân mất điện trong mùa đông. Đa số nhà ở đây sưởi bằng điện nên dân thành phố Montréal đã trải qua những ngày lạnh lẽo nhứt. Chính quyền thành phố phải lập những chỗ tạm trú được sưởi ấm nơi trường học, công sở cho những người bị mất điện.

Chủ nhà cho chúng tôi mướn tầng dưới để làm nhà hàng là hai chị em người Việt nói tiếng Bắc. Nghe nói trưỡc đây họ đi tu theo đạo Công Giáo nhưng nay đã xuất tu. Có lẽ nhờ bản chất cần kiệm của người miền Bắc nên ngoài căn nhà cho chúng tôi thuê, hai bà còn một căn nhà khác để ở cũng gần nhà hàng chúng tôi. Hai bà ở lứa tuổi tứ tuần. Một trong hai bà có vẻ thích Khiêm lắm vì anh chàng nầy còn độc thân. Chúng tôi thường đùa nói Khiêm ưng bà ta đi để khỏi phải trả tiền thuê nhà. Khiêm giãy nảy trả lời rằng bà ấy đáng chị hai của y làm sao mà ưng được.

Một trong những khách hàng của chúng tôi kể rằng tại nhà hàng này trước tên là Long Mỹ ( Long là chồng, Mỹ là vợ, chủ cũ của nhà hàng), đã xảy ra một vụ án mạng chết người mà nạn nhân và hung thủ là người Việt. Cảnh sát Montréal không điiều tra được gì vì sự bất hợp tác của những người Việt thường có trong những vụ án mạng xảy ra trong cộng đồng người Việt vì họ sơ bị trả thù. Nghe nói hung thủ sau đó vì thua bạc đã nhảy cầu Jacques Cartier tự vận.

Từ đó nhà hàng vắng khách hơn lúc trước. Khi đến sang nhà hàng này, Khiêm và tôi không biết chuyện đó. Gia đình người mướn nhà để ở trên lầu nhà hàng tôi thỉnh thoảng xuống nói chuyện chơi với chúng tôi. Họ cho biết rằng nhà này có ma vì nhiều đêm họ có tiếng chân người và tiếng xích xiềng kêu loảng xoảng phía dưới nhà hàng chúng tôi. Họ nói hết hợp đồng thuê nhà họ sẽ trả nhà đi thuê chỗ khác vì quá sợ.

Tôi không tin những chuyện ma quỷ. Tôi cho rằng địa điểm nhà hàng này không thuận lợi vì không có bãi đậu xe, khúc đường Jean Talon trước quán lại không cho xe dừng trong giờ hành chánh mà chỉ cho đậu buổi tối. Chúng tôi đã hấp tấp sang quán mà không chú ý đến điểm này. Vì vậy ban đêm nhà hàng đông khách nhưng ban ngày chỉ đông khách vào bữa ăn trưa nhờ công nhân bên gian hàng bán vật liệu xây dựng Brico gần đó. Còn những lúc khác thì nhà hàng tôi vắng khách. Sau này, khi cửa hiệu Brico đóng cửa thì ban ngày nhà hàng tôi rất ít khách.

Ban đêm tuy đông khách nhưng chúng tôi có một nối khổ khác. Nhiều đêm thực khách nhậu tới 2 giờ sáng chúng tôi cũng phải chờ họ xong mới dẹp quán. Rồi từ quán chúng tôi đi bộ về nhà trong thời tiết lạnh lẽo cuối thu. Chúng tôi để Khiêm về trước vì không việc gì cho anh ta lúc đó. Chúng tôi nghĩ như vậy suốt ngày đêm, hai đứa con tôi, ngoài giờ ở trường và lúc đến nhà hàng để ăn tối với chúng tôi, chúng không hề được nhận được sự giám sát nào của chúng tôi. Vì vậy tôi quyết định nói với Khiêm hoặc Khiêm thuê đầu bếp khác hay sang nhà hàng lại cho người khác. Khiêm đồng ý giải pháp thứ hai. Thế là nhà hàng Chim Sẻ chỉ hiện diện ở Montréal vỏn vẹn 6 tháng.

Chúng tôi chuyển nghề nhà hàng sang nghề may. Thế là mỗi ngày bà xã tôi đi qua nhà em gái tôi học may. Sau một thời gian, nàng đã quen với nghề mới, Chúng tôi mua lại một cặp máy cũ: máy plain và máy overlock và lãnh hàng may gia công ở nhà. Buổi chiều, sau khi đi làm về, tôi ngồi vào máy overlock phụ vợ. Con gái tôi khi không có bài vỡ nhiều cũng tiếp tay với mẹ nó. Vì không đủ tiền mua máy plain tự động nên chúng tôi mua máy plain thường, phải cắt chỉ bằng tay vì vậy không ra hàng nhanh như người ta. Dù sao, nghề này cũng phụ giúp vào thu nhập cho gia đình để nuôi sống bốn miệng ăn.

Vận rủi vẫn còn đeo đuổi chúng tôi. Một hôm, đang ra khuông jambon, bỗng nhiên tôi bị đau nhói ở lưng không thế đứng được. Thì ra trong 5 năm làm việc ở đây, động tác cúi xuống để lấy khuông jambon rồi mang lên bàn để lấy jambon ra khỏi khuông làm cho những đốt xương sống tôi cọ xát với nhau Động tác đó lâu dần làm tổn hại đến cột sống. Hãng tôi nhờ anh thợ máy Marcel chở tôi vào bệnh viện Jean Talon. Nơi đây, sau khi rọi quang tuyến X kết luận bác sĩ kết luận rằng đốt xương sống tôi bị mòn. Bác sĩ cho biết không có cách nào để trị chỉ cho tôi uống thuốc giảm đau và tập vật lý trị liệu.

Ban đêm khi nằm ngủ, muốn nghiêng qua một bên tôi phải nhờ vợ tôi kéo tay dùm chứ không tự làm được. Tôi được nghỉ việc mấy tháng để trị liệu và trong khoảng thời gian đó tôi lãnh tiền của Ủy Ban Sức Khỏe Và An Toàn Lao Động CSST (Commission de la santé et de la sécurité du travail). Sau khi chấm dứt thời gian trị liệu, bệnh viện gởi tôi đến một bác sĩ chuyên khoa về xương và cơ (orthomédiste) để thẩm định tỷ lệ bất khiển dụng (invalidité ) của tôi. Ông ấy đánh giá là 3% và từ nay tôi không thể mang xách vật nặng trên 10kg.

Tôi nộp hồ sơ kết luận này cho CSST để đòi hãng bồi thường. Nhưng như tôi đã nói, chủ hãng tôi là người Do Thái nên ông ta khiếu nại và nhờ CSST cho phép hãng ông gởi tôi đi bác sĩ chuyên khoa khác. Người ta thường nói:"mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Bác sĩ của hãng thẩm định tôi đủ sức khỏe để trở lại làm việc. Tôi làm đơn khiếu nại nhờ luật sư miễn phí của cơ quan Giúp Đỡ Pháp Luật (Aide Juridique) can thiệp với CSST. Hãng tôi trả lời với luật sư của tôi là họ đồng ý trả tôi 3.000 đồng bồi thường. Tôi không đồng ý và nhờ luật sư đưa nội vụ ra hội đồng tài phán của CSST phân xử. Nhưng tôi không đủ tiền bạc để đem phần thắng về mình: hội đồng giữ y kết luận của bác sĩ của hãng.

"Chúng ta đi mang theo quê hương". Đó là câu nói của những người Việt ở hải ngoại. Ở đâu có người Việt thì ở đó có hình ảnh của Việt Nam nhứt là qua những món ăn. Nghe nói những người Việt ra đi trong những năm 75, 76 rất thèm khát những món ăn Việt Nam vô cùng. Lúc đó, mua được một chai nước mắm đối với họ như bắt được vàng.

Ngày nay, trên khắp thế giới, chỗ nào có cộng đồng người Việt thì ở đó có chợ Việt, nhà hàng Việt. Tôi còn nhớ, trong một chuyến về Việt Nam, khi quá cảnh 11 giờ ở phi trường Narita, Nhật Bản, tôi và một người Québécois đồng hành ra ngoài lấy xe lửa tốc hành đi thăm thủ đô Tokyo. Chúng tôi đi dạo trung tâm thượng mại bên cạnh ga xe lửa trung ương của Tokyo trông thấy một quán phở Việt Nam trong khu ăn uống ở đó.

Ai tới quận Cam, ở miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ nơi tập trung ngườii Việt đông đảo nhứt trên thế giới, đặc biệt tại khu vực được mệnh danh là Tiểu Sài Gòn (Little Saigon), cũng có cảm tưởng như mình đang ở Sài Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam trước năm 75, có khác chăng là người ta chỉ thấy xe hơi chứ không có xe gắn máy di chuyển trên đường phố. Ở đây không thiếu thứ gì của Việt Nam. Rau quả, thực phẩm, kể cả mắm đều được sản xuất tại chỗ. Tôi đã sang đây nhiều lần và có một lần tôi ăn Tết tại đó. Trong những ngày giáp Tết, chung quanh khu Phước Lộc Thọ, có đủ thứ gian hàng bán hoa, pháo, bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa hành, liễn đối, bao lì xì... giống như ở chợ Bến Thành ngày xưa chỉ thiếu gian hàng kem đánh răng Perlon và Hynos với hình anh Chà nhe hai hàm răng trắng. Chiều 30 Tết năm đó, tôi ngồi trong một quán phở, nghe tiếng pháo nổ mà nhớ da diết những ngày Tết ở Sài Gòn trước năm 75.

Ở khu vực Đại Montréal (Grande Montréal) tức là thành phố Montréal và vùng phụ cận có nhiều chợ thực phẩm Á Châu. Những ngôi chợ đầu tiên là của người Miên gốc Hoa như chợ Kim Phát (đầu tiên ở Côte Des Neiges nay thêm hai chợ khác ở Jarry và Taschereau); chợ Asie (nay là Oriental) và chợ Pnom Penh (nay đã sang cho người da đen ), ở góc đường St Denis và Jean Talon; Wing Phát (nay thành nhà hàng) và Kei Phát ở đường Jarry gần đường Pie X. Tôi còn nhớ có một ngôi chợ của người Việt là chợ Hậu Giang ở đường St Laurent, phố Tàu đã dẹp bỏ từ lâu, chủ nhân sau đó chỉ chú tâm khai thác nông trại trồng rau ở Québec và Floride. Các ngôi chợ của người Hoa gốc Chợ Lớn như Kiến Vinh, Kiến Xương ở phố Tàu nay đã ngưng kinh doanh. Sau này xuất hiện những ngôi chợ của người Hoa gốc Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông như các chợ Hawaii (ở đường Pie X), C&T (ở đường Laurentien và ở đường Taschereau, Brossard), G&D ở phố Tàu...Ở những chợ này, người ta có thể tìm mua được ổi, xoài, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng. mít...nhưng giá thật là mắc.

Về mặt nhà hàng ăn ở đây, có người nói " rất nhiều nhà hàng tưng bừng khai trương nhưng rồi âm thầm dẹp tiệm" giống như nhà hàng Chim Sẻ của chúng tôi. Thành thật mà nói đa số những người kinh doanh nhà hàng ở đây không phải là người chuyên nghiệp. Chỉ là "gặp thời thế thế thời phải thế". Còn dân chuyên nghiệp như chúng tôi thì...thất nghiệp.

Người Tây Phương ở Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) hay ở Âu Châu đều thích nhứt hai món ăn Việt Nam: chả giò mà tôi không biết ai đã kiêu hãnh dịch là rouleau impẻrial (bánh tráng cuốn hoàng gia) và phở (soupe Tonkinoise). Nhìn một ông Tây húp sùm sụp chén nước măm khi ăn chả giò hay tô nước phở ta biết ông ấy đang khoái khẩu cở nào! Nghe nói trong thực đơn hàng ngày của tổng thống Mỹ có món phở của Việt Nam.

Năm 1993, má tôi từ Việt Nam qua thăm chúng tôi. Đồng thời cô Bảy tôi cũng từ Mỹ sang đây chơi. Khiêm đã ra ngoài thuê chỗ khác ở. Tôi để hai bà ở chung phòng của Khiêm để chị dâu và em chồng tâm sự.

Má tôi đi máy bay một mình từ Việt Nam qua đây dù không biết một chữ tiếng Pháp hay tiếng Anh. Nghe bà kể lại chuyến hành trình qua nửa vòng trái đất của bà, mọi người không thể nín cười. Trên máy bay, khi tiếp viên phi hành hỏi bà ăn gà hay bò, bà dùng hai tay đập hai bên hông như con gà đập cánh để cho biết bà muốn ăn gà. Đến phi trường Montréal, khi vào hải quan bà không biết trả lời các câu hỏi của họ nên bà chỉ ra ngoài cửa rồi ra dấu chỉ vào bụng, chụm hai tay là dấu bụng bầu rồi giơ ngang tay chỉ độ cao. Ý của bà là con bà đang chờ ngoài cửa. Thế là nhân viên hải quan hiểu ý bà, ra ngoài gọi tôi vào thông dịch cho bà.

Cô Bảy tôi đi qua với vợ chồng con trai thứ của bà, thằng Sáu, hai đứa con của Sáu và một đứa con của anh thằng Sáu là thằng Dũng. Dũng là người giúp tôi ra đi. Sáu chở gia đình qua tôi bằng một chiếc xe van 7 chỗ. Suốt mấy ngày ở bên nhà tôi, nó thường ngồi ngoài xe uống bia. Năm 2002, chúng tôi qua Cali thăm cô Bảy, khi đó bà đã được các đứa em họ tôi gởi vào nhà dưỡng lão. Gặp tôi, bà nắm lấy tay tôi nói tôi bảo các con bà đem bà về nhà, vì ở nhà dưỡng lão buồn quá. Tôi thấy tội nghiệp cho bà, nhưng theo các em tôi nói, ở nhà vì đã lẫn, đêm nào bà cũng đến phòng từng đứa đập cửa làm chúng không tài nào ngủ được để sáng hôm sau dậy đi làm. Đó là dịp cuối cùng tôi gặp lại cô tôi. Năm sau, các em tôi báo cô tôi mất, nhưng tôi không thể qua thăm viếng cô được vì tôi vừa mua nhà và đang dọn vào nhà mới.

Má tôi ở với tôi và em gái tôi được sáu tháng thì nhứt định đòi về Việt Nam dù chúng tôi năn nĩ bà ở lại để chúng tôi làm thủ tục định cư cho bà.

Tháng năm 1993, chủ nhà tôi ở đường St-Zotique, lấy nhà lại cho người thân ở. Chúng tôi thuê một căn nhà khác ở đường Maisonneuve, gần đường Lorimier, dưới chân cầu Jacques Cartier. Ở đây gần trung tâm phố, nên thường thường vào buổi chiều, vợ chồng tôi tản bộ xuống đường Ste-Catherine đến tận ga métro Berri-Uqam sau bữa cơm chiều. Khu này được mệnh danh là làng của những người đồng tính (Village Gai). Ở đây, trên đường người ta trông thấy những cặp đàn ông hay thỉnh thoảng có vài cặp đàn bà âu yếm dắt nhau dạo phố. Luật ở bên đây cho phép hai người đồng giới tính kết hôn với đầy đủ quyền lợi như vợ chồng bình thường.

