Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Người Xứ Bưởi - NÓI CHUYỆN TÚC CẦU 1-2-3-4.

17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 23465)
Người Xứ Bưởi - NÓI CHUYỆN TÚC CẦU 1-2-3-4.


Phiếm Luận

Người Xứ Bưởi

July 2, 2010


fifa_world_cup_2010-large-content


 

 

Nói chuyện túc cầu (1)

 Trước vòng tứ kết


Giải túc cầu thế giới 2010 (World Cup 2010) bước vào giai đoạn "nóng hổi", vì khởi đầu giai đoạn tranh tài dữ dội giữa 8 hội tuyển xuất sắc nhứt và sẽ quyết định 4 hội tuyển nào lọt qua vòng tứ kết để có thể tiến vào bán kết.


1) Trận đấu đầu tiên vào 4 giờ chiều ngày thứ sáu 2/7/2010 giữa Ba Tây (Brazil) và Hòa Lan (Netherlands).

Dịp này, Hòa Lan muốn "trả thù" Ba Tây qua trận đấu thua vòng bán kết trong giải túc cầu thế giới tại Pháp vào năm 1998. Lần đó, cả hai hội tuyển đều chơi banh rất giỏi và bất phân thắng bại sau 120 phút. Cuối cùng phải qua đá phạt đền kiểu hên xui may rủi và khiến Ba Tây thắng để vào chung kết.

Về phía Ba Tây, đã 5 lần đoạt giải vô địch thế giới và lần này có nhiều hy vọng vì một vài hội tuyển hàng đầu như Ý (đương kim vô địch), Pháp (đệ nhị cao thủ) đã bị loại bất ngờ ra khỏi vòng đầu.

Điểm đáng chú ý, lần này Ba Tây với Huấn luyện viên Carlos Dunga đá không bay bướm như thường lệ, nhưng rất hiệu quả và chiếm dễ dàng đầu bảng G. Sau đó, trong vòng bát kết đã hạ Chí Lợi với tỷ số rất cao 3 : 0. Tuy nhiên, với lối đá chắc ăn "thủ nhiều hơn công" này đã bị dư luận báo chí Ba Tây chỉ trích nặng nề.

Tại sao Ba Tây lại phải thay đổi đấu pháp như vậy? 

Có lẽ bắt nguồn tự sự thất bại thê thảm của Ba Tây trong giải túc cầu thế giới 2006 tại Đức đã khiến cho Huấn luyện viên mới Carlos Dunga có biện pháp thực tiễn: phải đá làm sao thành công hơn! Từng làm thủ quân lâu năm của đội banh Stuttgart ở Đức, Huấn luyện viên Carlos Dunga đã học hỏi được lối chơi chắc ăn "thủ nhiều hơn công" của xứ này. Vì vậy, không phù hợp với sở thích của dân Ba Tây và nếu kỳ này không vào được chung kết thì e rằng sẽ mất chức vụ huấn luyện viên.

Còn về phía Hòa Lan, cho tới nay vẫn chưa gặp hội tuyển nào gay góc để "thử lửa" nên khó hiểu được thực lực ra sao. Trước đây Hòa Lan luôn luôn có sở trường lối đá tấn công dữ dội trong vòng đầu và tạo những trân đấu rất ngoạn mục. Nhưng bước vào vòng bát kết, đá "sống chết" thì Hòa Lan thường bị thất bại. Cho nên, đến nay Hòa Lan chưa lần nào đoạt được vô địch túc cầu thế giới.

Xét giữa 2 hội tuyển thì Ba Tây có nhiều lợi thế hơn. Tuy nhiên lần này Hòa Lan đột nhiên chơi banh cẩn thận hơn và với cầu thủ xuất sắc Arjen Robben có thể tạo được kết quả bất ngờ.

2) Trận đấu thứ nhì vào 8 giờ 30 tối ngày thứ sáu 2/7/2010 giữa Uruguay và Ghana

Uruguay ở bảng A không gặp đối thủ mạnh nào cả. Pháp thì gặp khủng hoảng nội bộ, nên bị loại phải "cuốn gói" ra về. Uruguay có sở trường với hàng phòng thủ vững chắc, còn tấn công rất tùy thuộc vào cầu thủ Diego Forlan. Có thể nói, nếu không có cầu thủ Diego Forlan chơi thì Uruguay chỉ còn "một nửa" sức mạnh. Đây là bài toán "nhức đầu" cho Ghana liệu có thể "vô hiệu hóa" được ngôi sao Diego Forlan hay không. Nếu không thì Uruguay sẽ vào bán kết.

3) Trận đấu thứ ba vào 4 giờ chiều ngày thứ bảy 3/7/2010 giữa Đức (Germany) và Á Căn Đình (Argentina)

Đây có thể là trận đấu "ác liệt" tái diễn y hệt như 4 năm trước. Quả thực vậy trong giải túc cầu thế giới 2006 tại Đức, hai hội tuyển này cũng đụng độ sôi nổi trong vòng tứ kết. Kết quả bất phân thắng bại sau 90 phút và đá thêm giờ 30 phút cũng không thay đổi ăn thua. Cuối cùng, phải đá phạt đền kiểu hên xui may rủi và khiến Đức thắng để vào bán kết .

Nhìn lại cho đến vòng tứ kết, Á Căn Đình là đội „nguy hiểm" nhứt vì dẫn đầu đá lọt lưới 10 trái. Riêng cầu thủ tiền đạo Gonzalo Higuain "sút" vào 4 quả và đưa banh làm bàn cho cầu thủ khác 4 quả. Tuy nhiên, Á Căn Đình có 2 điều lo ngại là cầu thủ xuất sắc Lionel Messi cho đến nay vẫn là "bóng mờ" chưa làm nên "cơm cháo" gì cả và Maradona không phải là một huấn luyện viên giỏi có kinh nghiệm chiến trường.

Vả lại hội tuyển Á Căn Đình vẫn chưa đụng độ những trận gay cấn "sống chết", như hội tuyển Đức đã trải qua 2 lần với Ghana trong vòng loại và với Anh (England) trong vòng bán kết. Đây cũng chính là lợi điểm lớn của hội tuyển Đức. Đặc biệt Đức có hàng cầu thủ rất trẻ chỉ xấp xỉ 20 tuổi mà rất giỏi như Schweinsteiger, Oezil, Mueller, Neuer, ... Nếu sau 90 phút, Á Căn Đình không "dứt điểm" được và phải đá thêm giờ hoặc sau đó đá phạt đền thì Đức có thể thắng bất ngờ như lần trước.

Ngoài ra, tin giờ chót cho biết Nữ Thủ Tướng Merkel của xứ Đức sẽ đặc biệt bay qua Nam Phi để xem trận đấu tứ kết này. Biết đâu, giống như hồi năm 2006, sẽ mang vận hên khiến cho Đức thắng được Á Căn Đình. Nhứt là giới báo chí Đức thấy cảnh "chướng mắt " của Huấn luyện viên Maradona ôm "hun" kiểu doping từng cầu thủ Á Căn Đình trước khi ra sân, nên đã "táo bạo " đề nghị Nữ Thủ Tướng Merkel nên làm ga lăng "ngon lành" hơn cho từng cầu thủ Đức "lên tinh thần"!

4) Trận đấu thứ tư vào 8 giờ 30 tối ngày thứ bảy 3/7/2010 giữa Tây Ban Nha (Spain) và Paraguay

Qua trận đấu "buồn nản " giữa Nhật và Paraguay trong vòng bán kết đã cho thấy Tây Ban Nha có thể dể dàng hạ được Paraguay để vào vòng bán kết. Tây Ban Nha với các cầu thủ xuất sắc như Iniesta, Xavi, Busquets và Fabregas dễ dàng chọc thủng hàng phòng thủ của Paraguay.

Tuy nhiên, theo Cô Huấn luyên viên nổi tiếng Sepp Herberger của xứ Đức từng bày tỏ rằng trái banh thì tròn và trận đấu kéo dài 90 phút ("Der Ball ist rund und das Spiel dauert neunzig Minuten“) với hàm ý mọi chuyện đều có thể xảy ra (bất ngờ!) trên cầu trường, bởi vì kết quả còn tùy thuộc nhiều yếu tố "đột xuất" từ khả năng của trọng tài, của cầu thủ đến thời tiết và vận hên xui trong ngày. Biết bao nhiêu trận đấu trong quá khứ đã có kết quả khó tưởng tượng trước nổi. Cho nên biết bao nhiêu người đã tiên đoán sai và thua "cá độ". Đó có lẽ cũng chính là lý do chính khiến hàng tỷ người mộ điệu trên thế giới (trong đó dân Việt Nam đứng hàng thứ 7!) "mê mệt" với môn thể thao túc cầu. (Người Xứ Bưởi)

 

Click vào xem :

http://viet-magazine.com/tintuc/the-thao/--/8544

http://edition.cnn.com/2010/SPORT/football/07/01/germany.octopus/?fbid=T7SnqG1uTg_

http://www.capitalfm.co.ke/sports/Local/3415.html

http://www.timeslive.co.za/local/article517774.ece/Match-attendance-to-reach-two-million




Phiếm Luận

Người Xứ Bưởi

July 5, 2010

 

Nói chuyện túc cầu (2)

 Trước vòng bán kết


Trận tứ kết giửa Đức (Germany) và Á Căn Đình (Argentina)

Trận tứ kết hôm thứ bảy vào phút thứ 90, cầu thủ trung phong Oezil của hội tuyển Đức (Germany) dẩn banh từ cánh trái lướt xuống câu banh vòng qua phía phải cho tiền đạo Klose "sút volley" trực tiếp thẳng vào khung thành. Quả banh bay "tựa như đường thẳng" quá mạnh thiếu điều muốn "lủng lưới " khiến thủ môn Romero của hội tuyển Á Căn Đình (Argentina) đành "bó tay". Đức hạ Á Căn Đình đo ván với tỷ số "kỷ lục" 4 : 0. Ngay lúc đó "siêu sao" (superstar) Maradona được chiếu lên màn ảnh với hình dạng cực kỳ "thê thảm" (xem photo 1) chưa từng thấy. Có lẽ chính giây phút này Maradona biết là "định mệnh đã an bài" vì bao nhiêu hứa hẹn sẽ đoạt giải đã bỗng chốc tan thành mây khói. Không những thế lại thua quá nhục nhã 0: 4. Không được như hội tuyển Anh (England) với 1: 4 còn có "một cây gậy chống nạng" về nhà. Quả nhiên hôm nay tin từ Á Căn Đình cho biết Maradona đã quyết định rút lui chấm dứt sự nghiệp huấn luyện viên sau thời gian ngắn thử thách vừa qua.

Đúng như đã lời bàn "mao tôn cương" lần trước, Á Căn Đình có 2 nhược điểm "sinh tử" là cầu thủ xuất sắc Lionel Messi cho đến vòng tứ kết vẫn là "bóng mờ" chưa làm nên "cơm cháo" gì cả và Maradona không phải là một huấn luyện viên giỏi có kinh nghiệm chiến trường. Hội tuyển Đức khai thác triệt để nhược điểm của Á Căn Đình bằng cách tấn công "tới tấp" từ lúc nhập trận và kết quả chưa đầy 3 phút, trung phong Mueller đã đội đầu dẩn 1: 0. Họ biết rõ Á Căn Đình chỉ sở trường tấn công ở phía giữa nên đã tập trung các "cao thủ" nơi đó phá banh để cho Messi "mất sức" phải tự chạy đi lấy banh. Chiến thuật này thành công thấy rõ trong hiệp nhì vì Á Căn Đình "hết xí quách" nên Đức chỉ cần 3 lần phản công là 3 lần đá "thủng lưới" dễ dàng. Trong lúc đó, Maradona thiếu kinh nghiệm chiến trường nên chỉ biết "khoanh tay" không có quyết định gì hữu hiệu để thay đổi tình thế và cuối cùng bị "thua đậm" 0: 4!

blank


Trận tứ kết giửa Ba Tây (Brazil) và Hòa Lan (Netherlands)

Trận đấu cho thấy khả năng thực sự của đôi bên. Trong hiệp đầu, Ba Tây biểu dương lợi thế của mình qua những đợt tấn công liên tiếp khiến Hòa Lan phải rút phòng thủ sâu sát về khung thành. Chỉ cần 10 phút nhập trận, tiền đạo Robinho đã "sút" tung lưới dẫn đầu 1:0. Trong hiệp đầu, Ba Tây bỏ lỡ nhiều cơ hội để nâng cao tỷ số. Chính vì vậy bước sang hiệp nhì, Hòa Lan thay đổi chiến thuật bằng cách dời hàng phòng thủ cách xa khung thành hơn nữa và tập trung tấn công phía bên phải vì nơi này hậu vệ Bastos của Ba Tây rất yếu. Kết quả là Hòa Lan gỡ huề vào phút 53 và gác tỷ số 2 : 1 từ phút 63 qua công lao của trung phong Sneijder. Đến phút 73 tiền vệ Melo của Ba Tây chơi xấu bị thẻ đỏ khiến chôn vùi mọi hy vọng lọt vào vòng bán kết.

