Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Người Xứ Bưởi - ... từ Ngô Quyền đến giải túc cầu World Cup 2014 (4)

13 Tháng Bảy 201410:02 SA(Xem: 14658)
Người Xứ Bưởi - ... từ Ngô Quyền đến giải túc cầu World Cup 2014 (4)
Phiếm Luận …… Trong Tuần
Người Xứ Bưởi
13 tháng 7 / 2014


0-WC2014

... từ Ngô Quyền đến giải túc cầu World Cup 2014 (4)
Trước trận chung kết: Ai thắng ai bại ?
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là trận chung kết giải túc cầu World Cup 2014 bât đầu . Sau 4 năm chờ đợi và hơn một tháng trời mê ... mệt thưởng thức nghệ thuật " nhồi bóng " của những anh hào từ bốn phương tụ về , giới mộ điệu sẽ chứng kiến giây phút " đăng quang " của đội banh lên ngôi bá chủ túc cầu thế giới .
Trước trận chung kết hứa hẹn đầy hấp dẫn này , ôi biết bao nhiêu " bình loạn mao tôn cương " đã viết ra mà đọc hoài không hết . Đặc biệt nhứt , mổi người trong hàng tỷ khách mộ điệu túc cầu trên thế giới đều " nhấp nhỏm " đưa ra lời tiên đoán hội tuyển nào sẽ đoạt cúp vàng .
Một bạn hiền (loại " độc " giả) có cắc cớ hỏi người viết rằng lần World Cup trước vào năm 2010 có viết " tiên đoán " trúng trận chung kết , mà sao lần này vẫn chưa " nhúc nhích " gì hết vậy ( click xem Nguồn 1 ở dưới bài ) .
Sự thực là kỳ này đội banh " yêu quý " của bản thân được vào trận chung kết thì làm sao có thể " khách quan " tiên đoán được . Mà không khách quan thì khó mà trúng được . Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy trang NQ rất được nhiều " khách lạ " tới thưởng thức ké . Bài viết tiên đoán trận chung kết kỳ trước có đến xấp sĩ 189719 độc giả xem . E rằng rất nhiều người " để ý " như vậy chỉ vì muốn chơi ... cá cược .
Mà đoán sai thì biết đâu có người " dại dột " tin theo , thì ...." mất cả chì lẫn chài " .
Tuy nhiên để chiều ý thử ( có thử mới biết chớ ! ) xem sao .
Theo quan điểm Tây Phương dựa hoàn toàn theo khoa học : có chứng minh được thì mới … được chấp nhận .
- Trong qua trình tranh giải World Cup cho Hội Tuyển Đức và Á Căn Đình có sở trường khác biệt nhau rỏ rệt : Đức thì công rất giỏi đá vào tung lưới kỷ lục nhiều nhứt ( đá vào 17 quả và 4 quả bị lũng lưới ) , còn Á Căn Đình thì thủ rất giỏi nên chỉ bị đá vào gôn ít nhứt ( đá vào 8 quả và 3 quả bị lũng lưới ) . Tỷ số giửa bàn thắng & bại cho thấy Đức có ưu thế hơn .
- Á Căn Đình chỉ thắng các trận rất khít khao với cách biệt 1 quả mà thôi . Có 2 lần phải đá thêm hiệp phụ , 1 lần phải đá luân lưu Penalty và 1 lần suýt thua . Còn Đức đều lướt qua rất dễ dàng và nhiều lần đã thắng rất cao ( thắng Portugal 4:0 hoặc thắng Ba Tây 7:1 )
- Giống như Ba Tây và một vài nước Nam Mỹ khác , Hội Tuyển Á Căn Đình bị " lệ thuộc “ khá nhiều vào một vài cầu thủ xuất sắc ( như Messi ) nên dễ bị đối thủ " kiềm chế " . Còn Hội Tuyển Đức thì hầu hết cầu thủ giỏi " ngang cơ nhau " , nên đối thủ rất khó chống đỡ và khá nhiều cầu thủ Đức đã " đá tung lưới " . Đây là lợi thế quan trọng nhứt của Đức
- Bên cạnh đó Đức có thể lực rất mạnh & dẻo dai ( mệnh danh là xe tăng ) phù hợp cho một giải kéo dài cả tháng . Trong khi đó Á Căn Đình nghỉ dưỡng sức từ bán kết đến chung kết thua 1 ngày so với Đức . Một ngày nghỉ thêm này có thể là lợi điểm then chốt , nhứt là nếu trận chung kết phải kéo dài thêm 2 hiệp phụ nữa
Về phía Đông Phương ngoài ra còn phải để ý đến những yếu tố " sinh khắc " khác nữa . Cho nên Ông Bà mình thường chú ý đến chuyện " hợp tuổi , khắc khẩu ... " .
- Nhìn lại Hội Tuyển Đức đã 2 lần đoạt giải vào năm Ngo. : 1954 ( Giáp Ngọ ) và 1990 ( Canh Ngọ ). Điều này cho thấy Đức rất hợp với năm Ngọ.
Tại sao vậy ?
Phân tích kỹ thì dân tộc Đức nổi tiếng sãn xuất các sản phẩm bằng kim loại . Thí dụ xe tăng , xe hơi , đại bác , cơ xưởng , thép ... Dân Đức thích sống trong kỷ luât " thép " . Rỏ ràng nhứt là màu áo Hội Tuyển Đức là màu trắng . Đó chính là biểu tượng cho Mạng " Kim " . Bởi vậy mạng Kim gặp năm Kim ( Giáp Ngọ ) rất tốt thì chắc phải thành công .

4-WC2014- Germany

Còn dân tộc Á Căn Đình nổi tiếng với chăn nuôi bò và canh nông nên rất cần nước . Chung quanh Á Căn Đình toàn là biển mênh mông và quốc kỳ cũng như màu áo Hội Tuyển đều xanh dương . Đó là biểu tượng của Mạng " Thủy " . Theo luật Ngũ Hành thì " Kim sinh Thủy " . Giống như Mẹ sinh Con , cho nên Mạng Kim trên cơ Mạng Thủy ( xem Nguồn 2 )
4-WC2014-A Can Dinh

