Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - VUI BUỒN VỚI BAN BIÊN TẬP ONLINE

28 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 11359)
Nguyễn Trần Diệu Hương - VUI BUỒN VỚI BAN BIÊN TẬP ONLINE


Vui buồn với Ban Biên Tập Online

 

dieu_huong-content

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

Thời còn là học trò Ngô Quyền, mỗi năm Khối Báo chí của trường đều phát hành một quyển báo xuân vào dịp Tết. Hơn ai hết, học trò lớp sáu, lớp bảy thường có "một thuở mơ làm văn sĩ” bắt đầu từ những bài viết cho báo trường nhà. Chưa có kinh nghiệm sống, chưa biết người biết ta, chúng tôi cặm cụi "sáng tác", viết văn làm thơ, rồi trịnh trọng mang bỏ vào thùng thơ nhận bài viết cho báo Xuân đặt ở một góc thư viện. Thời đó chưa có computer, mọi sáng tác đều viết tay, trên trang giấy đôi xé ra từ giữa quyển vở học trò có những dòng kẻ ô vuông quen thuộc. Thường thì chúng tôi phải xé cả chục tờ giấy đôi quẳng vào thùng rác trước khi hoàn thành được một “tác phẩm” gửi đến khối báo chí của trường.

Sau nhiều suy nghĩ, nhiều lần ngửa mặt nhìn trời xanh ban ngày, hay trời có trăng sao ban đêm để lấy cảm hứng, những “sáng tác” được viết ra. Tác giả còn ngây thơ cứ tưởng đã có công viết ra là thế nào cũng được đăng trên báo Xuân của trường. Đến ngày báo phát hành, chúng tôi là những người mua báo xuân đầu tiên, lật từ trang đầu đến trang cuối, rồi từ trang cuối đến trang đầu của quyển báo để hy vọng tìm thấy “sáng tác” cuả mình được đăng. Nhưng chẳng bao giờ tìm thấy, vì tuổi nhỏ, tài hèn sức mọn, chưa có ý tưởng rõ ràng, văn cũng vụng dại như người. Vậy mà những cô học trò nhỏ “mơ làm văn sĩ” cũng buồn cả một buổi học.

Lớn lên,“trăng đến rằm trăng tròn”, khôn hơn, nhiều kinh nghiệm sống hơn, viết văn dễ dàng hơn, nhất là vào những ngày mùa thu, sương mù gần như che kín cả nhân gian, lái xe khó khăn hơn, nhưng sáng tác dễ dàng hơn, chữ nghĩa trong đầu chừng như được khai thông, chảy cuồn cuộn từ đầu vào những ngón tay trên keyboard của computer, thông suốt hơn một thời tuổi nhỏ vẫn mơ ước có một bài văn được đăng báo.

Tôi đến với trường nhà qua lãnh vực báo chí bắt đầu từ Kỷ yếu NQ 2004, muộn màng hơn đến với một vài tờ báo Việt ngữ khác ở Mỹ. Rồi như một cái "nợ không vay mỉm cười xin cố trả" (như đàn anh Nguyễn Thy Ân đã viết thành thơ), từ bao giờ không nhớ, tôi bị cuốn hút vào việc làm báo online với các đàn anh đàn chị Ngô Quyền, đặc biệt là chị Võ Thị Ngọc Dung, đương kim Tổng Thư Ký của Hội chs NQ. Hai chị em ở hai đầu của tiểu bang California, khoảng cách gần bằng Hà Nội và Saigòn, nhưng cùng mê "viết lách lăng nhăng" nên được các đàn anh hướng dẫn và trao "trọng trách" làm báo online, phụ trách biên tập trang nhà NQ.

Lúc đầu, trang web còn sơ sài, chưa được nhiều người biết đến, chúng tôi phải post những bài cũ đã đăng trên các Đặc san Ngô Quyền những năm 2003, 2004 và 2006. Lâu lâu để có bài mới, BBT phải chịu khó “bao sân”, thức khuya dậy sớm, động não, gõ keyboard. Dần dần, “tiếng lành đồn xa”, các nhân tài Ngô Quyền về mọi lãnh vực: văn, thơ, nhạc, hội họa… từ khắp nơi trên thế giới lần lượt gửi bài về làm web mỗi lúc thêm khởi sắc. Thêm vào đó, “nghề dạy nghề”, “càng làm càng dẻo càng dai”, càng có kinh nghiệm, web nhà ngày một tiến bộ về cả nội dung lẫn hình thức. Đến lúc này, BBT phải trả lời Email gửi về từ khắp nơi trên thế giới với đủ mọi yêu cầu. Email không có tên người gửi rõ ràng , nhiều lúc BBT như lạc vào “mê hồn trận” vì không biết đó là Thầy, Cô, Anh hay Chị? Thế là có những trách móc xảy ra vì BBT đã “đoán” sai người gửi E mail là ai, dùng lời lẽ không thích hợp trong thư trả lời. Đó là một trong những “tai nạn nghề nghiệp” của chuyện làm báo online.