Sự thành công của Hòa Lan không phải là quá bất ngờ. Điểm rất đặc biệt là trong giải túc cầu lần này Hòa Lan có chiến thuật chơi banh cẩn thận hơn và có nhiều cầu thủ xuất sắc như Robben, Sneijder... nên thành công liên tiếp cho tới nay.

Đúng như đã lời bàn lần trước Huấn luyện viên Carlos Dunga đã bị mất ngay chức vụ sau khi thua trận tứ kết này.


Trận tứ kết giữa Tây Ban Nha (Spain) và Paraguay.

Trận đấu nổi bật với chiến thuật phòng thủ đôi bên. Paraguay gặp "số xui tận mạng". Tiền đạo Valdez đá vào gôn phút 41 mà không được công nhận. Sau đó, được trái phạt đền penalty vào phút 59 để có thể dẫn đầu mà lại đá không vô. Chỉ còn 7 phút chấm dứt trận đấu thì bị tiền đạo Villa của Tây Ban Nha đá vào gôn dẫn 1: 0 cho đến cuối trận.


Trận tứ kết giữa Uruguay và Ghana

Trận đấu đánh dấu những pha căng thẳng thiếu điều muốn "nghẹt thở". Trước khi chấm dứt hiệp đầu, trung phong Muntari của Ghana sút một cú "trời giáng" từ 30 mét bay thẳng vào gôn mà thủ môn Muslera của Uruguay trở tay không kịp. Ghana cố gắng kềm "phong tỏa" thủ quân Forlan của Uruguay. Nhưng đến phút 55, Forlan đá cú phạt trực tiếp "cầu vồng" vào ngay góc gôn để gỡ huề lại. Sau 90 phút bất phân thắng bại, hai hội tuyển phải đá thêm 30 phút. Uruguay yếu sức thấy rõ chỉ lo phòng thủ, còn Ghana tấn công ráo riết. Đến phút cuối 120, tiền đạo Suarez của Uruguay phải dùng tay đỡ banh để khỏi bị "", vì vậy, bị thẻ đỏ và phạt đền penalty cho Ghana. Đây là cơ hội "ngàn năm một thuở" cho Ghana lần đầu tiên trong lịch sử có thể vào được vòng bán kết. Nhưng cầu thủ Gyan đã bỏ dịp may hiếm có này qua cú sút quá mạnh đụng vào xà ngang . Mất tinh thần, Ghana thua luôn khi đá phạt đền penalty luân lưu với tỷ số 2 : 4


Hai trận bán kết sắp tới 

Như vậy trận bán kết đầu tiên sẽ xảy ra vào ngày thứ ba 6/7/2010 giữa Hòa Lan và Uruguay. Nhìn về thực lực và thành tích thì Hòa Lan chiếm thế "thượng phong". Nhứt là dưới Huấn luyện viên Bert van Marwijk hội tuyển Hòa Lan đã 24 lần không bị thua. Đây là một kỷ lục hiếm có. Vã lại, "vua làm bàn", tiền đạo Suarez của Uruguay bị thẻ đỏ không được đá trận bán kết, nên Uruguay gặp khó khăn rất lớn và càng khiến cho Hòa Lan dể dàng vào chung kết nếu không gặp ngày "xui tận mạng" như Ghana đã bị khi đụng độ với Uruguay trong vòng tứ kết.

Còn trận bán kết thứ nhì sẽ xảy ra vào ngày thứ tư 7/7/2010 giữa Đức và Tây Ban Nha. Đây của cuộc thử sức "kỳ phùng địch thủ" giửa 2 hội tuyển đứng hàng đầu tại Âu Châu mà đã từng đụng độ nhau trong trận chung kết giải túc cầu Âu Châu 2008 với kết quả 1 : 0 cho Tây Ban Nha. Trên giấy tờ hội tuyển Tây Ban Nha lợi thế hơn vì có nhiều cầu thủ nổi danh và "mắc tiền". Hội tuyển Đức trẻ còn thiếu kinh nghiệm chiến trường nên đã có lần thất bại trước Serbia với tỷ số 0 : 1. Tuy nhiên càng vào sâu , hội tuyển Đức càng tỏ ra xuất sắc với chiến công oanh liệt hạ đo ván hội tuyển Anh 4 : 1 và hội tuyển Á Căn Đình 4 : 0. Nếu họ tiếp tục tập trung tinh thần như vậy thì Tây Ban Nha khó thắng được dể dàng như 2 năm trước đây.


Ai là superstar của vòng tứ kết?

Không phải là tiền đạo Villa của Tây Ban Nha, cũng không phải thủ quân Forlan của Uruguay hoặc trung phong Sneijder của Hòa Lan và càng không phải là tiền đạo Klose của Đức.

Người này không hề biết đá banh và đã mang lại cho giải túc cầu "một chút tươi mát". Giới phóng viên báo chí cố tìm tới gần để chụp hình, phỏng vấn và nghe "lén". Đó là sự xuất hiện Nữ Thủ Tướng Merkel của xứ Đức trong trận đấu với hội tuyển Á Căn Đình. Bà là một nguyên thủ quốc gia đầu tiên đã đến "xem đá banh" trong giải túc cầu thế giới 2010 và đã được chánh phủ Nam Phi đón tiếp long trọng cũng như chiếm được cảm tình nồng hậu của giới mộ điệu túc cầu. Trong khi đó, Nữ Tổng Thống Cristina Kirchner của xứ Á Căn Đình "không thấy tăm hơi" ủng hộ hội nhà gì cả.

Đúng như đã lời bàn lần trước, Nữ Thủ Tướng Merkel đã mang vận hên cho hội tuyển Đức. Một chuyện lạ xảy ra là Tổng Cuộc Túc Cầu Thế Giới FIFA (qua khiếu nại của Á Căn Đình!) đã "cấm" không cho bà Merkel ra gặp hội tuyển Đức trước khi chạy ra cầu trường. Chắc có lẽ họ sợ bà Merkel sẽ bắt chước Maradona "mi" doping từng cầu thủ thì e rằng Á Căn Đình sẽ còn thua "nặng nề " hơn 0 : 4 nữa. Tuy nhiên sau khi thắng trận , bà Merkel được phép 30 phút vào phòng cabin của hội tuyển để chúc mừng uống bia cùng các cầu thủ. Dịp này trung phong Schweinsteiger - số 7 - (được "vinh danh" là cầu thủ xuất sắc nhứt trong trận) đã ôm "mi" tỉnh bơ bà Merkel.

Những hình ảnh sau đây cho thấy Nữ Thủ Tướng Merkel của xứ Đức quả rất "mê mệt " môn thể thao túc cầu. Riêng tại đại lộ chính chạy qua Khải Hoàn Môn ở thủ đô Berlin có khoảng gần nửa triệu người ra coi trận tứ kết lịch sử này. 

blank

 Dữ không! Nữ Thủ Tướng Merkel của xứ Đức cũng "mê mệt" túc cầu!

blank

blank

Reo hò cùng Chủ Tịch Tổng Cuộc Túc Cầu Đức DFB!


blank

Xấp xỉ nửa triệu dân mộ điệu túc cầu tại đại lộ chính ở Berlin


Vài chuyện bất ngờ giờ chót

 1) Rất bất ngờ nhận được eMail ngày 1/7/2010 của Cựu Dân Biểu Ls Trần Minh Nhựt. Là một gương mặt quen thuộc và nổi tiếng của xứ Bưởi, Ls Nhựt cũng là một thân hữu của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền - Biên Hòa đã viết như sau:


On 7/1/2010 7:14 PM, Nhut Tran wrote:

Hello Anh Chi Em,

Không ngờ trong ACE chúng ta có người "Nói chuyện túc cầu ...CÓ DUYÊN THỂ THAO " quá đỗi !!! Nếu tôi có thẩm quyền đề nghị thay vào chỗ khuyết từ mấy chục năm nay là thay ông HUYỀN VŨ người trực tiếp tường thuật các trận TÚC CẦU ở VN hơn 40 năm về trước!!! Đúng , dân VN " MÊ MỆT " bóng đá , nhưng với tôi chỉ có MÊ chứ không có MỆT bóng đá vì tôi không biết đá bóng!!!

Xin cám ơn và xin góp vài ý cho vui với VÒNG TỨ KẾT WORLD CUP cuối tuần này. .

TMN


Cám ơn Ls Nhựt đã "tận tình" theo dõi và có lời khen. Thực ra bàn chuyện túc cầu nhân dịp World Cup 2010 chỉ muốn "mua vui cũng đựơc một vài ... seconds" cho sinh hoạt chung.


2) Lại bất ngờ hơn nữa đọc "" được eMail từ xứ Úc của chs-NQ Trương Đức Hoàng viết rất "mê & tường tận" về hội tuyển Hòa Lan như sau:


"Trong trận chung kết WC năm 1978, khi chỉ còn khoảng 10 phút thi đấu, nếu cú sút của một cầu thủ Hòa Lan không trúng cột dọc dội ra ngoài (và vô trong chừng 10 phân) thì họ đâu phải đấu thêm giờ để thua Argentina tức tưởi với tỉ số 3-1!"

Năm 1988 khi đội banh "nhà" thắng Tây Đức ở trận bán kết (2-1) rồi thắng Nga trong trận chung kết (2-0) để lên ngôi vô địch Âu châu lòng anh như mở hội! Vậy mà đến năm 1990 họ lại thua Đức (2-1) ở vòng 16 và bị loại vì... xui! Trong một cú đá phạt, trái banh rớt ngay chân cầu thủ Klinsmann của Đức, anh này (được... bà độ) chỉ cần xọt nhẹ cho banh vô lưới! Trái thứ hai do hậu vệ Brehme câu bỗng vòng vô góc chữ A của khung thành làm thủ môn... hết đỡ!

Trong giải Euro năm 1992 ở vòng ngoài họ đã thắng Đức 4-1 vậy mà lại để thua Đan Mạch và bị loại khi đá 5 trái luân lưu!

Năm 1994 họ lại để thua Brazil (3-2)... lãng nhách vì hàng thủ quá lỏng lẻo: cầu thủ Romario xỉa banh cho Bebeto trong tư thế quá trống trải, anh chàng này chỉ cần phá bẩy việt vị (off side) và lừa qua mặt thủ môn rồi sút vào lưới ngon ơ!!

Ở giải Euro 1996 Hòa Lan lại bị loại ở Tứ kết khi sút 5 trái luân lưụ Đến giải World Cup 1998, ở vòng tứ kết, Hòa Lan đã thắng cựu thù Argentina (2-1) với cú làm bàn tuyệt chiêu của cầu thủ Dennis Bergkamp ở phút 88. Vậy mà một lần nữa, khi vào vòng bán kết họ lại thua Brazil khi đá 5 trái luân lưu!

Anh không có theo dõi giải Euro năm 2000 được tổ chức ở Hòa Lan và Bỉ, hình như họ cũng bị thua khi sút luân lưu! Hòa Lan không dự World Cup 2002 vì bị thua Portugal ở vòng loạị

Đến Euro 2004, Hòa Lan thua Portugal và bị loạị Ở giải World Cup 2006, Hòa Lan lại thua Portugal (1-0) ở vòng 16.

Trong giải Euro 2008, Hòa Lan thắng áp đảo Pháp, Ý và Romania ở vòng loạị Đến vòng tứ kết họ lại thua Nga cũng vì lỗi của hàng thủ.

