Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - BÊN GIÒNG ĐỒNG NAI

02 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 25103)
GS. Huỳnh Công Ân - BÊN GIÒNG ĐỒNG NAI

Bên dòng sông Đồng Nai


 Bút ký GS Huỳnh Công Ân

 Mến tặng BS Nguyễn Hồng Đức

 

Làm trai cho đáng nên trai,

Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng

 (Ca dao)

 

 28__thay_huynhcongan-content

GS Huỳnh Công Ân

 

Tuy sống và trưởng thành ở đô thành Sài Gòn chỉ cách Biên Hòa có 30 cây số, nhưng mãi đến năm 1969, tôi mới làm quen với thành phố này nhân được thuyên chuyển về trường Ngô Quyền dạy học.

Đối với tôi, Biên Hòa như các tỉnh lỵ khác, rất nhỏ so với Sài Gòn nhưng so với thị xã Trà Vinh, nhiệm sở trước đó của tôi, thì phồn thịnh, náo nhiệt hơn. Mỗi tuần hai lượt đi về bằng chiếc xe lambrettwist (tên gọi chiếc xe lambretta hai bánh để phân biệt với xe lambretta bốn bánh chở khách) theo ngã xa lộ, rẽ trái ở ngã ba Tân Vạn, rồi rẽ mặt lên cầu Gành để vào thị xã Biên Hòa và ngược lại. Quang cảnh thường gặp mỗi lần đi, về đó thường là những tai nạn lưu thông khủng khiếp trên xa lộ độc nhất của Việt Nam thời đó (sau này có thêm xa lộ vòng đai Đại Hàn), hay cảnh xe cộ chạy lộc cộc, chầm chậm trên những tấm ván của cầu Gành, hoặc đôi khi phải dừng chờ xe lửa ưu tiên qua cầu.

Về sau, lười lái xe, mỗi sáng thứ hai, tôi đi xe ôm ra nhà ga xe lửa Sài Gòn để đáp xe lửa lên Biên Hòa rồi đi bộ từ ga Biên Hùng đến trường Ngô Quyền. Cuối cùng, khi người bạn đồng môn Trần Thái Hùng đổi về Ngô Quyền, tôi quá giang lambrettwist của anh ấy theo ngã quốc lộ 1. Như vậy tôi đã bao lần đi qua dòng sông Đồng Nai nhưng dòng sông này chỉ gây “ấn tượng” với tôi khi tôi trở lại quân đội năm 1972, làm đại đội phó đại đội 463 thuộc tiểu khu Biên Hòa, trấn giữ cầu Đồng Nai trên xa lộ Biên Hòa.

Thời gian làm lính giữ cầu Đồng Nai ở Biên Hòa trong hai năm 72 và 73 để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Những lần dẫn quân đi hộ tống các đoàn xe chở đạn dược hay tân binh đi Dầu Giây, Phú Mỹ, Bà Rịa, Cát Lái hay Tân Uyên tuy không lần nào chạm địch nhưng tôi như sống lại giai đoạn hào hùng khi nắm một trung đội tác chiến của tiểu đoàn 3, trung đoàn 16, sư đoàn 9 bộ binh vẫy vùng trong các cuộc hành quân từ Sa Đéc, Vĩnh Long đến Trà Vinh 4 năm trước đó. Một lần tôi đã gây binh biến khi đụng chạm với xã trưởng Tân Vạn Nguyễn Thành Đ., em của nữ dân biểu Nguyễn Thị L.. Tôi dẫn bốn thằng đệ tử bắn vào trụ sở xã Tân Vạn. Xã trưởng Đ. ra lệnh toán nghĩa quân giữ cầu Bà Lồ đóng cầu để chúng tôi không thể rút về cầu Đồng Nai được. Khi được tin, đại úy đại đội trưởng của tôi điều đình với xã trưởng Đ. để tôi dẫn lính an toàn trở về đại đội. May mắn, không có ai thương vong trong vụ này. Dĩ nhiên sau đó ngoài việc bị xếp trực tiếp mắng mỏ, tôi còn lãnh 15 củ (15 ngày trọng cấm) của Tiểu Khu Biên Hòa. Tôi nghe kể lại ngày hôm sau, khi đại tá Tỉnh Trưởng gặp dân biểu L. hỏi thăm tình hình an ninh ở xã Tân Vạn thì bà L. trả lời rằng có ông thiếu úy cầu Đồng Nai quậy suốt đêm trước làm dân trong xã phải nằm ngủ dưới đất. Đại tá Tỉnh Trưởng nói: lại là thiếu úy Ân thầy giáo đó mà, tôi sẽ tính với anh ta. Sau này nghĩ lại tôi thấy thời tuổi trẻ mình quá hiếu thắng, quá bậy bạ.

