Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - THẦY CÔ GIÁO CŨ VỚI HỌC TRÒ XƯA

27 Tháng Mười Một 201511:24 CH(Xem: 31599)
Diệp Hoàng Mai - THẦY CÔ GIÁO CŨ VỚI HỌC TRÒ XƯA

TRUNG HỌC NGÔ QUYỀN – BIÊN HÒA
                         THẦY CÔ GIÁO CŨ VỚI HỌC TRÒ XƯA


Hơn nửa thế kỷ đã trôi nhanh, tuổi đời thầy và trò trung học Ngô Quyền Biên Hòa xưa ngày càng cũ kỷ. Thế nhưng ân tình Thầy – Trò trường tôi ngày càng bền bĩ, càng đậm đà hơn không hề phụ thuộc độ dài bất tận của thời gian. Bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, tâm hồn những học trò xưa NQBH luôn trân trọng và tri ân thầy cô giáo cũ. Để rồi hằng năm, nhóm học trò xưa lớp12B3 (NK 1975 – 1975) của chúng tôi, thường rủ nhau thăm lại thầy cô giáo cũ trường mình.

Tháng mười một năm nay, vẫn theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” có tự ngàn đời, nhóm học trò xưa lớp 12B3 trường Ngô năm nào, đã mời thầy cô giáo cũ của mình sum họp ở hai thành phố Sài Gòn và Biên Hòa. Với mong ước nhỏ nhoi, Thầy Xưa của chúng ta sẽ có dịp hàn huyên cùng đồng nghiệp cũ. Và những Trò Xưa, cùng lúc được gặp gỡ và chúc sức khỏe thầy cô giáo cũ của mình…
Ngày Nhà Giáo năm nay, có sự trùng hợp khá tình cờ nhưng vô cùng thú vị. Khi nhóm học trò xưa lớp 12B3 của tôi, được nhiều đàn anh đàn chị ở nước ngoài về thăm quê cùng gia nhập nhóm. Đó là các anh chị: Đỗ Trung Quân (K.1), một tay  viết quen thuộc và nổi tiếng của Biên Hòa; Anh Võ Hải Vương (K.6) – em trai của anh Võ Hải Triều, nguyên là Xã trưởng Bình Trước  – một xã nằm ngay trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa hồi năm nẵm; Anh Ma Thanh Tâm (K.5) và phu nhân là chị Lan Anh, cựu nữ sinh trung học Gia Long (Sài Gòn); Anh Ma Thanh Xuân (K.10) cùng phu nhân Phạm Xuân Phượng (K.12) … hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ; Chị Đỗ Thanh Thủy (K.7)  – con của bác Đỗ Hữu Quờn – về từ nước Bỉ.

Và đặc biệt hơn, nhóm học trò xưa chúng tôi còn vui mừng với sự hiện hiện của cô Ma Thị Ngọc Huệ – phu nhân cố GS. Nguyễn Phong Cảnh, là GS. hướng dẫn lớp 12B3 của chúng tôi – đã cùng đi thăm thầy cô giáo cũ, với cả hai tư cách: Cô vừa là cựu học sinh K7, vừa là cựu giáo sư trung học NQBH. 


  • Thăm Thầy Hiệu TrưởngTrường Xưa

thay bao_1(thay bao_1)

Cô Hoàng Thị Diệm Phương – bút danh Hoàng Hương Trang – chúc sức khỏe thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, bằng bài hát “ Nét chữ Thầy Cô” do chính cô sáng tác. Sắp vượt qua “ biên độ” tuổi U.8, nhưng tiếng hát cô Phương vẫn còn ngân vang trong gian phòng khách nhà thầy Bảo:

“ Nét chữ thân quen thầy viết bảng, Là bao cánh cửa mở sáng tương lai …

Mai sau, em đi vào đời. Mai sau, em xa trường rồi. Mai sau, em về muôn nẻo. Lòng em vẫn nhớ, nhớ hoài….”

