Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Đỗ Thế Vinh - MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM VÀ HOA KỲ

25 Tháng Hai 20191:10 SA(Xem: 10123)
GS. Đỗ Thế Vinh - MỘT VÀI NHẬN XÉT VỀ GIÁO DỤC TẠI VIỆT NAM VÀ HOA KỲ

Một vài nhận xét về Giáo dục tại Việt Nam và Hoa Kỳ

dothevinh.1

 

Bài viết sau đây chỉ là một số thu thập tài liệu và nhận xét hạn hẹp rất chủ quan của tôi về giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ do đó có thể có nhiều thiên kiến.

 

 

I) Giáo dục tại Việt Nam

 

Giáo dục Việt Nam xuất phát phỏng theo giáo dục của Trung hoa lấy Khổng giáo  (1; 1bis) là phần trọng điểm nồng cốt với mục đích đào tạo ra một số rất ít trí thức để phục vụ vua chúa và thay mặt vua chúa cai trị kiểm soát nhân dân từ làng xã, quận huyện lên tới tỉnh thành kinh đô. Trong thời nho học, mục đích chính của giáo dục là nhồi nhét Tứ Thư Ngũ Kinh cho người học nhằm ra làm quan, hay nếu không được thì đi dạy học tiếp tục cho đến khoá thi Hương cuối cùng năm 1917 (1G). Khi Pháp bắt đầu đô hộ nước ta, giáo dục Nho học dần dần sụp đổ và giáo dục Pháp với chữ pháp thay thế chữ Hán bây giờ nhằm đào tạo một thiểu số trí thức để thông dịch và giúp người Pháp cai trị dân ta dễ hơn (1G). Dần dần nền giáo dục này được che dấu dưới những danh từ hoa mỹ như đem văn minh Tây Âu vào khai phóng v.v.. cho một số ít dân thuộc địa được may mắn tuyển chọn. Theo GS Nguyễn Phú Phong (1H), phải chờ đến năm 1859 thì chữ quốc ngữ mới được phổ biến ở các vùng do Pháp quản trị để phụ trợ guồng máy cai trị của Pháp. Cuộc chinh phục Việt Nam của Pháp càng ngày càng toả rộng thì sự áp dụng chữ quốc ngữ càng ngày càng lan lớn. Lúc đầu giới sỹ phu nhà nho yêu nước chống đối chữ quốc ngữ nhưng bắt đầu thế kỷ 20, khi thấy lợi thế và tiện dụng của nó hơn chữ Nôm và chữ Hán, người Việt trở nên đồng tình, hô hào học chữ quốc ngữ, (1B). Về phía người Pháp, theo  Lại Như Bằng (1C), dịch giả của Aymonier, ông ta chống lại việc dùng chữ Quốc Ngữ thay thế chữ Nôm, muốn người Việt thành "người Pháp Á Đông" viết và nói tiếng Pháp dù là tiếng Pháp bồi. Phong trào Duy Tân và Phong Trào Đông Du vào đầu thế kỷ 20 đưa người Việt Nam sang du học ở Nhật nhằm mục đích dùng giáo dục của Nhật học được từ phương Tây để thoát khỏi thói quen cổ hủ của văn hoá Trung Hoa yếu kém lỗi thời và giải phóng dân tộc khỏi ách của thực dân Pháp. Nguyễn Quý Đại viết: " cải cách trên mọi lãnh vực, khuyến khích giáo dục bỏ lối học từ chương, truyền bá canh tân mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, kêu goị cắt tóc ngắn, cắt móng tay, phát động phong trào học Quốc ngữ" (1D). Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (vào năm 1907) nhằm hai mục tiêu: "1) Bỏ lối học từ chương, du nhập những tư tưởng mới, phát triển văn hoá, thúc đẩy sử dụng chữ quốc ngữ thông qua các hoạt động giáo dục (dịch, viết sách giáo khoa), báo chí, tuyên truyền, cổ động. Chấn hưng thực nghiệp. Mở tiệm buôn, phát triển công thương. 2) Các môn học được giảng dạy bao gồm Sử ký, Địa lý nước nhà, Toán, Hội họa, một số kiến thức khoa học, Việt văn, Pháp văn, và Hán văn" (1E)

Năm 1933, Tự lực Văn  Đoàn chủ trương mới cả về nôi dung lẫn hình thức loại bỏ cách viết có điển cố điển tích của Tầu, đem văn minh của phương tây vào Việt Nam vì tư tưởng Khổng Mạnh không còn hợp thời nữa (1F) Nội dung viết phải  yêu đời, tiến bộ, bình dân, và tôn trọng tự do cá nhân. Nội dung chuyện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn thường có chủ đề cổ động tự do và hạnh phúc cá nhân, thoát bỏ tư tưởng lỗi thời của Nho giáo, chỉ luôn luôn nhấn mạnh hy sinh cá nhân, lo cho gia đình, xã hội phong kiến, thực dân và những tầng lớp quan liêu vua chúa.

Những phong trào kể trên đều nhằm giáo dục người Việt Nam, nhất là giới trẻ lòng yêu nước, yêu độc lập, loại bỏ sự cổ hủ lỗi thời của văn hoá truyền thống Trung Hoa và tiến bộ theo văn minh Tây phương để dành lại độc lập cho nước Việt Nam.

 

Nhiều năm sau, vào cuối thập niên 1950's và đầu thập niên 1960's, tôi nhớ vẫn còn phải học thơ của Nguyễn Công Trứ bằng chữ Hán Việt như "Tước hữu ngũ, sỹ cư kỳ liệt; Dân hữu tứ sĩ vi tri tiên..." trong khi đó tôi cũng được học những lời văn trong sáng của Thanh Tịnh như bài "Tôi đi học" mà tôi không thể quên được vì thấy mình và mẹ tôi giống y hệt như trong chuyện ngắn này.

Lúc tôi còn học trung học vào cuối thập niên 1950's và đầu thâp niên 1960's, tôi rất say mê đọc những sáng tác của Tự Lực Văn Đoàn với  nội dung tôn trọng tự do cá nhân và lối văn trong sáng của Khái Hưng như "Gánh Hàng Hoa", Thế Lữ như "Nhớ Rừng", Thanh Tịnh, và nhất là Xuân Diệu ngay từ năm 1938 trong bài "Nhị Hồ" đã sử  dụng cách làm thơ với những câu thơ lời và ý hoàn toàn sáng tạo, vượt lên trên quy luật bằng trắc làm tôi cũng thấy tâm hồn "lâng lâng chơi vơi" theo như:

Điệu ngả sang bài Mạnh Lệ Quân,

Thu gồm xa vắng từ muôn đời

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.

 

A)  Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa

 

Sau thế chiến thứ II, Người Việt ta bắt đầu dần dần lấy lại được quyền tự quyết định chính sách giáo dục cho mình. Mãi cho đến sau năm 1945 chương trình Việt ngữ Hoàng Xuân Hãn mới bắt đầu. Xin xem thêm bài của GS Nguyễn Thanh Liêm viết về giáo dục ở miền nam Việt Nam trước 1975. (2) Trong giáo dục Hoàng Xuân Hãn, ba nguyên tắc nhân bản, dân tộc và khai phóng là mục tiêu triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa do bộ giáo dục đưa vào chương trình học nhưng trong thời Đệ Nhất và Đê Nhị Cộng Hoà,  vì tình trạng chiến tranh và ngân sách giáo dục giới hạn, thiếu trường sở nên chỉ phổ biến cho một số học sinh và sinh viên khá và giỏi (khoảng 8 đến 10 phần trăm thi đỗ tú tài I và II để vào đại học). Vì đa số giáo sư đại học tốt nghiệp ở Pháp hoặc Bỉ về, ảnh hưởng giáo dục pháp nên họ cũng chỉ chú trọng đến sinh viên giỏi và dạy học hướng về lý thuyết xa rời tình trạng và nhu cầu thực tế và kinh tế cụ thể của đất nước. Mãi đến đầu thập niên 1970's những nhóm người tốt nghiệp ở Mỹ về mới càng ngày càng nhiều. Tuy hướng giáo dục đã dần dần chuyển sang hướng nghiệp và thực tiễn hơn theo quan niệm của triết gia John Dewey (Dewey, 2011) như trường trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức (2G) và một số ít trường khác nhưng cũng không phát triển nhanh được vì sự bảo thủ của những giáo sư tốt nghiệp từ Pháp về. Ngay cả chương trình khải đạo tôi có may mắn được theo học khi mới du nhập vào Việt nam cũng nhấn mạnh khải đạo cá nhân và những yếu tố tâm lý giáo dục nhưng không đặt trọng tâm vào khải đạo hướng nghiệp (career counseling). Tuy những giáo sư tốt nghiệp từ Mỹ về (2E) cố gắng áp dụng lối dạy và học tại Mỹ vào Đại Học Sư Phạm Sài Gòn nhưng không có kết quả theo ý  muốn. Về vấn đề này, theo quan điểm chủ quan của tôi là một cựu sinh viên có kinh nghiệm ở cả hai môi trường thấy có rất nhiều khác biệt do hoàn cảnh chính trị và lỗi hệ thống gây ra.Tuy nhiên, nhìn vào thống kê, sau năm 1975, những người tốt nghiệp tú tài ban B  hoặc ban A và học xong những lớp khoa học, toán hay kỹ sư của Việt Nam Cộng Hoà, sau khi học Anh văn một thời gian đã dễ dàng tiếp tục học những ngành nghề khoa học, toán và công nghệ tại những đại học Mỹ một cách thành công. Rất nhiều bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ Việt Nam Cộng Hoà sau khi học xong Anh văn đã thi đậu bằng bác sỹ và được nhận vào thực tập (residency) tại những đại học y và nha khoa Mỹ. Tôi thụ hưởng giáo dục tại đại học Việt Nam Cộng Hoà (2B) với tú tài hai ban C, hai bằng tốt nghiệp ĐHSP ban Anh Văn, cử nhân giáo khoa triết học Tây phương (2C) và kiến thức tổng quát năm thứ nhất của chương trình cao học (2D) đặc biệt về triết lý giáo dục với giáo sư Dương Thiệu Tống (xin xem GS Tống đoạn cuối ngậm ngùi muốn khóc khi đọc 4 cẫu thơ nói về việc trường Kiểu Mẫu Thủ Đức VN bị đóng cửa sau năm 1975 vì lý do chính trị của "bên thắng cuộc"). (4H) Tôi cũng học được kiến thức chuyên ngành và cách tự học theo lối Mỹ năm thứ hai với GS Dương Thanh Bình. Những kiến thức này đã giúp chính tôi thích ứng và thành công tiếp tục theo học chương trình cao học (M.A.) và tiến sĩ (Ph.D.) Mỹ ngành khải đạo (counseling) kể cả những lớp toán thống kê xác xuất, tâm lý học, nhân chủng học (anthropology) triết và nghiên cứu tại đại học Portland State University (PSU) và đại học Oregon State University (OSU) là một đại học nghiên cứu (Carnegie R1) (6 tier) mà không bị một trở ngại nào.

 

Tuy nhiên nói chung mục đích của giáo dục VNCH chưa phát triển được khía cạnh sáng tạo, óc phán đoán phản biện, và nghiên cứu  độc lập của Đức quốc, Anh quốc, Hoa kỳ và một số quốc gia Âu Châu, kể cả Pháp quốc theo mô hình đại học Humboldt tại Đức. (6; 6 bis) Mục đích và chương trình đào tạo của giáo dục VNCH vẫn chỉ nhằm tạo ra đôi ngũ trí thức để trước hết phục vụ cho chính phủ dẫn đầu là giai cấp lãnh đạo sau đó có việc làm, địa vị xã hội cho chính mình, và nuôi gia đình. Riêng đối với tôi khi đỗ xong tú tài II, dù rất thích triết vẫn cố gắng tìm một ngành bảo đảm có việc và dễ làm thêm để kiếm nhiều tiền là ban Anh Văn tại Đại Học Sư Phạm. Tuy nhiên tôi cũng quyết tâm theo đuổi điều mình thích học và ghi danh, lấy "cours" bên Đại Học Văn Khoa về, tiếp tục học triết. Lúc đó trong xã hội VNCH vì cuộc sống khó khăn phải cạnh tranh kinh tế khốc liệt, chúng tôi thường xếp loại ngành nghề theo "nấc thang xã hội là" ngành y, nha, dược rồi mới tới những ngành nghề khác như kỹ sư Phú Thọ, giáo sư đệ nhị cấp Đại Học Sư Phạm, Hành Chánh phải thi tuyển vào trường và khi tốt nghiệp, chính phủ bảo đảm việc làm. Những trường đại học khác như đại học Khoa Học, Văn Khoa, Luật v.v... được ghi danh tự do và không bảo đảm có việc khi tốt nghiệp, dành cho một số ít sinh viên rất thích những ngành đó nhưng hầu hết là vì không đỗ vào những trường kia. Ngoài những đại học công lập (2A) còn có một số đại học tư như Bồ Đề, Minh Đức v.v... (2C) Cách dạy và học vẫn là phương pháp mà GS Noam Chomsky (6L2; 6L5) gọi là "Rót đầy kiến thức của những thế hệ đi trước vào bình lủng đáy", rất đúng với kinh nghiệm của chính tôi học được rất nhiều để thi đỗ, rồi sau đó quên đi hầu hết mọi thứ học được, ngoại trừ Anh văn, đặc biệt những lãnh vực tôi cần nhớ để dạy học (2F) và Triết vì tôi rất thích môn này.