Xét lại những cuộc tranh tài 24 năm gần đây Đức luôn luôn thắng Á Căn Đình : tại World Cup 1990 (trận chung kết 1:0 ) , World Cup 2006 ( trận tứ kết đá luân lưu Penalty ) , World Cup 2010 ( trận tứ kết 4:0 )
Tóm lại , nếu xét cả 2 mặt : hay và hên , thì Hội Tuyển Đức đều hội đủ ưu thế và có hy vọng đến 90 % sẽ đoạt giải vô địch túc cầu thế giới kỳ này .
Chỉ còn 10 % có thể gặp trở ngại . Đó là mạng tuổi của Huấn Luyện Viên Đức - ông Löw - có " hợp " hay lại cản trở như 8 năm qua 2 giải Euro 2008 & 2012 và 2 giải World Cup 2006 & 2010 . Đáng chú ý là Hội Tuyển Đức trong các giải này đá rất hay và mọi người tin chắc Đức sẽ đoạt giải . Nhưng ai ngờ đâu , HLV Löw " trở quẻ " vào giờ chót cho đổi nhân sự & chiến thuật bất ngờ khiến Hội Tuyển Đức thua đau đớn ( thí dụ thua Ý bất ngờ 1:2 trong giải Euro 2012 ) .
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa xem sự thực ra sao !
Người Xứ Bưởi
13/7/2014
Nguồn 1:
Nguồn 2:
----------------------
Phụ đính 1

Từ giã người tình World Cup 2014

Văn Quang – viết từ Sài Gòn (10/07/2014)
4-WC2014-Brazil weinen
Giọt nước mắt này đã nói lên tất cả nỗi đau của người dân Brazil.

Bạn đã xem xong hai trận bán kết giữa bốn đội tuyển được coi là mạnh nhất World Cup năm nay và mỗi bạn đọc đã có thể nhận định được đội nào có hy vọng là nhà vô địch. Đôi khi trái tim và trí óc đối nghịch nhau. Bạn thích Đức nhưng lại thấy Brazil đá hay hơn nên đành phải nhận định là Brazil thắng. Chuyện đó cũng thường xảy ra với rất nhiều người qua nhiều trận đấu khác. Nếu bạn không cá cược, chẳng có gì buồn.
Trước mặt chúng ta còn hai trận đấu nữa. Nhưng thực ra chỉ có một trận đáng xem và ai cũng phải xem, đó là trận tranh chức vô địch vào ngày cuối cùng của World Cup ngày 14-7 (giờ VN, còn ở California là trưa Chủ Nhật 13-7). Còn trận tranh hạng ba, chẳng có gì quan trọng. Đến ngay các cầu thủ cũng chẳng thú vị gì với cái “thứ hạng ba hay hạng tư” này.
Chúng ta đã thấy, các cầu thủ then chốt của bóng đá Pháp với bộ tứ tiền vệ do Michel Platini cầm đầu như Jean Tigana, Trezegue từng ngồi ngoài coi chơi trong trận tranh hạng ba World Cup. Họ đã thẳng thừng tuyên bố, “Chúng tôi đến đây để tranh giải vô địch chứ không phải trận này.” Như thế thì khán giả còn vui cái nỗi gì.
Tuy vậy, trận tranh hạng ba lần này đáng xem hơn vì Brazil phải chứng tỏ được một điều gì đó, dù là cái huy chương đồng, để ít nhất đền bù cho khán giả nhà một chút an ủi. Chúng ta đợi xem họ chơi như thế nào.
Còn trận tranh ngôi vô địch giữa Đức và Argentina khán giả khắp hành tinh đón đợi nữa là hết World Cup 2014. Dù cho đội nào vô địch thì cũng mang đến cho chúng ta một niềm vui và sau đó là nỗi buồn sâu hơn, thấm hơn vì phải từ giã những đêm hội tưng bừng đã đưa chúng ta đến với những cảm xúc tuyệt vời. Trước khi nói đến chuyện ai sẽ là nhà vô địch năm nay, chúng ta hãy cùng nhận định về hai trận bán kết vừa qua.

Trận chung kết sớm
Trận Đức - Brazil, rất tiếc hai đội này đã không thể gặp nhau ở chung kết. Nhưng thật sự đã được người hâm mộ mong đợi nhất trong kỳ World Cup này. Rất nhiều người cho rằng đây là một trận chung kết sớm, đội nào thắng trận này cũng sẽ là đội vô địch. Bởi xét về tài nghệ hai đội Hòa Lan và Argentina khó qua mặt được Brazil và Đức, tôi cũng đã nghĩ như vậy.
Trận bán kết 1 giữa Brazil - Đức được chờ đợi sẽ làm nên một cuộc so tài đỉnh cao, cân bằng, khốc liệt, hấp dẫn, tương xứng với tầm vóc của hai đội tuyển đang có tới tám chiếc Cup vàng thế giới và là hai ứng cử viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch giải năm nay.

4-WC2014-Brazil knien
Kẻ thắng người thua trong trận bán kết Đức- Brazil.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra hoàn toàn trái ngược, ngay cả trong những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó có th ể hình dung ra. Thảm họa giáng xuống đầu Brazil ngay từ những phút đầu tiên khiến người xem bàng hoàng và tất cả người Brazil cùng phát khóc.
Brazil sụp đổ chóng vánh và để cho đối thủ mặc sức dày vò. Chỉ sau 29 phút thi đấu, Đức đã dẫn tới 5-0, và bốn trong số đó được ghi chỉ trong 6 phút, từ 23 đến 29. Sang hiệp hai, tiền đạo vào thay người Andre Schurrle lập một cú đúp, ở các phút 69 rồi 79, để nâng tỷ số lên 7-0. Bàn gỡ 1-7 của Oscar chỉ đến ở phút bù giờ thứ nhất hiệp hai giúp Brazil vớt vát lại danh dự trong trận cầu mà họ đã đánh mất tất cả.
Cơn ác mộng ở bán kết này đã tước của Brazil tất cả - suất dự chung kết, giấc mơ vô địch, kỷ lục của Ronaldo, và trên hết, niềm tự hào của nền bóng đá số một thế giới. Trận đấu “kỳ quái” này chắc sẽ được cả thế giới nói đến trong ít ngày tới và có thể trong rất nhiều năm sau nữa người Brazil không thể quên.

Bàn thắng hay quà tặng lịch sự của cầu thủ Đức
Khi Đức dẫn 4-0, ông Hồ Đăng Trí từ San Jose điện thoại về cho tôi với một vẻ “kinh ngạc” nhưng cú phôn chưa dứt ông ấy lại la làng “năm không rồi ông ơi.” Quả là nhanh như chớp, chỉ vỏn vẹn trong vài giây. Tưởng đã xong, ngờ đâu còn thêm 3 bàn nữa!
Ngay sau trận đấu, tôi đã gọi điện thoại nói chuyện với hầu hết bạn bè và chúng tôi cùng có chung một nhận định là người Đức đã lịch sự tặng Brazil và cho cả người dân Brazil một bàn gỡ danh dự ở vài phút bù giờ ngắn ngủi cuối cùng. Hàng phòng thủ của Đức chơi rất chặt chẽ từ đầu tới cuối trận, lúc đó họ không cần thêm bàn thắng nữa. Nhưng có một “mật lệnh” nào đó, họ đã để Oscar một mình thoát xuống đưa bóng vào lưới dễ dàng. Điều mà suốt trận không một cầu thủ Brazil nào làm được.
Tiền đạo tuyển Đức Miroslav Klose đã đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại các vòng chung kết World Cup với 16 bàn, vượt qua kỷ lục của Ronaldo (đã ghi 15 bàn).
Mặt khác, có nhiều bạn đọc đặt câu hỏi nếu Brazil không mất Neymar và Silva liệu Đức có thể thắng không? Nhìn vào lực lượng và lối chơi của toàn đội, có lẽ dù có Neymar và Silva, đội Đức vẫn thắng nhưng không dễ dàng nhanh chóng với tỉ số 7-1 quá đậm đến như vậy.

