Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - NHỮNG LAO ĐAO TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG ĐỜI

09 Tháng Tám 20195:51 SA(Xem: 15565)
GS. Lê Quý Thể - NHỮNG LAO ĐAO TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG ĐỜI


Những lao đao trên
bước đường đời

suy tư 1

Từ một cậu bé ngây ngô trong một làng hẻo lánh đến một ông gìa vẫn còn ham vui, tôi đã bước một quãng đời quá dài với không biết bao nhiêu lần vấp ngã. Những vấp ngã nầy là những lao đao trên bước đường đời.

Trang bị cho mình một số kiến thức căn bản tôi đã mạnh dạn bước chân vào đời ở tuổi 23. Với sự hăng say làm việc của tuổi trẻ tôi đã hiến dâng tất cả sức lực của mình cho nghề nghiệp. Trước mắt tôi là lớp học với những thanh thiếu niên mà tôi có nhiệm vụ phải dạy dỗ và hướng dẫn. Tôi không chú ý đến ai và cũng không bỏ rơi ai. Ngoài lớp học tôi xem học trò của mình là những người em rất gần gũi, như một người anh tôi hướng dẫn và vui chơi với đàn em. Sau ba năm trong nghề tôi là một thanh niên 26 tuổi không có bạn gái, vẫn hăng say làm việc không  ngưng nghỉ. Cứ như thế tôi vững vàng bước vào niên học thứ tư.

Rồi một hôm anh bạn đồng nghiệp ở chung nhà nói là trong lớp đệ nhất A của tôi có một cô học sinh anh muốn làm quen. Anh biết rất rõ cô học sinh là một cô gái miền Tây theo gia đình người anh mới thuyên chuyển đến tỉnh. Anh sẽ dẫn tôi đến nhà cô và nhờ tôi giới thiệu anh. Lúc đến nhà, cô học trò ra chào. Tôi không biết có tiếng sét ái tình hay không vì từ lúc đó tôi quên hẳn anh bạn đồng nghiệp và quên hẳn việc anh nhờ tôi. Tôi chỉ nói về tôi và xin phép người anh của cô học trò cho tôi được làm quen với em của anh. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ đó và bắt đầu như thế đó.

Tôi vẫn hăng say làm việc, nhưng trước mắt tôi lớp học không còn là một nhóm thanh thiếu niên nữa mà lớp học chỉ có một cô gái xinh xắn luôn luôn nhìn tôi một cách trìu mến. Tôi gỉảng bài, tôi kể chuyện vui, tôi nói về gia đình tôi như tôi nói với riêng cô. Tôi sống trong hạnh phúc của tình yêu và mong muốn thời gian cứ thế kéo dài mãi mãi.

Nhưng ngày vui chóng qua, cuối niên học đó tôi và bốn giáo sư khác bị đuổi ra khỏi tỉnh, vâng chúng tôi bị đuổi ra khỏi tỉnh. Bao nhiêu nhiệt tình, hăng say làm việc của chúng tôi đã không được đền đáp mà chỉ gây ra không biết bao nhiêu sự ganh tỵ nhỏ nhen của nhiều người đồng nghiệp khác. Chuyện bắt nguồn từ ông hiệu trưởng phải nhập ngũ, hai giáo sư khác quyết liệt tranh giành chức hiệu trưởng. Một anh khôn ngoan hơn biết xử sự ở đời nên được chức hiệu trưởng. Tôi và một anh giáo sư dạy giờ ở chung nhà với anh thua nên thuộc phe thua. Anh dạy giờ bị sa thải và phải nhập ngũ. Hận đời anh tình nguyện đi lính biệt kích. Nhưng đời binh nghiệp của anh không được bao lâu, sau thời gian dài huấn luyện anh được thả xuống vùng Hạ Lào, anh bước được ba bước thì mìn nổ.... Tôi từ một giáo sư trường tỉnh bị đày về một trường quận, một trường quận hẻo lánh, đường đi lại quá khó khăn, hầu như sáng nào đường cũng bị đắp mô vả hai ba tháng thì cầu trên đường đi bị giật sập. Lúc nầy tôi chới với và đã có ý định bỏ nghề dạy học hay ít ra bỏ nghề dạy học trường công nhưng rồi nghĩ đến những em nhỏ học sinh chờ thầy, tôi đã lấy hết can đảm mỗi tuần lặn lội về trường quận.