 

B) Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà Tại Hải Ngoại

 

Theo nhận định của tôi có thể rất chủ quan và còn thiếu xót, 3 hoạt đông của những nhà giáo dục Việt Nam Cộng Hoà tại hải ngoại nổi bật nhất mà tôi lưu ý là việc gìn giữ những tài liệu, tác phẩm của các thế hệ trước, nhất là những tài liệu và tác phẩm văn chương và nghệ thuật bị kiểm duyêt và cấm lưu hành trong nước (3); viết và kể lại lịch sử Việt Nam theo quan điểm của người Việt hải ngoại, và; bảo tồn, truyền bá chữ quốc ngữ của người Việt tỵ nạn. (3B3; 3B4; 3B5)

Trước tiên tôi xin nói tới cố gắng của những giáo sư Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt ở Mỹ trong những nỗ lực gìn giữ việc học, duy trì văn hoá Việt, và tiếng Việt như các GS Nguyễn Ngọc Bích, Đào Thị Hợi, Trần Ngọc Ninh và rất nhiều giáo sư, nhà giáo dục, văn hoá tại Viện Việt Học. (3)

Cũng từ Viện Việt Học, GS Lê Văn với sự hỗ trợ của phu nhân là GS Bảo Xuyên trong nỗ lực hoàn thành bộ "Dòng Việt"(3A1), đã kiên trì vận động giới trí thức hải ngoại đóng góp công sức và tài liệu duy trì những tác phẩm văn hoá, lịch sử, văn chương, và giáo dục, nhiều phần bị cấm phổ biến tại Việt Nam trong bộ sách quý giá này. GS Đàm Trung Pháp (3A)  hiện nay đang làm Chủ biên tập san Việt Học đã viết nhiều bài về ngữ học, dạy ESL, văn chương, và điểm sách việt rất giá trị lưu trữ cho những thế hệ mai sau. GS Nguyễn Đình Hoà (3A3) và GS Huỳnh Đình Tế (cựu khoa trưởng Văn Khoa Huế) cũng đóng góp rất nhiều công sức trong việc phát triển ngữ học Việt Nam, tự điển và sách dạy tiếng Việt trong những năm đầu tỵ nạn của người Việt tại Hoa Kỳ.

 

Về việc viết sử theo quan điểm của người tỵ nạn Việt Nam, nỗ lực đấu tranh tổng hợp của rất nhiều người Việt tỵ nạn tại California và với sự vận động tích cực của TNS tiểu bang California Janet Nguyễn đã thành công đưa lìch sử Việt theo quan điểm người Việt tỵ nạn vào chương trình giảng dạy tại California. Ngày 22 tháng 9 năm 2018, Thống đốc California đã ký chính thức thành luật của tiểu bang California.  (3C4) Báo chí và những trí thức sử học hải ngoại như Thời Báo, Việt Báo v.v.. và sách sử của GS Phạm Cao Dương và GS Trần Gia Phụng, nhất là phong trào " Kể truyện lịch sử" (Oral History) phỏng theo lối nhìn và đánh giá lại lịch sử của mọi góc nhìn cá nhân, nhất là của những người bên "thua cuộc" hay những người ly khai (3C3) bắt nguồn từ sử gia Hoa Kỳ lừng danh, Howard Zinn (3C; 3C1) chủ chương viết sử theo quan điểm của những người dân, người lính bình thường có kinh nghiệm bản thân và là chứng nhân của lịch sử viết hoặc kể lại. Viết và kể lại kinh nghiệm lịch sử theo lối của Zinn này thường độc lập không có nhiều thiên kiến vì mặc cảm (tự tôn hay tự ty), và tham vọng chính trị hoặc kinh tế như những nhà chính trị, tướng lãnh v.v.. của cả phía người thắng cũng như thua cuộc nên khách quan hơn. Trong đường hướng này, những cố gắng của nhiều người Việt tỵ nạn hải ngoại để truyền bá "lịch sử kể truyện" (oral history) đã mang lại sự chính xác, đầy đủ, và công bằng hơn cho lịch sử Việt Nam từ quan điểm của những Việt tỵ nạn và ly khai. Riêng với cá nhân tôi, xin đưa ra một ví dụ là tôi rất thích và tin câu chuyện về việc Trung Cộng cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hoà với sự giúp đỡ của đồng minh Hoa Kỳ, do thiếu tá Việt Nam Cộng Hoà Phạm Văn Hồng kể, (3C2) khách quan hơn tất cả những tài liệu của mọi sử gia của cả hai bên thắng và thua cuộc cũng như của Mỹ lẫn Trung Hoa viết về biến cố này. Tương tự như vậy, nhật ký của Đặng Thùy Trâm nói về  hoàn cảnh và  tâm tư  của người bộ  đội (3C6)  cũng có một giá trị cao từ phía bên "người thắng cuộc". Những hồi ký và kể truyện loại này đã làm cho lịch Việt nam chính xác hơn, đầy đủ hơn và thoát khỏi ảnh hưởng tuyên truyền của nhà cầm quyền và những sử gia phải viết sử theo quan điểm của nhà cầm quyền độc tài trong nước. Ngoài ra những trí thức theo triết lý và lý thuyết phê phán (critical theory) như Nguyễn gia Kiểng với quyển Tổ Quốc Ăn Năn (3C5) tuy gây nhiều tranh cãi ngay cả ở những cộng đồng hải ngoại đã minh chứng cho ta thấy rõ kiến thức chỉ có thể phát triển và củng cố và càng ngày càng hoàn mỹ ở trong những nước hoàn toàn có được tự do tư tưởng như Hoa Kỳ và những quốc gia Tây Âu.

GS Huỳnh Đình Tế trước khi qua đời đã đóng góp rất nhiều công sức soạn nhiều bộ sách giá trị trong thời kỳ đầu tiên của người tỵ nạn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tôi rất hy vọng những nỗ lực và thành quả của giới trí thức tỵ nạn Việt Nam như bộ Dòng Việt (GS Lê Văn), sách và bài viết về ngữ học, văn phạm, tự điển, văn học và văn chương Việt Nam của GS Nguyễn Đình Hoà, GS Bác sỹ Trần Ngọc Ninh, GS Đàm Trung Pháp, GS Nguyễn Ngọc Bích và rất nhiều học giả Việt Nam khác sẽ được tồn trữ trong thư viện Việt hoc (3; 3B6) như những đoá hoa độc đáo tuyệt đẹp phô sắc chung với những chủng tộc khác trong vườn hoa đa dạng Hoa Kỳ.

 

Tuy việc duy trì tiếng Việt gặp nhiều khó khăn vì giáo dục Mỹ luôn luôn thay đổi thực dụng theo dân số biến đổi, kinh tế chuyển đổi, và luôn luôn theo chiều hướng dân chủ dựa vào phiếu bầu và sự đồng thuận của đa số người Mỹ theo lá phiếu của mình. Hiện nay ngay ở dòng chính tại Mỹ tuy vẫn còn manh nha, đang có phong trào "Bình trộn sắc tộc" (melting pot) trổi dậy trở lại, chống trả với chính sách đa văn hóa "nhiều loại rau khác nhau làm dĩa rau trộn Mỹ ngon hơn" (salad bowl) đang vẫn được ủng hộ bởi đa số cử tri Mỹ. Phong trào "Chỉ dùng tiếng Anh" (English only) vì sức mạnh và phổ biến của tiếng Mỹ trên toàn thế giới cũng đang nổi lên chống lại nhiều phong trào vận động dùng thêm tiếng Tây Ban Nha tại Mỹ nhất là trong hệ thống giáo dục và chính phủ Mỹ đang càng ngày càng mạnh. Tâm lý lo sợ này nổi dậy chỉ vì một số người Mỹ thấy người Mỹ gốc La Tinh càng ngày càng đông và tiếng Tây Ban Nha đang lan tràn mạnh mẽ. Tuy vậy, những trường dạy tiếng Việt như trường Việt Ngữ Văn Lang (3B5) nhằm dạy trẻ em Việt tỵ nạn nói và bảo tồn tiếng Việt hoạt động khắp mọi chỗ có tập trung người Việt tỵ nạn, không những ở Hoa Kỳ mà còn ở rất nhiều nước khác như Pháp, Úc, Canada v. v... Thêm vào đó những chương trình như "Emersion" (3B1) và "heritage languages" mà tôi có dạy tiếng Việt tại PSU đang được khuyến khích ở nhiều nơi và khá thành công vì phụ huynh di dân muốn duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ và những lý do thực dụng như kinh tế (kinh tế toàn cầu "global economy") hay chính trị (3B2) (chống lại khủng bố giống như tiếng Việt được dạy trong thời chiến tranh Việt Nam). Những nghiên cứu và khám phá gần đây của những nhà ngữ học cho biết trẻ em có năng khiếu bẩm sinh, học nói được nhiều ngôn ngữ nhanh và dễ dàng rất nhiều hơn người lớn. (3B4) Từ những kết quả này, phong trào song ngữ immersion program được nhiều phụ huynh của những trẻ em muốn nói tiếng Nhật,Tây Ban Nha, tiếng Tàu ủng hộ. Tại Portland thuộc tiểu bang Oregon, sau nhiều cố gắng vận động của cộng đồng và giáo chức Việt Nam đã có chương trình immersion song ngữ Việt Mỹ đầu tiên tại Portland, Oregon. (3B1) Những phong trào này không những không bị chống đối mà còn được đa số người Mỹ ủng hộ.

 

C) Giáo dục Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sau tháng tư năm 1975, chính sách giáo dục tại Việt Nam còn tập trung khắt khe và có hệ thống hành chính cồng kềnh hơn nữa. Mọi hoạt động giáo dục đều phải định hướng theo Xã hội chủ nghĩa, trung ương tập quyền từ bộ quốc gia giáo dục gán ép (impose) chủ thuyết Mác Lê Nin và nhồi nhét những điều chính phủ muốn học sinh phải học trong những sách giáo khoa do bộ phát hành và bắt phải tuân theo.

Khoảng năm 1977, tôi còn nhớ  phải dạy một bài Anh Văn về "Bác Hồ" do một người Việt Nam bên "thắng cuộc" viết theo lối văn Việt Nam rất ngô nghê và khôi hài để tuyên truyền nội dung chứ không phải để dạy Anh Văn. Khẩu hiệu "hồng hơn chuyên" được rêu rao khắp nơi và mọi nỗ lực giáo dục đều tập trung vào nhồi sọ, tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng Sản và triết lý Mác, Lê Nin.

Tuy nhiên sau khi Liên Xô sụp đổ,vnhất là khi bình thường hoá bang giao vớ Mỹ và đổi mới bắt đầu, dần dần những người bên "thắng cuộc" bắt đầu bị ảnh hưởng văn hoá và giáo dục Việt Nam Cộng Hoà. Họ thấy nền giáo dục này vượt trội hơn giáo dục miền bắc do đó dần dần thay đổi và có những cải cách giáo dục trong nước. Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà tốt và hiện đại  hơn vì ngoài ảnh hưởng của những nước Tây phương nhất là của Pháp, còn có rất nhiều cải cách theo lối Mỹ trong những năm từ 1965 tới tháng tư 1975. Năm 1995, khi tôi về Việt Nam dạy cho một đại học tư ở Sài Gòn, tôi đã được yêu cầu là phải dạy theo lối Mỹ. 