Đôi khi, tôi và các sĩ quan trong đại đội xách theo một chai Hennessy, lấy ca nô chạy qua Chợ Đồn cập vào cầu jeté của một nhà hàng ven sông Đồng Nai, lên làm một chầu nhậu với món đầu cá lóc hấp nổi tiếng ở đây. Thỉnh thoảng tôi cùng các bạn đồng đơn vị lái chiếc Dodge 4 đi ăn đồ Tây ở quán La Plage gần bờ sông Đồng Nai hay ăn đồ Tàu ở nhà hàng Hạnh Phước ở Ngã Ba Thành hay vào các bar Mỹ ở công trường Sông Phố uống Whisky pha Coke thi với lính Mỹ. Thường ngày nếu không có công tác, tôi cho lính đi ca nô qua Bến Gỗ mua tôm về nướng để uống bia với các bạn đồng ngũ, cùng lúc đánh bi da cá độ tại câu lạc bộ của đại đội, ai thua phải trả hết chi phí.

Một lần đi hộ tống đoàn xe chở tân binh của tiểu khu đi thụ huấn ở quân trường Vạn Kiếp, chúng tôi dừng quân ở Phú Mỹ để chờ đoàn xe trở về. Tôi cho đóng quân ở nhà lồng chợ Phú Mỹ. Sau khi uống vài chai bia với các đệ tử, tôi giăng võng nằm ngủ. Tôi chợt tỉnh giấc vì có tiếng đàn, tiếng hát gần bên. Thì ra đó là ban văn nghệ của ty Dân Vận và Chiêu Hồi tỉnh Phước Tuy đang trình diễn văn nghệ cho dân chúng xã Phú Mỹ xem. Dịp này tôi làm quen và xin địa chỉ của một cô ca sĩ khá đẹp của ban văn nghệ này.

Sau đó, trong lần đi công tác ở Bà Rịa, tôi ghé nhà thăm cô ca sĩ hôm trước. Cô ta hứa hôm nào ghé cầu Đồng Nai thăm tôi. Trước khi tôi ra về cô ta đã làm tôi sửng sốt khi nói muốn nhờ tôi giúp cô một việc. Cô nói rằng cô yêu một nam ca sĩ ở chung ban văn nghệ, nhưng gia đình không bằng lòng. Cô muốn nhờ tôi giả đi hỏi cưới cô để cô có thể thoát ly gia đình về với anh chàng ca sĩ kia. Thật oái oăm, mình bị cô ta chọn làm vật thế thân. Tôi dùng kế hoãn binh vì sợ từ chối hẳn thì cô ta sẽ thất vọng nên nói để suy nghĩ lại.

Bẵng đi vài tháng, một hôm khi đi công tác về thì được lính báo có một cô đang chờ trong phòng của tôi. Bước vào phòng, tôi nhận ra đó là cô ca sĩ ở Bà Rịa. Nhưng tôi bỗng giật mình vì thấy cô ta đang mang bầu. Chẳng lẽ Quít làm mà Cam phải chịu sao? Cô ta tươi cười chào tôi, nói là đã có bầu bốn tháng và còn đưa một quả trứng ngỗng cho tôi xem nói là trước đó vì chờ tôi đến trưa mà tôi chưa về nên cô ra một quán ăn ở ngã ba Tân Vạn ăn cơm. Bà chủ quán thấy cô có bầu nên tặng cô quả trứng ngỗng nói là cô cầm lấy để sau này sinh nở tốt đẹp. Cô ta nhắc lại việc nhờ cậy lúc trước và còn nói rằng nếu nhận lời sẽ tổ chức đám cưới ngay. Lần này tôi không thể làm “anh hùng cứu mỹ nhân” được nên dứt khoát từ chối. Thấy cô ta thất vọng từ giã ra về tôi cũng bùi ngùi nhưng đành vậy vì tôi không thể hy sinh tương lai của mình cho một người mới quen.