Tôi và người yêu tôi phải sống xa nhau. Cô về miền Tây để tiếp tục học đại học. Lúc nầy tôi hầu như mất cả niềm tin, bao nhiêu sự chán chường ở đời không biết bày tỏ cùng ai. Rồi sự nghi ngờ trộn lẫn với tự ái ngông cuồng của tuổi trẻ, chính tôi  đã phá vở hạnh phúc của cả hai chúng tôi. Khi mất người yêu rồi tôi mới thấy một hố sâu trước mặt mà không ai có thể đắp bằng được. Tôi đã phải trả giá cho sự ngông cuồng đó trong hơn nửa đời tôi.

Không biết đời tôi và đời anh giáo sư dạy giờ có gì khác không nếu không có một ông y tá làm đổng lý văn phòng bộ Giáo dục mà không biết gì về giáo dục ngoài việc biết ăn hối lộ. Năm sau có sự thay đổi nhân sự ở Bộ Giáo Dục và tình trạng của chúng tôi được xét lại. Tôi được chọn nơi mình muốn, đó là lý do tôi được thuyên chuyển về Biên Hòa.

Những vấp ngã lần đầu trên đường đời và đường tình đã ghi đậm nét trong trí óc của tôi nhưng tôi đã cố dấu kín tận đáy lòng. Những hăng say làm việc của tuổi trẻ đã quay trở lại, tôi làm việc không ngưng nghỉ, dạy học cả ngày lẫn đêm, cộng thêm những sinh hoạt học đường vào những ngày thứ bảy và chú nhật. Có lúc hơi rảnh rỗi thì rượu chè, cờ bạc với các bạn đồng nghiệp để trí óc không có thì giờ nhớ đến những đau khổ vừa qua.

Vì cuộc đời đưa đẩy tôi lại phải nhận một nhiệm vụ rộng lớn hơn là phụ trách thanh niên, thể thao và sinh hoạt học đường cho thanh niên và học sinh cả toàn tỉnh Biên Hòa. Từ tháng 9 năm 1974 đến những ngày cuối cùng tôi đã hoàn thành quá nhiều trách nhiệm được giao phó và tạo nhiều cơ hội để các em học sinh toàn tỉnh được gặp gỡ nhau, cùng thi đua và vui chơi với nhau. Nhưng rồi đời một lần nữa đã bắt tôi phải trả giá quá đắt cho những hăng say làm việc của mình. Trước hết tôi phải mất hai tháng lương gọi là quà cáp trả ơn, một hình thức trả ơn bắt buộc. Tôi rất ghét chuyện nầy, chuyện hối lộ để được chức vụ và tôi ghét tôi hơn vì tôi đã không đủ quyết tâm từ bỏ tất cả để quay về làm một giáo sư bình thường như trước. Tôi lại phải chịu thêm sáu tháng giam cầm dưới hình thức học tập cải tạo và sau đó trở thành một người thất nghiệp. Tôi bị bắt buộc phải bỏ nghề giáo, một nghề mình ưa thích và đã tận tụy trong mười ba năm qua.

Tôi đã được cải tạo và trở thành một người vô sản. Bao nhiêu tiền dành dụm trong mười ba năm làm việc khổ cực đã tan biến theo công khố phiếu của chính phủ trước. Tôi phải bán xe hơi, bán xe vespa, bán áo quần và bán cả sách vở để có tiền mà tìm những thú vui cho quên sự đời.

Chị Năm tôi là người tôi xem như mẹ vì tôi ở với chị từ lúc tôi lên bốn lên năm. Chị tôi khuyến khích và giúp đỡ phương tiện để tôi tìm cách ra nước ngoài. Tôi đã thành công sau bảy lần tìm đường vượt biên. Tôi đến trại tỵ nạn Pulau Bidon ngoài khơi Mã Lai chiều ngày 5 tháng giêng năm 1980. Hôm sau lên phỏng vấn tôi được phái đoàn Mỹ nhận theo diện quân nhân công chức 3B. Nhưng đời tôi vẫn lao đao, chín tháng sau phái đoàn Mỹ phỏng vấn lại lần thứ hai trước khi đi định cư thì họ lại từ chối tôi vì lý do tôi đã không xin nước nào khác ngoài nước Mỹ. Tại sao tôi phải xin nước khác khi Mỹ đã nhận tôi, tôi đi ra mà không một lời năn nỉ. Tuần sau phái đoàn Canada đến, họ chỉ nhìn hồ sơ mà nhận tôi. Đó là lý do tại sao tôi đi định cư ở Canada.