Có một thoáng buồn như vậy nhưng cũng có nhiều niềm vui, nên BBT mới có nghị lực miệt mài thức khuya dậy sớm làm báo online. Trong đó, niềm vui lớn nhất là có được tình bạn thời Trung học. Lần này không chỉ giới hạn trong khung cửa lớp như hơn 30 năm trước mà còn có bạn bè là chs NQ nhiều thế hệ đã ngồi ghế NQ trong 20 năm đầu tiên kề từ khi trường thành lập vào năm 1956. Nhờ NQ online mà bạn bè "thấy lại dung nhan xưa" dù mỗi người ở một góc địa cầu. Nhờ trang web NQ mà các đàn anh, đàn chị biết mặt đàn em vẫn còn đang ở "một cõi đi về" khi mình đã đĩnh đạc là học sinh Trung học. Tình thân NQ được nối lại bền chặt, thân quen như đã biết nhau "từ muôn kiếp trước". Để cảm nhận được điều này, tất cả chs NQ nên cùng "vác ngà voi" với BBT để tìm lại được tình bạn quý hiếm cùa thời mới lớn.

Những cái E mail nhỏ nhoi, nối kết được các chs NQ ở xa nhau cả một đại dương, nhiều khi đem lại nụ cười vô tư mở đầu một ngày mới vẫn còn phải miệt mài theo nợ áo cơm.

Chẳng hạn sáng ngày Noel, vẫn giữ thói quen dậy sớm đi tập thể dục mỗi sáng mặc dù là ngày lễ, gym đóng cửa, tôi ngồi vào bàn viết, gõ E mail nhắc nhở những cây bút, cây đàn, cây cọ... chuẩn bị bài cho "Tác Phẩm NQ 2011”. Vì là thư gởi ra đúng ngày lễ Giáng sinh nên cuối E mail có đùa:

- "Quà Noel của em đâu?"

Vài giây sau, E mail của đàn anh Ngô Càn Chiếu ờ Pháp trả lời chỉ vỏn vẹn một chữ "!" kích thích trí tò mò của đàn em ở Mỹ. Thế là đàn em gác lại mọi chuyện đang làm,"mở quà" của anh Chiếu, thì đó là link đến bài hát "Ly cà phê buổi sáng" đã có hơn 2000 người nghe chỉ sau chưa đầy 3 tháng được post lên web. Chỉ có vậy nhưng cũng đem đến nụ cười hồn nhiên của thời đi học và tự dưng thấy ấm lòng như vừa uống một ly cà phê Starbucks nóng pha sữa low fat giữa thời tiết lạnh giá của mùa đông ở Bắc Mỹ.

Hay được nghe "lời tự thú" rất chân tình qua E mail của đàn anh Nguyễn Mạnh Dũng ở Việt Nam, một họa sĩ đã đóng góp rất nhiều tranh cho báo Ngô Quyền:

"Ai còn lưu luyến thuở học trò thì người ấy có đến hai lần kỷ niệm tuổi thơ! Tội gì không tham phải không Diệu Hương?

Nhận lời với Luân và em chẳng qua là do... lòng tham của mình đó em ạ!"

Đúng là một loại lòng tham rất hiền hòa, dễ thương mà người tham lam kiểu này không bao giờ phải sám hối với Phật hay xưng tội với Chúa.