Những gì xảy ra sau trận đấu
Những giọt nước mắt đầm đìa trên các khuôn mặt các ông bà già, các cô gái xinh đẹp và những cậu bé Brazil đã nói lên tất cả. Ngay sau trận thua thảm, Tổng Thống Brazil Dilma Rousseff đã phải lên tiếng xin lỗi người dân. Huấn luyện viên Felipe Scolari của Brazil cũng xin lỗi người hâm mộ nước nhà và đứng ra nhận trách nhiệm về phần mình.
Trong khi đó, báo chí nước chủ nhà dìm đội tuyển xuống bùn đen. Tờ báo Folha de Sao Paulo thì giựt tít “Nỗi xấu hổ lịch sử” và bình luận “Brazil một lần nữa bị làm nhục ngay trên sân nhà.” Trang Globoesporte.com thì gọi đây là “Nỗi hổ thẹn của những nỗi hổ thẹn”...
Ngay sau đó những cảnh đập phá, cướp bóc đã diễn ra. Các fan quá khích đập phá ngoài đường, đốt trạm xe bus, đánh nhau với cảnh sát. Khán giả chạy tán loạn ở bãi biển Copacabana (Rio de Janeiro), nơi rất đông người theo dõi trận bán kết trực tiếp qua màn ảnh lớn. Một nhóm cướp có vũ trang manh động nổ súng tước đoạt tiền, trang sức và túi xách của khán giả khiến cảnh sát Brazil phải vào cuộc để ngăn chặn bạo loạn.
Người Brazil không chỉ chỉ trích các cầu thủ của họ mà còn lăng mạ cả Tổng Thống Dilma Rousseff, người đã chi $11 tỷ USD cho khâu tổ chức World Cup. Thất bại của Brazil như đổ thêm dầu vào lửa cho những cuộc biểu tình phản đối bà Rousseff từ năm ngoái, khi người dân đòi hỏi một hệ thống giáo dục và y tế tốt hơn từ chính phủ.
Một số người bày tỏ lo ngại sau World Cup, tình trạng biểu tình và ẩu đả sẽ trở nên mạnh mẽ hơn ở quốc gia Nam Mỹ.
Từ nay đến hết World Cup sẽ xảy ra những chuyện gì nữa đây?!
Tôi nghĩ không phải nói thêm về trận bán kết World Cup đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Xin chia buồn sâu sắc với nhân dân Brazil, một dân tộc yêu bóng đá nhất thế giới. Cũng xin chúc mừng tuyển Đức đã viết lên câu chuyện thần kỳ.

Trận bán kết thứ hai
Hai đội Argentina và Hòa Lan coi như cân bằng cân sức, rất khó đoán đội nào sẽ thắng. Theo thăm dò của trang Goal.com, tỉ lệ người dự đoán Argentina thắng là 47.8%, Hòa Lan thắng là 45.7%, số còn lại cho rằng sẽ hòa sau 120 phút thi đấu.
Đây là một trận cầu mang dáng dấp đại diện cả một châu lục khi đó là những đại diện ưu tú nhất cho Châu Mỹ (Argentina) và Châu Âu (Hòa Lan). Đã có lời nguyền rằng “Chưa một đội bóng Châu Âu nào giành được cup vàng tại Châu Mỹ.” Chúng ta hãy chờ xem lần này lời nguyền có được hóa giải không.
Bên cạnh tham vọng vô địch, trận bán kết giữa Argentina và Hòa Lan còn mang ý nghĩa quyết định danh hiệu cá nhân xuất sắc nhất World Cup 2014 giữa Lionel Messi và Arjen Robben. Nhìn lại những trận trước, cả hai cầu thủ này ngoài việc ghi bàn, những con số thống kê cũng cho thấy Messi và Robben là hai cầu thủ có ảnh hưởng lớn nhất đến lối chơi của toàn đội. Nhưng trước mắt, đội nào sẽ được vinh dự vào đấu trận chung kết với Đức, đó mơi là điều đáng nói.
Cải hai đội đã vào cuộc một cách thận trọng. Phải nói là họ quá thận trọng. Sự thận trọng ấy được nâng lên đến mức tối đa đến mức họ vừa đá vừa sợ thua. Ngay trong 45 phút đầu, mỗi đội chỉ tạo ra đúng một pha bóng nguy hiểm trước khung thành của nhau. Với Argentina phút 16 là cú sút phạt của Messi, bóng xuyên qua rừng chân cầu thủ nhưng lại đi đúng tầm đón của thủ môn Cillessen.
Còn Hòa lan, Wesley Sneijder lại kết thúc chệch cột từ pha cản phá bóng không thành công của hậu vệ Javier Mascherano phút 15. Trận đấu trở nên tẻ nhạt. Các đấu thủ “vờn” nhau như trò chơi cút bắt, bóng đưa lên rồi lại đá về, những đường chuyền sai, những cú sút vào chỗ không người... Dường như họ chỉ mong tiếng còi chấm dứt hiệp đấu.
Hòa 0-0 trong giờ đấu chính thức, đôi bên phải “kéo” nhau vào hai hiệp phụ và ở những phút cuối trận, Rodrigo Palacio bỏ lỡ liên tiếp hai cơ hội ghi bàn cho Argentina. Vẫn không giải quyết được thắng - thua, Hòa Lan một lần nữa phải thi đấu luân lưu 11 mét, lần này không có sự góp sức của “người hùng” Tim Krul như ở trận tứ kết vài ngày trước đó, bởi Hòa lan đã hết quyền thay người.
Chuyện thần tiên không xảy ra nữa cho Hòa Lan khi lần này, các chân sút của họ mới là người quyết định kết cục trận đấu. Thi đấu rất hay trong trận với vô số pha cản phá thành công Messi, Higuain hay Lavezzi nhưng trên chấm 11 mét, hậu vệ Ron Vlaar lại quá hiền với cú sút của mình, để cho thủ môn Romero cản phá. Loạt đá thứ ba, đến lượt Wesley Sneijder cũng bị Romero tung người đẩy vọt xà! Robben và Kuyt đưa được bóng vào lưới Romero nhưng vẫn chưa đủ cho Hòa Lan khi mà cả bốn chân sút của Argentina là Lionel Messi, Ezequiel Garay, Sergio Aguero và Maxi Rodriguez đều thực hiện thành công pha đá phạt của mình để đưa Argentina vào chung kết.
Chiến thắng ở bán kết đến với tuyển Argentina đúng vào dịp kỷ niệm 198 năm Ngày Độc lập của quốc gia Nam Mỹ này. Messi và đồng đội sẽ có cơ hội viết thêm trang sử mới cho bóng đá Argentina nếu giành được chức vô địch lần thứ ba vào ngày 13-7 tới đây. Họ thừa biết gặp một Đức hạ Brazil tới 7-1, khác hẳn với Hòa Lan. Trận đấu sẽ rất khó khăn, nhưng trong bóng đá chuyện bất ngờ nào cũng có thể xảy ra.