Lao đao trên bước đường đời vẫn lẽo đẽo theo tôi. Tại trại chuyển tiếp ở Kuala Lumpur tôi sống rất thoải mái và chờ ngày đi định cư. Trước khi đi, hội Lưỡi Liềm Mã Lai phụ trách khám sức khỏe. Họ nói hình phổi của tôi có nhiều vết nám đen, họ kết luận tôi bị lao phổi tuy tôi không thấy một triệu chứng nào khác lạ. Theo những người hiểu biết thì tôi chắc phải ở lại trại chuyển tiếp để trị bịnh. Trị bịnh lao bao lâu thì lành, tôi không dám nghĩ đến. Nhưng rất may nước Canada vì lòng nhân đạo đã thay đổi chính sách cho ưu tiên những người bị bịnh đi trước để kịp thời qua Canada trị bịnh.  

Tháng 11 năm 1980 với hai bàn tay trắng không một đồng xu dính túi tôi bước vào trại chuyển tiếp ở Montréal, Canada. Hôm sau tôi được khám sức khỏe tổng quát và bác sĩ Canada kết luận tôi tuy ở tuổi 41 nhưng sức khỏe của tôi hoàn toàn tốt như một thanh niên vào tuổi hai mươi, không bác sĩ nào nói tôi bị bịnh nầy hay bị bịnh kia....

Trong một đời người ai ai cũng có lúc phạm những lỗi lầm làm mình hối hận và cũng có khi thực hiện vài điều làm mình cảm thấy hãnh diện. Tôi cũng vậy.

Hầu như mọi người đàn ông ở tuổi trưởng thành đều lập gia đình, lấy vợ sanh con và suốt đời làm việc chuyên cần để nuôi vợ nuôi con và lúc về già nhìn đàn con đàn cháu mà cảm thấy đời mình có ý nghĩa hơn. Tôi là một người đàn ông khỏe mạnh nhưng đã không thực hiện được điều tất yếu đó. Đời tôi đã phạm nhiều lỗi lầm làm tôi hối hận nhưng đây là một lỗi lầm tôi hối hận nhất đời. Không có gì buồn hơn là nỗi buồn của một kẻ tuyệt tự.

Là một cựu học sinh của hai trường nổi tiếng Pétrus Ký Saigòn và Quốc Học Huế, tôi có thể tự hào về đường học vấn của mình, nhưng tôi đã hoàn thành  một chuyện khác làm tôi thấy hãnh diện hơn nhiều. Nếu coi sinh mạng con người là quý thì việc đưa được 31 người đến trại tỵ nạn an toàn với một thời gian kỹ lục bốn ngày ba đêm phải là một điều đáng hãnh diện nhất. Tuy chưa ra biển lần nào nhưng qua sự học hỏi từ sách vở và từ sự chỉ dẫn của những người bạn hải quân tôi đã nắm vững được đường đi nước bước. Nói thế nhưng tôi không bao giờ dám nhận làm hoa tiêu đưa đường. Nhưng cuộc đời đưa đẩy trên ghe nhỏ ngoài đám đàn bà và trẻ con có hai anh tài công chưa ra biển lần nào, một anh trung úy bộ binh không biết được đâu là đảo Phú Quốc, đâu là đảo Côn Sơn, một anh hạ sĩ bộ binh là người tổ chức cũng hoàn toàn mù tịt và tôi, một anh giáo chỉ biết lý thuyết. Ghe vừa ra khỏi cửa sông, anh tổ chức đưa tôi cái la bàn và bảo tôi chỉ đường. Tôi hỏi anh trung úy hải quân làm hoa tiêu chỉ đường anh nói đâu, anh tổ chức không trả lời và quay đi.  Ra giữa biển cả mênh mông đầy sóng gió mới thấy sinh mạng 31 người trên ghe quá mong manh, chỉ cần một lổi lầm nhỏ cũng đủ chôn vùi mọi người trong biển nước mà không ai biết đến. Rất may mọi người đều sống sót. Thật là “Thánh Nhân Đãi Kẻ Khù Khờ”.

Tôi phải tự nhận rằng đời tôi có hậu. Đời không dồn tôi tới bước đường cùng, tôi luôn luôn tự phấn đấu với bản thân và cuộc đời để mọi trắc trở cuối cùng đều được giải tỏa. An ủi nhất của tuổi già là tôi đã gặp lại người tôi yêu. Tuy mỗi người đi mỗi đường nhưng sau gần năm mươi năm xa cách chúng tôi lại tìm đến nhau, mọi nghi ngờ đều được làm sáng tỏ, mọi lỗi lầm đều được tha thứ. Quan trọng thay và hạnh phúc thay là tuy sống xa nhau nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn nhớ đến nhau. Thật là “Thánh Nhân Thương Kẻ Dại Khờ”.