Chính sách giáo dục, Việt Nam CHXHCN thay đổi và cải tiến luôn luôn từ trên trung ương xuống dưới địa phương đầy rẫy những cồng kềnh hành chính, lý thuyết, duy ý chí và xa rời thực tế. Theo điều 36, Hiến pháp CHXHCN Việt Nam 1992"Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mục tiêu, chương trình, nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng." (4) Vì chính sách giáo dục có nhiều khuyết điểm như vậy nên rất nhiều trí thức trong nước muốn cải tiến giáo dục như GS Ngô Bảo Châu, GS Chu Hảo (4H1), GS Hoàng Tụy (4H2) đã gióng lên nhiều tiếng chuông báo động nhưng vô hiệu. TS Phạm Anh Tuấn, người dịch John Dewey ra tiếng Việt chia sẻ một cách bực tức về hệ thông giáo dục tập trung lỗi thời cồng kềnh khó thay đổi khi ông thấy được sự ưu việt của giáo dục Mỹ: “Chỉ có Bộ GD-ĐT được phép nghiên cứu triết lý giáo dục thôi, chỉ mỗi Bộ mới được phép nghiên cứu SGK thôi. Chính điều ấy làm tiêu diệt khả năng sáng tạo của rất nhiều tầng lớp, bỏ phí nguồn chất xám của xã hội". (4G) Giáo sư Hoàng Tụy (4H2) năm 2013, nhấn mạnh phải cải tổ tận gốc, đưa kiến nghị phải thay đổi hoàn toàn vì giáo dục Việt Nam lạc điệu chứ không phải lạc hậu do đó không thể cải tổ được mà phải làm lại từ đầu. Ông cũng đề  nghị  giáo dục phổ thông Việt Nam phải định hướng nghề nghiệp cho từng học sinh và  giáo dục đại học phải được tự chủ và tự do học thuật. Ông đã  bị công an cho là phá hoại. Cho dù  bộ trưởng giáo dục nghe ông có thiện ý và thiện chí thay đổi để ông đăng kiến nghị trên báo Tia Sáng nhưng họ đã tự ý bỏ cụm từ "phi chính trị hoá" của ông. Đề án đưa lên trên bộ giáo dục chỉ được thông qua nhưng nghị quyết đưa ra lại khác và chính phủ không làm gì cả! Theo Giáo sư Hoàng Tụy, vòng "kim cô ý thức hệ" của đảng Cộng Sản luôn luôn xét chặt và kềm kẹp giáo dục Việt Nam . Với sự lên tiếng và đòi hỏi của giới trí thức trong nước, đảng đành phải cho thay đổi trên văn bản và lý thuyết nhưng chẳng thực hiện gì cả. Theo giáo sư Hoàng Tụy, đảng chỉ có "Quốc sách đầu hàng chứ không phải hàng đầu"! Đề nghị để cho những nhà giáo dục và Chuyên gia làm việc giáo dục mà không cho mấy ông chính trị trong bộ làm việc giáo dục cũng bị bác bỏ hoàn toàn. Thêm vào đó, theo TS Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê của Liên Hiệp Quốc, cho thấy chi phí cho giáo dục tại Việt Nam vượt xa những nước phát triển nhưng kết quả giáo dục không được khả quan. (4F1) Dân biểu Dương Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 100 năm Phong trào Đông kinh nghĩa thục (1907-2007) đã viết: "Phải chăng vì giáo dục chưa có một triết lý phù hợp với nhu cầu đổi mới và hội nhập hay phải chăng vì nó đã xa rời cái triết l‎ý đã từng khởi động công cuộc Duy Tân cách đây một thế kỷ  “thực học và thực nghiệp” (!?)….. Chúng ta hãy trao đổi để tìm ra triết lý cho ngành giáo dục tiếp tục đổi mới và hội nhập thực sự là gì"? (4D) TS Vũ Quang Việt nhận xét thêm: "Học sinh Việt Nam đi học là nhằm lên Đại học kiếm bằng cấp thay vì học nghề để đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế. Do đó mà ở cấp trung học, số học sinh các trường chuyên nghiệp ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 14% tổng số học sinh trung học. Tại các nước phát triển cao OECD, tỷ lệ học sinh ở các trường chuyên nghiệp lên tới 45%".(4F; 4F1)

Trong hoàn cảnh tệ  hại như vậy, vẫn có những thầy cô giáo đam mê dạy dỗ, hy sinh những nhu cầu của chính mình để giáo dục, phục vụ cho những trẻ em kém may mắn ở những vùng xa xôi hẻo lánh, đèo heo hút gió. (4Q)  Xin xem một utub nói về một cô giáo người việt đam mê dạy dỗ và thương mến học trò, quên mình, hy sinh cho những thế hệ trẻ. (4O) Tôi muốn tin câu chuyện là  thật và rất tự hào về nghề giáo có những thầy cô như cô giáo Nguyễn thị Ngọc dù không biết là chuyện thật hay chỉ  là tuyên truyền của chính phủ VN. Tuy nhiên, ta đã thấy, giống như  cô giáo Nguyễn thị Ngọc, rất nhiều cô giáo trẻ Mỹ  sau khi nghe Tổng Thống Kennedy khởi động phong trào Đoàn Hoà Bình (Peace Corps) hoàn toàn tự nguyện đã làm thật chuyện này tại những nơi xa thẳm ở Phi Châu hay những nước nghèo ở Á Châu khi trước. Để hy vọng và lạc quan vào giáo dục, xin xem GS Đoàn Văn Phú nói về việc ông tham dự Đoàn Hoà Bình. (4P)

II) Giáo dục tại Mỹ

 

Giáo dục Mỹ chịu ảnh hưởng của những triết lý giáo dục Tây âu coi khoa học thực nghiệm và lý trí con người quan trọng từ thời Aristotle với tam đoạn luận và phân tích hiểu biết thành những hạng loại khác nhau (categorization). Vào cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19 thời kỳ Khai sáng (Enlightment period) đã  bắt đầu khi lý trí và khoa học dẫn con người tới chỗ nhận thức được sự mê tín dị đoan của những văn hoá, giáo dục kềm chế tự do con người một cách phi lý và phi nhân. Từ Galileo cho tới Newton khoa học và những khám phá khoa học cũng như triết lý đều theo giả định là con người và vũ trụ đều tuân theo những nguyên lý cơ khí (mechanical world) giống như những bộ máy với những bộ phận tinh vi để vận hành. Newton đã đưa ra một khám phá mới với định luật vạn vật hấp dẫn vượt khỏi giả định thế giới máy móc của những khoa học gia và triết gia đi trước ông. Descartes cũng nói tới ý niệm "con ma" trong cái máy, bác bỏ giả định con người như một bộ máy. (6L7) Tuy nhiên những triết gia và khoa học gia này chỉ vẫn nhấn mạnh dùng lý trí giải thích con người chưa để ý hoặc không coi trọng khía cạnh cảm xúc (emotion) và động thái (behavior) của con người.

 

Nói về anh hưởng giáo dục Âu Châu, giáo dục Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng của triết lý giáo dục duy lý và thực nghiệm Anh hơn triết lý giáo dục tại lục địa Âu Châu (Continental philosophy). Tại lục địa Âu Châu, hai nước Đức và Pháp lại chú trọng vào hai truyền thống triết học khác nhau của Hy Lạp và La Mã. Trong khi Pháp phát triển giáo dục và văn hoá của Thiên Chúa Giáo, thiên về La Mã, bên Đức trong thời kỳ Khai sáng (Enlightment period), lại hướng nhiều hơn về Hy Lạp, nhất là sau khi áp dụng mô hình đại học Humboldt (6 & 6 bis) dùng lý trí, nghiên cứu khoa học để tìm ra sự thật. Nhiều đại học  Hoa kỳ đi theo mô hình đại học Humboldt nhấn mạnh duy lý, nghiên cứu và độc lập. Thời kỳ này dẫn tới cách mạng Hoa Kỳ và cách mạng Pháp với bản tuyên ngôn độc lập lừng danh thế giới do những tổ phụ cách mạng trí thức Mỹ soạn thảo. Dù mang nặng văn hoá đặc thu nhấn mạnh tự do cá nhân (individualism), và tinh thần độc lập (independence), giáo dục và khoa học Mỹ vẫn hướng về Anh quốc và những nước Tây Âu. Những phát minh khoa học như của Galileo khám phá quả đất hình tròn chứ không như giải thích của nhà thờ La Mã áp đặt bắt đầu phát triển và  nẩy nở trong thời kỳ khai sáng. Giáo dục khoa học thực nghiêm qua những khám phá sau khi muốn giải quyết những vấn đề bối rối khó xử trong khoa học vật lý  của những triết gia duy lý, khoa học gia thực nghiêm (empiricist) như Descartes, Newton, Hume, v.v... dẫn tới cách mạng kỹ nghệ (industrial revolution), phát minh máy móc giải phóng con người khỏi sự khốn khổ của lao động chân tay. Tuy nhiên hậu quả xấu của giáo dục khoa học kỹ thuật theo truyền thống của giáo dục Âu châu với những mục đích, cứu cánh kỳ  thị khác nhau trong giáo dục đạo  đức của những tôn giáo (Ky Tô giáo, Hồi giáo), giai cấp (tư bản hoặc vô sản) chủ nghĩa dân tộc (dân tộc Aryan) khác nhau đã dẫn Âu Châu tới chủ thuyết thực dân, đế quốc, quốc xã, quân phiệt, cộng sản v.v... thánh chiến, hai cuộc đại chiến tàn khốc trong thế kỷ XX, và những cuộc chiến tranh khủng bố hiện nay.

Bertrand Russell (6A, 6A1), một triết gia người Anh có ảnh hưởng rất lớn trong văn hoá và giáo dục Mỹ đã đưa ra một đề nghị về giáo dục theo quan điểm duy lý (rationalism) của ông được rất nhiều nhà giáo dục Mỹ hưởng ứng. Theo Russell, Russell (6A) cho rằng cần phải thay đổi giáo dục trong cả hai yếu tố trong giáo dục: cá nhân và xã hội. Đối với cá nhân, mỗi học sinh cần có một số kiến thức tổng quát, một số kỹ năng tài khéo, kỹ thuật trong ngành nghề của mình và một thói quen phán đoán và kết luận dựa trên sự kiện bằng chứng. Về  đức dục cần giáo dục tính công bằng, lòng tốt, và sự tự kiềm chế. Tuy rất duy lý (rationalism), Russell cũng thấy cần gây cho người học cảm hứng, lòng say mê (passion) và hạnh phúc trong đời sống. Đối với việc đức dục, về phương diện xã hội Russell đề nghị phải giáo dục tôn trọng luật pháp, công lý, tôn trọng những mục đích không gây tổn thương bảo tồn lâu dài môi trường sống cho loài người (bảo vệ môi trường sống cho những thế hệ tiếp nối), và tìm làm mọi phương tiện để đạt mục đích đó. 

Russell cũng bàn tới việc giáo dục liên quan tới những giả định của tâm lý là:"nhân tri sơ tính bản thiện hay nhân tri sơ tính bản ác" (Rousseau vs. Hobbs and Freud) (6B & 6C) Đặc biệt về phương diện trí thức, những triết gia và tâm lý gia Âu Châu như Piaget, Vygotsky, và Bruner mô tả và giải thích về tiến trình phát triển trí tuệ của trẻ em có ảnh hưởng lớn lao tới giáo dục trẻ em mẫu giáo và tiểu học Mỹ. (6G; 6G1 &6G2) 

Sau thế chiến II, Hoa Kỳ trở nên cường quốc số một thế giới thu hút rất nhiều nhân tài, trí thức trên khắp thế giới kể cả những nhà giáo dục, khoa học xuất sắc của nước Đức bại trận. Giáo dục Mỹ trở thành nơi tập trung tinh hoa của truyền thống giáo dục Âu Châu. Giáo dục Mỹ tuy chịu ảnh hưởng rất sâu đậm truyền thống giáo dục Tây Âu nhưng có những nét truyền thống đặc thù nhấn mạnh tới tính cách cá thể độc đáo của từng mỗi người được triết gia giáo dục Mỹ John Dewey viết rõ trong quyển "Dân chủ và Giáo Dục" (Democracy and Education) (Dewey, 2011) nhấn mạnh ba yếu tố thầy cô giáo, học sinh, và nội dung chương trình học. Dewey tin rằng thầy cô giáo không được là giảng viên (instructor) mà phải là người hướng dẫn và điều phối (guide and facilitator) cung cấp cơ hội cho học sinh nhằm giúp họ tự khám phá  để trở thành những học sinh chủ động và tự lập. Theo Dewey, giáo dục phải cung cấp cơ hội (expose) môi trường và những vấn đề cần thiết để học sinh hoặc học viên tùy theo sở thích và trình độ của mình tự tìm tòi học hỏi thay vì soạn thảo một chương trình bắt buộc áp đặt (impose) từ trên bắt học sinh phải học. Học sinh được khuyến khích vừa học vừa thực tập làm, luôn luôn nối kết việc học với thực tế đời thường. Nội dung mới phải nối kết và liên hệ tới những điều mới học. Việc học phải để giải quyết và tìm hiểu những vấn đề trong cuộc sống.  Dewey còn nhấn mạnh việc học qua kinh nghiệm, thực tiễn khuyến khích học sinh dấn thân trực tiếp vào môi trường chung quanh, dẫn tới học để giải quyết vấn đề thực tiễn chung quanh và học để tìm hiểu những điều xảy ra chung quanh trong xã hội.