Đi ngang qua các bar rượu, nhìn vào chúng tôi thấy một cô ca sĩ đang uốn éo hát trước khán giã ngồi chung quanh. Quan sát kỷ chúng tôi mới nhận ra đó là một người đàn ông trong y phục phụ nữ với một cái khăn cột ở cổ nhưng trang điểm đẹp như một giai nhân. Hàng năm, vào giữa tháng 8, thành phố đều có một cuộc diễn hành của người đồng tính, đầy màu sắc rất ngoạn mục đi qua những đường phố lớn ở trung tâm.

May gia công tại nhà tuy vất vả: làm việc mười mấy giờ mỗi ngày nhưng có lợi thế là không phải ra ngoài nhứt là vào mùa đông lạnh giá và có thể trông nom con cái、

Sáng, vợ tôi dậy sớm lo cho tôi và hai con bữa ăn sáng tại nhà và riêng tôi bữa ăn trưa mang theo ăn trong hãng. Xong rồi, nàng phải ngồi lên bàn may đến trưa thì phải vào nhà bếp chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả gia đình. Sau khi đi làm về, ăn cơm xong , tôi lên máy overlock phụ vợ. Chúng tôi ít khi đi ngủ trước nửa đêm.

Cực nhứt là khi may hư đồ, chủ bắt sửa lại mà thời gian gấp rút, số lượng hàng sửa lại mấy trăm cái, chúng tôi phải thức trắng mấy đêm liền để sửa đồ. Bình thường, mỗi đợt hàng khi làm finition chúng tôi cũng phải thức đêm để làm cho xong hàng. Sau này, chúng tôi để dành tiền mua thêm một cặp máy mới nên ra hàng nhanh hơn và có máy dư để con gái phụ mỗi khi nó rãnh.

Chúng tôi đã may cho nhiều contracteur khác nhau tuỳ theo cách trả tiền công của họ. Người nào trả tiền công sòng phẳng: nhận hàng xong trả tiền liền thì chúng tôi tiếp tục làm cho họ, nếu họ thiếu lại để trả sau, nhiều lần như vậy thì chúng tôi sẽ tìm chỗ may khác. Chúng tôi cũng có may cho em gái tôi.

Có một anh Tây Còi, biết nhà tôi nhận may gia công nên anh ta nhờ chúng tôi lãnh may tạp dề (tablier). Hàng này đơn giản, giá lại cao nên chúng tôi nhận may. Sau vài lần trả tiền sòng phẳng, lần cuối cùng anh ta giao tôi số hàng khá nhiều. Khi anh ta nhận hàng, anh ta nói để hôm sau anh ta sẽ trả tiền. Sợ mất mối làm ăn giá cao, tôi miễn cưỡng đồng ý cho anh ta lấy hàng. Nhưng anh ta đi luôn không trở lại. Thế là chúng tôi đã may không công cho anh ta mấy ngày trời. Tên anh ta là André Lalumière, tôi đổi tên anh ta lại là André Desténèbres. Sau này, tôi tình cờ trông thấy anh ta dưới phố. Vợ tôi định gọi anh ta lại để đòi tiền nhưng tôi ngăn vợ tôi lại vì nghĩ rằng anh ta có thể chối vì mình không có bằng chứng.

Những năm đầu của thiên kỷ thứ ba, hàng may được các hãng lớn đưa về các nước Nam Mỹ và Á Châu làm vì ở những nơi đó giá nhân công rẻ hơn. Ai còn theo nghề may chỉ được trả công với giá thật bèo. Lúc đó, hai đứa con tôi đã ra trường, có việc làm thu nhập cao, chúng tôi không cần phải theo đuổi nghề may nữa.

Mùa hè ở Montréal là mùa của các lễ hội. Những cuộc diễn hành đầy mầu sắc ở trung tâm thành phố như: diễn hành Saint- Patrick của cộng đồng người Ái Nhĩ Lan với màu tượng trưng xanh lá cây khởi đầu cho mùa lễ hội trong mùa xuân vào giữa tháng 3; diễn hành Carifête của các sắc dân Caribe da đen vào giữa tháng 6, diễn hành St-Jean Baptistengày 24-6 của người Québecois, diễn hành Fierté Gai của người đồng tính vào đầu tháng 8... Rồi đến các buổi nhạc hội ngoài trời như các festival Jazz, Juste Pour Rire, Francofolie...

Cũng phải kể đến cuộc thi bắn pháo bông quốc tế kéo dài suốt tháng 7, mỗi tuần một hoặc hai buổi tối vào thứ tư và thứ bảy và mỗi lần nửa giờ bên La Ronde trên đảo Ste-Hélène nằm giữa sông Saint Laurent. La Ronde là một khu vui chơi tương tự như Disney World nhưng đóng cửa vào mùa đông. Trong khi bắn pháo bông thì cầu Jacques Cartier cấm xe cộ lưu thông để cho người đi bộ lên cầu xem pháo bông. Khi tôi ở dưới cầu Jacques Cartier thì tôi chỉ cần đi bộ ra phía sau nhà là có thể xem pháo bông. Sau này, khi tôi sang ở bên Longueuil tức là phía bên cầu Jacques Cartier, tôi chạy xe tới parking của trung tâm thương mại Place Longueuil và mang theo ghế xếp để ngồi xem pháo bông.

Thành phố còn tổ chức những hội chợ thương mại (foire commerciale) hay còn gọi là vente trottoir trong nhiều khu phố. Người ta bày hàng ra giữa đường (đã được rào chắn) bán giá rẻ. Bà xã tôi, một người rất thích shopping ít khi bỏ qua những dịp này、

Ở thành phố St-Jean-Sur-Richelieu, ngoại ô của Montréal, vào đầu tháng 8 có một lễ hội thi khinh khí cầu quốc tế. Người ta có thể lên khinh khí cầu để trải nghiệm một chuyến bay quanh khu vực này nhưng chỉ dành cho người thích cảm giác mạnh và dám bỏ ra vài trăm đồng cho cuộc du hành.

Montréal có một khu vực sát bờ sông gọi là Vieux Montréal (Montréal cỗ) trong đó có Vieux Port (Cảng cũ) là nơi lui tới của khách du lịch. Vào mùa bắn pháo bông, nơi đây người ta có thể ngắm pháo bông rất gần nên đầy nghẹt người.

Montréal có nhiều bar club thoát y vũ: danseuse nue (vũ nữ thoát y) dành cho đàn ông và danseur nu (vũ nam thoát y) dành cho đàn bà (club 281 trên đướng Ste-Catherine). Người đồng tính cũng không mất quyền lợi, họ có những club danseur nu (vũ nam thoát y) cho đàn ông ở làng đồng tính của họ.

Tuy không còn là kinh đô may mặc, nhưng Montréal vẫn là thiên đường mua sắm. Hai công ty bách hoá lâu đời nhứt của Canada hiện diện ở Montréal là La Baie và Eaton.

Compagnie de la Baie d’ Hudson (HBC) được thành lập ngày 2/5 năm 1670, ban đầu chỉ là một công ty của người Anh chuyên trao đổi hàng hoá mang từ Anh với lông thú của người da đỏ bản xứ. Dần dần, La Baie trở thành một công ty bách hoá bán đủ thứ từ quần áo đến đồ gia dụng lớn nhứt ở Canada. Hiện nay, La Baie có khuynh hướng bán lẻ các sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng như Micheal Kors, Guess, Polo, Tommy Hìlfider, Lacoste, Under Armour, Nautica ...

The T. Eaton Company Limited thường gọi là Eaton’s là một công ty bách hoá, sở hữu của gia đình họ Eaton, thành lập năm 1869 ở thành phố Toronto. Nhưng công ty này bị sự cạnh tranh khốc liệt của La Baie và Wal Mart phải đóng cứa năm 1999.

Công ty Sears của Mỹ thành lập những chi nhánh bên Canada nhưng đầu năm 2018 cũng đành dẹp tiệm vì gặp khó khăn.

Montréal có rất nhiều trung tâm mua sắm. Ở dưới phố, dọc theo đường Ste-Catherine người ta thấy một dãy dài nhiều cây số cửa hiệu nối tiếp nhau ngoài mặt đường và trong lòng đất. Montréal tự hào có một tiểu thành phố ngầm dưới đất nối từ Complexe Guy Favreau đến ga xe lửa trung ương Bonaventure. Các trung tâm thương mại với mọi thứ cửa hàng, rạp hát và quán ăn như Complexe Desjardins, Place des Arts, La Baie, Promenade Cathédrale, Complexe Des Ailes, Centre Eaton, Place Montréal Trust, Court Mont Royal, Place Ville Marie và Place Bonaventure. Cho dù bên ngoài trời lạnh đến đâu, người ta vẫn có thể mua sắm, ăn uống thoải mái, xong bước lên xe điện ngầm để về nhà từ thành phố ngầm này.

Ngoài khu thương mại ở trung tâm thành phố, Montréal có những trung tâm khác trong thành phố và các vùng phụ cận: Promenade du Boulevard ở góc đường Pie X và Jean Talon, Galerie d’Anjou ở Anjou, Place Versailles ở đường Sherbrooke, Cantre Rockland trên boulevard de l’Acadie, Carrefour Angrignon trên đường Newman ở La Salle; Place Longueuil, Cantre Jacques Cartier, Place Des Ormeaux ở Longueuil; Mail Champlain và Dix Trente ở Brossard; Carrefour De La Rive Sud ở Boucherville; Carrefour Laval ở Laval...Mới đây, người sành mua sắm có thêm một oulet ở Mỉrabel.

Hai công ty bách hóa Mỹ lớn nhứt thế giới là Wal Mart và Costco cũng có mặt ở Montreal.

Wal Mart xâm nhập vào Canada ngày 17/3 năm 1994 sau khi mua dây chuyền bách hóa Woolco. Ngày nay, Wal Mart bán cả thực phẩm trong cửa hiệu của mình.

Costco là công ty bán sỉ do hai công ty Price Club ở San Diego và Costco Whole Sale ở Seattle sáp nhập với nhau từ năm 1993 . Muốn mua hàng ở Costco, người ta phải đóng tiền phí hàng năm để có thẻ hội viên.

Siêu thị Métro sáng lập tại Verdun, Montréal năm 1947 được người Québecois ưa chuộng nhứt. Cũng xuất phát tại Montréal từ năm 1999, siêu thị Super C có giá cả tương đối rẻ cho người tiêu dùng.

Công ty Loblaw ở Ontario thu tóm hai thường hiêu Maxi và Provigo những vẫn giữ hai tên đó hiện diện ở Montréal

Hệ thống siêu thị IGA (Independent Grocers Alliance) của Mỹ cũng bỏ vòi qua Canada.

Ngoài ra ở Montréal và vùng phụ cận còn có các siêu thụ Adonis của cộng đồng người Liban, Intermarché của cộng đồng người Hy Lạp…

Montréal còn có những chuỗi cửa hàng thực phẩm chúc năng (biologique) như Avril, Bulk Barn...

Năm 2000, con trai tôi ra trường và làm việc ở thành phố Québec về ngành điện toán. Québec cách Montréal khoảng 252 km là thủ đô của tỉnh bang Québec. Nếu chúng ta không đi xe hơi riêng và cũng không dùng máy bay để đi từ Montréal đến Québec thì có thể đi bằng xe bus hay xe lửa. Mỗi ngày, có 17 chuyến xe bus của hãng Orléan Express nối liền hai thành phố đó. Thời gian của chuyến hành trình là 3 giờ. Giá vé từ 25$ trở lên.

Nếu ai muốn thoải mái hơn có thể sử dụng phương tiện xe lửa. Mỗi ngày có 9 chuyến xe lửa của công ty quốc doanh Via Rail đi từ Montréal đến Québec và ngược lại. Thời gian hành trình là 3 giờ 24 phút và giá vé thấp nhứt là 36 $.

Du khách đến thành phố Québec có thể đi thăm các thắng cảnh nổi tiếng như phố cỗ Québec, đồi Abraham, lâu đài Frontenac và thác Montmorency.

Con trai làm việc 5 ngày ở Québec, cuối tuần nó lái xe về nhà ở Montréal.

Năm 2002, con gái tôi ra trường nha khoa và đi làm ở thành phố Sept-Iles ở miền bắc Québec cách Montréal gần 1000 km. Sept-Iles nằm trên cửa sông St-Laurent với dân số 30.000 người.

Con gái tôi làm việc trên đó được 10 năm mới trở về làm tại Montréal. Trong thời gian đó, mỗi năm hai lần vợ chồng tôi đi xe bus lên thăm con gái. Chuyến hành trình của chúng tôi kéo dài 14 tiếng đồng hồ. Từ Montréal chúng tôi đi xe bus Orléan Express đến Québec. Từ đây, chúng tôi lấy bus Intercar đi Sept- Iles. Dọc đường đi, quang cảnh thật hùng vĩ và ngoạn mục vì một bên là núi cao và một bên là biển sâu. Chúng tôi phải qua phà ở Tadoussac và xe bus đổi tài xế ở Baie-Comeau. Mỗi ngày chỉ có một chuyến xe bus đi Sept-Iles.

Mỗi lần lên thăm con gái, trên đường về, nhìn quang cảnh núi rừng hoang vắng bên phải , tôi bùi ngùi suýt rơi nước mắt vì thương cho con gái tôi sống một thân một mình ở một nơi xa xôi như vậy. Ở thành phố Sept-Iles này , ban đầu nó là người Việt duy nhứt sống ở đây, sau đó có hai vợ chồng bạn nó cũng là người Việt làm việc ở bệnh viện Sept-Iles lên đây rồi sau vài năm hai người đó đổi về gần Montréal thì nó trở lại là người Việt duy nhứt ở thành phố này.

Con trai tôi chỉ làm việc một thời gian ngắn ở thành phố Québec rồi về làm tại Montréal vì ngành của nó tập trung tại thành phố lớn. Mãi tới năm 2012, gia đình tôi mới tập trung đầy đủ tại Montréal.

Những năm đầu định cư ở Montréal thật là vất vả cho chúng tôi. Hai đứa con còn nhỏ, chúng tôi phải lo cho chúng ăn học đến nơi đến chốn. Vợ tôi may ngày may đêm, còn tôi ban ngày đi làm hãng, ban đêm phụ vợ may. Đến khi hai con ra trường đi làm, chúng tôi mới thấy nhẹ nhàng. Tôi còn nhớ câu nói của Nguyễn Bình Tưởng, bạn tôi định cư ở Toronto, là anh cảm thấy mình đã hoàn thành bổn phận làm cha mẹ khi đứa con gái anh vừa tốt nghiệp dược sĩ.

Gần 10 năm kể từ ngày định cư ở Montréal, mùa hè năm 1997, gia đình tôi và gia đình hai đứa em vợ gồm 9 người chất đống lên một chiếc xe van thuê 7 chỗ đi qua Boston, Hoa Kỳ để thăm anh Xuân, người anh chú bác của vợ tôi. Khi qua trạm quan thuế ở biên giới, nhân viên quan thuế trố mắt nhìn, ngạc nhiên khi thấy chừng ấy người chen chúc trên xe. Đó là lần đi chơi xa đầu tiên của vợ chồng tôi sau bao năm miệt mài “cày bừa”.

Anh Xuân là một sĩ quan hải quân, hạm phó chiến hạm HQ 403, trong ngày 30/4/75 đã theo tàu ra đến Côn Sơn, nhưng vì vợ con còn kẹt lại nên sau khi hạm trưởng sang tàu của hạm đội Mỹ, anh lái tàu trở về Việt Nam cùng một số người hoàn cảnh giống như anh. Về sau, anh cũng ra đi sang định cư ở miền đông bắc Hoa Kỳ. Vợ anh đi làm để cho anh học lại đậu bằng kỷ sư điện và đi làm cho Hải Quân Mỹ. Tình cờ, anh lại học chung với Huỳnh Ngọc Côn, trước 75 là giáo sư Lý Hoá , tốt nghiệp cùng khoá đại học sư phạm với tôi và là em của bạn tôi, Huỳnh Đạt Bửu.

