Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Lê văn Thanh - TRUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

07 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 10047)
Lê văn Thanh - TRUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ


Chuyện Bây Giờ Mới Kể

 

 42_nguyen_van_thanh-1-large-content

Lê Văn Thanh

ChsNQ Khóa 7

 

Tôi đang ngồi xem E-mail của mấy người bạn gởi đến thì có tiếng nhà tôi từ dưới phòng khách vọng lên: "Anh ơi! Em forward bản tin số ba về việc gia hạn ngày nộp bài cho báo trường Ngô Quyền nha, anh mở ra xem đi." Rõ khổ, đã nói không viết rồi, sao cô ấy cứ gợi ý hoài, nào là "Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ", đề tài rất dễ viết, chẳng hạn anh còn nhớ thời đi học có người đẹp nào làm tim anh thổn thức hoặc đã có bao lần lén lút theo bén gót em tới nhà. Kỷ niệm thời đi học là những gì ngây ngô và dễ thương. Cô nàng hứa rằng: "Anh đừng lo, chuyện thuở xa xưa em không có mè nheo đâu, anh ráng viết đi." Tuy mừng thầm trong bụng nhưng tôi giả vờ ỡm ờ: "Viết thì viết, em nói thì phải giữ lời đó nghen."

 

 Tôi nói với nhà tôi cho có vẻ ngon lành, chứ khi cô ấy đồng ý rồi mình không biết bắt đầu bằng chuyện nào đây. Chuyện tình cảm thời đi học tuy lãng mạn nhưng nhẹ nhàng, có thể chấp nhận được, chứ những chuyện tình nho nhỏ thời đi lính nếu dại dột kể ra, chắc chắn không yên thân đâu.

 

 Thôi thì câu chuyện bắt đầu vào dịp lễ Độc Lập năm 2009, gia đình tôi gồm bốn người về dự Đại Hội Trùng Phùng do Hội Cựu Học Sinh Trường Trung Học Ngô Quyền tổ chức hàng năm. Đó là kỷ niệm bốn mươi năm, ngày hai chúng tôi rời khỏi trường Ngô Quyền, cũng là bốn mươi năm, ngày tôi vào trường Võ Bị Đà Lạt. Nhìn những người bạn học của tôi ngày nào, nay ai nấy tóc đều bạc màu, người nào cũng đang và sắp sửa trở thành ông bà nội, ông bà ngoại. Những thầy cô đến tham dự buổi họp mặt, tôi cố tìm kiếm nhưng không gặp được vị nào mà tôi đã từng học từ năm đệ Ngũ đến năm đệ Nhất dưới mái trường Ngô Quyền ngày xưa.

 Cầm máy chụp hình trong tay, bấm vội vài tấm hình có mấy bạn cùng lớp khóa 7, tình cờ tôi gặp nét mặt một người hình như đã quen ở đâu đó trong quá khứ, nghĩ mãi không ra, không lẽ cứ đứng thừ người ra mà nghĩ ngợi cũng kỳ. Tôi quay trở lại bàn, thấy nhà tôi đang vui vẻ cười nói với mấy người bạn học cùng lớp Tứ 2, khóa 8. Tôi đề nghị chụp hình mọi người ngồi trong bàn mấy tấm để làm kỷ niệm. Lúc đó chị Ngọc Huệ mang một bó hoa đến tặng nhà tôi và chị đề nghị tôi chụp mấy tấm hình của riêng hai người. Nhà tôi luôn miệng nhắc: "Nhớ ngắm cho kỹ rồi mới bấm máy nha, chụp không đẹp là bắt đền đó." Nhờ ngắm tới ngắm lui khiến tôi nhận ra nét quen thuộc ngày nào và nhớ lại câu chuyện chụp hình vào năm 1969.

 Năm đó, Lộc bạn tôi học lớp đệ Nhất A1 còn tôi đệ Nhất A2, hai lớp nằm kế nhau trên lầu hai của dãy lầu phía trước. Trong giờ ra chơi, hai đứa chúng tôi đang đứng nói chuyện ở ngoài hành lang. Tình cờ có một nữ sinh dáng người nhỏ nhắn trông rất dễ thương đi ngang qua. Lộc chỉ người này và nói:

 - Tôi đã để ý đến cô này từ lâu, muốn có một tấm hình của người này trước khi nghỉ học, Thanh biết làm cách nào để có không?

