Bạn Ơi Đừng “Chảnh” Nhé
Đây là bài số bảy trăm ba mươi hai (732) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ
Cách đây mấy ngày, người viết phải "thủ thỉ" với ông xã của tôi rằng:”Đã mấy tuần rồi, Nhóm Sinh Hoạt Người Việt Cao Niên có gọi điện thoại mời em đi sinh hoạt cho vui nhưng em không đi. Em sợ bị hiểu lầm rằng em "chảnh quá, mời hoài mà không chịu đi họp ", chứ họ đâu biết rằng em bận quá và vì em không muốn bỏ anh ở nhà một mình buồn hiu trong khi anh không muốn đi họp vì lý do sức khỏe không tốt. Cũng đành thôi!
Những năm gần đây có lẽ các bạn đã thường nghe dùng chữ “Chảnh” trong những câu đối thoại rồi nhỉ?
Thú thật, lúc đầu người viết cũng không hiểu “Chảnh” có ý nghĩa gì dù là cũng đã tốn công đi tra tự điển, nhưng tìm hoài không có chữ “Chảnh” trong bất cứ tự điển Việt nam nào cả! Buồn năm phút!
Dần dần khi xem qua những vỡ hài kịch, đọc những bài viết trên báo giấy hay trên internet, hoặc khi nói chuyện với bạn bè, người viết thỉnh thoảng nghe được những câu như sau:
- Cô đó “chảnh” quá!
- Mấy cô ca sĩ này “chảnh” quá! v.v.. và v.v...
Là người thích tìm hiểu sự việc cho rõ ngọn ngành để có tài liệu chia sẻ với bạn bè và quý độc giả cho nên tôi đã bỏ công chạy vào Google tìm cho ra định nghĩa Chảnh là gì?
Người viết chỉ tóm lược một vài định nghĩa mà đa số tìm được trong các diễn đàn của giới trẻ học sinh, sinh viên ở Việt nam vì từ Chảnh này phát xuất từ Việt Nam mấy năm gần đây mà thôi.
Xin mời bạn cùng chịu khó đọc với người viết về các tin tức này nhé.
“Theo nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dương, “chảnh” là một từ địa phương Nam bộ được giới trẻ sử dụng khá phổ biến trong những năm gần đây, có nghĩa là “lên mặt, làm cao, tỏ vẻ ta đây”.
Có lẽ vì xem đây là từ địa phương nên từ điển tiếng Việt do các nhà ngôn ngữ học hàn lâm của Viện Ngôn ngữ học biên soạn không có mục từ này. Như vậy, trong sắc thái ý nghĩa của từ “chảnh” có hàm ý chê bai thái độ phách lối, lên mặt.
(Nguồn: sưu tầm trên internet)
Đa số từ “chảnh” này được dùng cho phái nữ nhiều hơn là cho phái nam, cho tuổi trẻ hơn là cho tuổi già.
Hãy nghe quý vị tuổi trẻ Việt Nam bàn luận về “Chảnh” cho vui bạn nhé.
- "Trong những tính từ, thì Jojo ghét nhất là từ "chảnh". Chảnh do làm dáng, và chảnh do không biết mình chảnh" !!!?
- "Khi người ta có một ưu điểm gì đó nổi trội hơn người (ví dụ: đẹp, giàu, giỏi, tài năng...) thì tất yếu sẽ có sự chảnh.
Nhưng mà còn tùy cái hành động biểu hiện cho sự chảnh đó có quá đà không, có làm người khác khó chịu không. Chảnh quá thì bị nhiều người ghét và ít có bạn lắm. Hoặc cũng có thể người này không chảnh, nhưng vì nổi bật, hay ho hơn người nên bị để ý, rồi nhiều người ghen tỵ, cho người ta là chảnh."
- "Chảnh" - một tính từ luôn được gán cho những ai bạn ghét.
- “Chảnh là "lemon question" (từ thường gọi bằng tiếng Anh), trong từ điển tiếng việt
không có từ chảnh.”
- “Chảnh là quá cao, chỉ chơi với những người hỏi giỏi hơn mình không chơi với những người kém cỏi (nếu bạn là người học giỏi), chỉ chơi với những người xinh đẹp nếu bạn là người xinh đẹp, chỉ chơi với người tài năng nếu bạn là người tài năng, nói chung là không hòa đồng...đại loại là như thế phức tạp lắm.”
- "Chảnh là người đó đưa cái mặt sốc để nói chuyện với mình, hỏi mà không trả lời. Girl chảnh nhiều hơn boy"
- "Những người ganh tị với người khác về một mặt nào đó mà có tâm địa xấu xa thì cho rằng người nào hơn mình là người đó...chảnh. Còn người "chảnh thật sự" thì luôn tự đắc, coi trời bằng vung, nghĩ mình là cái "rốn" của vũ trụ, chẳng xem ai ra gì"
“Teen thường không công bằng, chỉ xét đoán, rồi nói rằng ai đó chảnh qua cảm tính, và những teen bị nói là chảnh thì cảm thấy buồn, không biết tại sao bị gán cho điều đó, thế rồi mặc nhiên, chỉ vài hành động, cử chỉ vô ý, họ cũng nghiễm nhiên bị cho là "kênh kiệu".
( Nguồn: www.tin24.com Mực Tím- Teen)
Theo thiển nghĩ của người viết thì từ “Chảnh” cũng chỉ là một “tiếng lóng” trong ngôn ngữ học Việt Nam như từ “sức mấy”, “bỏ đi tám”, “còn khuya” thời xưa chúng ta thường dùng.