Năm 2002, lần đầu tiên vợ chồng tôi đi với vợ chồng anh Châu, đi qua Toronto dự đám cưới con gái của Nguyễn Bình Tưởng. Toronto là thành phố lớn nhứt của Canada và cũng là nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Á Châu: Tàu, Ấn, Việt... Cuối năm 2015, vợ chồng tôi qua Toronto để dự tang lễ của Nguyễn Bình Tưởng. Trước đó, lần nào sang Toronto, chúng tôi đều ghé và ở nhà của Tưởng.

Năm 1999, sau 7 năm rời khỏi Việt Nam, vợ tôi về nước thăm gia đình. May mắn, nàng đã có dịp ở chơi với người mẹ mà năm sau bà ra đi vĩnh viễn. Ba năm sau, vợ tôi trở lại Việt Nam để tiễn đưa người cha đến nơi an nghỉ cuối cùng. Còn tôi từ ngày ra đi năm 1986 đến năm 1992, ba tôi mất, tôi không có điều kiện trở về để đưa ông ra đi.

Little Saigon (Tiểu Sài Gòn) thường được gọi là thủ đô của người Việt tỵ nạn, là khu vực gồm nhiều thành phố nhỏ : Anaheim, Garden Grove,Westminster, Santa Ana, Fountain Valley... thuộc Orange County (quận Cam), tiểu bang California, Hoa Kỳ. Trước năm 1975, vùng nầy là một khu vực trồng trọt, nhưng từ ngày những người Việt tỵ nạn ở trại Pendleton cách Westminster 50 dặm về phía nam và ở các tiểu bang khác đến đây định cư thì dần dần nơi đây là nơi tập trung đông đảo người Việt nhứt trên thế giới ngoài nước Việt Nam.

Đồng thời các cơ sở thương mại, truyền thông, dịch vụ... mọc lên ngày càng nhiều ở đây khiến người ta cảm tưởng rằng sống ở đây giống như ở Sài Gòn trước năm 1975. Little Saigon trở thành “thánh địa” của người Việt hải ngoại. Dù ở các tiểu bang khác của Hoa kỳ hay ở các nước khác kể cả ở Việt Nam, ai cũng mong có dịp ghé thăm nơi này ít nhứt một lần. Ở đây, người ta có cơ hội gặp lại người thân, bạn bè, lối xóm hay những nhân vật tên tuổi ở Việt Nam trước năm 75.

Lần đầu tôi sang Little Saigon là năm 2002. Chiều ngày 24 tháng 12 vợ chồng tôi bay qua thành phố San José và đón Giáng Sinh ở nhà người em gái của Vũ, em cột chèo của tôi. Sáng hôm sau, vợ chồng tôi, vợ chồng Đào (em vợ tôi), gia đình các anh em của Vũ và bạn bè của họ ở đây, cùng đi chung một chiếc xe thuê 15 chỗ đi chơi kinh đô cờ bạc Las Vegas. Từ San José đi Las Vegas chúng tôi đi qua sa mạc Nevada mất 10 tiếng đồng hồ.

Có 79 sòng bạc ở Las Vegas nằm trong khách sạn. Mỗi khách sạn được xây dựng và trang trí màu sắc sặc sở với những mô hình các biểu tượng của các địa danh trên thế giới như tháp Eiffel của Paris, kim tự tháp của Ai Cập, tháp đồng hồ của London... Nổi tiếng nhứt là khách sạn, sòng bài Ceasar Palace trong đó có một hí viện, nơi mà các ca sĩ thượng thặng của thế giới như Céline Dion, Diana Ross... trình diễn. Ở đây, nếu người ta đi vào bên trong các khách sạn với đầy đủ các cửa hiệu, nhà hàng, dịch vụ ngoài đánh bạc và nghỉ ngơi thì thời gian như đọng lại và hầu như người ta không còn phân biệt được ngày hay đêm.

Sau hai ngày đêm ở Las Vegas, thời gian không đủ để tôi trải nghiệm mọi thứ ở đó, tôi quá giang xe của một người bạn của gia đình anh em của Vũ đi xuống nam Cali.

Từ Las Vegas đến Little Saigon mất khoảng 5 tiếng đồng hồ lái xe. Tôi nói người bạn của gia đình Vũ ngừng trước nhà hàng Viễn Đông của ông nghị Tony Lâm và mời gia đình chú ấy vào ăn trưa với chúng tôi. Trong khi ăn, tôi gọi điện thoại cho Huệ Lan, em cô cậu của tôi ra đón chúng tôi. Sau khi gia đình người cho tôi quá giang từ giã tôi và lái xe đi, chúng tôi ra ngoài nhà hàng chờ cô em tôi. Hơn nửa giờ trôi qua, chúng tôi không thấy một người phụ nữ nào lái xe tới. Em họ tôi định cư ở Mỹ đã hai mươi năm và từng ấy năm chúng tôi không gặp nhau, chắc chắn gặp nhau chúng tôi khó nhận ra vì bao lâu nay chỉ nói chuyên với nhau qua điện thoại. Tôi để ý thấy có một ông già lái xe hơi chạy lòng vòng trong parking lot như tìm ai vậy. Thình lình ông ta dừng xe trước chúng tôi, mở cửa xe bước xuống, đến hỏi tôi: ” có phải anh hai đây không? “ Tôi nhìn kỷ gương mặt ông già đó, chợt nhận ra đó là Phương, anh của Huệ Lan. Nhưng có điều theo tôi được biết là Phương ở bên tiểu bang Virginia, phía đông nước Mỹ mà tại sao có mặt ở đây.

 

Tôi hỏi lại: “có phải Phương đây không? “. Ông già gật đầu và nói: “nãy giờ em chạy mấy vòng thấy hai vợ chồng anh đứng đây mà không dám đến hỏi vì không chắc là anh chị. Huệ Lan nhờ em ra đón anh chị đây”. Tôi không ngờ Phương nhỏ hơn tôi 4 tuổi mà trông già hơn tôi nhiều. Tôi được biết Phương và gia đình ở thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia và làm tài xế xe bus. Phương cho tôi biết vợ chồng nó nghỉ vacation nhân dịp lễ Giáng Sinh nên qua đây chơi.


Nhà Huệ Lan ở đường Cork, thuộc thành phố Garden Grove cách đây không xa. Huệ Lan đã ly dị và hiện sống với đứa con gái nhỏ. Phương và Huệ Lan là con của cô Bảy tôi. Cô có tất cả 9 người con, trong đó hai người con trai lớn cùng trang lứa với tôi đã mất trong cuộc chiến ở vị thế chiến tuyến khác nhau như tôi đã đề cập trong chương đầu. Gia đình cô còn 7 đứa con tất cả đều ở Mỹ, 4 đứa ở miền đông và 3 đứa ở miền tây. Cô tôi, trước đây ở với Huệ Lan, nay được các em tôi đưa vào viện dưỡng lão


Hôm sau, tôi mướn một chiếc xe hơi để tiện di chuyển. Tôi gặp lại các đứa em ở cùng xóm với vợ tôi như Huệ, Ngọc Lan và Thạch là con của bác Tiệm. Ngọc Lan lại là học trò của tôi ở trường Nguyễn Trãi. Tôi cũng gặp Sinh, con gái bác Thợ và chồng là Thọ. Tha hương ngộ cố tri. Gặp nhau chúng tôi mừng lắm. Sau khi kéo nhau vào nhà hàng Tàu ăn điểm sấm, nhóm phụ nữ kéo nhau đi mua sắm, thì bọn đàn ông chúng tôi đi uống cà phê ở quán Dĩ Vãng. Ở đây các cô phục vụ ăn mặc rất “mát mẻ” nên không ai muốn về cả. Thạch ở San Diego, cách khu Little Saigon độ hai tiếng lái xe. Tội nghiệp, sau lần gặp gỡ đó, vài năm sau tôi được tin Ngọc Lan mất đi vì bệnh khi vừa tròn 40 tuổi.

 

Trong thời gian ở nam Cali , tôi đi thăm cô bảy tôi. Và tôi cũng không quên chở vợ tôi đi shopping. Tôi còn nhớ một đêm, khi tôi mở radio để nghe các đài tiếng Việt thì được tin ca sĩ Duy Khách qua đời tại một bệnh viện ở Fountain Valley.

Trong hơn 30 năm ở Canada, tôi đi qua Mỹ chơi mười mấy lần. Riêng nam Cali, tôi đã sang đó bốn lần.

Năm 2007, trong khi vợ tôi về Việt Nam có công việc gia đình, tôi một mình sang nam Cali ăn Tết và tham dự tiệc tất niên của Hội Đồng Hương Trà Vinh mà chủ tịch là anh Văn Tường, cựu hiệu trưởng trường trung học bán công Trần Trung Tiên ở Trà Vinh, trước 75.

Tôi đi máy bay đến phi trường John Wayne, Santa Ana. Ra cửa, tôi gọi taxi về nhà cô em họ ở Garden Grove. Anh tài xế là người gốc. Spanish. Anh ta cứ chạy loanh quanh các freeway để câu giờ dù tôi đã đưa địa chỉ của em họ tôi cho anh. Sau cùng, khi xe tới ngã tư Brookhurst và Westminster tôi bảo tài xế ngừng để tôi xuống trước tiệm bánh mì Lee’s Sandwich, chứ để anh ta tìm đường vào nhà em tôi thì chắc còn “hao” hơn.

Tôi băng qua đường, vào một nhà hàng ăn một tô bún dằn bụng rồi xách va li lội bộ vào nhà em tôi. Rủi thay, khi đến nơi, bấm chuông nhiều lần, tôi không thấy ai mở cửa. Tôi đã sơ ý không báo trước giờ đến của tôi nên nó đã đi làm, không ở nhà chờ tôi. Tôi đành bỏ va li quần áo trong một buội cây rồi đi trở lại ngã tư Brookhurst và Westminster. Tôi ghé chợ Viễn Đông mua một thẻ phone và vào tiệm Lee’s Sandwich gọi một ly cà phê sữa đá và ngồi chờ Nguyệt Viên, học trò cũ của tôi ở trường trung học Vĩnh Bình. Trước đó, Nguyệt Viên đã email cho tôi hẹn gặp tại đây để cùng dự buổi họp mặt Trà Vinh. Hơn 40 năm kể từ lúc tôi dạy toán cho lớp đệ nhị B2 của Nguyệt Viên đến nay, thầy trò chưa hề gặp lại nhưng khi một cặp nam nữ bước vào và nhìn quanh quất tôi biết đó là vợ chồng Nguyệt Viên.

Hai người lấy xe đưa tôi về lấy va li rồi chạy ra khu Phước Lộc Thọ. Chúng tôi tới tiệm sách Văn Bút của anh Văn Tường, nhưng anh Tường đi San Diego chưa về. Vợ chống Viên đưa tôi đi dạo quanh khu Phước Lộc Thọ rồi vào ăn ở tiệm bún mắm của ca sĩ Thanh Mai. Trở lại tiệm sách Văn Bút, chúng tôi gặp Kim Hữu Phương, một học sinh cũ của Trà Vinh, được mệnh danh là “thổ công” của Trà Vinh. Sau này, về Việt Nam tôi gặp một “thổ công” Trà Vinh khác là Huỳnh Trung Đông. L‘homme qui savait trop. Người ta muốn biết lý lịch một nhân vật hay một sự kiện nào đó ở Trà Vinh thì cứ hỏi hai ông “thổ công” đó.

Trong lần thứ hai trở lại Nam Cali này, không những tôi đã hưởng một cái Tết ở hải ngoại có hơi hướm cái Tết của Sài Gòn, tôi còn gặp lại những người bạn cũ, học trò cũ ở Trà Vinh sau gần nửa thế kỷ không gặp trong tiệc "32 Năm Hội Ngộ” tại nhà hàng Regent West. Tôi cũng đã đi viếng khu vui chơi Disney Land. Nhưng đáng nhớ nhứt là bữa tiệc tại nhà anh Võ Văn Diệu vừa thưởng thức những món ăn ngon do phu nhân anh Diệu khoản đãi, vừa cười ngã nghiêng với tài kể chuyện hài của anh Võ Trung Tín.

Năm 2011, vợ chồng tôi sang nam Cali dự Đại Hội Cựu Học Sinh Trung Học Ngô Quyền Toàn Thế Giới theo lời mời của các em học sinh cũ của trường Ngô Quyền, Biên Hoà.

Xuống phi trường John Wayne, Santa Ana lúc gần nửa đêm, tôi mướn một chiếc xe hơi để về nhà Huệ Lan. Em đang ngồi chờ chúng tôi với hai tô phở lớn vì biết chúng tôi chưa ăn gì trên máy bay trong suốt cuộc hành trình gần 6 tiếng đồng hồ từ Montréal sang đây.

Ngày hôm sau, tôi lái xe đưa vợ tôi lên thăm bác Thợ và gia đình Xinh, con gái bác ở thành phố nhỏ Hacient Heighs cách Little Saigon độ hơn nửa giờ lái xe. Xinh cũng đón tiếp chúng tôi với hai tô phở lớn như Huệ Lan đêm hôm qua. Nhà Xinh tuy không lớn nhưng có một sân nhỏ phía sau, nơi đó bác Thợ trồng rau và hoa. Bận về, tôi theo GPS chỉ chạy theo một con đường nhỏ hai chiều trên đèo vào ban đêm nên khá nguy hiểm.

Tôi cũng lái xe lên thành phố Diamond Bar, cách nhà em họ tôi khoảng 45 phút lái xe để thăm anh Nguyễn Quang Hiền. Anh Hiền là bạn thân dạy chung với tôi ở Trà Vinh trước 75. Được biết anh đang ở một nhà thuộc loại như nhà dưỡng lão để chăm sóc cho người vợ bị bệnh. Tiếc thay, khi tôi tới thì không gặp anh, bà quản gia khu nhà này cho biết anh đã lái xe ra ngoài. Tôi lên phòng anh. viết một tin nhắn trên một mảnh giấy dán ở cửa phòng ghi rằng tôi đã có đến đây và để lại số điện thoại của tôi cho anh.

Hôm sau anh Hiền gọi điện thoại cho tôi. Tiếc rằng, anh đã lãng tai, nên cuộc nói chuyện theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” khiến tôi không hiểu rõ hoàn cảnh của anh hiện nay như thế nào. Đại khái qua trình bày của anh thì hôm tôi lên thăm anh thì anh đã về nhà con gái anh để thăm các cháu ngoại.

Khi tôi trở về Montréal ít lâu thì nhận được thơ của anh Hiền. Trong thơ, anh cho biết rất cám ơn bạn bè và học trò cũ đã lưu tâm thăm hỏi anh, nhưng hiện anh mang nhiều thứ bệnh và bác sĩ cho biết anh không còn sống bao lâu nên anh dành thời gian còn lại cho gia đình, bạn bè và học trò cũ muốn hỏi thăm anh thì viết thơ cho anh, anh sẽ trả lời. Tôi dùng mạng chuyển thơ của anh đến mọi người.

Không bao lâu, khi tôi đang ở chơi Việt Nam thì Nguyễn Quang Hưng, em của anh Hiền cũng đang ở Việt Nam cho tôi hay anh Hiền vừa mất. Tôi, các bạn đồng nghiệp cùng dạy chung với anh ở Trà Vinh và các học trò cũ của anh gởi lời chia buồn với Hưng.