 

Các đàn anh khóa 7 vẫn được "kính nhi viễn chi" một cách đặc biệt không phải chỉ vì lúc chúng tôi còn ở Tiểu học, các đàn anh đã thênh thang trong giảng đường Đại học ở quê nhà hay quê người, đã "nếm mật nằm gai", hoặc đã nằm xuống cho sự an bình của nhiều người trong đó có chúng tôi; mà còn là vì các đàn anh khóa 7 là bạn của thầy dạy Toán, Diệp Cẩm Thu. (Xin được “thành thật khai báo” đàn anh, đàn chị dẫu chỉ là bạn của Thầy, Cô vẫn được “ưu đãi” hơn các chs NQ lớp lớn khác). Trong số đó, đàn anh Nguyễn Ngọc Xuân từ Việt Nam đã giúp đỡ tích cực trong việc tìm kiếm tư liệu cho web nhà, đã giúp BBT thấy ấm lòng hơn qua những thư nhà gói được cả một góc quê hương đến người đọc ở năm châu bốn biển. Một dạo, anh Xuân vẫn gửi những chuyện cười ý nhị vừa để BBT thấy “may mà có các anh (chị) đời vẫn còn dễ thương”, vừa để đóng góp vào mục giải trí cuối tuần trên web nhà. Có lần anh Xuân còn làm thơ gởi tặng BBT cả một chữ “Tâm” làm đàn em bỗng nhớ đến lời dạy của cụ Nguyễn Du “Chữ tâm còn một chút này.”

 

Từ Châu Âu, đàn anh khóa 8 Trần Hữu Phúc ở Đức luôn tạo điều kiện cho BBT làm việc với hiệu quả cao nhất cho web nhà bằng các software gõ tiếng Việt đơn giản và dễ dàng nhất. Lâu lâu anh Phúc còn chịu khó gọi điện thoại xuyên đại dương, dù giờ giấc khác nhau, để yểm trợ tinh thần đàn em mỗi khi thấy “quân ta đang hao mòn nhuệ khí.” Cũng nhờ có ông anh “Chief Editor” của BBT mà chúng tôi biết link “Gõ tiếng Việt online” để có thể tự bỏ dấu tiếng Việt bất cứ ở đâu miễn là kết nối được với internet. Nhờ vậy anh cựu Trưởng khối Học tập Trương Đức Hoàng (nk 72-73) ở tận bên Úc đỡ bị BBT gõ cửa làm phiền anh tiếp tay bỏ dấu. Làm báo online nên “toà soạn” có thể làm ở tất cả mọi nơi, mọi lúc (chẳng hạn những dòng này đang được viết qua keyboard của laptop trên một chuyến bay xuyên đại dương dài 12 tiếng trên đường về thăm mẹ ở quê nhà.)

Hình như người Úc gốc Việt vốn tận tình với việc “vác ngà voi” nên anh Hoàng còn “volunteer” cả người bạn đồng môn NQ và Đại Học Khoa học, chị Phạm Thị Hạnh vừa cầm bút, vừa cầm cọ, “mở hàng” cho phần hội họa của web nhà vốn đồng không nhà trống từ lâu vì các hoạ sĩ Ngô Quyền còn “mai danh ẩn tích”, chưa chịu “xuống núi hành hiệp giúp…web nhà”. Cũng là người sinh hoạt tích cực trên website cuả Hội Cựu Sinh Viên Khoa Học Saigòn (trước 1975) nên chị Hạnh thông cảm cảnh “làm dâu trăm họ” của BBT, thường xuyên viết E mail yểm trợ tinh thần bạn bè và đàn em. Xin cảm ơn “cô Bắc kỳ nho nhỏ” cuả xứ Kangaroo.

 

Ở bên xứ hoa Tulip của trời Âu, cựu Trưởng khối Báo chí (nk 73-74) Phạm Kim Luân (cũng là cháu nội của vị Thầy quá cố dạy Pháp văn đầu tiên ở Ngô Quyền, Thầy Phạm Văn Tiếng), đã cố vấn người viết bài này từ bài viết vụng dại, non nớt đầu tiên của năm lớp sáu. Mãi đến bây giờ anh Luân vẫn tiếp tục góp ý cho chúng tôi trong việc “viết lách lăng nhăng”. Ý kiến của một đàn anh đã dày dạn kinh nghiệm trong việc làm báo luôn luôn được chúng tôi trân trọng lắng nghe. Cũng là họa sĩ của Ngô Quyền xưa, anh Luân đã mời gọi thêm đồng môn kiêm đồng nghiệp Nguyễn Mạnh Dũng góp “hoa tay” vào báo trường nhà, mặc dù hai người bạn cùng lớp ngày xưa đang ở hai phía của địa cầu. Mới E mail qua lại vài lần, BBT đã “đánh hơi” thấy hoạ sĩ còn có năng khiếu viết văn và rất nặng lòng với trường xưa, với thời làm học trò Ngô Quyền. Chúng tôi tin chắc phần hội hoạ của web nhà sẽ mỗi ngày một phong phú hơn nhờ sự cộng tác cuả chs Ngô Quyền khoá 13 Nguyễn Mạnh Dũng.