Tiếng hát của cô Diệm Phương, như thay tiếng lòng của tất cả anh chị em tôi. Dù đã xa trường trên dưới năm mươi năm, và cho dù anh chị em tôi lưu lạc muôn nơi, nhưng tình xưa của học tròđ ối với thầy cô giáo cũ vẫn hoài tri ân trân trọng.

Nhận ra cô Ma Thị Ngọc Huệ, thầy Phạm Đức Bảo nhắc nhở từng thầy cô giáo mà thầy đã gặp gỡ trên đất Mỹ, và nhờ cô Ngọc Huệ giúp thầy:

Cô ở bên Mỹ mới về phải không? Cho tôi gửi lời thăm các thầy cô giáo trường mình nhé! Nhớ chuyển lời tôi hỏi thăm cô Đặng Thị Trí, cô Trí “ Ốc tiêu” nhé!..

Chín mươi sáu tuổi, nhưng thầy Bảo vẫn còn nhớ hai học trò “cự phách” của trường – hay phá phách? – là anh Ma Thanh Tâm và anh Võ Hải Vương. Thầy cũng còn nhớ rất rõ về bác Mã Phiếu – ba của anh Ma Thành Tâm – và anh Võ Hải Triều, anh trai của học trò cũ Võ Hải Vương. Thầy hiệu trưởng vui vẻ đón nhận chân tình của những học trò: Là hoa và qùa của anh Tâm và anh Vương dành tặng riêng thầy. Và quà tặng của nhóm học trò xưa, cùng bức tranh gỗ của lớp 12B3 – gồm những hình ảnh của những học trò tuy đã già … khằn – nhưng vẫn thường xuyên ghé thăm và quấn quít quanh thầy …

Xin bấm vào hình để xem slide show
(set hình thăm thầy hiệu trưởng)

 

  • Thăm Thầy Xưa ở Sài Gòn:

blank(suoi da_1)

 

Trước khi thăm thầy hiệu trưởng, chúng tôi mời thầy cô giáo cũ của ngôi trường xưa hội ngộ tại café Suối Đá (Sài Gòn), vào sáng Thứ Bảy 21/11/2015. Nhóm học trò xưa trân trọng đón tiếp quý Thầy Cô: Đinh Thị Hòa, Phạm Kiều Tiên, Hoàng Thị Diệm Phương, Đoàn Viết Biên, Trần Đình Tri, Trần Thái Hùng, Trịnh Hồng Hải, Nguyễn Kim Linh, Lâm Tấn Văn, Đinh Hữu Quyến …  Học trò xưa vô cùng xúc động, bởi số tuổi Thầy Cô giáo cũ của chúng tôi đã U8 & U9 cả rồi. Và học trò của Thầy cô, bây giờ cũng đã “xếp hàng”  U6 & U7. “Trẻ” nhất nhóm chỉ có tôi và Châu Nữ Hiền, thì hai chị em cũng đã cận kề độ tuổi sáu mươi …

Ngoài nhóm học trò “xưa thiệt xưa” ở Hoa Kỳ và nhóm bạn 12B3 của tôi, học trò ở Biên Hòa về Sài Gòn thăm thầy cô giáo cũ, còn có các anh chị: Dương Thúy Phượng , con gái của thầy Tổng giám thị Dương Hòa Huân; Chị Hà Thu Thủy, làm thơ nổi tiếng từ lúc còn là học trò trường Ngô đến tận bây giờ; Chị Phạm Kim Sơn và chị Nguyễn Thị Xuân Trang, những người chị K.8 tôi từng gặp gỡ trong những lần họp lớp của đàn chị đàn anh. Ở Sài Gòn có anh Vũ Ngọc Giao (K.7), chị Trần Thị Bích (K.5) và em Châu Nữ Hiền (K.14) cũng nhiệt tình “nhập nhóm”  trò xưa.

Hai đàn anh thân thiết với nhóm café 12B3 chúng tôi ở Sài Gòn, là KTS. Khương Văn Mười và KTS. Nguyễn Văn Tất.  Nhưng tháng mười một năm nay, hai anh đành vắng mặt do bận việc. Đây là hai học trò rất giỏi của trung học NQBH, nay đã thành danh hiện đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.