Tính ra ngoài thời gian lẫy lừng của thập niên 1970 với lối đá "tổng lực" (total football) và năm 1988 vô địch Âu châu, sau này tuy đội Hòa Lan tấn công rất hay và vũ bão (với những bàn thắng tàn sát đối thủ ở vòng ngoài) nhưng "cơn lốc màu da cam" lại thất bại vì hàng thủ quá sơ hở!

Trong giải World Cup 2010, họ đã thay đổi đấu pháp nên công thủ nhịp nhàng, tuy ít thắng đậm nhưng không bị thua... sảng, và họ đã oanh liệt loại Brazil trong trận tứ kết!

Sau này anh cũng "kết" đội banh Đức sau hai trận chung kết WC với Argentina năm 1986 và 1990 (vô địch), chung kết Euro 1996 (vô địch). Anh cũng hy vọng sẽ được xem trận chung kết giữa Hòa Lan và Đức. Như vậy coi như hai đội sẽ lập lại các trận chung kết WC 1974, bán kết Euro 1988, vòng 16 WC 1990 và vòng loại Euro 1992..."


3) Cuối cùng có tin vui từ bạn hiền T. M. Tân ( NQ khóa 9 ) tại Bắc Cali báo tin mừng cho biết đã "chấm" hội tuyển Đức để "cá độ". Đến nay Đức thắng được 4 trận và thua 1 trận, như vậy đã " đủ " tiền (khỏi cần hốt "hụi" nữa!) để lo đám cưới cho trưởng nam vào ngày thứ bảy 24 tháng 7 này. Xin thành thực góp vui. (Người Xứ Bưởi)

 


 

Phiếm Luận

Người Xứ Bưởi

July 10, 2010


Nói chuyện túc cầu (3)

 Trước trận chung kết Hòa Lan & Tây Ban Nha



Phút thứ 73, cú "đội đầu" - thực ra phải nói là "húc đầu" mới đúng - của hậu vệ Puyol/ Hội tuyển Tây Ban Nha (Spain) quá mạnh khiến thủ môn Neuer / Hội tuyển Đức (Germany) đành "bó tay thúc thủ" chịu thua 1 : 0. Chính ngay giây phút này tại mọi nơi trên xứ Đức đang theo dõi trận bán kết "hi hữu" này, đột nhiên "yên lặng như tờ" một cách khác thường thiếu điều nghe được cả "cọng tóc rớt xuống". Dân xứ Đức đã cảm thấy điềm "bất tường" sắp xảy ra: Hội tuyển Đức lại bị định mênh an bài giống như trong kỳ World Cup 2006 là bị thảm bại trong vòng bán kết. Như vậy, hết hy vọng "giựt cúp vàng sau 20 năm (1990 - 2010) chờ đợi" với tâm trạng:


"Hai mươi năm" chờ đợi

Hoa tàn trăng tận, sông quằn mình trăn trở

("sửa chút xíu" thơ của thi sĩ Hà Thu Thủy / chs-NQ 8)


Người bị "đau" trăn trở nhứt không phải là Huấn luyện viên Loew, cũng không phải là Thủ quân Lahm, mà chính là Nữ Thủ tướng Merkel. Lý do rất dễ hiểu vì Hội tuyển Đức còn trẻ mà đã xuất sắc "đầy hứa hẹn", cho nên Huấn luyện viên Loew và Thủ quân Lahm trước sau vẫn còn có dịp "làm lịch sử". Nhưng về phía bà Merkel thì kỳ này là cơ hội "duy nhứt & cuối cùng" với tư cách Nữ Thủ Tướng đầu tiên của xứ Đức đi coi đá banh trận chung kết để chứng kiến hội tuyển Đức vô địch sau 20 năm đợi chờ. Bởi lẽ đấu trường chính trị đầy "bất trắc", dễ gì bà Merkel thắng cử lần thứ 3 để làm Thủ tướng. Mà không có chức vụ đó thì làm sao bà Merkel được tiếp đón nồng hậu, làm sao được vào phòng cabin của hội tuyển và nhứt là chả có ai còn "hồ hởi" mong được "bả" cho ôm như tiền vệ Schweinsteiger được "hưởng ơn mưa móc" ngay sau trân tứ kết "đại thắng" Á Căn Đình 4 : 0. Làm sao không "đau" nhứt được trước một viễn ảnh "buồn muốn đứt ruột" như vậy. Chúng ta nên "thông cảm" với tâm trạng của Nữ Thủ Tướng Merkel. Nhứt là nhan sắc "tiều tụy" thấy rõ ngay sau trận thảm bại này (???)

blank

Nữ Thủ tướng Merkel "buồn" vì Đức thua


Tại sao Đức lại thua Tây Ban Nha 0 : 1

Cầu trường thực ra không khác gì chính trường mấy. Mỗi "bình luận gia" đều có cái lý riêng. Mà cắc cớ thay dân mộ điệu túc cầu nào cũng đều bàn tán bình luận sự thắng bại của trận đấu. Thành ra mỗi nước có cả hàng triệu "bình luận gia" với lý lẽ khác nhau. Phía chúng tôi tin vào "định luật" may mắn và "nguyên lý" tài năng. Có lúc hay không bằng hên và phần lớn là hên không bằng hay.

Trong trận bán kết vừa qua, hội tuyển Đức gặp lúc "xui tận mạng". Chỉ cần nhìn gương mặt của Huấn luyện viên Loew và toàn thể cầu thủ Đức không thấy sắc thái hớn hở như các trận trước, mà có "một thoáng hắc ám" nào đó ngầm chứa thấy rõ sự thiếu tự tin. Phải chăng trước đó tin tức về con "bạch tuộc" Paul - đã tiên đoán Đức sẽ thua - đã làm "chấn thương tinh thần" khiến tê liệt ý chí chiến đấu như thường lệ. Vào trận thì thấy càng rõ ràng hơn: các cầu thủ Đức "vờn banh" đá một cách uể oải, không có một can đảm nào "tiến quân“. May là nhờ thủ môn Neuer rất xuất sắc, chớ không trong hiệp đầu Đức phải thua ít nhứt là 0 : 2. Sang đến hiệp nhì, Đức đột nhiên có 2 cơ hội lớn "làm bàn". Vào phút thứ 61, tiền đạo Klose "bắn chim" đá bổng cao qua khung thành. Thiệt là tiếc! Nhưng uổng nhứt là 8 phút sau đó, tiền đạo Kroos (thay thế cho tiền đạo Mueller bị phạt) được banh đứng trước khung thành có chục mét mà lại đá nhẹ thẳng vào tay thủ môn Casillas của Tây Ban Nha. Ôi, nếu tiền đạo Mueller không bị phạt cấm đá trận này thì chắc chắn đã đá mạnh "bung lưới" rồi (giống như 2 trái thủng lưới Á Căn Đình ). Mà nếu bị dẫn đầu thì Tây Ban Nha phải "liều mình" tấn công nên phải "mở cửa" phòng thủ, như vậy Đức có cơ hội phản công "sấm sét" như đã từng "hạ đo ván" hội tuyển Anh và hội tuyển Á Căn Đình mỗi lần với 4 trái vào lưới.

Nhưng đó chỉ là giả thuyết "nếu" trong mơ mộng mà thôi. Trên thực tế từ 3 năm qua hội tuyển Tây Ban Nha "lừng danh" là đội banh giỏi nhứt thế giới với thành tích vô địch Âu Châu năm 2006 và lần lượt thắng liên tiêp các hội tuyển khác để được tham dự World Cup 2010. Theo tinh thần "thể thao thượng võ" như các Thày Cô NQ thường "dạy" : Hội tuyển nào thắng đàng hoàng (đừng có ma giáo như Maradona lấy tay đánh vào gôn!) thì đều xứng đáng hết. Quả thực, trong trận này Tây Ban Nha rất xứng đáng thắng vì tài năng trội hơn.


Tại sao Hòa Lan (Netherlands) lại thắng Uruguay 3 : 2?

Đúng như lời bàn "mao tôn cương" lần trước: Hòa Lan dễ dàng vào chung kết nếu không gặp ngày "xui tận mạng" như Ghana đã bị khi đụng độ với Uruguay trong vòng tứ kết.

Thực vậy, đến phút thứ 73, cú đội đầu "tuyệt cú mèo" của cầu thủ Robben nâng cao tỷ số rỏ rệt 3: 1 cho Hòa Lan và khiến cho cả nước reo hò "ngất trời" vì biết là sẽ vào chung kết sau 32 năm (1978 - 2010) "đợi chờ". Tuy nhiên đến phút 90 (+2) bất ngờ hậu vệ Pereira của Uruguay đội đầu gỡ lại 3 : 2 khiến cho Hòa Lan sợ "xanh máu mặt" luôn. Nhưng 1 phút "phù du" cuối cùng không đủ cơ hội cho Uruguay gở huề.

Kết quả này thể hiện đúng yếu tố tài năng. Hòa Lan đá "trên chân" thấy rõ. Uruguay thiếu "vua làm bàn" Suarez ( bị thẻ đỏ ) nên chỉ còn có duy nhứt cầu thủ Forlan phải chạy "thục mạng“ Tuy đá vào lưới một quả, nhưng cầu thủ Forlan đuối sức bị đổi vào phút thứ 84. Cho nên dù có đá thêm giờ rồi cuối cùng Hòa Lan cũng sẽ thắng.


Trận chung kết sắp tới. 

Trận chung kết sẽ vào ngày chủ nhật 11/7/2010 giữa Hòa Lan và Tây Ban Nha, Kết quả sẽ đánh dấu sự kiện "đầu tiên trong đời" của 2 hội tuyển này.

Một là Hòa Lan lần đầu tiên thắng giải vô địch thế giới sau 2 lần thất bại "đau dớn" vào chung kết thua "chủ nhà"  năm 1974 tại Đức và năm 1978 tại Á Căn Đình với kỹ lục 26 trận liên tiếp "bất bại" dưới Huấn luyện viên Bert van Marwijk .

Hoặc hai là Tây Ban Nha lần đầu tiên vào chung kết ra tay là đoạt ngay được "người đẹp" cúp vàng mà dân ái mộ túc cầu cũng như tất cả cầu thủ trên thế giới mơ ước chỉ cần được "mi một cái" cho mãn nguyện cả đời.


Ai sẽ có cúp vàng?

Chúng tôi thấy câu trả lời "dễ ẹt". Thực vậy, từ gần một tháng qua "mê mệt" với bóng tròn đã thấy vô số chiêm tinh gia "bấm độn" trật lất. Biết bao bình luận gia "nhà nghề thứ thiệt" không ngờ nỗi các hội tuyển "thứ dữ" như Pháp, Ý, Anh, Ba Tây, Á Căn Đình... lần lượt sớm "cuốn gói ra về một cách nhục nhã". Chỉ có duy nhứt một chiêm tinh gia luôn luôn tiên đoán kết quả "trúng phong phóc một chăm phần chăm“. Đó là con bạch tuộc (với tên "cúng cơm" là Paul) đang "cư ngụ" tại viện hải dương của thành phố Oberhausen bên xứ Đức. Chiêm tinh gia đại tài này đã đoán trúng 100 % về 6 trận đá của hội tuyển Đức và vào 11 giờ sáng ngày thứ sáu hôm qua đã tiến đoán Tây Ban Nha sẽ "giựt" cúp vàng và Đức sẽ đá thắng Uruguay vào tối nay để được giải "an ủi" hạng ba ("thà... có còn hơn không“)

blank
Chú bạch tuộc Paul đoán "một chăm phần chăm" : Đức thua Tây Ban Nha


Ai sẽ là superstar của World Cup 2010?

"Nhân vật" càng lúc càng nổi bật trong giải kỳ này chính là chú bạch tuộc Paul. Tin tức "hấp dẫn hàng đầu" của giới truyền thông báo chí đều đề cập đến Paul. Nếu lần tiên đoán chót trong đời lại trúng "một chăm phần chăm" nữa thì e rằng giới báo chí túc cầu sẽ "ngoại lệ" tín nhiệm cho Paul làm superstar của World Cup 2010, vì hiển nhiên cho thấy tất cả kết quả đã được "an bài tiền định" rồi , nên Paul mới thấy trước được hết.

