Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Anh Tuấn - TIẾNG VE MÙA CŨ

03 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 25485)
Nguyễn Anh Tuấn - TIẾNG VE MÙA CŨ

Tiếng ve mùa cũ

 

Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh

(Trần Dạ Từ)

tieng_ve_mua_cu_1-large


Lái xe đi làm buổi sớm thứ Sáu có cái thú, vừa ít kẹt xe và mong đợi giây phút cuối ngày và cho một weekend. Sau những cơn mưa mùa đông, cảnh vật xanh mướt trên những rặng đồi bao quanh thành phố Livermore. Những chú bò sữa, trắng đen đang gặm cỏ trên cánh đồng chạy dài đến bờ hồ Del Valle. Tôi định weekend nầy sẽ viết một bài để gởi cho Diệu Hương cho tập san Ngô Quyền Đại Hội vào tháng 7 năm nay. Tôi làm việc trễ tối thứ sáu. Về đến nhà vặn TV NHK của Nhật lên coi, Oh my God!! a big earthquake in Japan 40 phút trước. Lúc đó là M7.9, tương đương với 6 triệu tấn TNT. Vài ngày sau người ta biết chính xác hơn, độ địa chấn lên tới 8.9 Richter scale. Nhìn thấy những đứa bé nằm mẹp người trên đường vì động đất, những người già nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo khi đi trở về nhà cũ tan hoang tìm xác con. Nhìn thấy Tsunami cuốn trôi xe cộ, nhà cửa, tôi thấy sao kinh hoàng và tội nghiệp quá. Một tội nghiệp hiển hiện và có thật trong lòng. Nơi mà tôi đã một thời đi học ở đó. Nơi mà tôi đã trải tuổi thanh xuân vừa mới lớn. Sendai là thành phố đầu tiên tôi được đi đến thăm trong những ngày đầu đến Nhật. Tôi còn nhớ đứng trên đồi cao nhìn xuống thành phố Sendai và trường đại học Tohoku mà mơ ước đất nước mình thanh bình và thịnh vượng như ở đây. Lúc đó là khoảng tháng 2, tháng 3 năm 1969. Ngày nay Sendai không còn là Sendai của 42 năm trước. Sendai bây giờ của tan hoang và đầy nước mắt.

 

Tôi có một người bạn rất thân khi còn đi học ở Nhật. Sau ngày động đất, tôi có phone nói chuyện với anh. Tôi có khuyên anh nên trở về Mỹ (anh đi học và ở Nhật làm việc từ khi tốt nghiệp). Tôi nghe như một chuỗi pause kéo dài trên phone. Anh không trả lời mà nói sang chuyện khác. Vài ngày sau, tôi nhận được email của anh. Anh vẫn không trả lời điều tôi nói với anh. Nhưng anh copy email mà anh viết cho ông bác.Tôi đọc xong, một niềm xúc cảm tràn ngập trong tôi. Tôi kính trọng những những điều anh viết, những điều anh làm. Tôi nghĩ mình không có được những cao thượng và hy sinh như anh. Một sự thương yêu vượt trên những tầm thường của một người nam đối với một người nữ, mà là một tình nhân loại và trách nhiệm thiêng liêng như những hình ảnh Bushido (Võ Sĩ Đạo) tưởng như đã đi vào lịch sử. Anh viết ngắn nhưng nó đẹp và lãng mạn hơn cả hình ảnh của Tom Cruise và Koyuki Kato trong "The Last Samurai" trong cái buổi giao thời dưới thời Minh Trị Duy Tân.

"Tuấn mến,
Cám ơn mày đã điện thoại hỏi thăm. Tao copy mail tao gởi cho ông bác kể chuyện động đất để mày đọc.
Thân mến,

 

Some of my friends asked me to leave Japan for the US or Vietnam as Japan has become a dangerous place, but I have made up my mind to stay and share the difficulty and rebuild the country and the economy with the Japanese people, my second homeland.
As a human being, one cannot come when the country is rich and happy and leave when it faces danger or difficulty.
Even if I have to die here, I will, with the Japanese people who have been sharing their happiness and comfort with me since the day I landed in Japan.
I hope my friends can understand why I will not leave until the country has overcome this danger and difficulty.”