Giới thiệu thầy Nguyễn Kim Linh, thầy Trịnh Hồng Hải nhắc các học trò:

-       Này này, cái bằng Tú Tài ngày xưa của các anh chị đều có chữ ký thầy Linh cả đấy!..

Mọi người cùng cười, bởi thầy Nguyễn Kim Linh từng được điều động từ trường NQBH về Nha Khảo Thí (Bộ Giáo Dục). Và thầy Linh cũng từng làm Giám đốc “cái” Nha phụ trách việc thi cử dành cho các cô Tú, cậu Tú ngày xưa.

Ngay buổi tối ngày 21/11/2015, thầy Nguyễn Thế Văn sẽ bay sang Mỹ thăm con, nhưng thầy vẫn hứa đến với học trò xưa vào buổi sáng. Tôi gọi điện cho thầy Văn, thầy hẹn 9 giờ sẽ đến. Nhưng 10 giờ hơn, thầy trò tôi đành tạm biệt và cùng trực chỉ đến nhà thầy hiệu trưởng. Thầy cô và học trò rất mong gặp lại thầy Nguyễn Thế Văn, nhưng có lẽ thầy còn bận rộn chuẩn bị cho chuyến bay, nên thầy không kịp đến vui với học trò và đồng nghiệp cũ …

Thầy Trần Thái Hùng vừa thăm con và cháu nội từ nước Mỹ trở về. Nhờ thầy Hùng mà tôi có được thông tin về Thầy giáo – Nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt, tác gỉa nhạc phẩm “Đường Chiều” nối tiếng, cũng là cựu giáo sư trung học NQBH. Thời gian gặp gỡ tuy ngắn ngủi, nhưng thầy Hùng cũng dành cho tôi những ý kiến về các bài viết trên trang nhà. Tôi lắng nghe lời thầy giáo dạy Toán năm xưa, và trân trọng những quan tâm thầy dành cho học trò năm cũ. Cô Phạm Kiều Tiên cũng vậy, cô sẵn lòng cung cấp cho tôi những thông tin liên quan đến Trường Xưa – Thầy Xưa, mà thuở ấu thơ tôi chưa từng được biết.

Con gái của Thầy Đoàn Viết Biên đưa cha đến điểm hẹn, và  ngay tức khắc Thầy Trần Đình Tri  “giành phần” đưa Thầy Biên về, để con của thầy Biên không phải đợi chờ đón cha về nữa.

Cô Hoàng Thị Diệm Phương làm quà cho học trò quyển “Tuyển tập Hoàng Hương Trang”, tập họp khá nhiều sáng tác Thơ – Văn – Nhạc – Họa do chính cô giáo cũ trường tôi sáng tác.

Cô Đinh Thị Hòa, đã nhẹ nhàng chia sẻ với học trò:

-       Có dịp gặp lại Thầy Xưa – Trò Xưa như thế này thầy cô hạnh phúc lắm! Lúc này, cô như được sống lại thời tuổi trẻ … Thời thầy cô còn đứng trên bục giảng, với phấn trắng bảng đen, và với học trò cũ của thầy cô …

 

Xin bấm vào hình để xem slide show
(set hình Thăm Thầy cô ở Sài Gòn)

 

  • Thầy Cô giáo cũ ở Biên Hòa:

blank(coi nguon_36)

 