Sau này trở lại nghề thầy giáo ở Ngô Quyền lần thứ hai, tôi vẫn được xếp giờ vào hai ngày đầu tuần để những ngày còn lại dạy trường tư ở Sài Gòn. Hai bữa trưa và một bữa tối ở lại Biên Hòa, tôi và Hùng thường đến ăn ở quán Bình Dân gần sân vận động hay quán Thu Hà đường Phan Đình Phùng). Đặc biệt quán Thu Hà nổi tiếng không phải chỉ có nhờ hai món canh chua và cá kho tộ thật ngon mà còn vì nơi đó có hai giai nhân, con ông chủ quán. Buổi trưa, sau bữa cơm Hùng chở tôi về nghỉ trên một bộ ván ngựa mát lạnh trong căn nhà của người cô của Hùng ở ngã ba Vườn Mít. Còn buổi tối, khi thì tôi ngủ nhờ nhà ông anh họ ở trước cổng phi trường Biên Hòa, khi thì tôi về nhà trọ của anh Lê Quý Thể để xem các thầy đánh mạt chược (những đêm đó thì hầu như tôi thức trắng đêm). Về sau tôi còn “tranh thủ” đêm ở lại Biên Hòa nhận lời mời dạy cours luyện thi Toán của anh Nguyễn Thành Dũng (ông vua dạy cours của Biên Hòa) tại trường tiểu học Nguyễn Du . Đầu niên khóa 74-75, tôi mở lớp riêng dạy kèm Toán, Lý cho một nhóm học sinh tại căn phòng trống trong một cao ốc trước cho lính Mỹ thuê. Chủ căn phòng đó là một người Pháp đã ở lại Biên Hòa sau khi đội quân viễn chinh Pháp hồi hương . Ông ta lấy vợ Việt và lập nghiệp ở đây luôn. Tôi và ông ta chỉ gặp nhau một lần lúc được một học sinh giới thiệu để tôi thuê phòng của ông. Sau đó tôi và ông liên lạc bằng những mẩu giấy nhắn tin bằng tiếng Pháp để trong hộc bàn. Kể cả tiền thuê phòng trả cho ông ta, tôi cũng để trong hộc bà . Đầu năm 75, dù tôi được thuyên chuyển về Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng ở quận 5, Chợ Lớn tôi vẫn chạy xe lên Biên Hòa tiếp tục dạy cours đó đến ngày miền Nam mất.

Lúc làm việc tạm thời ở Nha Học Chánh (sau đổi thành Ty Giáo Dục) Biên Hòa trong khi chờ sắp xếp đứng lớp lại, qua giới thiệu của vài vị làm chung sở vì biết tôi còn độc thân, tôi làm quen được với cô H., con gái của một ông trước đây đứng đầu ngành Tiểu Học ở tỉnh. Những tưởng mình sẽ làm rể cho Biên Hòa, nhưng không ngờ khi đổi về Sài Gòn tôi bị “coup de foudre” với một cô nữ sinh trường Tây, sau này là bà xã của tôi, nên tôi mất đi “quốc tịch” Biên Hòa khi bắt buộc tự rút lui trước để không làm phiền toái người đẹp Biên Hòa .