Nhận định của ông Hà Nguyên Phổ: Đức sẽ thắng với tỉ số 2-1
Thế là cũng may cho giới ghiền “xem bóng đá “ vì sẽ được theo dõi một trân đấu giữa hai châu (Nam Mỹ và Âu Châu), với hai lối đá khác nhau. Không có Brazil, không có Spain cũng được, cũng OK Salem !
Germany với lối tấn công rất đa dạng (vì ai cũng có thể làm bàn, từ Muller, đến Kroos, và Klose với 16 bàn thắng trong bốn kỳ), và cả cầu thủ phòng hờ Schurrie cũng ghi 2 bàn). Hàng giữa rất mạnh và sung sức. Hàng thủ không hay nhưng không dở, và thủ môn số một thế giới rất vững vàng và chắc chắn. Germany lại được lợi điểm là còn rất khỏe, và được nghỉ 5 ngày.
Argentina, với con chim én Messi, khó làm nên mùa Xuân vì những tay “phụ tá” Higuain, Aguero chỉ... chạy loanh quanh cho đời mỏi mệt, hay nói một cách bình dân là “xách xe chạy không.” Argentina có thể chưa phục sức sau hơn 120 phút tranh đấu với Netherland. Hàng trung ứng tầm thường, và mệt mỏi. Thủ môn mới, không biết ra sao.
Phân tích như thế thì ai cũng biết là HN Phổ tiên đoán là Germany sẽ bợ cúp Rimet, với tỷ số 2-1. Nhưng đã có nhiều bất ngờ từ đầu giải rồi, thêm một bất ngờ nữa ở trận chung kết này, cũng chẳng chết thằng Tây nào!
Tuy nhiên, nếu Đức thất bại trong trận chung kết thì chiến thắng “lịch sử” với Brazil cũng chẳng còn ý nghĩa gì! Các cầu thủ Đức đều hiểu như thế. Quyết tâm của họ còn cao hơn. (Hà Nguyên Phổ - 9 tháng 7, sau hai trận bán kết).

Nữ độc giả người Việt ở Đức lại cầu cho Brazil thắng
Gần đây tôi nhận được e-mail của một người bạn với cái tên Duong Hoang Dung, tôi cứ nghĩ là một nam độc giả nào đó góp chuyện World Cup cho vui. Ai ngờ khi trả lời ‘thưa anh,” tôi nhận được thư hồi âm như sau “Anh muốn biết tôi là ai xin vào đường linh sau đây.” Nhấn link thấy rõ ràng là một người đẹp từ Đức chứ không phải cánh mày râu. Không những thế lại là người quen trong tủ sách Tiếng Quê Hương của ông Uyên Thao cùng các thân hữu. Bạn vào linh kèm theo sẽ biết rõ hơn.
http://tiengquehuong.wordpress.com/duong-hoang-dung/
Người đẹp còn bình luận bóng đá bạn link vào đây để đọc bài của DHD.
http://daohoadaoblog.wordpress.com/2013/09/01/fc-bayern-vs-fc-chelsea/
DHD viết trước ngày hai đội Đức và Brazil xung trận:
“Nếu Brazil vắng hai cột trụ, mà Đức vẫn thua, đội Đức sẽ mất mặt bầu cua lắm, nhưng DHD vẫn cầu nguyện cho Đội Brazil thắng!
Trên hết, vì Bzazil với số dân đông đang sống trong cảnh khốn khó, niềm vui chiến thắng bóng đá là niềm vui lớn an ủi. Họ xứng đáng hưởng niềm vui này với tư cách đội nhà.
Huấn luyện viên Đức J. Loew đã nói câu có ý nghĩa “Trận này tất cả chúng ta đều đấu cho Neymar.” Đoạt chức vô địch lần này là niềm an ủi lớn cho dân Brazil sau vụ Neymar.
Xin chúc đội Brazil gặp hên...! Như thế Final mà DHD mong đợi sẽ là Brazil vs Argentinien. (Trong cuộc sống không chỉ có thắng thua, mà còn là tình người, Đức không thể vui khi thắng Brazil trong hoàn cảnh Neymar bị như thế !) DHD.”
Và trong e mail mới đây, DHD viết:
“Trận tối nay được xem hai anh tài kình địch Lionel Messi vs Arjen Robben...
Bây giờ muốn biết đội nào thắng thì hỏi ngay cặp vợ chồng Hoàng gia của Holland . Trong khi ông hoàng Willem-Alexander ủng hộ đội nhà nhưng liệu bà vợ Máxima có ủng hộ theo hay ủng hộ đội banh của quê hương Argentinien của bà?”
Tiếc rằng DHD đã không đạt được mong muốn. Người ở Đức lại vì lòng “nhân đạo” mong cho đối phương thắng.
Tạm ngưng tường thuật ở đây, tôi đã nghĩ đến ngày World Cup cuối cùng.
(Nguồn: Internet)
----------------------


Phụ đính 2
Cái chết của một nền bóng đá?