Mấy ngày qua tôi không viết được một chữ gì để gởi cho Diệu Hương. Một nỗi buồn như đang xảy ra cho chính mình. Một bất hạnh chung cho nhân loại. Bây giờ những cánh đồng xanh không tạo nổi một mùa xuân trong tôi. Mặt khác tôi cảm thấy hối hận vì không làm đúng như điều đã hứa với DH. Thôi thì tôi sẽ viết những điều gì mình nhớ được, vui và buồn của những ngày quần xanh áo trắng ở Ngô Quyền.

 

Viết cũng như một khuây khỏa trút bớt những buồn phiền đang gặm nhấm trong lòng. Viết cũng có dịp đưa mình về quá khứ, nhớ về Cù Lao Phố, lúc đó dân thưa, người ít, hồn nhiên thả mình trong dòng nước ấm của dòng Đồng Nai, tôi để nước bồng bềnh lặng lờ đưa tôi trên dòng sông vắng. Để chạy xe đạp từ bên nầy Cù Lao qua những cánh đồng đến tận gần xa lộ. Để nhớ về ngày xưa, có lẽ xưa lắm rồi khi mà xa lộ Sài Gòn Biên Hòa chưa có. Xe đò Liên Hiệp phải chạy qua cầu Bình Lợi, qua Thủ Đức, Dĩ An, phải đậu bên đây cầu Gành ở Chợ Đồn chờ anh lính Bảo An ra dấu cho chạy vì cầu nhỏ chỉ cho phép một bên chạy, bên kia phải chờ. Những lần như vậy là có dịp nghe những lời mời mọc "Bưởi Biên Hòa đây. Ngọt và ngon. Xin mời cô bác mua dùm". Hoặc có những người xuống xe, ăn vội một tô "bánh canh giò heo". Mỗi lần tôi ăn bánh canh giò heo ở miền Bắc Mỹ nầy, tôi nhớ da diết đến tô bánh canh giò heo năm xưa ở Chợ Đồn.

 

Cũng không hiểu vì sao quãng đường từ nhà tôi đến trường (nhà tôi ở cư xá Đoàn Văn Cự trước quán cơm Xã Hội, muốn đến trường phải đi qua Trịnh Hoài Đức, Biên Hùng, rồi Quốc Lộ số 1, con đường chính, con lộ số 1, con đường huyết mạch của xứ sở mà mỗi lần đặt chân lên một đoạn quốc lộ 1 ở Biên Hòa tôi vẫn mơ ước được đi thăm viếng những thành phố khác của đất nước nằm theo con đường cái quan nầy) sao cứ mãi nằm trong tôi như bài tập đọc năm xưa "Tôi Đi Học" của Thanh Tịnh mà tôi nhớ hoài. Có phải vì những bước chân đi theo một tà áo trắng nào trong những ngày hanh nắng khi heo may nhè nhẹ trở về, hay trong những ngày mưa khi trời vào hạ của miền nam thân yêu. Rồi tà áo năm xưa và những dấu giày cũng đã đi theo gió bụi thời gian:

 

tieng_ve_mua_cu-largeTrời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giầy mai sẽ lá sương che
(thơ Nguyễn Đình Toàn, Khi Em Về)

 