Sáng  Chủ Nhật 22/11/2015 tôi đến café Cội Nguồn (Biên Hòa) khá sớm, để tiếp đón Thầy Cô giáo cũ ở Biên Hòa. Tôi chọn nơi đây làm điểm hẹn, bởi chủ quán Cội Nguồn cũng là chs. NQBH khóa 14 – cũng là cựu hướng đạo sinh chung đơn vị cũ với tôi – em Hà Duy Thiện. 
Cô Phạm Kiêm Loan đến với học trò xưa sớm những ba mươi phút, bởi ngay sau đó cô phải dự đại hội cựu Giáo chức thành phố Biên Hòa. Học trò xưa chưa kịp tặng quà và chúc mừng sức khỏe của cô, cô Loan đã tặng quà cho học trò trước:
-       Cô nghe tin em bệnh, nhưng cô không biết nhà để ghé thăm em. Cô gửi em chút quà, mong sức khỏe của em sớm hồi phục như xưa…
Nhận quà của cô, tôi “ đứng hình” không nói nên lời. Tôi quá xúc động, với ân tình của cô giáo cũ dành cho trò nhỏ năm nào. Cô ơi! Em cũng hằng mong cô luôn khỏe mạnh, để học trò xưa còn được nhiều lần thăm viếng và gặp gỡ cô giáo trường xưa. Cô Loan tạm biệt sớm, để kịp giờ dự đại hội cựu giáo chức. Dù chưa kịp gặp lại, nhưng những trò xưa các lớp khác, vẫn tận tình hỏi han tôi về cô giáo Phạm Kiêm Loan “ngày xa xưa ấy” của mình…

Anh Trần Văn An từng là chs.NQBH K.2 – và là thầy giáo dạy Toán các lớp đàn em của tôi – vô cùng hạnh phúc khi gặp lại thầy cô giáo cũ. Cùng với các cựu học sinh Ngô Quyền: Đỗ Trung Quân (K.1); Ma Thanh Tâm, Đỗ Thiện Tâm, Nguyễn Văn Chương (K.5); Võ Hải Vương (K.6); Đỗ Thanh Thủy, Phan Thị Kim Hồng, Ma Thị Ngọc Huệ, Trần Minh Tâm (K.7); Hà Thu Thủy, Nguyễn Thị Xuân Trang (K.8); Ma Thanh Xuân, Nguyễn Văn Đạo (K.10); Trần Ngọc Ánh, Trần Ngọc Sơn (K.11); Phạm Xuân Phượng, Nguyễn Thị Cẩm Huỳnh, Đoàn Chấn Hưng (K.12); Đinh Thị Kim Hoa, Diệp Hoàng Mai (K.13)… Anh nồng nhiệt đón tiếp, thăm hỏi và chúc mừng thầy cô giáo cũ của chúng tôi: Thầy Nguyễn Ngọc Ẩn, cô Đào Thị Nga, cô Khương Thị Bàn, thầy Nguyễn Xuân Kỳ, cô Nguyễn Thị Kim Quy

Thầy Nguyễn Viết Long không đến được, vì có kế hoạch thăm viếng mẹ già đã gần trăm tuổi. Thầy Nguyễn Minh Lý, thầy Ngô Văn Sơn, thầy Nguyễn Văn Có, cô Võ Thu Thủy, cô Nguyễn Thị Luông … đã có lịch hẹn với bác sĩ, hoặc vì lý do sức khỏe nên “ hẹn lại lần khác” với học trò xưa…

Xin bấm vào hình để xem slide show
 
(set hình Thăm Thầy cô ở Biên Hòa)

 

Hạnh phúc cho anh chị em tôi, là cùng lúc được thăm lại nhiều thầy cô giáo cũ.  Câu chuyện xưa và nay của Thầy – Trò chúng tôi những lần gặp gỡ thế này, bao giờ cũng sôi nổi và dòn như pháo, trong không khí hết sức hồn nhiên và ăm ắp chân tình… Kính chúc thầy cô giáo cũ trung học NQBH nhiều sức khỏe, để học trò xưa còn nhiều lần khác nữa được thăm viếng thầy cô…

Diệp Hoàng Mai

Tháng 11/2015

 

