Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NỖI NHỚ

23 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 9525)
Nguyễn Thị Thêm - NỖI NHỚ

Nỗi Nhớ


74__noinhonguyen_thi_them3-content

 

 

Sáng nay trời Cali buồn rười rượi, mưa giăng kín mọi nơi. Những hạt mưa bay vương trên cành cây ngoài sidewalk. Gió đưa mây mù phủ lên mọi cảnh vật. Chìm đắm trong mưa những hoa mùa xuân vừa hé nhụy run rẩy, van xin. Cái lạnh theo gió về, làm mấy đóa lan ẻo lả ngoài vườn rưng rức khóc. Từng đám học sinh đi học, lấp xấp chạy dưới mưa, vội vàng, vội vàng.

Tôi đứng trong nhà nhìn ra, bâng khuâng cảm xúc, nhón hai gót chân làm một động tác thể dục, hít sâu, thở ra, hít sâu, thở ra nhẹ nhàng. Hơn 60 tuổi, cái già không đợi ai ầm ập đến. Thoạt đầu đến bằng nhức hai đầu gối, rồi đau thắt lưng, rồi bên lề của cao máu, tiểu đường, cao mỡ. Tôi mỉm cười nhớ lại câu nói của bà Bác Sĩ người da màu, “Bà nên cẩn thận, đừng ăn uống bừa bãi, nhiều đường, nhiều mỡ”. Vâng bây giờ cái gì cũng phải cẩn thận: đi đứng cẩn thận, ăn uống cẩn thận, cả cuộc đời cẩn thận, mà như một vòng xoay định mệnh, mọi việc vẫn đến, vẫn như một nghiệp dĩ bắt buộc,

Tôi sinh ra và lớn lên trong một đồn điền cao su thuộc tỉnh Biên Hòa. Thời tôi còn bé nơi đó thuộc quyền sở hữu của Pháp. Những dãy nhà công nhân do Pháp xây cất ngay hàng thẳng lối, cuối dẫy nhà là phông tên nước, chiều chiều công nhân đi làm về thì cả xóm ra lấy nước.Tiếng thùng leng keng va chạm nhau, xen lẫn tiếng nói tiếng cười râm ran đầu ngõ. Ngôi trường ở đầu làng, cách nhà chừng 100 mét, che khuất tầm nhìn bởi hàng rào Ấp Chiến Lược. Mỗi sáng tiếng kẻng vang lên báo cho công nhân cao su dậy nấu cơm đi làm, thì học trò cũng dậy sớm làm bài và học bài. Nhà nào cũng vang lên tiếng đọc bài của trẻ con. Dường như biến thành thông lệ, đứa nào mà còn ngủ nướng thì ba má cũng lôi dậy vì tiếng học bài các nhà bên đã ra rã vang lên. Học trò quê nhờ vậy đứa nào cũng học giỏi, nhất là mấy môn học thuộc lòng.

Thầy giáo của tôi mặc dù già nhưng rất phong độ. Ông nói tiếng Pháp như gió. Cứ mỗi tháng đều có quan học chánh Tây về kiểm tra. Ông Tây vào lớp chỉ đứa nào thì đứa đó đứng lên trả lời. Em nào trả lời sai thì y như rằng sau đó thầy bắt nằm dài xuống rồi đánh bằng roi mây. Thầy có một cây roi mây dài lắm, ở đầu là cái gốc, củ to bằng một nắm tay nhỏ. Trong lớp đứa nào nói chuyện, đang huyên thuyên thì nghe một tiếng cốc trên đầu, đau thấu trời xanh. Đó là thầy ở đàng sau, đang sử dụng Cốc công thần chưởng. Chỉ nhúng nhẹ ngọn roi mây từ xa, củ mây sẽ rót đúng vị trí trên đầu tên đang phạm tội.

Làm toán sai ư? Tay dơ ư? Được rồi, nhúm năm đầu ngón tay lại, thầy sẽ dùng một gốc củ mây khác to hơn, ngắn hơn gõ vào đó. Nước mắt rơi, từng hàng nước mắt học trò rơi. Nhưng thật lạ, không ai ghét thầy, chỉ sợ và kính thôi. Gặp thầy khoanh tay cúi đâu bằng tất cả tấm lòng kính mến.