Nghe nói rằng sự kiện biết trước được kết quả trận đấu đã làm cho các "chức sắc" trong Tổng Cuộc Túc Cầu Thế Giới (FIFA) lo lắng "ăn ngủ không yên". Tại vì như vậy túc cầu chả còn hào hứng gì hết. Biết kết quả trước rồi thì ai còn "lặn lội" đi coi đá banh nữa. Như vậy môn "túc cầu" chỉ còn đường "dẹp tiệm". "Kỹ nghệ túc cầu" sinh sống cả hàng triệu nguời, chi thâu cả hàng tỷ bạc, làm hàng tỷ dân mộ điệu "yêu đời" cuối tuần... Nếu như vậy sẽ có "hậu quả dây chuyền" khiến cho thế giới sẽ trải qua cuộc khủng hoảng "vô tiền khoáng hậu". Tổng Cuộc Túc Cầu Thế Giới (FIFA) lo lắng là phải lắm và nhiều người viễn kiến đã đề nghị táo bạo "làm thịt" thày bói bạch tuộc Paul này để "cắt thành những miếng nhỏ, nướng hai bên cho kỹ, cho chanh vào, cùng với tỏi và dầu olive".

Tuy nhiên chúng tôi đã "trấn an" ông Blatter (Chủ tịch FIFA) rằng chú bạch tuộc Paul này đã 2 tuổi rồi sống tối đa thêm 1 năm nữa là "về quê" rồi nên chẳng cần lo sợ gì cả. Túc cầu vẫn là môn thể thao "vua" và bất tử.

Vì vậy tánh mạng của Paul "rất là mong manh" tùy thuộc vào kết quả của 2 trận đấu sắp tới.


Phía dưới đây kèm theo một bài viết đặc biệt về túc cầu của tác giả Trương Thị Hàm Yên (đàn bà dễ có mấy tay!) để cho dân mộ điệu "mê" túc cầu cùng nhau "tham khảo" và hy vọng có dịp bàn luận. (Người Xứ Bưởi)

 

World Cup 2010 trước các trận bán kết và chung kết:

 

Từ sự sụp đổ của các đội lừng danh Nam Mỹ, đến những suy nghĩ về “vũ khí bóng đá mới” của Đức!

 

Vào vòng tứ kết, có 4 đội bóng Nam Mỹ (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay), 3 đội bóng Âu châu (Hòa Lan, Đức, Tây Ban Nha) và một đội Phi châu (Ghana)… Đó là một thành công lớn đối với bóng đá Nam Mỹ và càng có ý nghĩa hơn khi ai cũng xem ứng cử viên nặng ký nhất của chức vô địch là Brazil, và Argentina cũng là đội bóng cũng có nhiều hy vọng đoạt cúp lần thứ ba. Thế nhưng, sau vòng tứ kết, Brazil, Argentina, Paraguay bị loại, và chỉ còn một đội sống sót, đó là Uruguay – một đội sống sót mà một phần nhờ vào “bàn tay cứu rỗi” của Suarez, khi anh đứng trong cầu môn dùng tay phá bóng ra ngoài, như một cầu thủ bóng chuyền trong cầu môn bóng đá vào những giây cuối cùng của trận đấu, và ngay sau đó, sự may mắn tiếp tục đến với Uruguay khi cầu thủ được mệnh danh là “PK master (penalty kick master) của Ghana là Asamoah Gyan lại sút quả phạt đền dội xà ngang ra ngoài, để rồi khi sút luân lưu 11mét, Uruguay giành thắng lợi, một thắng lợi đầy may mắn và chơi xấu, không thuyết phục khán giả mọi nơi.

Uruguay thì đã thắng như thế, còn Argentina bị Đức hạ 4 bàn không gỡ, Brazil bị Hòa Lan đè bẹp vào hiệp 2 với 2 lần bị tung lưới…

Bóng đá Nam Mỹ mà đội nào cũng tràn ngập các siêu sao thế giới đang thi đấu thành công trong các câu lạc bộ châu Âu đã bị tan như bọt nước khi sóng vỗ vào bờ, hầu như tất cả đều thảm bại và ra về trong nhục nhã. Vì sao? Trong lúc đó, 3 đội Âu châu đều thành công lớn trong vòng tứ kết và lọt vào bán kết sau khi cả ba đội Âu châu đều hạ 3 đội Nam Mỹ: Đức hạ Argentina 4-0, Hòa Lan hạ Brazil 2-1, và Tây Ban Nha hạ Paraguay 1-0! Tại sao? Tại sao Nam Mỹ là chiếc nôi sản sinh nhiều siêu sao bóng đá mà lại không thành công trong World Cup 2010? Nếu không thật sự trả lời những câu hỏi trên một cách nghiêm túc, bóng đá Nam Mỹ sẽ còn tiếp tục nhận lấy sự thất bại khác nữa trong tương lai?

 

Khởi điểm của vấn đề: Chọn huấn luyện viên

 

Trong một bài bình luận trên tờ Daily Telegraph của Anh, có đoạn: “Germany now have the three components for success in international tournament football – a style, an identity, and a method. They also have the momentum of three sets of four goals” (Đội Đức bây giờ có được ba yếu tố để thành công trên tầm mức bóng đá thi đấu quốc tế – đó là lối chơi/phong cách, bản sắc và phương cách. Họ cũng có được sức thôi thúc từ ba trận có được 4 bàn thắng…).

Điều đầu tiên phải nói đến chính là Style (lối chơi, hay phong cách) và điều này chính là triết học về bóng đá được áp dụng trong tập luyện, trong thi đấu qua quan niệm riêng của huấn luyện viên, được làng cầu của quốc gia đó chọn lựa. Kỹ thuật bóng đá thì gần như giống nhau. Các cầu thủ tầm cở quốc tế đều có những kỹ năng kỹ thuật giống nhau, không khác nhau lắm, từ thể lực, huấn luyện kỹ thể lực, đến kỹ thuật kiểm soát bóng, đi bóng, sút bóng, phá bóng, đội đầu...

Kỹ thuật thì khá giống nhau trên phạm vi quốc tế giữa các cầu thủ. Bất cứ ngôi sao nào cũng có mức kỹ thuật khá gần giống hay giống nhau. Cái mà làm cho lối chơi của đội bóng này khác với đội bóng khác chính là style (lối chơi và phong cách). Lối chơi Anh khác với Đức, lối chơi Đức khác với Brazil, lối chơi Brazil khác với Hòa Lan,…

Sự khác nhau này chính là style và identity (phong cách và bản sắc). Nó tạo ra tính chất đặc thù và lối chơi đặc thù của từng đội bóng, và chính nó là vũ khí riêng của từng đội bóng, tạo từng đội bóng một sự độc đáo riêng biệt mà không ai giống ai. Nó tạo ra sự hãnh diện của từng đội bóng. Nó tạo ra sự thu hút và mê hoặc của từng đội bóng và chính điều này là thước đo sự thành công hay thất bại. Thiếu Lâm Tự có cách tấn công và phòng thủ riêng của mình, có cách đánh, đòn đánh của riêng mình. Nga Mi, Không Động, Hoa Sơn,… cũng có cách riêng của mình. Không thể lẫn lộn, và không thể pha trộn… Sự cải tiến qua thời gian hay qua thực tế để hiệu quả hơn cũng dựa trên style đặc thù của từng làng cầu.

Trong thực tế, qua thi đấu, style của từng làng cầu có đổi thay, có cách tân để trở nên hiệu quả hơn, để biến hóa hơn, để có sức mạnh đạt đến chiến thắng hơn, nhưng cái tâm để mọi sự quay xung quanh trong hành trình biến đổi đó chính là bản sắc (identity), style (phong cách) và mục tiêu cứu cánh nhắm đến…

Làm huấn luyện viên cho một đội bóng, chọn huấn luyện viên cho một đội bóng mà không lưu ý đến những yếu tố căn bản nói trên, thì chẳng khác nào tự sát về bản thể, bản sắc và vong thân. Một đội bóng không có bản thể, không có bản sắc riêng và vong thân là một đội bóng đã khai tử cho chính mình, là tự hủy diệt, dù có chiến thắng, chứ đừng nói gì đến thất bại.

Làng cầu đỉnh cao quốc tế càng cần thiết nói về điều này, và các làng cầu Á châu đang phát triển càng cần định nghĩa những điều này hơn: Tại sao mời huấn luyện viên này về dù phải trả giá rất cao? Tại sao không mời huấn luyện viên kia, dù rất nổi tiếng và hiện giá rẽ như bèo? Phong cách và bản thể của làng cầu (ví dụ Việt Nam) là gì? Và tương lai phát triển hai yếu tố bất ly này ra sao? Lối chơi nào và ai sẽ giúp phát triển lối chơi đặc trưng của Việt Nam, theo sắc tướng và hình tướng chủ định của bóng đá Việt Nam?

Ngay cả một làng cầu nhược tiểu như Việt Nam, vấn đề Style và Identity cũng cần được xem là quan trọng. Vì sao Nam Hàn bùng phát từ 2002 trong bóng đá thi đấu quốc tế từ thời huấn luyện viên Hòa Lan? Vì sao bóng đá Nhật trở mình tạo chú ý và thành công tại World Cup 2010 từ ngày huấn luyện viên Nam Tư về huấn luyện?... Vì sao Brazil và Argentina gục ngã một cách tệ hại mà tệ hại hơn là mất cả style và identity, và đang bị tấn công thê thảm từ khắp nơi?

Từ việc chọn huấn luyện viên và sự đồng nhất giữa huấn luyện viên và liên đoàn bóng đá đối với các vấn đề quan trọng như lối chơi, tư tưởng chiến thuật… sẽ là các vấn đề trọng yếu, mà từ đó, huấn luyện viên sẽ giống như những tướng tư lệnh chiến trường chỉ huy cuộc hành quân mà Bộ Tổng Tham Mưu đã hoạch định và cùng đồng thuận. Từ đó, không có sự bất đồng và chia rẻ, đổ lỗi cho nhau và tấn công nhau vì sự khác biệt…

Ví dụ huấn luyện viên Dunga của Brazil đưa sự cách tân “new approach”, tính chất thực dụng vào lối chơi Brazil, và hình thành cái gọi là Dunga’s Way. Ông ta bị tấn công tơi tả từ mọi nơi, từ Carlos Alberto, Pele, Socrates, báo chí, người hâm mộ… Họ bất mãn lối chơi của Brazil dù cho thắng Chile 3-0. Họ tố cáo ông đánh mất bản sắc (identity) Brazil qua lối chơi (style),…

Và sau thất bại, ông đã bị sa thải khỏi chức vụ huấn luyện viên trưởng.

Chúng ta thấy ngay, qua trường hợp của Dunga, sự mâu thuẫn to lớn giữa huấn luyện viên và xã hội bóng đá Brazil về style/identity… mà bất kể thắng thua, thành bại… Ngày nào đội Brazil còn chiến thắng, họ sẵn lòng để qua sự bất mãn, dù tạm thời, và khi mà đội bị loại, cơn tức giận và sự bùng nổ của sự bất mãn bung ra như hỏa diệm sơn bùng phát…

Vấn đề lẽ ra phải đặt ra là: Bản sắc lối chơi của Brazil là gì? Và lối chơi đó có cần cải tiến trong thời đại bóng đá hiện nay? Nếu có cải tiến thì sự cải tiến đó sẽ là gì?... Người hâm mộ khư khư giữ lấy bản sắc cũ từng đưa họ đến vinh quang, và từng làm say mê khán giả… Đó là sức ép tâm lý mà ông Dunga phải chịu đựng. Dunga’s Way cần được nghiên cứu hơn là đáng trách…

Trước mắt, nhằm làm giảm áp lực xã hội, họ đổ vấy vào ông mọi tội lỗi và biến ông thành con “vật tế thần” (scapegoat), nhưng vấn đề nói trên (style/identity) trong thi đấu bóng đá đỉnh cao của quốc tế vẫn… còn nguyên đó. Sa thải huấn luyện viên không phải là giải pháp. Giải pháp chính là giải thích, nghiên cứu, tìm kiếm lối chơi, phong cách, tư tưởng mới, hiện đại, hiệu quả một cách phù hợp…

Cuộc cách mạng không thành công của Dunga dầu sao vẫn tạo ra một tiếng vang:

Phong cách truyền thống Joga Bonito của Brazil có cần thay đổi và cải tiến?