Vài ngày trước khi miền Nam thất thủ, từ Sài Gòn, tôi lên Ty Giáo Dục Biên Hòa để lãnh lương. Vì trễ xe lửa tại ga Sài Gòn, tôi thuê xe ôm chạy đuổi theo, đến ga Hòa Hưng lại trễ, đến ga Phú Nhuận, trong khi chờ đợi xe đến, tôi đến nhà Nguyễn Phi Long để rủ anh ấy cùng đi lãnh lương. Nhưng Long cho biết anh ta ở nhà để di tản sang Mỹ cùng ông anh là Đại Úy.Tôi phì cười, nói với anh ta là chiến tranh sắp chấm dứt, đi làm gì. Sau này, 3 năm cải tạo và 8 năm kẹt lại ở Việt Nam đã làm tôi thấm thía sự ngây thơ của mình.

Trước ngày lên đường cải tạo, tôi lên thăm thành phố Biên Hòa đã đổi chủ. Trong cảnh nhà không, đường trống tang thương của thủ phủ miền Đông, tôi có gặp một vài người lính của tôi, họ vẫn kêu tôi là trung úy. Tôi nhẹ nhàng bảo họ gọi tôi bằng anh là được rồi. Nhưng hôm đó tôi không gặp một học sinh cũ nào của tôi trên đường phố. Tôi tự hỏi, không biết khi tôi gặp họ thì họ có gọi tôi là “đồng chí thầy” như một nữ sinh trường tư ở Sài Gòn đã gọi tôi như vậy vào ngày 1-5-1975 tại ngôi trường mà tôi từng dạy và cô ta từng học.

Sau khi “tốt nghiệp” đại học cải tạo, và sau một chuyến vượt biên thất bại, năm 1983, tôi có trở lên Biên Hòa bằng xe đạp, vào xã Long Bình, bên hông của cầu Đồng Nai, đến lò gạch của đại úy đại đội trưởng cũ của tôi để thăm ông ta, nhưng ông ta đi vắng, chỉ còn bà vợ ở nhà. Tôi đạp xe vào thị xã, ngơ ngác trước một Biên Hòa và một trường Ngô Quyền xa lạ .

Mãi đến năm 2008, sau hơn 20 năm làm thân viễn xứ, nhân chuyến trở về Việt Nam thăm mẹ già, tôi và vợ tôi đi lên Biên Hòa tìm lại những hình ảnh cũ. Thành phố phồn thịnh, đông đúc hơn ngày xưa nhiều lần nhưng tôi thấy mất đi vẻ đáng yêu của một thành phố nhỏ ven bờ sông Đồng Nai ngày nào. Tôi không còn tìm được dấu vết nào của một nơi tôi từng gắn bó sáu năm trời trong nghiệp văn cũng như võ. Nhà cửa xây cất cao hơn, ở mặt tiền đường, các cửa hàng đủ loại chen chúc với các bảng hiệu đầy màu sắc trông mệt mắt. Xe gắn máy nổ ầm ầm, xịt khói mù mịt, giành nhau chạy trước. Cảnh tượng này tôi đã chán ngấy tại Sài Gòn lại được sao y tại đây. Trong số những người qua đường, chắc hẳn cũng có học trò cũ của tôi, nhưng hơn 30 năm tôi rời xa nơi đây làm sao chúng tôi còn nhận ra nhau? Tôi chỉ đành đến trước cổng trường Ngô Quyền nhờ vợ tôi bấm cho vài bức ảnh tôi và mái trường xưa.


28__ben_giong_dn-1-large 

Trước ngôi trường xưa

Cuối năm 2009, tôi nhận được một email của Nguyễn Hồng Đức, bác sĩ chuyên khoa lồng ngực cho biết là học trò cũ của tôi, anh nhờ xem trang web của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền mới biết tôi đang ở Montreal, Canada . Anh nói anh đã từng dự hội thảo quốc tế các bác sĩ chuyên khoa lồng ngực tại nơi tôi ở nhưng không biết tôi ở đó để đến thăm. Tôi viết email trả lời và hỏi anh ở tiểu bang nào của Mỹ. Anh email trả lời anh ở Việt Nam và làm việc tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Sài Gòn.