 Thấy tôi im lặng Lộc thúc:

- Sao Thanh có nghĩ ra cách nào không?

 Tôi đáp không cần suy nghĩ:

 - Dễ ợt, xin chụp hình đã khó, xin ảnh của người ta còn khó gấp bội, chỉ còn một cách duy nhất là chụp hình lén mà thôi.

 - Nhưng tôi không dám chụp hình lén đâu, sợ cô ấy giận thì hư hết mọi chuyện.

 Tôi cảm thấy động lòng trước sự mong ước đơn giản của bạn nên đề nghị:

- Được rồi, đưa máy ảnh cho tôi, tôi sẽ chụp giùm cho.

Lộc quay lại nhìn tôi với nét mặt rạng rỡ và hỏi:

- Thanh dám chụp hả? Vậy khi nào mình thực hiện?

 Chiều hôm sau, hai đứa đi học thật sớm. Tôi phụ trách chụp hình nên cầm máy ảnh đứng trên lầu ngay chỗ cầu thang lên xuống. Bạn tôi đứng dưới đất quan sát khi nào thấy cô nàng bước vào cổng trường thì chạy lên lầu báo tôi biết để chuẩn bị. Lộc nói nhỏ:

- Cô ấy vừa bước lên cầu thang kìa.

le_van_thanh-large-content


 Bấy giờ tôi mới thấy run và lo sợ. Không biết tính tình cô nàng này như thế nào, lỡ gặp người gay gắt khó tính, họ sẽ lớn tiếng cự nự om sòm chắc chỉ có nước đứng thộn mặt ra mà chịu trận, không chừng còn đi mét thầy Hiệu trưởng thì toi mạng. Định bỏ cuộc, trả máy ảnh lại cho bạn, ngó quanh Lộc đã biến mất rồi. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Tiếng bước chân gần hơn, tôi nín thở, run tay chờ đợi. Thấy cô nàng đặt chân lên bậc thang cuối cùng, ngẩng mặt lên, tôi bấm máy, lên phim rẹt rẹt, rồi bấm máy lia lịa. Đến nỗi cô ấy đã đi qua rồi mà tôi vẫn còn chụp vói theo phía sau lưng. Chắc chắn cô nàng biết có người lén lút chụp hình mình, nhưng tảng lờ tiếp tục bước đi. Thật hú hồn, may mắn gặp người thùy mị, hiền lành nên tôi được bình an vô sự. Đưa máy ảnh cho Lộc, nhìn vẻ mặt mừng rỡ của bạn, tôi cảm thấy như mình đã làm được một hành động nghĩa hiệp.

 Vài ngày sau, tôi đang đứng nói chuyện với mấy người bạn học cùng lớp trước cổng trường vào lúc tan học buổi trưa, tình cờ thấy cô nàng đang bước lên xe Lam phía bên kia đường. Tôi vội vã chấm dứt câu chuyện đang dở dang, lái Honda chạy theo để biết nhà cô.

 Hôm sau tôi nói với Lộc:

- Lộc có cần biết nhà cô em ở đâu để đem cây si tới trồng không? Tôi chỉ cho.

 Bạn tôi mỉm cười, ôn tồn trả lời:

- Mình biết nhà cô ấy lâu rồi, không cần Thanh làm thám tử đâu.

 Hiểu ý bạn mình nên tôi không tiếp tục tham gia câu chuyện của hai người nữa và cũng không dám hỏi hình tôi chụp lén hôm nào có đẹp không? Có thấy rõ mặt cô em không?

 Tưởng đâu họ có một chuyện tình tốt đẹp, ai dè anh chàng chưa kịp ngỏ ý thì cô em đã lấy chồng. Lần đến Cali này, không ngờ tôi lại có dịp chụp hình người đẹp một thời của bạn tôi một cách đàng hoàng, không phải hồi hộp, toát mồ hôi như ngày nào, năm tôi mười chín tuổi. Không biết "người đẹp" có còn nhớ chuyện tôi lén lút chụp hình ngày xưa ấy không?