Huấn luyện viên mới sẽ phải đương đầu với câu hỏi này khi cầm quân tham chiến Copa America sắp tới!

Trong lúc đó, Argentina qua huấn luyện viên Maradona vẫn chơi một kiểu Real Argentina Football (bóng đá thật sự theo kiểu Argentina) và dù với một dàn ngôi sao rực rỡ vẫn bị đè bẹp 0-4 bởi đội Đức và đội Argentina không vào nổi bán kết.

Trong bài viết của Kevin Garside trên Daily Telegraph, có giòng“Maradona's charisma was not enough to see Argentina through” (sức thu hút của Maradona không đủ đưa đến sự thành công cho Argentina).

Qua bài phân tích của Ossie Ardiles – một cựu tuyển thủ quốc tế - qua bài “Diego Maradona has hurt Argentina's chances” cũng trên tờ Daily Telegraph về đội Argentina, thì huấn luyện viên Maradona là một bi kịch cá nhân và không phù hợp trong cương vị huấn luyện viên đội tuyển, từ việc chọn cầu thủ cho đến áp dụng đấu pháp, lối chơi.

Theo Ossie Ardiles, thì Maradona tự xem mình là “The Chosen One” – Một con người được định mệnh chọn lựa, và sinh ra đời này để trở thành một cầu thủ đoạt World Cup trên hai vị trí: Cầu thủ trước đây và huấn luyện viên ở World Cup này, trở thành một huyền thoại như hoàng đế Frank Beckenbauer của Đức. (He sees himself as ‘The Chosen One’, and believes his destiny on earth is to win the World Cup as a player, and as a manager).

Theo Ossie Ardiles, việc chọn lựa Maradona vào vị trí huấn luyện viên là một sự lựa chọn quái đản, lạ lùng (a strange choice as national team manager), và Argentina vào vòng chung kết không mấy vang dội và thất bại trong trận tứ kết một cách nhục nhã, vì đã chọn cầu thủ theo sở thích của ông ta, phạm sai lầm nhiều trong việc chọn lựa đội tuyển, và lối chơi phù hợp.

Ông ta bỏ đi những cầu thủ được xem là những “lãnh tụ chủ yếu trên sân đấu” (Key players, leaders on the pitch) như Javier Zanetti, Esteban Cambiasso và Juan Riquelme. Ông mang đội hình đến World Cup mà không có một hậu vệ cánh phải thật xuất sắc, và rõ ràng một hàng phòng ngự còn nhiều chỗ hở như gót chân của Achilles trong đội hình phòng ngự của Argentina. Sự tuyển chọn tuyển thủ của Maradona đến từ cảm xúc như một lời nhận định “Maradona lãnh đạo đội bóng bằng bản năng (instinct) và cảm xúc (emotion), chứ không bằng lý trí phân tích (rationale)”.

Tại sao lại loại bỏ Javier Zanetti? Cầu thủ này vừa trải qua một mùa bóng với tư cách đội trưởng Inter Milan, đoạt đến 3 cúp vô địch qúy giá tại Âu châu, đó là các chức vô địch của League, Cup in Italy và cúp Champions League… Zanetti là một ngôi sao đầy kinh nghiệm, có thể trấn giữ hậu vệ phải (nơi mà Muller thoát xuống như tên bắn đội đầu mở tỷ số 1-0 cho đội Đức). Rõ ràng, việc loại Zanetti đã làm cho đội hình yếu nơi phòng thủ cánh phải và cả hàng phòng ngự rung rinh…

Cựu danh thủ quốc tế nói trên Ossie Ardiles từng đá chung với Maradona mà bây giờ là bình luận viên cho Daily Telegraph, đành phải viết rất nặng nề về Maradona, như sau: “That’s irresponsible of Maradona to be perfectly honest. Leaving out top players is giving far too many advantages to the opposition. Very, very stupid,” (Thật lòng mà nói Maradona quá vô trách nhiệm. Loại những cầu thủ hàng đầu ra khỏi đội tuyển chẳng khác nào cho đối phương quá nhiều lợi thế. Rất, rất ngu xuẩn!“

Chính Ossie Ardiles còn nhận xét rất tồi tệ về huấn luyện viên Maradona và đội Brazil trong một bài viết khác với chủ đề “Argentina were a team of individuals…” (Argentina là một đội bóng của những cá nhân mà thôi...).

Nói đến Maradona là nói đến một cảm giác định mệnh, và chỉ có điều đó là quan trọng mà thôi. Tất cả những điều khác chẳng ăn nhập gì với ông ta cả, kể cả các điều tối quan trọng trong nghệ thuật thi đấu bóng đá quốc tế như phương pháp kỹ thuật, phương pháp chiến thuật và phương pháp tâm lý… Tất cả những điều mà ông ta làm theo là một tiếng gọi kín đáo mang tính chất định mệnh từ trong tâm thức vang ra… (Forget technical, tactical or psychological methods with Maradona, none of these things are what move him. What he has is a certain voice inside him that says, boom, go for, this, boom, go for that; only a sense of destiny and that is what drives him).

Với một huấn luyện viên của một đội bóng như thế, Maradona chỉ làm theo cảm tính, bản năng và xúc cảm. Khi thua Đức te tua, ông ta cũng chẳng có một sự thay đổi gì, ngoài chuyện chờ… định mệnh dẫn đường. Ngay cả trong vòng loại, đội tuyển Argentina từng thua Brazil trên sân nhà – một điều thật khó chấp nhận, và chưa hết, từng để Bolivia quật ngã đến 6-1. Cái cảm giác của ông ta là “boom, go for, this, boom, go for that; only a sense of destiny and that is what drives him“ … một định mệnh trong số phận của ông ta… Trình độ đội tuyển Argentina rơi xuống đáng kể, và chỉ tùy thuộc vào tài năng cá nhân của các ngôi sao mà ông ta có trong tay…

Cuộc đời thiên tài trên sân cỏ của ông từ năm 1978 đến 1990 cũng không mang màu sắc của kỷ luật hay kế hoạch gì cả: 1982, bị đuổi ra sân trong trận gặp Brazil; 1986, chiến thắng huy hoàng và trở thành trung tâm chú ý tại World Cup; 1990, bị chấn thương không ra sân được nhưng đội về nhì dù không rất xuất sắc; 1994, bị đuổi vì dùng thuốc…

Cuộc đời thăng trầm, vinh quang và cay đắng của cuộc đời sân cỏ của ông là thế, không chứng tỏ phẩm chất của một cầu thủ có kỷ luật, tuân phục những kế hoạch huấn luyện và thi đấu trong bóng đá quốc tế, mà dựa vào tài hoa bẩm sinh, thiên tài của cá nhân.

Cho nên chính vì vậy, giới phân tích đã viết là “dấu hỏi lớn nhất về đội Argentina là chính huấn luyện viên” (The biggest question mark about Argentina is the manager himself).

Một đội bóng được chọn lựa theo ý thích cá nhân, thi đấu dựa vào những ngôi sao cá nhân, và tùy theo định mệnh… Một đội bóng như thế thì khó thể nào ổn định được trình độ và đấu pháp, hay dỡ thất thường và phá sản khi bị đối phương gây khó chịu và dẫn điểm trước.

Một trong những đặc điểm khác của Maradona là khó hòa đồng với giới lãnh đạo khác của đội tuyển. Maradona và giám đốc đội tuyển là ông Carlos Bilardo – từng là huấn luyện viên đội tuyển năm 1986 – khắc khẩu với nhau một cách ra mặt.

Phía sau hậu trường, cả hai muốn loại trừ nhau. Tình hình quan hệ giữa hai bên tệ đến mức chủ tịch liên đoàn bóng đá Argentina phải nhảy vào can thiệp.

Maradona không muốn nhìn thấy bóng dáng của Bilardo trong khu thay quần áo và nghỉ ngơi của cầu thủ, dù ông ta là giám đốc đội tuyển tại giải World Cup ở Nam Phi. Maradona chỉ muốn nhìn thấy những người cùng phe ở xung quanh, vâng, chỉ "Yes, Diego' mà thôi. Và ông ta gây sự với tất cả mọi người (Maradona surrounds himself with ‘Yes, Diego’ men, and that has been Maradona’s problem all his life. Then Maradona fights with everyone).

Maradona muốn so sánh mình với vua bóng đá Pele và hơn hẵn Pele về mọi phương diện, và giấc mơ ấy tan vỡ. Ông ta cũng muốn trở thành những huyền thoại khác như Johan Cruyff, Franz Beckenbauer, Jurgen Klinsmann – những huyền thoại trên sân cỏ với vai trò cầu thủ vô địch và sau đó với danh tiếng những huấn luyện viên vô địch… Thế nhưng, cho đến giờ này, giấc mơ đã tan vỡ…

Maradona không chinh phục thế giới trong vai trò huấn luyện viên. Dù ở lại hay ra đi sau khi thua Đức 0-4, Maradona vẫn bị bao phủ bằng những lời chỉ trích nặng nề...

Trên sân cỏ, người ta không thấy dấu vết thuyết phục và ngoạn mục của cái gọi là Real Argentina Football như ông nói “Dù ai làm huấn luyện viên kế nhiệm tôi đi nữa, người ấy cũng phải tiếp tục phát triển một thứ bóng đá Argentina đích thật, nhưng thứ đích thật này là gì, qua thời huấn luyện của Madarona?

Hai đội bóng hàng đầu, những ngôi sao Mai của làng cầu Nam Mỹ từng tỏa sáng trên thế giới trước đây hiện đang bị mờ dần trên đấu trường quốc tế, và đang rơi vào cuộc khủng hoảng về những điều căn bản cần phải có để thành công trên làng cầu thế giới, khi mà các quốc gia truyền thống ở Âu châu canh tân liên tục và sự trổi dậy của làng cầu Phi, Á và Tân Tây Lan…

Đã đến lúc, làng cầu Nam Mỹ cần phải tự giải phẩu chính mình để hồi sinh khỏe mạnh trong tương lai.

 

Bóng đá Đức: Một chân dung bóng đá hiện đại với quan điểm “Attacking Play Is The Only Way To Success”

 

Trong World Cup 2010, đội bóng làm nhiều người bất ngờ nhất là Đức. Đội bóng này trước ngày vào giải được xem như là những con dark horses (ngựa ô), và qua các trận thắng vang dội trước Úc (4-0), Anh (4-1) và Argentina (4-0), khiến cho các nhà bình luận nhận xét rằng Đức chính là chân dung của nhà vô địch, với tinh thần thi đấu của nhà vô địch và với lối chơi rất hiện đại và hiệu quả…

Con đường đi qua của đội Đức khiến cho nhiều người giật mình: Một đội bóng rất trẻ, gần như không có nhiều ngôi sao, nhưng đã thi đấu thật khủng khiếp trong tấn công, và để lại nhiều chiến thắng oanh liệt... Họ ghi được 13 bàn thắng cho đến trước trận bán kết và chỉ để lọt lưới 2 bàn. Một thành tích đáng nể. Trước giải, ít ai nhắc đến Đức là đội có khả năng giành chức vô địch, dù họ là một đội bóng của một làng cầu truyền thống. Những tên tuổi gần như vô danh như Mesut Oezil, Thomas Mueller và Manuel Neuer không đủ làm những nhà quan sát chú ý, thế mà, họ tiến như vũ bão, như cuồng phong và khó ai có thể ngăn chận họ đến cúp vô địch…

Cái gì làm họ trở nên dữ dội, kinh khủng đến vậy?

Trên tờ Bild của Đức, Matt Monaghan đã trả lời phần nào về “vũ khí bí mật của huấn luyện viên Joachim Loew” – Đó là một vũ khí chỉ có hai chữ “Attacking Play!