Thế là đầu năm 2010, khi tôi về Việt Nam thì Đức hẹn tôi để đem xe hơi đến đón vợ chồng tôi đi lên Biên Hòa chơi. Anh chở tôi đến nhà của anh Trần Trung Thu học cùng lớp. Thu không nhận ra tôi, hơi ngạc nhiên khi gặp tôi nên nói chào anh. Đức nhắc: “Đây là thầy Huỳnh Công Ân, dạy Toán lớp tụi mình”, Thu mới nhớ ra . Thật ra gần 40 năm đã qua, những cậu học trò tuổi 16, 17 và ông thầy trẻ ngoài 20 lúc đó, bây giờ thì cũng đã thành những ông già trên dưới 60, nếu gặp ngoài đường làm sao nhận ra được. Thu đã từng nối nghiệp giáo sư Toán của tôi nhưng sau này để thích ứng với xã hội mới, anh đổi nghề và hiện nay làm đại lý thuốc Tây, có vẻ khấm khá lắm.

Thu gọi điện thoại cho một số bạn học cũ báo tin có tôi về thăm Biên Hòa, không quên gọi họ đến nhà hàng Hoài Cổ bên bờ sông Đồng Nai họp mặt. Thu và hai vợ chồng tôi lên xe của Đức đến nơi hẹn. Một lúc sau, mọi người lần lượt đến.

 

28__bengiong_dn-2-large

Thu, Đức và cô, thầy Ân

Qua sự giới thiệu của Đức và Thu, tôi gặp lại Trần Thành Lập, Nguyễn Phùng Phước và một số học sinh cũ khác mà tôi không nhớ tên. Riêng Phước ở Mỹ về và là rể của quán ăn Thu Hà. Anh nầy, dù ngày nay đã lớn tuổi nhưng vẫn còn nét đẹp trai, hèn gì đã lọt vào đôi mắt xanh của giai nhân quán Thu Hà. Tôi còn được biết Phước là một võ sư. Còn Trần Thành Lập được coi là liên lạc viên của nhóm.

Thầy trò có biết bao chuyện để hàn huyên sau 40 năm vật đổi, sao dời . Chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống. Có những mẩu đời thành công như Đức và Thu. Có mẩu đời bay bướm, hào hoa như Phước. Có những mẩu đời thăng trầm như Lập và tôi. Chúng tôi đã ghi lại hình ảnh cuộc gặp gỡ này bằng máy ảnh.

28__bengiong_dn-3-large

Học sinh cũ của TH Ngô Quyền


Nếu không liên lạc được với Đức thì tôi không có cuộc hội ngộ này và cũng như hai lần trở lại Biên Hòa trước đây, tôi vẫn là kẻ lạc lõng giữa một thành phố Biên Hòa đổi khác. Tôi cảm thấy ấm lòng vì trong buổi hoàng hôn của cuộc đời, tôi tìm lại được sự nồng ấm của tình thầy trò. Trong một xã hội băng hoại về mọi mặt hiện nay, những người học trò cũ của tôi vẫn còn giữ được tinh thần tôn sư trọng đạo. Điều này khiến tôi nghĩ rằng mình đã không sai lầm khi chọn nghề dạy học.


28__bengiong_dn-4-large 

Hội ngộ bên dòng sông Đồng Nai

Tôi nhìn ra dòng sông Đồng Nai. Không như hệ thống sông rạch trong khu vực thành phố Sài Gòn đen ngòm vì bị ô nhiễm nặng nề, nước sông Đồng Nai vẫn xanh ngắt. Nước lững lờ trôi như thách đố với sự thay đổi chung quanh. Hình dáng chiếc cầu Gành gần đó có vẻ y như xưa chứ không như cầu Đồng Nai đã thay đổi khiến mỗi lần ngồi xe đò đi qua mà tôi không nhận ra.

Gió từ phía sông thổi đến làm tôi thấy thoáng mát, không như không khí ngột ngạt, nóng bức ở Sài Gòn mà người sống ở xứ lạnh Canada như tôi không chịu đựng nổi. Đây là một buổi chiều đáng nhớ nhất trong những ngày cuối năm âm lịch trong chuyến về Việt Nam năm 2010 của tôi.