Carl Rogers (6H3), một nhà tâm lý và giáo dục lừng danh thế giới của Hoa Kỳ không  đồng ý với thuyết hành vi (behaviorism) của Watson, Skinner, và Pavlov (6J; 6J1; 6J2) khi họ tin rằng đứa bé như một tờ giấy trắng  đợi giáo dục làm đầy tri thức và luân lý của những tôn giáo, triết gia, khoa học gia của những thế hệ trước viết vào cho đầy để trở thành con người hiểu biết và đạo đức trọn vẹn (well rounded). Ngược lại giống như Rousseau, Rogers (6I1; 6I2) tin rằng đứa bé sinh ra bẩm sinh đã có tính hướng thiện, tò mò tìm hiểu và biết thu nhận chọn lọc, học những điều thích và hợp với mình. Cũng không đồng ý với những nhà lý thuyết quá nhấn mạnh khía cạnh lý trí (rationalism) trong giáo dục, trong quyển "Freedom to Learn"(Rogers, 1993), Rogers nhấn mạnh tới yếu tố tự do trong việc học, xây dựng trên thuyết lấy học viên làm trung tâm (student-centered) để tạo môi trường giáo dục phát triển tính hiếu kỳ, tìm hiểu và óc sáng tạo cho học viên, sinh viên và học sinh. Từ lý thuyết tâm lý nhân vị trọng tâm (person centered) của mình, Rogers tin rằng có thể hoàn toàn áp dụng vào giáo dục cho người dạy ba điều kiện cần và đủ (attitudinal conditions) là cộng cảm, thành thật trong sáng và chấp nhận người học vô điều kiện (empathy, genuineness và unconditional acceptance). (6H; 6H2; 6H4; 6H5) Rogers cho học tập tri thức (cognitive learning) không thể bằng học qua kinh nghiệm (experiential learning). Học sinh phải tham dự hoàn toàn vào tiến trình học tập. Người dạy phải thiết kế môi trường học tập. 2) Xác định được mục tiêu học của học sinh 3) tổ chức và cung cấp học cụ (learning resources) 4) cân bằng yếu tố lý trí và tình cảm trong tiến trình học 5) chia sẻ tình cảm  và suy nghĩ với học sinh nhưng tránh thống trị lấn át (dominating). Ông cũng nêu ra những ưu điểm của lối học qua trải nghiệm này là học sinh tự mình tìm những điều mình thích, dấn thân vào việc học của chính mình, tự đánh giá và bao gồm mọi khả năng vào việc học của mình. (6H; 6H1; and 6H2) Tôi cho rằng lối dạy và học theo "Học viên trọng tâm" ngoài việc kích thích trí tò mò, tìm hiểu để phát triển trí tuệ hợp với trình độ và khả năng của mình, còn phát triển được trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) (6G3) khi học sinh tác động trao đổi với giáo viên biểu lộ được thấu cảm, thành thật trong sáng và chấp nhận vô điều kiện (empathy, genuineness, and unconditonal acceptance). Trí thông minh cảm xúc này là một yếu tố rất cần thiết để phục vụ và thành công trong xã hội đương đại. (6G3; 6G3bis)  

Về việc thay đổi giáo dục phát xuất từ chính phủ liên bang mà Hoa Kỳ rất ít khi làm, phải nói tới hai cuộc thay đổi hệ thống giáo dục khoa học toán và công nghệ ngoạn mục tại Hoa Kỳ vào năm 1957 khi vệ tinh Sputnik của Liên Xô bắn lên không gian thành công, người Mỹ đồng thuận dùng tiền đóng thuế để tăng cường quốc phòng chống lại làn sóng đỏ của Cộng sản Liên Xô khi tổng thống Eisenhower cho phép Ngũ Giác Đài (Pentagon) thành  lập cơ quan làm những Dự Án Nghiên Cứu Tiên Tiến  (Advanced Research Projects Agency "ARPA") (7) nghiên cứu những  công nghệ cao (hightech), mạng lưới điện toán (computer networking). Rất nhiều những phát minh từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã chuyển giao công nghệ cao cho những công ty tư nhân tại Thung Lũng Silicon miền bắc California để sản xuất dùng trong lãnh vực dân sự khi bộ quốc phòng không bảo mật nữa. (7A) Cũng giống như tinh thần dân chủ "Hội Nghị Diên Hồng" của Việt Nam đánh thắng quân Nguyên "bách chiến bách thắng", khi tổng thống Kennedy vì an ninh quốc gia, gây niềm cảm hứng (inspiring) cho toàn dân Mỹ là sẽ đưa người lên cung trăng trước Liên Xô cuối thập niên 1960's, toàn dân Mỹ đã nô nức cải tổ giáo dục toán và khoa học, ủng hộ tổng thống Kennedy và  chính phủ đưa Neil Amrstrong trong phi thuyền Apollo 11 là người đầu tiên lên cung trăng năm 1969. Những thành tích theo thống kê của Giáo dục đại học tại Hoa Kỳ cho tới nay không thể phủ nhận được qua con số thống kê bằng dữ kiện (facts). (6 quater)

Chương trình head start nhằm giúp trẻ em gia đình có lợi tức thấp trước khi vào học mẫu giáo nhằm giáo dục trẻ em phát triển trí tuệ, xã hôi và cảm xúc từ lúc mới sinh ra cho đến lúc vào học mẫu giáo học tập thành công. Chuyên viên tâm lý và giáo dục dùng những kết quả nghiên cứu về phát triển của trẻ em để hướng dẫn những cách giáo dục tốt nhất (emerging best practices) cho trẻ em ở lứa tuổi này. Sau khi học xong lớp mẫu giáo, học sinh bắt đầu chương trình tiểu gồm năm cấp lớp, sau đó sẽ vào trung học đệ nhất cấp (middle school) có 3 cấp 6, 7, 8, rồi sang đệ nhị cấp gồm các cấp 9, 10, 11, 12. Ở bậc tiền mẫu giáo, mẫu giáo và  tiểu học, học sinh được cung cấp bối cảnh để vui chơi, tìm hiểu và nhất là để tác động ảnh hưởng với nhau (interact) nhằm phát triển trí thông minh cảm xúc (emotional intelligence) (6G3), đôi khi rất cần thiết và hữu hiệu để thành công trong "nấc thang xã hội" hơn thương số trí tuệ IQ (Intelligence Quotient). (6G4)  Nhiều phương pháp giáo duc ở cấp tuổi này được lấy ra từ những khám phá của các tâm lý gia nghiên cứu trẻ con ở những độ tuổi này như Freud, Erickson, Piaget,vygotsky, và Bruner (6G; 6G1; 6G2) Một trong những phương pháp được ưa chuộng tại Hoa Kỳ ở bậc tiểu và trung học là phương pháp Montessori. (6G5; 6G5 bis) Phương pháp này có những đặc tính sau đây: Học sinh nhiều lứa tuổi học chung một lớp thường từ 3 tuổi tới 6 tuổi sau đó  từng lứa tuổi từ 6 đến 9, 9 đến12, 12 đến 15, và 15 đến 18 tuổi. Học cụ được xắp xếp theo những môn học thích ứng theo lứa tuổi của học sinh. Thầy cô giáo được huấn luyện quan sát và nhận biết đặc tính, khuynh hướng, tài năng và khả năng của từng đứa trẻ trng lớp mình qua những lý thuyết tâm lý  phát triển của con người (human development). Bốn khía cạnh chính của Montessori là đời sống thực hành, toán, ngôn ngữ và nghệ thuật. (6G5) Ở bậc tiểu và trung học, thầy cô giáo Mỹ thường thường tạo điều kiện (expose) để học sinh có cơ hội tìm hiểu và học hỏi điều mình thích. Ngoại trừ những kiến thức căn bản (core), họ ít khi nhồi nhét kiến thức (indoctrinating) cho học sinh nhưng chỉ giúp học sinh những phương cách để tự mình tìm lấy những điều mình muốn biết. Cách sử dụng thư viện và tìm kiếm trên internet thường được chỉ dẫn rất sớm và rất kỹ. Với sự bùng nổ của kiến thức (explosion of knowledge), học sinh không thể và không cần nhớ dữ kiện mà chỉ cần nhớ  một số kiến thức căn bản và biết cách tìm những chi tiết và những điều tự mình muốn biết thêm. Với cách học và dạy này, học sinh Mỹ thường bị đánh giá là rất dở về toán, không biết tính nhẩm mà lúc nào cũng cần tới máy tính mới tính được cộng trừ nhân chia và thường không thích và sợ học toán và khoa học. Tuy nhiên, học sinh Mỹ đánh máy, sử dụng máy vi tính và tìm kiếm dữ kiện mình muốn biết thật nhanh và rất giỏi và đa số thích học những môn học mình thích mà thôi. Lúc đầu khi thấy vậy, tôi nghĩ rằng trí thông minh và óc phán đoán của học sinh Mỹ không thể sắc bén bằng học sinh Việt Nam mình được nhưng sau đó tôi phát hiện ra có một số em Mỹ trắng, nhất là những em thích toán được chọn sang học những lớp advanced về toán giỏi hơn học sinh Việt mình xa. Cách học nhóm và làm việc chung trong nhóm tại học đường cũng là một nét đặc thù nữa trong giáo dục Mỹ.

 

Theo kinh nghiệm học và dạy học của chính tôi tại Mỹ, nền giáo dục Mỹ không nhằm giúp cho mọi học sinh vào học đại học. Trước thập niên 1970's học sinh Mỹ ngay cả ở những gia đình trung lưu rất khó vào học đại học. Sau thế chiến thứ hai, luật "Điều chỉnh cho quân nhân có giáo dục và kỹ năng dân sự" (The GI bill  "Service Men's Readjustment Act of 1944") (7B) và những trợ giúp tài chính (financial Aid) của chính phủ liên bang như Pells grant, Stafford loan, and work study đã giúp đỡ tài chính cho rất nhiều cựu chiến binh Mỹ và gia đình nghèo vào học đại học. Những người đủ điều kiện này tiếp tục đi học cho đến hết bậc cử nhân và sẽ được chính phủ liên bang tiếp tục tài trợ nếu đủ điểm mỗi học kỳ để lên học những lớp khác. Tuy nhiên vì ngân sách giáo dục do dân đóng thuế cho những đại học công lập (State unversities) quá cao, nhất là ở California, những người bảo thủ Mỹ càng ngày càng vận động cho việc sinh viên thực sự muốn học đại học phải tự đóng góp học phí nhiều hơn trước nếu nhận tài trợ (financial aid) cho không đủ, mà chưa  giỏi để có thêm học bổng khác. Khuynh hướng này bị những người cấp tiến phản đối và còn đang tranh cãi một cách dân chủ trong xã hội Mỹ. Chính sách giáo dục, cách giảng dạy tại Mỹ luôn luôn thay đổi theo ý muốn thay đổi của phụ huynh và cử tri đi từ từng khu học chính lên tới chính sách giáo dục của tiểu bang và của liên bang. Ngoại trừ những chính sách chung do chính phủ liên bang soạn thảo và trợ cấp tài chính như chương trình "Học tiếng Anh như một sinh ngữ thứ hai" (English as a Second Language "ESL") và một số chương trình khác như "Giáo Dục Đặc Biệt" (Special Education), tất cả mọi chính sách giáo dục đòi hỏi ngân sách, dính dáng tới tài chính được thành viên ban quản trị (board members) từng học khu (school district) do dân trực tiếp bầu  lựa chọn và quyết định. Những nhóm lợi ích như công ty xuất bản sách giáo khoa, học cụ trang bị cho trường học rất khó ảnh hưởng tới quá trình lựa chọn và quyết định. Ở những nước trung ương tập quyền quyết định từ chính phủ qua bộ giáo dục như ở Việt Nam vì hệ thống hành chính (bureacracy) cồng kềnh rất khó thay đổi theo nhu cầu và hiện trạng thay đổi của từng địa phương và rất dễ sinh ra tham nhũng vì bị lợi dụng và mua chuộc bởi các nhóm lợi ích.