Chiều ngày 2/7 vợ chồng tôi đến nhà Kiệt và Chung ở đường Garden Grove để dự bữa tiệc Tiền Đại Hội Ngô Quyền. Ở đây tôi gặp lại các bạn đồng nhiệp dạy chung ở Biên Hoà như các anh: Lê Văn Tuý, Mai Kiến Phúc, Nguyễn Thất Hiệp... Nhà Kiệt và Chung rất rộng rãi và trong sân nhà có một hồ tắm rất lớn. Các bàn ăn được bày quanh hồ. Thầy trò và bạn học ăn uống và trò chuyện vui vẻ đến 10 giờ tối mới ra về.

Sáng chủ nhật 3/7, chúng tôi đến nhà hàng Sea Food 2 trên đường Westminster dự Đại Hội Ngô Quyền. Hàng trăm người gồm cựu giáo sư và cựu học sinh trường Ngô Quyền Biên Hoà đến tham dự. Sau buổi lễ vinh danh các thầy cô, sau những bài diễn văn chào mừng và những lời bày tỏ cảm tưởng là những màn văn nghệ đặc sắc do chính các em học sinh cũ của Ngô Quyền trình bày. Những màn trình diễn nổi bật nhứt là : màn họat cảnh Ngày Xưa Hoàng Thị với những cặp học sinh nam trong đồng phục áo trắng quần xanh, nữ với áo dài trắng lã lướt trong điệu nhạc và những bài hát của Phạm Duy phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên.

Từ ngày thứ hai 4/7 đến thứ tư 6/7 hai chiếc xe bus đưa thầy trò chúng tôi đi chơi Las Vegas và Thung Lũng Lửa (Valley Of Fire). Trên xe bus, em Nguyễn Hữu Hạnh làm hoạt náo viên rất linh động, thỉnh thoảng lại cho mọi người thưởng thức vài câu vọng cỗ mùi riệu. Nếu năm 2002, chúng tôi lạnh run trong mùa đông của sa mạc Nevada thì mùa hè 2011 chúng tôi như bị nung trong lò lửa khi viếng Valley Of Fire. Trong chuyến du lịch này, các em cựu học sinh Ngô Quyền đã ưu ái miễn phí cho thầy cô như bày tỏ tấm lòng “tôn sư trọng đạo” của các em.

Vợ chồng tôi cũng không bỏ qua chuyến đi du thuyền Carnival 3 ngày từ Long Beach qua Ensenada, Mexico do các em tổ chức. Em Tô Anh Tuấn đã đưa vợ chồng tôi và gia đình anh Tuý xuống bến tàu.

Thọ, chồng Xinh chở vợ chồng tôi xuống San Diego thăm Thạch, con bác Tiệm. Thạch làm thợ máy cho hãng xe hơi Toyota nên khấm khá. Sẵn dịp, tôi ghé thăm Huỳnh Long Thăng cũng dạy toán. Sân nhà của Thăng trồng đầy những rau quả nhiệt đới: cà, thanh long...

Thạch đưa chúng tôi đi lên cầu Coronado dài hơn 3 cây số, bắc ngang căn cứ hải quân. Đặc biệt cầu này không có lối đi cho người đi bộ. Ai muốn tự tử thì chạy xe lên giữa cầu, bỏ xe đó rồi nhảy xuống biển. Cầu này rất cao để tàu có thể chui qua vào căn cứ hải quân bên dưới cầu.

Năm 2014, chúng tôi lại sang Cali nhân dịp Đại Hội Cựu Học Sinh Nguyễn Trãi Toàn Thế Giới kỳ 2 tổ chức tại nam Cali. Ngoài ra, vợ tôi muốn gặp thằng em mới định cư ở Mỹ và đang tìm việc làm tại đây. Chúng tôi đi máy bay thẳng từ Montréal sang Los Angeles. Vì máy bay bị trục trặc kỷ thuật ở sân bay Montréal nên chúng tôi đến Los Angeles trễ hơn hai tiếng. Chúng tôi đi shuttle bus từ Los Angeles đến nhà đứa em họ ở Little Saigon. Xong, tôi nhờ em tôi lái xe đến chợ ABC đón Hiệp, em vợ tôi đang chờ chúng tôi mấy tiếng đồng hồ ở đó. Chúng tôi đi ăn phở ở một tiệm gần đó.

Sáng bữa sau, tôi đi mướn xe để có phương tiện di chuyển. Tối lại, chúng tôi đi tham dự tiệc nhẹ của đêm Tiền Đại Hội tại Anaheim Convention Center không xa nhà của Huệ Lan mấy. Tuy rằng, đây là cuộc họp mặt của các cựu học sinh trung học Nguyễn Trãi nhưng đa số các cựu học sinh này thuộc thế hệ học sinh theo học khi trường Nguyễn Trãi vừa chuyền từ miền Bắc vào Nam trong đợt di cư 54, do đó họ thuộc lứa tuổi 60, 70 tức là ngang với tuổi của tôi năm đó. Do đó có một chuyện buồn cười xảy ra: khi vợ chồng tôi ngồi vào bàn trên có để tấm bảng nhỏ đề “Giáo Sư” thì có một anh đi lại chỗ tôi ngồi và nói: “xin lỗi anh, chỗ này dành cho các giáo sư”. Tôi mỉm cười nói với anh ta: ”Vậy tôi là giáo sư Nguyễn Trãi có được ngồi đây không?” Anh ta xin lỗi tôi và nói: “ Tại thầy trông trẻ quá”. Tôi nói: “ Tôi đã đến tuổi thất thập cỗ lai hy.” Anh ta cười và nói: “Tôi cũng đã 70 rồi”.

Tối hôm sau, tôi lái xe chở vợ tôi đến nhà hàng trong khách sạn Hilton ở Costa Mesa dự đại hội Nguyễn Trãi. Trong khung cảnh sang trọng của khách sạn nổi tiếng hàng đầu trên thế giới , khoảng 500 thầy cô và cựu học sinh Nguyễn Trãi của nhiều thế hệ đã có một đêm họp mặt trang trọng và vui vẻ với một bữa tiệc ngon miệng và một chương trình văn nghệ phong phú do chính các cựu học sinh trình diễn. Dịp này tôi gặp lại một số đồng nghiệp cùng dạy ở Nguyễn Trãi như: anh Lê Triều Vinh, Hà Tường Cát, chị Bùi Bích Hà, Nguyễn Mộng Thuý.. .Đặc biệt, tôi gặp lại thầy cũ của tôi là giáo sư Lưu Trung Khảo. Vài năm sau tôi được tin thầy Khảo qua đời.

Cũng trong chuyến đi này, một số em cựu học sinh trường Ngô Quyền, Biên Hoà như Lữ Công Tâm, Nguyễn Hữu Hạnh, Mai Trọng Ngãi, Ma Thị Ngọc Huệ.. có nhã ý mời vợ chồng tôi đi ăn bò bảy món ở một nhà hàng gần góc đường Westminster và Brookhurst. Nhân dịp này tôi gặp lại anh Lê Quý Thể , đồng nghiệp dạy môn lý hoá ở trường Ngô Quyền.

Nguyễn Thị Kim Huệ, học trò cũ của tôi ở Trà Vinh có nhờ tôi lên Riverside thăm con gái của Huệ đang ở đó. Sẵn dịp này, tôi chở Hiệp đi theo chơi và thử xem ở Riverside có việc gì cho Hiệp làm không.

Được tin vợ chồng tôi và Hiệp qua nam Cali,  những người lối xóm gần nhà bên vợ tôi : gia đình bác Thợ, gia đình bác Tiệm và Thuý, học trò cũ vủa tôi ở Nguyễn Trãi và là bạn của Đào, em vợ tôi cùng chúng tôi đi ăn chung ở một nhà hàng. Vài năm sau, Thọ gọi điên thoại báo tin bác Thợ mất.

Để kết thúc chuyến hành trình, chúng tôi đi xe đò Hoàng lên bắc Cali để thăm vợ chồng Trần Nguyệt Viên ở thành phố Antelope, gần San Francisco. Nhân cơ hội này, tôi nhờ Đức, chồng Nguyệt Viên chở đến thăm ông anh họ của vợ, anh Xuân đã dọn nhà từ Boston qua thành phố nhỏ Lincoln. Ngoài ra, trong chuyến đi bắc Cali lần này, tôi đã ở chơi với một số em cựu học sinh Trà Vinh như Huy, Sơn...ở Oakland. Huy đã chở tôi đi một vòng thành phố San Francisco với cây cầu nổi tiếng Golden Gate và chính Huy đã đưa tôi ra xe đò Hoàng về lại Little Saigon để chuẩn bị trở lại Montréal.

 

Montréal ở phía đông của lục địa Bắc Mỹ ( Canada, Hoa Kỳ và Mexico ), cùng phía với với Boston, New York, Washington DC...là những thành phố chúng tôi thường lui tới bằng xe. Từ Montréal theo xa lộ 15 Sud đến biên giới Canada-Hoa Kỳ độ 80km, khoảng 1 giờ lái xe. Ở đây, có một trạm kiểm soát quan thuế, trước đây người bên phía Canada muốn qua Mỹ chỉ cần trình bằng lái xe hay thẻ công dân nhưng sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở New York thì người ta phải xuất trình passport mới được đi qua.

Từ biên giới người ta cứ đi theo xa lộ I-87 S (nối tiếp của xa lộ 15 S bên phía Canada) đi thêm hơn 5 giờ nữa sẽ tới thành phố lớn nhứt của Mỹ và cũng là trung tâm tài chánh của thế giới: New York. Cũng chỉ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ lái xe người ta đi từ Montréal đến Boston, thành phố có trường đại học danh giá nhứt nước Mỹ: Havard và học viện kỹ thuật nổi tiếng trên thế giới: MIT (Massachusetts Institute of Technology). Còn để đi Washington DC, thủ đô của Hoa Kỳ từ Montréal, người ta lái xe mất 10 giờ.

Chúng tôi đã hai lần đến Boston để thăm anh Xuân lúc anh còn ở đó và nhân tiện đi tắm biển ở Cape Cod, nơi xuất thân của giòng họ Kennedy. Chúng tôi cũng nhiều lần đến New York để dạo Time Square về đêm và nhứt là ghé Woodberry Oulet cho vợ và con gái tôi mua sắm ( phụ nữ nào cũng thích đi shopping!).

Chúng tôi cũng từng đi tới Atlantic City để ghé sòng bài Casino ở đó hay đi Wildwoods để tắm biển và ăn hải sản. Nhưng chuyến đi dài ngày nhứt ở phía đông Hoa Kỳ là vào mùa hè năm 2002.


Năm đó, con gái tôi vừa ra trường nên chúng tôi quyết định tổ chức một chuyến du hành bằng đường bộ qua Vỉginia trước khi nó đi làm. Trạm đầu tiên chúng tôi ghé là thành phố Stirling để thăm Trần Kim Hoàng dạy lý hoá ở trung học Vĩnh Bình chung với tôi. Hoàng có một đứa con trai lớn hơn con trai tôi một tuổi. Mấy năm trước, gia đình Hoàng có lái xe qua Montréal thăm tôi và Nguyễn Trung Hiếu.

Hoàng đưa chúng tôi đi viếng những thắng cảnh ở thủ đô Washington như Toà Bạch Ốc, Điện Capitol, Đài Tưởng Niệm 58.000 binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam... Cháu Minh, con trai của Hoàng hướng dẫn chúng tôi đến nhà những đứa em họ, con cô bảy tôi ở đây. Mọi người hẹn nhau đi ăn ở một nhà hàng ở Eden Center, thành phố Falls Church. Đây là một buổi họp mặt có đông đủ người trong gia đình tôi và các em họ tôi ngoại trừ Phương bận đi làm cũng như cô bảy, gia đình Huệ Lan và gia đình Bảy ở bên Cali. Đặc biệt, vợ chồng Oanh từ Oregon đi xuyên bang qua đây được mấy ngày rồi.

Từ giã Hoàng và các em, chúng tôi đi xuống Vỉginia Beach tắm biển. Chúng tôi đã đặt trước khách sạn ở đó. Đặc biệt khách sạn này có nhà bếp với đầy đủ dụng cụ nấu nướng. Chúng tôi ra siêu thị mua thực phảm về khách sạn và vợ tôi trổ tài nấu nướng của nàng làm chúng tôi ăn uống ngon miệng và thoải mái hơn ở nhà hàng. Khách sạn nằm ngay bãi biển nên chúng tôi chỉ cần đi vài bước là tới nước.

Mùa hè năm 2009, tôi lên mạng vào Expedia. đặt 3 vé máy bay và khách sạn đi từ Montréal đến Orlando thuộc tiểu bang Florida. Trên thế giới có 5 công viên vui chơi Dísney (Disney Park): Mỹ có hai và Pháp, Nhật, Hồng Kông mỗi nơi có một. Riêng ở Mỹ thì có Disneyland ở thành phố Anaheim, nam Cali và Walt Disney World ở Orlando.

Tôi đã đi chơi ở Disneyland ở Anaheim năm 2007 nhân chuyến qua Cali dự Họp Mặt Đồng Hương Trà Vinh. Nhưng Orlando là nơi tập trung nhiều công viên giải trí nhứt: Walt Disney World, Magic Kingdom, Animal’s Kingdom, Universal Studio, Gatorland, Seaworld...

Chúng tôi thuê một căn hộ (apartment) có hai phòng ngủ, phòng khách , nhà bếp với đầy đủ dụng cụ nấu nướng, ăn uống. Trước mặt chúng tôi, qua cửa kính là một hồ bơi rất rộng mà ban ngày không lúc nào vắng người bơi. Chung quanh khách sạn là những vườn hoa với những băng ghế để ngồi nghỉ ngơi, ngắm hoa.

Không đủ thời gian để vào hết các công viên giải trí trong một tuần lễ ở Orlando, chúng tôi chỉ đi chơi Disney World, Magic Kingdom, Animal’s Kingdom và Gatorland. Vé vào cửa mỗi nơi thời đó cũng từ 50 đến 100 đô mỗi người.

Wald Disney World cũng giống như Disneyland chỗ khác, có những trò chơi và hình tượng trong các phim hoạt hình và phiêu lưu của Walt Dísney. Chúng tôi đi tàu như những nhà thám hiểm Anh khám phá rừng rậm Phi Cháu đầy cá sấu, hà mã... dưới sông và voi, cọp, beo, sư tử, rắn ...trên bờ. Chúng tôi viẽn du trên biển qua các lục địa như Marco Polo hay Christophe Colomb để nhìn các biểu tượng đặc trưng mỗi nước như tháp Eiffel của Pháp, kim tự tháp của Ai Cập, vạn lý trường thành của Trung Quốc..,hay những cô gái Việt Nam với áo dài, nón lá và những con trâu đen kịt, sừng dài. Trong công viên, những lâu đài đẹp rực rở như trong nhũng phim cổ tích Bạch Tuyết và bảy chú lùn hay nàng công chúa ngủ trong rừng làm chúng tôi tưởng mình đang là những nhán vật trong các phim đó. Những con khủng long giả với những tiếng gầm điếc tai làm người ta nhớ tới phim Jurrassic Park của nhà đạo diễn kỳ tài Steven Spielberg. Để vào công viên Disney World chúng tôi đi bằng tàu. Khi tàu đến gần công viên, chúng tôi thấy trước mắt như là khung cảnh của một vương quốc ở Âu Cháu thời trung cỗ thật tuyệt đẹp như tranh vẻ.