 Nãy giờ mới kể chuyện của bạn mình, cốt để có thêm can đảm hầu kể tiếp chuyện của chính mình. Đó là chuyện mà tôi hằng dấu kín lâu nay, mỗi khi nghĩ đến trong lòng cảm thấy ray rứt, đã không giữ đúng lời hứa với người con gái học cùng lớp vì tính khờ khạo của mình.

 Chuyện xảy ra vào năm 1967, lớp Đệ Tam A2 của tôi, gồm nam sinh và nữ sinh học chung, sát bên phòng của giáo sư. Một buổi chiều, hai giờ đầu học môn Việt Văn do cô Vương Chân Phương giảng dạy. Không biết ai đã bỏ một con chuột con còn đỏ hỏn chưa mở mắt trong hộc bàn của một nữ sinh tên Thư. Trong lúc cô Phương đang giảng bài, Thư bất ngờ đụng phải con chuột, hoảng hốt la lên. Cả lớp cười rộ khiến cô Phương cũng bật cười theo. Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.

 Tưởng câu chuyện chỉ có vậy thôi, nào dè sau khi ra chơi mọi người trở về lớp học. Thư để con chuột trên tờ giấy trắng và đặt trên lòng bàn tay, đứng ngay cửa lớp nhát các nữ sinh đang bước vào. Những người này hoảng sợ la lên và cố lách mình bước vào bên trong lớp. Tôi lững thững đi tới, Thư đưa con chuột đến trước mặt tôi và nói: "Nè... nè... nè." Tưởng gì chứ con chuột con thì nhằm nhò gì. Tôi chẳng thèm né tránh, một tay cầm đuôi con chuột, tay kia tôi nắm chặt tay Thư và đưa con chuột gần sát mặt Thư, lập lại: "Nè... nè... nè." Thư sợ xanh mặt, thét lên gần khóc. Nghe có tiếng cười của các nữ sinh đang ở trong lớp. Chợt nhận ra mình đang nắm chặt bàn tay người con gái, tôi ngượng ngùng buông tay Thư, bỏ con chuột vào túi áo và đi nhanh về phía chỗ ngồi của mình. Lần đầu tiên nắm được bàn tay mềm mại của người con gái trong một hành động vô ý thức, có một cảm giác gì đó thật lạ lùng không diễn tả được đang nhẹ nhàng len lỏi vào hồn tôi, làm tôi xao xuyến, bâng khuâng không ít.

 Hai hôm sau lúc vào lớp học, Thư đứng trước cửa lớp hỏi tôi:

- Cái áo giặt chưa?

 Tôi chưa kịp hiểu, hỏi lại:

- Áo nào?

 Thư cười đáp:

- Thì cái áo có con chuột bỏ vô túi đó.

Tôi đáp tỉnh bơ:

- Chưa giặt.

 - Í ẹ, ghê quá!

 - Ghê sao dám cầm?

 Thư nói như phân bua:

- Cầm đâu, người ta để trên tờ giấy chứ bộ.

 Nhìn gương mặt phụng phịu của Thư nhìn tôi, lúc đó tôi thấy Thư đẹp vô cùng.

Gần đến ngày nghỉ hè của năm 1967, một hôm, hai giờ đầu buổi chiều, giáo sư bận việc gì đó nên không đến lớp dạy học. Học sinh cả lớp ngồi chơi trong yên lặng. Tôi nhớ lúc trưa đi học, thấy thằng bạn cùng xóm, học bên trường Trần Thượng Xuyên có mang theo máy ảnh hiệu Yashica Electro 35. Tôi vội chạy qua bên lớp nó mượn máy ảnh, nó hỏi:

- Chụp hình ai vậy mậy?

- Tao chụp mấy thằng bạn học cùng lớp.

 Trở về lớp học, đến chỗ Thư ngồi, tôi nói:

- Thư ơi! Sắp nghỉ hè rồi, không biết mùa học tới có còn gặp lại Thư không, cho tôi chụp Thư một tấm hình để làm kỷ niệm nha.

 Thư gật đầu và nói:

- Ừa, mà phải cho hình thì mới cho chụp.

 Tôi mừng rỡ đáp:

- Được, được, muốn mấy tấm cũng có hết.