 

Điểm nổi bật nhất của giáo dục Mỹ xây trên văn hoá đặc thù Mỹ khởi nguồn từ cá nhân chủ nghĩa  (individualism) chú trọng tới nhu cầu, đam mê, khả năng và cá tính của từng học sinh để từ đó khuyến khích, giáo dục từng em một qua việc cung cấp cơ hội (expose) chứ không nhồi nhét kiến thức (impose) vào học sinh. Điểm mạnh thứ đến là cộng đồng thực tiễn, cụ thể là khu học chính do những cá nhân phụ huynh bầu trực tiếp để phục vụ giáo dục con em mình. Những thành viên trong hội đồng quản trị của khu học chính này hiểu rất rõ nhu cầu giáo dục, kinh tế, văn hoá và chính trị địa phương và nhu cầu giáo dục của địa phương. Kế tiếp là bộ giáo dục Tiểu Bang rồi cuối cùng mới tới bộ giáo dục liên bang luôn luôn dựa trên giá trị phổ quát của hiến pháp Hoa Kỳ. Người Mỹ tuy rất cá nhân chủ nghĩa nhưng cũng rất tôn trọng hiến pháp Hoa Kỳ và mọi luật lệ địa phương, tiểu bang và liên bang do đa số bỏ phiếu chấp thuận. Giáo dục như vậy, theo tôi nghĩ không nhằm muc đích cho học sinh, sinh viên làm được tiền nhiều, danh vọng cao và được nể trọng như bác sỹ, nha sỹ, kỹ sư, hay doanh nhân thành đạt. Mục đích giáo dục nhằm cung cấp cơ hội cho từng học sinh thích theo đuổi ngành nghề chính cá nhân mình muốn học hỏi, mình coi là quan trọng và có ý nghĩa cho cá nhân mình trở thành giỏi trong lãnh vực đó mà không theo mức thang danh vọng định sẵn của xã hội. Nếu phải chọn giữa ngành lương cao, dễ kiếm việc và ngành mình thích học, theo kinh nghiệm làm việc ở Mỹ của tôi, đa số sinh viên Mỹ đều chọn ngành mình thích học, sau đó mới là mục đích kiếm được việc làm và phụng sự xã hội. Cứu cánh và những mục đích này có ưu điểm là người học không phải theo giá trị chung của xã hội mà tự mình theo đuổi những mục đích và đam mê của mình thích hợp với khả năng, ưu điểm và khuyết điểm của mỗi người. Khi nhìn thấy những thống kê xếp hạng chung chung là học sinh Mỹ kém toán, kém điểm khoa học so sánh với những nước kỹ nghệ hoá, nhất là những nước Á Châu, với tư cách là một người Mỹ gốc Việt tôi không cảm thấy lo ngại vì  biết rằng mục đích của giáo dục Mỹ không nhằm làm mọi học sinh đều giỏi toán và khoa học để có nhiều bác sỹ, kỹ sư và tiến sỹ như những nước ở Á Châu kể cả Việt Nam. Theo thống kê, người Mỹ đứng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật và chiếm được nhiều giải Nobel nhất (6 quater) vì giáo dục Mỹ cho mọi người cơ hội đồng đều (equal opportunity) để tự theo đuổi đam mê của mình theo khả năng và sở thích khác nhau của mỗi người.  

Từ sau thế chiến II, hai khuynh hướng chính luôn cạnh tranh thay thế lẫn nhau ở từng cấp giáo dục từ tiền mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học, và hậu đại học theo hai sở thích chính của người Mỹ nói chung. Khuynh hướng thứ nhất nhằm giáo dục để tạo ra con người hữu dụng, có việc làm có ích cho xã hội và tôn trọng truyền thống và những gì có sẵn do nhà cầm quyền thường là đảng Cộng Hoà hay đảng Dân Chủ được hỗ trợ bởi những thế lực kinh tế như nghiệp đoàn (unions) hay những công ty doanh nghiệp (corporate) v..v..

Giáo dục tại tiểu học, trung học và đại học cộng đồng, những đại học từ cấp cử nhân trở xuống và những đại học chuyên nghiệp (6 ter) loại (D/PU: Doctoral/Professional Universities) có thể là đại học công hay tư, thường có mục tiêu giáo dục để sửa soạn cho đời sống (Education is preparation for life). Những đại học này thường được một số các công ty lớn ở tại địa phương khuyến khích cấp thêm ngân quỹ nhằm mục đích đào tạo được những bác sỹ, kỹ sư, chuyên viên và nhân công có kỹ thuật và kiến thức sẵn để làm việc cho họ khi ra trường.Trong lãnh vực giáo dục chuyên nghiệp này, tính sáng tạo của những kỹ sư, giáo sư kinh doanh của Hoa Kỳ cũng trong danh sách hàng đầu thế giới như Henry Ford (6G4) với phát minh làm việc dây chuyền (assembly line) lừng danh thế giới của ông, kỹ sư William Deming (6G4 bis) đã giúp cho hãng xe Toyota Nhật trở nên một trong những hãng xe quản lý chất lượng trở nên hàng đầu thế giới đó là chưa kể tới Bill Gates, Steve Jobs, hay Zuckerberg. (6G4 ter) Họ đã đều bỏ học, theo đuổi đam mê của mình với những cố gắng và nghiên cứu phi thường để khám phá ra những điều hữu ích cho toàn thể nhân loại giống như những khôi nguyên Nobel. Hơn thế nữa, ngoài những nghiên cứu và phát minh cho Microsoft, Gates còn say mê nghiên cứu và đóng góp rất nhiều về y tế, bảo vệ môi trường không mệt mỏi. Những khám phá và hiểu biết của ông còn hơn cả nhiều nghiên cứu của những khoa học gia về môi trường.Tính tới nay ông đã cho từ thiện 45 tỷ đô la chứ không mua xe "khủng" và muốn quyền cao chức trọng để xã hội và mọi người chung quanh thèm thuồng nể trọng như những đại gia Trung Hoa và Việt Nam trong nước. 

Trong khi đó khác với khuynh hướng giáo dục để sửa soạn cho đời sống (Education is preparation for life) vừa kể, khuynh hướng giáo dục chính là đời sống (Education is life) theo mẫu hình Humboldt University ..(6; 6bis)  (Dewey) nhằm cung ứng  điều kiện và môi trường, tạo điều kiện thuân lợi để người học có thể phát triển theo đuổi những sở thích và đam mê của chính mình mà không cần để ý tới "nấc thang xã hội". Nhìn vào thực tế, tôi thấy những chương trình tiền mẫu giáo (headstart), advanced placement ở trung học, (6I3) và hậu đại học của những trường đại học tư loại Carnegie R1 như Massachusetts Institute of Technology (MIT), Harvard University, Yale University, Stanford University, v.v..(6; 6bis; 6 ter) và đại học công như University of California-Berkeley, Oregon State University , Washington State University v.v..  thường áp dụng giáo dục là đời sống (Education is life) để sinh viên và nghiên cứu sinh hoàn toàn tự do theo đuổi đam mê nghiên cứu và học hỏi của mình, hoàn toàn không bị ràng buộc bởi xã hội và chính trị bên ngoài vì ngân quỹ được cung cấp bởi nhiều nguồn khác nhau. Cách học theo triết lý của Humboldt và John Dewey đã gây cảm hứng (inspire) cho việc theo đuổi đam mê và sở thích của người nghiên cứu học hỏi, dẫn họ tới những khám phá, phát minh ngoài quy ước, vượt khỏi kiến thức của tiền nhân. Vì đam mê học và nghiên cứu, họ thấu hiểu được những khám phá và kiến thức của tiền nhân rồi đã đứng trên vai những vĩ nhân đi trước không e dè nể sợ, để có thể phát minh sáng tạo, vươn tơi những tầm cao mới. Nói theo kiểu sáo ngữ văn mới trong nước là " đạt tới đỉnh cao trí tuệ của loài người"!!! Tại những đại học nghiên cứu loại Carnegie RI theo kiểu Humboldt, giáo sư luôn luôn phải thay đổi nội dung giảng dạy cập nhật hoá kiến thức do mình hay bạn đồng nghiệp nghiên cứu tìm ra được mới nhất trong năm. Giáo sư không có khám phá mới mà dùng bài giảng của mình năm ngoái dạy lại thì coi như bộ môn đó đã chết rồi. Sinh viên và nghiên cứu sinh học hỏi lẫn nhau trong những nhóm nghiên cứu của mình cũng quan trọng như học với giáo sư như Chomsky đã nói. (6L5) Theo thống kê từ 1901 đến 2018, trong số 12 đại học lãnh nobel prize nhiều nhất trên thế giới thì đứng đầu là đại học Harvard của Mỹ và 9 đại học kia cũng của Mỹ chỉ có 2 đại học của Anh là đại học Cambridge và đại học Oxford. Đại học Humboldt của Đức đứng hạng thứ 13 và University of Paris của Pháp đứng hạng 14. (6 quater) Chomsky (6L; 6L1; 6L5), một trí thức hàng đầu của Mỹ và thế giới, tin rằng giáo dục đúng cách giúp học sinh có thể phát triển óc sáng tạo và khả năng phán đoán độc lập. Theo Chomsky, vai trò của nhà giáo dục không phải là đổ đầy những kiến thức đã có của vĩ  nhân, thánh hiền thời trước vào trí nhớ người học nhưng là tạo điều kiện và định hướng để người học tự tìm hiểu ra giải pháp hoặc thấu hiểu, tìm ra những điều muốn học. Học như vậy, học viên không chỉ thụ động tiếp thu kiến thức và mau chóng quên đi điều mình học giống như đổ nước vào bình bị lủng. Hơn nữa, nó giúp người học có cơ hội đứng lên vai những tư tưởng gia thế hệ trước để có thể vươn tới tầm cao hơn với những sáng kiến mới không bị gò bó trong hộp đựng tư tưởng của tiền nhân (thinking out of the box). Với sự bùng nổ kiến thức (explosion of knowledge) từ giữa thế kỷ 20 cho tới nay, việc nhồi nhét "Tứ Thư Ngũ Kinh" khi xưa để làm quan dạy học hoặc kiến thức của tiền nhân cần và đủ để đi làm không thể thực hiện được nữa và đã quá lỗi thời. Ngoài một số kiến thức căn bản, người dạy rất cần chỉ cách, hướng dẫn và khuyến khích cho học sinh, sinh viên và học viên tự tìm kiếm những điều mình muốn biết. Hơn nữa, với đam mê thích giải quyết những vấn đề chưa có giải đáp, học viên có thể  giải quyết vấn đề một cách đột phá và sáng tạo.

 

Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, việc nghiên cứu tại những đại học bộ quốc phòng chuyển sang bộ Y Tế tại một số đại học như ở MIT. Dần dần đa số đại học Mỹ phải dựa vào nguồn tài chính của những công ty tư nhân do đó nghiên cứu thường ngắn hạn, có quy mô nhỏ hơn nhằm vào kinh doanh. Tuy nhiên những đại học loại Carnegie R1 vẫn tồn tại và tiếp tục duy trì thuyết duy lý (rationalism) và triết lý "giáo dục là đời sống" từ thời Ánh Sáng.

Ở Mỹ, ngoài bộ Quốc Phòng mạnh nhất và luôn luôn được cử tri của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đồng thuận cấp ngân sách, những bộ khác ngay cả bộ Y tế cũng còn đang tranh cãi chưa hoàn toàn ngã ngũ là luật "Obama care" có đáng được toàn thể người Mỹ đóng thuế (tax payers) đồng thuận hay không.  Bộ giáo dục cả ở Liên Bang lẫn Tiểu Bang của Mỹ rất yếu và thường đóng vai trò tư vấn cho những khu học chính (schools districts) và những trường đại học, ngoại trừ những chính sách và luật liên bang do quốc hội ấn định như (disability act), special education v. v. .

 

(Còn tiếp)

 

Đỗ Thế Vinh, Ph.D

 (Xin xem tiếp phần nhận định)


Tất cả những websites sau đây truy cập lại được từ ngày 2 tháng 1 đến ngày 22 tháng 2 năm 2019. Nếu click vào liên kết cầu nối "link" mà không dẫn tới địa chỉ trên mạng (I address), xin làm nổi bật (highlight) rồi right click để copy và "paste" vào địa chỉ trên internet.