Nếu Maradona lãnh đạo đội bóng theo bản năng, cảm xúc và định mệnh, và nếu Dunga lãnh đạo đội bằng sự du nhập một số lối chơi của Âu châu mà hậu quả là bị người Brazil tẩy chay, thì Joachim Loew đi bằng một con đường khác…

Qua báo Bild, huấn luyện viên Loew tiết lộ: “Những kế hoạch được phát thảo nhằm thi đấu như thế nào tại World Cup lần này đã được chúng tôi nghiền ngẫm lâu dài và kỹ lưỡng sau trận chúng tôi hòa vào ngày 4 tháng 12 năm trước…”

Họ đã tìm thấy điều gì sau thời gian nghiền ngẫm kỹ lưỡng và lâu dài?

Theo huấn luyện viên Joachim Loew thì:

- Cái lối chơi mà Ý áp dụng để giành chiến thắng vào năm 2006 (đó là phòng thủ là chủ yếu và chiến thắng bằng một bàn do bất ngờ phản công) là không còn phù hợp nữa. Không đội nào có thể đi xa hơn với lối chơi này. Huấn luyện viên Lippi vẫn giữ lối chơi cũ và ra về trong thê thảm khi đội Ý – đương kim vô địch – đã đứng chót bảng F, không thắng nổi trận nào, bị đứng sau cả Paraguay, Slovakia và New Zealand. Trận hòa New Zealand là một sự sỉ nhục đội Ý, sau khi bị dẫn trước 1-0 và rồi gỡ hòa 1-1 trong may mắn bằng quả phạt đền. Đức không muốn chơi theo lối như thế mà muốn đi đến trận chung kết.

Vậy, lối chơi mà huấn luyện viên Joachim Loew muốn áp dụng cho đội Đức “sau thời gian nghiền ngẫm chu đáo, kỹ lưỡng và lâu dài” là gì?

Hãy nghe ông trả lời trên báo Bild:

"Our analysis was quite clear: we could only win the World Cup by playing attacking football and making life difficult for other teams” (Phân tích của chúng tôi thì rất rõ ràng: Chúng tôi chỉ có thể giành chiến thắng World Cup bằng cách chơi bóng đá tấn công và gây khó khăn cho các đội khác).

Nói điều này thì không lạ vì nhiều đội cũng đề ra lối chơi tấn công. Có gì khác biệt trong lối chơi tấn công của Đức?

Huấn luyện viên Joachim Loew bàn về chiến thuật và ông chia sân bóng ra làm 18 ô chữ nhật có diện tích giống nhau. Và đó là trật tự trên sân bóng. Đó là điều kiện quan trọng nhất để tạo ra một thứ bóng đá mạnh. Cầu thủ phải biết chỗ của họ trong cấu trúc căn bản của toàn đội, để cho không một cầu thủ nào nghĩ rằng anh ta có quyền chạy khắp sân. Tuy thế, theo Loew, một số ô chữ nhật phải luôn luôn được chăm sóc, luôn luôn được “canh giữ” và khai thác tối đa, vì đó là vùng chiến lược trong toàn sân đấu, vùng hệ trọng, vùng nguy hiểm.

Huấn luyện viên Loew nói thêm: “Cuộc chơi chưa kết thúc khi bóng đang vận hành. Tôi muốn nhìn thấy cầu thủ vận hành trong không gian của mình, sẵn sàng đòi hỏi bóng được đưa đến, và chính điều này là cho lối chơi trở nên trôi chảy hơn và bùng nổ hơn, cơ động hơn…”

“Tôi biết rằng một số cầu thủ của chúng tôi rất giỏi trong lối chơi này, như Oezil, Poldi [Lukas Podoloski], Mueller, [Toni] Kroos. Và tôi nói với toàn đội rằng nếu các bạn mà không di chuyển nhiều trên sân, thì bạn cũng không thể nào thắng một đội như đội Canada. Đó là luật bằng vàng, luật quan trọng nhất, luật qúy giá nhất của chúng tôi ngay từ ngày đầu tiên. Và chúng tôi đã áp dụng nó trên lý thuyết và trong tập luyện từng ngày một…”

Và huấn luyện viên Loew nói thêm: “Đội Đức đã đạt tới trình độ thượng thừa của nghệ thuật thi đấu lối này một cách đơn giản. Tôi đã chứng kiến những buổi tập luyện mà đôi khi đạt tới sự hoàn thiện của nghệ thuật bóng đá…”

Họ di chuyển như những cổ máy vận hành linh động theo trục tới và lui, ngang và dọc, cuồng cuộng dâng tràn khi tấn công, tràn ngập và bất ngờ qua khoảng trống mà sự di chuyển tạo ra,… khiến cho đối phương bối rối, tan rã và mở tung đội hình để từ đó bàn thắng xuất hiện…

Và họ đã hạ đội Anh và Argentina tơi bời với mưa bàn thắng, đẩy đối phương vào thế khó khăn và tan rã…

Qua khảo sát 3 làng cầu Brazil, Argentina, Đức và trong chừng mực nào đó với làng cầu Ý, chúng ta thấy rằng:

1. Vai trò huấn luyện viên với đấu pháp, lối chơi phù hợp là điều sinh tử của một đội bóng. Huấn luyện viên và vai trò huấn luyện viên là yếu tố sinh tử của đội bóng.

2. Với đấu pháp phù hợp, hiện đại, thực dụng cho chiến thắng, một đội bóng không có nhiều ngôi sao (như Đức) cũng có thể làm chuyện lớn, trong lúc đó những đội đầy ấp ngôi sao như Anh, Ý, Pháp, Brazil, Argentina vẫn ngậm đắng nuốt cay qua thất bại.

3. Bóng đá là môn thể thao đồng đội, và những ngôi sao thì rất cần, nhưng ngôi sao tập thể, ngôi sao đồng đội tỏa sáng hơn, quan trọng hơn. Cái thời mà một Maradona một mình lừa bóng qua nhiều tầng lớp phòng thủ để sút bóng tung lưới đã qua rồi và không còn nữa. Trong lãnh đạo và trong các tổ chức ngày nay, yếu tố teamwork và network thay thế cho sự xuất sắc của từng cá nhân, và trong bóng đá thi đấu hiện đại, tinh thần đồng đội và yếu tố toàn đội tạo ra sức mạnh khủng khiếp hơn ngôi sao cá nhân. World Cup 2010 đang chứng tỏ và khẳng định điều đó.

Đức dầu có vô địch World Cup năm nay hay không vẫn là đội bóng có lối chơi (style) hiện đại nhất, và identity (bản sắc) đặc thù nhất và một phương pháp thi đấu khoa học (method) nhất như chúng tôi đã trình bày phía trên.

World Cup chính là chiến trường thử nghiệm “vũ khí mới trong bóng đá” và vũ khí Đức đang chinh phục mọi người…

Và chúng ta có cơ hội để xem người Đức thử vũ khí trong hai trận còn lại: Trận bán kết với Tây Ban Nha – một cơ hội phục thù cho trận chung kết Euro mới vừa qua và trận đấu sau cùng – có thể trận tranh vô địch hay trận tranh hạng 3. Dầu kết quả nào, họ đã thành công khi đi đến trận đấu cuối cùng của giải.

Trương Thị Hàm Yên / Jul 05, 2010 / Cali Today News

 


 

Phiếm Luận

Người Xứ Bưởi

July 11, 2010


Nói chuyện túc cầu (4)

Giải túc cầu thế giới World Cup 2010 chấm dứt

Tây Ban Nha (Spain) đoạt cúp vàng


blank 

Viva Espana!

 

Đúng như trình bày trong lần trước (câu trả lời "dễ ẹt"!) đã tiên đoán rằng Tây Ban Nha sẽ "giựt" cúp vàng và Đức sẽ đá thắng Uruguay giải "an ủi" hạng ba ("thà... có còn hơn không").

Quả thực trong trận đấu tranh "huy chương đồng" hạng ba , hội tuyển Đức đã đá "trên cơ" và thắng Uruguay với tỷ số 3 : 2. Cú đội đầu quyết định thắng vào phút thứ 82 do tiền vệ Khedira (cầu thủ đội banh câu lạc bộ Stuttgart) đánh tung lưới.

Riêng trận chung kết xảy ra tương đối khá sôi nổi , mặc dù về kỷ thuật túc cầu không gì xuất sắc cho lắm so với những trận chung kết trong quá khứ.

Khá sôi nổi bởi vì "bất phân thắng bại" sau 90 phút nên phải đá thêm 30 phút nữa. Rút kinh nghiệm qua trận bán kết giữa Tây Ban Nha & Đức, Hội tuyển Hòa Lan áp dụng chiến thuật "cứng rắn" bằng cách sẵn sàng "chơi xấu" nhằm không cho Tây Ban Nha "vờn banh" tấn công dễ dàng như đã xảy ra trong trận đá thắng Đức. Biện pháp này khá hữu hiệu khiến cho Tây Ban Nha không thể "dứt điểm" trong 90 phút như thường lệ và trận đá phải kéo dài thêm 30 phút nữa. Bù lại, Hòa Lan vì vậy bị kỷ lục 8 thẻ vàng và cuối cùng vào phút thứ 109 cầu thủ Heitinga bị thêm thẻ đỏ phải ra khỏi trận đấu. Cho đến mãi phút thứ 116, tiền vệ Andres Iniesta (cầu thủ đội banh câu lạc bộ Barcelona) được banh trong vòng cấm biên và sút vào gôn dẫn tỷ số thắng cuối cùng 1 : 0 cho hội tuyển Tây Ban Nha.

Nhìn chung lại, Tây Ban Nha xứng đáng thắng giải với trình độ "nhồi bóng điêu luyện" đã phần lớn "kiểm soát" được trận đấu. Trước đây 2 năm, cũng chính hội tuyển này với cùng thành phần cầu thủ đã thắng giải vô địch Âu Châu 2008. Như vậy không phải họ đã tình cờ thắng, mà thực sự có bản lãnh.

Về phần hội tuyển Hòa Lan đã chứng tỏ khả năng đặc biệt với kỷ lục 25 lần "bất bại". Trong trận chung kết họ gặp đối thủ quá lợi hại và không gặp "may mắn" khi tiền đạo Robben vào phút thứ 62 xuống banh một mình trước khung thành mà lại đá vào chân của thủ môn Casillas. Bình thường tiền đạo Robben đã dễ dàng "lớp qua đầu" thủ môn để làm bàn rồi. Tiếc thay, "cơ hội ngàn năm một thuở" này bỏ qua mất quá uổng (cầu thủ Kroos của hội tuyển Đức trong trận bán kết cũng bỏ qua cơ hội làm bàn tương tự để thắng được Tây Ban Nha). Giả tỷ Hòa Lan dẫn đầu qua "cơ hội ngàn năm một thuở" đó thì trận đấu có thể có kết quả khác.