Trần Công Hưng

4-WC2014-HT Brazil
Khi tỷ số “mới” là Brazil 0-5 Đức chỉ chưa đầy 30 phút ở hiệp một trận bán kết, người ta đã nghĩ tới việc đánh giá Brazil là một đội bóng “tầm thường”, nhưng thật ra, đội chủ nhà đã là một đội bóng “bình thường” từ lâu rồi.
Tại Confederations Cup năm ngoái, trước khi trận đấu giữa Brazil và Nhật Bản diễn ra, thậm chí nhiều người còn lo Brazil “xịn” sẽ thua “Brazil Châu Á”.
Nhưng điều đó đã không xảy ra, Brazil thậm chí vô địch giải đấu tiền World Cup được tổ chức tại sân nhà sau khi thắng đương kim vô địch thế giới Tây Ban Nha. Điều đó lại che mờ đi những tồn tại của đội tuyển luôn được nhiều người xem là số một thế giới này.
Cứ chiến thắng, những lời chỉ trích sẽ bị đạp tan. Điều đó đã diễn ra từ ngày khởi tranh World Cup 2014 đến giờ. Đội tuyển Vàng Xanh vượt qua Croatia trong ngày mở màn bằng sự kém xuất sắc của thủ môn đội bóng Đông Âu và sự bênh vực của trọng tài.
Tiếp đó bất lực trước Mexico trong trận hòa 0-0 nhưng cuối cùng lại được đền bù bằng chiến thắng trước đội thuộc loại kém nhất World Cup – Cameroon.
Vị trí số một bảng A lại làm người Brazil mơ mộng. Đến vòng lại trực tiếp, sau khi bế tắc trước đối thủ ưa thích Chile và chỉ có thể chiến thắng bằng loạt sút luân lưu, Brazil loại tiếp Colombia nhờ các hậu vệ. Trong trận tứ kết, hàng phòng ngự Brazil đã chơi rất bạo lực và họ cũng làm luôn nhiệm vụ ghi bàn bằng 2 pha lập công của bộ đôi trung vệ.
Hôm nay Brazil thủng lưới 7 bàn và người ta nhắc tới tầm quan trọng của Thiago Silva. Có thể họ sẽ không thua đậm như vậy nếu có anh, nhưng từ bao giờ các vũ công Samba mới coi trọng các hậu vệ đến vậy?
Nếu nhìn lại lịch sử, đội hình của đội bóng lập lỷ lục về số lần vô địch thế giới chưa bao giờ được coi là hoàn hảo: Thủ môn bình thường, các hậu vệ bình thường (thỉnh thoảng có hậu vệ cánh xuất sắc, nhưng ở phương diện tấn công), tiền vệ phòng ngự cũng không quan trọng lắm; nhưng Brazil vẫn luôn chiến thắng nhờ sự gắn kết của toàn đội hình và sự phi thường của một vài ngôi sao tấn công.

Thiếu tiền đạo
Có lẽ người ta sẽ không nói về sự thiếu vắng Neymar là nguyên nhân thất bại.
Huấn luyện viên cũng không phải vị trí cần phải quá so đo tính toán khi chọn lựa vì đội tuyển áo Vàng Xanh là nơi “tài năng của các cầu thủ che mờ những sai lầm về chiến thuật”.
Thời đó đã qua rồi! Cán cân quyền lực trong đội tuyển Brazil đã thay đổi với rất nhiều ngôi sao ở hàng phòng ngự. Ở một đất nước mà bóng đá chỉ biết tấn công, giờ đây Brazil đã có những trung vệ được săn đón hàng đầu thế giới như Thiago Silva hay David Luiz, bộ tứ vệ ra sân cũng có thể là cả 4 ngôi sao phòng ngự (bên cạnh 2 trung vệ còn có hậu vệ cánh phải Marcelo và hậu vệ cánh trái Daniel Alves hoặc Maicon).
Hàng tiền vệ của họ cũng rất chật chội và các ngôi sao vẫn có thể phải ngồi dự bị như thường, Ramires và Fernandinho là một vài ví dụ. Với nhiều “sao” như vậy, không ngạc nhiên khi Brazil là đội bóng đắt giá nhất tại World Cup với giá trị ước tính lên tới hơn nửa tỷ đô la.
"Cái làm nên chiến thắng của Brazil – tiền đạo và lối chơi máu lửa đã không còn, họ phải dựa vào tuyến dưới nhưng tiếc là những cầu thủ này chưa đủ làm nên chất thép hay một lối chơi khoa học và đầu óc như các đội bóng Âu châu"
Nhưng cái thiếu của Brazil chính là tiền đạo. Ở vị trí mà Brazil luôn tự hào là nhất thế giới này, đội bóng của đất nước lớn nhất Nam Mỹ nay phải gọi cả những cầu thủ vô danh như Fred vào đội tuyển.
Với sự thiếu thốn nhân sự hiện tại, tiền đạo chỉ vào hạng xoàng này nghiễm nhiên chiếm xuất đá cao nhất trên hàng công. Neymar trong thời điểm đất nước thiếu cầu thủ xuất chúng đã được đề cao quá mức, không cần phải so sánh với Pele, anh chưa là gì so với những Ronaldo, Rivaldo hay Ronaldinho.
Cái làm nên chiến thắng của Brazil – tiền đạo và lối chơi máu lửa đã không còn, họ phải dựa vào tuyến dưới nhưng tiếc là những cầu thủ này chưa đủ làm nên chất thép hay một lối chơi khoa học và đầu óc như các đội bóng Âu châu. Kết quả là một phong cách không rõ ràng, phóng khoáng không được mà thực dụng cũng chẳng xong.
Đó mới chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến trận thua lịch sử ngày hôm nay.

Bóng đá Brazil đã sụp đổ?
"Thất bại đau đớn có lẽ lại là cần thiết để người Brazil nhìn lại bản thân và thực hiện một cuộc cải tổ triệt để cho sự trở lại vào kỳ World Cup lần sau"
Đội tuyển xứ Samba thường để đối thủ của mình ghi bàn, nhưng cuối trận họ vẫn luôn ghi bàn nhiều hơn đối phương. Tại bán kết World Cup 2014, Brazil chỉ nhìn Đức ghi bàn mà không đáp lại. Bàn thắng danh dự ở những phút cuối của Oscar chỉ như một món quà mà đội bóng châu Âu tặng chủ nhà mà thôi. Nhưng bóng đá Brazil liệu có sụp đổ sau đại bại này?
Danh thủ Lê Huỳnh Đức sau một lần đến Brazil đã kể lại, không ở đâu trên thế giới có tình yêu bóng đá mãnh liệt như Brazil. Người dân ở đây đá bóng ở bất cứ đâu có thể, vào bất cứ lúc nào. Bờ biển cũng là sân bóng, sân bóng này đông người đến tận đêm khuya!
Đó chính là lý do Brazil không bao giờ thiếu nhân tài và đây cũng là điểm tựa để người Brazil tin tưởng vào một ngày gần đây những “Người ngoài hành tinh” sẽ trở lại với họ.