Ở Magic Kingdom, buổi chiều có cuộc diẽn hành với các biểu tượng trong các phim họat hình của Walt Disney như chú chuột Mickey, con vịt Donald... và buổi tối có màn bắn pháo bông rất ngoạn mục. Ở Animal’s Kingdom người ta có thể nhìn ngắm những động vật hoang dã trong một khu đất rộng hơn 400 trăm mẫu. Chúng tôi đến Gatorland để xem những con cá sấu đủ loại mà Florida là nơi có nhiều đầm lầy đầy cá sấu. Đặc biệt ở đây có một loại cá sấu trắng tôi chưa bao giờ thấy. Chúng tôi xem một màn biểu diễn đọ sức giữa người và cá sấu, tuy nhiên không toát mồ hôi lạnh bằng màn biểu diễn tôi từng xem ở Thái Lan khi mà người biểu diễn dám đưa tay hay đầu vào miệng cá sấu đang mở to.

Con gái tôi lái xe chở chúng tôi xuống Cacoa Beach để tắm biển. Ở đây cách Orlando 60 dặm độ hơn một giờ lái xe. Tôi không ngờ ở đây nóng đến độ khi đi chân trần trên bãi cát thì tôi cảm thấy rát cả lòng bàn chân.

Chuyến du lịch của chúng tôi ở Orlando kể ra cũng vui vẻ duy chỉ có một sự kiện không vui là có một hôm chúng tôi đi shopping ở Orlando International Premium Outlet, khi ra về , mở cửa xe thì cái GPS và đồ đạc trong xe của chúng tôi không cánh mà bay.

Như đã nói trên, tôi từng nhiều lần sang Mỹ cả phía đông lẫn phía tây từ New York đến California và hai lần đi về phía trung bắc: Chicago và trung nam: Houston. Riêng chuyến đi Chicago, Illinois năm 2012 chỉ có 4 ngày. Một sự kiện đáng nhớ của chuyến đi Chicago là khi check-in và gởi hành lý xong, đến quầy an ninh, không biết họ nhìn tôi giống một tên tội phạm nào không mà chỉ tôi vào văn phòng hải quan của Hoa Kỳ. Tuy đây là sân bay của Canada nhưng nếu ai đi qua Mỹ hay quá cảnh Mỹ phải qua khu an ninh và hải quan của Mỹ đặt tại đây. Bước vào văn phòng nhìn thấy lá cờ sao sọc thật lớn đứng sừng sửng, ngạo nghễ như chứng tỏ thế lực của một đất nước hùng mạnh nhứt thế giới. Một bà Mỹ ở lứa tuổi trung tuần đang ngồi tại bàn ra dấu cho tôi ngồi xuống ghế. Bà hỏi tôi lý lịch, nghề nghiệp, nơi và mục đích đến Mỹ. Bà ta còn bảo tôi móc tiền túi đem theo cho bà thấy và gọi cho mang hành lý đã ký gởi của tôi để khám xét. Khi không tìm thấy gì bà ta mới buông tha tôi. May nhờ tôi tới phi trường sớm nên lần đó tôi không bị trễ máy bay.

Chicago được mệnh danh là thành phố gió (Windy City) vì những luồng gió lạnh thổi từ hồ Michigan toả ra khắp đường phố ở đây. Chicago nổi tiếng với tháp Willis cao 527 m, đứng thứ 3 sau tháp Burj Khalifa ở Dubai và tháp CN ở Toronto, Canada. Tháp gồm 110 tầng cộng với 3 tầng hầm. Trên tầng thứ 103 có Sky Deck với kính chung quanh từ đó du khách có thể ngắm nhìn toàn thành phố. Chicago còn có bến tàu Navy Pier nơi mà những tối thứ tư và thứ bảy có bắn pháo bông vào mùa hè và có du thuyền đi trên hồ Michigan. Tôi đã ngồi trên một du thuyền ở đó để nhìn toàn cảnh thành phố Chicago với những toà cao ốc và để thấy nước hồ xanh ngắt không có một cọng rác. Chicago còn nhiều thắng cảnh khác đáng để thăm viếng như các công viên Millennium Park, Grant Park; viện bảo tàng khoa học và kỹ nghệ; vườn bách thú Lincohn...

Chicago còn nổi tiếng qua nhân vật Al Capone, một tay trùm mafia từng làm mưa làm gió tại đây trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Có một điều tôi thấy ở Chicago là xe lửa ở đây có đoạn đi trên mặt đất và có đoạn đi trên không mà đoạn đi trên không trông có vẻ không an toàn vì đường ray làm trên sàn gỗ cũ kỷ, mỗi lần đoàn tàu chạy ngang làm rung rinh sàn gỗ tưởng như đoàn tàu sẽ rơi xuống đường.

Đầu năm 2018 trên đường về Việt Nam, tôi ghé Honolulu, Hawaii chơi một tuần. Tôi có vợ chồng một người bạn mới quen định cư ở đây là anh Thành và chị Tạo, chị này là chị vợ của Đinh Quang Hảo, người bạn đồng nghiệp và cũng dạy môn toán với tôi. Hè năm 2017, vợ chồng anh Thành và vợ chồng Hảo có qua Montréal chơi với vợ chồng tôi mấy ngày.

Máy bay tôi quá cảnh ở Toronto trước khi tới Honolulu. Tới đây, trời quá nửa đêm. Khi check-out, hành lý vợ chồng tôi bị giữ lại vì tôi khai ở lại Honolulu có một tuần mà mang vào tới 4 chiếc va-li. Tôi nói rằng tôi sẽ đi tiếp về Việt Nam. Tôi định đưa vé máy bay về Việt Nam cho ông ta xem, nhưng ông ta khoát tay và chỉ vào một quầy khác. May mắn, ở quầy này, chúng tôi được cho qua khi anh hải quan Mỹ xem vé máy bay đi Việt Nam của tôi. Tôi gọi cho anh Thành, nhưng không ai trả lời. Chắc quá khuya nên gia đình anh Thành đã ngủ hết. Tôi đành ra đón taxi về nhà anh Thành. Tôi nghe nói, ở Hawaii, đa số tài xế taxi là người Việt. Tôi lên xe của một người Á Châu. Nhưng khi bắt chuyện với anh ta mới biết anh ta là người Miến Điện.

Tới nơi, tôi bấm chuông nhiều lần mới thấy anh Thành ra mở cửa. Đúng như tôi đoán, anh Thành chờ tôi gọi để ra phi trường đón tôi. Chờ hoài không nghe tôi gọi nên anh ngủ quên luôn. Chúng tôi vừa vô tới trong nhà thì chị Tạo cũng đã thức dậy hâm nồi cháo gà cho chúng tôi ăn.

Nhà anh Thành rất lớn, hai tầng, 6 phòng ngủ, các phòng khác đều rộng thênh thang. Anh chị có 3 đứa con, một trai đầu lòng và hai gái. Đứa gái út chưa có gia đình. Anh chị có 3 đứa cháu. Tất cả đều ở chung nhà này. Đứa gái út tên Thảo rất tháo vát. Nó mở một tiệm hớt tóc cho mẹ nó và chị dâu làm chung với nó. Tiệm rộng rãi, nên nó cho người ta mườn lại hai phòng để làm massage và nail. Đứa con gái lớn tên Tâm làm môi giới bán nhà. Con trai lớn của anh Thành thì cắt tóc cho binh sĩ trong căn cứ hải quân.

Gia đình anh Thành rất hiếu khách. Suốt một tuần ở đây, họ thay phiên nhau chở vợ chồng tôi đi thăm các nơi.

Anh Thành chở chúng tôi đi viếng Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), phố Waikiki, tắm biển, chùa Nhật Bản, chợ Tàu, chợ Tây... Con trai lớn chở đi thăm căn cứ hải quân, Tâm chở đi xem bãi biển ban đêm và Thảo chở đi xem thành phố Honolulu nhìn từ trên đồi cao.

Chúng tôi để dành một ngày để gặp vợ chồng một em học trò cũ ở Trà Vinh của tôi: Nguyễn Văn Huệ và Mai Trường Phượng. Huệ hiện làm giáo sư ở đại học Hawaii, thường đỡ đầu cho những sinh viên trình luận án tiến sĩ.

Hai vợ chồng tôi đi một tour bằng tàu ở phía bắc của Honolulu để xem cá voi và cá heo. Honoluu là thủ đô của Hawaii, tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ và nằm trên đảo Oahu một trong 19 đảo của quần đảo Hawaii.

Ngày 4/5/2012 lần đầu tiên chúng tôi làm một chuyến du lịch sang Âu Châu. Chúng tôi đáp máy bay sang Paris. Khi tôi xuống phi trường Charles De Gaulle thì Nguyễn Quang Hưng và Trần Tuấn Kiệt đã có mặt ở đó đón chúng tôi. Hưng ở Paris, còn Kiệt ở Munich, Đức nghe tin chúng tôi qua Pháp nên bay qua đây chơi với chúng tôi.

Hưng lái xe chở chúng tôi đi thăm các thắng cảnh của Paris như tháp Eiffel, nhà thờ Notre Dame, Arc De Triomphe, đại lộ Champs-Élysées, bảo tàng Louvres, điện Versailles. Chúng tôi đi ăn ở quận 13, đi vào thương xá Tang Frẻres thấy bà Thuý Nga phốp pháp, phấn son ngồi trong gian hàng bán băng nhạc của bà.

Hưng còn đưa tôi đến thăm hai người bạn cũ của tôi: Thiểm ở Châtillon và Ẩn ở Deuil La Barre.

Chúng tôi chỉ ở Paris có hai ngày. Sáng sớm ngày thứ 3, Hưng và Kiệt đưa chúng tôi đến ga Lyon đáp xe lửa cao tốc TGV (trạin à grande vitesse) đi Barcelona, Tây Ban Nha để lên du thuyền ở đó. Ngồi uống ly cà phê trong nhà ga chờ giờ lên tàu, tôi chợt nhớ hai câu thơ trong bài Tiễn Em của Cung Trầm Tưởng:
“Ga Lyon đèn vàng,
“Cầm tay em muốn khóc”

Từ Paris đến Figueres, trạm ở biên giới Pháp và Tây Ban Nha xe lửa cao tốc chạy chỉ mất độ 5 tiếng rưỡi. Tới đây chúng tôi phải đổi xe lửa của Tây Ban Nha để đi Barcelona. Vì khi lấy vé bằng máy ở Paris, tôi quên lấy vé tuyến Figueres đi Barcelona nên ở ga Figueres chúng tôi không lấy vé của tuyến này được vì chúng tôi mua vé của SNCF (Société Nationale De Chemin de Fer). Chúng tôi vẫn lên xe mà lòng hồi họp sợ bị nhân viên soát vé bắt mua thêm vé tuyến này. May mắn, suốt hành trình chẳng có ai đến hỏi vé chúng tôi.

Độ một tiếng rưỡi sau, chúng tôi đến Barcelona. Chúng tôi lấy taxi đến bến tàu. Ở đây nhiều du thuyền của các công ty khác nhau đậu đầy bến. Chúng tôi đến chỗ làm thủ tục lên tàu Norwegian Epic.

image001

Đây là một du thuyền mới đóng năm 2010, cao 18 tầng, lớn hơn du thuyền Carnival .mà năm ngoái tôi đi từ Cali sang Mexico, Trên tàu có đầy đủ mọi tiện nghi: cabine để ngủ, restaurant để ăn, casino để đánh bạc, piscine để bơi, sân khấu để trình diễn,  spa để massage, fitnesse để tập thể dục cả tiệm hớt tóc, làm nail, sân chơi bowling, rạp xem phim, cà phê internet...

Trên tàu, chúng tôi tham dự những trò vui như ca nhạc, xem người ta chơi bowling,  leo dây. Tối đến, chúng tôi vào ca sino kéo máy hay đi shopping hoặc xem đố vui. Trời còn lạnh, nên tôi không có can đảm nhảy xuống hồ bơi như các ông tây, bà đầm.

Tàu chạy hai ngày một đêm thì cặp bến Naples. Chúng tôi lên bờ  đi xe chạy quanh thành phố (citysightseeing) có tên là hop on, hop off, nghĩa là mình có thể xuống bất cứ chỗ stop nào của xe, đi loanh quanh dạo xem phong cảnh hay đi shopping, sau đó trở lại chỗ stop lấy xe hop on hop off khác đi tiếp. Giá vé là 22 Euro dùng cả ngày. Chúng tôi ngồi ở tầng trên

để quay phim .


image002Pháo đài thành phố Naples

 

Naples có một pháo đài cỗ sát bờ biển dấu tích nơi phòng ngự mặt biển của đế quốc La Mã ngày xưa . Ở Naples, các shop nằm dài ở mặt tiền cáccon đường ở downtown . Giá cả rất mắc, nhưng có  tiệm mình có thể trả giá .Bọn đen và Bangla Desh thì bán chạy ngoài đường những thứ hàng hiệu dỏm. Các nhà hàng đa số bán Pizza. Ngày thứ sáu, tàu ghé cảng Civitavecchia (Ý),  chúng tôi lên bờ lấy xe lửa đi Rome . Thành phố Rome vẫn còn giữ những di tích của thời đế quốc La

Mã với đấu trường Colosseum, đền Pantheon,  quảng trường Ceasar, cổng chào Constantine....hùng vĩ  trơ gan với thời gian , ghi lại giai đoạn lịch sử huy hoàng của nước Ý những thế kỷ trước và sau công nguyên .

image003

     Tượng “Tình yêu thủy thủ” ở cảng Civitavecchia

 

 

Rất tiếc, chúng tôi không có thời gian để đến thăm những công trinh lịch sử đó mà chỉ ngồi trên xe hop on, hop off quay phim và chụp hình . Chúng tôi cũng không có thời gian để ghé thăm tòa thánh Vatican  vì sợ lỡ tàu . Rome nói riêng và Ý nói chung, nhà cửa cũng như ở Pháp, Tây Ban Nha hay hầu hết các nước Âu Châu khác đều cũ kỹ, đừơng sá chật hẹp, xe

hơi nhỏ, đít bằng để thích ứng, đặc biệt nhiều xe gắn máy (vẫn thua VN) để dễ di chuyển .


Ngày thứ bảy, tàu ghé cảng Livorno (Ý), tàu cho xe bus chở hành khách ra downtown của Liverno. Chúng tôi lấy xe bus đi tới ga xe lửa mua vé đi Florence. Tiếc rằng, Florence đang thực hiện công trình sửa chữa downtown nên xe hop on hop off chỉ chạy bên ngoài thành phố nên không có dịp ngắm vác kiến trúc cỗ của thành phố này . Bận trở về tàu chúng tôi định ghé thành phố Pisa nơi có tháp nghiêng nổi tiếng nhưng sợ trễ tàu nên chúng tôi không ghé.

image004

Một kiến trúc đặc thù của thành phố Livorno

 

Ngày thứ tám, tàu ghé thành phố Cannes của Pháp . Rất tiếc, đại hội điện ảnh quốc tế Cannes sẽ khai mạc tuần tới nên chúng tôi chỉ trông thấy người ta đang chuẩn bị xây dựng khán đài, trãi thảm đỏ cho buổi lễ...Chúng tôi đi tới trạm xe lửa để đi Monaco . Xe lửa chạy dọc bờ biển nên tôi mục kích quang cảnh ngoạn mục vùng bãi biển Côte d' Azur của miền nam nước Pháp. Khi tới Monaco, một thành phố thật nhỏ diện tích chỉ  hơn 2km2  đồng thời là một vương quốc giàu có nhờ sòng bạc Monte Carlo, vòng đua Formule 1 và khách du lịch. Một appartment 1000 square feet ở đây giá hơn một triệu đô la!!!


image005                                                                Thành phố cảng vương quốc Monaco

 

Chúng tôi chứng kiến một buổi lễ bàn giao canh gác của hai toán ngự lâm quân tại cung điện của ông hoàng Albert II của Monaco lúc 12 giờ trưa thật là lý thú.