Cám ơn trời, tôi đã có dịp liên lạc được với những người bạn cũ sau 43 năm từ ngày rời mái trường xưa như Toản (Utah), Thông (Pháp), Vương (Ohio), Hóa (Cali), Liên (Úc), và chúa nhật vừa qua, tôi gặp lại người bạn cũ, Lâm Thị Mỹ Yến. Hiện Yến đang ở Australia. Gặp lại những bạn cũ như nhớ lại một vùng trời đầy kỷ niệm với dòng Đồng Nai mà thầy Mai Kiến Phúc cùng đám học trò đi tắm sông, đi ngang qua một rừng mía ở cù lao Phố để tìm quán bán cơm rượu (cho đến bây giờ tôi vẫn không tìm thấy được một nơi nào bán cơm rượu ngon hơn cơm rượu ngày xưa ở cù lao Phố), học trò nấu cháu vịt mời thầy đến ăn. Gặp lại bạn, cũng để nhớ thầy Quyến dạy Pháp Văn, thầy Kỷ dạy Toán Lượng Giác năm đệ nhất, thầy Lan dạy Anh Văn. Thầy Lan người dong dõng cao, lúc nào cũng trầm lặng, thoảng như có một nỗi buồn man mác. Còn thầy Hiệp rất nghiêm nghị. Tôi chưa bao giờ có dịp nói chuyện cùng thầy trong những ngày mài đũng quần ở Ngô Quyền. Mãi đến mấy chục năm sau gặp lại thầy ở San Jose, tôi mới có dịp nói chuyện và thấy thầy thật cởi mở sau cái dáng dấp nghiêm nghị năm xưa. Tôi cũng nhớ đến thầy Lưu Ngọc Bích dạy Luân Lý Học và Tâm Lý Học. Tôi không biết thầy qua đời đến khi đọc được qua "Một Góc Thầy Trò". Lối dạy dễ hiểu và giọng Bắc kỳ nhỏ nhẹ của thầy đã làm tôi đam mê môn học đầy tưởng tượng nầy. Ôi tình thầy trò ngày xưa sao nó êm đềm như mây trắng bay qua thành phố. Biết bao nhiêu lần rồi tôi thơ thẩn đi bên cạnh những vườn nho, nhìn mây qua bay những ngọn đồi ở Livermore, mà nhớ đến những đám mây trắng năm xưa ở Cù Lao Phố, ở núi Châu Thới, ở Bửu Long mà nhớ đến câu thơ của Đinh Hùng:

Hôm nay có phải là thu?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về
(Bài Hát Mùa Thu)

Tôi rời Ngô Quyền năm 1968. Ghi danh đi học ở Khoa Học (MPC, có thầy Đặng Đình Áng), tôi ớ đậu nhà dì tôi ở Đa Kao. Tôi không có xe, nên dì tôi cho tôi mượn chiếc xe Velo Solex. Mỗi ngày tôi lọc cọc trên chiếc Velo Solex cũ kỹ đi qua Đinh Tiên Hoàng, rồi quẹo qua Phan Thanh Giản thay vì quẹo ở Hồng Thập Tự. Vì tôi muốn có một chút gì "Gia Long" khi chạy ngang qua trường nầy. Nhìn thấy những tà áo trắng trong sân trường, tôi chợt thấy một nỗi cô đơn nhẹ nhàng nhưng xa vắng, hình như có một chút gì luyến tiếc trong lòng như mình đánh mất cái tuổi thần tiên mà vài tháng trước đó mình có nó. Lá me bay trên áo trắng học trò trong những chiều lộng gió. Tôi cảm thấy đời thật đáng yêu. Tôi nhớ đến những chiều mưa, tan học về, rời đường Cộng Hòa (trường Khoa Học), qua Hồng Thập Tự, Phan Thanh Giản (lại Phan Thanh Giản), rồi Đinh Tiên Hoàng, người ướt đẫm mà trong lòng không một chút buồn phiền.

 

Bây giờ tôi sắp sửa được làm senior citizen, sắp sửa được ăn lương chánh phủ liên bang (social security, khi tôi 62 tuổi vào mùa hè nầy, nhưng có lẽ tôi sẽ tiếp tục đi cày về semiconductor cho đến khi hãng cho tôi đi về vườn đuổi gà cho vợ), nhìn lại quãng đường đời đi qua mà có những hối hận trong lòng; có những việc mình có thể làm, mà không làm. Những việc không đáng làm, lại làm. Cũng trong những cảnh đời đa đoan và bon chen đó, có những lúc nhìn lại, mình thấy mình cô đơn và tội nghiệp như một cây nhỏ trong chiều mưa. Nhưng không trách đời, vì coi đó như là một phần đời trong quãng đời của một con người. Cái phần thưởng mà thượng đế cho chúng ta, là ta còn có được những người thân thương, những người thầy, những người bạn đã có cùng một vùng trời kỷ niệm, đã cùng đi dưới cây phương đỏ với tiếng ve sầu khi mùa hạ tới, có những ngày vui, ngày buồn bên nhau và có dịp tìm về nhau trong cuộc sống tha hương như mỗi lần gặp tôi là Vương nhắc lại hai câu thơ:

Dẫu áo thư sinh có bạc màu,
Cuối trời luân lạc vẫn tìm nhau.