Thất bại là tốt?
Chính vì quá yêu bóng đá nên thất bại của đội tuyển là một việc khó chấp nhận (Khi đội tuyển thi đấu, cả nước Brazil nghỉ làm).
Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân nước này vẫn bấu víu vào những thắng lợi nhỏ nhoi để quên đi thực tế rằng đội bóng của họ đã không còn được như trước.
Chưa bao giờ biệt danh “Những vũ công Samba” lại được nhắc đến ít như World Cup lần này. Thất bại, đặc biệt là thất bại đau đớn có lẽ lại là cần thiết để người Brazil nhìn lại bản thân và thực hiện một cuộc cải tổ triệt để cho sự trở lại vào kỳ World Cup lần sau.
(Nguồn: Internet)
----------------------

Phụ đính 3

Brazil và World Cup: Thôi thế thì chia tay!

Nguyễn Văn Khanh (July 08, 2014)
Trên nguyên tắc, một trận banh phải kéo dài 90 phút đồng hồ. Về mặt kỹ thuật, những trận tranh tài giữa các vương quốc bóng tròn thường kết thúc sau 30 phút đá thêm hiệp phụ và đôi khi, thắng bại chỉ được giải quyết bằng những quả phạt đền.
Dự đoán đó được cả thế giới đưa ra trước khi banh lăn trên sân Estadio Mineirao ở Belo Horizonte, trước khi cả trăm triệu người ngồi trước màn ảnh truyền hình để xem trận bán kết giữa ông khổng lồ chủ nhà Brazil và ông khổng lồ Đức tiêu biểu cho làng banh da Châu Âu. Chẳng ai ngờ trận banh kết thúc chỉ trong vòng 29 phút của hiệp đầu. Cũng chẳng ai tin Brazil lại vỡ trận quá dễ dàng, anh thủ môn Julio Cesar 7 lần lầm lũi vào lưới nhặt banh, trong đó phải kể tới 4 lần bị tung lưới trong thời gian kỷ lục: vỏn vẹn trong vòng 6 phút đồng hồ.

4-WC2014-Brazil 4 5

Thủ quân David Luiz (trái) và hậu vệ Thiago Silva của Brazil cùng khóc sau khi kết thúc trận thua Đức 1-7 tại vòng bán kết World Cup 2014. Trong năm trận trước, Silva là thủ quân, và anh bị cấm đá trận với Đức vì bị hai thẻ vàng trước đó. (Hình: Robert Cianflone/Getty Images)
Trận mưa banh khởi đầu ở phút 11 khi Mueller đưa chân tạt quả banh để ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Đức, bàn thắng đó khiến cầu thủ lẫn khán giả Brazil giật mình, nhưng chỉ vài giây đồng hồ sau mọi người lấy lại được bình tĩnh, bảo nhau “chẳng có gì phải lo,” nhắc lại trận đầu vòng bảng đoàn tuyển thủ chủ nhà cũng bị Croatia dẫn trước 1-0 trước khi vùng lên san bằng cách biệt và chiến thắng vẻ vang với tỷ số 3-1.
Lời trấn an này quả có giúp cho những người ủng hộ đội tuyển áo vàng vững tâm, nhưng cũng chỉ được đúng 12 phút đồng hồ, trước khi họ chứng kiến pha dàn xếp tuyệt đẹp của dàn trung ứng và tiền đạo Đức: bảy chiếc áo đỏ lừng lững như những cỗ xe tăng tiến thật nhanh và thật đều, Kroos đưa banh từ cánh phải vào vùng cấm địa của Brazil, bảy chiếc áo vàng đứng thủ thành không chỉ ngỡ ngàng với đường banh tuyệt chiêu đó, mà còn sửng sốt khi thấy banh từ chân Muller chuyền sang cho Klose, khẩu thần công của nước Đức không bỏ lỡ cơ hội tung cú sút thật căng. Banh chạm tay thủ môn Cesar văng ra phía trước, Klose không chần chờ bắn phát súng ân huệ, ghi tỷ số 2-0 cho Đức.
Cả cầu trường im lặng, khán giả khắp thế giới cũng im lặng, không tin những gì xảy ra trước mắt họ. Và những giọt nước mắt bắt đầu rơi trên đất Brazil, những cậu bé và những cô thiếu nữ tiêu biểu cho sức sống của xứ sở với điệu Samba đều nước mắt lưng tròng, bặm môi lại, mắt nhắm nghiền không dám nhìn vào sự thật. Sự thật quá phũ phàng này không dừng ở đó, vì chỉ một phút đồng hồ sau đến lượt Philipp Lahm đưa đường banh thật độc để Kroos nâng tỷ số lên 3-0 cho đội tuyển. Trận bán kết World Cup Brazil 2014 kể như chấm dứt, ước mơ cầm chiếc cúp vô địch ngay tại sân nhà mà người dân Brazil đã nuôi trong suốt 7 năm trời qua bỗng dưng tan thành mây khói. Không còn ai muốn tiếp tục xem trận banh, cũng chẳng thèm chú ý đến bàn thắng thứ tư do công của Kroos, chẳng thèm để ý đến pha công thành và trái banh từ chân Khedira ghi bàn thắng thứ 5 cho Đức (cầu thủ Đức cũng không ôm nhau vồn vã mừng chiến thắng như họ đã làm sau những bàn thắng đầu tiên). Nếu có để ý, thì mọi người chỉ đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ: mới có 29 phút trôi qua, tức chỉ mới có 1 phần 3 thời gian tranh tài. Đâu đó có người bảo: “coi như xong, Brazil có đá đến nửa đêm cũng không thể nào lật ngược được tình thế.”