Bận về chúng tôi không có thì giờ ghé thăm thành phố Nice, chỉ đi một vòng downtown của thành phố Cannes, ngắm các cửa hàng sang trọng mà một tuần nữa các ngôi sao điện ảnh của Hollywood và thế giới sẽ đến mua sắm.

 

Ngày thứ chín, tàu cặp bến ở thành phố Marseille, thành phố lớn thứ hai của Pháp. Xe bus do tàu hợp đồng đưa chúng tôi  đến chợ hải sản của Marseille cũng nằm dọc bờ biển. Nơi đây, đủ loại cá từ cá đuối đến cá mập, mực, cua, tôm hùm ... còn sống nhảy đành đạch được bày bán trên những sạp bên lề đường


Chúng tôi đi bộ vào trung tâm thành phố, đi ngang hí viện và tòa thị chính với lối kiến trúc cổ điển tương tự Quốc Hội và tòa đô chánh của mình ở Sài Gòn. Mỏi chân, chúng tôi trở lại bờ biển mua vé đi một vòng thành phố bằng xe bus hop on, hop off. Xe chạy vòng bờ biển để mọi người trông thấy một quang cảnh ngoạn mục. Ngoài những nơi bờ lổm chổm đá, có những bãi tắm nhỏ mà dù còn sớm đã có đông người tắm biển. Khi xe vào bên trong thành phố, tôi thấy ở đây nhà cửa cũ kỹ với những cánh cửa sổ lá sách giống như  ở Việt Nam.

image006

                                                                   Tòa thị chánh Marseille

 

Đường sá thì chật hẹp, xe hơi phải đậu hẵn trên lề chỉ chừa hai bánh bên trái nằm trên mặt đường.  Vậy mà lúc xe bus đang ở trên dốc, khi chặt cua phải đưa đầu xe ra ngoài dốc cao, nhìn xuống vực sâu. Tôi ngồi trên và phía đầu xe cảm thấy toát mồ hôi lạnh, chỉ sợ xe rơi xuống hố. Xe hơi nhỏ ngược chiều phải lui lại nhường cho xe bus trở đầu .


Nghĩ  lại, sống ở Canada hay Mỹ thật sướng, đường sá rộng rải, nhà cửa mới mẻ thoải mái. Marseille cũng như các thành phố khác ở Pháp và Âu Châu mái nhà thường lợp ngói đó làm tôi nhớ đến Việt Nam. Cả tuần trên tàu chỉ ăn toàn đồ tây, chúng tôi thèm món ăn Á Châu, nhất là món ăn Việt Nam. Hai ngày ở Paris, chúng tôi được Hưng dẫn đi ăn món ăn VN ở quận 13, nhưng không ngon bằng ở Montreal và thua xa Cali. Khi xuống xe bus trở lại bờ biển, tôi thấy một cái nhà hàng nhỏ che lều

trên lề đường (ở Pháp và Ý, người ta thích ngồi ăn bên lề đường) có đề các món ăn VN .chúng tôi vào ngồi, nhưng chỉ thấy waiter toàn là tây.Tôi ngoắc một anh tây bồi bàn đến hỏi, đầu bếp ở đây là tây hay VN. Anh ta trả lời là VN, anh hỏi tôi muốn gặp đầu bếp không. Tôi gật đầu. Anh ta ra phía sau và dẫn lên một người đàn bà VN. Tôi hỏi chuyện bà ta được biết bà ta ở Thủ Đức. Tôi gọi miến gà, ăn được, nhưng khi ăn món thứ hai là bún bò thì quá tệ không giống kiểu VN .


Chúng tôi trở về tàu sớm hơn mọi bữa vì hôm nay tàu rời bến lúc 4PM. Ngày mai tàu sẽ chấm dứt hành trình ở Barcelone (Tây Ban Nha). Ngày thứ mười tàu trở về cặp bến Barcelone (Tây Ban Nha) chấm dứt bảy ngày đi du thuyền. Chúng tôi lên bờ lấy taxi  đi về ga xe lửa trung ương của thành phố Barcelone . Chúng tôi đem hành lý gửi tại nơi giữ hành lý, rồi ra khỏi ga mua vé xe bus hop on, hop offf đi một vòng thành phố . Barcelone không giống những thành phố của Pháp và Ý mà tôi đã đi qua, đường phố ở đây, rộng rải, khang trang hơn, nhà cửa xây cất theo kiểu cỗ và tân tùy theo khu vực  không chỉ toàn kiến trúc cũ như những nơi thầy vừa đi qua trong những ngày trước. Tuy vậy, Barcelone không thiếu những kiến trúc đẹp nổi tiếng như nhà hát Catalan Music (Palau de la Musica Catalana), building Casa Batllo của Gaudi, nhà thờ Sacred Family độc đáo không giống bất kỳ nhà thờ nào trên thế giới, khu phố Gothic (Gothic Quarter), Barcelona Stadium (Camp Nou) sân đá banh lớn nhất Âu Châu chứa gần 100 ngàn khán giả, trụ sở của đội bóng Barcelone nổi tiếng của Âu Châu. Đặc biệt, dân Barcelone rất sùng đạo nên ngày chúa nhựt các shop đều đóng cửa.

image007

                                                              Nhà thờ Sacred Family (Barcelone)

 

Ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình bằng xe lửa từ Barcelone trở lại Paris. Buổi chiều ngày thứ mười chúng tôi trở lại ga xe lửa trung ương Barceloneđể đi trở về Paris. Xe chạy khoảng 2 giờ thì tới Cerbere, một thành phố nhỏ của Pháp nằm ở biên giới Pháp và Tây Ban Nha . Có hai cảnh sát Pháp xét passport từng hành khách vì mọi người vừa từ Tây Ban Nha nhập vào Pháp vì nơi biên giới này có  người Catalan thường quậy đòi độc lập. Chúng tôi chuyển sang xe lửa của SNCF (công ty quốc gia đường sắt của Pháp). Xe lửa này có vẻ cũ kỷ, không như xe tốc hành TGV tôi đi từ Paris tới Firgueres hôm 6-5 . Hành khách chỉ có vài người . Một bà đen ở bên toa kế đến hỏi tôi có phải đi Paris không, tôi đáp phải. Bà ta nói bà sợ vì ở đây vắng vẻ quá. Tôi nói, có cảnh sát gần đây sợ gì. Độ hơn tiếng đồng hồ sau, xe lửa chạy. Phải mất gần 10 tiếng để xe đến Paris. Dọc đường xe dừng nhiều ga, có ga nghỉ tới 1 giờ. Lần lần hành khách lên đông hơn. Xe tới Paris Austerlitz vào khoảng 8 giờ sáng. Chúng tôi vào một cabine của nhà ga để tắm rửa, thay đồ mất 6 Euro . Vì 1 giờ trưa phải lên máy bay về Montreal, Canada nên chúng tôi đi metro qua gare du Nord, rồi đổi metro đi phi trường Charles De Gaulle.

Năm 2003, sau khi hai đứa con tôi ra trường và đã có việc làm: thằng con trai là kỹ sư  điện toán và đứa con gái là nha sĩ, chúng tôi mới mua nhà ở thành phố Longueuil cách thành phố Montréal bằng cây cầu Jacques Cartiers.

Kể từ khi dọn về sống bên kia cầu Jacques Cartier, bỏ lại đàng sau thành phố Montreal ồn ào, chật chội, tôi thấy nơi đây thích hợp với lứa tuổi "mùa đông" của mình. Khác với thằng con trai tôi, nó thích ở nơi đô hội (tuổi trẻ mà!), tôi hài lòng với mọi thứ ở đâỵ

Từ nhà tôi qua phố Tàu Montreal chỉ mất độ 15 phút lái xe . Đối với một người đã không còn đi làm như tôi, cây cầu Jacques Cartier không phải là một trở ngại cho việc di chuyển vì tôi chỉ sử dụng cầu này ngoài giờ cao điểm. Đối với bà xã tôi, một người thích đi shopping thì từ Montreal tôi có thể chở bà ấy đi Mail Champlain hay Quartier Dix-Trente ở Brossard, Promenades St-Bruno ở St Bruno de Montarville, Le Carrefour De La Rive Sud ở Boucherville hay qua tunnel Louis-H Lafontaine để đến Galérie d'Anjou ở Anjou . Nơi nào cũng chỉ cách nơi tôi ở từ 15 đến 20 phút lái xe . Như vậy là ổn thỏa với mọi người. Ngoài ra, ở bên này không hề có cảnh kẹt xe bực mình như bên Montreal.

Ở bên đây không khí trong lành, ít bụi bặm, cảnh trí nửa quê, nửa tỉnh như cách nói của các ông bà courtier nhà: "la campagne en ville". Tuy có vẻ kém phát triển (nghèo) hơn thành phố mới láng giềng Brossard (nơi mà nhiều cựu đồng nghiệp của tôi chọn ở) nhưng tôi thích Longueuil hơn vì ngoài những điều đã nói trên, Longueuil ít "ô hợp" hơn Brossard: đại đa số dân ở đây là người Còi (Québécois), nhờ đó ít có án mạng và trộm cướp hơn .

 

Nhưng lý do quan trọng nhất khiến tôi quyết định chọn Longueuil để ở là giá nhà ở đây rẻ hơn chỗ khác. Giá một căn nhà kiểu Bungalo có sân cỏ chung quanh như tôi đang ở chỉ bằng phân nửa giá ở Montréal và rẻ hơn vài chục ngàn so với Brossard. Như vậy vừa với ngân sách khiêm tốn của gia đình tôi.

 Những ngày đầu vừa về ở đây, bỡ ngỡ vì vừa mới rời bỏ kiếp ở nhà mướn bên Montreal, tôi nhờ hai ông Tây láng giềng hai bên giúp đỡ rất nhiều . Từ việc cắt cỏ sân nhà, mở, bảo trì và đóng cái piscine hors-terre đến việc dựng tempo cho xe... đều được họ sốt sắng chỉ dẫn. Đúng là "bà con xa không bằng láng giếng gần". Dấn dần, tôi quen với lối sống "nhà quê" ở đây .

Mùa xuân, tôi phải dở cái tempo dài làm chỗ trú ẩn cho hai chiếc xe của tôi và của thắng con trong mùa đông; bắc thang leo lên để hốt lá còn vướng trên máng xối trên mái nhà để tránh nước ứ đọng làm thủng máng xối khi có mưa . Mùa hè tôi vác cuốc đi đào đất để bà xã tôi trống hoa ở sân trước và trồng rau cải ở sân sau, Rồi tôi còn bắc vòi nước tưới cây, đẩy tondeuse cắt cỏ. Tôi mở toile solaire che phủ piscine suốt mùa đông vừa qua, ráp lại ống nước, máy pompe, cho nước vào đầy hồ, mua clore làm traitement choc cho trong nước hồ, hút bụi dưới đáy hồ, vớt lá trên mặt hố để khởi đọng lại piscine vì con gái tôi sẽ về nhà nhân dịp hè và nó thích bơi . Tôi còn phải ráp bàn ghế, dựng dù để ngồi chơi ở sân sau cũng như lau chùi cái barbecue chuân bị các buôI tụ họp gia đình trong mùa hè. Mùa đông thì tôi không thiếu việc làm mỗi ngày là cào và xúc tuyết. Đó cũng là cách làm "exercice" cho đến khi nào "hết pin" thì tôi mới nghĩ đến việc thuê xe cào tuyết.

Nhưng sống ở đây thì mùa thu vẫn là mùa đẹp nhất trong năm. Đó cũng là thời gian mà tôi thường lan man nghĩ về cuộc đời mình.

Kể từ sau ngày 30/4/75, tôi cũng như một số đồng nghiệp "nửa quan, nửa thầy" (giáo chức biệt phái) như tôi "được" đi "học tập cải tạo" vài năm, trở về bị giáng cấp giáo sư thành giáo viên mà lương tháng không đủ sống đầy đủ đúng nghĩa một ngày . Đa số bỏ nghề đi làm những việc linh tinh khác như đạp xích lô, bán thuốc lá, bán vé số, bán chợ trời, về quê làm ruộng...

May mắn, tôi qua xứ Canada này và lại ở vùng Québec nói tiếng Pháp, một ngôn ngữ mà tôi đã từng học từ tiểu học (dù bị thầy giáo khẻ tay hoài vì viết dictée phạm lỗi orthographe).

Mỗi năm hai lần, tôi đi dự party của Gia Đình Giáo Chức để tự an ủi rằng ngày xưa mình từng là "kỹ sư của tâm hồn" và cũng để có dịp hàn huyên cùng các cựu đồng nghiệp về những kỷ niệm vui buồn của nghề nghiệp cao quý "làm thầy" vì ngạn ngữ có câu: "không thầy đố mày làm nên".

Khoảng những năm cuối của thập niên 1980, một số cựu giáo chức Việt Nam tại Montréal thường họp mặt ăn uống tại  một vài nhà hàng ở đây. Một hôm, thầy Vương Gia Cần, một nhà giáo kỳ cựu trước 1975, hiệu trưởng trường trung học Vương Gia Cần ở Hàng Xanh đầu xa lộ Biên Hòa, đặt một câu hỏi: giáo chức ở đây cũng khá đông, tại sao chúng ta không thành lập một hội cựu giáo chức, Từ ý tưởng đó, một số cựu giáo chức Việt Nam tổ chức một buổi họp mặt đầu tiên tại nhà hàng Village Royal, phố Tàu để thành lập một hội mang tên: Gia đình cựu giáo chức Việt Nam tại Québec mà trưởng ban đại diện đầu tiên là thầy Đào Đức Hoàng.

Từ lần họp mặt đó đến nay, gần 30 năm đẫ trôi qua, số hội viên trồi sụt từ 100 đến 200 vì có những người ra đi vì tuổi tác và có những người mới đến. Tuy nhiên, vì đây là hội của những thầy cô giáo, những người có nếp sống thanh bạch và vì nghề nghiệp họ sống đúng như một kẻ sĩ nên hội đã không bị cuốn vào những tranh chấp và những thị phi như một số hội đoàn khác. Hàng năm hội tổ chức đều đặn hai buổi họp mặt vào mùa xuân và mùa thu. Lệ phí tham dự các buổi họp mặt đó trong thời gian hơn hai thập kỷ qua chỉ từ 25 $ đến 35$ ngoài tiền niên liễm 15$ mỗi năm. Với số tiền khiêm tốn đó, hội viên được thưởng thức những món ăn ngon của các nhà hàng nổi tiếng của thành phố Montréal như: Lotté, Tong Por, Rouby Rouge, Cinq Épices, Phương Thảo... Trong khi ăn uống các hội viên lại được thưởng thức những màn văn nghệ đặc sắc như tân nhạc với các ca sĩ “cây nhà lá vườn”  nhưng điêu luyện như Hải Phong, Hoàng Xuân Sơn,  Lê Văn Nhạc và Mai Hương, Huỳnh Ngọc Thọ và phu nhân, Lưu Trọng Lễ và Xuân Lan, Lê Khắc Nghị và Bùi Xuân Mai, Ngoài ra còn có những màn đờn ca tài tử của nghệ sĩ Minh Sang (đã mất), Trương Minh Tấn và Võ Minh Nguyệt. Cũng phải nhắc đến tay keyboard Lê Đại Quang (em của tài tử điện ảnh Lê Quỳnh), không bao giờ vắng mặt trong các buổi văn nghệ họp mặt của hội.