Montreal- Canada, cuối thu 2010

GS Huỳnh Công Ân

03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 22867)
Tôi xa Ngô Quyền đã từ lâu Tóc xanh giờ cũng đã phai mầu Nhớ cô tôi bước đi trong nắng Thấy áo lam che mát mái đầu.
03 Tháng Mười Một 2012(Xem: 49770)
Tùy bút “Học Trò Già”, được viết vào đầu năm 1973, là một trong những bài văn chưa từng đăng báo...
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 25342)
Viết phác họa lại một vài nét của nhà giáo cầm phấn trên bục giảng và rồi cầm bút viết văn, người viết bài này thấy rằng đó vẫn là những vai trò cao quý nhất mà một xã hội cần phải có ở thời điểm 20 năm miền Nam và cả bây giờ.
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 22912)
Bao năm qua, bao mùa Phượng vĩ Người xưa đây, cảnh cũ giờ đâu? Phượng bay bay, xác Phượng héo sầu Và mơ mãi về chân trời cũ…
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 21831)
Ngô Quyền trường cũ còn nguyên đó Bè bạn ngày xưa lạc chốn nào? Tiếng ve nức nở sầu nhung nhớ Cánh phượng mưa chiều đọng giọt đau!
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 7560)
... có tài chỉ là một trong số hằng hà sa số mà các CHSNQ đã đạt được ở khắp mọi nơi trên thế giới về mọi lãnh vực và tôi tự nghĩ các CHSNQ giỏi quá rồi, còn nhắn nhủ gì nữa...
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 20700)
Ngô Quyền, xứ Bưởi mến thương ơi, Thế nước xa xôi cách trở rồi Ta vẫn tâm tâm, ta vẫn nguyện Nhà nhà vang tiếng trẻ ca vui.
02 Tháng Mười Một 2012(Xem: 19384)
Ở đó có bạn trai quần xanh áo trắng Bạn gái dịu dàng tóc thả bay bay Có hàng thùy dương vươn cành che nắng Có lá vàng bay rụng giữa chiều phai.
26 Tháng Mười 2012(Xem: 9103)
Tôi rời thành phố Đà Lạt thơ mộng của những năm 40, với bao nhiêu kỷ niệm, vui có, buồn có, tất cả đều được gìn giữ như những bảo vật mà tôi tiếp nhận được trong những năm tháng thơ ngây của tuổi học trò.
25 Tháng Mười 2012(Xem: 8135)
Bước chân chim đưa ta về thơ dại, Em có mơ những ngày tháng Ngô Quyền? Mộng trắng trong và áo trắng trinh nguyên, Chiều tan học nắng vàng say Quốc Lộ.
25 Tháng Mười 2012(Xem: 8494)
Công cha, nghĩa mẹ ơn thày, Ghi tâm khắc cốt sau này chớ quên. Du Xuân hái lộc cầu hên, Người người hạnh phúc, dưới trên an hòa.
25 Tháng Mười 2012(Xem: 8513)
Những ký ức đầu tiên của tôi vào cái năm lên bảy ấy đã theo tôi trong suốt cuộc hành trình “ba chìm bảy nổi”… cho đến tận hôm nay, vào cái tuổi “cổ lai hi”, gần đất xa trời.
25 Tháng Mười 2012(Xem: 10883)
Những kỷ niệm cũ đơn lẻ được tập hợp và kết tinh lại trong một cõi vô hình mà tôi gọi là Hồn Lớp Cũ Trường Xưa. Đó là cái hồn mà tất cả học trò trong lớp của chúng tôi đều ôm ấp trong suốt đời mình!
24 Tháng Mười 2012(Xem: 8231)
Bài thơ dưới đây trích trong lá thư của Cô đã gửi tặng cho một học trò cũ, chỉ 1 tháng trước khi Cô qua đời mà chắc rằng Cô và người học trò cũng không ngờ đây là bài thơ cuối cùng của Cô
24 Tháng Mười 2012(Xem: 10930)
Những lần gặp nhau, tôi và các bạn của tôi vẫn nhắc vẫn nhớ “dáng Thầy đi, giọng Thầy nói, tiếng Thầy cười…” cho dù Thầy đã bình yên về chốn vĩnh hằng mười sáu năm qua …