 

 (1) http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%95ng_T%E1%BB%AD

(1bis) http://viethocjournal.com/2018/03/cua-khong-cai-noi-cua-nen-giao-duc-nhan-ban/

(1A) http://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_V%C4%83n_An

(1B) http://ongvove.wordpress.com/2015/06/05/giao-duc-o-nam-viet-nam-tu-xua-den-het-de-nhat-cong-hoa/
 

 (1C) http://chimviet.free.fr/giaoduc/lainhubang/lnb_aymonier_TiengphapVaHCDD1_GD.htm

 (1D) http://chimvie3.free.fr/16/nqdn054.htm

(1E) http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%B4ng_Kinh_Ngh%C4%A9a_Th%E1%BB%A5c

(1F) http://voer.edu.vn/m/tu-luc-van-doan/cc612795

(1G) http://viethocjournal.com/2019/01/luoc-su-che-do-khoa-cu-viet-nam-thoi-nho-hoc/

(2) http://son-trung.blogspot.com/2017/04/ts-nguyen-thanh-liem-giao-duc-vioet-nam.html

hoặc:

http://hocthenao.vn/2013/10/16/nen-giao-duc-o-mien-nam-1954-1975-trich-nguyen-thanh-liem/

 (2A) http://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87n_%C4%90%E1%BA%A1i_h%E1%BB%8Dc_S%C3%A0i_G%C3%B2n

(2B)  http://ongvove.wordpress.com/2011/02/13/d%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-mi%E1%BB%81n-nam-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-1975-h%E1%BB%93i-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-va-nh%E1%BA%ADn-d%E1%BB%8Bnh/

(2C) http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a

 (2D) http://trinhhoaiduc.netfirms.com/sangtac/caohoc1.html

 (2E) http://www.youtube.com/watch?v=ShzIjzgh6So&feature=em-lsp

(2F) http://nsvietnam.blogspot.com/2015/10/giao-chuc-thoi-viet-nam-oc-lap-9-thang.html

(2G) http://www.kieumauthuduc.org/index.php/kmtd

 (3) http://viethocjournal.com/bientap/

 (3A)  http://viethocjournal.com/2018/03/co-cau-tieng-viet-trong-khuon-kho-ngu-phap-hoan-vu/

(3A1) http://www.viethoc.com/tap-chi/dong-viet

(3A3)  http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_%C4%90%C3%ACnh_H%C3%B2a

(3A4) http://viethocjournal.com/2018/12/giao-duc-viet-nam-nhan-ban-khai-phong-khoa-hoc/

 (3B) http://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-44466002

(3B1) http://www.oregonlive.com/portland/index.ssf/2014/10/portland_public_schools_vietna.html

(3B2) http://eric.ed.gov/?id=ED445516

(3B3) http://www.bbc.com/vietnamese/forum-47028662

(3B4) http://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-46292952

(3B5) http://www.vanlangoregon.org/vschedule.php

(3B6) http://viethocjournal.com/2018/11/tai-lieu-viet-hoc-tai-dai-hoc-cornell/

(3C) http://www.youtube.com/watch?v=Vn_m9WCd-88

(3C1) http://www.youtube.com/watch?v=HC1cQCtbEBo

(3C2) http://www.youtube.com/watch?v=dJMYhtYwwJM

 (3C3) http://www.youtube.com/watch?v=kBoGEx55eyA&t=1123s

 (3C4) http://www.youtube.com/watch?v=RD_XAj4NGWA

 (3C5) http://www.vinadia.org/to-quoc-an-nan-nguyen-gia-kieng/

 (3C6)

http://www.wattpad.com/story/166962997-nh%E1%BA%ADt-k%C3%BD-%C4%91%E1%BA%B7ng-th%C3%B9y-tr%C3%A2m-full

(4) http://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BA%BFn_ph%C3%A1p_n%C6%B0%E1%BB%9Bc_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a_x%C3%A3_h%E1%BB%99i_ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_Vi%E1%BB%87t_Nam

(4A) http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam

(4B) http://web.archive.org/web/20071010143226/http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/09/743503/

(4C) http://web.archive.org/web/20071218204841/http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/657493/

(4D) http://web.archive.org/web/20071228014559/http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/656655/

(4E) http://web.archive.org/web/20071228014609/http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/657803/

(4F) http://web.archive.org/web/20071229021156/http://vietnamnet.vn/nhandinh/2006/12/646897/

(4F1) http://web.archive.org/web/20071105204025/http://www2.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/02/540758/

 (4F2) http://www.bbc.com/vietnamese/forum-45623019

(4G)  

http://duongtrongtan.wordpress.com/2012/02/09/kinh-di%E1%BB%83n-dan-ch%E1%BB%A7-va-giao-d%E1%BB%A5c/

 (4H) http://www.youtube.com/watch?v=ShzIjzgh6So&feature=em-lsp

(4H1) http://www.youtube.com/watch?v=mLoKRXAWR70

(4H2) http://www.youtube.com/watch?v=YHZiDJ4Bcr0

(4H3) http://www.youtube.com/watch?v=EZtgh6YI47w

(4I) http://web.archive.org/web/20080130010935/http://vietnamnet.vn/giaoduc/2004/12/353237/

(4J) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45318544

(4K) http://www.phunuonline.com.vn/giao-duc/ai-mua-bang-tien-si-khong-111052/

(4L) http://www.phunuonline.com.vn/giao-duc/neu-duoc-chon-lai-toi-khong-chon-su-pham-148722/

(4M)http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chung-toi-kich-liet-phan-doi-de-xuat-cap-chung-chi-day-hoc-cho-nha-giao-post194765.gd

(4O) http://www.youtube.com/watch?v=3okFbDKHlEE&feature=youtu.be

 (4P) http://vietbao.com/a81533/di-san-tong-thong-john-f-kennedy-de-lai

(4Q) http://www.phunuonline.com.vn/giao-duc/su-chuyen-nghiep-va-trai-tim-nguoi-thay-121640/

 (5) http://ballotpedia.org/Education_policy_in_the_United_States

(5) http://www.academia.edu/10239647/Gi%C3%A1o_tr%C3%ACnh_GI%C3%81O_D%E1%BB%A4C_%C4%90%E1%BA%A0I_H%E1%BB%8CC_VI%E1%BB%86T_NAM_V%C3%80_TH%E1%BA%BE_GI%E1%BB%9AI

 (5A) http://www.acf.hhs.gov/ecd/early-learning/head-start

(5B) http://www.pps.net/head-start

(5C) http://www.thoughtco.com/design-your-educational-philosophy-2081733

(5D) http://ctle.hccs.edu/facultyportal/tlp/seminars/tl1071SupportiveResources/comparison_edu_philo.pdf

(5D1) http://en.wikipedia.org/wiki/Philosophy_of_education

(5D2)http://www.researchgate.net/publication/254570477_School_Reform_Strategies_and_Normative_Expectations_for_Democratic_Leadership_in_the_Superintendency

(5D3) http://www.vjol.info/index.php/sphcm/article/viewFile/14683/13185

(6) http://www.talawas.org/?p=25676

(6 bis) http://en.wikipedia.org/wiki/Humboldt_University_of_Berlin

(6 ter) http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_research_universities_in_the_United_States

(6 quater) http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Nobel_laureates_by_university_affiliation

(6A) http://www.dkn.tv/the-gioi/giai-nobel-van-chuong-bertrand-russell-ban-ve-giao-duc-va-ky-luat.html

(6B) http://www.telegraph.co.uk/science/2016/09/29/science-shows-thomas-hobbes-was-right--which-is-why-the-right-wi/

(6C) http://www.cairn-int.info/article-E_RDM_037_0243--freud-judge-of-sigmund-narcissism-and.htm

(6D) http://www.baodanang.vn/channel/5433/201204/cua-so-tri-thuc-tinh-ban-thien-va-tinh-ban-ac-2162450/

(6E) http://sjjs.edu.vn/blog/2018/08/12/quan-niem-cua-tuan-tu-ve-tinh-ban-ac-noi-con-nguoi/

(6F) http://www.bbc.com/vietnamese/vert-earth-46858187

(6F1) http://www.youtube.com/watch?v=o5X2-i_poNU

(6F2) http://www.youtube.com/watch?v=zy0n4dbHbdA

(6F3) http://www.youtube.com/watch?v=i63_kAw3WmE

 (6G) http://www.bartleby.com/essay/The-Developmental-Theories-of-Jean-Piaget-Sigmund-FK28PKE36YY

(6G1) http://ntweb.deltastate.edu/vp_academic/cbranton/vygotskybrunerpiaget.htm

(6G2) http://www.ibe.unesco.org/sites/default/files/vygotske.pdf

(6G3)  http://vforum.vn/diendan/showthread.php?82874-Chi-so-IQ-EQ-co-nghi-a-la-gi-

(6G3bis) http://vnexpress.net/khoa-hoc/eq-sq-cq-nhung-chi-so-cua-nguoi-thanh-dat-2015222.html

(6G4) http://vi.wikipedia.org/wiki/Henry_Ford

 (6G4bis) http://tailieu.vn/doc/de-tai-cap-dhqg-quan-ly-chat-luong-cua-w-edwards-deming-triet-ly-noi-dung-va-y-nghia-1930097.html

http://en.wikipedia.org/wiki/W._Edwards_Deming

(6G4 Ter) http://vi.wikipedia.org/wiki/Bill_Gates

http://vi.wikipedia.org/wiki/Steve_Jobs

http://vi.wikipedia.org/wiki/Mark_Zuckerberg

(6G5) http://saigonhomeschooling.com/sach-hay-montessori-mien-phi/

(6G5Bis) http://en.wikipedia.org/wiki/Montessori_education

(6G6) http://chungta.vn/tin-tuc/kinh-doanh/giao-duc-theo-constructivism-tat-yeu-se-lan-toa-35206.html

(6G7) http://www.edutopia.org/envision-schools-rigor

(6G8) http://ncgdvn.blogspot.com/2015/10/xin-ung-goi-learning-outcomes-la-chuan.html

(6H) http://www.ibe.unesco.org/sites/default/files/rogerse.PDF

(6H1) http://www.mhhe.com/cls/psy/ch14/encount.mhtml

 (6H2) http://www.instructionaldesign.org/theories/experiential-learning/

(6H3) http://www.youtube.com/watch?v=UzqZffjl4D8

(6H4) http://www.youtube.com/watch?v=2k_bVHUS9rA

(6H5) http://www.youtube.com/watch?v=iMi7uY83z-U

(6I1) http://www.youtube.com/watch?v=2N1I6sOhDiw

(6I2)  http://www.youtube.com/watch?v=dwUOfeZ7BRo

(6I3)  http://en.wikipedia.org/wiki/Advanced_Placement

(6J) http://vietpsy.wordpress.com/2011/10/08/vi-sao-nguoi-ay-van-chua-ngo-loi-hen-ho/

(6J1) http://trangtamly.blog/2018/07/31/the-nao-la-dieu-kien-hoa-tu-ket-qua-operant-conditioning/

(6J2) http://www.learning-theories.com/behaviorism.html

(6K) http://vi.wikipedia.org/wiki/Ferdinand_de_Saussure

(6L) http://www.youtube.com/watch?v=-QkhJTHp5r8

(6L1) http://www.youtube.com/watch?v=e_EgdShO1K8

 (6L2) http://www.youtube.com/watch?v=br8n_3x6MDo

(6L3) http://www.youtube.com/watch?v=2Ll6M0cXV54&t=414s

(6L4) http://www.youtube.com/watch?v=e_EgdShO1K8&t=39s

 (6L5) http://www.youtube.com/watch?v=aDx2-mdInhI

(6L6) http://www.youtube.com/watch?v=DbMP-cy1INA

(6L7)

(6L8) http://www.youtube.com/watch?v=uBVb6wRdwV4&t=7143s

(6L9) http://www.youtube.com/watch?v=3wfNl2L0Gf8

(6L10) http://en.wikipedia.org/wiki/Manufacturing_Consent

(6M) http://www.youtube.com/watch?v=v4UL-IXAAHE

(6M1) http://puente2014.pbworks.com/w/file/fetch/87465079/freire_banking_concept.pdf

 (6M2) Derrida: section 1; 2; 3; and 4

http://www.youtube.com/watch?v=7s8SSilNSXw

http://www.youtube.com/watch?v=ps-CqdIRL40

http://www.youtube.com/watch?v=0B-gzOQLzJk

http://www.youtube.com/watch?v=AdHObzYpIFA

(6M3) http://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-hoa-ky/Khuynh-huong-liberal-la-gi-tai-Hoa-Ky-2845/

(7) http://www.usni.org/magazines/proceedings/2016-02/dod-20-high-tech-eating-pentagon

(7A)  http://en.wikipedia.org/wiki/DARPA

(7B) http://en.wikipedia.org/wiki/G.I._Bill



Sách tham khảo (References)

Dewey, J. (2011) Democracy and Education. Milton Keynes: Simon and Brown.