Năm mươi mấy năm rồi, mỗi khi gặp một hình ảnh nào gợi nhớ thời đi học tôi đều nhớ Ông Thầy Giáo Già thời thơ ấu. Tôi rời cái Ấp nhỏ ra Quận học, ngày hai buổi đi về, đã chứng kiến bao cảnh não lòng. Cuộc sống bình yên của dân Đồn Điền Cao Su đã không còn. Ông Thầy cũng dọn cả gia đình đi xứ khác

Tôi được đỗ đầu kỳ thi tuyển Đệ Thất trường Trung Học Long Thành. Bốn năm học miệt mài tôi đều có học bổng. Ngôi trường thân yêu đã vun quén biết bao yêu thương của tình thầy trò, bằng hữu. Ngôi trường đã cho tôi những người bạn tuyệt vời. Những người bạn gái nhu hòa tha thướt áo dài, những cô giáo dịu dàng, đôn hậu, những bà mẹ hiền, những người vợ thủy chung, hiền thục. Những người bạn trai là những chiến sĩ can trường đấu tranh với súng đạn ngoài mặt trận. Họ là những sĩ quan, hạ sĩ quan anh dũng của Không quân, Hải quân và có mặt trong mọi binh chủng Quốc Gia. Họ cũng đã gian lao trong trại tù Cộng Sản trong biến cố đổi đời. Bây giờ họ đang cùng tôi hiên ngang đấu tranh với bệnh tật tuổi già đang không mời mà đến.

Trường THLT không có lớp Đệ Tam, nên sau kỳ thi Trung Học, học sinh phải lên học trường Tỉnh Biên Hòa. Ngày đi thi Trung học Đệ Nhất Cấp là một ngày khó quên trong cuộc đời cắp sách của tôi. Là ngày đầu tiên tôi và bạn bè biết trường Ngô Quyền, ngôi trường Tỉnh mơ ước của học trò trường Quận.

Trước ngày thi một hôm, Ba tôi chở ba đứa Thêm, Yến, Của lên gửi ở trọ nhà Bác Ba ở sau trường Ngô Quyền. Ba Má dặn dò ba nhỏ đủ điều, Ba dẫn đi coi trường, coi phòng rồi về. Bọn tôi lần đầu tiên xa nhà, lại hồi hộp vụ thi nên đứa nào cũng sợ. Nhà Yến bán tạp hoá, kẹo bánh, biết chắc sẽ lo ôn thi không ngủ được, nên hành trang mang theo là kẹo me, mứt me, bánh men và đủ thứ đồ ăn vặt con gái. Vậy là vừa học vừa ăn. Nửa đêm cả ba đều đau bụng. Thuở ấy xóm sau trường NQ còn đơn sơ, nhà cửa không khang trang và đầy đủ tiện nghi như bây giờ. Cả ba đứa xách đèn pin đi vòng theo con đường vòng vèo ra khu gò mả để giải quyết nhu cầu. Chó sủa vang xóm, sợ thì quá sợ nhưng đi cầu thì phải đi. Ngày vào phòng thi, cơn đau vẫn còn và ba cô nàng mặt mày xanh dờn, mắt sâu như hố bom. Kỳ thi đó Yến, Thêm đậu còn Của rớt, nhưng cả ba nhỏ đều được lên học Ngô Quyền. Tôi chọn học ban C, còn Yến ban B, Của ban A.