13 Tháng Sáu 2015(Xem: 18398)
Đưa Thầy Quýnh trở về như một người thân, Thầy Trò cùng lưu luyến vẩy tay thay lời từ biệt, ánh mắt nụ nười dường như che mát cho một ngày hè.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 10278)
Dẫu biết “ Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là qui luật của muôn đời, nhưng tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi mỗi khi nhìn hình xưa tự hỏi “ Thầy tôi ngày ấy, bây giờ ra sao?.
30 Tháng Năm 2015(Xem: 23607)
từ đây thầy sẽ có được nhiều tin tức của người bạn vong niên và sẽ không còn băn khoăn trăn trở “Không biết thầy Hảo giờ này ra sao?”
15 Tháng Ba 2015(Xem: 19967)
Ngày mùng bốn Tết, tôi ghé thăm thầy hiệu trưởng. Nhóm bạn “Bê Ba” của tôi người bận người bệnh, nên tôi mặc nhiên trở thành “đại diện nhóm” đến mừng tuổi thầy.
07 Tháng Ba 2015(Xem: 21148)
Tôi đưa đôi “bạn thân xưa” của thầy Lê Quí Thể đến điểm hẹn, vừa kịp lúc bên sông Sài Gòn nhạt phai màu nắng. Gió từ lòng sông chưa làm rối nổi mái tóc ngắn của tôi, nhưng cũng đủ làm không gian quán ven sông dịu mát.
27 Tháng Hai 2015(Xem: 19567)
Luận đề của "Đoạn Trường Tân Thanh" hiển nhiên là thuyết "tài mệnh tương đố"", gọi nôm na là "hồng nhan bạc mệnh".
05 Tháng Hai 2015(Xem: 27306)
Tôi hằng mong ước mong “ kho tư liệu trường xưa” này ngày càng phong phú hơn, đong đầy hơn với muôn vàn “ kỷ niệm học trò” do các cựu học sinh NgôQuyền Biên Hòa cùng chung tay vun vén …
12 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 16892)
Dò tìm trong danh sách Ban giáo sư trung học Ngô Quyền Biên Hòa ( 1956 – 1975), tôi được biết thầy Dương Hồng Duyệt từng là giáo sư môn Toán và Nhạc trường tôi từ năm 1961 đến 1965.
04 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 23406)
Dù rất mong thầy cô chúng tôi có nhiều cơ hội gặp nhau, nhưng xem ra việc đi lại của thầy cô – dù cư ngụ cùng thành phố – vẫn là điều không đơn giản.
30 Tháng Mười Một 2014(Xem: 20866)
... cám ơn mái trường Ngô Quyền Biên Hoà đã thu nhận tôi, cám ơn thầy Lê Quý Thể đã đưa tôi về, thầy Phạm Đức Bảo cùng các thầy cô đã dạy dỗ tôi nên người hôm nay,
29 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12399)
Tôi điện thoại mời quí thầy cô: Đinh Thị Hòa, Nguyễn Thế Văn, Nguyễn Kim Linh, Đinh Hữu Quyến, Trần Thái Hùng, Trần Đình Tri, Lâm Tấn Văn và Trịnh Hồng Hải … cùng điểm tâm và café sáng Thứ Bảy với học trò.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12988)
Vẫn những câu chuyện cũ kỹ về ngôi trường Ngô Quyền Biên Hòa yêu dấu xa xưa, nhưng sao thầy trò tôi nhắc hoài không chán. Tuổi chín mươi lăm, nhưng thầy Phạm Đức Bảo nói về trường xưa, cứ y như thầy đang lật từng chương sách cũ đọc từng trang.
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 69121)
Thầy giáo cũng là con người, nhiệm vụ là truyền thụ kiến thức, nếu có những khuyết điểm xin mọi người thông cảm bỏ qua. Ở hoàng hôn của cuộc đời, sống lại với kỷ niệm cũ là những giây phút hạnh phúc nhất còn lại .
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 48600)
Kỷ niệm tuổi học trò là một trong những điều yêu dấu đó. Mong rằng các bằng hữu của tôi, dù bây giờ đang sống ở đâu, dù bây giờ vẫn còn mang những niềm tin khác biệt, sẽ còn một vài giây phút nào đó, chợt nhớ ra rằng “Ngày xưa, ta cùng học ở Ngô Quyền…”
25 Tháng Mười 2014(Xem: 10901)
Dường như tuổi càng cao, sức càng yếu thì tình yêu trường cũ trò xưa lại càng thấm đẫm mãnh liệt trong trái tim thầy hiệu trưởng.