- Hứa thì phải giữ lời nghe, chỉ cần một tấm thôi.

 Tôi chụp một tấm hình Thư đứng cạnh bàn chỗ Thư ngồi. Chụp xong, Thư bàn:

- Ra ngoài có ánh sáng hình sẽ rõ và đẹp hơn.

 Chụp xong tấm hình Thư đứng trước cửa lớp, Thư lại nói:

- Thêm một tấm nữa đi, lỡ tấm rồi bị nhắm mắt thì uổng.

 Vài ngày sau Thư hỏi tôi:

- Hình có chưa?

 - Mai mốt mới có, Thư ráng chờ đi.

 Tôi hỏi thằng bạn tôi:

- Ê, Hưng sao lâu quá chưa có hình hả mậy?

 Nó lừng khừng trả lời:

- Đã chụp hết phim đâu mà rửa.

- Mày ráng chụp lẹ cho mau hết phim đi để tao còn cho người ta hình.

- Mày cho mấy thằng bạn thì chừng nào đưa cũng được, làm gì hối dữ vậy.

 Còn hai ngày nữa là tới ngày chính thức được nghỉ hè, Thư hỏi với giọng buồn buồn:

- Hình chừng nào mới có?

 Tôi bối rối đáp:

- Không biết, chắc vài ngày nữa mới có.

 Thư lại nói:

- Sắp nghỉ hè rồi, rửa ở đâu mà lâu dữ vậy?

 Tôi chỉ biết tên một tiệm chụp hình nổi tiếng ở Biên Hòa nên trả lời đại:

- Ở Phạm Lung, gần nghỉ hè học sinh chụp hình kỷ niệm nhiều quá nên tiệm làm không kịp.

 Sau khi nghỉ hè được cả tuần rồi thằng bạn "mắc dịch" của tôi mới đem hình tới nhà đưa và nói:

- Đồ mê gái, vậy mà còn giấu giếm, không chịu nói trước để tao đem phim đi rửa sớm.

 Tôi gân cổ cãi lại:

- Thì tao đã hối mày chụp lẹ để đem phim đi rửa mà.

 Nó sùng lên, cự lại:

- Mà mày có nói là mày chụp hình con gái đâu.

 Thấy tôi buồn nó hạ giọng:

- Mày có biết nhà con nhỏ này không?

 Tôi tiu nghĩu trả lời:

- Tao không biết.

 Nó vò đầu, bứt tóc của nó và nói:

- Đồ ngu, sao trước khi nghỉ học mày không hỏi nhà con nhỏ ở đâu để đem hình tới cho.

 Nó làm như tôi là người gan góc đầy mình, cho dẫu có biết nhà Thư, tôi cũng chẳng dám léo hánh tới để ba má Thư la rầy tôi sao.

 Chưa bao giờ tôi mong mau đến ngày tựu trường như năm 1967. Tôi hí hửng mang ba tấm hình để đưa cho Thư. Một ngày, hai ngày, rồi suốt cả tuần vẫn không thấy Thư đi học. Tôi nghĩ Thư chuyển sang lớp Đệ Nhị khác, cố dò hỏi các lớp đó vẫn không thấy Thư. Thư đã nghỉ học không biết vì lý do gì? Có thể gia đình Thư đã di chuyển sang tỉnh khác chăng? Tôi ân hận đã không giữ đúng lới hứa cho Thư ba tấm hình. Tôi ngu thật, lẽ ra tôi nên mua cuộn phim khác đưa cho thằng bạn, xem như sự đền bù để nó đem phim đi rửa sớm thì Thư đã có hình trước khi nghỉ hè rồi. Tôi tự an ủi, biết đâu Thư đã định nghỉ học nên mới cho tôi chụp hình giữ làm kỷ niệm.


bay_gio_moi_ke-large-content

 Khi vào lính, ba tấm hình với những giòng chữ viết ở phía sau để tặng Thư, tôi đã mang theo, xem như kỷ niệm quý giá của mình có được trong thời học sinh. Bốn năm ở quân trường, thỉnh thoảng tôi lấy hình Thư ra xem và thầm hỏi người trong ảnh: "Thư ơi! Giờ này em ở đâu? Anh cầu mong những gì tốt đẹp nhất đến với em. Riêng anh sẽ nhớ mãi ánh mắt và nụ cười của em đã dành cho anh ngày nào."