Lê Quý Thể

 

 

 

21 Tháng Ba 2014(Xem: 64292)
Lúc đó tôi chỉ cầu xin thượng đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quãng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian này với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình .
20 Tháng Ba 2014(Xem: 38746)
Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta,
14 Tháng Ba 2014(Xem: 64305)
Từ cái nôi trung học Ngô Quyền, các học sinh bé bỏng ngày nào nay đã lớn khôn, bung ra tứ tán theo sinh hoạt của dòng đời. Nhất là sau khúc quanh lịch sử 30 tháng 4, 1975,...
14 Tháng Ba 2014(Xem: 72618)
Những kỷ niệm thân thương đó nằm ngủ yên trong tâm tư gần 40 năm, đã dấy lại trong tôi vào những ngày thầy Phạm Đức Bảo từ bên Tây Đức qua thăm Hoa Kỳ và được các cựu học sinh Ngô Quyền tiếp đón
09 Tháng Ba 2014(Xem: 17305)
Vẫn thương và nhớ Muội với biết bao kỷ niệm đẹp của chúng ta từ hơn 40 năm qua cùng với bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống sau năm 1975, … Bây giờ Muội đã nhẹ nhàng rồi phải không??
08 Tháng Ba 2014(Xem: 9377)
Tôi chỉ làm một công việc là khơi dậy khả năng trời cho trong mỗi em học sinh... Thật sự tôi không hảnh diện về những gì mình đã thực hiện được mà buồn vì mình không làm được gì nhiều hơn cho các em học sinh.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 73998)
Kính tặng thầy Bùi Quang Huy Nhân bàn chuyện Kỷ Yếu Ngô Quyền, cùng các bạn lớp Ðệ Tam B3 (1966-1967) nhắc nhớ lại chuyện người thầy Cổ Văn độc đáo của lớp mình.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 29956)
Nay đã gần 40 năm trôi qua, thầy trò đều lưu lạc mỗi người một phương trời. Đám tiểu quỉ của tôi hẳn đầu đã hai thứ tóc, và có người có lẽ đã thành ông nội, ông ngoại không chừng. Liệu trong số này, có ông nào còn nhớ chuyện cũ đó không?
28 Tháng Hai 2014(Xem: 64377)
Tất cả đã đem đến cho tôi những tình cảm thân thiết, mà tôi không tìm được ở bất cứ trường nào. Những tình cảm ấy sau đó đã giúp tôi quên đi cảm giác khó chịu lúc ban đầu
27 Tháng Hai 2014(Xem: 7708)
Tốt nghiệp ĐHSP Toán Lý năm 1970, Thầy Nguyễn Văn Có nhận nhiệm sở đầu tiên tại trường trung học Thủ Đức – Sài Gòn. Năm 1972, Thầy xin thuyên chuyển về trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 18779)
Từ 1969 đến 1975, trong thời gian 6 năm phục vụ ở Biên Hòa của tôi dù ở cương vị thầy giáo hay quân nhân, tôi cũng có nhiều kỷ niệm không thể quên được.
22 Tháng Hai 2014(Xem: 29462)
Cũng cần nói ra đây là lần đầu tiên tôi gặp Thầy sau không biết bao lần hẹn găp từ khi khi Thầy còn khỏe. Cứ hẹn rồi chưa gặp, hẹn rồi chưa đến... cho tới khi Thầy bệnh.
14 Tháng Hai 2014(Xem: 6145)
vì Thầy lên Công Thanh nhận chức Hiệu Trưởng trường Trung học ở đây. Từ đó về sau tôi không gặp Thầy, nhưng vẫn luôn nhớ lối ” nhấn nhá” trong lời giảng của Thầy qua thơ văn và nhớ nhất chiếc vespa màu xám của Thầy.
12 Tháng Hai 2014(Xem: 21198)
Tôi vẫn có mơ ước như Đại Tướng Carnot, trở về trường xưa, vào lại lớp học cũ, để kính cẩn nghe thầy giảng dạy như ngày còn bé. Cái mơ ước tầm thường, nhưng vượt quá tầm tay của một con người trong cái thời gian và không gian.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 37447)
Là một người khách không mời trong đêm từ giã năm 2013, tôi đã cùng thầy Phạm Gia Hưng từ Virgina, và hai đàn anh Lữ Công Tâm, Ma Thành Tâm cùng count down đón mừng năm 2104 tại nhà thầy Mai Kiến Phúc.