Có được sự kết hợp ở khắp nơi trên thế giới và của nhiều chs Ngô Quyền khoá 1 đến khóa 17 cùng góp tay vào thế giới ảo của trường xưa phải kể đến công đầu của anh Tô Anh Tuấn, Tổng Thư ký đầu tiên của Hội chs Ngô Quyền. Khi trường chưa có website, “tòa soạn báo giấy” những năm 2003, 2004, và 2006 vẫn đặt ở nhà anh chị Tuấn Hiền, hai đàn anh, đàn chị NQ trong số nhiều chs NQ bỏ rất nhiều công sức cho việc thành lập Hội chs NQ nói chung và việc làm báo nói riêng. Chỉ hai năm gần đây, sức khỏe không còn như thời “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, anh Tuấn chuyển gánh nặng qua vai chs NQ khóa 11, Võ Thị Ngọc Dung, đương kim Tổng Thư ký. Thấy chị Dung thức khuya dậy sớm, đàn anh Trần Ngọc Danh và tôi đưa tay “nâng ngà voi” phụ nhưng computer system chưa compatible, lại ở xa webmaster (chs NQ Phạm Luyến) nên chúng tôi chỉ “làm báo part time”, nhưng “ còn hơn không” phải không chị Dung?

Rất thầm lặng, và luôn nghe chị Dung "hát " câu "Đừng bỏ ... "tao" một mình", chị Nguyễn Thị Minh Thủy vẫn là "cô cò" cần mẫn edit các dấu hỏi ngã của tiếng Việt. Đặc biệt hơn hết, đã một thời "một duyên hai nợ âu đành phận" với thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên , chị Thủy là nguồn cung cấp hầu hết các thi phẩm của nhà thơ quá cố trên thư quán Nguyễn Tất Nhiên của web nhà.

 

Các anh chị cả, khoá 1, lâu nay vẫn thầm lặng theo dõi, thấy em út nhiều khi cũng được việc nên lâu lâu cũng gửi E mail ở khắp nơi từ Biên Hòa, Kentucky, Massachusetts, Illinois… yểm trợ “tinh thần chiến sĩ”. Những lá thư của các anh chị cả bao giờ cũng như những ly nước mía mát lạnh giữa mùa hè, giúp “quân Ngô Quyền vẫn tiến bước đều đặn”… trên trang nhà. Đặc biệt là anh chị Đào Văn Công, Trần Kim Lan thường gởi những tấm hình đầu tiên thời mới thành lập trường nhà năm 1956. Đồ cổ bao giờ cũng có giá trị, vì đôi khi cả người và cảnh trong hình đều đã về với hư không.

 

Ngoài ra, đàn anh khóa 6 Nguyễn Anh Tuấn vẫn sẵn sàng góp vào web nhà “kho ký ức” ngọt ngào, ấm áp tình bạn Ngô Quyền của anh không những chỉ ở một góc Biên Hòa yêu dấu ngày xưa, mà còn qua đến Tokyo của xứ sở Phù Tang hay California ở ven biển miền Tây Hoa Kỳ.

Quý Thầy Cô ở năm châu bốn biển theo dõi trang nhà cũng thấy vui vì học trò xưa dù tóc đã đổi màu nhưng tấm lòng với trường cũ vẫn còn nguyên như một thời áo trắng. Cho nên có lần Thầy Hoàng Phùng Võ đã trực tiếp khen ngợi một thành viên của BBT qua điện thoại:

“Website của trường nhà ngày càng khởi sắc, ngày càng hay hơn. Anh chị em cứ thế bảo nhau mà làm.”

Theo đúng lời Thầy, chị Tổng thư ký mỗi tối sau bổn phận đời thường, cặm cụi mở hộp thơ NQ trên không gian ảo, đọc thư góp ý, thư hỏi thăm lẫn thư phàn nàn. Đại loại như:

 - Sao lâu quá không thấy đăng bài của tui?