 Mãi đến năm vừa qua, tôi từ Philadelphia đến thăm người bạn ở Washington DC, người bạn này cùng học chung lớp với Thư và tôi ngày xưa. Vợ anh và nhà tôi cũng là bạn học cùng lớp ở Ngô Quyền nên chúng tôi để riêng cho hai người mặc sức hàn huyên tâm sự. Mừng và tôi ngồi nhâm nhi chút rượu, nhắc lại chuyện bạn bè trong lớp ngày trước. Tôi nhắc đến Thư để thăm dò Mừng có biết chút tin tức nào về Thư không, Mừng nói:

- Tội nghiệp Thư đã chết rồi.

 Tôi bàng hoàng, sửng sốt hỏi lại:

- Thư chết thật sao? Tại sao chết? Và chết khi nào?

- Thư chết thật mà, chết vì bệnh gì mình cũng không rõ, và chết lúc mình còn đi học, nghĩa là trước khi bọn mình đi lính.

 Tôi chưa tin điều Mừng nói là sự thật, vẫn còn vớt vát chút hy vọng nên hỏi Mừng:

- Mừng nghe ai kể lại vậy? Biết đâu chỉ trùng tên mà thôi.

- Thư ở cùng xóm với mình mà, đâu cần nghe ai kể lại.

 Tội nghiệp người con gái ngây thơ, tính hơi tinh nghịch với đôi mắt to tròn và mái tóc đen dài đã từ giã cõi đời khi tuổi còn quá trẻ. Ước gì tôi chưa nghe chuyện Mừng kể về Thư để tôi luôn nghĩ rằng Thư đang sống hạnh phúc bên cạnh chồng con.

 Tôi không quen uống rượu nhưng tối hôm đó tôi đã uống thật nhiều. Tôi muốn say để quên đi nỗi buồn đang chất chứa trong lòng. Hình ảnh ngôi trường xưa, lớp cũ, người nữ sinh tên Thư lần lượt hiện ra trong đầu tôi như một đoạn phim được lập đi lập lại khiến tôi không tài nào ngủ được. Trăn trở mãi gần sáng tôi mới chợp mắt. Trong giấc mơ tôi thấy Thư vẫn tươi trẻ như ngày nào, đang đi phía trước cách tôi không xa. Mừng quá, tôi vội chạy theo và gọi tên nàng. Thư chẳng những không dừng bước mà còn đi nhanh hơn. Khoảng cách càng xa dần, tôi cố đuổi theo nhanh hơn nữa và gọi to tên nàng trong nỗi xót xa, tuyệt vọng. Có tiếng nhà tôi lay gọi:

- Anh, anh tỉnh dậy đi, nằm mơ thấy ác mộng hả?

Định thần lại, tôi lắc đầu nói:

- Chắc tại lạ nhà nên khó ngủ, nằm mơ thấy lung tung.

 

 Chuyện-bây-giờ-mới-kể đến đây là kết thúc. Tuy nhiên quý vị có đọc được hay không, còn phải chờ thông qua "cô bạn hàng xóm" của tôi. Số là lúc đính hôn, tôi đã lỡ dại hứa rằng không bao giờ nhắc chuyện đã quen ai trước nàng và tuyệt đối không yêu ai sau nàng nữa. Tưởng nói cho vừa lòng em, nào ngờ cô ấy nhớ không sót một chữ. Chờ lúc nhà tôi đang chuẩn bị làm buổi cơm chiều, cầm mấy trang giấy đã viết xuống bếp, tôi diễu cợt hỏi:

- Qua đã viết bài cho trường rồi, bậu có cần kiểm duyệt không?

 Nàng đang xay thịt để nấu canh khổ qua nên lắc đầu đáp:

- Không cần đâu.

 Tuy trong lòng mừng rỡ nhưng tôi vẫn chưa an tâm nói tiếp:

- Những chuyện này xảy ra trước khi qua đi lính đó nha.

 Nàng cười dễ dãi đáp:

- Biết rồi, miễn là viết bài cho trường mình thì sao cũng được.

- Em nói thì nhớ lời đó, vậy thì nghéo tay đi.