Thất bại này từ đâu đến?
“Đây là ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi” ông huấn luyện viên Luis Filipe Scolari của Brazil trả lời câu hỏi đầu tiên trong cuộc họp báo sau khi trận banh kết thúc. “Thất bại này là lỗi của tôi,” ông nói tiếp, “tôi là người đưa ra chiến lược, tôi sắp xếp cầu thủ, tôi soạn thế trận, không thành công thì tôi phải nhận lỗi.” Trước đó ngay ở một góc sân, anh thủ quân David Luiz cũng nghẹn ngào nói “tôi xin lỗi mọi người dân Brazil. Tôi luôn muốn người dân Brazil tươi cười” ý muốn nói chính anh và các đồng đội cũng chẳng ngờ có ngày hôm nay, không tin có một trận banh kết quả thảm bại như thế. Trước ngày thua Đức, Brazil đã đá 62 trận ở sân nhà mà chưa thua trận nào, chưa hề bị tung lưới quá 5 quả trong một trận World Cup (thắng Ba Lan 6-5 hồi 1938), và đây cũng là lần đầu tiên Brazil thua trận bán kết World Cup.
“Tôi nghĩ họ chưa chuẩn bị đủ để so giầy với Đức,” cựu cầu thủ Michael Ballack từng 3 lần đoạt giải cầu thủ xuất sắc nhất của làng bóng nhà nghề Đức nhận định. “Trận banh này cho thấy Brazil chỉ là một đội tuyển trung bình, và lối đá của họ khiến người xem có cảm tưởng đang xem một trận banh giữa một đội nhà nghề và một đội banh hàng tài tử.” Điều đó được dẫn chứng: “đá ngay sân nhà mà Brazil để cho Đức làm chủ tình thế, để cho Đức quyết định mức độ nhanh chậm của trận banh. Với lợi thế đó, Brazil không thể nào địch lại với một đội tuyển Đức vốn dĩ đã quá mạnh.”
“Không thể đổ lỗi thiếu Neymar” anh Hải, một nhà báo trẻ của Việt Nam chia sẻ cảm nghĩ khi được hỏi ý kiến về trận banh. “Không ai tin kết quả Đức thắng tới 7-1, ngay cả cầu thủ Đức cũng chẳng tin họ có thể thắng to đến thế, nhưng dù có cả chục Neymar thì cục diện trận bóng cũng chẳng đổi khác được. Đội tuyển Brazil ra sân với những cầu thủ cần phải có, nhưng họ thiếu anh nhạc trưởng Di Silva. Anh David Luiz mang số 4 cố gắng đóng tròn vai trò đó nhưng cục diện trận bóng thay đổi quá nhanh, khiến anh ta không thể và cũng chẳng có kinh nghiệm để xoay xở.” Một yếu tố khác nữa: “sau vòng bảng cả thế giới bóng đá chẳng ai nể nang Brazil, trong lúc các cầu thủ Brazil ra sân mà cứ nơm nớp lo mình sẽ thua.” Yếu tố đó “đủ để Đức trên chân Brazil, dù Brazil đá ở sân nhà, có cả trăm ngàn khán giả reo hò ủng hộ thì cũng chẳng có lợi ích gì.”
Bất kể lỗi do ai gây nên, từ đâu đến, Brazil cũng biết ước mơ chiến thắng đã vuột khỏi tầm tay, hay nói như ông huấn luyện viên Scolari “bây giờ chuyện phải làm là dồn mọi chú tâm cho trận tranh hạng ba” sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy tới đây trên sân Sao Paulo. Còn nhớ trước trận mở màn, ông Scolari có nói “chỉ cần đi 7 bước là đến thiên đàng” (nguyên văn: “seven steps to heaven”), ý nói chỉ cần thắng 7 trận là cầm chiếc cúp vô địch trong tay. Đội tuyển chủ nhà đã đi được 6 bước thì vấp ngã. Phải nói cho đúng: bước vấp này quá đau, bước ngã này quá nặng, không biết phải mất bao lâu họ mới có thể đứng dậy để làm lại từ đầu?
(Nguồn: Internet)
----------------------

Phụ đính 4
Chung kết

Ngô Nhân Dụng (July 11, 2014)