Lớp tôi là lớp Văn Chương nên chỉ có một lớp trên lầu. Nhóm con gái ban C đứa nào cũng điệu, cũng biết làm dáng, trang điểm và đôi đứa có bồ. Con trai ư? Anh nào cũng hào hoa phong nhã, văn nghệ , âm nhạc ra vẻ ta đây con nhà văn chương. Còn tôi, con gái nhà quê lên tỉnh học, lại nhà nghèo. Ba gửi trọ học ở nhà Bác Sáu Nga ở Ngã Ba Vườn Mít. Bác Sáu có hai cô con gái là Bạch Tuyết và Tuyết Thu học trường Trần Thượng Xuyên. Từ ngày rời trường, rồi biết bao nhiêu biến cố, hai người bạn thân này cũng không có tin tức. Có lần trở lại tìm thăm, nghe tin Bà Nội đã mất, còn gia đình đã dời đi chỗ khác, tôi đành ngậm ngùi ra về.

Ngày ấy học ban C phải học Triết học, Hán văn, Anh văn và Pháp văn còn mấy môn khác là môn phụ. Để theo kịp, tôi phải học thêm Pháp văn, nhưng nhà nghèo không có tiền đóng học phí, đành nhận thêm ít đồ Mỹ về giặt. Tôi chà quần áo lính lở cả hai bàn tay, rồi đến lúc hồ cho cứng, tôi cầm cái áo nặng trịch, to phùng phình treo lên muốn không nổi, nước mắt rưng rưng. Không xong, tôi chuyển qua ủi đồ. Quần áo phải hồ cho cứng nên ủi thẳng rồi xếp bỏ vào bọc ny long là cả vấn đề. Vậy mà tôi vẫn cố gắng để được học thêm. Tôi sợ nhất là những lần đi học đêm, về ngang qua những quán Bar. Mấy người lính Mỹ đen say rượu ngất ngưởng ngoài đường. Có hôm sợ quá chạy về rớt cả kẹp tóc.

noi_nho-large


Ngô Quyền đã cho tôi những kỷ niệm đẹp trong đời. Trần Thu Mai xinh đẹp, tomboy với quần jean áo thun hợp thời, Nguyễn thị Cậy rất hiền, chơn chất; Lê thị Thu Thủy sắc sảo, làm thơ rất hay; Lưu Phú Nhường lịch lãm, vui vẻ và nhiều, nhiều bạn khác mà thời gian đã xóa mất trong ký ức đã bắt đầu lão hóa của tôi. Có một lần gần cuối năm trường tổ chức văn nghệ, ban Văn Nghệ lớp đang sôi nổi tập dượt, một nam sinh đang tập bài Thương Hoài Ngàn Năm thì thầy hướng dẫn bước vào. Thầy nhìn bản nhạc trên bàn, rồi vụt tay tát thẳng vào mặt bạn nam sinh, nói trong uất hận: “Một năm cũng không chờ nói gì ngàn năm.” Cả lớp như nín thở, trố mắt nhìn. Thầy bỏ đi lên văn phòng, đôi mắt thầy như muốn khóc. Hôm sau thầy xin lỗi cả lớp. Có lẽ cuộc tình của thầy đau thương lắm đã làm thầy một phút không kềm chế được lòng mình. Thầy Mongomerry dạy tiếng Anh ngoài giờ. Thầy đẹp trai, rất hiền và chịu khó. Nhờ thầy với những bài học tiếng Anh đúng giọng, đã giúp cho nhiều bạn thành công khi vào quân ngũ, cũng như làm việc cho phái đoàn Mỹ sau này. Tôi nhớ cô Giám Thị Giàu rất khó tánh thuở ấy. Học sinh nữ mặc áo dài phải mặc áo lót ngoài cái áo ngực, không được mang guốc cao gót mất đế nhựa tới trường. Cô nhìn chầm chầm, kiểm tra từng đứa đi qua, đôi mắt cô nghiêm khắc quét qua một lượt nữ sinh. Cám ơn cô. Bây giờ nghĩ lại nếu cô không nghiêm khắc thì tuổi mới lớn ham chơi, ham điệu chắc sẽ không học hành ra gì.

Thuở ấy đi học còn ham vui đâu có để ý gì với chiến sự và chính trị. Con gái thường chơi chảnh và bất chấp mọi thứ. Bác Đỗ Cao Lụa ứng cử, cả nhóm vẽ hình rồi chọc phá bạn Đ.C.Thông. Tuy nhiên lại ngấm ngầm về nhà vận động cho bác Lụa. Tuổi học trò thật dễ thương và phá phách cũng thật đáng ghét.