Mỗi thời có một lô “tiếng lóng” mới làm giàu cho văn chương đối thoại và làm cuộc đời thêm vui mà thôi.
Hiện tại ở Việt Nam có nhiều từ mới như “tám”, “xưa quá đi Diễm”, “trên cả tuyệt vời”, “biết chết liền” mà nhiều khi “bị” nghe hay “được” đọc những từ này, người viết cũng ngẩn ngơ không hiểu gì cả.
Như vậy thì có thể tạm hiểu Chảnh là “kênh kiệu, khó ưa” và đó là một tính xấu thì chúng ta không nên biểu hiện tính xấu này khi giao tiếp với người khác trong xã hội, trong cộng đồng, bạn nhỉ?
Cũng từ chữ Chảnh này đã khiến cho người viết nhớ đến mẫu chuyện Thiền hay hay dưới đây có liên quan ít nhiều đến tính kênh kiệu, khó ưa này. Xin mời quý bạn cùng đọc với người viết nhé.
Danh Thiếp
Keichu [Hề Trọng Phần Đạo: Keichu Bundo (J), 1824-1905, Lâm Tế tông Nhật - LND], Một Đại thiền sư thời Minh Trị, trụ trì đại tự viện Tofuku (Đức Phong tự - LND) ở Kyoto.
Một ngày nọ, thống đốc của Kyoto đến thăm ngài lần đầu.
Viên thị giả đưa vào tấm danh thiếp ghi: Kitagaki, Thống đốc Kyoto.
"Ta chẳng có việc gì quan hệ với ông này," Keichu nói với thị giả. "Bảo ông ta về đi."
Viên thị giả mang tấm thiếp trở ra với lời cáo lỗi.
"Đấy là lỗi tại tôi," ông thống đốc nói và lấy bút xóa đi mấy chữ Thống đốc Kyoto. "Xin thưa lại với đại sư lần nữa."
"Ồ! Kitagaki đấy à?" thiền sư thốt lên khi nhìn thấy tấm danh thiếp. "Ta muốn gặp ông
ấy."
(Nguồn: Trích trong 101 truyện Thiền do Trần Trúc Lâm chuyển dịch)
Qua câu chuyện, chúng ta thấy rằng lúc đầu thống đốc của Kyoto là người rất “chảnh” vì đã tỏ ra kênh kiệu, dùng danh thiếp quan tước để gặp mặt một vị thiền sư.
Vị đại sư đã không chịu tiếp Kitagawa, tên của vị thống đốc là vì muốn dạy cho ông thống đốc này bài học về sự khiêm tốn.
Điểm chính của câu chuyện này là phản ứng khiêm tốn, yêu học hỏi của Thống đốc
Kitagaki.
Khi ông không còn làm”chảnh” nữa thì lại được thiền sư vui mừng, chấp thuận cho được gặp mặt.
Như vậy tùy theo trường hợp, bạn không nên “chảnh” nhé vì như thế sẽ bất lợi cho bạn đấy.
Khi đọc những tài liệu về từ Chảnh nêu trên, người viết tâm đắc nhất là lời góp ý dưới đây:
Sự ganh ghét và tính vị kỷ này nhiều khi gây tai hại cho mình, cho người, cho cộng đồng không ít. Xin mời quý bạn thưởng thức mẫu chuyện Thiền ngắn ngắn dưới đây:
Đầu và Đuôi Rắn
Tánh Vị Kỷ Là Nguồn Gốc Của Lòng Ganh Ghét
Trong Khi Lòng Ganh Ghét Nuôi Dưỡng Tánh Vị Kỷ
Một hôm cái đầu và đuôi con rắn cãi nhau về vấn đề ai sẽ đóng vai trò dẫn đạo.
Đuôi nói với đầu rắn: “Bạn luôn luôn hướng dẫn tôi như vậy không tốt. Đôi lúc bạn nên để tôi hướng dẫn bạn”.
Đầu rắn trả lời: “Không có chuyện đó, vì theo luật tự nhiên, tôi phải đóng vai trò lãnh đạo. Bạn không thể thay tôi được”.
Cuộc gây gổ kéo dài nhiều ngày sau đó cho đến một hôm vì quá tức giận, đuôi rắn quấn chặt vào một thân cây. Đầu rắn không thể bò đi được và quyết định để mặc cho cái đuôi nhúc nhích theo đường hướng riêng của nó. Nhưng bất hạnh thay vì cái đuôi không thể thấy biết nó phải bò đi đâu, nên con rắn rơi vào hầm lửa và bị chết cháy.
Một số người không bao giờ thỏa mãn với những tài sản của mình đã có và ganh ghét với những kẻ giàu sang hơn họ.
Những kẻ có ý tưởng ganh tị cảm thấy không hạnh phúc với mọi điều họ đang có. Ngay cả trước mặt mọi người họ hoạt động thành công, nhưng họ vẫn không bằng lòng và cảm thấy buồn khổ vì nghĩ rằng nhiều người khác làm việc có kết quả hơn họ.
Vậy muốn được lợi ích họ nên hướng ý tưởng của họ vào nội tâm và suy tính đến những phước đức gì họ đã thực hiện được hơn là tạo ra những ý nghĩ tị hiềm.
(Nguồn: Trích dịch tác phẩm “How To Live Without Fear & Worry”
(Làm Sao Sống Không Sợ Hãi và Lo Âu? của HT Thích Trí Chơn)
Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 732-ORTB 1163-100924)