 Không dè qua cửa ải một cách quá dễ dàng. Tôi vội đánh máy gửi bài đi mà lòng băn khoăn tự hỏi: "Nhà tôi tuổi con mèo, có khi nào con mèo ngoan hiền biến thành sư tử Hà Đông không?" Biết đâu chừng thân xác tôi bị xé thành trăm mảnh sau khi tuyển tập "Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ" phát hành vào dịp lễ Độc Lập năm nay? Thôi thì tới đâu hay tới đó, quý vị nghĩ xem có đúng không?

24 Tháng Mười 2012(Xem: 8240)
Tà áo dài xưa ấy Xa xôi ở phương nào Thời gian không dừng lại Thoáng nỗi buồn... bâng khuâng.
24 Tháng Mười 2012(Xem: 8310)
Dù ai đi ngược về xuôi Ngô Quyền họp mặt nhớ thời học sinh Từ năm Thất - Lục... chúng mình Những ngày chung lớp thân tình với nhau
24 Tháng Mười 2012(Xem: 8630)
Các em yêu tuổi học trò bao nhiêu thì tôi cũng yêu thuở bước chân vào nghề giáo với bao nhiêu hoài bão xây dựng bấy nhiêu.
24 Tháng Mười 2012(Xem: 8117)
Nhận Sự vụ lệnh dạy giờ, tôi đến trường Trung học Ngô Quyền cùng ngày với thầy Hà Tường Cát và thầy Kiều Vĩnh Phúc.
24 Tháng Mười 2012(Xem: 9989)
(Dâng tặng hương linh V.T.T, cựu nữ sinh Ngô Quyền Lớp Đệ Nhị A – Khóa 7)
23 Tháng Mười 2012(Xem: 8768)
Và cũng nghe các đàn anh, đàn chị, ban bè "thưa với Thầy Cô cũ" để thấy là trong một góc tâm hồn, vẫn còn nơi chốn cho ta tìm lại một góc Ngô Quyền.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 8197)
mời các chs NQ cùng nghe lại vài lời "nhắn nhủ học trò xưa" của một số Thầy Cô để thấy là ở bất cứ tuổi nào chúng ta cũng cần có những lời khuyên đáng quý của cha mẹ và thầy cô.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7789)
Về Ngô Quyền, tôi được thầy Phạm Đức Bảo, Hiệu Trưởng thân mật tiếp đón và thầy Phạm Khắc Thành, Giám Học xếp cho dạy Luận Lý, Đạo Đức và Tâm Lý Học cho một số lớp 12 và Việt Văn lớp 11, lớp 10.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7526)
Hướng về quê cũ thiết tha, Nhiều đêm nhung nhớ lệ sa từng dòng. Ngày đầu cuộc sống lưu vong, Xa trường, nhớ bạn ước mong sum vầy.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7800)
Em có nhớ màu bảng đen phấn trắng? Thuở mộng mơ, thời mắt sáng môi hồng, Tiếng ve ngâm, sắc phượng đỏ, nắng trong, Mùa thi tới, những tháng ròng mất ngủ…
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7663)
có nhiều lý do khiến tôi yêu mến, gắn bó với Trường Trung học Ngô Quyền. Lý do chính yếu là sự thân thiết, chân thành, tương thân tương ái, như anh em bà con một nhà, trong cách cư xử với nhau giữa mọi thành phần trong trường.
23 Tháng Mười 2012(Xem: 6815)
Tôi được vinh dự có mặt trong ban giảng huấn đầu tiên của Trường Trung Học Ngô Quyền, bắt đầu khai giảng với ba lớp Đệ Thất vào cuối tháng Tám năm 1956,
23 Tháng Mười 2012(Xem: 6492)
Hội Ái Hữu Chs Ngô Quyền xin trân trọng ghi nhận và chân thành cảm tạ những tấm lòng ưu ái, rộng lượng của quý Thầy Cô và Chs Ngô Quyền,
23 Tháng Mười 2012(Xem: 7385)
Hy vọng tác phẩm Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ sẽ khiến cho bao kẻ từ quan mơ lại giấc mơ ngọt ngào ngày nào trong động hoa vàng của một rừng kỷ niệm.