Thực đáng tiếc cho Hòa Lan: 3 lần vào chung kết (1974, 1978 và 2010) đều thua đau đớn. Chắc có lẽ "bị trù ếm! . Hoặc đó là "bản sắc" đặc biệt của Hòa Lan khác hẳn các hội tuyển quốc gia khác: thất bại vì không "tự thắng" nổi áp lực tinh thần quá nặng trong một trận chung kết World Cup tối quan trọng trước hàng tỷ khán giả trên toàn thế giới! (Người Xứ Bưởi)


 blank

Đức được giải "an ủi" hạng ba ("có... còn hơn không“)

 

13 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 52805)
Hứa thì hứa với lòng mình nhưng rồi viết vẫn viết khác và lời hứa bay đi, café, mưa và căn nhà ngói đỏ lúc nào tôi cũng thấy như ẩn như hiện trong các truyện ngắn và truyện dài của Nguyễn-Xuân Hoàng.
11 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 29087)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: MỘT MÙA ĐÔNG - Ca sĩ Xuân Sơn - NHÀY VUI MÙA ĐÔNG - Ca sĩ Kim Anh Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube - Sầu viễn xứ, ngày mùa Đông lạnh tới San sẻ nhau những cay đắng ngọt bùi
09 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 38639)
(*Cảm tác từ bài thơ TẠ TÌNH của Tưởng Dung... em tặng chị...! )... xin hãy chỉ nốt cho em, bài học cách nào để uống viên thuốc thời gian, cho em buông lơi được, cho em quên được, cho em chết mất được một nửa trái tim mình đã thuộc về anh...
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 44450)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: NHỚ VẦNG TRĂNG KHUYA - Thơ HOÀNG ÁNH NGUYỆT -Nhạc BẰNG GIANG - Tiếng hát THÙY AN - Đỗ Trần thực hiện Youtube
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 30231)
Còn thương con dốc Ngô Quyền. Ngồi nghe kỷ niệm qua miền tuổi thơ. Dốc xưa ai đứng đợi chờ. Thời gian sao cứ hửng hờ bước qua. Bây giờ, em của người ta...
06 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 49053)
(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”
05 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 43441)
Tôi hay tin trễ, Thầy Trần Văn Tài qua đời không lâu, sau ngày tôi tình cờ gặp lại Thầy ở Trảng Bom. Những dòng chữ muộn màng này, thay nén nhang thơm tôi và các bạn lớp 10B4 năm xưa kính nhớ Thầy.
01 Tháng Mười Hai 2013(Xem: 48807)
* Xin đính chính đây không phải là bài viết của Giáo sư, Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ mà là của một tác giả khác cùng tên. Xin thành thật cáo lỗi cùng tác giả và Thầy Nguyễn Xuân Hoàng. (Ban Điều Hành WebNQ)
30 Tháng Mười Một 2013(Xem: 33894)
Chút lòng gửi tới bạn bè Mọi người vui lắm được nghe tiếng Hoàng Ngạc nhiên khi thấy Bạn Vàng Từ xe bước xuống NGỠ NGÀNG khó tin
30 Tháng Mười Một 2013(Xem: 37853)
Người phải đâu là ngọn nến trời đêm? Sao ta mãi chờ hoài trong bóng tối. Người đã đến và chợt đi rất vội. Lời tạ tình sao không nói người ơi!
30 Tháng Mười Một 2013(Xem: 53449)
Viết về anh cũng như tôi đang nhớ tới những kỷ niệm đầu tiên của tôi với cây bút. Bài viết ngắn này cũng ngắn ngủi như mối giao tình (chưa hề gặp mặt nhau) của hai anh em mình...
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 46553)
Con gái Ba đây chỉ muốn nói với Ba lòng biết ơn Ba đã nuôi dạy con khôn lớn, đã yêu con bằng tình yêu không điều kiện, đã để lại cho con một di sản tinh thần vô cùng quí báu.
29 Tháng Mười Một 2013(Xem: 38776)
Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt, những người đi làm xa nhà đều trông đợi vào ngày này để cùng về nhà xum họp, quây quần bên bữa cơm gia đình.
27 Tháng Mười Một 2013(Xem: 39393)
Những bức thư chưa bao giờ gửi Vẫn còn nguyên mùi mực thơm hương dẫu ngày tháng mờ xa diu vợi gợi nhớ mùa trăng tuổi tròn thương
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 39116)
Lá cứ rơi trên đường xưa đưa đón Cỏ âm thầm hát khúc hẹn hò nhau Thương nắng chiều đổ nghiêng nghiêng vành nón Hoàng hôn rơi lãng đãng vẫy tay chào .
21 Tháng Mười Một 2013(Xem: 50686)
Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Đắc Kiên. Hai nhà thơ. Hai thế hệ- Hai hoàn cảnh một từ trong cảnh tù đầy 27 năm cộng lại tại miền Bắc- một trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập với tư cách nhà báo-.
20 Tháng Mười Một 2013(Xem: 38058)
Khi nghe nói con đang trên đường đến Bà mĩm cười lau nước mắt rưng rưng. Giọt lệ vui vì bà đã biết rằng Tim bà đã... thuộc về con đấy nhé.
18 Tháng Mười Một 2013(Xem: 45286)
(Khoảnh khắc nghĩ về Nhà văn NXH). Có phải Người Đi Trên Mây ? Nghe không gió hỏi mộng trầy bởi sao ! Thưa rằng mộng vốn chiêm bao Theo hư vô nhặt trái sầu rất xanh.
16 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41567)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: GIẤC MƠ TÌNH- Thơ HOÀNG ÁNH NGUYỆT -Nhạc BẰNG GIANG - Tiếng hát THÙY TRANG Đỗ Trần thực hiện Youtube
16 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41467)
Bên tôi bây giờ mới là khuya thứ sáu Thứ bảy…tôi còn cả ngày mai Em cứ yên tâm vui với buổi chiều Hôm nay có lỡ, mai vẫn còn thứ bảy…
15 Tháng Mười Một 2013(Xem: 44964)
Mù sương phố núi mù sương Nhịp buồn hút gió hồn nương núi rừng Chuyện linh hồn với bản thân Bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 55713)
Hàng chữ nhảy nhảy, bay bay, múa múa, nhợt nhạt rồi nhòe nhòe dần dần. Tôi lẩm bà lẩm bẩm "Trí sún ơi! Tao ngàn lần xin lỗi, xin lỗi và cám ơn mày".
14 Tháng Mười Một 2013(Xem: 39844)
Riêng Nguyễn Thế Hùng, đây là lần gặp lại sau 43 năm, khi bè bạn rời ghế học của trường trung học Ngô Quyền, để bước chân vào giảng đường đại học.
09 Tháng Mười Một 2013(Xem: 41935)
Cái ranh giới giữa hiện tại và quá khứ nhỏ quá, mỏng quá, nhanh quá, nhanh còn hơn một cái chớp mắt. “Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”
09 Tháng Mười Một 2013(Xem: 39144)
Không còn gì giữ lại, Ngoài khắc khoải đau thương. Giờ chia cách đôi đường làm sao biết bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?
08 Tháng Mười Một 2013(Xem: 43842)
Dù biết rằng vui mừng có giới hạn nhưng đau khổ vô bờ bến. Ước chi… ước chi…sương đã tan và nắng đã lên ở cuối đường.
07 Tháng Mười Một 2013(Xem: 53688)
Gửi em chút nắng mùa Đông. Sưởi cho ấm trái tim hồng ngủ quên. Bên anh mưa bão chưa yên. Bao giờ biển nối đất liền, hỡi em.!.!.!
07 Tháng Mười Một 2013(Xem: 37939)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Ngàn Thu Áo Tim- nhạc Hoàng Trọng- lời Vĩnh Phúc- Thái Thanh trình bày Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube
02 Tháng Mười Một 2013(Xem: 40216)
Nếu như sông không có lục bình hoa tím Thì cô bé ngày xưa chẳng biết hẹn hò Viết những bài thơ giữ vô vàn kỷ niệm Về cầu Ghềnh, cù lao Phố nối bờ vui.
01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 52544)
Biết cùng ai chia sẻ sự suy nghĩ riêng mình, chỉ biết nhìn lên bầu trời âm u bên kia đồi, để rồi ước mong, mong một ngày nắng lên...
31 Tháng Mười 2013(Xem: 31492)
Chợt buồn soi lại dòng tâm Trần gian, trong đục thăng trầm bể dâu Ngỡ ngàng mất nửa đời nhau Dìm thân trong giấc chiêm bao lạ thường
30 Tháng Mười 2013(Xem: 33057)
Đừng trách chi thu nỗi hận lòng! Vô tình thu chẳng biết người mong. Cảnh trần thay đổi luôn như thế! Xin chớ vương mang mãi ngóng trông.
25 Tháng Mười 2013(Xem: 17537)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: LÁ THƯ - Nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh - Ca sĩ Lan Ngọc Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube
25 Tháng Mười 2013(Xem: 25889)
Vậy mà cũng chính là mày đã đôi lần băn khoăn về chuyện có khi cái bóng của Nguyễn-Xuân-Hoàng-ngoài-văn-chương đã phần nào làm khuất lấp cái văn-chương-Nguyễn-Xuân-Hoàng.
25 Tháng Mười 2013(Xem: 66625)
Cảm ơn tình bạn anh cho tôi, như cánh diều bay êm ả trên những tầng mây khi tụ khi tan, khi gần khi xa, như có như không, một tình bạn chân thật, giản dị,...
24 Tháng Mười 2013(Xem: 25582)
Em hát ca tôi gởi niềm rung động Chút tâm tư theo giọng hát mơ màng “Hương xưa” còn lan tỏa khắp không gian Bởi “Hoài cảm” vẫn chưa hồi kết thúc
23 Tháng Mười 2013(Xem: 18308)
Hôm qua thoáng đọc một bài thơ, Ai đó đã trách "Mảnh trăng hờ " Lại bảo rằng trăng không tha thiết, Chắc người chưa tỉnh hãy còn mơ,
17 Tháng Mười 2013(Xem: 49248)
Mỗi lần tan học, ở các lớp cuối Trung học, chắc là cũng có các em học sinh mới lớn ngâm nga "em tan trường về anh theo Ngọ về" như chúng tôi...
16 Tháng Mười 2013(Xem: 39449)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: ''KHÓC MẸ'' - Hồng Vân diễn ngâm Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube
14 Tháng Mười 2013(Xem: 55273)
Xem lịch mới biết hôm nay là ngày đầu thu. Từng mùa thu đến, từng mùa thu đi. Đến rồi đi, đi rồi lại đến như bao kiếp người luân lạc trên dòng đời chảy miên man.
14 Tháng Mười 2013(Xem: 35941)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: "Thuyền Trăng" Anh Bằng sáng tác; Mỹ Thể trinh bày Kiều Oanh Trịnh thực hiện youtube
14 Tháng Mười 2013(Xem: 27987)
Tôi sẽ thấy mùa thu tôi bỗng lạ. Nắng và mưa thành những điệp khúc vô chừng. Và tôi cũng thấy đất trời thênh thang từng giòng sông thu rất cũ. Lững lờ trôi đi, trôi đi mà sao vẫn quanh đây?
14 Tháng Mười 2013(Xem: 30253)
Tay ôm hoa mộng bao lần trần gian mấy nỗi xót thân phận người đừng hờ hững nữa Thu ơi Thu nay thương nhơ một trời Thu xưa
12 Tháng Mười 2013(Xem: 43389)
Tôi lại nghĩ. Chỉ có mấy quyễn sách long bìa, rách gáy, tôi còn không nở vứt đi, thì làm sao tôi có thể yên tâm mĩm cười bỏ cái thân nhục dục này xuôi tay nhắm mắt. Thì ra, nói một chuyện mà thực hành không phải dễ dàng.
11 Tháng Mười 2013(Xem: 51999)
VÌ EM LÀ NỖI NHỚ - Nhạc và Lời: Ngô Càn Chiếu - Hòa âm: Ngô Càn Chiếu - Ca sĩ trình bày: Ngô Càn Chiếu Vì em là nỗi nhớ Là Sài gòn nắng ấm bình minh Bên phố phường rôn rã thanh âm Là ngựa xe trong ngày đang đến