Về sau, hội còn tổ chức một chuyến du ngoạn trong mỗi mùa hè cho hội viên và thân hữu đi thăm viếng những danh lam, thắng cảnh trong và ngoài tỉnh bang Québec.

Trải qua nhiều đời trưởng ban từ thầy Đào Đức Hoàng, anh Trương Văn Hoàng, anh Lê Ninh Hậu, anh Lưu Trọng Lễ, anh Lê Khắc Nghi đến nay là anh Trần Hữu Quyền, Gia đình  cựu giáo chức Việt Nam tại Québec, nay đổi danh xưng là Hội giáo chức Việt Nam tại Québec, có thể hãnh diện là một hội duy nhứt của giáo chức hải ngoại nằm trong danh sách các hội đoàn hải ngoại có tuổi thọ cao nhứt dù rằng hội viên lần lượt già đi rồi... ra đi. Ở nam Cali, tôi nghe nói có một hội cựu giáo chức Việt Nam hải ngoại do thầy Lưu Trung Khảo làm chủ tịch nhưng sinh hoạt không đều đặn và nay hầu như không hoạt động gì nữa(?) nhứt là sau khi thầy Khảo ra đi.

Cũng phải kể đến hai anh thư ký lâu đời của hội: anh Nguyễn Trung Hiếu và Trịnh Văn Dụ (Cả Ngố) đã “hy sinh” qua nhiều nhiệm kỳ của ban đại diện để lo cho bản tin và đặc san của hội và đặc biệt anh Lê Ninh Hậu dù hết nhiệm kỳ trưởng ban nhưng trong bóng tối vẫn giúp hội đặt nhà hàng, tổ chức du ngoạn...

Hội cũng rất hãnh diện có sự tham gia của các nhà giáo kỳ cựu, bậc thầy hay đàn anh nhiều thế hệ giáo chức ở miền Nam trước 1975 như: thầy Phạm Hoàng Hộ, thầy Nguyễn Văn Phú, thầy Phạm Mạnh Cương, thầy Đào Đức Hoàng, anh Lâm Võ Quỳnh, anh Lê Tấn Lộc, anh Lâm Văn Bé...

Tuy không xa rời tập thể người Việt vì tôi vẫn thường liên lạc với bạn bè và họp mặt với các đồng nghiệp cũ nhưng tôi lại chọn chỗ ở cạnh những người bản xứ vì họ tôn trọng sự riêng tư. Ở hai nơi tôi ở lâu dài nhứt: góc đường Maisonneuve và Lorimier bên Montréal trong 10 năm và đường Presvost, Longueuil từ 2003 đến nay tôi may mắn có những người láng giềng bản xứ tốt bụng.

Ở chỗ thứ nhứt tôi ở bên cạnh gia đình anh Tây tên Jacques: mẹ và em gái của Jacques bên phải và anh là  Georges bên trái. Còn Jacques ở tầng trên nhà Georges. Em gái của Jacques tên Dorothie thường qua nhà tôi học cách làm chả giò với vợ tôi. Georges thường bênh vực tôi khi có một gã tây Còi nào bắt nạt tôi. Jacques thôi vợ ở một mình, chuyên đi lượm đồ phế thải để bán. Khi gặp thứ gì còn tốt Jacques đem biếu cho tôi. Có lần y lượm được một màn hình nhỏ của máy điện toán y qua nhà tôi và nói: tôi tặng ông một cái màn hình baby đây. Vốn ít học, tới mùa khai thuế Jacques phải nhờ tôi khai giùm. Hôm mẹ của Jacques trả nhà đi về vùng quê, bà ta ôm tôi khóc và nói bà xem tôi như con của bà. Ít lâu sau, tôi được tin bà ấy mất, tôi hỏi Jacques nơi nhà quàng để linh cửu của bà để đến viếng thì Jacques nói ông chia buồn như vầy được rồi, không cần thiết phải đi viếng vì nơi đó xa lắm. Ít lâu sau, Jacques và Georges cũng đi ở chỗ khác. Những người láng giềng mới không thân tình với tôi như gia đình của Jacques.

Ở Longueuil,  tôi lại may mắn ở giữa hai gia đình người  tây Còi rất dễ mến. Người ở bên phải nhà tôi tên Daniel là thợ điện, có vợ tên là Ghyslaine. Lúc mới tới, tôi không biết làm sao sử dụng cái hồ bơi nổi (piscine hors-terre) mà chủ nhà trước để lại với nước hồ đen ngòm. Daniel đã kiên nhẫn chỉ tôi cách làm trong nước hồ, bảo trì hồ và đóng hồ khi mùa đông tới. Daniel có thói quen hút thuốc và uống rượu nên bị ung thư vòm họng. Một hôm, Daniel sang giúp tôi căng sợi dây quần áo và nói với tôi bác sĩ nói rằng y sẽ không sống quá 3 năm nữa. Nhưng chỉ vài tháng sau thì y mất. Sáu tháng sau ngày Daniel mất, khi tôi đưa thiệp mời Ghyslaine dự đám cưới của con gái tôi thì bà ta hỏi tôi bà sẽ đi dự với môt người bạn trai được không. Tôi trả lời là không có vấn đề gì.

Ở bên trái nhà tôi là anh thợ ống nước tên Gérald, vợ là Francine. Anh này chỉ tôi sử dụng máy cắt cỏ vào  mùa hè và giúp tôi dựng lều che hai chiếc xe hơi của nhà tôi vào mùa đông. Khi anh mua máy hốt tuyết thì anh hốt luôn tuyết bên sân nhà tôi. Sau này vợ chồng tôi và tôi về Việt Nam chơi thì tôi giao chìa khóa xe và nhà cho Daniel giữ. Mỗi ngày, Gérald lấy thơ trong hộp thơ trước nhà mang vào bỏ bên trong để tránh kẻ gian biết chủ nhà đi vắng. Thỉnh thoảng Gérald đề máy xe và chạy xe vài vóng để bình ắc quy khỏi bị chết. Khi con trai tôi bảo lãnh vợ và hai con nhỏ từ Việt Nam qua đây, tôi nhờ Gérald phá hủy hồ bơi để tránh nguy hiểm cho hai đứa cháu nội.

(còn tiếp)

 

 

 