Freire, P. (1972) Pedagogy of the Oppressed, London: Penguin.

Rogers, C. and Freiberg, H. J. (1993) Freedom to Learn (3rd ed.), New York: Merrill. Freedom to Learn takes the principles that Carl Rogers developed in relation to counseling and reworks them in the context of education.

 

16 Tháng Tư 20234:38 CH(Xem: 3502)
Hoa đào vẫn còn nở Theo gió hoa chưa rơi Mà sao anh đã vội Bỏ em lại trên đời. Chiều buồn Hoa Thịnh Đốn Nắng yếu ớt chân trời Làm sao em không khóc Em nhớ anh... lệ rơi.
12 Tháng Tư 20235:28 CH(Xem: 4269)
Nghìn sau Xuân vẫn hiền hòa Dáng Xuân em vẫn kiêu sa trang đài Ru em suốt những năm dài Trên miền Cực Lạc hương bay Vĩnh Hằng.
11 Tháng Tư 20231:31 SA(Xem: 3159)
chúng tôi luôn có trong tim: “Quảng Bình là quê hương”, là nơi quê cha đất tổ và luôn mong ước có ngày được bước những bước trên vùng đất thân yêu nầy.
11 Tháng Tư 20231:26 SA(Xem: 4577)
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
11 Tháng Tư 20231:12 SA(Xem: 4418)
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”.
09 Tháng Tư 202310:03 CH(Xem: 3059)
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.
09 Tháng Tư 20235:32 CH(Xem: 3762)
Hãy ngủ yên đi anh Khép lại trang chiến sử Thời liệt oanh bất tử Của những người anh hùng. Tháng tư lệ rưng rưng Đốt nén hương tưởng niệm
09 Tháng Tư 20232:30 SA(Xem: 4073)
Đặng Mai Lan đã đem một quá khứ rất xa, rất đẹp, điều. tưởng như bụi thời gian đã xóa mờ, bỗng sống lại. trân trọng. xót xa… đau đớn…
08 Tháng Tư 20232:10 SA(Xem: 2067)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: VẠN DẶM ĐƯỜNG XA Nhạc Phạm Chinh Đông. - Hòa Âm Đỗ Hải Tiếng hát: Hà Thanh
08 Tháng Tư 202312:55 SA(Xem: 2191)
Mỗi một cuộc đời, như Phan Châu Trinh, đều để lại một bài học dù chưa trọn vẹn cũng đáng để cho những người đời sau suy nghĩ.
08 Tháng Tư 202312:24 SA(Xem: 3649)
Tháng tư thành xưa tan tác Người về lạc bước chân xiêu Em tôi nụ cười héo hắt Buồn như, chim vịt kêu chiều. Tặng em một cành phượng đỏ Thẹn thùng e ấp cầm tay
07 Tháng Tư 20234:53 CH(Xem: 4038)
in bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: ÁO TRẮNG NGÀY XƯA - Thơ & Nhạc Bảo Định - Trình bày Thứ Nữ Huyền Tôn Nữ Quý Hương
02 Tháng Tư 20232:29 SA(Xem: 3290)
Hôm nay giỗ anh, thấm thoát đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ của đời người, sao nỗi đau về, như mới hôm qua… cơn nắng ngày nào vẫn còn nguyên trên da thịt, trên tóc, trên vai, trên những vòng khăn tang cuốn vội
02 Tháng Tư 20231:47 SA(Xem: 3466)
Phải chăng tiếng đàn tranh du dương réo rắt của bác Bảy và tiếng hát ngọt ngào mùi mẫn của các ca sĩ đường phố, đã tạo nên cái hồn văn hóa của người dân phố thị
01 Tháng Tư 202310:53 CH(Xem: 4024)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: HOÀNG DUNG TỰ TÌNH - Lời Thy Lệ Trang - Nhạc Lê Hữu Nghĩa Tiếng hát Lê Thu Hà - Nhóm bè Cadillac Bản phối & video : Sonar Production
01 Tháng Tư 20232:23 SA(Xem: 3921)
Anh dặn hoài phải cất kỹ mùi hương Để nhớ Má khi em vào trong bếp Mùi quen xưa không bao giờ quên được Dù anh xa quê hai mấy năm rồi
31 Tháng Ba 20231:28 SA(Xem: 4053)
Này những Cô Gái Việt Nam ơi Trung trinh tiết liệt ở trên đời Ta muốn kết hoa thành vương miện Tặng em người phụ nữ sáng ngời. Tặng em người dâu thảo hiền ngoan Thay chồng gánh vác những lo toan
31 Tháng Ba 202312:37 SA(Xem: 2257)
Thật hiếm có nhà văn quân đội miền Nam nào viết với một thái độ thanh thản, không hận thù, biết quý trọng con người như Nguyễn Bửu Thoại.
31 Tháng Ba 202312:19 SA(Xem: 3162)
Anh An đã mất đi hơn 49 ngày rồi nhưng hình ảnh của anh vẫn ở trong tâm trí của gia đình và bạn bè. Chúc anh An an nghĩ nơi cõi Phật, You will be missed!
30 Tháng Ba 20232:50 SA(Xem: 3677)
Cho nhau lời cuối đăng trình Mai này dứt lửa chiến chinh ngạo cuồng Thôi đành tay bỏ tay buông Tháng Tư Tắt Nắng trên đường chinh nhân...
30 Tháng Ba 20231:08 SA(Xem: 1679)
Bên cạnh thứ tài sản không bền vững đó, đức Phật cũng dạy có một thứ tài sản không bao giờ mất, đó là Tín tài, Giới tài, Tàm tài, Quý tài, Văn tài, Thí tài và Trí tài.
29 Tháng Ba 20231:21 SA(Xem: 3695)
Bên ni là em Mắt cận tóc dài răng khểnh Cùng vạt hoa thạch thảo nhuộm thắm nắng vàng Bên nớ là anh Thả những giọt đàn lên tàng sa kê lộng gió
24 Tháng Ba 20238:28 CH(Xem: 3237)
Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời
24 Tháng Ba 20231:38 SA(Xem: 4193)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: LỜI NGUYỆN CẦU CHO QUÊ HƯƠNG - Sáng tác: Linh Mục Văn Chi Tiếng hát Kim Phụng
23 Tháng Ba 20239:35 CH(Xem: 4520)
Bốn mươi tám năm giấc mơ chưa tỉnh Tháng tư về vẫn ray rứt khôn nguôi Người đã đi xa bóng xế chiều rồi Mặt trời lặn bên đây trời nhung nhớ.
21 Tháng Ba 202311:38 CH(Xem: 3479)
Úc là một quốc gia quân chủ lập hiến, là một liên bang phân chia quyền lực. Quốc gia này có chính phủ theo thể chế đại nghị, Quốc vương Charles III là nguyên thủ của Úc.
21 Tháng Ba 20231:08 SA(Xem: 2279)
Tiếng Quê Hương hoạt động mạnh là nhờ vào hai người. Người đọc và edited lại là anh Uyên Thao. Và người thứ hai là anh Trần Phong Vũ,
20 Tháng Ba 202311:13 CH(Xem: 5415)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
20 Tháng Ba 202310:48 CH(Xem: 6965)
Trao tặng đàn anh Nguyễn Đức Hiền Kỷ yếu SBTT của gia đình, trái tim thương tật của Voi Trầm Tĩnh bất chợt rưng rưng vì hạnh phúc.
20 Tháng Ba 202312:43 SA(Xem: 4061)
Về lại đây, uống hết mấy giọt tình Tình bằng hữu, tình đất nước quê hương son sắt Trên đất lạ phảng phất mang theo Đến phút cuối, Ta còn mang trên vai nặng trĩu.
19 Tháng Ba 202311:14 CH(Xem: 1845)
Nếu chúng ta không quyết tâm giữ chặt khoang thuyền tức không giữ chặt Giới pháp, thì làm sao tránh được những trận bảo to, những cơn sóng lớn...
19 Tháng Ba 20231:24 SA(Xem: 4809)
Ta thức giấc nặng nề say gối mộng Mưa tạnh rồi, mây gió đã về đâu? Vầng thái dương còn đi xa, chưa đến Hồn ơi! mau tắm vội bến U Sầu.
13 Tháng Ba 20233:21 SA(Xem: 3703)
Trưa Chủ Nhật, ngày 5 tháng 3, 2023 đồng hương Biên Hòa và một số thân hữu đã đến nhà hàng Paracel Seafood, Westminster tham dự buổi Tân Niên Hội Ngộ do Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Biên Hòa tổ chức.
13 Tháng Ba 20231:38 SA(Xem: 3778)
Không dễ mấy ai có thể chối từ một số tiền lớn lao như vậy vào thời đó. Sự từ chối này làm nên nhân cách Uyên Thao và làm cho Sóng Thần có uy tín với độc giả, đông nhất là trong giới quân nhân.
13 Tháng Ba 20231:06 SA(Xem: 2051)
Việc chọn “ngày lành tháng tốt” để tiến hành những công việc hệ trọng trong đời sống của người Việt, được biết bắt nguồn từ thói quen do ảnh hưởng văn hóa, tập tục cổ xưa
12 Tháng Ba 20239:48 CH(Xem: 3227)
Một trong những phát minh đó là chiếc máy STORMS Radar phát hiện tín hiệu sự sống từ nhịp đập của trái tim, của hơi thở và xác định được vị trí
12 Tháng Ba 20233:37 CH(Xem: 5029)
Trong mưa ta thấy mình song bước Tình yêu đầu ghi khắc trong lòng. Tình yêu ta gửi người muôn dặm Mấy chục năm rồi ta lặng căm Tháng ba sinh nhật ta chợt nhớ Ta nhớ người, người nhớ ta không?
12 Tháng Ba 20233:11 CH(Xem: 3065)
Nhân ngày 8 tháng ba tôi muốn gửi đến họ lòng kính mến và cảm phục. Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
11 Tháng Ba 202310:43 CH(Xem: 1917)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: BUỒN - Thơ Nhạc Chương Hà Tiếng Hát Đông Nguyễn Thu & Hoà Âm Đông Nguyễn Studio PPS Nhật Thụy Vi
11 Tháng Ba 20232:50 SA(Xem: 2975)
Đêm nay hoa Quỳnh nở sớm, hình như những búp hoa đang nhẹ nhàng chuyển mình để rồi từ từ hé mở vào lúc nửa đêm. Trong tôi hình như cũng đang có ngàn nụ hoa Quỳnh nở sớm trước canh khuya.
10 Tháng Ba 202311:45 CH(Xem: 3316)
Người đàn ông khôn ngoan, tinh tế, thông minh, có thể biến vợ thành người tình và người Hồng nhan tri kỷ một cách thật dễ dàng.
10 Tháng Ba 202311:00 CH(Xem: 4736)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: BÊN NỚ BÊN NI - Thơ Hà Thu Thủy Nhạc Phạm Chinh Đông. - Hòa Âm Đỗ Hải
04 Tháng Ba 202312:14 SA(Xem: 5483)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
03 Tháng Ba 202311:28 CH(Xem: 2236)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: SỢI NHỚ - Nhạc Nguyên Phan - Trình bày Thanh Hiếu
03 Tháng Ba 202311:20 CH(Xem: 2380)
Uyên Thao là một con người đặc biệt, khác mọi người trong cách ứng xử, cách sống, nhất là thái độ chọn lựa hành động.
03 Tháng Ba 20239:07 CH(Xem: 5285)
Con biết không? Vòng tròn bất biến Một ngày kia Con cũng sẽ già Sẽ ngồi buồn Nhớ lại ngày qua Và sẽ thấy Người già tội lắm.
03 Tháng Ba 202312:32 SA(Xem: 4723)
Cuối cùng của lửa là những tro tàn âm ỉ. Cuối cùng của tôi là những ngậm ngùi câm
03 Tháng Ba 202312:28 SA(Xem: 8262)
“Nếu có thương ai (?!...) thì hãy thương ngay bây giờ. Đừng đợi ngày mai, đến lúc ai xa đời…” Bỗng dưng tôi thương thương quá, thầy cô giáo cũ của mái trường xưa…
02 Tháng Ba 202310:47 CH(Xem: 5875)