Sau kỳ thi Tú Tài 1, tôi rời trường Ngô Quyền để vào học Trưng Vương vì trường không có lớp ban C Đệ Nhất. Ngày chia tay bạn bè thật không biết phải nói sao. Thời buổi chiến tranh, thi rớt Tú Tài có nghĩa là vào quân ngũ, đối diện với sống chết. Con gái đã đủ tuổi để bước vào cuộc đời mới với bao may rủi. Có lần học Sư Phạm đã gặp Nhường trong bộ đồ Hải quân. Lại nghe tin Thu Thủy đã mất. Vì một phút không tự chế, chồng Thủy đã bắn Thủy, hai con và quay súng tự sát. Nghe tin một đám tang với bốn quan tài tôi sửng sờ không tin đó là sự thật. Thương Thủy quá đỗi.

Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, biết bao vật đổi sao dời. Tôi đã rời ngôi trường tỉnh lỵ thân yêu để bước vào đời với bao nghịch cảnh. Ngôi trường trong tâm khảm tôi vẫn đẹp như xưa. Thầy Hiệu Trưởng Bảo đã già lắm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ dáng Thầy uy nghi mỗi lần có việc tập trung cả trường để nói chuyện. Tôi nhớ ngày tôi về lại miền Nam sau mấy năm phải ở miền Trung làm lao động Hợp tác xã, người công an khu vực bảo tôi kê khai lý lịch. Đã làm nhiều lần vì mình dạy học là Ngụy quyền nên tôi cứ theo bản mẫu mà viết. Hôm sau lại mời lên bảo viết lại. Viết lại… Viết lại… Vài ngày lại mời lên bảo viết lại. Hết kiên nhẫn tôi nói: “Bây giờ anh nói thiệt đi, anh muốn tui viết cái gì vô đây? Tui từ nhỏ đi học, lớn lên đi dạy, tui không có làm gì tội lỗi. Anh nghi ngờ điều gì?” Người công an khá quen bìết gãi đầu nói thiệt: “Tại chị ghi trong lý lịch là học trường Ngô Quyền.” Tôi nói: “Thì học Ngô Quyền có sao đâu. Học sinh quận Long Thành thì phải lên Ngô Quyền học. Chứ nhà tui nghèo, tiền đâu mà lên Sài Gòn học trường tư.”Anh ta lại ấp úng: “Nhưng Chi Bộ Đảng nói Ông Phạm Đức Bảo Hiệu Trưởng trường Ngô Quyền là CIA, bảo phải điều tra chị.” Tôi nhìn anh ta thương hại: “Thú thiệt với anh, học sinh quèn như tui mà gặp được thầy Hiệu Trưởng là có chuyện lớn, là phạm kỷ luật nặng hay bị đuổi học. Tui sợ gặp Ổng lắm. Cả mấy năm học tui chưa từng bị mời lên gặp Ổng lần nào. Ổng làm CIA hay không làm sao tui biết mà anh điều tra.” Thưa thầy, đó là sự thật, Ngô Quyền gắn liền với cuộc đời con như vậy đó?

Ngô Quyền trong tôi có một cái gì vừa thân thiết vừa xa vời. Tôi như thấy mình bé nhỏ trong cái to lớn, hoành tráng của nó. Như một bông hoa đơn sơ bên vườn hoa rực rỡ nhiều màu sắc, cái lớp Ban C nhỏ nhoi của tôi có còn ai nhớ đến không? Bạn bè tôi có về đấy mỗi năm không? Tôi ngại ngần do dự mỗi năm họp mặt. Tôi yêu ngôi trường mà sao tôi vẫn ngần ngại về thăm. Nỗi nhớ như đợt sóng tràn về, ấm áp thân thương. Ngô Quyền ơi! Mãi mãi tôi vẫn là tên lính nhỏ trong đoàn quân vĩ đại năm nào.