- Ủa sao bài của tui “tự dưng biến mất” trên trang nhà?

 

Kể lại bạn nghe, không phải để nhắc đi nhắc lại chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của người làm báo online mà để thỉnh thoảng bạn cùng góp tay vào vác ngà voi với BBT để web nhà phong phú hơn. Và để cùng nhận ra rằng trên không gian ảo chuyện được “tắm lại trên cùng một dòng sông” nhiều lần trong đời vẫn xảy ra hàng ngày ở www.ngo-quyen.org

 

Nguyễn Trần Diệu Hương 

Gần Tết quê nhà 1/2011

 

15 Tháng Tám 2013(Xem: 61109)
… Và tôi chợt nghĩ ra các bạn tôi rồi một hôm cũng sẽ chợt khám phá ra chiếc ghế dành cho tôi trong buổi hẹn bên ly rượu ở một nơi nào đó sẽ không có tôi…
18 Tháng Ba 2013(Xem: 147243)
Tác phẩm Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ, không chỉ là một bộ sưu tập của những kỷ niệm đã theo chân những lữ khách Ngô Quyền khắp chân trời góc bể...
17 Tháng Ba 2013(Xem: 99108)
Dù rằng bây giờ con dốc Kỷ niệm trên đường đến trường Ngô Quyền hoặc dốc Cây Chàm đã bị bào mòn, không còn cao như xưa, nhưng trong từng ngăn ký ức đời mình thì “những kỷ niệm một thời học sinh Ngô Quyền” đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất
17 Tháng Ba 2013(Xem: 55383)
Áo trắng xưa bây giờ sao gợi nhớ! Kỷ niệm êm, tình bạn lẫn tình yêu Áo trắng Trường Xưa, Thầy yêu kính Một góc trời thương nhớ bỗng trong ta.
17 Tháng Ba 2013(Xem: 80843)
Bạn bè tôi, người còn, người mất, kẻ ở lại, kẻ tha phương. Tôi vẫn ở đây, vẫn đi qua ngôi trường Ngô Quyền xưa cũ, giờ đã đổi mới hoàn toàn,
17 Tháng Ba 2013(Xem: 65234)
Xin các anh chị Khóa 13 miễn thứ cho tôi cái tội "phạm thượng" như kể trên của những ngày xưa thân ái... (không bao giờ có lại được nữa)!
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10341)
một bức thư nhà trọn niềm thương nhắn người viễn xứ sống tha hương gửi chút hương lòng cho mây gió góp lại tâm tình của bốn phương
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10650)
Anh từ xứ Huế đến Biên Hòa Chờ em tan học bước ngang qua Bài thơ anh gửi tình tha thiết Em giấu thương trong áo trắng tà
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13563)
Thật hạnh phúc cho những đứa học trò trường Ngô năm nào, khi có dịp gặp lại thầy cô giáo một đời vất vả vì những thế hệ học sinh thân yêu…
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13537)
Nếu ai hỏi tôi khoảng thời gian nào đẹp nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: khoảng thời gian cắp sách đến trường. Đó là những năm hạnh phúc nhất. Tuổi học trò thật vô tư, thật yêu đời và thật ngổ ngáo dễ thương.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 12129)
Xin chút nắng tưới hồn hoang cỏ úa Ký ức xanh trong trái tim hồng Nghìn sau nữa, giữa cuộc đời dâu bể Nước xa nguồn vẫn đổ về sông.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 11881)
xe chạy ngang Trường Ngô Quyền, tôi nhìn bâng quơ không chút ý niệm gì, tôi củng không bao giờ nghĩ đến ngày mình phải vào học ở ngôi trường to lớn và xa lạ kia.
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10531)
Thế là phải đành nhìn ngôi trường thân thương của thời đi học trở thành những đống gạch ngổn ngang, còn chăng chỉ là ký ức về bảy năm sách-đèn-hoa-mộng với những ngày xanh cùng biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò…
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10366)
Áo trắng giờ đã xa Trường Ngô Quyền Biên Hòa Nhớ mãi màu phượng đỏ Ký ức tháng ngày qua
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 9470)
Sống nơi quê mẹ thuở lọt lòng Biên Hòa xứ bưởi, cạnh dòng sông Quê hương, hình ảnh còn ghi khắc Tiếng sáo vi vu, trẻ mục đồng