Nắng lên sáng nửa vòng cầu Em đem tóc rối lên lầu ngồi hóng Ô hay ! Tóc đẹp vô cùng Trải ra phổ nhạc tao phùng mười năm
02 Tháng Ba 202312:25 SA(Xem: 4738)
Uống chung nước một dòng sông Quê em lúa trổ cánh đồng bờ xa Anh về Gọi Nắng Tháng Ba Năm mươi năm có đủ là nhớ thương...
01 Tháng Ba 202311:58 CH(Xem: 2090)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Các nhà tâm lý học ngày nay mô tả hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tích cực của con người ...
22 Tháng Hai 202311:23 CH(Xem: 3085)
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá,
20 Tháng Hai 202310:44 CH(Xem: 4383)
Nói chung, văn nghiệp của ông tạo ra một dòng chảy văn học miền Nam rất cá tính; nó tiếp lửa truyền thừa từ những nhà văn tiền bối và ngọn đuốc soi đường cho những người đến sau ông.
19 Tháng Hai 202310:58 CH(Xem: 8356)
thầy Nguyễn Kim Linh nguyên là giáo sư môn Vạn Vật trường trung học Gia Long. Năm 1965 thầy được Bộ giáo dục điều động về làm Giám học trường trung học Ngô Quyền
19 Tháng Hai 20239:56 CH(Xem: 4290)
Cả hai con chim bằng đã gãy cánh trên vòm trời lửa đạn miền Đông khi tuổi đời chưa đến 25. Thương cho những kiếp sống ngắn ngủi trong thời chinh chiến.
19 Tháng Hai 20238:43 CH(Xem: 5814)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
19 Tháng Hai 20237:32 CH(Xem: 4878)
Hình như nắng vẫy tay chào Áo em thấp thoáng ngõ vào tương tư Mùa đông em bắt ta chờ Sang xuân ta lại làm thơ đợi người. Hình như nắng đến đây rồi Để em thôi khóc sụt sùi đêm mưa
19 Tháng Hai 202312:39 SA(Xem: 4494)
Đến với tiệm Nam Tạo, dân ghiền đọc sách có thể tìm được bất kỳ thể loại sách nào, thậm chí khan hiếm ở các nhà sách lớn.
19 Tháng Hai 202312:36 SA(Xem: 5015)
Làm sao dám thắp đèn... Dù đã tối Sợ thấy bóng mình hiu hắt liêu xiêu Anh là kiếp chim rừng bay lạc lối Đường thiên di quên mất chốn quay về.
19 Tháng Hai 202312:22 SA(Xem: 3452)
Nàng đọc thầm những câu thơ Nam vừa gửi vào email: “Những rung động trong ngực thầm chan chứa/ Xin trao em làm tặng vật mùa xuân”.
16 Tháng Hai 202311:42 CH(Xem: 3394)
Ở một nơi không phải đất nước tôi, tôi chứng kiến được nhiều bài học đạo nghĩa của chính dân tộc Ukraine, thay vì đào tẩu khỏi chiến tranh, trốn ở một đất nước yên bình khác,
14 Tháng Hai 202310:00 CH(Xem: 2411)
Tôi xin ghi lại như một lời tri ân như một niềm an ủi cho ông ở bên kia thế giới và một niềm an ủi của người còn lại, như kẻ viết bài này.
13 Tháng Hai 202312:16 SA(Xem: 6856)
Những dòng chữ này tôi xin tiễn biệt thầy xưa Trần Văn Lộc, vị giáo sư đầu tiên – cũng là cây đại thụ cuối cùng –
12 Tháng Hai 202311:47 CH(Xem: 3842)
Xin được thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ về một đàn anh NQ hiền hòa, điềm đạm và có hoài bão chung sức xây dựng hội ái hữu cựu HS của trường xưa
12 Tháng Hai 202310:48 CH(Xem: 4541)
Em đợi chờ anh mang đến bó hoa, Ngày lễ Tình Yêu cho đời thêm đẹp, Hoa mới nở trong vườn nhà buổi sáng, Hay hoa bày trong chợ đợi người mua.
11 Tháng Hai 20236:13 CH(Xem: 4792)
Tháng giêng mỏi cánh hoa tàn Cành trơ cuống lá đài trang ngậm ngùi Mai đây XUÂN đã qua rồi Ta nghiêng mình xuống, tuổi đời lên cao.
11 Tháng Hai 20235:26 CH(Xem: 4834)
Và em cứ đi bên lề kể lể Mà tôi sẽ không năn nỉ tiếng ru vờ Có lẽ mùa d8o6ng rồi cũng buồn như thế Buộc lại tà dương chờ mãi những bâng quơ
10 Tháng Hai 202311:53 CH(Xem: 3842)
Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7-8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát,
10 Tháng Hai 202311:22 CH(Xem: 2541)
Vì thế, việc giới thiệu tập san Trình Bầy, xin khép lại và chỉ xin giới thiệu phần mở đầu và phần giã biệt của chủ nhiệm Thế Nguyên.
10 Tháng Hai 202311:14 CH(Xem: 4697)
Tình Nhân Lễ Hội xuân nhường Em ra đầu ngõ chở buồn dạo chơi Nằm mơ anh hái sao trời Sao em đi vắng tim tôi phập phồng.
10 Tháng Hai 202312:03 SA(Xem: 5296)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
05 Tháng Hai 202311:54 CH(Xem: 4262)
Cuộc đời của Ba là sống cho người khác, cho gia đình, và giúp ích cho mọi người, xã hội, đúng với tên ông bà Nội đã đặt cho.Ba là thứ sáu trong gia đình, nên mọi người quen biết đều biết đến Ba là ông Sáu Nhơn.
03 Tháng Hai 202311:09 CH(Xem: 5230)
Sống nơi đất mới tới giờ Qua nửa thế kỷ đôi bờ Đại dương Xuân Quý Mão Tết yêu thương Tâm thành cầu nguyện quê hương rạng ngời
01 Tháng Hai 20237:20 CH(Xem: 3424)
Ngày Tết, thật trang trọng đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên. Ta sẽ cảm nhận được những người muôn năm cũ đang hiện diện trong tâm ta.
01 Tháng Hai 20235:01 CH(Xem: 5095)
Tình yêu Đã cất cánh bay Ta ngơ ngác gọi Môi say nhớ người. Ừ thôi Tết đã qua rồi Mồng ba vụt mất Mồng mười hạ nêu.
01 Tháng Hai 20234:57 CH(Xem: 5317)
Tình nhà đã lỡ phai thề ước Nợ nước chưa đền uổng chí trai Đếm bước lưu vong chừng mệt mỏi Nếm mùi nhân thế lắm chua cay Tri âm, tri kỷ...còn ai nữa Nhắm mắt là xong một kiếp này
31 Tháng Giêng 202310:35 CH(Xem: 2918)
Tôi tự hỏi mình, Mai Thảo cuối cùng chỉ là một nhà thơ xuất chúng. Hay trong văn của ông đã có thơ và trong thơ là cả trời đất.
31 Tháng Giêng 20235:03 CH(Xem: 3174)
Một mai hoa rụng chỗ nằm Xuân tàn, lịm giấc tình thâm mộ sầu Kiếp này nếu lỡ đời nhau Thì xin người ngọc, kiếp sau tìm về.
30 Tháng Giêng 202311:22 CH(Xem: 4725)
Cho con Quạ già tròn một kiếp phù sinh Mấy chục năm còn gặp lại bạn mình Trong khóc cười, say tĩnh Ngửi hơi cay mà xĩn như cạn một Hồ Trường
30 Tháng Giêng 20239:37 CH(Xem: 3793)
Vậy là đã rõ, chính mấy con mèo được cho là mẫn cán và đã được rèn luyện-tu dưỡng... của ông chánh đã làm nên những chuyện này.
28 Tháng Giêng 202311:16 CH(Xem: 3450)
Những tưởng người cùng thời so bề tài sắc, so bề tài năng, so bề thời vận, có thể có cái gì giống nhau vậy mà cũng khác nhau.
24 Tháng Giêng 20231:04 SA(Xem: 4626)
Đối với tôi, mùa Xuân sẽ kém phần lãng mạn, tươi vui và mất đi ý nghĩa rất nhiều khi thiếu vắng những bản nhạc Xuân.
23 Tháng Giêng 202312:10 SA(Xem: 5042)
Nhà nhà hết sợ con vi rút Chốn chốn mừng vui cảnh thái bình Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng Ngày Xuân Quý Mão biết bao tình
22 Tháng Giêng 202311:25 CH(Xem: 4685)
QUÝ Xuân buông bỏ những sầu vương MÃO đến đem theo mọi cát tường CHÀO tải công thành tươi nhuận thất MỪNG mang danh toại phủ phê đường
22 Tháng Giêng 202311:17 CH(Xem: 4844)
Sống đây mà chết dần dà Tháng năm chồng chất thân già cưu mang Thôi thì thỉnh thoảng lang thang Mượn vui ngoại cảnh nhẹ nhàng suy tư!
22 Tháng Giêng 202311:12 CH(Xem: 5272)
Chúc khách văn đàn ngàn chữ hỷ Mừng cùng bạn hữu vạn lời ca Hạnh tài trăm sắc ngời tâm ngọc Phúc đức muôn màu rạng ánh ngà
22 Tháng Giêng 202311:09 SA(Xem: 4241)
Người đi vào dâu biển, Có thấy gió trăng xưa? Ngày môi hồng mắt sáng, Thủa hoa bướm dại khờ? Xuân yêu kiều bao độ, Đời có mãi như mơ? Dặm ngàn sương khói phủ, Trăm năm... giấc mộng hờ...
22 Tháng Giêng 202310:57 SA(Xem: 3459)
rằng từ lúc ông quản lý được bọn mèo rồi thì kho lúa nhà ông không hề có con chuột nào dám bén mảng đến nên chẳng một hột lúa nào bị thất thoát!
22 Tháng Giêng 20231:25 SA(Xem: 9748)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
21 Tháng Giêng 202311:24 SA(Xem: 3936)
Một năm hương lửa cho đời Ba trăm sáu lăm ngày trôi bình thường Đâu cần mỹ vị cao lương Chỉ là bóng đổ trên đường phù vân...
19 Tháng Giêng 202311:46 CH(Xem: 3653)
Thế Chiến II xảy ra như nó đã xảy ra và chúng ta cũng đã chứng kiến, nhưng những ước mơ khanh tướng còn vương vấn nơi những tấm lòng trần tục thì chắc chắn đường trần còn mang nhiều gió cuốn mưa bay.
14 Tháng Giêng 20237:47 CH(Xem: 6213)
Hai ba tháng chạp Thần táo Ngô Quyền Quỳ trước bệ tiền Về chầu thượng đế. Thần xin kể lể Một chút ưu phiền Máy hư triền miên Ráp po viết trễ
13 Tháng Giêng 202311:31 CH(Xem: 7551)
Trầm hương tưởng niệm Mẹ hiền Siêu sinh, tịnh độ cửa Thiền ngát hoa Mỗi năm tháng Chạp hai ba Là ngày giỗ Mẹ xót xa tủi buồn.
13 Tháng Giêng 202310:54 CH(Xem: 4089)
Dù không khí và cách đón Tết mỗi thời, mỗi nơi, mỗi khác nhưng trong tâm hồn của mỗi người dân Việt lúc Xuân về, Tết đến vẫn luôn có cảm xúc lâng lâng khó tả.
13 Tháng Giêng 20231:52 CH(Xem: 4990)
Tôi thèm thưởng thức cái mùi hăng hắc, nồng nồng của một loài hoa dân dã mà miền Nam tôi gọi là BÔNG VẠN THỌ.
12 Tháng Giêng 202310:09 CH(Xem: 5382)
Chủ nhật sau, tết tới rồi Một tuần lễ nữa tết trôi định kỳ Nhọc nhằn hạn xấu quên đi Hãy vui vẻ với những gì trong tay.
12 Tháng Giêng 20232:19 SA(Xem: 6046)
Như chia ly tiếng còi tàu Tiếng chim buổi sáng xôn xao lòng người Tưởng chim hót sáng làm vui Ngờ đâu chim rải bùi ngùi vào tim.
11 Tháng Giêng 20231:49 SA(Xem: 2051)
Chương trình Nhạc Tình Chọn Lọc với chủ đề “ Đón Xuân “ do Như Hương và bạn hữu tổ chức ngày thứ bảy Jan 7th - 2023 - Washington, DC.
11 Tháng Giêng 20231:15 SA(Xem: 4000)
Rồi những cái Tết tha hương ở “xứ lạnh tình nồng” Canada với bên ngoài tuyết trắng phủ đầy vạn vật khiến tôi thèm những cái Tết quê nhà ấm áp.