Loài người đang bị chia rẽ: Một tỷ người trên thế giới chia thành hai phe; trong ngày Chủ Nhật tới. Một phe đoán, và có thể đánh cá rằng đội tuyển Đức sẽ chiếm chức vô địch, một phe ủng hộ đội Argentina, trong Giải Đá Banh Thế Giới (World Cup) năm 2014. Tôi không mê đá banh, không coi đủ các trận đá, nhưng vẫn có ý kiến, không tránh được.
Tôi nghiêng về phía Argentina. Hoàn toàn không phải vì hiểu biết rành nghệ thuật nhồi bóng của hai đội. Cũng không phải vì yêu bên này ghét bên kia. Nhưng tôi nghĩ nếu đội Argentina thắng thì nhiều con người trên trái đất được sung sướng hơn, và tỷ lệ niềm vui gia tăng cao hơn là nếu đội Đức thắng. Nước Đức giàu có, bình an, xã hội công bằng, nếu được giải World Cup thì 80 triệu dân Đức vui, nhưng niềm vui đó không giúp cho hạnh phúc của họ tăng lên được bao nhiêu, so với niềm vui của dân Argentina nếu như năm nay họ chiếm giải. Vì 42 triệu người ở Argentina nghèo hơn, xã hội bất công hơn, và tương lai kinh tế cũng bấp bênh hơn người Đức. Đây là lối suy tính theo kinh tế học. Các nhà nghiên cứu kinh tế biết rằng không thể nào làm cho tất cả mọi người đều có lợi tức và của cải bằng nhau. Một chính sách kinh tế nâng cao nhiều của cải bình quân cho nhiều người nhất thì được coi là đáng chọn mà thi hành. Tôi áp dụng quy tắc này vào niềm vui trong Giải Đá Banh; cho nên ước mong đội Argentina sẽ thắng.
Có người sẽ tính toán ngược lại, nói rằng đội Đức phải thắng. Vì nếu họ thua thì có tới 80 triệu người buồn, còn Argentina thua chỉ làm cho 42 triệu người buồn thôi. Ngược lại, nếu Đức thắng thì có 80 triệu người vui, đông hơn 42 triệu, nếu Argentina thắng. Tính toán này dựa trên một định luật hoàn toàn phi kinh tế: Trên đời có những thứ đem chia sẻ cho nhiều người mà phần của mỗi người vẫn không bị giảm, có khi lại tăng lên. Trong đó có hạnh phúc, có tình yêu thương. Niềm vui thắng giải World Cup thuộc thứ “hàng hóa phi kinh tế” này.
Nhưng tôi biết quý vị độc giả Người Việt trong mấy hôm nay không ai muốn nghe phân tích kinh tế học, coi đá banh sướng hơn. Cho nên, xin trở lại với chuyện đá banh. Nếu trong trận Đức-Argentina sắp tới mà đưa tới tỷ số “không - không, 0-0” như trận Argentina, Hòa Lan vừa qua, thì chúng ta sẽ chứng kiến cảnh đá 5 trái phạt đền rất thú vị. Vì trong quá khứ đội tuyển cả hai đều có thành tích cao trong các trận đá phạt đền. Trong các trận vòng chung kết Giải World Cup hoặc Vô Địch Châu Âu từ năm 1982 đến 2012, cả hai đội đều thắng lớn (World Cup chỉ dùng thủ tục tranh thắng này từ năm 1982). Đức thắng năm trận (chỉ thua một trận năm 1976 trong giải Âu Châu, Argentina thắng cả ba trận (nước này không dự giải Âu Châu). Có người đã theo tâm lý học phân tích các trận đá kết thúc bằng 5 quả phạt đền, viết trên tuần báo Economist. Họ thấy rằng những đội thắng nhiều thường dễ thắng thêm nữa, còn các đội hay thua là bị cái dớp nó theo hoài. Đội tuyển Anh Quốc “chưa bao giờ” thắng cả, thua 6 trên 6 (The Economist là tờ báo ở nước Anh), chỉ thắng một lần ở giải Châu Âu. Một nước đang bị bỏ quên vì năm nay vắng mặt là Cộng Hòa Tiệp, họ chưa bao giờ đá một bàn nào ra ngoài lưới trong các trận đấu phạt đền.
Đá banh là một trò chơi đồng đội, nhưng lúc đá phạt đền thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân. Lúc đó, tài luồn banh, tranh banh, trao banh... không cần thiết nữa, mà cái đầu của người cầu thủ là yếu tố quyết định. Các đội “quen chân” đá thắng (Đức, Tiệp) thì chắc cầu thủ đá tự tin hơn. Các đội hay thua thì cầu thủ chưa đá đã run, cho nên không dám “đá hiểm,” gây khó khăn cho thủ môn bên địch. Có lẽ Argentina thắng Hòa Lan trong trận bán kết vừa qua là phù hợp với lối giải thích này. Argentina đã có sẵn “thói quen” thắng. Còn Hòa Lan từ 1992 đến 2006 thua ba lần trong bốn trận, thế giới và Châu Âu.
Theo báo The Economist, Giáo sư tâm lý học Jon Billsberry thuộc đại học Deakin University ở Australia giải thích thành tích thắng phạt đền theo “văn hóa,” tức là nếp sống tinh thần của các dân tộc đá banh. Nhưng nước nào mà người dân sống với tinh thần tập thể cao thì hay thắng phạt đền (Đức chẳng hạn). Còn những dân tộc đề cao thành tích cá nhân thì dễ thua. Giáo Sư Geir Jordet thuộc trường Khoa Học Thể Thao Na Uy (Norwegian School of Sport Sciences) cũng nghiên cứu và đi tới kết luận tương tự. Nếu quy luật này đúng thì nếu tranh tài đá phạt đền chắc Đức sẽ ăn Argentina. Một nước nghèo, xã hội bất công, chính quyền lại tham nhũng, thì người dân khó nuôi được tinh thần tập thể! Vì nhìn chung quanh, người ta không thấy tập thể của mình đáng cho mình hãnh diện cả! Nghĩ đến nước Việt Nam mình bây giờ thì thấy ngay. Dân tộc Việt Nam vốn không có tính ích kỷ, vị lợi, nhưng sống dưới một chế độ bất công, tham nhũng quá nửa thế kỷ thì bao nhiêu thói xấu được khơi lên và nuôi dưỡng!
Trong một tháng qua, coi giải World Cup, chúng ta đã chia sẻ những giờ phút vui buồn với một tỷ người trên thế giới. Chưa có trò chơi nào giúp loài người gần nhau đến như vậy. Xin thú thật là mỗi lần coi tôi thường không “ủng hộ” đội banh nào cả. Không mang nỗi vui, buồn của 11 cầu thủ trên sân banh mà “khăng khăng buộc lấy vào mình.”
Nhưng nhìn các khán giả trên tivi tôi cũng cảm thông với họ, nên khi vui khi buồn; mà buồn nhiều hơn vui. Trong lần sau cùng đến coi cùng độc giả Người Việt ở tòa báo, đến cảnh các khán giả Brazil khóc lóc sau khi đội Đức dẫn trước đến 4-0 thì tôi phải đứng dậy ra về, không coi nữa. Tại sao loài người phải đau khổ như vậy? Tôi thông cảm với người dân Brazil; nhưng đá banh dù sao cũng chỉ là một trò chơi. Đá banh thua, đâu phải là thể diện quốc gia đã mất, người dân phải chịu nhục nhã? Dân một nước phải thấy nhục khi phải sống trong cảnh nghèo nàn, xã hội bất công, trẻ em thất học; mà hàng ngày người dân Brazil phải chịu đựng cảnh này nhiều hơn dân Đức. Khi họ khóc, có phải cũng khóc vì nghĩ đến cảnh mình thua kém dân tộc Đức về kinh tế, chính trị kém tự do, xã hội thiếu công bằng hay không?
Nhưng thương nhất là cô bé Pragya Thapa, ở xứ Nepal. Cô học sinh 15 tuổi đã treo cổ tự vận sau khi nghe tin đội Brazil thua. Cô bé sống ở một làng cách thủ đô Kathmandu 400 cây số, nhưng cũng yêu đội banh Brazil, thấy họ thua với tỷ số 7-1 nhục quá, cô thất vọng.

4-WC2014-Thapa

Không biết ông huấn luyện viên và các cầu thủ Brazil có xin một lễ cầu hồn cho cháu Pragya không. Chắc họ cũng chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết đáng thương này bằng các đài tivi và các nhà báo đã loan tin Giải Worl Cup, mà không nhấn mạnh rằng đây chỉ là những cuộc chơi; thắng hai bại không quan trọng bằng tinh thần cao thượng khi tham dự. Cuộc vui chung của một tỷ người sắp chấm dứt, ai thắng ai bại cũng trở về nhà, rèn luyện chân cẳng chờ bốn năm nữa ra quân.
Tuy vậy, tôi vẫn ước ngày Chủ Nhật này đội Argentina sẽ thắng. Tôi đã tới thăm xứ này, và thấy cảnh sống của nhiều người dân nghèo không khác gì dân Việt mình; mặc dù lợi tức theo đầu người của họ cao hơn nhiều. Nhưng nếu đội Đức thắng thì cũng rất xứng đáng. Đó là một dân tộc rất trọng kỷ luật, đề cao tập thể nhưng không đè nén trên tự do cá nhân; làm kinh tế tư bản nhưng giữ xã hội được công bằng. Nếu họ thắng thì người Việt Nam sẽ tìm hiểu về dân tộc họ hơn, sẽ nghĩ đến việc học hỏi các đức tính của cả dân tộc này.
(Nguồn: Internet)
----------------------
01 Tháng Giêng 2024(Xem: 843)
Ngày 10 tháng 3 năm 2024 Hội Ngộ Ngô Quyền Mừng Tân Niên Giáp Thìn tại Houston, Texas.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2066)
Nhưng lần họp mặt năm nay và những năm sau nầy…chị Thanh Vân Anderson không còn về với chúng ta nữa !!!
23 Tháng Hai 2023(Xem: 3710)
Sự hiện diện đông đảo của Quý Thầy Cô và Quý anh chị Đồng Môn nói lên tình đoàn kết keo sơn giữa tình đồng hương nơi xứ lạ quê người.
03 Tháng Tư 2022(Xem: 6555)
Đây là hồi ký của Tiến Sĩ Thanh Vân Anderson. Nội dung nói về ba giai đoạn trong cuộc hành trình gian khổ,