05 Tháng Mười 2013(Xem: 34869)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: TRÁI TIN MÙA THU - thơ Trần Kiêu Bạc - Hình ảnh Lê Nguyên - Ngọc Thiên Hoa phổ nhạc - Ca sĩ Tố Hà
04 Tháng Mười 2013(Xem: 36266)
Kiều Oanh cảm tác theo nhạc phẩm "Mùa Thu Ru Em'' của nhạc sĩ Đức Huy. *Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Liên Khúc "Ru em mùa Thu", sáng tác Đức Huy-Ngọc Lan & Ái Vân
03 Tháng Mười 2013(Xem: 60195)
Nhớ anh, tôi thèm đọc một cuốn sách. Tôi tìm chữ, tìm tôi cũ trong những ngày tháng miệt mài viết bài gửi cho anh. Những ngày thân thiết vô cùng. Những ngày của chữ, của Văn …
03 Tháng Mười 2013(Xem: 46150)
Có làm cha làm mẹ, tôi càng biết quý trọng, mang ơn và thông cảm những nỗi khó khăn của những người đã ra công dạy dỗ mình và giờ đây là con cái mình từ truyền trao kiến thức cho tới uốn nắn tính tình.
02 Tháng Mười 2013(Xem: 62552)
Biết được tin tức thầy, em mừng rỡ lắm. Gặp được thầy lại càng vinh hạnh hơn. Bàn chân "trần" của thầy chắc có lẽ cũng dừng chân nơi bến đỗ "trung học Ngô Quyền" để cùng đồng liêu theo dõi nhịp thở của học trò.
28 Tháng Chín 2013(Xem: 49668)
Thì ra tôi đã già rồi. Già thật rồi nên cứ loay hoay nhìn về quá khứ. Hãy cho tôi một nụ cười. Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ
27 Tháng Chín 2013(Xem: 38702)
Có phải trăng này trăng của ta Của mùa trăng cũ mới vừa qua Hay là cũng đã thành trăng mới? Hờ hững nhìn ta nét lạnh lùng
27 Tháng Chín 2013(Xem: 36616)
Nụ hôn tỏa ngát mùi trinh bạch Suối lệ nồng hương vị ngọt ngào Siết chặt vòng ôm hơn chút nữa Giật mình, sực tỉnh... giấc chiêm bao!
27 Tháng Chín 2013(Xem: 38990)
Đom đóm tặng lũy tre già xào xạc Cả trời sao lấp lánh ngọn hào quang Tre dang vòng tay đón ngàn đốm sáng Chào đêm thu lồng lộng ánh sao tan..
27 Tháng Chín 2013(Xem: 37959)
Đời trôi với những vần thơ Sông trôi hết những ngu ngơ cuộc đời Nếu còn sót lại một lời Xin cho tôi cám ơn trời vì em…
21 Tháng Chín 2013(Xem: 40063)
Bao giờ ta gặp nhau Kể chuyện tình mưa ngâu Tàn theo mùa Thu tím Tan rồi giấc mộng đầu Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: "Áo Tím Mùa Thu"- nhạc Nguyên Vũ - Thái Châu trình bày
21 Tháng Chín 2013(Xem: 59453)
Tựa Đề: HÌNH NHƯ NẮNG VỪA PHAI Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Tuấn Ngọc Ca Sĩ: Hương Giang
21 Tháng Chín 2013(Xem: 39051)
thu bây giờ không là thu ngày trước Bởi mẹ già khô nước mắt từ lâu Cô gái nguyên trinh, trong trắng thuở nào Tim đã chết như mùa Thu đã chết
20 Tháng Chín 2013(Xem: 41019)
Tôi viết vần thơ lên áo em gió thu bay nhẹ áo em mềm để thơ quấn quýt theo tà áo và để lòng tôi thương nhớ thêm
20 Tháng Chín 2013(Xem: 53657)
Phùng Quán vịn vào câu thơ mà đứng vững. Mình dựa vào tình thương của mọi người, nghiến răng, đứng lên mĩm cười với số phận. Cám ơn tình bạn, cám ơn thương yêu và thông cảm.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 57486)
Phải chăng nhà văn không có tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian sống. Thời gian của một nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ họ viết ra.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 54858)
(Viết hôm các bạn của nhật Báo Người-Viêt và Diễn Đàn Thế Kỷ đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng) Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 40746)
Các Em vì "nghĩa" quên mình, Gian nan vất vả cho tình chúng ta. Các Em là những bó hoa, Là mùa "Xuân thắm" thiết tha mong chờ.
13 Tháng Chín 2013(Xem: 46973)
Mùa Thu sắp về đây. Thu về với lá vàng, với gió heo may và cây trái bắt đầu chín. Mùa Thu cũng là mùa thu hoạch. Mùa Thu đẹp lắm, rừng Thu bát ngát lá vàng rơi
11 Tháng Chín 2013(Xem: 42044)
Thôi xin Bạn cho ta lòng trắc ẫn Xin cho ta bày tỏ chỉ một lần Và xin nhận nơi đây lời giao cảm Đa tạ người đã hiểu được lòng ta .
06 Tháng Chín 2013(Xem: 78165)
Cái sung sướng lúc tốt nghiệp không phải là được đi dạy, làm giáo sư cho bằng thoát khỏi sách vở mà chúng như những kinh kệ vô nghĩa nhàm chán..
05 Tháng Chín 2013(Xem: 53806)
Ta cứ muôn đời làm tình nhân Dù cho xa cách nhưng thấy gần Tình ta xanh mướt không tàn úa Chồng vợ làm gì phải không anh?
05 Tháng Chín 2013(Xem: 60219)
Việc bán thơ của Suskin xem ra phù hợp với văn hóa sống nhanh, sống vội, muốn gì được nấy, nhanh như người ta bấm máy truyền hình hoặc vào mạng internet.
05 Tháng Chín 2013(Xem: 45063)
Có cơ hội thì bạn bè gặp nhau vì quỹ thời gian chúng ta chẳng còn nhiều. Xin cám ơn những người bạn trên net của tôi, đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống.
05 Tháng Chín 2013(Xem: 33368)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Thu Nghiêng & Trái Tim Bên Trái Chờ Thu (Thơ Trần Kiêu Bạc) - Hồng Vân diễn ngâm.
31 Tháng Tám 2013(Xem: 34054)
Tìm thấy được trên hoa râm tóc bạn Một vầng mây áo trắng tuổi học trò Những chiều xưa dốc Ngô Quyền lãng đãng ...
31 Tháng Tám 2013(Xem: 37458)
Tựa Đề : NHÁNH MÙA XUÂN TÔI Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Tuấn Ngọc Ca Sĩ : Hương Giang
31 Tháng Tám 2013(Xem: 73400)
Ông trở thành một “ông già quét chợ” một cách tự nhiên như vậy đó, tự nhiên như khi ông từ đâu không biết đã đến cái chợ làng này…
30 Tháng Tám 2013(Xem: 39515)
Từ anh xa lánh cõi trần Vầng trăng viễn xứ lê thân dãi dầu Đời còn có nghĩa gì đâu Thu qua mấy độ vẫn nhầu nhớ thương
30 Tháng Tám 2013(Xem: 34123)
Mến tặng chị Quỳnh Hương Hoàng Ánh Nguyệt (San Jose) Nhân ngày giỗ anh Hoàng Ngọc Thái
23 Tháng Tám 2013(Xem: 41629)
Ca sĩ: Duy Linh - Nhạc & Lời: Ngô Càn Chiếu - Hòa âm: Ngô Càn Chiếu - Mẹ đi đã biết bao năm Tìm bao đứa con xa xăm Tìm bao đứa con âm thầm Ra đi khắp chốn muôn phương
23 Tháng Tám 2013(Xem: 77445)
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được.
23 Tháng Tám 2013(Xem: 51987)
Bọn học trò chúng tôi thuở ấy ngưỡng mộ anh lắm. Anh có dáng dấp một trí thức… Tây. Anh đã là nhà văn nổi tiếng trong văn giới và quần chúng, lại là một giáo sư Triết,
21 Tháng Tám 2013(Xem: 35634)
Không phải là vĩnh biệt Không phải là chia xa Nhưng ghế ngồi vẫn trống Nhưng vẫn ta với ta
16 Tháng Tám 2013(Xem: 37746)
Hoa hồng trắng từ nay cài lên áo Biết khi nào mới cảm thấy quen đây? Hoa hồng đỏ xa rồi tầm tay với Hơn bao giờ, thèm gọi tiếng “Mẹ ơi! ”
15 Tháng Tám 2013(Xem: 51582)
Chỉ một ngày vắng mẹ căn nhà đã quạnh quẽ buồn. Bàn tay mẹ là đôi đũa diệu kỳ biến ra cơm ngon canh ngọt, là ngọn gió mát lành ru giấc ngủ cho con… Vậy mà… Vũ Hạ mới ngần ấy tuổi đầu đã mất mẹ.
13 Tháng Tám 2013(Xem: 60652)
Với những phương tiện tân tiến nhất của thế kỷ thứ 21, một người con như ông Scott đã nói lời từ biệt người mẹ trong những giây phút cuối cùng trước khi hơi thở của bà tắt hẳn
13 Tháng Tám 2013(Xem: 86550)
Đôi khi bất chợt gặp lại, mùi hương nồng ấm của thứ dầu gió này có thể giúp ta dăm ba giây phút sống lại những kỷ niệm xa xưa, để tâm hồn dịu đi đôi chút giữa cuộc sống xô bồ.
10 Tháng Tám 2013(Xem: 33813)
Dấu tình giờ đã đi xa Đời trôi mây gió cũng là đời trôi Giờ ai có nhớ đến tôi ? Mà sao tôi mãi không thôi nhớ người
09 Tháng Tám 2013(Xem: 55966)
Kể từ hôm ấy, hạnh phúc do sự lắng nghe đem lại, đối với tôi, đã là một kinh nghiệm có thật trong đời rồi đó bạn ơi.
09 Tháng Tám 2013(Xem: 37468)
Những trang sầu hận của người Khiến cho…một kẻ bùi ngùi cảm thông Xin người thoải mái… phiêu bồng Cho thơ nhẹ cánh chín tầng trời cao…
09 Tháng Tám 2013(Xem: 34199)
Bán mảnh linh hồn cành liễu thắm Cho nguồn hạnh phúc suối đào tươi Trái tim nhỏ bé ta dành lại Tha thiết trao riêng chỉ một người
09 Tháng Tám 2013(Xem: 44467)
Và cứ thế, hàng năm rằm tháng bảy Me lo toan ngày ''Đại Lễ'' cúng dường Vu Lan về càng se sắt lòng con Mùa báo hiếu mà con không còn mẹ
03 Tháng Tám 2013(Xem: 67733)
Tựa Đề : HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải. Ca Sĩ: Duy Thiên
02 Tháng Tám 2013(Xem: 85443)
Từ tình cảm nầy tôi tự nguyện vững lòng tiến bước tiếp tục mang niềm vui cho mọi người suốt hơn 12 năm qua. Xin được cám ơn lòng bao dung tha thứ của Thầy Cô và đồng môn.
02 Tháng Tám 2013(Xem: 45373)
Có một lúc nào đó bạn nghĩ về các loại hoa và tự hỏi mình giống như loại hoa nào chưa? Mỗi người phụ nữ theo tôi có thể ví mình như hoa dù mình chỉ là một người bình thường.
31 Tháng Bảy 2013(Xem: 58161)
Theo triết lý của bài thơ thì sinh và tử chỉ là một trò chơi đuổi bắt. Chia tay hôm nay nhưng sẽ gặp lại ngày mai. Gặp lại trong những dạng khác nhau của cuộc sống
27 Tháng Bảy 2013(Xem: 19483)
Vẽ lại dùm tôi và bình tâm cân nhắc Ngồi lại với nhau, hòa nhã chuyện cơ đồ. Đừng tranh chấp đôi co Mà xóa đi vết đỏ trên bản đồ nước Việt.
24 Tháng Bảy 2013(Xem: 40463)
Mưa Adelaide có bao giờ thấm đất! Chỉ đủ làm ướt tóc gái Hội An Nhớ thì nhớ nhưng đừng tìm ai nhé Áo trắng xưa nay đã nhạt phai màu.
24 Tháng Bảy 2013(Xem: 37429)
ta bây giờ sáu mươi có lẻ bước đường đời xa lắc xa lơ tháng Bảy về, Hè bỗng ngu ngơ bạn thân hỡi, người còn có nhớ?
24 Tháng Bảy 2013(Xem: 36416)
Tôi cũng quên rồi một nỗi đau, Quên đi xuân đến, hạ qua mau, Quên đi lòng đã qua cơn bão, Tình đã trôi theo gió bốn mùa.
22 Tháng Bảy 2013(Xem: 87138)
Đó là cái đẹp của tình thương yêu. Luật tự nhiên của cái đẹp là sự truyền bá. Truyền bá tình thương yêu là ảnh đích của tinh thần Hướng Đạo.
20 Tháng Bảy 2013(Xem: 62048)
Đêm bây giờ dài vô tận, anh bảo thế. Đêm mùa đông ở đây còn dài nhiều hơn nữa. Khi nào trống trải hãy cố nhớ đến lời em nói
20 Tháng Bảy 2013(Xem: 28888)
Chiều ngày 3 tháng 7, khoảng 60 chs NQ từ nhiều tiểu bang của Mỹ cùng nhau dự họp mặt ở "ngôi nhà bồ tát" của chs NQ K8 Cao Thị Chung (và anh Huỳnh Kiệt)
19 Tháng Bảy 2013(Xem: 39102)
Giữ tình bằng những vần thơ Hâm tình trong những giấc mơ dịu dàng Mang tình về với suối vàng Hương tình bay tới thiên đàng ước mơ