16 Tháng Tư 20234:38 CH(Xem: 3507)
Hoa đào vẫn còn nở Theo gió hoa chưa rơi Mà sao anh đã vội Bỏ em lại trên đời. Chiều buồn Hoa Thịnh Đốn Nắng yếu ớt chân trời Làm sao em không khóc Em nhớ anh... lệ rơi.
12 Tháng Tư 20235:28 CH(Xem: 4272)
Nghìn sau Xuân vẫn hiền hòa Dáng Xuân em vẫn kiêu sa trang đài Ru em suốt những năm dài Trên miền Cực Lạc hương bay Vĩnh Hằng.
11 Tháng Tư 20231:31 SA(Xem: 3165)
chúng tôi luôn có trong tim: “Quảng Bình là quê hương”, là nơi quê cha đất tổ và luôn mong ước có ngày được bước những bước trên vùng đất thân yêu nầy.
11 Tháng Tư 20231:26 SA(Xem: 4586)
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
11 Tháng Tư 20231:12 SA(Xem: 4424)
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”.
09 Tháng Tư 202310:03 CH(Xem: 3063)
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.
09 Tháng Tư 20235:32 CH(Xem: 3764)
Hãy ngủ yên đi anh Khép lại trang chiến sử Thời liệt oanh bất tử Của những người anh hùng. Tháng tư lệ rưng rưng Đốt nén hương tưởng niệm
09 Tháng Tư 20232:30 SA(Xem: 4078)
Đặng Mai Lan đã đem một quá khứ rất xa, rất đẹp, điều. tưởng như bụi thời gian đã xóa mờ, bỗng sống lại. trân trọng. xót xa… đau đớn…
08 Tháng Tư 20232:10 SA(Xem: 2068)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: VẠN DẶM ĐƯỜNG XA Nhạc Phạm Chinh Đông. - Hòa Âm Đỗ Hải Tiếng hát: Hà Thanh
08 Tháng Tư 202312:55 SA(Xem: 2195)
Mỗi một cuộc đời, như Phan Châu Trinh, đều để lại một bài học dù chưa trọn vẹn cũng đáng để cho những người đời sau suy nghĩ.
08 Tháng Tư 202312:24 SA(Xem: 3651)
Tháng tư thành xưa tan tác Người về lạc bước chân xiêu Em tôi nụ cười héo hắt Buồn như, chim vịt kêu chiều. Tặng em một cành phượng đỏ Thẹn thùng e ấp cầm tay
07 Tháng Tư 20234:53 CH(Xem: 4040)
in bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: ÁO TRẮNG NGÀY XƯA - Thơ & Nhạc Bảo Định - Trình bày Thứ Nữ Huyền Tôn Nữ Quý Hương
02 Tháng Tư 20232:29 SA(Xem: 3292)
Hôm nay giỗ anh, thấm thoát đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ của đời người, sao nỗi đau về, như mới hôm qua… cơn nắng ngày nào vẫn còn nguyên trên da thịt, trên tóc, trên vai, trên những vòng khăn tang cuốn vội
02 Tháng Tư 20231:47 SA(Xem: 3468)
Phải chăng tiếng đàn tranh du dương réo rắt của bác Bảy và tiếng hát ngọt ngào mùi mẫn của các ca sĩ đường phố, đã tạo nên cái hồn văn hóa của người dân phố thị
01 Tháng Tư 202310:53 CH(Xem: 4025)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: HOÀNG DUNG TỰ TÌNH - Lời Thy Lệ Trang - Nhạc Lê Hữu Nghĩa Tiếng hát Lê Thu Hà - Nhóm bè Cadillac Bản phối & video : Sonar Production
01 Tháng Tư 20232:23 SA(Xem: 3925)
Anh dặn hoài phải cất kỹ mùi hương Để nhớ Má khi em vào trong bếp Mùi quen xưa không bao giờ quên được Dù anh xa quê hai mấy năm rồi
31 Tháng Ba 20231:28 SA(Xem: 4055)
Này những Cô Gái Việt Nam ơi Trung trinh tiết liệt ở trên đời Ta muốn kết hoa thành vương miện Tặng em người phụ nữ sáng ngời. Tặng em người dâu thảo hiền ngoan Thay chồng gánh vác những lo toan
31 Tháng Ba 202312:37 SA(Xem: 2258)
Thật hiếm có nhà văn quân đội miền Nam nào viết với một thái độ thanh thản, không hận thù, biết quý trọng con người như Nguyễn Bửu Thoại.
31 Tháng Ba 202312:19 SA(Xem: 3166)
Anh An đã mất đi hơn 49 ngày rồi nhưng hình ảnh của anh vẫn ở trong tâm trí của gia đình và bạn bè. Chúc anh An an nghĩ nơi cõi Phật, You will be missed!
30 Tháng Ba 20232:50 SA(Xem: 3688)
Cho nhau lời cuối đăng trình Mai này dứt lửa chiến chinh ngạo cuồng Thôi đành tay bỏ tay buông Tháng Tư Tắt Nắng trên đường chinh nhân...
30 Tháng Ba 20231:08 SA(Xem: 1682)
Bên cạnh thứ tài sản không bền vững đó, đức Phật cũng dạy có một thứ tài sản không bao giờ mất, đó là Tín tài, Giới tài, Tàm tài, Quý tài, Văn tài, Thí tài và Trí tài.
29 Tháng Ba 20231:21 SA(Xem: 3701)
Bên ni là em Mắt cận tóc dài răng khểnh Cùng vạt hoa thạch thảo nhuộm thắm nắng vàng Bên nớ là anh Thả những giọt đàn lên tàng sa kê lộng gió
24 Tháng Ba 20238:28 CH(Xem: 3247)
Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời
24 Tháng Ba 20231:38 SA(Xem: 4202)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: LỜI NGUYỆN CẦU CHO QUÊ HƯƠNG - Sáng tác: Linh Mục Văn Chi Tiếng hát Kim Phụng
23 Tháng Ba 20239:35 CH(Xem: 4531)
Bốn mươi tám năm giấc mơ chưa tỉnh Tháng tư về vẫn ray rứt khôn nguôi Người đã đi xa bóng xế chiều rồi Mặt trời lặn bên đây trời nhung nhớ.
21 Tháng Ba 202311:38 CH(Xem: 3486)
Úc là một quốc gia quân chủ lập hiến, là một liên bang phân chia quyền lực. Quốc gia này có chính phủ theo thể chế đại nghị, Quốc vương Charles III là nguyên thủ của Úc.
21 Tháng Ba 20231:08 SA(Xem: 2280)
Tiếng Quê Hương hoạt động mạnh là nhờ vào hai người. Người đọc và edited lại là anh Uyên Thao. Và người thứ hai là anh Trần Phong Vũ,
20 Tháng Ba 202311:13 CH(Xem: 5419)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
20 Tháng Ba 202310:48 CH(Xem: 6968)
Trao tặng đàn anh Nguyễn Đức Hiền Kỷ yếu SBTT của gia đình, trái tim thương tật của Voi Trầm Tĩnh bất chợt rưng rưng vì hạnh phúc.
20 Tháng Ba 202312:43 SA(Xem: 4065)
Về lại đây, uống hết mấy giọt tình Tình bằng hữu, tình đất nước quê hương son sắt Trên đất lạ phảng phất mang theo Đến phút cuối, Ta còn mang trên vai nặng trĩu.
19 Tháng Ba 202311:14 CH(Xem: 1850)
Nếu chúng ta không quyết tâm giữ chặt khoang thuyền tức không giữ chặt Giới pháp, thì làm sao tránh được những trận bảo to, những cơn sóng lớn...
19 Tháng Ba 20231:24 SA(Xem: 4813)
Ta thức giấc nặng nề say gối mộng Mưa tạnh rồi, mây gió đã về đâu? Vầng thái dương còn đi xa, chưa đến Hồn ơi! mau tắm vội bến U Sầu.
13 Tháng Ba 20233:21 SA(Xem: 3706)
Trưa Chủ Nhật, ngày 5 tháng 3, 2023 đồng hương Biên Hòa và một số thân hữu đã đến nhà hàng Paracel Seafood, Westminster tham dự buổi Tân Niên Hội Ngộ do Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Biên Hòa tổ chức.
13 Tháng Ba 20231:38 SA(Xem: 3783)
Không dễ mấy ai có thể chối từ một số tiền lớn lao như vậy vào thời đó. Sự từ chối này làm nên nhân cách Uyên Thao và làm cho Sóng Thần có uy tín với độc giả, đông nhất là trong giới quân nhân.
13 Tháng Ba 20231:06 SA(Xem: 2053)
Việc chọn “ngày lành tháng tốt” để tiến hành những công việc hệ trọng trong đời sống của người Việt, được biết bắt nguồn từ thói quen do ảnh hưởng văn hóa, tập tục cổ xưa
12 Tháng Ba 20239:48 CH(Xem: 3229)
Một trong những phát minh đó là chiếc máy STORMS Radar phát hiện tín hiệu sự sống từ nhịp đập của trái tim, của hơi thở và xác định được vị trí
12 Tháng Ba 20233:37 CH(Xem: 5032)
Trong mưa ta thấy mình song bước Tình yêu đầu ghi khắc trong lòng. Tình yêu ta gửi người muôn dặm Mấy chục năm rồi ta lặng căm Tháng ba sinh nhật ta chợt nhớ Ta nhớ người, người nhớ ta không?
12 Tháng Ba 20233:11 CH(Xem: 3074)
Nhân ngày 8 tháng ba tôi muốn gửi đến họ lòng kính mến và cảm phục. Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
11 Tháng Ba 202310:43 CH(Xem: 1918)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: BUỒN - Thơ Nhạc Chương Hà Tiếng Hát Đông Nguyễn Thu & Hoà Âm Đông Nguyễn Studio PPS Nhật Thụy Vi
11 Tháng Ba 20232:50 SA(Xem: 2978)
Đêm nay hoa Quỳnh nở sớm, hình như những búp hoa đang nhẹ nhàng chuyển mình để rồi từ từ hé mở vào lúc nửa đêm. Trong tôi hình như cũng đang có ngàn nụ hoa Quỳnh nở sớm trước canh khuya.
10 Tháng Ba 202311:45 CH(Xem: 3321)
Người đàn ông khôn ngoan, tinh tế, thông minh, có thể biến vợ thành người tình và người Hồng nhan tri kỷ một cách thật dễ dàng.
10 Tháng Ba 202311:00 CH(Xem: 4741)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: BÊN NỚ BÊN NI - Thơ Hà Thu Thủy Nhạc Phạm Chinh Đông. - Hòa Âm Đỗ Hải
04 Tháng Ba 202312:14 SA(Xem: 5487)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
03 Tháng Ba 202311:28 CH(Xem: 2243)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: SỢI NHỚ - Nhạc Nguyên Phan - Trình bày Thanh Hiếu
03 Tháng Ba 202311:20 CH(Xem: 2383)
Uyên Thao là một con người đặc biệt, khác mọi người trong cách ứng xử, cách sống, nhất là thái độ chọn lựa hành động.
03 Tháng Ba 20239:07 CH(Xem: 5288)
Con biết không? Vòng tròn bất biến Một ngày kia Con cũng sẽ già Sẽ ngồi buồn Nhớ lại ngày qua Và sẽ thấy Người già tội lắm.
03 Tháng Ba 202312:32 SA(Xem: 4729)
Cuối cùng của lửa là những tro tàn âm ỉ. Cuối cùng của tôi là những ngậm ngùi câm
03 Tháng Ba 202312:28 SA(Xem: 8265)
“Nếu có thương ai (?!...) thì hãy thương ngay bây giờ. Đừng đợi ngày mai, đến lúc ai xa đời…” Bỗng dưng tôi thương thương quá, thầy cô giáo cũ của mái trường xưa…
02 Tháng Ba 202310:47 CH(Xem: 5878)
Nắng lên sáng nửa vòng cầu Em đem tóc rối lên lầu ngồi hóng Ô hay ! Tóc đẹp vô cùng Trải ra phổ nhạc tao phùng mười năm
02 Tháng Ba 202312:25 SA(Xem: 4742)
Uống chung nước một dòng sông Quê em lúa trổ cánh đồng bờ xa Anh về Gọi Nắng Tháng Ba Năm mươi năm có đủ là nhớ thương...
01 Tháng Ba 202311:58 CH(Xem: 2090)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Các nhà tâm lý học ngày nay mô tả hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tích cực của con người ...
22 Tháng Hai 202311:23 CH(Xem: 3085)
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá,
20 Tháng Hai 202310:44 CH(Xem: 4389)
Nói chung, văn nghiệp của ông tạo ra một dòng chảy văn học miền Nam rất cá tính; nó tiếp lửa truyền thừa từ những nhà văn tiền bối và ngọn đuốc soi đường cho những người đến sau ông.
19 Tháng Hai 202310:58 CH(Xem: 8364)
thầy Nguyễn Kim Linh nguyên là giáo sư môn Vạn Vật trường trung học Gia Long. Năm 1965 thầy được Bộ giáo dục điều động về làm Giám học trường trung học Ngô Quyền
19 Tháng Hai 20239:56 CH(Xem: 4297)
Cả hai con chim bằng đã gãy cánh trên vòm trời lửa đạn miền Đông khi tuổi đời chưa đến 25. Thương cho những kiếp sống ngắn ngủi trong thời chinh chiến.
19 Tháng Hai 20238:43 CH(Xem: 5823)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
19 Tháng Hai 20237:32 CH(Xem: 4878)
Hình như nắng vẫy tay chào Áo em thấp thoáng ngõ vào tương tư Mùa đông em bắt ta chờ Sang xuân ta lại làm thơ đợi người. Hình như nắng đến đây rồi Để em thôi khóc sụt sùi đêm mưa
19 Tháng Hai 202312:39 SA(Xem: 4507)
Đến với tiệm Nam Tạo, dân ghiền đọc sách có thể tìm được bất kỳ thể loại sách nào, thậm chí khan hiếm ở các nhà sách lớn.
19 Tháng Hai 202312:36 SA(Xem: 5016)
Làm sao dám thắp đèn... Dù đã tối Sợ thấy bóng mình hiu hắt liêu xiêu Anh là kiếp chim rừng bay lạc lối Đường thiên di quên mất chốn quay về.
19 Tháng Hai 202312:22 SA(Xem: 3455)
Nàng đọc thầm những câu thơ Nam vừa gửi vào email: “Những rung động trong ngực thầm chan chứa/ Xin trao em làm tặng vật mùa xuân”.
16 Tháng Hai 202311:42 CH(Xem: 3404)
Ở một nơi không phải đất nước tôi, tôi chứng kiến được nhiều bài học đạo nghĩa của chính dân tộc Ukraine, thay vì đào tẩu khỏi chiến tranh, trốn ở một đất nước yên bình khác,
14 Tháng Hai 202310:00 CH(Xem: 2412)
Tôi xin ghi lại như một lời tri ân như một niềm an ủi cho ông ở bên kia thế giới và một niềm an ủi của người còn lại, như kẻ viết bài này.
13 Tháng Hai 202312:16 SA(Xem: 6864)
Những dòng chữ này tôi xin tiễn biệt thầy xưa Trần Văn Lộc, vị giáo sư đầu tiên – cũng là cây đại thụ cuối cùng –
12 Tháng Hai 202311:47 CH(Xem: 3845)
Xin được thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ về một đàn anh NQ hiền hòa, điềm đạm và có hoài bão chung sức xây dựng hội ái hữu cựu HS của trường xưa
12 Tháng Hai 202310:48 CH(Xem: 4542)
Em đợi chờ anh mang đến bó hoa, Ngày lễ Tình Yêu cho đời thêm đẹp, Hoa mới nở trong vườn nhà buổi sáng, Hay hoa bày trong chợ đợi người mua.
11 Tháng Hai 20236:13 CH(Xem: 4799)
Tháng giêng mỏi cánh hoa tàn Cành trơ cuống lá đài trang ngậm ngùi Mai đây XUÂN đã qua rồi Ta nghiêng mình xuống, tuổi đời lên cao.
11 Tháng Hai 20235:26 CH(Xem: 4841)
Và em cứ đi bên lề kể lể Mà tôi sẽ không năn nỉ tiếng ru vờ Có lẽ mùa d8o6ng rồi cũng buồn như thế Buộc lại tà dương chờ mãi những bâng quơ
10 Tháng Hai 202311:53 CH(Xem: 3851)
Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7-8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát,
10 Tháng Hai 202311:22 CH(Xem: 2545)
Vì thế, việc giới thiệu tập san Trình Bầy, xin khép lại và chỉ xin giới thiệu phần mở đầu và phần giã biệt của chủ nhiệm Thế Nguyên.
10 Tháng Hai 202311:14 CH(Xem: 4703)
Tình Nhân Lễ Hội xuân nhường Em ra đầu ngõ chở buồn dạo chơi Nằm mơ anh hái sao trời Sao em đi vắng tim tôi phập phồng.
10 Tháng Hai 202312:03 SA(Xem: 5307)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
05 Tháng Hai 202311:54 CH(Xem: 4270)
Cuộc đời của Ba là sống cho người khác, cho gia đình, và giúp ích cho mọi người, xã hội, đúng với tên ông bà Nội đã đặt cho.Ba là thứ sáu trong gia đình, nên mọi người quen biết đều biết đến Ba là ông Sáu Nhơn.
03 Tháng Hai 202311:09 CH(Xem: 5239)
Sống nơi đất mới tới giờ Qua nửa thế kỷ đôi bờ Đại dương Xuân Quý Mão Tết yêu thương Tâm thành cầu nguyện quê hương rạng ngời
01 Tháng Hai 20237:20 CH(Xem: 3428)
Ngày Tết, thật trang trọng đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên. Ta sẽ cảm nhận được những người muôn năm cũ đang hiện diện trong tâm ta.
01 Tháng Hai 20235:01 CH(Xem: 5102)
Tình yêu Đã cất cánh bay Ta ngơ ngác gọi Môi say nhớ người. Ừ thôi Tết đã qua rồi Mồng ba vụt mất Mồng mười hạ nêu.
01 Tháng Hai 20234:57 CH(Xem: 5324)
Tình nhà đã lỡ phai thề ước Nợ nước chưa đền uổng chí trai Đếm bước lưu vong chừng mệt mỏi Nếm mùi nhân thế lắm chua cay Tri âm, tri kỷ...còn ai nữa Nhắm mắt là xong một kiếp này
31 Tháng Giêng 202310:35 CH(Xem: 2922)
Tôi tự hỏi mình, Mai Thảo cuối cùng chỉ là một nhà thơ xuất chúng. Hay trong văn của ông đã có thơ và trong thơ là cả trời đất.
31 Tháng Giêng 20235:03 CH(Xem: 3175)
Một mai hoa rụng chỗ nằm Xuân tàn, lịm giấc tình thâm mộ sầu Kiếp này nếu lỡ đời nhau Thì xin người ngọc, kiếp sau tìm về.
30 Tháng Giêng 202311:22 CH(Xem: 4730)
Cho con Quạ già tròn một kiếp phù sinh Mấy chục năm còn gặp lại bạn mình Trong khóc cười, say tĩnh Ngửi hơi cay mà xĩn như cạn một Hồ Trường
30 Tháng Giêng 20239:37 CH(Xem: 3883)
Vậy là đã rõ, chính mấy con mèo được cho là mẫn cán và đã được rèn luyện-tu dưỡng... của ông chánh đã làm nên những chuyện này.
28 Tháng Giêng 202311:16 CH(Xem: 3541)
Những tưởng người cùng thời so bề tài sắc, so bề tài năng, so bề thời vận, có thể có cái gì giống nhau vậy mà cũng khác nhau.
24 Tháng Giêng 20231:04 SA(Xem: 4712)
Đối với tôi, mùa Xuân sẽ kém phần lãng mạn, tươi vui và mất đi ý nghĩa rất nhiều khi thiếu vắng những bản nhạc Xuân.
23 Tháng Giêng 202312:10 SA(Xem: 5043)
Nhà nhà hết sợ con vi rút Chốn chốn mừng vui cảnh thái bình Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng Ngày Xuân Quý Mão biết bao tình
22 Tháng Giêng 202311:25 CH(Xem: 4686)
QUÝ Xuân buông bỏ những sầu vương MÃO đến đem theo mọi cát tường CHÀO tải công thành tươi nhuận thất MỪNG mang danh toại phủ phê đường
22 Tháng Giêng 202311:17 CH(Xem: 4848)
Sống đây mà chết dần dà Tháng năm chồng chất thân già cưu mang Thôi thì thỉnh thoảng lang thang Mượn vui ngoại cảnh nhẹ nhàng suy tư!
22 Tháng Giêng 202311:12 CH(Xem: 5275)
Chúc khách văn đàn ngàn chữ hỷ Mừng cùng bạn hữu vạn lời ca Hạnh tài trăm sắc ngời tâm ngọc Phúc đức muôn màu rạng ánh ngà
22 Tháng Giêng 202311:09 SA(Xem: 4249)
Người đi vào dâu biển, Có thấy gió trăng xưa? Ngày môi hồng mắt sáng, Thủa hoa bướm dại khờ? Xuân yêu kiều bao độ, Đời có mãi như mơ? Dặm ngàn sương khói phủ, Trăm năm... giấc mộng hờ...
22 Tháng Giêng 202310:57 SA(Xem: 3543)
rằng từ lúc ông quản lý được bọn mèo rồi thì kho lúa nhà ông không hề có con chuột nào dám bén mảng đến nên chẳng một hột lúa nào bị thất thoát!
22 Tháng Giêng 20231:25 SA(Xem: 9751)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
21 Tháng Giêng 202311:24 SA(Xem: 3940)
Một năm hương lửa cho đời Ba trăm sáu lăm ngày trôi bình thường Đâu cần mỹ vị cao lương Chỉ là bóng đổ trên đường phù vân...
19 Tháng Giêng 202311:46 CH(Xem: 3654)
Thế Chiến II xảy ra như nó đã xảy ra và chúng ta cũng đã chứng kiến, nhưng những ước mơ khanh tướng còn vương vấn nơi những tấm lòng trần tục thì chắc chắn đường trần còn mang nhiều gió cuốn mưa bay.
14 Tháng Giêng 20237:47 CH(Xem: 6219)
Hai ba tháng chạp Thần táo Ngô Quyền Quỳ trước bệ tiền Về chầu thượng đế. Thần xin kể lể Một chút ưu phiền Máy hư triền miên Ráp po viết trễ
13 Tháng Giêng 202311:31 CH(Xem: 7556)
Trầm hương tưởng niệm Mẹ hiền Siêu sinh, tịnh độ cửa Thiền ngát hoa Mỗi năm tháng Chạp hai ba Là ngày giỗ Mẹ xót xa tủi buồn.
13 Tháng Giêng 202310:54 CH(Xem: 4092)
Dù không khí và cách đón Tết mỗi thời, mỗi nơi, mỗi khác nhưng trong tâm hồn của mỗi người dân Việt lúc Xuân về, Tết đến vẫn luôn có cảm xúc lâng lâng khó tả.
13 Tháng Giêng 20231:52 CH(Xem: 4994)
Tôi thèm thưởng thức cái mùi hăng hắc, nồng nồng của một loài hoa dân dã mà miền Nam tôi gọi là BÔNG VẠN THỌ.
12 Tháng Giêng 202310:09 CH(Xem: 5386)
Chủ nhật sau, tết tới rồi Một tuần lễ nữa tết trôi định kỳ Nhọc nhằn hạn xấu quên đi Hãy vui vẻ với những gì trong tay.
12 Tháng Giêng 20232:19 SA(Xem: 6050)
Như chia ly tiếng còi tàu Tiếng chim buổi sáng xôn xao lòng người Tưởng chim hót sáng làm vui Ngờ đâu chim rải bùi ngùi vào tim.
11 Tháng Giêng 20231:49 SA(Xem: 2052)
Chương trình Nhạc Tình Chọn Lọc với chủ đề “ Đón Xuân “ do Như Hương và bạn hữu tổ chức ngày thứ bảy Jan 7th - 2023 - Washington, DC.
11 Tháng Giêng 20231:15 SA(Xem: 4011)
Rồi những cái Tết tha hương ở “xứ lạnh tình nồng” Canada với bên ngoài tuyết trắng phủ đầy vạn vật khiến tôi thèm những cái Tết quê nhà ấm áp.