 

Thung Lũng Hoa Vàng
Mùa mưa tháng ba 2011

30__natuan-large-content

Nguyễn Anh Tuấn

24 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25307)
Thôi thì tạm dừng ở chỗ cần phải dừng, để kỷ niệm tự nó sống dậy trôi chảy vào dòng máu và ẩn hiện bồng bềnh mông mênh trong tâm khảm,
10 Tháng Mười Một 2012(Xem: 24796)
vớt vầng trăng chết trên hồ cũ mai táng cùng ta-với-nỗi-buồn? Em vất vả trôi theo đời huyên náo Còn nhớ gì… thuở tháng bảy mưa ngâu.
10 Tháng Mười Một 2012(Xem: 30083)
Và như một thói quen không bỏ được, những hàng cây phượng vĩ trong ký ức luôn hiện hữu trong các câu chuyện tôi kể, vẫn rực rỡ như bao giờ.
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 10135)
Chuyện tình cảm thời đi học tuy lãng mạn nhưng nhẹ nhàng, có thể chấp nhận được, chứ những chuyện tình nho nhỏ thời đi lính nếu dại dột kể ra, chắc chắn không yên thân đâu.
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 11515)
Tôi về dẫn theo hồn tôi lạc phong phanh như thể chiếc áo nhầu tóc xưa đã trở màu - thiên lý hỏi người còn có nhận ra nhau?
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8921)
Bao nhiêu nước mắt-nụ cười Bao nhiêu tiếc nuối - ngậm ngùi chưa vơi Ngô Quyền ơi… Ngô Quyền ơi... Làm sao em giữ một thời đã qua?
07 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8035)
Điều sau cùng, tôi muốn nói là chúng ta nên cảm ơn Thượng Đế đã tạo ra quả đất tròn. Nhờ đó, chúng ta mới có dịp gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách để sống lại những kỷ niệm mà suốt đời chúng ta không thể nào quên.
06 Tháng Mười Một 2012(Xem: 27294)
vì Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.
06 Tháng Mười Một 2012(Xem: 114043)
Tôi xa người, buồn như tiếng ve Nỉ non vang trong gió trưa hè Tóc thôi bay, bờ vai nắng gội Nghiêng xuống đời, một bóng đơn côi!
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 28673)
Chung quanh tôi còn biết bao tình thương ràng buộc vây quanh mà ngẫu nhiên, người đầu tiên nhắc nhở cho tôi điều ấy khi tôi từ đường ranh sống-chết trở về chính là thầy Sái.
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8026)
Ngày nay cả Thầy và trò cùng nghỉ hưu trên đất người, cách xa quê hương nửa quả địa cầu; và nhớ, viết bằng khung cảnh ngôi Trường Ngô Quyền chỉ còn trong ký ức.
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 8388)
Xa nhau mang nỗi nhớ mong Ngô Quyền hình ảnh phượng hồng còn vương Biên Hòa phố nhỏ giọt buồn Mái đầu trắng điểm cầu sương mây ngàn
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 26472)
Nghĩ về một thời tuổi trẻ băn khoăn Là thấy lại phía Tây ngôi trường cũ In dấu chân ai xanh bìa vạt cỏ Hạt cát dãi dầu đau gót guốc cao
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 24677)
Thầy Cô ơi! Bạn bè ơi! Xin giữ cho tôi những kỷ niệm vàng son mà tôi đang giữ dù mai nầy dòng đời tiếp tục chia xa!
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 22907)
Tôi xa Ngô Quyền đã từ lâu Tóc xanh giờ cũng đã phai mầu Nhớ cô tôi bước đi trong nắng Thấy áo lam che mát mái đầu.