Trời dứt mưa, một chút nắng vừa lên. Mặt trời len giữa đám mây xám rót tia nắng tươi vui xuống chan hòa trên mọi vật. Tôi hít sâu vào lòng ngực không khí tươi mát buổi sáng. Tôi vào nhà bếp, chuẩn bị bữa ăn sáng cho chồng. Có tiếng nói giọng còn ngái ngủ vọng ra: “Bà nó ơi! Hình như trời hôm nay nắng, mình đi bộ một vòng nghe bà.” Tôi mỉm cười vu vơ. Buổi sáng, trời Cali nắng đã lên rồi.

 

 Nguyễn thị Thêm

 (Ngô Quyền khóa 6)

23 Tháng Giêng 2013(Xem: 9480)
Sống nơi quê mẹ thuở lọt lòng Biên Hòa xứ bưởi, cạnh dòng sông Quê hương, hình ảnh còn ghi khắc Tiếng sáo vi vu, trẻ mục đồng
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 8999)
người phụ nữ tôi thương yêu, gần gũi nhất trong đời, làm tôi xốn xang trong lòng mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ, mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong tâm trí tôi là Ngoại.
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 8503)
Trang sách cũ lần tìm trong ký ức Tuổi học trò, ơi! tuổi ngọc thần tiên. Áo thư sinh tâm sự vẫn triền miên Màu xanh lá, ôi! sắc màu kỷ niệm
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 8413)
Một ngày đẹp trời, có một quyển Đặc san Ngô Quyền bay nửa vòng trái đất đến tay tôi. Mừng đến rơi nước mắt.
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 8318)
Với đôi dòng tùy bút ghi trên, ước mong với tình cảm thân thương của các bạn sẽ là chất keo kết dính toàn thể chúng ta để cùng góp sức xây dựng một tập thể Đại Gia Đình Ngô Quyền ngày càng vững mạnh.
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 8671)
Quân cảm thấy tâm thần của mình cũng chấp chới với những cánh chim trên kia. Hà Di này, có phải thế không? Làm sao có thể chờ mãi một người không hẹn ngày trở lại?
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 9617)
Ngô Quyền thương lắm, áo dài ơi! trong trắng tình ai dại một thời một thời và một đời để nhớ Ngô Quyền mãi mãi ở trong tôi ...
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 8625)
Chiếc lá vàng vừa cắm xuống trong vườn Một chấm than vừa nằm nghiêng cuối vở Tôi mò về dòng sông cuộc tình lỡ Soi bóng mình và tìm lại bóng em xưa
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 9934)
(Kính dâng cô Võ Thu Thủy, người thầy, người chị mà tôi thương quý nhất)
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 8608)
Thầy viết bài thơ cho em, Khi máy bay đã rời phi đạo, Bỏ lại từng ô vuông, xoay tròn điên đảo, Cũng như em, theo lốc xoáy đã bay cao.
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 10162)
Sau hơn 30 năm phiêu bạt nơi xứ người, mỗi đêm khuya một mình một bóng mệt mỏi lái xe đi làm về, tôi vẫn ngậm ngùi nhớ về kỷ niệm ở quê nhà với những ân tình người này, người nọ đã dành cho mình.
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 9734)
Trường Ngô Quyền bây giờ, thầy cô tôi không còn dạy nữa, bạn bè tôi cũng mỗi đứa một nơi, nhưng mỗi khi nhắc đến tên trường thì tôi lại thấy cả một miền thương nhớ...
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 9536)
Gần năm mươi năm qua rồi Tóc hai ta tuổi đời như sóng dội Nếu ai hỏi em về những kỷ niệm Xin hãy đáp: Một thời ta có yêu em.
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 9069)
Về nhìn lại Trường xưa Bóng em không còn nữa Bến cũ vắng em tôi Thương biết mấy cho vừa!
07 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 47801)
Mưa trường xưa, mưa hẹn hò, mưa áo trắng… Vương vấn bước chân, ướt át mộng ban đầu. Bên sông Đồng Nai, hoa sầu đông biếng nở, Nơi góc sân trường, bóng nắng chợt ngã nghiêng …